Tàu siêu tốc Hyperlooptan tốc độ hơn 1.200km/h tan thành mây khói

Thứ Bảy, 06 Tháng Giêng 20249:00 SA(Xem: 845)
Tàu siêu tốc Hyperlooptan tốc độ hơn 1.200km/h tan thành mây khói

Mô hình hyperloop trưng bày tại khoa hàng không vũ trụ của Đại học Kỹ thuật TU ở Munich (Đức) - Ảnh: AFP

Mô hình hyperloop trưng bày tại khoa hàng không vũ trụ của Đại học Kỹ thuật TU ở Munich (Đức) - Ảnh: AFP

Hyperloop One, công ty khởi nghiệp về vận tải tương lai hứa hẹn đưa chúng ta đi qua những đường ống gần như không có không khí ở tốc độ gần bằng vận tốc siêu thanh, sắp ngừng hoạt động.

Theo Hãng tin Bloomberg, Hyperloop One đang bán bớt tài sản, đóng cửa văn phòng và sa thải nhân viên trước khi chính thức đóng cửa vào cuối năm nay. 

Thông tin này gần như là dấu hiệu cho thấy giấc mơ vận chuyển tốc độ cao của con người gần như không thể thực hiện được vào thời điểm hiện tại.

Đường ống đi tới tương lai

Hyperloop là một ý tưởng về phương thức vận tải tương lai được Elon Musk, tỉ phú sáng lập Tesla và SpaceX, công bố vào năm 2013. Ông Musk đưa ra giả thuyết rằng các toa tàu hình viên nang bằng nhôm chứa đầy hành khách hoặc hàng hóa có thể được đẩy qua một ống gần như không có không khí với tốc độ lên tới hơn 1.200km/h.

Những ống này, hoặc được nâng lên trên cao hoặc chìm dưới lòng đất, có thể được xây dựng giữa lòng các thành phố. Ông Musk gọi đây là "phương thức vận tải thứ năm" và cho rằng nó có thể giúp thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, buôn bán và du lịch.

Kịch bản bắt mắt nhất mà vị tỉ phú này vẽ ra là di chuyển từ Los Angeles đến San Francisco chỉ trong 30 phút, trong khi bay mất khoảng 1 tiếng rưỡi. Ý tưởng này đã thu hút sự tò mò của các kỹ sư và nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Hyperloop One, trước đây có tên Virgin Hyperloop, là một trong những công ty khởi nghiệp đầu tiên và lớn nhất trong lĩnh vực này. Công ty được thành lập vào năm 2014 với tên Hyperloop Technologies trước khi đổi tên thành Hyperloop One vào năm 2016 và sau đó lại thành Virgin Hyperloop One sau khi được công ty của tỉ phú Richard Branson mua lại.

Công ty đã huy động được khoảng 450 triệu USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các khoản đầu tư khác, nhờ tầm nhìn táo bạo về các hệ thống hyperloop trên toàn cầu.

Công ty đã đạt được một số bước tiến quan trọng, bao gồm xây dựng đường chạy thử ở bang Nevada (Mỹ) để kiểm tra tính an toàn và tính khả thi của công nghệ. 

Vào năm 2020, Hyperloop One đã tiến hành thử nghiệm đầu tiên và duy nhất cho tới nay với hành khách là con người. Khi đó, viên nang chỉ đạt tốc độ tối đa hơn 160km/h, kém xa so với hình dung ban đầu là gấp bảy lần con số đó.

Rào cản của thời đại

Hyperloop One không chỉ phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật mà còn phải chịu đựng những rắc rối pháp lý và tài chính. Vào năm 2017, công ty đã giải quyết một vụ kiện với một trong những người đồng sáng lập, Brogan BamBrogan, về các cáo buộc về hành vi quấy rối và phá hoại.

Một năm sau, một người đồng sáng lập khác, Shervin Pishevar, bị sa thải vì cáo buộc tấn công tình dục. Công ty cũng liên tục bị thiếu tiền mặt. Trong thời kỳ đại dịch, gần như tất cả các giám đốc điều hành và nhà sáng lập hàng đầu đã rời bỏ Hyperloop One.

Hyperloop One cũng đã loại bỏ Virgin khỏi tên gọi của mình sau khi công ty quyết định không chở khách nữa mà chuyển sang vận chuyển hàng hóa.

Hyperloop One chỉ là chi tiết nhỏ trong bức tranh lớn. 2023 đánh dấu 10 năm sau khi tỉ phú Elon Musk đưa ra ý tưởng về phương thức vận chuyển này nhưng chưa có ai thành công dù đã "đốt" hàng trăm triệu USD.

Ngay cả Công ty Boring của Elon Musk cũng gặp phải thách thức. Khi vị tỉ phú này lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về công nghệ hyperloop, ông đã lấy tuyến đường dài hơn 560km từ Los Angeles đến San Francisco làm ví dụ. Thực tế thì dự án quan trọng nhất của Công ty Boring cho đến nay là đường hầm dài hơn 4km bên dưới trung tâm hội nghị ở Las Vegas.

Ngày nay vẫn chưa có hyperloop nào với quy mô đầy đủ tồn tại ở bất kỳ đâu trên thế giới. Đường hầm thử nghiệm của ông Musk ở California đã biến mất. Bản thân vị tỉ phú này trở nên say mê với việc thảo luận về các lý thuyết bài Do Thái trên mạng xã hội X hơn là giải quyết vấn đề giao thông.

Theo trang The Verge, các nhà phê bình cho rằng mặc dù hyperloop có thể khả thi về mặt kỹ thuật nhưng nó vẫn chỉ là phần mềm hóa hơi (vaporware). Vaporware là thuật ngữ dùng để mô tả phần mềm, phần cứng máy tính hoặc các sản phẩm liên quan khác đã được công bố nhưng chưa bao giờ được phát hành.

Hyperloop được gọi là "tầm nhìn không tưởng" không thể đạt được về mặt tài chính và sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành.

Trung Quốc có hyperloop vào năm 2035?

Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc dự kiến đưa hệ thống hyperloop vào hoạt động từ năm 2035.

Với các đặc điểm bao gồm mức độ an ninh cao, mức tiêu thụ năng lượng thấp, mức độ tiếng ồn và ô nhiễm thấp, hyperloop có thể di chuyển nhanh hơn 10 lần so với tàu cao tốc truyền thống và nhanh hơn 5 lần so với máy bay chở khách thương mại.

Các nhà khoa học dự án đang xem xét một số yếu tố để xây dựng tuyến hyperloop đầu tiên của Trung Quốc, bao gồm mật độ dân số của các khu vực, hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng giao thông hiện có ở các thành phố kết nối.

Tuyến hyperloop đầu tiên dự kiến được xây dựng giữa Thượng Hải và Hàng Châu.

Trong khi giao thông đường bộ hiện mất khoảng ba giờ để đi 175km giữa Thượng Hải và Hàng Châu, hệ thống hyperloop chỉ mất có 15 phút.

Trung Quốc đã dẫn đầu về công nghệ đường sắt cao tốc và việc đầu tư vào công nghệ hyperloop có thể giúp duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu về đổi mới giao thông vận tải.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn