Phát hiện 'ma cà rồng nước' khổng lồ ở Trung Quốc: Cỗ máy săn thịt đáng sợ

Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một 20237:00 SA(Xem: 754)
Phát hiện 'ma cà rồng nước' khổng lồ ở Trung Quốc: Cỗ máy săn thịt đáng sợ

Các nhà khoa học vừa khai quật được hai hóa thạch cá mút đá 160 triệu năm tuổi được bảo tồn tuyệt vời - bao gồm cả hóa thạch lớn nhất được tìm thấy cho đến nay - giúp làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa ít người biết đến của nhóm này.

SCMP thông tin, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy hóa thạch của hai loài cá mút đá thời tiền sử lớn bất thường ở tỉnh Liêu Ning, Trung Quốc, giúp cung cấp manh mối về lịch sử của một loài hút máu đã tồn tại hơn 360 triệu năm, sống sót sau các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.

Loài cá giống lươn không hàm đôi khi được gọi là "ma cà rồng nước" vì chúng bám vào con mồi và hút máu qua cái miệng hình phễu có răng.

Hóa thạch ma cà rồng nước khổng lồ được tìm thấy ở miền bắc Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: Heming Zhang

Trước đây, các nhà khoa học không chắc tổ tiên thời tiền sử của cá mút đá kiếm ăn như thế nào vì thiếu bằng chứng hóa thạch, nhưng việc các nhà nghiên cứu làm việc tại Yanliao Biota – nơi lưu trữ lớn các hóa thạch kỷ Jura ở biên giới các tỉnh Nội Mông, Hà Bắc và Liêu Ninh ngày nay – khai quật được hóa thạch hai con cá mút đá 160 triệu năm tuổi đã giúp họ lấp đầy những khoảng trống quan trọng này.

"Cỗ máy săn thịt" đáng sợ

Các nhà nghiên cứu đặt tên chúng là Yanliaomyzon occisor và Y. ingensdentes - tên loài của chúng có nghĩa là "kẻ giết người" trong tiếng Latin và "răng lớn" trong tiếng Hy Lạp.

Các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc và Pháp đã phân tích các hóa thạch quý này - trong đó hóa thạch lớn nhất dài 64,2 cm - và phát hiện ra rằng cá mút đá đã trở thành loài săn mồi vào kỷ Jura, khi khủng long lang thang trên Trái đất, khoảng 201,3 triệu đến 145 triệu năm trước.

Nghiên cứu cho thấy, cá mút đá còn có khả năng ăn thịt và có thể phát triển dài hơn gấp 10 lần so với những con cá mút đá đầu tiên.

Những con cá mút đá kỷ Jura này cũng đã phát triển các cấu trúc kiếm ăn/ăn nâng cao. Chúng có "cấu trúc cắn" mạnh nhất trong số các loài cá mút đá hóa thạch đã biết.

Nhà cổ sinh vật học Tetsuto Miyashita của Bảo tàng Tự nhiên Canada, người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết: "Không có hóa thạch cá mút đá nào khác từ thời khủng long bảo tồn "bộ nhai" đáng sợ chúng khá rõ ràng như vậy".

Hóa thạch ma cà rồng nước khổng lồ được tìm thấy ở miền bắc Trung Quốc - Ảnh 2.

Ảnh: Heming Zhang

Nhóm nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học của Trung Quốc và Bảo tàng Quốc gia Pháp cho biết: "Những đổi mới về sinh học kiếm ăn của chúng có lẽ là nền tảng cho sự gia tăng tiến hóa về kích thước cơ thể của chúng trong thời kỳ kỷ Jura".

Tác giả chính Wu Feixiang, nhà cổ sinh vật học và giáo sư tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học cho biết: "Cá mút đá là một loài động vật tuyệt vời. Nó có thể yếu và nhỏ trong quá khứ, nhưng nó đã phải chịu đựng và sống sót qua ít nhất 4 lần tuyệt chủng hàng loạt, bao gồm cả ‘Great Dying’ 252 triệu năm trước [còn được gọi là sự kiện tuyệt chủng Permi-Trias] đã xóa sổ hơn 80% các loài sinh vật biển".

Wu Feixiang nói thêm rằng các hóa thạch mới đã cho phép các nhà nghiên cứu tái tạo lại cách tổ tiên của loài cá mút đá ngày nay sống cũng như các đặc điểm sinh học và quá trình tiến hóa của chúng.

Ông nói: "Các hóa thạch sống dường như không thay đổi trong 360 triệu năm qua, nhưng giờ đây chúng ta biết rằng chúng đã phát triển vòng đời gồm ba giai đoạn, giống như con nòng nọc phát triển từ trứng thành ếch khi chúng tiến hóa".

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng loài cá mút đá này đã tiến hóa cấu trúc răng phức tạp để giữ chặt con mồi và cắn, đồng thời có thể nạp đủ năng lượng để bắt đầu chu kỳ ba giai đoạn vào thời đại đó.

Cá mút đá thời hiện đại đôi khi được coi là mối đe dọa đối với các loài cá khác, với các nghiên cứu trước đây cho thấy chúng có thể giết chết khoảng 40 đến 60% những con mồi mà chúng tấn công.

Hóa thạch ma cà rồng nước khổng lồ được tìm thấy ở miền bắc Trung Quốc - Ảnh 3.

Nhưng giáo sư Wu Feixiang cho biết chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái vận chuyển các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ biển khi chúng di cư từ biển lên sông để sinh sản. Và việc nghiên cứu chúng có thể giúp ích cho nghiên cứu y học vì cá mút đá có các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch tương tự như các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng ở người.

Cá mút đá là một trong hai nhóm động vật có xương sống không hàm xuất hiện lần đầu tiên trong hồ sơ hóa thạch khoảng 360 triệu năm trước, trong kỷ Devon (419,2 triệu đến 358,9 triệu năm trước). Những loài cá cổ đại này, bao gồm 31 loài còn sống đến ngày nay, thường có miệng hút đầy răng mà chúng dùng để bám vào con mồi để hút máu và các chất dịch cơ thể khác.

Trong nghiên cứu mới này, Yanliaomyzon occisor - hóa thạch lớn hơn trong số hai hóa thạch mới được tìm thấy - dài 64,2 cm và là hóa thạch cá mút đá lớn nhất từng được tìm thấy.

Tuy nhiên, các loài cá mút đá còn sống trên Trái đất ngày nay có thể lớn hơn thế này nhiều. Cá mút đá biển (Petromyzon marinus) dài tới 120 cm và cá mút đá Thái Bình Dương (Entosphenus tridentatus) dài tới 85 cm.

Nguồn: SCMP, Livescience, National Geographic

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn