Là một người từng theo dõi bóng đá cuồng nhiệt, cho nên tôi nghĩ tôi có đủ kinh nghiệm để giải thích những câu hỏi sau, mà nhiều bạn không hiểu:
1. “Có trận bóng thôi mà làm thấy ghê.”
2. “Đá banh liên quan gì tới quốc gia hay yêu nước?”
3. “Thắng có trận làm gì ghê vậy.”
4. “Có nhiều thứ khác sao không lo, lo đá banh.”
Đại khái là vậy. Chủ yếu là “Đất nước có nhiều vấn đề. Chiến thắng bóng đá này chỉ làm họ ngu đần và cho CS chiến thắng.” Tôi tóm tắt ý của các bạn đúng không? Cho là đúng hoặc tương đối đi nha. Chưa hết. Rồi khi cả nước đang say trong men bóng đá, vài bạn nói mấy câu trên rồi bị chửi và bực mình. Giờ tôi xin giải thích vì sao bóng đá lại làm người ta điên cuồng như vậy.
Để hiểu vấn đề, chúng ta phải hiểu các yếu tố sau và liên kết nó lại thì mới hiểu ra vấn đề:
1. Tinh thần đồng đội – Con người thích sống trong tập thể và làm việc trong tập thể. Cho nên chúng ta tham gia các hội nhóm, các câu lạc bộ. Vì nó cho chúng ta cảm giác đoàn kết và gắn bó. Khi đứng một mình thì e ngại, nhưng khi ở trong nhóm thì cả nhóm rất mạnh dạn. Cái cảm giác đồng đội nó làm con người ta rất sung.
2. Sự cuốn hút của Bóng Đá – Bóng Đá là môn thể thao đồng đội. Đù trên sân chỉ 11 người nhưng để có 11 người đó thì cần sự liên kết của một cổ máy con người. Cho nên có thể nói một đội bóng là một biểu tượng của “Tinh thần đồng đội.” Đó là tại sao các môn như tennis không lôi kéo người ta được, vì nó không có tố chất đồng đội. Chưa hết, bóng đá rất thú vị, rất đẹp, và rất gây cấn, coi ghiền vì tình huống có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chính điều này đã làm bóng đã trở thành môn Thể Thao Vua.
3. Tinh thần quốc gia – Khi bóng đá được chơi ở cấp quốc tế thì nó kết nối 2 yếu tố trên lại: “Tinh thần đồng đội” và “Nét đẹp bóng đá.” Đội bóng trở thành một biểu tượng quốc gia đại diện cho đất nước và con người đó. Cho nên khi người ta nhìn vào, người ta có thể thấy bản thân mình trong độ bóng đó. Và khi chơi bóng, cảm giác đồng đội cho chúng ta sự đoàn kết.
4. Yếu tố cạnh tranh – Ngày xưa, các quốc gia thi đua nhau bằng gươm và súng. Bây giờ thì họ dùng thể thao để thể hiện sức mạnh, cạnh tranh bằng cách lạnh mạnh, không chết ai. Cho nên bóng đá trong trường hợp này là cách để cạnh tranh, thi đua, và thể hiện sức mạnh.
Bây giờ các bạn hãy gom 4 yếu tố trên lại. Giờ bạn là một người Việt Nam, quanh năm mệt mỏi, có quá nhiều điều phải lo. Giờ khi bạn nhìn vào đội tuyển bóng đá, bạn phấn khích vì bạn thấy bản thân mình trong đó. Đội bóng đại diện bạn cạnh tranh, đại diện bạn thể hiện sức mạnh. Bạn bị lôi cuốn vào cơn lốc đó. Khi đội thua, bạn cảm thấy như chính bản thân bạn đau. Còn khi đội thắng, bạn cảm thấy như chính bản thân bạn chiến thắng. Cho nên khi đội Việt Nam thắng để vào chung kết thì người dân phấn khích. Đây là điều bình thường, chẳng có gì phải lo ngại cả.
Giờ hãy đặt bản thân bạn vào một trong những người đó đang say men chiến thắng. Có ai đó nói: “Sao tụi mày không lo việc khác đi, bóng đá thôi mà có gì đâu làm thấy ghê?” Bạn phản ứng sao. Bạn sẽ không hài lòng và vui cho lắm. Nhẹ là làm lơ, mạnh hơn nữa là chửi, và nếu quá khích thì đập.
Bóng đá là bóng đá, nó không phân biệt quan điểm chính trị hay màu da. Bạn có quyền chính trị hóa nó, đó là quan điểm của bạn. Nhưng người khác thì không. Bạn có quyền chỉ trích, có quyền chê – đó là lựa chọn cá nhân. Nhưng hãy dùng cái não để lựa lời, lựa thời điểm mà nói. Người ta đang ăn mừng, thì bạn cứ để họ mừng, vài ngày thôi thì sẽ trở lại cuộc sống bình thường, có chết ai đâu.
Và nếu bạn làm chính trị thì hãy ý thức một chút. Ở đâu cũng có thành phần quá khích, nhưng đó không phải là mọi người. Cả nước đang vui mà bạn cứ nói đâm chọt, rồi trách vì sao họ vô ý thức hay vì sao họ lại chửi bạn. Nhưng đằng này, bạn lại làm điều ngược lại và nhận được kết quả tiêu cực. Các bạn có thấy mình vô duyên không?
Các bạn muốn thể hiện điều gì? Làm chính trị như vậy là thất bại rồi. Nó chỉ làm người khác ghét bạn chứ chẳng được gì. Vậy lỗi này là của ai, cả 2, nhưng tôi nghĩ nếu hiểu ý thức thì phần lớn thuộc về người “vô tình hoặc kém nhận thức về đám đông.”
Cho nên hãy vui đi, có gì đâu làm lớn chuyện. Người dân đang vui, bạn hãy vui cùng họ. Người dân đang say men, bạn hãy nhìn họ say. Tầm vài ngày là sẽ hết, như bao trận bóng khác. Đó là sức hút của bóng đá và sự điên cuồng của đám đông.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Gửi ý kiến của bạn