Xác tàu đắm có thể chứa căn phòng hổ phách

Thứ Tư, 07 Tháng Mười 202011:00 CH(Xem: 3365)
Xác tàu đắm có thể chứa căn phòng hổ phách

Con tàu hơi nước bị đắm cuối Thế chiến II có thể được quân đội Đức Quốc xã sử dụng để vận chuyển kho báu 6 tấn hổ phách.

Thợ lặn tiếp cận xác tàu hơi nước Karlsruhe. Ảnh: Baltictech.

Thợ lặn tiếp cận xác tàu hơi nước Karlsruhe. Ảnh: Baltictech.

Tomasz Stachura, thợ lặn đến từ hiệp hội Baltictech chuyên kiểm tra các xác tàu đắm ở vùng biển Baltic, cho biết nhóm của ông phát hiện xác tàu hơi nước Karlsruhe sau hơn một năm tìm kiếm. Xác tàu nằm ở đáy biển Baltic, cách Ustka hàng chục km về phía bắc. Con tàu nằm ở độ sâu 88 m và còn nguyên vẹn. Trong khoang hàng của tàu, các thợ lặn tìm thấy nhiều phương tiện quân sự, đồ gốm và nhiều chiếc hòm chưa rõ vật chứa bên trong. Theo Stachura, phát hiện này có thể cung cấp thông tin đột phá về sự biến mất của căn phòng hổ phách.

"Căn phòng hổ phách được trông thấy lần cuối cùng ở thành phố Königsberg. Tàu Karlsruhe cũng rời đi từ đó trong hành trình cuối cùng với một kiện hàng lớn", Stachura nói.

Lúc đầu, căn phòng hổ phách được thiết kế như một chiếc tủ để vua Friedrich-Wilhelm I của Phổ tặng cho Sa hoàng Peter Đại đế của Nga. Nhưng thay vào đó, các thợ chế tác quyết định sử dụng dùng hổ phách làm tấm ốp tường phòng. Căn phòng rộng hơn 55 m2 được xây dựng từ 6 tấn hổ phách, mất 10 năm để hoàn thành và trị giá 320 triệu USD theo tỷ giá ngày nay. Những tấm ốp dài 5 m bao gồm hơn 100.000 mẩu hổ phách ghép vừa khít.

Trong Thế chiến II, căn phòng hổ phách được quân đội Đức Quốc xã tháo dỡ và đóng gói. Vào ngày 14/10/1941, dưới sự chỉ huy của Rittmeister Graf Solms-Laubach, 27 kiện chứa căn phòng được di chuyển về Königsberg. Việc tháo dỡ kéo dài 36 tiếng được thực hiện dưới sự giám sát của 2 chuyên gia. Tuy nhiên, căn phòng biến mất vào năm 1945 và chưa từng xuất hiện trở lại từ sau đó.

Stachura và đồng nghiệp cho rằng tàu Karlsruhe dài 60 m, sử dụng để sơ tán người Đức khỏi miền đông nước Phổ vào cuối Thế chiến II, có thể liên quan tới sự biến mất của kho báu. Con tàu này không phải tàu chiến Karlsruhe chìm vào năm 1940 và cũng được phát hiện ngoài khơi Na Uy.

Tàu hơi nước Karlsruhe, bắt đầu hành trình cuối cùng từ Pilawa vào ngày 12/4/1945, là con tàu cuối cùng rời khỏi Królewiec trước khi người Nga nắm quyền kiểm soát thành phố. Con tàu mang theo 1.083 người tị nạn và 360 tấn hàng. Tàu Karlsruhe bị chìm vào sáng ngày 13/4/1945 và chỉ có 113 người sống sót. Những tài liệu lịch sử cho thấy tàu Karlsruhe rời cảng hết sức vội vã với lượng hàng lớn, theo Tomasz Zwara, thành viên của Baltictech.

An Khang (Theo France24)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn