Tin Tức ngày 24 tháng 03 -2025:

Thứ Hai, 24 Tháng Ba 20254:16 SA(Xem: 581)
Tin Tức ngày 24 tháng 03 -2025:

trumvayco 4
*************

Canada tổ chức bầu cử Quốc Hội sớm để đối phó với các đe dọa từ TT Trump

Minh Phương

Hôm qua, 23/03/2025, tân thủ tướng Canada Mark Carney thông báo tổ chức bầu cử Quốc Hội sớm vào ngày 28/04 thay vì chờ tới tháng 10 như dự kiến. Theo ông Carney, đây là điều cần thiết để đối phó với các mối đe dọa từ tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà ông cáo buộc là đang tìm cách để “chiếm” Canada.

Đăng ngày:

2 phút

Prime Minister Mark Carney speaks to media at Rideau Hall, where he asked the Governor General to dissolve Parliament and call an election, in Ottawa, Sunday, March 23, 2025.
Thủ tướng Canada Mark Carney trả lời báo giới tại Ottawa, Canada, ngày 23/03/2025. AP - Adrian Wyld

Thủ tướng Mark Carney, cho biết : “Chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Chúng ta cần phải xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và một nước Canada được bảo vệ tốt hơn.” Trước các đe dọa của Donald Trump, câu hỏi mà các cử tri Canada quan tâm nhiều nhất hiện nay là ứng viên nào có thể đối phó với tổng thống Mỹ?

Từ Montréal, thông tín viên Nafi Alibert cho biết cụ thể :

Các bảng hiệu đã được dựng lên, hình ảnh của các ứng cử viên được treo khắp các con phố ở Montreal. Các nhà tranh đấu và tình nguyện viên đang tích cực trưng bày màu sắc của đảng mình. Các ứng viên đang chạy đua từng phút khi mà họ chỉ có 36 ngày để thuyết phục cử tri. Bầu không khí háo hức bầu cử tràn ngập tất cả các chính đảng ở Canada, nhưng cuộc đối đầu giữa đảng Tự Do của Mark Carney và đảng Bảo Thủ của Pierre Poilievre lại đang được quan tâm nhiều nhất. Cả hai đều tự xem mình là người duy nhất có khả năng bảo vệ Canada trước Donald Trump, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ trở thành chủ đề trung tâm của chiến dịch này.

Mark Carney kêu gọi người dân Canada hãy giúp ông có một nhiệm kỳ mạnh mẽ, một đa số rõ ràng để ông có thể đấu tranh chống lại Donald Trump. Ngược lại, Pierre Poilievre tự xem mình là hiện thân của sự thay đổi thực chất mà Canada cần sau ba nhiệm kỳ liên tiếp của đảng Tự Do ở Ottawa. Ông nói :

"Hãy đặt Canada lên hàng đầu để tạo sự thay đổi bằng việc lập nên một chính phủ bảo thủ mới."

Cuộc tranh giành dự báo sẽ rất căng thẳng do khoảng cách giữa hai đảng lớn này được thu hẹp trong những ngày đầu chiến dịch. Cuộc đối đầu giữa đảng Tự Do và đảng Bảo Thủ có thể khiến các đảng khác như đảng Dân chủ Mới hoặc Bloc Québécois ít có cơ hội hơn. Những đảng này sẽ phải nỗ lực gấp đôi để duy trì ảnh hưởng tại Quốc Hội.”


**********

Nga-Mỹ đàm phán tại Ả Rập Xê Út về « hưu chiến » ở Ukraina

Một ngày sau cuộc họp của phái đoàn Ukraina và Mỹ tại Ả Rập Xê Út, hôm nay 24/03/2025, ở thủ đô Riyad diễn ra cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn Nga và Mỹ về « hưu chiến » tại Ukraina. Tối hôm qua, đặc sứ của tổng thống Mỹ Donald Trump, Steve Witkoff, tỏ ra lạc quan, trông chờ là đôi bên sẽ đạt được những « bước tiến thực sự ».

Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin họp báo ở Vienna, Áo, ngày 24/02/2023.
Thượng nghị sĩ Nga Grigory Karasin họp báo ở Vienna, Áo, ngày 24/02/2023. © AFP/Eva Manhart
Quảng cáo

Về phía Nga, khác với cuộc đàm phán lần trước với Mỹ, lần này điện Kremlin cử hai nhân vật được biết đến nhiều trong chiến tranh Ukraina : một nhà cựu ngoại giao và một cố vấn cho lãnh đạo FSB, cơ quan an ninh nội địa Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa el Jabri cho biết thêm :

« Đó là những người mà phát ngôn viên Điện Kremlin gọi là « những nhà đàm phán giỏi nhất của Nga ». Nhà ngoại giao, thượng nghị sĩ Grigory Karasin, từng là thứ trưởng Ngoại Giao, đã trực tiếp tham gia soạn thảo các thỏa thuận Minsk 1 và Minsk 2 hồi năm 2014 và 2015. Đó là một quá trình kéo dài nhằm triển khai cơ chế giám sát trong giai đoạn một của cuộc xung đột sau khi xẩy ra tình trạng bất ổn tại Donbass và việc thành lập hai khu vực gọi là nước Cộng Hòa Donetsk và Lougansk, chịu ảnh hưởng của Matcơva.

Một nhân vật khác cũng được biết đến nhiều trong hồ sơ Ukraina là Sergei Beseda, hiện là cố vấn cho giám đốc FSB, cơ quan an ninh nội địa của Nga. Vị tướng này trong một thời gian dài đã lãnh đạo một trong các cục của cơ quan này, đơn vị chuyên trách thu thập thông tin tình báo ở các nước thuộc Liên Xô cũ, trong đó có cả Ukraina. Bị Mỹ, Liên Âu, Canada và Anh trừng phạt từ năm 2014, Sergei Beseda vẫn nắm quyền khi Vladimir Putin tiến hành điều mà ông vẫn gọi là « chiến dịch đặc biệt » ở Ukraina.

Quảng cáo

Chỉ có điều là không gì cho thấy là Matxcơva trông chờ nhiều vào giai đoạn này. Trước tiên, cho dù 2 nhân vật nói trên có thể nêu ra những mong muốn đàm phán rất cụ thể, nói một cách khác, đó là mục đích của cuộc họp, nhưng các cuộc đàm phán này có thể phải phải kéo dài ít nhất là vài tuần lễ. Tiếp theo là phạm vi các vấn đề thương lượng, lệnh ngừng bắn liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng và việc nối lại lưu thông hàng hải ở Hắc Hải (thỏa thuận ngũ cốc).

Về cả hai chủ đề nói trên, đặc biệt là về việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải, các lợi ích của Nga được đặt lên trên hết. Hắc Hải là nơi mà tương quan lực lượng hiện giờ đang bất lợi cho Nga. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi theo Điện Kremlin, đây là « chủ đề chính của các cuộc đàm phán » vào thứ Hai 24/03/2025 tại Riyad.

Ukraina kỳ vọng gì từ đàm phán Nga-Mỹ ?

Dù đã chấp nhận đề nghị ngừng bắn do Mỹ đưa ra, các cuộc không kích của Nga vào nhiều thành phố của Ukraina vẫn tiếp tục và gây nhiều thương vong trong những ngày qua, trong khi Matxcơva cáo buộc Kiev đã tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong lãnh thổ Nga. Trong bối cảnh như vậy, tại Ukraina người dân không mong đợi gì nhiều vào cuộc đàm phán Nga -Mỹ tại Ả Rập Xê Út.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev tường trình :

Về phần mình chính phủ tỏ ra lạc quan. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định các cuộc trao đổi và nỗ lực hướng tới nền hòa bình công bằng cho Ukraina vẫn đang tiếp tục. Về phía người dân, có rất nhiều sự hoài nghi về thiện chí của Nga trong việc tham gia vào tiến trình hòa bình, ngay cả khi triển vọng ngừng bắn được hoan nghênh sau mười một năm chiến sự  và ba năm chiến tranh toàn diện, thì trên thực tế vẫn chưa có dấu hiệu le lói hòa dịu, cũng như mong muốn hòa bình từ phía Nga lại càng không thấy.

Cũng không có dấu vết nào của lệnh ngừng bắn ít ra là một phần, được Hoa Kỳ thông báo ngày 11 tháng 3. Tại Ukraina, hàng ngày các cuộc tấn công của Nga vẫn tiếp diễn, trên mặt trận và trên không khắp lãnh thổ Ukraina. Hôm qua tại khu vực Donetsk, ba người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng drone. Tại Kiev tối qua, một trẻ em 5 tuổi cùng người cha cũng như một phụ nữ 80 tuổi đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng drone. Ông Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh tăng cường sức ép đối với Nga, trong bài phát biểu tối qua ông tuyên bố bất kể các cuộc thảo luận với các đối tác của Ukraina như thế nào, Putin phải bị buộc chấm dứt các cuộc không kích này và rằng kẻ khơi mào cuộc chiến tranh phải chấm dứt chiến tranh.


***********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

7 phút

(AP/RFI) – Giáo hoàng Phanxicô xuất viện sau 5 tuần điều trị. Ngày 23/03/2025, giáo hoàng Phanxicô đã xuất viện sau khi được điều trị vì bị viêm phổi nghiêm trọng. Trước khi trở về Vatican, ngài xuất hiện trên ban công bệnh viện Gemelli để ban phước cho các tín đồ trong buổi đọc kinh Truyền Tin. Đội ngũ bác sĩ chăm sóc khuyến cáo giáo hoàng « nghỉ ngơi dưỡng bệnh ít nhất là 2 tháng ». Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu người đứng đầu Giáo Hội có thể chạy kịp lịch trình mùa lễ Phục sinh trong vài tuần tới hay thậm chí có thể tiếp tục tông du hay không.

(AFP) – Pháp : Hơn 90.000 người biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc. Vài chục cuộc tuần hành đã diễn ra chiều 22/03/2025 trên khắp nước Pháp theo lời kêu gọi của hàng trăm nghiệp đoàn, hiệp hội địa phương và quốc gia, để phản đối trình trạng phân biệt chủng tộc và cực hữu, trong đó có cả khẩu hiệu phản đối hãng xe điện Tesla của tỉ phú Mỹ Elon Musk. Cuộc tuần hành được lên kế hoạch từ lâu nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ phân biệt chủng tộc 21/03.

(AFP) – Tổng thống Algérie tỏ dấu hiệu hòa dịu với Pháp. Mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau vụ trục xuất một công dân Algérie sống bất hợp pháp và vi phạm pháp luật ở Pháp nhưng bị chính quyền Alger từ chối nhận và vụ nhà văn Pháp gốc Algérie Boualem Sansal có nguy cơ bị kết án 10 năm tù vì cho rằng một phần lãnh thổ Maroc trở thành đất của Algérie dưới thời Pháp đô hộ. Ngày 22/03/2025, tổng thống Algérie Abdelmadjid Tebboune lấy làm tiếc vì vụ tranh chấp « bị tạo dựng » với Paris và cho biết chỉ đối thoại với tổng thống Macron, người được ông coi là « điểm tham chiếu duy nhất » để giải quyết các bất đồng song phương.

(Reuters) – Israel dùng drone và tên lửa oanh kích miền nam Liban và dải Gaza. Hôm nay, 23/03/2025, Israel tiến hành một đợt tấn công bằng drone nhằm vào miền nam Liban, một ngày sau cuộc leo thang bạo lực dữ dội nhất kể từ khi lệnh hưu chiến ban hành tháng 11/2024 có hiệu lực. Sau vụ nhiều tên lửa rốc-kết được phóng đi từ Liban nhằm vào lãnh thổ Israel hôm thứ Bảy, 22/03, quân đội Israel, đã đáp trả làm thiệt mạng 8 người dân, trong đó có một bé gái người Syria và hơn 40 người khác bị thương. Tại dải Gaza, Israel cũng mở cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào thành phố Khan Younès ở miền nam, giết chết một lãnh đạo chính trị của phe Hamas.

(Les Echos) – Thăm dò : Donald Trump là một « kẻ thù của châu Âu ». Theo một thăm dò qua mạng được Cluster17 thực hiện tại chín nước – Đức, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Rumani – 51% số người được hỏi đánh giá tổng thống Mỹ Donald Trump đích thực là một kẻ thù, và chỉ có 9% xem ông như là một người bạn. Tháng 11/2024, một thăm dò khác do trang mạng Le Grand Continent của Pháp thực hiện, với câu hỏi : « Quý vị xem Donald Trump như là kẻ thù hay là bạn của châu Âu ? », người dân châu Âu tỏ ra dè dặt : Cứ 10 người thì có 4 người khẳng định không thể nhận định về chủ đề này.

(AFP) – Hoa Kỳ chấm dứt quy chế pháp lý của hơn 500 ngàn di dân. Chính quyền Donald Trump thông báo sẽ chấm dứt tư cách pháp lý của hơn 500 ngàn di dân gốc châu Mỹ La-tinh bằng sắc lệnh hành pháp. Động thái này tác động đến di dân đến từ bốn nước là Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela theo chương trình do người tiền nhiệm Joe Biden khởi xướng vào tháng 10/2022 và được mở rộng vào tháng Giêng năm 2023. Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra thông báo nêu rõ, những ai được hưởng chương trình này « phải rời nước Mỹ từ đây đến ngày 24/04/2025 trừ phi những người này đã được hưởng một quy chế khác cho phép họ ở lại Mỹ ».

(RFI) – Thổ Nhĩ Kỳ : Tư pháp ra lệnh giam tù thị trưởng Istanbul. Một thẩm phán hôm nay, 23/03/2025, đã ra lệnh bỏ tù ông Ekrem Imamoglu, thị trưởng thành phố Istanbul sau phiên xử ông ngày hôm qua cùng với 90 bị cáo khác. Việc bắt giữ ông Ekrem Imamoglu, còn là một đối thủ chính trị lớn của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hôm thứ Tư 19/03, đã làm dấy lên làn sóng phản đối to lớn trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ.

(AFP) – Mỹ kêu gọi nước ngoài hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trứng vì cúm gia cầm. Ngày 21/03/2025, bộ trưởng Nông Nghiệp Hoa Kỳ cho biết đã bắt đầu kêu gọi nước ngoài hỗ trợ, trong đó có Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng thiếu trứng hiện nay là do dịch cúm gia cầm tại các trang trại chăn nuôi ở Hoa Kỳ khiến nguồn cung bị giảm và biến trứng thành biểu tượng của lạm phát khiến người dân Mỹ không thể an tâm. Để ngăn chặn virus lan rộng hơn, hơn 30 triệu gà mái đẻ đã bị tiêu hủy kể từ đầu năm 2025.

(AFP) – Bóng đá : Đội tuyển Pháp phải lội ngược dòng trước Croatia nếu muốn đi tiếp ở UEFA Nations League 2025. Sau thất bại đắng cay ở tứ kết lượt đi trước Croatia (0-2) hôm 20/03, đội tuyển Pháp, hôm nay 23/03/2025, buộc phải chiến thắng trong trận lượt về trên sân nhà Stade de France để có thể đi tiếp vào vòng bán kết. Huấn luyện viên Didier Deschamps hy vọng các cầu thủ « Áo Lam » sẽ có một trận lượt về khởi sắc sau màn trình diễn rất đáng lo ngại tại Croatia, với những sai sót trong khâu phòng ngự và hàng công bế tắc, mặc dù tiền đạo ngôi sao Kylian Mbappé đã trở lại đội tuyển sau 6 tháng vắng mặt.

(Le Figaro) – Pháp : Một nhà thờ bị rao bán trên trang rao vặt. « Nhà thờ nằm ở vị trí đắc địa, rộng 539m2 với nhiều khả năng chuyển đổi », quảng cáo rao bán « một tài sản hiếm có » ở thành phố Lens (miền bắc Pháp) trên trang Leboncoin vào tháng 03/2025 khiến nhiều người bị sốc và tức giận vì một công trình tâm linh bị « đại hạ giá » trên trang rao vặt. Trước khi quyết định bán, nhà thờ đã kêu gọi quyên góp trực tuyến để trùng tu vào cuối năm 2024 nhưng chỉ thu được 10 euro. Những năm gần đây, nhiều nhà thờ không có kinh phí trùng tu, hoạt động nên phải rao bán. Tuy nhiên, quảng cáo này cho thấy chủ đề « bán nhà thờ » vẫn rất tế nhị tại Pháp.

(AFP) – Trung Quốc đơn giản thủ tục kết hôn để thúc đẩy sinh con. Ngày 22/03/2025, Bắc Kinh thông báo các biện pháp mới để đơn giản thủ tục đăng ký kết hôn, theo đó, các cặp đôi có thể đăng ký kết hôn ở bất kỳ nơi nào trên khắp cả nước, thay vì phải về nơi đăng ký hộ tịch của một trong hai người. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cam kết chống lại một số hủ tục như đòi của hồi môn quá mức và lễ cưới tốn kém, gây một áp lực tài chính đối với gia đình chú rể. Bắc Kinh đề ra những biện pháp này vào lúc tỷ lệ các cuộc hôn nhân đã giảm đến 20,5% trong năm 2024 và đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Trung Quốc có dân số giảm.


***********

Quan chức chính trị Hamas thiệt mạng trong chiến dịch của Israel

Hamas cho biết al-Bardaweel, thành viên văn phòng chính trị của nhóm, đã thiệt mạng trong đợt không kích của Israel ngày 22/3.

Nhóm vũ trang Hamas hôm nay cho biết ông Salah al-Bardaweel, 65 tuổi, và vợ đã thiệt mạng trong cuộc không kích trước đó một ngày của Israel nhằm vào trại al-Mawasi gần thành phố Khan Younis, miền nam Gaza.

Quân đội Israel chưa lên tiếng về thông tin.

Bardaweel là thành viên văn phòng chính trị Hamas, cơ quan ra quyết định của nhóm vũ trang. Đây là quan chức chính trị cấp cao thứ ba của Hamas thiệt mạng từ khi Israel nối lại các đợt không kích ở Gaza, sau Yasser Harb và Essam al-Daalis, lãnh đạo chính quyền Hamas tại dải đất.

Salah al-Bardaweel, thành viên văn phòng chính trị Hamas. Ảnh: IANS

Salah al-Bardaweel, thành viên văn phòng chính trị Hamas. Ảnh: IANS

Bardaweel, sinh ra ở trại tị nạn Khan Younis, gia nhập Hamas khi nhóm vũ trang này thành lập năm 1987. Ông từng là phát ngôn viên Hamas, sau đó thăng tiến và được bầu vào văn phòng chính trị của nhóm năm 2021.

Bardaweel phản đối hợp tác an ninh giữa chính quyền Palestine với Israel, ủng hộ đấu tranh vũ trang nhằm vào Tel Aviv. Hamas nói rằng Israel đã bắt và thẩm vấn Bardaweel trong 70 ngày hồi năm 1993. Ông cũng bị lực lượng an ninh của chính quyền Palestine bắt một số lần.

Bardaweel từng dẫn đầu phái đoàn Hamas đàm phán ngừng bắn gián tiếp với Israel năm 2009.

Chiến sự Israel - Hamas bùng phát từ tháng 10/2023, sau khi nhóm vũ trang tập kích miền nam Israel gây thương vong lớn và bắt 251 con tin. Tel Aviv sau đó mở chiến dịch đáp trả. Sau 15 tháng giao tranh, hai bên ngừng bắn hồi tháng 1 theo thỏa thuận ba giai đoạn, trao đổi con tin với tù nhân Palestine. Giai đoạn một kết thúc hồi đầu tháng và các bên chưa nhất trí về giai đoạn tiếp theo.

Vị trí các khu đô thị lớn tại Dải Gaza. Đồ họa: BBC

Vị trí các khu đô thị lớn tại Dải Gaza. Đồ họa: BBC

Quân đội Israel ngày 18/3 mở chiến dịch "Sức mạnh và Thanh kiếm", phát động không kích quy mô lớn vào loạt mục tiêu Hamas ở Dải Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch nhằm buộc nhóm vũ trang phải thả những con tin còn lại.

Theo cơ quan y tế Gaza, chiến sự đã khiến hơn 50.000 người Palestine thiệt mạng, hơn 113.000 người bị thương, đa số là phụ nữ và trẻ em.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)


************

Giáo hoàng Francis lần đầu xuất hiện từ khi nhập viện


Giáo hoàng Francis xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau hơn 5 tuần nhập viện, trước khi được xuất viện và trở về Vatican.

Giáo hoàng Francis hôm nay xuất hiện trên ban công Bệnh viện Đa khoa Gemelli ở Rome, Italy. Ông mỉm cười, vẫy tay rồi giơ ngón tay cái với các tín đồ phía dưới, gương mặt vẫn lộ vẻ mệt mỏi.

Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng xuất hiện trước công chúng sau hơn 5 tuần nhập viện để điều trị hàng loạt vấn đề hô hấp.

"Xin cảm ơn mọi người", Giáo hoàng Francis nói qua micro.

Advertisement

Giáo hoàng Francis ngồi ngoài ban công khoảng 2 phút, sau đó quay vào trong và được xuất viện. Ông ngồi trong ôtô và vẫy tay khi trở về Vatican. Dưới mũi Giáo hoàng vẫn có ống nhựa nhỏ để cung cấp oxy.

Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, nhập viện ở Rome từ ngày 14/2 sau khi gặp hàng loạt vấn đề hô hấp, từ viêm phế quản đến viêm cả hai lá phổi. Đây là lần thứ tư Giáo hoàng nhập viện và là lần nằm viện dài nhất kể từ khi ông nhậm chức năm 2013.

Giáo hoàng Francis vẫy tay với các tín đồ từ ban công Bệnh viện Đa khoa Gemelli, Rome, Italy ngày 23/3. Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis vẫy tay với các tín đồ từ ban công Bệnh viện Đa khoa Gemelli, Rome, Italy ngày 23/3. Ảnh: AFP

Vatican ngày 21/3 xác nhận Giáo hoàng Francis đã có những tiến triển nhỏ về khả năng hô hấp và vận động. Bác sĩ Sergio Alfieri cho biết Giáo hoàng Francis "cần thêm ít nhất hai tháng để bình phục" và khó có thể trở lại làm việc ngay lập tức.

"Quá trình hồi phục sẽ diễn ra tại nhà. Bệnh viện không phù hợp với quá trình này, vì nguy cơ lây nhiễm chéo", ông Alfieri nói.

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)


**********

Putin giăng sẵn chiếc bẫy cho Trump về Ukraina

Thụy My

The Economist phân tích về « Cái bẫy mà Putin giăng ra cho Trump ». Nhà độc tài Kremlin vẽ ra cho tổng thống Mỹ viễn cảnh Nga có thể giúp giải quyết nhiều hồ sơ lớn lao khác. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Putin dẫn dụ Trump trao ông ta tất cả những gì mong muốn về Ukraina, để đổi lấy những lời hứa suông.

Le Point tuần này đăng ảnh Vladimir Putin trong bộ đồ trận hiếm thấy, với tựa « Kẻ siết cổ ». L’Express có cuộc phỏng vấn độc quyền Vladilav Sourkov, « người đã tạo ra Putin ». Courrier International chạy tít trang nhất « Quốc phòng : châu Âu chuẩn bị ra sao », Le Nouvel Obs dành hồ sơ cho địa ốc.

Putin không có lợi gì khi ngưng chiến

Dùng chữ « Kẻ bóp cổ » để chỉ ông chủ điện Kremlin, Le Point chú ý đến chi tiết Vladimir Putin lần đầu tiên kể từ ba năm chiến tranh, bất ngờ mặc đồ treillis khi đến Kursk. Ông ta cho thấy vẫn tiếp tục cuộc chiến, nếu Donald Trump thực sự muốn ngưng bắn thì phải nhượng bộ thêm nữa.

Kể từ một phần tư thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo Nga vẫn ưa thích các xung đột. Năm 1999, cuộc chiến Chechnya giúp Putin lên ngôi. Năm 2008, khi Hiến pháp buộc phải rời Kremlin, ông ta đổi vai với Dmitri Medvedev, và kiểm soát lại chính trường nhờ cuộc xâm lăng Gruzia. Đến 2014, việc chiếm Crimée khiến uy tín Putin lên như diều. Năm 2022, Putin thừa thắng xông lên với việc rầm rộ kéo quân sang Ukraina, nhưng quân Nga thất bại không chiếm được Kiev, sa lầy suốt thời gian qua, chỉ mới đây mới rửa được nỗi nhục ở Kursk.

Vậy thì tại sao phải dừng lại ? Tổng thống Nga không có lợi gì khi ngưng chiến. Ông ta đã phải trả một cái giá khổng lồ bằng máu của lính và vô số vũ khí để chỉ tiến được vài cây số vuông ở Donbass năm 2024, « nước Nga vĩ đại » phải bám lấy Trung Quốc để tránh né cấm vận. Giờ đây Putin đang ở thế mạnh, hiểu rõ tâm lý Donald Trump, dân Nga chán ngán chiến tranh nhưng bị đàn áp không dám phản kháng. Tất cả thúc đẩy Putin phải dấn tới. Nhất là khi nghe Trump lặp lại lời tuyên truyền dối trá của Nga, chẳng hạn « hàng ngàn quân nhân Ukraina bị bao vây ở Kursk », kẻ thù Volodymyr Zelensky thì bị J. D. Vance sỉ nhục...

« Hòa bình của họ là sự đầu hàng, hòa bình của thất bại »

Le Point nhận xét Putin có thời gian, còn Trump vội vã vì đã hứa kết thúc chiến tranh « trong 24 giờ », và quyền lực có thể bị giảm sút nếu Cộng Hòa bị mất Thượng Viện năm tới. Trump xòe ra tất cả các lá bài, còn Putin kín kẽ.Chưa chi nhà độc tài Kremlin đã đạt được hai điểm chính là Ukraina không được vào NATO, giữ lại Crimée và có thể cả Donbass. Ông ta còn được ngồi ngang hàng với đại cường Mỹ, qua mặt các nước châu Âu và đang mơ đến việc chấm dứt trừng phạt, Trump thậm chí nói đến việc để cho Nga quay lại G7.

Hồi năm 2022, trong cuộc đàm phán ở Istanbul sau khi quân Nga kéo sang, Ukraina hầu như sắp thỏa thuận được với Nga về việc không gia nhập NATO, nhưng từ chối giải giáp. Ba năm sau, các cuộc thảo luận không tiến thêm một milimet nào. Nga phản đối quân đội châu Âu sang giữ gìn hòa bình, để khi tấn công tiếp Ukraina không thể tự vệ. Thế nên Putin, « người yêu chuộng hòa bình » đã xuất hiện với bộ đồ trận.

Le Nouvel Obs cho rằng Trump - nhà thương lượng hung hăng nhưng muốn được coi là người kiến tạo hòa bình - để giải quyết nhanh chóng một hồ sơ phức tạp như Ukraina, đã ép uổng Kiev tối đa. « Dí súng vào thái dương », đòi khai thác mỏ…Trump buộc Ukraina chấp nhận ngưng bắn 30 ngày nhưng không thể tác động lên Matxcơva được.

Trong khi đó không ít người chỉ trích Zelensky « hiếu chiến », không muốn « hòa bình » - trước những điều kiện không thể nào chấp nhận được. Tuần báo dẫn lại tuyên bố mạnh mẽ của thượng nghị sĩ Pháp Claude Malhuret, đang được lan truyền rộng rãi cả ở bên kia bờ Đại Tây Dương : « Họ nói là muốn hòa bình. Điều mà họ và Trump đều không nói ra, hòa bình của họ là sự đầu hàng, là hòa bình của thất bại, là thay ‘’De Gaulle Zelensky’’ bằng một ‘’Pétain Ukraina’’ liếm gót Putin ».

Cái bẫy được Putin giăng sẵn cho Trump về Ukraina  

The Economist phân tích về « Cái bẫy mà Putin giăng ra cho Trump ». Cuộc điện đàm kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng Vladimir Putin nắm phần chủ động, Donald Trump chẳng áp đặt được gì. Đây là một cái tát, mà chỉ một người trơ trẽn mới mở miệng nói rằng đó là chiến thắng.

Mối nguy hiểm thực sự vẫn còn ở phía trước. Putin vẽ ra cho Trump viễn cảnh rằng còn rất nhiều thứ đáng giá hơn là một xứ sở thảm hại như Ukraina. Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Trung Đông và xa hơn nữa, như thúc giục người bạn Iran từ bỏ trái bom nguyên tử. Đầu tư Mỹ vào các công ty Nga, khai thác khí đốt ở Bắc Cực có thể tiến triển nhanh chóng. Hãy hình dung Nga ra khỏi « quan hệ đối tác không giới hạn » với Trung Quốc. « Đại chiến thế giới lần thứ ba » mà Trump vẫn lo, có thể tránh khỏi.

Tất cả đều là ảo tưởng, nhằm dẫn dụ Trump trao cho Putin tất cả những gì ông ta muốn về Ukraina, để đổi lấy những lời hứa suông. Thực tế là Nga lệ thuộc vào Trung Quốc hơn bao giờ hết và sẽ không thể chia tay. Ảnh hưởng của Matxcơva lên Iran chỉ hạn chế. Kinh tế Nga nhỏ hơn cả nước Ý và chịu đựng sự thất thường của nhà độc tài, nên các cơ hội kinh doanh rất mỏng manh.

Nếu theo đuổi ảo ảnh này, ông Trump giảm bớt áp lực mà phương Tây đã áp đặt lên Nga, thì nước Mỹ sẽ thua cuộc. Điều đó sẽ tạo thêm rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu, Ukraina bị bất ổn, gây ra rủi ro cho toàn bộ châu Âu. Các liên minh và giá trị mà nước Mỹ đã bảo vệ trong nhiều thập niên sẽ bị suy yếu và bản thân nước Mỹ cũng yếu đi. Ông Trump có thể không quan tâm nhiều đến những điều này, nhưng chắc chắn ông sẽ lo bị coi là yếu đuối, giống như người tiền nhiệm Joe Biden khi Taliban tràn vào Afghanistan.

Vì sao Putin căm ghét Zelensky ?

Cũng về Ukraina, Le Point tiết lộ nguồn gốc sự thù hận của Putin đối với Zelensky. Người cựu diễn viên đã đắc cử tổng thống Ukraina 8 tháng trước đó, lần đầu tiên gặp tổng thống Nga tại Paris cuối năm 2019, nhằm tái thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Donbass.Tổng thống 41 tuổi tràn đầy tin tưởng. Trước khi rời Kiev sang Paris, cựu thủ tướng Ukraina, Arseni Iatseniouk, một người biết rất rõ Putin đã đến thăm ông, cảnh báo : « Thưa tổng thống, xin ông đừng tin bất cứ một lời nào của tên khốn đó ».

Hôm 09/12/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky tại điện Élysée. Các phóng viên ảnh đến gần, Zelensky đang lật xem tài liệu, Putin nói giọng mệnh lệnh : « Quay sang phía họ đi ! ». Người cựu diễn viên ngoan ngoãn làm theo. Putin tưởng rằng khống chế được nhà lãnh đạo « amateur », nhưng trong suốt 9 tiếng đồng hồ đàm phán, Zelensky vẫn vững vàng : « Ukraina không bao giờ nhượng lại lãnh thổ của mình ».

Vị tổng thống trẻ bẻ lại từng điểm một trong hồ sơ mà Putin ngỡ rằng sẽ ép được. Nhà phân tích chính trị Vitaly Portnikov cho biết, Putin cực kỳ tức giận. Hai bên không bắt tay nhau. Tại Kiev, Zelensky được hoan nghênh nhiệt liệt sau cuộc thử lửa đầu tiên. Putin căm ghét tổng thống Ukraina từ lúc đó, còn Zelensky theo với thời gian mới mất dần ảo tưởng về nhà độc tài ở Kremlin. Sau vụ khẩu chiến ở Nhà Trắng, uy tín của Volodymyr Zelensky tăng vọt 10 điểm, lên 68 %, kể cả ở Lviv cách tiền tuyến hơn 1.000 kilomet, nơi ông bị Porochenko đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019.

Le Point đến thăm thành phố này, người dân Lviv cho biết họ hãnh diện vì Zelensky. Anna, một nhân viên ngành y nói thêm : « Ở đây không ai còn mặc đồ vét từ khi người Mỹ chỉ trích ông ấy về trang phục ». Linh mục Roman Mentukh, 30 tuổi, tuyên úy quân đội, từng làm hơn 500 lễ tang cho các quân nhân, khẳng định không thể hình dung được ai khác hơn Zelensky để đương đầu với Putin. Ông nói : « Tôi bỏ phiếu cho Porochenko vì nghi ngờ những người nói tiếng Nga như Zelensky, nhưng giờ đây tôi chắc chắn rằng ông ấy là một người Ukraina thực thụ ».

Kursk, ưu thế đánh mất của Ukraina : Liệu có bị Trump đâm sau lưng ?

Về tình hình chiến trường, Le Point The Economist đều lấy làm tiếc vì ưu thế Kursk của Ukraina bị mất đi. Người ta đặt dấu hỏi về sự trùng hợp : Nga tập trung tấn công khi Mỹ đột ngột ngưng viện trợ quân sự cho Kiev. Oleh, thuộc tình báo quân đội Ukraina khẳng định Nga có kế hoạch trước : « Ngày 07/03, một trận mưa bom có thiết bị dẫn đường và đại pháo trút xuống lực lượng chúng tôi xung quanh Soudja, đồng thời với việc lính Nga đột nhập ».

Mamouka Mamoulachvili, chỉ huy một đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt Ukraina cho rằng không phải là ngẫu nhiên khi quân Nga mở chiến dịch quy mô đúng vào ngày Donald Trump cấm chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraina. Anh nói với Le Point : « Chúng tôi bỗng dưng bị mù ». The Economist thì dẫn một nguồn tin chính phủ Ukraina cho rằng chỉ đơn giản là Trump không hỗ trợ nữa. « Trong bảy tuần lễ, chúng tôi từ tư thế đồng minh bỗng trở thành khách hàng, với một món nợ hoàn toàn tưởng tượng ».

Đối với Mamoulachvili, nguy hiểm nhất là các drone Nga dùng sợi quang, không thể gây nhiễu. « Họ có 100 khi chúng tôi chỉ có 1, chênh lệch là khủng khiếp. Không thể quay về vị trí mà không có thiết giáp phủ lưới chống drone, và nếu có thì cũng không tránh được các drone tự sát ». Ranger, phụ tá của anh nói thêm : « Quân Nga làm chủ bầu trời. Tất cả xe cộ đều trở thành mục tiêu ».

Tuy nhiên lực lượng Ukraina không hề bị bao vây như tuyên truyền của Kremlin được Trump lặp lại. Nhưng quân Ukraine đã rút lui tương đối nguyên vẹn, và một lực lượng đáng kể vẫn còn cách xa Nga tới 10 kilomet, trấn giữ các vị trí thuận lợi trên các cao điểm. Một chỉ huy quân sự nói : « Trump dường như lấy thông tin từ các video trên Instagram của Nga ».

Người bạn Mỹ bỗng thay hình đổi dạng kiểu Frankenstein

Về quan hệ Hoa Kỳ - châu Âu, L’Express bình luận, hồi kết một tình bạn luôn đáng buồn, nhất là khi bị phản bội – Hoa Kỳ quay lưng lúc châu Âu đang cần đến nhất. Nhà địa chính trị Mỹ Jacob Heilbrunn nhìn nhận, không thể nào tin tưởng Hoa Kỳ 100 %, vì cũng như các nước khác, luôn đặt lợi ích của mình lên trên. Tuy nhiên đây là một sự thay đổi kiểu « Frankenstein » : một nước Mỹ thân Nga, thù địch và nguy hiểm.

Tuần báo nhắc lại, tổng thống George W. Bush tấn công Irak, Barack Obama không nhúc nhích khi Putin chiếm Crimée và Bachar Al Assad giết dân bằng vũ khí hóa học. Từ bỏ « lằn ranh đỏ » do chính mình đặt ra, Obama bỏ rơi tổng thống Pháp François Hollande vào phút chót dù đôi bên đã chuẩn bị phối hợp hành động. Từ 2017 với Donald Trump, Mỹ và châu Âu càng rời xa hơn. Joe Biden quá thận trọng, chỉ giúp Ukraina nửa vời. Không có hỏa tiễn tầm xa lẫn không quân yểm trợ, Kiev nhận được số vũ khí chỉ đủ để không thua…Điều an ủi duy nhất là ba thập niên sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, cú sốc Trump đã buộc châu Âu phải tính đến sự an nguy của mình mà không có Chú Sam.

Về cuộc phỏng vấn độc quyền của L’Express với Vladislav Sourkov, cố vấn trong bóng tối của Vladimir Putin, tuần báo cho biết không phải muốn làm cái loa cho Kremlin, mà như dân biểu châu Âu Raphael Gluckmann đã nhận xét : « Nếu người châu Âu đọc Sourkov, thì đã chẳng tin tưởng Putin ». Lý thuyết gia Sourkov cho rằng nước Nga không có biên giới, các quốc gia dân chủ tự do quá yếu vì không dùng quyền lực mạnh, rốt cuộc sẽ tự hủy diệt.

Đồng minh e dè, giữ khoảng cách với Washington

Theo giáo sư Gary Bass, đại học Princeton trên The Economist, việc Donald Trump không muốn lắng nghe lời khuyên của đồng minh là sự điên rồ trong đối ngoại. Tác giả dẫn ra một số trường hợp cho thấy các nước bạn nay e dè không dám nói thẳng với tổng thống Mỹ.

Đến Phòng Bầu dục hôm 12/03, thủ tướng Ireland, ông Micheal Martin không muốn mạo hiểm để khỏi bị tấn công như Volodymyr Zelensky, né hết những vấn đề nhạy cảm. Một loạt các nhà ngoại giao tự bịt miệng mình để tránh chọc giận ông Trump. Ngoại trưởng Anh David Lammy, trước đây ông gọi ông Trump là « bạo chúa », « kẻ bệnh hoạn ghét phụ nữ, đồng cảm với chủ nghĩa phát-xít mới », nay nói với BBC rằng những lời chỉ trích của ông « đã xưa rồi ».

Kevin Rudd, đại sứ Úc tại Washington, đã cứu được chiếc ghế bằng cách xóa các bài đăng cũ trên mạng xã hội gọi ông Trump là « tổng thống phá hoại nhất trong lịch sử » « tên ngốc nhà quê ». Khi đến thăm Nhà Trắng vào ngày 07/02, thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru ca ngợi khẩu hiệu « Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại » của ông Trump, nhưng không thảo luận về chiến tranh Ukraine hoặc Gaza.

Nước Mỹ của Trump đang lao vào tâm bão

Theo The Economist, đó là hậu quả cách làm việc của chính quyền Trump, đã tự tách mình ra khỏi cơ hội học hỏi từ lời khuyên của các đồng minh dân chủ. Thời chiến tranh Triều Tiên, các đồng minh thúc giục Hoa Kỳ tránh sử dụng vũ khí hạt nhân. Từ tháng 11 năm 1950, thủ tướng Anh, Clement Attlee đã cảnh báo tổng thống Mỹ Harry Truman về nguy cơ xung đột với Trung Quốc. Theo ông, nên cố gắng chia rẽ hai cường quốc cộng sản khổng lồ Nga và Trung Quốc - một dự báo về cái bắt tay lịch sử của Richard Nixon ở Bắc Kinh vào năm 1971-1972.

Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, Anh cũng có những lời khuyên hữu ích. Tại Việt Nam, chính quyền Kennedy và Johnson lẽ ra nên lắng nghe tổng thống Pháp Charles de Gaulle. Tướng De Gaulle, một quân nhân chuyên nghiệp đã học được những bài học cay đắng từ cuộc chiến tranh thực dân đẫm máu của Pháp ở Việt Nam và Algérie.

Tuy nhiên, ông Trump đang phá vỡ lợi thế lịch sử lâu dài của nền ngoại giao Hoa Kỳ, cùng với liên minh phương Tây được xây dựng vững vàng sau Đệ nhị Thế chiến. Ông hoài nghi chính trị gia các nước dân chủ, thích những nhà độc tài như Vladimir Putin hay Viktor Orban, tức giận với những người dám tranh luận - như ông Zelensky. Dưới thời Donald Trump, nước Mỹ đang mù quáng lao vào tâm bão.


*************

Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cảnh báo công dân cẩn thận khi nhập cảnh Hoa Kỳ

Thu Hằng

Ngày 21/03/2025, tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đã khuyến cáo công dân có ý định nhập cảnh vào Mỹ thời gian tới cần « cẩn trọng, tỉnh táo, và có trách nhiệm trong mọi lời nói, hành vi, và hoạt động cá nhân ». Nhiều nước trên thế giới, như Đức, Pháp, Đan Mạch… cũng khuyến cáo công dân sau vụ một nhà khoa học Pháp bị từ chối nhập cảnh khi đến Mỹ tham dự hội thảo dường như do bị phát hiện « có ý kiến cá nhân » phản đối tổng thống Trump.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Theo truyền thông trong nước (nhưng bài trên VnExpress và VOV đã bị rút), « tổng lãnh sự quán khuyến cáo người Việt về nhập cảnh vào Mỹ », theo 10 điểm cần lưu ý, như không để giấy tờ hết hạn ; không nên ra khỏi lãnh thổ Mỹ nếu không thật sự cần thiết ; tuyệt đối tránh đăng tải, chia sẻ hay viết các nội dung mang tính nhạy cảm chính trị, phân biệt sắc tộc, tôn giáo hoặc có thẻ bị hiểu nhầm là cực đoan ; không tham gia hoặc thể hiện quan điểm (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến các phong trào bị chính quyền Mỹ coi là nhạy cảm, cực đoan, hoặc gây chia rẽ cộng đồng ; không xóa dữ liệu trong điện thoại, máy tính trước khi nhập cảnh nếu có nội dung nhạy cảm: Việc xóa dữ liệu ngay trước chuyến bay có thể bị nghi ngờ là « che giấu chứng cứ », làm tăng rủi ro bị điều tra…

Những khuyến cáo này được đưa ra sau khi có một số trường hợp bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Gần đây nhất là một chuyên gia về không gian, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp - CNRS, đến Mỹ tham dự hội nghị gần Houston, đã không được nhập cảnh và phải quay về ngày 10/03, sau khi điện thoại của người này bị kiểm tra ngẫu nhiên và phát hiện nhiều trao đổi cá nhân « thể hiện sự thù hận với tổng thống Trump ». Tuy nhiên, cuộc điều tra của FBI đã bác những cáo buộc đó.

Ngày 18/03, bộ Ngoại Giao Đức cũng cập nhật hướng dẫn đi lại đối với công dân tới Mỹ sau khi ghi nhận nhiều công dân Đức bị giữ lại ở Mỹ, theo báo Spiegel ngày 20/03. Bộ này đặc biệt cảnh báo là ngay cả những vi phạm nhỏ về thủ tục cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức hoặc cấm nhập cảnh.

Ngày 20/03, Đan Mạch yêu cầu công dân là người chuyển giới phải tìm hiểu kỹ thông tin tại đại sứ Mỹ ở Copenhagen trước khi đến Hoa Kỳ. Theo Reuters, thông báo này được đưa ra sau khi Phần Lan đưa ra cảnh báo về việc chính quyền tổng thống Trump chỉ công nhận hai giới tính : nam và nữ.


************

Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, cảnh báo công dân cẩn thận khi nhập cảnh Hoa Kỳ

Thu Hằng

Ngày 21/03/2025, tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đã khuyến cáo công dân có ý định nhập cảnh vào Mỹ thời gian tới cần « cẩn trọng, tỉnh táo, và có trách nhiệm trong mọi lời nói, hành vi, và hoạt động cá nhân ». Nhiều nước trên thế giới, như Đức, Pháp, Đan Mạch… cũng khuyến cáo công dân sau vụ một nhà khoa học Pháp bị từ chối nhập cảnh khi đến Mỹ tham dự hội thảo dường như do bị phát hiện « có ý kiến cá nhân » phản đối tổng thống Trump.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Theo truyền thông trong nước (nhưng bài trên VnExpress và VOV đã bị rút), « tổng lãnh sự quán khuyến cáo người Việt về nhập cảnh vào Mỹ », theo 10 điểm cần lưu ý, như không để giấy tờ hết hạn ; không nên ra khỏi lãnh thổ Mỹ nếu không thật sự cần thiết ; tuyệt đối tránh đăng tải, chia sẻ hay viết các nội dung mang tính nhạy cảm chính trị, phân biệt sắc tộc, tôn giáo hoặc có thẻ bị hiểu nhầm là cực đoan ; không tham gia hoặc thể hiện quan điểm (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến các phong trào bị chính quyền Mỹ coi là nhạy cảm, cực đoan, hoặc gây chia rẽ cộng đồng ; không xóa dữ liệu trong điện thoại, máy tính trước khi nhập cảnh nếu có nội dung nhạy cảm: Việc xóa dữ liệu ngay trước chuyến bay có thể bị nghi ngờ là « che giấu chứng cứ », làm tăng rủi ro bị điều tra…

Những khuyến cáo này được đưa ra sau khi có một số trường hợp bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ. Gần đây nhất là một chuyên gia về không gian, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp - CNRS, đến Mỹ tham dự hội nghị gần Houston, đã không được nhập cảnh và phải quay về ngày 10/03, sau khi điện thoại của người này bị kiểm tra ngẫu nhiên và phát hiện nhiều trao đổi cá nhân « thể hiện sự thù hận với tổng thống Trump ». Tuy nhiên, cuộc điều tra của FBI đã bác những cáo buộc đó.

Ngày 18/03, bộ Ngoại Giao Đức cũng cập nhật hướng dẫn đi lại đối với công dân tới Mỹ sau khi ghi nhận nhiều công dân Đức bị giữ lại ở Mỹ, theo báo Spiegel ngày 20/03. Bộ này đặc biệt cảnh báo là ngay cả những vi phạm nhỏ về thủ tục cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức hoặc cấm nhập cảnh.

Ngày 20/03, Đan Mạch yêu cầu công dân là người chuyển giới phải tìm hiểu kỹ thông tin tại đại sứ Mỹ ở Copenhagen trước khi đến Hoa Kỳ. Theo Reuters, thông báo này được đưa ra sau khi Phần Lan đưa ra cảnh báo về việc chính quyền tổng thống Trump chỉ công nhận hai giới tính : nam và nữ.


************

IOC lần đầu trong lịch sử có nữ chủ tịch đến từ Châu Phi - Tạp chí thể thao

Anh Vũ

Sau 131 năm tồn tại, Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC), lần đầu tiên đã bầu một phụ nữ người Zimbabwe làm chủ tịch. Bà Kirsty Coventry, 41 tuổi sẽ kế nhiệm chủ tịch người Đức, Thomas Bach để lãnh đạo định chế quản lý thể thao thế giới. Sự kiện được đánh giá là lịch sử của phong trào Olympic hiện đại.

Cuộc bầu cử đã diễn ra tối thứ Năm, 20/03/2025, tại Costa Navarino, thành phố biển của Hy Lạp. Chỉ cần một vòng bỏ phiếu, bà Kirsty Coventry đã giành được đa số phiếu tuyệt đối, 49 phiếu, bỏ xa 6 ứng cử viên đối thủ nam giới. Đặc phái viên RFI, Christophe Diremszian tại Costa Navarino, cho biết:

Không phải là một chiến thắng mà là một thắng lợi huy hoàng, 49 trên 97 phiếu bầu. Một tỷ lệ đáng kinh ngạc không kém gì sự nghiệp của Kirsty Coventry ở Ủy Ban Olympic Quốc tế, chỉ 12 năm lên đến đỉnh cao, ngay cả đó không phải là giấc mơ thời trẻ thơ của bà. Bà nói :

« Khi tôi còn là cô bé 9 tuổi, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có ngày đứng ở đây để phục vụ phong trào tuyệt vời của chúng ta. Đây không chỉ là vinh dự vô cùng lớn mà còn là lời nhắc nhở cam kết của tôi với  mỗi người trong tổ chức mà tôi sẽ lãnh đạo với vô cùng tự hào.

Trẻ và hiện đại, từng tham gia nhiều ủy ban củ IOC, là bộ trưởng Thể thao của Zimbabwe, hai lần vô địch Olympic 200m bơi ngửa, trong công việc bà được Thomas Bach đánh giá cao và ủng hộ ra ứng cử. Ứng viên Sebatian Coe, người thất bại, chỉ thu được 8 phiếu, vẫn tỏ ra là người chơi đẹp. Ông nói :

« Tôi rất vui mừng với Kirsty, Chúng ta có một vận động viên lãnh đạo tổ chức. Đó là điều tốt. Cách đây vài tuần chúng tôi đã thảo luận với nhau và chúng tôi đã đồng ý với nhau về nhiều việc. Tôi chúc mừng bà, bà có rất nhiều việc ở phía trước, nhưng bà sẽ có được niềm tin của các vận động viên ».

Đến ngày 24 tháng 6 bà mới chính thức nhậm chức. Nhưng ngay thứ Sáu này, ông Thomas Bach đã khởi động quá trình chuyển giao quyền lực bằng việc mời bà ăn sáng.

Chủ tịch IOC là một chức vụ đặc biệt được trọng vọng và đối xử như nguyên thủ quốc gia. Trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại, IOC đã qua 8 đời chủ tịch là người châu Âu và 1 người Mỹ chưa hề có ai là nữ giới.  Cuộc chạy đua vào chức vụ này từ trước tới nay vẫn thường mang màu sắc địa chính trị và các cuộc vận động hậu trường cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả. Kirsty Coventry là người phụ nữ đầu tiên đến từ Châu Phi đã vượt qua một kỳ cuộc bầu cử lịch sử, bằng bản sắc châu Phi và những đóng góp to lớn trong thể thao.

Thông tín viên Josephine Cloeckner tại Johanesburg phác họa chân dung của vị nữ chủ tịch tân tử của IOC :

41 tuổi, Kirsty Coventry đã có ở phía sau mình một sự nghiệp lớn đầy ắp thành tích. 7 huy chương Olympic môn bơi, trong đó có 2 huy chương vàng vào các kỳ Thế vận hội  2004 và 2008. Với thành tích này, bà trở thành vận động viên giành nhiều huy chương Olympic nhất châu Phi. Ngoài ra bà còn là phụ nữ châu Phi duy nhất trong số 7 ứng viên cho chức chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc tế. Đó cũng là thế mạnh của bà.

Sinh ra tại Harare, thủ đô Zimbabwe, bà tham gia tranh cử dựa trên nguyên tắc triết lý nhân sinh Ubuntu «  Tôi tồn tại bởi chúng ta tồn tại ». Đó là quan niệm sống cơ bản trong cộng đồng người Bantu ở miền nam lục địa Phi, đặc biệt được các giải thưởng Nobel Hòa Bình, Nelson Mandela và Desmond Tutu cổ vũ.

Sau khi rút khỏi sự nghiệp thi đấu thể thao năm 2016, Kirsty Coventry tiếp tục hoạt động trong thể thao ở mọi cấp độ. Tham gia Ủy Ban Olympic Quốc tế năm 2013, ở quê hương mình, bà còn là bộ trưởng Thanh Niên, Thể Thao, Nghệ Thuật và Giải Trí từ năm 2018. Bà cũng là người thành lập Học viện Bơi tại Zimbabwe. Ngày thứ Năm này, một lần nữa bà đã ghi dấu ấn vào trang sử thể thao.

Đây là một “cuộc bầu cử lịch sử” đối với Liên Hiệp Châu Phi, tổ chức đã ca ngợi Kirsty Coventry đã  “phá bỏ rào cản, mở đường cho một tương lai công bằng và hòa nhập hơn trong thể thao”.  Ủy ban Olympic Zimbabwe đánh giá  “bà là hiện thân của sự xuất sắc và niềm tự hào  với Châu Phi, của Zimbabwe và của phụ nữ.

Nhiều gương mặt thể lớn của châu Phi đã gửi lời chúc mừng bà gọi cuộc bầu cử này là “phi thường”.

Tại quê nhà, Kirsty Coventry cũng đã ít nhiều  gây tranh cãi do từng tham gia chính phủ chuyên quyền của tổng thống Emmerson Mnangagwa. Hôm thứ Năm, ông  đã gọi chiến thắng của bà là “một thành công đáng tự hào cho Zimbabwe và cả châu lục.”

Tuy nhiên, đương kim bộ trưởng Thể thao luôn khẳng định mong muốn thay đổi mọi thứ “từ bên trong.” Sau khi đắc cử, nữ chủ tịch tương lai của Ủy ban Olympic Quốc tế đã gửi lời đến châu Phi: “Đây là thời khắc của chúng ta.”

Thách thức địa chính trị 

Là lãnh đạo định chế quản lý thể thao lớn nhất hành tinh, Kirsty Coventry sắp tới đây sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị quốc tế đang phủ bóng trên các đấu trường thể thao.

Đầu tiên bà sẽ phải xử lý hồ sơ vận động viên Nga và Belarus. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, thể thao hai quốc gia này bị tảy chay khắp lượt trong các cuộc thi đấu quốc tế. Các vận động viên Nga và Belarus đều phải thi đấu dưới màu cờ trung lập.

Chưa đầy một năm trước Thế vận hội mùa đông 2026 tại Milano-Cortina, số phận của các vận động viên Nga và Belarus sẽ là một trong những vấn đề đầu tiên mà tân Chủ tịch CIO phải giải quyết. Bà Coventry chưa bày tỏ lập trường rõ ràng về vấn đề này.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas là một ví dụ khác về lập trường cân bằng của định chế thể thao thế giới: trong khi IOC chưa bao giờ cân nhắc đến việc để vận động viên Israel thi đấu dưới danh nghĩa trung lập tại Thế vận hội Paris 2024, đồng thời bác bỏ mọi sự so sánh giữa Gaza và Ukraina. Tuy nhiên IOC đã mời đặc cách 8 vận động viên Palestine không thể vượt qua vòng loại tham dự Paris 2024. Với sự tàn phá mà thể thao Palestine phải hứng chịu, câu hỏi này chắc chắn sẽ lại nảy sinh khi Thế vận hội Los Angeles đến gần.

Hồ sơ khác đang gây lo ngại trong phong trào thể thao thế giới liên quan đến Mỹ và tổng thống Donald Trump. Mỹ đâng có vai trò không thể thiếu đối với phong trào Olympic, không chỉ vì họ là chủ nhà của Thế vận hội mùa hè 2028 tại Los Angeles và Thế vận hội mùa đông 2034 tại Salt Lake City, mà còn vì Mỹ là nước đóng góp hơn một phần ba doanh thu của IOC - thông qua bản quyền truyền hình do NBC Universal chi trả. Mỹ cưng là nơi đào tạo ra nhiều nhà vô địch Olympic, trong đó bà tân chủ tịch Covetry cũng đã được huấn luyện tại Auburn ( Alabama) trước khi giành được bảy  huy chương Olympic.

Tuy nhiên từ khi trở lại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump đã gây nhiều áp lực lên các quy định về điều kiện của vận động viên nữ tham gia Olympic, đe dọa cấm các vận động viên chuyển giới thi đấu trên lãnh thổ Mỹ. Điều này đặt ra thách thức với IOC, tổ chức có nhiệm vụ đảm bảo sự độc lập của thể thao.

"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp với các giá trị của mình - bao gồm tinh thần đoàn kết và đảm bảo mọi vận động viên đủ điều kiện tham gia Olympic đều có thể thi đấu và được an toàn", bà  Coventry tuyên bố tối thứ Năm.

Một vấn đề khác đã nảy sinh với chính quyền Donald Trump. Mỹ đã đình chỉ khoản đóng góp của mình cho Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) trong năm nay, trong khi họ vẫn duy trì luật chống doping mang tính chất ngoài lãnh thổ từ năm 2020, điều có thể làm rạn nứt hệ thống thể thao toàn cầu.

Giấc mơ Olympic Châu Phi

Việc một bộ trưởng Thể thao Zimbabwe (từ năm 2018), người điều phối Thế vận hội Olympic trẻ Dakar năm 2026 được bầu làm chủ tịch IOC, tất yếu sẽ đặt ra một câu hỏi: Là châu lục duy nhất chưa từng tổ chức Thế vận hội Olympic, khi nào thì châu Phi sẽ được đón sự kiện lịch sử đầu tiên này?

Là quốc gia tiên phong đăng cai World Cup năm 2010, Nam Phi hiện chính thức tham gia chạy đua giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2036, cùng với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Qatar và Ả Rập Xê Út.


***********

Trung Quốc tích cực "mua chuộc" người dân Đài Loan làm gián điệp

Thu Hằng

Trung Quốc bị tổng thống Đài Loan xem là « thế lực nước ngoài thù nghịch ». Theo thống kê chính thức chính quyền Đài Bắc, được AFP trích dẫn ngày 23/03/2025, số người bị truy tố ở Đài Loan vì tội làm gián điệp đã tăng lên nhiều trong những năm gần đây.

Đăng ngày:

2 phút

Cơ quan tình báo Đài Loan cáo buộc Trung Quốc sử dụng « nhiều kênh và chiến thuật » khác nhau để xâm nhập vào quân đội, các cơ quan chính phủ và tổ chức thân Trung Quốc trên hòn đảo. Mục đích là đánh cắp những tài liệu mật về quốc phòng, thề đầu hàng quân đội Trung Quốc hoặc thành lập các nhóm vũ trang hỗ trợ Trung Quốc trong trường hợp tấn công chiếm đảo. Đối tượng chính bị nhắm đến là quân nhân nghỉ hưu và tại ngũ, những người bị dễ bị lôi kéo vì lợi nhuận, nạn nhân của tống tiền hoặc có tư tưởng thân Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia cho AFP biết Bắc Kinh triển khai nhiều biện pháp mới để tuyển gián điệp trong bối cảnh trao đổi giữa hai bên bị sụt giảm vì căng thẳng chính trị và Covid-19, như thông qua tín dụng phi chính thức cho vay hoặc xóa nợ cho các quân nhân hoặc cựu chiến binh cung cấp thông tin, kêu gọi « tội phạm tuyển dụng cựu chiến binh để vận động các đồng đội cũ thành lập các « lữ đoàn thiện xạ » và lên kế hoạch chống các đơn vị quân sự Đài Loan và đại sứ quán nước ngoài ».

Cuối cùng, theo dân biểu Puma Shen, thuộc đảng Dân Tiến cầm quyền, nhiều ca sĩ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và chính trị gia cũng bị buộc phải tuân lệnh của Bắc Kinh, phát tán thông tin sai lệch, bày tỏ ý kiến ủng hộ Trung Quốc hoặc thu thập thông tin tình báo.

Dân biểu Puma Shen đánh giá mạng lưới gián điệp của Trung Quốc « tăng đều đặn », « không chỉ làm suy yếu quốc phòng mà cả hệ thống dân chủ » ở Đài Loan. Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan cho biết 64 người bị truy tố trong năm 2024 vì làm gián điệp cho Trung Quốc, trong đó có 15 cựu chiến binh và 28 quân nhân tại ngũ. Năm 2023, Đài Loan xử 48 vụ và 10 vụ năm 2022.


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo