Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 25 -03 -2024

Thứ Hai, 25 Tháng Ba 20246:37 SA(Xem: 1082)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 25 -03 -2024

hcm-om-nhieuem-dep

*************
rfi.fr

Việt Nam : Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền ? - Tạp chí Việt Nam

Thu Hằng

Chưa đầy hai năm, Việt Nam lại tìm chủ tịch nước lần thứ ba. Ông Võ Văn Thưởng, người được ông Nguyễn Phú Trọng che chở, không thoát khỏi chiến dịch “đốt lò” dù trước đó ông đã được tổng bí thư “cứu” một lần. Trái với người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng ra đi với những lời chỉ trích gay gắt của Đảng : Những vi phạm, khuyết điểm của ông “đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân”.

Tại sao lần này ông Thưởng không qua được cửa ải ? Một trong những lý do gián tiếp có lẽ là tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Tổng bí thư dường như bị những người giúp ông làm trong sạch bộ máy đảng tiếm quyền. Trên đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 21/03/2024.


RFI : Ông Võ Văn Thưởng là chủ tịch nước thứ hai phải từ chức trong vòng hơn một năm. Đây là chuyện vô cùng hiếm trong lịch sử Việt Nam. Nên hiểu hiện tượng này như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết phải nói rằng đây là một sự kiện có nhiều ý nghĩa. Ông Võ Văn Thưởng, người thân cận và được tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng che chở, đã được vạch cho một sự nghiệp sáng lạn từ năm ngoái (2023). Mọi người đều cho rằng ông sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng, kể cả chức tổng bí thư Đảng thay ông Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm thích hợp. Ông Thưởng có cả một quá trình công tác, một sự nghiệp hoàn toàn phù hợp với những gì mà ông Trọng trông đợi ở một nhà lãnh đạo cấp cao cho Nhà nước Việt Nam. Vậy mà bỗng dưng ông Thưởng “ngã ngựa”, lại vào lúc chưa đầy hai năm nữa là tới kỳ Đại hội Đảng.

Vậy có thể rút ra những bài học gì từ sự kiện này ? Trước mắt, tôi thấy được ba bài học. Thứ nhất, kể cả người được ông Trọng bảo vệ cũng “ngã ngựa”, có nghĩa là ông Trọng không còn mạnh như trước đây, cho nên các đối thủ của ông tự cho phép đánh bật ông Võ Văn Thưởng. Vì vậy, bài học rút ra, đó là chủ tịch nước bị buộc thôi chức cũng đồng nghĩa với việc ông Nguyễn Phú Trọng không còn đủ khả năng ngăn cản việc này. Nên nhớ là cách đây ít lâu, đích thân ông Trọng đã can thiệp vào bộ máy Nhà nước để bảo vệ ông Võ Văn Thưởng vì một vài rắc rối liên quan đến gia đình. Nhìn từ khía cạnh này thì đây là một điểm rất đáng quan tâm.

Yếu tố thứ hai, để buộc chủ tịch nước Việt Nam từ chức, người ta lôi lại một vụ tham nhũng từ cách đây 12 năm khi ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh Quảng Ngãi. Hậu quả vụ tham nhũng bất ngờ ập xuống sau 12 năm. Cho nên, có thể thấy đây chỉ là một cái cớ chính trị để hạ gục một người hiện trở thành mối nguy hiểm cho những mục tiêu và tham vọng của một số người khác.

Điểm thứ ba, tôi cho là vô cùng quan trọng, đó là những chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Nguyễn Phú Trọng trong khi ông vốn là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ chống tệ nạn này ngay từ nhiệm kỳ đầu vào năm 2011. Hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ bộ Công An, dưới trướng ông Tô Lâm và bộ trưởng Công An gần như là chỉ huy chính những chiến dịch này. Trước đây, ông Tô Lâm luôn phải đối phó với ảnh hưởng rất mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đây là ba bài học từ việc chủ tịch nước bị lật đổ mà theo tôi, mang đầy tính chính trị và tình thế.

RFI : Với tư cách là một nhà nghiên cứu, quan sát nước ngoài, ông nhận định như thế nào về việc hai chủ tịch nước bị buộc từ chức chỉ trong hơn một năm ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là tôi không quá bất ngờ. Đúng là cách đây vài tháng, thậm chí là vài tuần, nhiều nhà quan sát về tình hình chính trị Việt Nam, cũng như nhiều người Việt mà tôi vẫn trao đổi, đều tin vào tương lai sự nghiệp của ông Võ Văn Thưởng. Vậy mà ông bất ngờ bị hạ bệ, một cách khá tàn bạo.

Đối với tôi, nếu nhìn vào ba bài học đã đề cập ở trên thì thời thế đã thay đổi và cuộc chiến thừa kế trong Đảng đã bắt đầu. Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. Nếu tình trạng sức khỏe của tổng bí thư Đảng không suy yếu như hiện nay thì chuyện lẽ ra phải xảy ra trong năm 2025 thì lại đến sớm hơn, ngay từ bây giờ. Cuộc chiến kế thừa sẽ không chờ đến tháng 01/2026 vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới.

Một điểm khác cần lưu ý, khi tổng bí thư Đảng nắm giữ chức chủ tịch tiểu ban nhân sự, ông Nguyễn Phú Trọng cho phần còn lại của giới lãnh đạo thấy rằng ông chưa tìm được người kế nhiệm rõ ràng. Ông cho thấy là vẫn muốn có ảnh hưởng đến việc chọn người kế nhiệm. Tuy nhiên, hiện giờ, việc ông Võ Văn Thưởng bị loại cho thấy ông Trọng không còn ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm người kế nhiệm tương lai.

Tại sao chiến dịch chống tham nhũng, không biết lần thứ bao nhiêu, dường như lại loại bỏ chính người được ông Trọng bảo vệ ? Tại sao lại viện đến cái cớ cũ rích là một vụ tham nhũng ở tỉnh Quảng Ngãi cách đây 12 năm để loại ông Thưởng ? Đối với tôi, rõ ràng sự kiện này cho thấy khởi đầu của một cuộc đấu đá nội bộ giành quyền kế vị giữa các phe phái đang chi phối quyền lực Nhà nước Việt Nam.

RFI : Việc thay đổi một vị trí trong "Tứ trụ" trong khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ tác động như nào đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế ?

Benoît de Tréglodé : Trong số 18 ủy viên Bộ Chính Trị, thực ra, theo tôi hiểu giờ còn 14, nếu căn cứ vào điều lệ Đảng để có thể được bầu vào vị trí tổng bí thư, thì có lẽ chỉ còn 4 ứng cử viên có thể đủ điều kiện. Có thể thấy là có sự thắt chặt và thay đổi khá rõ ràng.

Liên quan hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tôi cho là tác động sẽ ở mức vừa phải trong thời gian đầu. Tất cả các nhà quan sát, kể cả thuộc các tổ chức công hay tư đều biết rằng bộ máy chính trị Nhà nước sẽ có biến động trước kỳ Đại hội Đảng tới. Dĩ nhiên, chuyện lại xảy ra sớm hơn dự kiến vì như tôi nói, điều được cho là có thể xảy ra vào năm 2025 lại xảy ra ngay năm 2024. Nhưng giới quan sát đã đoán được chuyện đó.

Tuy nhiên, những xáo trộn trong nội bộ không có nghĩa là bộ máy Nhà nước Việt Nam sụp đổ, mà ngược lại, lại được củng cố. Đây chỉ là cuộc tranh giành những vị trí trống và để biết được thực sự rằng liệu nhân vật quyền lực hiện nay - tôi nghĩ chủ yếu đến bộ trưởng Công An - có đạt được mục tiêu của ông trong khuôn khổ tái cơ cấu các vị trí quyền lực đứng đầu Đảng hay không, nếu thực sự là sức khỏe của tổng bí thư tiếp tục suy yếu.

Theo tôi, hình ảnh của Việt Nam sẽ bị tác động vừa phải bởi vì điều quan trọng là tăng trưởng của Việt Nam, đúng là thấp hơn một chút so với mong đợi nhưng vẫn ở mức đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế Việt Nam được lợi rất nhiều từ các chính sách giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc. Tôi tin chắc là các chuyên gia về rủi ro chính trị của những đại tập đoàn, những nhà đầu tư nước ngoài lớn không thấy mầm mống bất ổn trong nước cho nên tác động kinh tế từ những biến cố chính trị sẽ ở mức vừa phải.

RFI : Việt Nam luôn ca ngợi và lấy “sự ổn định chính trị” làm lý do thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện hai chủ tịch nước lần lượt phải từ chức có đi ngược lại với khẳng định này không ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên, quyết định tước chức vụ chủ tịch nước của ông Thưởng không phải được đưa ra trong hỗn loạn hay bất cẩn. Chúng ta biết là trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, ông Lê Hoài Trung, đã thăm Trung Quốc trong hai ngày 18-19/03. Tại tỉnh Cát Lâm, ông hội đàm với ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đây là người đối thoại của đảng Cộng Sản Việt Nam trong trường hợp cần trao đổi với nước láng giềng. Có thể hình dung là vấn đề cách chức chủ tịch nước Việt Nam đã được bàn thảo ở Cát Lâm ngay hôm 18/03.

Giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có một truyền thống chính trị, đó là đề cập, trao đổi các vấn đề chính trị quan trọng. Đây hoàn toàn không phải là chuyện giới hạn chủ quyền. Cuộc gặp hôm thứ Hai (18/03) ở Cát Lâm có ý nghĩa quan trọng, cho thấy là các nhà lãnh đạo Việt Nam biết là họ đi về đâu. Quyết định không được đưa ra trong hoảng loạn mà được tham vấn kỹ càng. Quyết định đó hướng tới một mục tiêu đã xác định, đó là cân nhắc đến việc tổ chức lại các vị trí lãnh đạo, có thể sẽ được thực hiện trước dịp Đại hội Đảng lần tới vào năm 2026.

Sự ổn định này là mục tiêu trước tiên của tầng lớp chính trị Việt Nam. Họ biết tăng trưởng kinh tế là mục tiêu đầu tiên của đảng Cộng Sản. Họ biết đất nước giầu mạnh là một dữ liệu căn bản để tạo ra sự ổn định về kinh tế, xã hội của đất nước. Mục tiêu này sẽ không bị ảnh hưởng vì chủ tịch nước đột ngột từ chức.

RFI : Liệu sắp tới chuyện gì có thể xảy ra  ?

Benoît de Tréglodé : Chuyện này phức tạp, đó là điều mà giới chuyên gia về vấn đề chính trị ở Việt Nam thường mượn từ “Criminologie”, tức một kiểu “tin đồn, tin nói hớ” để hiểu được chuyện sẽ xảy ra như nào. Tôi là một nhà nghiên cứu về Việt Nam đương đại, tôi không nằm trong nội bộ guồng máy quyền lực Việt Nam nên dĩ nhiên đối với tôi, tất cả những đồn đại này chỉ là các giả thuyết.

Một trong những giả thuyết, đó là sẽ chọn ra được một ứng viên thay thế ông Võ Văn Thưởng từ nay đến tháng Năm. Nhưng nhiều nhà quan sát nghi ngờ là liệu quyền chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có giữ luôn thêm một thời gian chức vụ này hay không.

Ngoài ra cũng có giả thuyết là gộp hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư, như ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ từ 2018 đến 2021, chuyện này cũng có thể xảy ra. Đúng là một số người có thể nghĩ rằng ông Trọng sẽ kiêm nhiệm hai chức vụ nhưng tôi cho rằng một trong những lý do lật ông Võ Văn Thưởng có thể là do sức khỏe của ông Trọng xấu đi, dù chúng ta không có bất kỳ thông tin y tế nào để nắm rõ. Trong trường hợp này, ông Trọng có lẽ không đủ sức khỏe để giữ cả hai vị trí về lâu dài.

Trong số những ứng viên được nêu lên, người ta cũng nhắc đến nhân vật quyền lực hiện nay ở Việt Nam là bộ trưởng Công An có thể cũng muốn kiêm nhiệm cả hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Đừng quên là ông Tô Lâm đã từ chối nếu chỉ giữ một mình chức chủ tịch nước. Nhìn vào ảnh hưởng của ông trong bộ máy Nhà nước, điều quan trọng đầu tiên đối với ông Tô Lâm, có lẽ là phải tìm ra được người kế nhiệm. Đã có một vài tên tuổi và có một người thân cận mà ông muốn giao trọng trách đứng đầu bộ Công An. Vị trí này có tầm quan trọng đối với ông Tô Lâm bởi vì phải để những chiến dịch chống tham nhũng trong tương lai không “động” đến ông ấy. Cho nên ông Tô Lâm thực sự cần đến một trợ thủ đắc lực, sau đó để ông có thể rảnh rang giữ chức vụ mà ông có nhiều khả năng sẽ được giao. Nhưng đó chỉ là những giả thuyết !

Điều chắc chắn là ông Tô Lâm hiện là nhân vật trung tâm của công tác bổ nhiệm các lãnh đạo lớn sắp tới của bộ máy Nhà nước Việt Nam nên ông ấy sẽ cân nhắc và tính toán. Và có thể nói chắc chắn chính ông đã khéo léo can thiệp đến chuyện xảy ra hôm nay (21/03) với sự từ chức bất ngờ của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).


*********

Manila triệu đại diện Trung Quốc để phản đối sự cố ở Bãi Cỏ Mây

Reuters

Philippines hôm 25/3 đã triệu tập đại biện Trung Quốc để phản đối ‘các hành động gây hấn’ trên Biển Đông hồi cuối tuần qua trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thách Bắc Kinh đưa yêu sách chủ quyền thái quá của họ ra trọng tài quốc tế.

Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun vào một tàu dân sự tiếp tế cho binh lính của họ đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) hôm 23/3, mà họ cho biết đã làm hư hại con tàu và làm một số người trên tàu bị thương, vụ việc mới nhất trong một loạt những căng thẳng bùng phát trong năm qua.

“Việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động thường xuyên và hợp pháp của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi là không thể chấp nhận được,” Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nói, trong đó cho biết đại biện lâm thời ở Đại sứ quán Trung Quốc đã bị triệu tập và Manila cũng đã phản đối qua con đường ngoại giao ở Bắc Kinh.

“Hành động đó vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines,” tuyên bố nói và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm 23/3 cho biết họ đã thực hiện các biện pháp cần thiết đối với các tàu Philippines xâm nhập vào vùng biển của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/3 nhấn mạnh rằng Philippines đã nuốt lời hứa rằng họ sẽ kéo chiếc tàu chiến mắc cạn ra khỏi Bãi Cỏ Mây, và điều này ‘vi phạm các cam kết mà họ đã nhiều lần nói với Trung Quốc’.

Nhưng Philippines đã nói đi nói lại rằng họ không hề cam kết như vậy và tuyên bố sẽ không từ bỏ vị trí tại Bãi Cỏ Mây.

Trung Quốc đã triển khai hàng trăm tàu hải cảnh trên khắp Biển Đông để tuần tra trong vùng biển mà họ cho là của họ, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 đối với vụ vụ kiện do Manila đưa lên rằng yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết này.

Các quan chức an ninh hàng đầu của Philippines hôm 25/3 đã triệu tập một cuộc họp bàn về sự cố để đưa ra các khuyến nghị cho Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về cách xử lý tiếp theo.

Washington tuyên bố đứng về phía Philippines và lên án ‘những hành động nguy hiểm’ của Trung Quốc. Nhật, Anh, Pháp, Đức, Canada và Úc cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ Philippines.

“Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng đã liên tục can thiệp, kích động các vấn đề tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Philippines,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm lên tiếng trong cuộc họp báo hôm 25/3.

Trong phát ngôn có thể chọc giận Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro hôm 25/3 đề nghị Trung Quốc nên chứng tỏ tính thuyết phục của yêu sách chủ quyền của mình thông qua trọng tài.

“Nếu Trung Quốc không ngại nêu yêu sách với thế giới, thì tại sao chúng ta không phân xử theo luật pháp quốc tế?” ôngTeodoro nói trước báo giới.


***********
rfi.fr

Vụ tàu Philippines bị ‘‘tấn công’’: Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đe dọa ‘‘tiếp tục cứng rắn’’

Trọng Thành

Bắc Kinh tỏ ra không nhân nhượng sau vụ tàu Philippines tiếp liệu cho Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công hôm qua, 23/03/2024, khiến ba quân nhân Philippines bị thương, theo Manila. Hôm nay, 24/03, bộ Quốc Phòng Trung Quốc ra một tuyên bố cảnh báo ‘‘sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn và quyết đoán để bảo vệ chủ quyền’’.

Đăng ngày:

1 phút

Hãng tin Reuters dẫn lại tuyên bố của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, đòi Philippins ‘‘ngừng đưa ra bất kỳ nhận xét nào có thể dẫn đến gia tăng xung đột và căng thẳng leo thang, cũng như ngừng mọi hành động xâm phạm và khiêu khích”. Đây là lần thứ hai hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp liệu Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây từ đầu tháng.

Về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Philippines, trả lời báo giới hôm nay, cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduarno Ano, cho biết đây là một ‘‘hoạt động tiếp liệu thông thường’’ cho đơn vị bảo vệ Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), quần đảo Trường Sa, và Manila ‘‘sẽ tiếp tục các hoạt động này’’ bất chấp các đe dọa.

Theo báo chí Philippines hôm nay, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippine (tức Biển Đông), gọi tắt là NTF-WPS, do cố vấn An ninh Quốc gia trực tiếp chỉ đạo, sẽ có cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia vào ngày mai, 25/03, để chuẩn bị các biện pháp sắp tới với Trung Quốc.

Ngay sau khi vụ việc diễn ra, bộ Ngoại Giao Mỹ ra thông cáo báo chí lên án ‘‘hành động chà đạp lên luật pháp quốc tế’’ của Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định ‘‘sát cánh cùng đồng minh Philippines’’.


*************

Bầu cử đầy bất trắc tại Senegal, ‘‘quốc gia ổn định hiếm hoi’’ ở Tây Phi

Trọng Thành

Hôm nay, 24/03/2024, hơn 7 triệu cử tri Senegal được kêu gọi đi bầu tổng thống mới. Theo giới quan sát, kết quả bầu cử là ‘‘hoàn toàn không thể dự đoán’’ tại đất nước vốn được coi là một trong những quốc gia ổn định hiếm hoi còn lại tại vùng Tây Phi, và một nền dân chủ vững vàng tại châu Phi.

Đăng ngày:

2 phút

Cuộc bầu cử tổng thống Senegal, theo kế hoạch diễn ra ngày 25/02, đã bị hoãn lại vào phút chót, khiến bạo lực bùng phát, làm ít nhất 4 người chết. Căng thẳng kéo dài trong nhiều tuần, trước khi chính quyền ấn định ngày bầu cử mới.

Senegal có nhiều quan hệ mật thiết với phương Tây, trong lúc Nga đang gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực sát Senegal. Theo AFP, Liên Hiệp Châu Âu, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi và Liên Hiệp Châu Phi đã cử hàng trăm quan sát viên theo dõi cuộc bầu cử này. Hai ứng cử viên có nhiều khả năng lọt vào vòng hai là thủ tướng mãn nhiệm Amadou Ba, 62 tuổi, và đối thủ Bassirou Diomaye Faye, 43 tuổi, một cựu thanh tra ngành thuế. Ứng viên Amadou Ba, được sự ủng hộ của tổng thống mãn nhiệm, tuyên bố sẽ tiếp tục chính sách của tổng thống Macky Sall, cầm quyền từ 12 năm nay.

Đối thủ Faye, theo tư tưởng cánh tả, chủ trương ‘‘thay đổi triệt để hệ thống’’, với cam kết sẽ đàm phán lại các thỏa thuận khai thác mỏ, cũng như các hiệp định quốc phòng với nước ngoài. Ứng viên đối lập, bị tạm giam từ đầu năm ngoái, đệ đơn tranh cử từ trong nhà tù. Ông Faye chỉ được trả tự do vào ngày 14/03, khi cuộc tranh cử bắt đầu.

Căng thẳng chính trị tại Senegal dâng lên từ năm 2021 với sự đối đầu giữa phe của ông Faye và phe của tổng thống Macky Sall, bị lên án là muốn cầm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Bạo động nhiều lần bùng lên khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị bắt giam.

Theo giới chuyên gia, tuy rất ít khả năng có gian lận bầu cử đáng kể, nhưng không loại trừ căng thẳng gia tăng nếu ứng viên thủ tướng mãn nhiệm đắc cử ngay vòng một, hoặc ứng cử viên đối lập không lọt được vào vòng hai.


**************
rfi.fr

Indonesia: Quá khứ của tổng thống tân cử Subianto khiến giới nhân quyền lo lắng

Minh Anh

Từ khi Indonesia chính thức thông báo thắng lợi của ông Prabowo Subianto hôm thứ Tư 20/3, tổng thống tân cử nhận được nhiều cuộc gọi và thông điệp chúc mừng từ nhiều nguyên thủ trên thế giới. Thủ tướng Malaysia, quốc gia láng giềng, là người đầu tiên chúc mừng ông. Thứ Sáu, 22/3, đến lượt tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện mừng ông đắc cử.

Đăng ngày:

2 phút

Tuy nhiên, ông Subianto, hiện là bộ trưởng Quốc Phòng, là một nhân vật có quá khứ gây tranh cãi. Hơn nữa, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm này từ lâu đã bị Mỹ và Úc cấm cấp visa nhập cảnh, lý do là vì ông bị cáo buộc có liên quan đến sự mất tích của nhiều nhà đấu tranh đòi dân chủ. Hiện tại, nhiều tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, không che giấu nỗi lo lắng của mình. Thông tín viên trong khu vực, Juliette Pietraszewski, cho biết thêm :

 « Con rể cũ của nhà độc tài Suharto, và là cựu lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm, Prabowo Subianto đã từng bị các tổ chức phi chính phủ cũng như là nhiều cựu quan chức tố cáo đã ra lệnh bắt cóc nhiều nhà đấu tranh dân chủ trong những năm 1990. Nếu như đương sự đã bác bỏ mọi cáo buộc và cũng chưa bao giờ bị đưa ra xét xử, một số tổ chức phi chính phủ đang đặt câu hỏi về tương lai của nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới.

Ông Usman Amid, giám đốc tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) tại Indonesia cho biết : "Thật không may, Indonesia sẽ được lãnh đạo bởi một người mà bảng tổng kết trên phương diện nhân quyền đang có tranh cãi. Điều này đang làm dấy lên nhiều nỗi lo lắng về cam kết của ông đối với công lý và trách nhiệm giải trình."

Một ghi nhận cũng được Phil Robertson, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch chia sẻ. Ông giải thích : "Prabowo là người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chính ông ấy đã giám sát việc bắt đi biệt tích nhiều sinh viên ủng hộ dân chủ ở Jakarta vào năm 1998 và ông ấy đã chỉ huy vụ thảm sát thường dân ở Đông Timor vào lúc nước này đấu tranh chống Indonesia giành độc lập. Ông ấy đáng phải ngồi tù vì những tội ác này, chứ không phải trên thảm đỏ nhậm chức tổng thống Indonesia. Nền dân chủ Indonesia sắp phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi chế độ Suharto bị lật đổ. Giờ thì, các đồng minh chính của Indonesia sẽ phải có những cuộc thảo luận khó khăn với Prabowo và nói với ông ấy rằng việc quay trở lại trấn áp chính trị sẽ khiến ông và Indonesia phải trả giá đắt trên phương diện thương mại, hỗ trợ và thậm chí là có khả năng bị trừng phạt."

Prabowo Subianto có kế hoạch tuyên thệ nhậm chức tổng thống Indonesia vào ngày 20/10 tới đây. »


************

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: Cách hiệu quả nhất để tăng cường viện trợ cho Gaza là bằng đường bộ

Reuters

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 24/3 nói rằng cách thức hiệu quả nhất để đưa hàng hóa nặng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân đạo của Gaza là bằng đường bộ và bao gồm cả việc tăng mạnh việc vận chuyển hàng hóa thương mại.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập ở Cairo, ông Guterres cũng cảnh báo về tác động mà cuộc chiến ở Gaza gây ra trên toàn cầu.

Ông nói: “Cuộc tấn công hàng ngày vào phẩm giá của người Palestine đang tạo ra một cuộc khủng hoảng về uy tín đối với cộng đồng quốc tế”.

Ông Guterres đang thăm Ai Cập và Jordan trong khuôn khổ chuyến công du đoàn kết Ramadan hàng năm tới các nước Hồi giáo và hôm 23/3 tới biên giới Ai Cập với Gaza, nơi ông gọi tình trạng tồn đọng viện trợ dành cho lãnh thổ của Palestine là một sự xúc phạm về mặt đạo đức.

Trong khi hơn 5 tháng chiến tranh giữa Israel và Hamas đã tàn phá Gaza, các khoản viện trợ đã được đổ dồn về phía bắc Sinai của Ai Cập, với số lượng hạn chế được gửi qua cửa ngõ Rafah của Ai Cập và khu biên giới Kerem Shalom của Israel.

Khi hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo tan biến và nguy cơ nạn đói ở vùng đất ven biển ngày càng gia tăng, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tìm cách sử dụng máy bay và tàu để cung cấp viện trợ.

Các quan chức viện trợ của Liên Hợp Quốc cho biết việc giao hàng chỉ có thể được tăng cường bằng đường bộ, đồng thời cáo buộc Israel cản trở hoạt động cứu trợ, điều mà Israel phủ nhận.

Ông Guterres nói rằng việc gửi số lượng lớn viện trợ đòi hỏi Israel phải loại bỏ những trở ngại còn lại và các điểm nghẽn để tiếp cận cứu trợ.

Ông Guterres cho biết rằng Liên Hợp Quốc đang nỗ lực duy trì nguồn tài trợ cho cơ quan dành cho người tị nạn Palestine, UNRWA, cơ quan mà ông gọi là xương sống cho viện trợ nhân đạo ở Gaza.

Một số quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ và Anh, đã tạm dừng tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc rằng hàng chục trong số 13.000 nhân viên của cơ quan này ở Gaza đã tham gia vào cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 ở Israel.

Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nói rằng ông lấy làm tiếc về quyết định của Washington tiếp tục ngưng tài trợ cho cơ quan này cho đến ít nhất là tháng 3 năm 2025.


************

Israel bao vây thêm hai bệnh viện ở Gaza, yêu cầu sơ tán

Reuters

Lực lượng Israel đã bao vây thêm hai bệnh viện ở Gaza hôm 24/3, khống chế các đội y tế dưới làn đạn dữ dội, Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết, và Israel nói rằng họ đã bắt giữ 480 chiến binh trong các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra tại bệnh viện chính là Al Shifa ở Gaza.

Lực lượng Israel cho biết rằng các bệnh viện ở vùng đất của Palestine, nơi chiến tranh đang hoành hành trong hơn 5 tháng, thường xuyên được sử dụng làm thành trì của phiến quân Hamas, nơi đặt các căn cứ và vũ khí. Hamas và nhân viên y tế phủ nhận điều này.

Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết rằng một nhân viên của họ đã thiệt mạng khi xe tăng Israel bất ngờ tiến vào các khu vực xung quanh bệnh viện Al-Amal và Nasser ở thành phố Khan Younis phía nam, trong bối cảnh oanh kích và đọ súng dữ dội.

Lực lượng thiết giáp của Israel đã phong tỏa Bệnh viện Al-Amal và thực hiện các hoạt động tấn công trên diện rộng ở khu vực lân cận, Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ cho biết trong một tuyên bố và cho biết thêm: "Tất cả các đội của chúng tôi hiện đang gặp nguy hiểm cao độ và hoàn toàn bị bất động”.

Tổ chức này nói rằng các lực lượng Israel hiện đang yêu cầu sơ tán hoàn toàn nhân viên, bệnh nhân và những người thất tán phải sơ tán khỏi khuôn viên của Al Amal và đang bắn bom khói vào khu vực để buộc những người cư ngụ ở đó phải sơ tán.

Quân đội Israel cho biết lực lượng của họ đang tấn công vào "cơ sở hạ tầng" ở Khan Younis được sử dụng làm điểm tập trung của nhiều chiến binh. Hamas phủ nhận việc sử dụng bệnh viện cho mục đích quân sự và cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh nhắm vào các mục tiêu dân sự.

Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành cho biết rằng hàng chục bệnh nhân và nhân viên y tế đã bị lực lượng Israel giam giữ tại Al Shifa ở thành phố Gaza ở phía bắc, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Israel trong một tuần.

Al Shifa là một trong số ít cơ sở chăm sóc sức khỏe vẫn còn hoạt động một phần ở phía bắc Gaza, và giống như những cơ sở khác, cũng là nơi trú tạm của một số trong số gần 2 triệu dân thường - hơn 80% dân số Gaza - phải di dời do chiến tranh.

Reuters đã không thể tiếp cận các khu vực bệnh viện đang trong vòng phong tỏa ở Gaza để xác minh tuyên bố của cả hai bên.


************

Số người chết trong vụ xả súng tại nhà hát ở Nga tăng lên 137

Reuters

Chính quyền Nga đưa ra con số người chết trong vụ xả súng hàng loạt hôm 22/3 tại một nhà hát ở ngoại ô Moscow là 137 người, trong đó có 3 trẻ em, tăng so với ước tính trước đó là 133, Ủy ban Điều tra cho biết hôm 24/3.

Ủy ban này cũng cho biết rằng 62 thi thể đã được nhận dạng.

Nhóm phiến quân Hồi giáo Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ xả súng hôm 22/3, nhưng có dấu hiệu cho thấy Nga đang tìm cách gắn vụ này với Ukraine bất chấp sự phủ nhận mạnh mẽ từ các quan chức Ukraine rằng Kyiv không có liên quan gì đến việc này.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố ngày quốc tang sau khi cam kết truy lùng và trừng phạt tất cả những kẻ đứng sau vụ tấn công.

“Tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc, chân thành tới tất cả những người đã mất người thân”, ông Putin nói trong bài phát biểu trước quốc dân hôm 23/3, bình luận công khai đầu tiên của ông về vụ tấn công. “Cả nước và toàn thể nhân dân chia sẻ nỗi đau với các bạn”.

Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công hôm 22/3, nhưng ông Putin chưa công khai đề cập đến nhóm phiến quân Hồi giáo này có liên quan đến những kẻ tấn công mà ông cho rằng đã cố gắng trốn sang Ukraine. Ông khẳng định rằng một số người ở "phía Ukraine" đã chuẩn bị đưa họ qua biên giới.

Ukraine đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ tấn công, mà ông Putin cũng đổ lỗi cho "khủng bố quốc tế".

Nga đã để cờ rủ hôm 24/3 để tưởng nhớ nhiều người bị bắn chết bằng vũ khí tự động tại một buổi hòa nhạc rock ở ngoại ô Moscow trong vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong hai thập kỷ.

Mọi người đặt hoa tại Crocus City Hall, nhà hát 6.200 chỗ ngồi ở ngoại ô Moscow, nơi bốn người đàn ông có vũ trang xông vào hôm 22/3 ngay trước khi nhóm nhạc rock thời Liên Xô tên là Picnic biểu diễn bản hit “Afraid of Nothing”.

Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất vào lãnh thổ Nga kể từ cuộc bao vây trường học Beslan năm 2004, khi phiến quân Hồi giáo bắt hơn 1.000 người, trong đó có hàng trăm trẻ em, làm con tin.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn