Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 17-03 -2024

Chủ Nhật, 17 Tháng Ba 20241:00 SA(Xem: 985)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 17-03 -2024

HoaLuc 8
**************
rfi.fr

Bầu cử tổng thống Nga : Cử tri được kêu gọi đi bỏ phiếu ồ ạt vào 12 giờ trưa nhưng không bầu Putin

Thùy Dương

Hôm nay 17/03/2024 là ngày thứ ba, cũng là ngày cuối cùng trong kỳ bầu cử tổng thống Nga. Dưới sự trấn áp phe đối lập của điện Kremlin, dĩ nhiên Putin sẽ tái đắc cử tổng thống Nga. Dẫu vậy, để bày tỏ thái độ phản kháng chế độ, và để cho thấy phe đối lập vẫn tồn tại, các nhà đối lập kêu gọi cử tri ồ ạt đi bỏ phiếu lúc 12 giờ trưa nay, nhưng không bầu cho Putin. Chính quyền Nga đương nhiên đã dọa truy tố hình sự những ai tụ tập trái phép. 

Đăng ngày:

3 phút

Từ Matxcơva, thông tín viên El Jabri sáng nay 17/03 gửi về bài tường trình :

« Đúng là có nhiều người và nhìn chung thì cũng có không khí, nhưng cũng đã có những vụ đổ mực vào thùng phiếu, tìm cách phóng hỏa các phòng phiếu, mà mọi người chưa biết ai đứng sau những nỗ lực này và để làm gì. Cũng đã có những vụ bắt giữ ở một số thành phố của Nga, nhắm vào nhóm của Boris Nedijdin, ứng viên đã bị loại ra khỏi danh sách tranh cử tổng thống.

Trung tâm thủ đô Matxcơva được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt. Nhìn chung là có sự giám sát kỹ càng tại các phòng bỏ phiếu. Về cơ bản, tính đến hiện giờ, mọi chuyện đã diễn ra mà không gặp bất kỳ trở ngại lớn nào. Nhưng tất cả những điều này đều chứng tỏ đây là cuộc bỏ phiếu có thể nói là không giống bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào khác, một cuộc bỏ phiếu bị kiểm soát.

Trong tình hình căng thẳng này, sáng kiến ​đi ​​​bỏ phiếu lúc 12 giờ trưa là sáng kiến ​​​​duy nhất mà các nhà đối lập đang nỗ lực thực hiện. Ai cũng biết việc này sẽ bị giám sát chặt chẽ. Trước khi phòng phiếu đầu tiên được mở hôm thứ Năm (14/03), chính quyền đã cảnh báo bất kỳ cuộc tụ tập nào cũng đều có nguy cơ bị truy tố hình sự. Cựu thủ tướng Dimitri Medvedev, cũng là một nhân vật diều hâu của chế độ, đề xuất là bất cứ điều gì có thể bị xem là hành vi phá hoại bầu cử (từ ngữ nguyên văn) đều bị coi là tội phản quốc ở mức nặng. Mức án cho tội này có thể lên đến 25 năm tù giam.

Dẫu sao thì chính quyền cũng biết cách dựa vào việc được lòng dân. Tại nhiều điểm bỏ phiếu trên khắp nước Nga, họ tích cực đăng tải trên các mạng xã hội rằng mọi chuyện vận hành suôn sẻ, như vẫn thường thấy nơi đây : những nhóm ca sĩ và vũ công ái quốc hiện diện tại các phòng phiếu ; bánh xèo, sổ xố trúng thưởng và quà tặng được phân phát cho những người đi bỏ phiếu ».

Theo AFP, hưởng ứng lời kêu gọi của bà Ioulia Navalnaia, vợ góa của nhà đối lập Alexei Navalny, nhiều cử tri Nga đã đến phòng bỏ phiếu ở Matxcơva và St Petersbourg vào 12 giờ trưa nay để tưởng nhớ nhà đối lập đã qua đời trong nhà tù, nhân vật mà nhiều người Nga xem là « người hùng » chống Putin.
************

Thủ tướng Đức Scholz thăm Jordanie trước khi công du Israel

Thùy Dương

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tối thứ Bảy 16/03/2024 đã đến Amman, Jordanie. Theo dự kiến, hôm nay 17/03 thủ tướng Đức có cuộc ​​gặp với quốc vương Abdullah II, trước khi lên đường sang Israel gặp thủ tướng Benjamin Netanyahu, tổng thống Isaac Herzog, cũng như thân nhân của các con tin bị Hamas cầm giữ từ hôm 07/10/2023. 

Đăng ngày:

2 phút

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut cho biết thêm thông tin :

« Sau những chỉ trích công khai của Hoa Kỳ nhắm vào chính phủ Netanyahu, Đức hiện là quốc gia vẫn còn thân thiết nhất với Israel. Chính quyền Berlin, dù vẫn ủng hộ quyền của nhà nước Do Thái được tự vệ sau các cuộc tấn công của Hamas, nhưng phản đối một cuộc tấn công của Israel nhắm vào Rafah.Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ngay trước khi lên máy bay, vẫn nhắc lại sự phản đối nhưng với ngôn từ ngoại giao khéo léo.

Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, có thái độ thẳng thắn hơn và tố cáo những điều mà theo bà có thể gây « một thảm họa nhân đạo ». Berlin cũng đề nghị một lệnh ngừng bắn để giải thoát các con tin Israel đang bị Hamas giam giữ và triển khai viện trợ nhân đạo quy mô lớn cho người dân dải Gaza.

Hai máy bay của Đức hôm thứ Bảy 16/03 đã thực hiện chuyến thả hàng tiếp tế đầu tiên xuống dải Gaza, chuyến thứ hai diễn ra vào hôm nay, Chủ Nhật. Thế nhưng, Berlin cũng hiểu đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hôm thứ Sáu, một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Đức đã đề nghị nhiều giải pháp, trong đó có sử dụng cảng Ashdod, phía bắc Gaza, để vận chuyển được thêm nhiều viện trợ nhân đạo.

Cuộc gặp giữa thủ tướng Đức Olaf Scholz và thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu ít có cơ may đạt được các kết quả cụ thể. Trước khi rời đất nước, thủ tướng Đức cũng đã nhắc lại mong muốn của Berlin về giải pháp hai Nhà nước, điều mà chính phủ Israel vẫn bác bỏ ».


**********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(AFP) - Hồng Kông : 12 người bị kết án tù giam vì đột nhập vào trụ sở Nghị Viện hồi năm 2019. Những người này bị kết án tù giam 6,5 - 7 năm vì tội gây bạo loạn. Đêm 01/07/2019, nhân kỷ niệm 22 năm ngày Vương quốc Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, hàng trăm người biểu tình thù địch phản đối chính quyền thân Bắc Kinh đã tấn công tòa nhà Nghị Viện Hồng Kông, giương cờ thời thuộc địa Anh, đập vỡ cửa sổ và vẽ graffiti lên tường. Tổng cộng, 14 người bị buộc tội bạo loạn, tội có thể bị phạt 10 năm tù và một số tội nhẹ khác. 12 người trong số họ đã bị kết án 6,5-7 năm tù, nhờ được giảm án, đặc biệt vì đã nhận tội và vì vì lý do sức khỏe.

(AFP) - Pháp : 800 cơ quan hành chính bị tấn công tin tặc. Bộ trưởng Công Vụ Pháp Stanislas Guerini hôm 15/03/2024 thông báo đợt tấn công tin tặc bắt đầu từ Chủ Nhật 10/03 và kéo dài 48 giờ đã gây tác động tới 800 cơ quan hành chính của Pháp. Đây được xem là đợt tấn công mạng quy mô lớn nhất, kéo dài nhất và tác động đến nhiều cơ sở nhất mà chính quyền Pháp từng ghi nhận. Các tin tặc chủ yếu nhắm tới bộ Kinh Tế, bộ Văn Hóa, bộ Môi Trường, các bộ phận của phủ thủ tướng và Tổng cục Hàng Không Dân sự DGAC của Pháp.

(Le Monde) - Quân đội Nga cho biết đẩy lui nhiều vụ xâm nhập vũ trang mới từ Ukraina. Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga sáng nay 16/03/2024 thông báo như trên. Trong khi đó, Quân đoàn tình nguyện Nga, lực lượng chống Putin, đã cho phát đi những hình ảnh họ đang tấn công một vị trí của quân Nga. Quân đoàn tình nguyện Nga tuyên bố đã bắt giữ 25 binh sĩ Nga trong « chiến dịch ở vùng Belgorod và Koursk ». Tuy nhiên; họ chỉ đưa ra một tấm ảnh được mẹ của trung úy Alexeï Kolotov xác nhận. Người mẹ này cho biết con trai bà đã ký hợp đồng tòng quân và hợp đồng hết hạn vào năm 2023, nhưng Alexeï Kolotov vẫn chưa được giải ngũ.

(AFP) - G7 đặt mục tiêu về trí tuệ nhân tạo « an toàn và đáng tin ». Các bộ trưởng Công Nghiệp, Công Nghệ và Số Hóa của khối G7 hôm 15/03/2024 trongc cuộc họp tại Trente, Ý, đã đề ra chỉ tiêu triển khai một trí tuệ nhân tạo « chắc chắn, an toàn và đáng tin ». Thế nhưng, các vị bộ trưởng cũng thừa nhận chính sách giữa các nước thành viên có thể khác nhau. Một số quốc gia thành viên G7, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Anh Quốc, ủng hộ các quy tắc ít nghiêm ngặt hơn so với quy định của Liên Âu, thay vào đó dựa vào sự tự điều tiết hoặc tự nguyện tuân thủ các hệ thống giám sát của những tập đoàn công nghệ khổng lồ.

(Reuters) - Hải cảnh Trung Quốc tăng cường tuần tra trong vùng biển Đài Loan. Hôm nay, 16/03/2024, lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan cho biết bốn tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển sát đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, nằm sát với bờ biển Trung Quốc. Theo thông tấn xã Trung ương chính thức của Đài Loan, Trung Quốc đã tiến hành tuần tra gần quần đảo này từ ngày thứ Sáu. Đài Bắc khẳng định động thái này của Bắc Kinh gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và an toàn” đồng thời kêu gọi chấm dứt những hành vi này để tránh gây ra các sự cố về hải quân.

(Yonhap) -  Hàn Quốc và Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tập trận tấn công chung trên không quy mô lớn. Hôm qua 15/03/2024, lực lượng Không quân Hàn Quốc cho biết cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày, huy động 1.400 quân nhân, cùng hơn 40 máy bay trực thăng và máy bay vận tải. Các cuộc tập trận được thiết kế để tăng cường khả năng hoạt động trong thời chiến cũng như khả năng hoạt động chung giữa quân đội hai nước. Trong bối cảnh đó, truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên cũng thông báo rằng ông Kim Jong Un đã đích thân giám sát một cuộc tập trận của lính nhảy dù, nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng của binh lính trong bất kỳ hoàn cảnh chiến đấu nào và bày tỏ sự hài lòng khi những người lính thể hiện “khả năng chiến đấu hoàn hảo” khi có thể chiếm giữ các mục tiêu quân sự của kẻ thù “chỉ trong một cú nhảy”.

(AFP) - Canada điều tra về các mối nguy mà Tiktok gây ra cho an ninh quốc gia, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc. Hôm qua, 15/03/2024, bộ trưởng bộ Đổi Mới và Công Nghiệp Canada, ông François-Philippe Champagne, cho biết đã thực hiện các đánh giá an ninh quốc gia đối với mạng xã hội TikTok và sau khi có kết quả sẽ thông báo tới người dân Canada về các quyết định tiếp theo. Cuộc điều tra này là một phần của luật đầu tư nước ngoài, được sửa đổi vào năm ngoái, theo đó “việc truyền bá thông tin sai lệch hoặc thao túng thông tin nhằm mục đích làm suy yếu an ninh quốc gia của Canada” có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt. Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây và Trung Quốc cũng bị nghi ngờ can thiệp vào cuộc bầu cử Canada vừa qua.

(AFP) - Uỷ ban Châu Âu đề xuất nới lỏng các quy định về môi trường nhằm giải quyết khủng hoảng nông nghiệp. Hôm qua, 15/03/2024, Uỷ ban cho biết sẽ xem xét giảm nhẹ hoặc thậm chí loại bỏ một phần các tiêu chí “xanh”, được đưa ra trong chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), có hiệu lực vào năm ngoái, vốn bị giới nông dân phản đối mạnh mẽ. Chính sách này áp đặt những chuẩn mực nông nghiệp khắt khe hơn và gắn việc hỗ trợ thu nhập cho nhà nông với trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu khẳng định mục tiêu “giảm bớt gánh nặng hành chính, giúp nông dân các nước linh hoạt tuân thủ các điều kiện mà vẫn không làm giảm tham vọng chung về môi trường”.


************
rfi.fr

Không còn tầm vóc thời Liên Xô, nước Nga của Putin vẫn đe dọa cả thế giới

Thụy My

Lẽ ra Putin đã phải rời quyền lực từ năm 2008, nhưng người dân không có chọn lựa. Cơ quan độc lập giám sát bầu cử duy nhất là Golos đã bị cho vào danh sách « nhân tố nước ngoài », người đồng sáng lập đang ở tù. The Economist nhấn mạnh « Nước Nga côn đồ đe dọa cả thế giới chứ không chỉ Ukraina ». Ngày nay Nga chỉ là một nền kinh tế trung bình, và không có hệ tư tưởng nào để xuất khẩu, nhưng vẫn là mối nguy cho toàn cầu.

Putin chiếm trang nhất các tuần báo

Tuần này đúng vào dịp bầu cử « cuội » ở Nga, Putin chiếm trang nhất các tuần báo.  Trên trang bìa Courrier International là hình vẽ tổng thống Nga màu đen trên nền đỏ với dòng tựa « Nước Nga, theo như Putin ». The Economist chọn màu đen làm nền trang bìa, với vòm cung nhìn vào quảng trường Đỏ, nói về « Bên trong nước Nga ». La Croix cuối tuần chạy tít « Những người tị nạn Putin » - họ chạy trốn chiến tranh. Le Point đăng ảnh hai quân nhân trong tư thế tác chiến, đặt vấn đề « Quốc phòng : Chúng ta có sẵn sàng hay chưa ? »

Cũng liên quan đến quốc phòng L’Express lưu ý « Trí thông minh nhân tạo giúp Pháp tăng sức mạnh », với hình bìa là một chú gà trống ảo đang cất tiếng gáy « cocorico » nhưng được thêm vào một chữ A để thành IA « cocorIAco ». Về chính trường Pháp, L’Obs tiết lộ những chuyện làm ăn bí mật của tân bộ trưởng văn hóa nhiều tai tiếng, bà Rachida Dati.

Bầu cử giả hiệu, tổng thống không chính danh

Một tập thể các nhà đấu tranh nhân quyền trên Le Monde cuối tuần kêu gọi không nhìn nhận Vladimir Putin là tổng thống hợp pháp của Nga sau cuộc « bầu cử » ngày 17/03.Nắm quyền từ 24 năm qua, Putin trị vì với những cuộc chiến đẫm máu : Chechnya, Syria, Gruzia, Ukraina …và bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, Putin là tội phạm tồi tệ nhất thế kỷ 21. Vụ sát hại thủ lãnh đối lập Alexei Navalny đã khiến Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết không công nhận tính chính danh của Putin.

Trước hết, tiến trình bầu cử hoàn toàn do Kremlin kiểm soát, không thể coi là một cuộc phổ thông đầu phiếu bình thường. Putin đã cho sửa đổi Hiến Pháp để ứng cử đến nhiệm kỳ thứ năm, hàng loạt vụ gian lận xảy ra trong những kỳ bầu cử trước. Ủy ban bầu cử nêu bất kỳ lý do nào để từ chối ứng cử viên. Và nhất là những cuộc bỏ phiếu tại các lãnh thổ của Ukraina bị chiếm đóng là bất hợp pháp, hộ chiếu Nga được phân phát ồ ạt cho dân địa phương, bất chấp luật pháp quốc tế. Như vậy làm thế nào có thể nói về « bầu cử » hay « tổng thống » ?

Le Monde cho biết thêm, chủ tịch Ủy ban bầu cử, bà Ella Pamfilova, trước đây là đối lập, nay trở thành một con người hết sức tận tụy với ông chủ điện Kremlin. Chính bà ta đã tiến hành đủ mọi biện pháp để gian lận một cách tinh vi. Bầu cử kéo dài ba ngày, giúp thao túng lá phiếu và vận chuyển cử tri từ nơi làm việc đến. Bỏ phiếu điện tử, lúc thử nghiệm ở Matxcơva đã giúp loại ra tất cả các ứng cử viên độc lập. Bên cạnh đó là giảm số quan sát viên, hạn chế camera ở phòng phiếu…Hồi năm 2022, Ella Pamfilova đã bị phương Tây trừng phạt vì tổ chức « trưng cầu dân ý » tại bốn vùng của Ukraina bị quân Nga chiếm đóng. Dù không có danh sách cử tri, kết quả vẫn là 99 % « muốn sáp nhập » vào Nga.

Nước Nga ngày càng giống Bắc Triều Tiên

L’Express giải thích « Làm thế nào Putin đưa nước Nga vào con đường của Bắc Triều Tiên ». Bài viết mở đầu bằng việc miêu tả khung cảnh một cuộc triển lãm khổng lồ về « Nước Nga vĩnh cửu » được Vladimir Putin khai mạc tháng 12/2023 tại Matxcơva, với những hoạt động giải trí đa dạng. Người ta hầu như quên hẳn cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraina. Cả một khu được dành cho bộ quốc phòng, nhưng chủ yếu để thu hút trẻ em : trò chơi video, tập nhảy dù giả định, tập làm quân y…Hơn bao giờ hết, Vladimir Putin tìm cách kích thích lòng ái quốc và quân sự hóa người dân từ lúc còn nhỏ tuổi, và truy bức những « công dân xấu » dám phản đối « chiến dịch quân sự đặc biệt ».

Cách đó vài trăm mét, tại tòa án khu Ostankino, cô Anna Bajoutova, 30 tuổi đã bị xét xử vì một tội « hình sự ». Cô là nạn nhân một vụ tố cáo, vì đã đăng trên mạng Twitch những hình ảnh vụ thảm sát thường dân Bucha. Một phóng viên của tờ báo độc lập Sota bị khoảng 20 ngày tù chỉ là kêu lên sau phán quyết của tòa là « Đáng xấu hổ ! ». Thời kỳ Putin được so sánh với Stalin : số ủng hộ Putin thì nghi ngờ « đội quân thứ năm », nhưng có một nước Nga khác coi đây là sự lùi về thời kỳ thanh trừng đen tối.

Một doanh nhân cho biết không dám đến tưởng niệm Alexei Navalny. « Chẳng còn luật lệ gì nữa, họ có thể bắt mình bỏ tù vì lời nói, chận xe mình lại trong đó đã giấu sẵn ma túy…Nạn tố cáo đầy dẫy khắp nơi ». Cuối tháng Hai, Bắc Triều Tiên vốn đã cung ứng đạn pháo cho Matxcơva, khoe trên báo chí Nga một khu trượt tuyết mới toanh chỉ dành cho du khách Nga. Nhiều cư dân mạng cho rằng nước Nga ngày càng giống với chế độ Bình Nhưỡng.

Cỗ máy nghiền nát đối lập

L’Obs cho biết chưa đầy hai tuần sau cái chết của Alexei Navalny, có thêm một cái tên quan trọng trong danh sách các nhà đấu tranh bị nhốt vào tù vốn đã rất dài. Ông Oleg Orlov, 70 tuổi, đồng chủ tịch tổ chức bảo vệ nhân quyền Memorial (giải Nobel Hòa bình 2022) bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì « thường xuyên nói xấu quân đội ». Trước Orlov là bản án hai năm tù cho Alexei Moskalev, người cha đơn thân ở Toula của một nữ sinh đã vẽ những bức hình chống chiến tranh trong giờ học môn hội họa. Cựu dân biểu Lev Ponomarev, đồng sáng lập Memorial đang sống lưu vong tại Paris nói : « Nhà tù Nga đầy các tù nhân chính trị. Số lượng trong sáu năm qua còn cao hơn những năm Brejnev thời Liên Xô ».

Theo tổ chức phi chính phủ Perviy Otdel chuyên hỗ trợ những người bị khởi tố tội « phản quốc », mỗi tháng có khoảng 20 hồ sơ với tội danh này được mở ra, bằng toàn bộ năm 2022. Từ khi khởi động cuộc xâm lăng Ukraina ngày 24/02/2022, tự do ngôn luận không còn hiện hữu nơi đất nước của Pushkin và Tolstoi. Ilia Iachine, Lilia Tchanycheva, Vladimir Kara-Mourza…những nhà đấu tranh nổi tiếng đều đã ở phía sau chấn song nhà tù, thường là bị biệt giam. Cùng với họ là hàng ngàn người vô danh bị kết án chỉ vì tham gia một cuộc biểu tình, một lời nói mơ hồ phản đối chiến tranh, hay chỉ vì tặng vài đồng rúp cho một tổ chức phi chính phủ Ukraina.

Alexei Gorinov, ủy viên hội đồng Matxcơva lãnh 7 năm tù vì gọi « chiến dịch quân sự đặc biệt » là « chiến tranh » ; nhà báo Maria Ponomarenko 6 năm tù vì viết trên Telegram về vụ thả bom xuống nhà hát Mariupol ngày 16/03/2022 làm 600 thường dân thiệt mạng. Nhà đối lập Alyosha Deminn bị hành hạ trong tù, bị đổ những xô nước tiểu vào xà lim, sau một tháng biệt giam từ 50 ký cô chỉ còn 39 ký. Cũng như thời Stalin, việc tống đối lập vào nhà thương điên đã quay trở lại : chẳng hạn cô Viktoria Petrova, 29 tuổi là nạn nhân.

Nguyên tử, niềm tự hào duy nhất còn lại của Nga

Tại sao một tổng thống như Vladimir Putin lại trị vì được lâu như vậy ? Trả lời nhà báo Petra Prochazkova, chuyên về Liên Xô cũ của nhật báo Denik N ở Praha, nhà xã hội học Alexei Levinson, cho rằng « người Nga cần Putin để bảo đảm sự vĩ đại của đất nước mình ». Bài phỏng vấn được Courrier International dịch lại.

Nhà nghiên cứu về « hiện tượng Putin » giải thích theo khía cạnh đơn thuần học thuật. Hầu hết người Nga đều muốn giữ nguyên trạng. Họ tin rằng tất cả thay đổi đều tiêu cực, ý tưởng đó có từ thời cha mẹ, ông bà họ. Gần đây nhất là lúc chế độ cộng sản sụp đổ trong thập niên 90, rồi đến viễn cảnh dân chủ cũng tan tành. Thế hệ trước truyền lại khát vọng nước Nga lại trở thành đại cường. Tuy vị trí nước Nga thời Putin chẳng lấy gì làm vẻ vang, nhưng việc làm thiên hạ phải sợ đã là « oai ». Sự tự hào là quốc gia đầu tiên đưa người lên vũ trụ, là Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, có những nhạc sĩ, vận động viên…tài ba nhất nuôi dưỡng tinh thần ái quốc.

Giờ đây nghiên cứu khoa học chẳng có gì, phi thuyền không gian bị rơi tan tành trên Mặt Trăng. Chỉ còn lại sự tự hào duy nhất là vũ khí nguyên tử, giúp Nga được ngang hàng với Mỹ, và làn sóng phấn khởi từ khi chiếm được Crimée. Trong một thăm dò vào tháng 10/2023, với câu hỏi « Nếu Putin nói sẽ chấm dứt chiến tranh với Ukraina trong tuần tới, bạn có đồng ý không ? », có đến 70 % người được hỏi ủng hộ. Nhưng nếu phải trả lại các lãnh thổ đã chiếm của Ukraina, tỉ lệ này chỉ còn 34 %. Họ sẽ không tha thứ cho Putin nếu bại trận.

« Vai trò của dân chúng là vâng dạ và vỗ tay »

The Economist nhận định, nếu Nga là một quốc gia dân chủ, thì ông Putin đã phải rời quyền lực từ năm 2008. Nhưng ở nơi mà chiến tranh được gọi là hòa bình, sự dốt nát là sức mạnh và tự do là nô lệ, không có chọn lựa trong cuộc bầu cử này. Cơ quan độc lập giám sát bầu cử duy nhất là Golos đã bị cho vào danh sách « nhân tố nước ngoài », người đồng sáng lập đang ở tù.

Greg Yudin, nhà nghiên cứu người Nga của Princeton University cho rằng sự kiện này nhằm tạo tính hợp pháp cho nhà độc tài già nua, « vai trò của dân chúng chỉ là vâng dạ và vỗ tay hoan nghênh ». Một người đã hiểu được bản chất của nghi lễ tung hô này là Alexei Navalny. Biết rằng quyền lực ở Nga không thể thay đổi qua lá phiếu, nhưng ông coi đây là cách để thể hiện sự bất đồng chính kiến.

Năm 2011, Navalny kêu gọi bầu cho bất kỳ đảng nào ngoài đảng Nước Nga Thống nhất của Putin, khiến Kremlin buộc lòng phải gian lận một cách trắng trợn, dẫn đến những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Nga hậu xô-viết. Dù bị giam tại một nhà tù tận Bắc Cực, hai tuần trước khi qua đời Alexei Navalny kêu gọi hàng triệu người chờ đến tận trưa ngày 17/03, ngày bỏ phiếu cuối cùng, để bầu cho bất kỳ ai ngoài Putin, hay chỉ đơn giản tập hợp nói chuyện với nhau.

Khi Navalny bị sát hại trước cuộc bầu cử, tang lễ của ông đã trở thành một hành động thách thức : cả trăm ngàn người can đảm đến dự, mộ ông ngập dưới một núi hoa. Theo dữ liệu vận chuyển công của Matxcơva, ngày lễ tang 01/03 có thêm 27.000 hành khách so với bình thường đến trạm metro gần nghĩa trang, và rất nhiều người đi bộ đến hoặc dùng xe. Những « đài hoa tưởng niệm » và bàn thờ tự phát đã mọc lên tại hơn 230 thành phố nước Nga. Tang lễ truyền thống đã trở thành phản kháng chính trị, phủ bóng đen lên lên những lời tung hô Putin.

Không còn tầm cỡ thời Liên Xô, Kremlin vẫn đe dọa cả thế giới

Tuần báo Anh nhấn mạnh « Nước Nga côn đồ đe dọa cả thế giới chứ không chỉ Ukraina ». Thời chiến tranh lạnh, Liên Xô là nguy cơ cả về quân sự lẫn ý thức hệ cho các nước dân chủ, và phương Tây đã thành công trong việc ngăn chận. Ngày nay Nga chỉ là một nền kinh tế trung bình, và không có hệ tư tưởng nào để xuất khẩu, nhưng vẫn là mối nguy cho toàn thế giới.

Nguy cơ trước mắt là Ukraina thất bại, tiếp đến Moldova, các nước Baltic bị tấn công. Nhưng tham vọng của Vladimir Putin không dừng lại ở đây. Nga muốn thử nghiệm việc đưa đầu đạn nguyên tử lên không gian. Các drone và chiến binh mạng giúp Matxcơva triển khai lực lượng vượt ra ngoài biên giới. Kỹ nghệ bóp mép thông tin gieo rắc những điều dối trá, gây nhập nhằng. Sự phối hợp hiểm ác này đã gây bất ổn tại Sahel, hỗ trợ cho các nhà độc tài ở Syria và Trung Phi và sẽ còn tác động lên một số cuộc bầu cử trên thế giới năm nay.

Phương Tây phải làm gì ? Mỹ và châu Âu trông cậy vào hai chiến lược : bảo vệ Ukraina và trừng phạt. Nhưng quyết tâm của phương Tây chưa mạnh mẽ, trừng phạt kém hiệu quả vì 80 % thế giới - tính theo dân số và 40 % - tính theo GDP, không áp dụng. Nếu trừng phạt thứ cấp, về lâu về dài có thể dẫn đến việc một số nước từ bỏ hệ thống tài chánh do Mỹ lãnh đạo. Mục tiêu có thể khiêm tốn hơn là duy trì trừng phạt nhắm vào một số cá nhân liên quan đến Kremlin, và bảo đảm rằng Nga không thể đụng đến các công nghệ cao.

Một vũ khí khác là các giá trị tự do phổ quát, đã từng làm sụp đổ chế độ xô-viết khi bộc lộ tính phi nhân của chế độ toàn trị. Ngoại giao phương Tây cần chống lại tin giả của Nga tại các nước phương Nam, đồng thời tố cáo vi phạm nhân quyền, hỗ trợ các nhà ly khai, đón nhận những người Nga chạy khỏi đất nước.

Pháp : Công nghệ cao nhưng vũ khí thông dụng lại quá ít

Tại Pháp Le Point nhận thấy, hai năm sau cuộc xâm lăng Ukraina, tổng thống Emmanuel Macron đặt mình vào vai thủ lãnh chiến tranh ở châu Âu. Tuần báo có bài điều tra về sức mạnh quân sự và năng lực kỹ nghệ quốc phòng Pháp.

Việc hiện đại hóa thông qua thế hệ tàu ngầm thứ ba và nâng cấp hỏa tiễn M51.3, ASMP-A là đáng hoan nghênh. Nhưng kèm theo đó là việc duy trì mô hình quân đội quy ước và đội ngũ viễn chinh, khó phù hợp với việc bảo vệ châu Âu. Các loại thiết giáp Griffon, Jaguar và Serval bị giảm 30 %, số xe tăng Leclerc cải tiến từ 200 còn 160 (trong khi Nga mất đến 2.000 xe tăng ở Ukraina), số chiến đấu cơ Rafale từ 185 còn 137, chiến hạm cũng ít. Quân đội Pháp không thể có lực lượng drone hùng hậu trước năm 2030, mà đây là loại vũ khí quan trọng trong thời gian gần đây.

Kỹ nghệ Pháp chuyên về công nghệ cao và các thiết bị hữu dụng cho những xung đột trong các thập niên tới, từ siêu tốc cho đến lượng tử, nhưng lại không thể sản xuất các vũ khí cần thiết cho chiến tranh hiện nay : pháo, xe tăng, drone. Hơn nữa, do đơn đặt hàng của nhà nước thất thường và giá cả không hấp dẫn, các công ty ưu tiên cho xuất khẩu, hiện chiếm hơn 1/3 doanh số. Đạn pháo 155 ly chỉ sản xuất được 2.500 quả một tháng, trong khi quân đội Ukraina bắn đi 5.000 quả một ngày, còn Nga 15.000 quả !

Dưới sự quản lý của Cục Vũ khí (Bộ Quốc phòng Pháp) và Ủy Ban Châu Âu, quốc phòng còn bị siết bằng vô số quy định không phù hợp với thời chiến. Chẳng hạn các vụ thử nghiệm drone tự sát bị cấm, nên đành phải thực hiện ở ngoài khơi xa hay tận châu Phi. Việc nhập khẩu các thiết bị từ Hoa Kỳ do nhu cầu khẩn cấp bị từ chối vì không công nhận các tiêu chuẩn Mỹ, chiến tranh mạng chịu sự chi phối của các tiêu chí dành cho dân sự.

2024, một năm khó khăn 

Về thế mạnh của quân đội Pháp, có thể kể đại bác Caesar cứ 10 giây có thể bắn vào một mục tiêu cách xa 40 kilomet với sai số chỉ vài chục mét. Sở hữu một hàng không mẫu hạm nguyên tử và tàu chở trực thăng đổ bộ lớp Mistral, Pháp là nước duy nhất trong EU mà Hải quân có thể can thiệp tầm xa. Các tàu ngầm tấn công nguyên tử bảo đảm sự hiện diện quân sự đồng thời thu thập thông tin tình báo. Tiêm kích Rafale đa năng rất được ưa chuộng. Với thế hệ mới vận tải cơ chiến thuật A400 M và chiến lược A330 Phénix, Pháp có thể triển khai nhiều ngàn quân cùng trang thiết bị trong vài ngày đến những vùng xa xôi trên trái đất.

Nhờ vệ tinh và cảm biến công nghệ cao bố trí trên phi cơ và chiến hạm, Paris thường xuyên nắm được tình hình quốc tế. Số 290 đầu đạn nguyên tử bảo đảm kẻ thù sẽ thiệt hại khủng khiếp nếu leo thang. Về hỏa tiễn, quân đội Pháp có đủ tất cả các loại công nghệ cao, mới nhất là Meteor, hỏa tiễn không đối không có thể hạ được phi cơ địch lúc còn cách 100 kilomet. Tuy nhiên số lượng chỉ đủ dùng trong vài tuần nếu xảy ra chiến tranh cường độ cao. Điểm yếu là những thập niên qua, quân đội bị cắt giảm ngân sách nên một số chỉ là hàng mẫu như trực thăng vận chuyển, còn drone tác chiến không có. Số khác như trực thăng Gazelle, Puma đã lỗi thời, đạn dược có ít, các xe tăng Leclerc không đủ đạn pháo để tập dượt thường xuyên. Một khía cạnh yếu kém nữa là phòng không.

Về nhân lực, có thể áp dụng lại chế độ quân dịch một năm theo kiểu Thụy Điển, lập những đơn vị trang bị nhẹ gồm 50.000 quân có thể triển khai trên toàn lãnh thổ, những người giỏi nhất và nhiệt tình nhất được đề nghị ký hợp đồng với quân đội. Nhà nước có những đơn đặt hàng lâu dài để các nhà máy có thể đầu tư. Pháp có thể phối hợp với Anh để tái vũ trang, tái lập đối thoại với Đức, tổ chức kiểm soát Địa Trung Hải với Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, hay biển Baltic với Thụy Điển, Phần Lan, ba nước Baltic.Kế đến là cho sản xuất trở lại trong nước những sản phẩm chiến lược như đạn dược, vũ khí hạng nhẹ.

Trước một nước Nga dùng vũ khí nguyên tử để ngăn cản hỗ trợ Ukraina và đe dọa cả châu lục, Le Point cho rằng cần khẩn cấp củng cố khả năng răn đe nguyên tử, và có ủy viên chuyên trách quốc phòng cho châu Âu. Trong bài « Châu Âu có bao nhiêu sư đoàn ? » (nhắc lại câu nói của Stalin khi được yêu cầu tôn trọng tự do tín ngưỡng : « Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn ? »), L’Obs dẫn lời chuyên gia François Heisbourg cảnh báo từ hai tháng qua, không có một viên đạn pháo Mỹ nào được đưa đến Ukraina. « Năm 2024 là một năm rất khó khăn cho Ukraina và phức tạp cho châu Âu ».


**********

SpaceX của Elon Musk đang xây dựng mạng lưới vệ tinh gián điệp cho tình báo Mỹ

Reuters

SpaceX đang xây dựng một mạng lưới hàng trăm vệ tinh do thám theo một hợp đồng mật với cơ quan tình báo Mỹ, 5 nguồn tin quen thuộc với chương trình này cho biết, điều này thể hiện mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa công ty vũ trụ của nhà doanh nghiệp tỷ phú Elon Musk và các cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Các nguồn tin cho biết mạng này đang được đơn vị kinh doanh Starshield của SpaceX xây dựng theo hợp đồng trị giá 1,8 tỷ đôla được ký vào năm 2021 với Cục Trinh sát Quốc gia (NRO), một cơ quan tình báo quản lý các vệ tinh gián điệp.

Các kế hoạch này cho thấy mức độ tham gia của SpaceX vào các dự án tình báo và quân sự của Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy Lầu Năm Góc đầu tư sâu hơn của vào các hệ thống vệ tinh bay ở tầm thấp của trái đất để hỗ trợ cho các lực lượng trên mặt đất.

Các nguồn tin cho biết nếu thành công, chương trình này sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chính phủ và quân đội Mỹ trong việc nhanh chóng phát hiện các mục tiêu tiềm tàng ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Các nguồn tin nói rằng hợp đồng này báo hiệu sự tin tưởng ngày càng tăng của cộng đồng tình báo đối với một công ty có chủ sở hữu đã từng xung đột với chính quyền Biden và gây ra tranh cãi về việc sử dụng kết nối vệ tinh Starlink trong cuộc chiến Ukraine.

Wall Street Journal hồi tháng 2 đưa tin về một hợp đồng Starshield tuyệt mật trị giá 1,8 tỷ đôla với một cơ quan tình báo không xác định mà không nêu chi tiết mục đích của chương trình.

Reuters lần đầu tiên loan tin SpaceX dành được hợp đồng xây dựng một hệ thống gián điệp rất mạnh mới với hàng trăm vệ tinh có khả năng chụp ảnh trái đất, có thể hoạt động như một bầy đàn ở quỹ đạo thấp và cơ quan gián điệp mà công ty của ông Musk đang hợp tác là Cục Trinh sát Quốc gia (NRO).

Reuters không thể xác định khi nào mạng lưới vệ tinh mới sẽ hoạt động và không thể xác định những công ty nào khác tham gia chương trình với các hợp đồng riêng của họ.

SpaceX, nhà khai thác vệ tinh lớn nhất thế giới, không trả lời một số yêu cầu bình luận về hợp đồng, vai trò của họ trong hợp đồng và thông tin chi tiết về các vụ phóng vệ tinh. Lầu Năm Góc đã chuyển yêu cầu bình luận tới NRO và SpaceX.

Trong một tuyên bố, NRO thừa nhận sứ mệnh phát triển một hệ thống vệ tinh tinh vi và quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ, công ty, tổ chức nghiên cứu và quốc gia khác, nhưng từ chối bình luận về phát hiện của Reuters về mức độ tham gia của SpaceX vào nỗ lực này.

Người phát ngôn cho biết: “Cục Trinh sát Quốc gia đang phát triển hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát trên không gian có khả năng, đa dạng và linh hoạt nhất mà thế giới từng thấy”.

Các nguồn tin cho biết, các vệ tinh có thể theo dõi các mục tiêu trên mặt đất và chia sẻ dữ liệu đó với các quan chức quân sự và tình báo Hoa Kỳ. Về nguyên tắc, điều đó sẽ cho phép chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng ghi lại hình ảnh liên tục về các hoạt động trên mặt đất ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, hỗ trợ các hoạt động tình báo và quân sự.

Ba nguồn tin cho biết khoảng một chục nguyên mẫu đã được phóng lên không gian kể từ năm 2020, cùng với các vệ tinh khác bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Cơ sở dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ về các vật thể trên quỹ đạo cho thấy một số sứ mệnh của SpaceX đã triển khai các vệ tinh mà cả công ty này lẫn chính phủ đều chưa từng thừa nhận. Hai nguồn tin đã xác nhận đó là nguyên mẫu của mạng Starshield.

Tất cả các nguồn tin đếu yêu cầu giấu tên vì họ không được phép thảo luận về chương trình của chính phủ Hoa Kỳ.

Lầu Năm Góc, vốn là một khách hàng lớn của SpaceX, sử dụng tên lửa Falcon 9 để phóng các thiết bị quân sự lên vũ trụ. Một trong những nguồn tin cho biết vệ tinh nguyên mẫu đầu tiên của Starshield được phóng vào năm 2020 là một phần của một hợp đồng riêng trị giá khoảng 200 triệu đôla đã giúp SpaceX giành được hợp đồng 1,8 tỷ đôla sau đó.

Mạng Starshield tách biệt với Starlink, nhóm băng thông rộng thương mại đang phát triển của SpaceX có khoảng 5.500 vệ tinh trong không gian để cung cấp Internet gần như toàn cầu cho người tiêu dùng, công ty và cơ quan chính phủ.

Chương trình bí mật chòm vệ tinh gián điệp là một trong những khả năng được chính phủ Hoa Kỳ muốn có nhất trong không gian vì nó được thiết kế để cung cấp phạm vi bao phủ liên tục, rộng khắp và nhanh chóng nhất của các hoạt động trên trái đất.

“Không ai có thể che giấu gì được”, một trong những nguồn tin nói về khả năng tiềm tàng của hệ thống khi mô tả phạm vi tiếp cận của mạng.

Ông Elson Musk, cũng là người sáng lập và giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla và chủ sở hữu của công ty truyền thông xã hội X, đã thúc đẩy sự đổi mới trong không gian nhưng cũng gây ra sự thất vọng đối với một số quan chức trong chính quyền Biden về việc kiểm soát Starlink ở Ukraine, nơi quân đội Kyiv sử dụng nó để liên lạc trong cuộc chiến với Nga. Quyền kiểm soát và sử dụng Starlink trong vùng chiến sự thuộc về ông Musk chứ không phải quân đội Hoa Kỳ đã tạo ra căng thẳng giữa ông và chính phủ Hoa Kỳ.

Mạng lưới Starshield này là một phần của việc tăng cường cạnh tranh giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc quân sự thống trị trong không gian, một phần bằng cách mở rộng các hệ thống vệ tinh do thám thay cho các tàu vũ trụ cồng kềnh, đắt tiền ở quỹ đạo cao hơn. Thay vào đó, một mạng lưới rộng lớn, có quỹ đạo thấp có thể cung cấp hình ảnh Trái đất nhanh hơn và gần như liên tục.

Trung Quốc cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng các chòm vệ tinh của riêng mình và Lầu Năm Góc đã cảnh báo về các mối đe dọa vũ khí không gian từ Nga, vốn có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới vệ tinh.

Starshield nhằm mục đích được xây dựng kiên cố hơn trước các cuộc tấn công từ các lực lượng không gian phức tạp.

Mạng lưới này cũng nhằm mục đích mở rộng đáng kể khả năng viễn thám của chính phủ Hoa Kỳ và sẽ bao gồm các vệ tinh lớn có cảm biến hình ảnh, cũng như một số lượng lớn hơn các vệ tinh chuyển tiếp truyền dữ liệu hình ảnh và các thông tin liên lạc khác trên mạng bằng cách sử dụng tia laser giữa các vệ tinh, hai trong số các nguồn tin cho biết.

NRO bao gồm nhân viên của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ và CIA và cung cấp hình ảnh vệ tinh mật cho Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo khác.

Ba nguồn tin cho biết các vệ tinh do thám sẽ chứa các cảm biến do một công ty khác cung cấp.


***********
voatiengviet.com

Ukraine tấn công thành phố, nhà máy lọc dầu của Nga vào ngày thứ hai của bầu cử tổng thống Nga

Reuters

Một cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine đã làm hai người thiệt mạng ở miền Tây nước Nga và một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã khiến một nhà máy lọc dầu bốc cháy hôm thứ Bảy 16/3, ngày thứ hai của cuộc bầu cử mà Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc Kyiv đang tìm cách phá hoại.

Cuộc chiến Ukraine đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử tổng thống dài ba ngày mà hầu như chắc chắn sẽ trao cho ông Putin thêm sáu năm nữa làm chủ Điện Kremlin.

Người đứng đầu ủy ban bầu cử Ella Pamfilova cho biết tính đến giờ đã xảy ra 20 vụ những kẻ tìm cách phá hủy phiếu bầu bằng cách đổ các chất lỏng khác nhau vào thùng phiếu, và 8 trường hợp đốt phá và đánh bom khói.

Thống đốc vùng Belgorod, nơi Ukraine thường xuyên mở các cuộc tấn công xuyên biên giới gần như mỗi ngày, cho biết một người đàn ông và một phụ nữ thiệt mạng. Đoạn video mà Reuters xem được cho thấy đám cháy bốc lên và còi báo động không kích vang lên trên những đường phố vắng tanh của thành phố Belgorod.

Dmitry Azarov, thống đốc vùng Samara, cách Moscow 850 km về phía đông nam, cho biết nhà máy lọc dầu Syzran đang bốc cháy nhưng cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu thứ hai đã bị ngăn chặn.

Các quan chức cho biết đám cháy đã được kiểm soát vài giờ sau đó, nhưng các sự cố cho thấy khả năng của Ukraine tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga hàng trăm km, nhắm vào ngành công nghiệp năng lượng của Nga. Hai nhà máy lọc dầu lớn khác đã bị máy bay không người lái tấn công làm cháy hồi đầu tuần này khiến công suất của các nhà máy này bị giảm xuống một nửa hoặc hơn.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đẩy lùi lực lượng Ukraine tấn công xuyên biên giới vào vùng Belgorod. Thống đốc Gladkov cho biết với "tình hình hiện tại", các trường học ở phần lớn khu vực sẽ đóng cửa vào thứ Hai và thứ Ba, và các trung tâm mua sắm ở thành phố Belgorod sẽ đóng cửa vào Chủ nhật và thứ Hai.

Nga hôm thứ Sáu 15/3 đã bắn tên lửa vào một khu dân cư ở thành phố cảng Odesa bên bờ Biển Đen của Ukraine, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.

Ông Putin thống trị hoàn toàn

Việc nắm giữ quyền lực của ông Putin không bị đe dọa. Ở tuổi 71 và giữ chức tổng thống hoặc thủ tướng kể từ ngày cuối cùng của năm 1999, ông thống trị nền chính trị Nga.

Không ai trong số ba ứng cử viên còn lại trên lá phiếu – đảng viên cộng sản kỳ cựu Nikolai Kharitonov, Leonid Slutsky theo chủ nghĩa dân tộc hay Vladislav Davankov, phó chủ tịch Hạ viện – tạo ra được bất kỳ thách thức đáng kể nào.

Những người chỉ trích ông Putin hàng đầu đang ở trong tù hoặc đã trốn ra nước ngoài, khiến phe đối lập gọi cuộc bỏ phiếu là một sự giả tạo. Chính trị gia đối lập nổi tiếng nhất của Nga, Alexey Navalny, đã chết trong trại tù ở Bắc Cực vào tháng trước và những người ủng hộ ông cáo buộc ông Putin đã ra lệnh giết ông. Điện Kremlin phủ nhận điều đó và giấy chứng tử nói rằng ông Navalny chết vì nguyên nhân tự nhiên.

Tỷ lệ cử tri đi bầu tổng thể - một chỉ số quan trọng đối với ông Putin khi ông cố gắng chứng tỏ cả nước ủng hộ mình - đã tăng trên 50% trong ngày bỏ phiếu thứ hai.

Tỷ lệ đi bầu ở khu vực Belgorod, nơi thường bị Ukraina tấn công, là hơn 70%. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng cao ở các khu vực bị Nga chiếm của Ukraine, nơi Kyiv nói rằng việc bỏ phiếu là bất hợp pháp và vô hiệu.

Trọng tâm chính sẽ là ngày bỏ phiếu thứ ba vào Chủ nhật, khi những người ủng hộ ông Navalny kêu gọi mọi người đi biểu tình tập thể vào buổi trưa để phản đối Putin ở mỗi múi giờ trong số 11 múi giờ của nước Nga.

Quan chức bầu cử Pamfilova nói rằng những người cố gắng cản trở cuộc bỏ phiếu là "những kẻ đê tiện" và có thể phải đối mặt với án tù 5 năm. Bà nói, mà không cung cấp bằng chứng, rằng tình báo Ukraine và “những kẻ đồng lõa và những kẻ điểu khiển” chúng – ám chỉ phương Tây – đứng đằng sau các hành động phản kháng ồn ào cho đến nay tại các điểm bỏ phiếu.

Đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất cho biết đang có một cuộc tấn công từ chối dịch vụ trên diện rộng - một hình thức tấn công mạng nhằm làm tê liệt lưu lượng truy cập web - và họ đã đình chỉ các dịch vụ không thiết yếu để ngăn chặn nó.

Hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời một quan chức viễn thông cấp cao cho biết mức độ tấn công mạng nhằm vào Nga là "chưa từng có" và quy lỗi cho Ukraine và các nước phương Tây. Ông cho biết một số hành động đã được truy tìm đến các địa chỉ IP ở Tây Âu và Bắc Mỹ.


**********
voatiengviet.com

Tàu thứ hai chở hàng cứu trợ cho Gaza sẵn sàng khởi hành từ Síp

Reuters

Tổng thống Síp hôm thứ Bảy 16/3 cho biết tàu chở chuyến hàng lương thực cứu trợ thứ hai đã sẵn sàng khởi hành từ Síp đến Gaza, sau khi chuyến hàng cứu trợ đầu tiên cập bến dải đất bị bao vây của người Palestine trong đêm trước.

Gần 200 tấn thực phẩm đã đến Dải Gaza vào cuối ngày thứ Sáu 15/3, chuyến hàng đầu tiên đi bằng đường biển tới dải đất của người Palestine bị chiến tranh tàn phá suốt 5 tháng qua.

Tổng thống Síp Nikos Christodoulides nói với các nhà báo: “Con tàu đầu tiên đã bắt đầu quay trở lại Síp và chúng tôi sẵn sàng đưa con tàu thứ hai đi”.

Con tàu thứ hai chở 240 tấn hàng cứu trợ đang neo đậu tại cảng Larnaca chờ tín hiệu ra khơi.

Tổ chức từ thiện World Central Kitchen (WCK) có trụ sở tại Hoa Kỳ đã tổ chức nhiệm vụ cứu trợ này với tổ chức từ thiện Open Arms của UAE và Tây Ban Nha với sự hỗ trợ của chính phủ Síp.

WCK cho biết chuyến hàng thứ hai còn có hai xe nâng và một cần cẩu để hỗ trợ việc vận chuyển hàng hải tới Gaza trong tương lai. Một đoàn thủy thủ sẽ đi cùng tàu chở hàng với 8 công nhân để vận hành máy móc và dỡ hàng cứu trợ.

Trong nhiệm vụ đầu tiên, tổ chức từ thiện đã chuyển hàng cứu trợ lên một cầu tàu tạm được WCK xây dựng bằng các đống đổ nát của nhà cửa bị phá hủy.

“Hy vọng rằng hành lang mà chúng tôi mở ra hôm nay sẽ lưu thông cùng với các hành lang trên đất liền để giảm bớt đói kém, giảm bớt đau khổ và phục hồi nhân đạo cho dân thường”, Open Arms, đơn vị cung cấp con tàu nói hôm thứ Sáu 15/3 trên X.

Cơ quan chính của Liên hợp quốc hoạt động tại Gaza hôm thứ Bảy cho biết, cứ ba trẻ em dưới 2 tuổi ở phía bắc Gaza thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng và nạn đói đang đe doạ.

Chiến dịch trên không và trên bộ của Israel ở Gaza, do cuộc tấn công của Hamas gây ra vào ngày 7 tháng 10, đã khiến phần lớn 2,3 triệu dân của khu vực này phải di tản và đang cạn kiệt lương thực và nhu yếu phẩm.


*************
voatiengviet.com

Nga cáo buộc Kyiv phá hoại bầu cử, Medvedev cảnh báo 'những kẻ phản bội'

Reuters

Moscow hôm thứ Bảy 16/3 cáo buộc Ukraine sử dụng "các hoạt động khủng bố" để tìm cách phá hoại cuộc bầu cử tổng thống của Nga và cựu Tổng thống Dmitry Medvedev chỉ trích những người biểu tình rải rác tại một số nơi tìm cách đốt các phòng phiếu và đổ thuốc nhuộm vào thùng phiếu là "những kẻ phản bội".

Cuộc chiến Ukraine đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử, vốn gần như chắc chắn sẽ mang lại cho Tổng thống Vladimir Putin thêm sáu năm làm chủ Điện Kremlin.

Vào ngày thứ hai trong ba ngày bỏ phiếu, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Kyiv đã "tăng cường các hoạt động khủng bố" nhằm phá hoại cuộc bầu cử "để chứng tỏ hoạt động của mình với những kẻ điều khiển phương Tây và cầu xin thêm viện trợ tài chính và vũ khí giết người".

Cơ quan này nói rằng trong số các vụ phá hoại, một máy bay không người lái của Ukraine đã thả một quả đạn pháo xuống một trạm bỏ phiếu ở khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời một quan chức bầu cử địa phương cho biết không có thiệt hại hay thương tích khi quả đạn nổ cách một tòa nhà có trạm bỏ phiếu năm hoặc sáu mét trước giờ mở cửa ở một ngôi làng cách thành phố Enerhodar khoảng 20 km.

Reuters không thể xác minh độc lập vụ việc.

Không có bình luận ngay lập tức từ các quan chức ở Ukraine, vốn coi cuộc bầu cử diễn ra ở các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm là bất hợp pháp và vô hiệu.

Trong khi đó, người đứng đầu ủy ban bầu cử, Ella Pamfilova, cho biết trong hai ngày bỏ phiếu đầu tiên đã xảy ra 20 vụ những kẻ tìm cách hủy phiếu bầu đổ những chất lỏng khác nhau vào thùng phiếu, cũng như 8 trường hợp đốt phá và một vụ tấn công bằmg bom khói.

Bình luận về các vụ việc, ông Medvedev nói rằng những người gây ra những vụ phá rối này có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù về tội phản quốc.

“Đây là sự hỗ trợ trực tiếp cho những kẻ thoái hóa đang tấn công vào các thành phố của chúng ta ngày nay”, ông đăng trên mạng xã hội, đề cập đến các cuộc tấn công của Ukraine.

Vào ngày bỏ phiếu cuối cùng hôm Chủ nhật, những người ủng hộ cố lãnh đạo chính trị đối lập Alexey Navalny đã kêu gọi người dân tập trung đi biểu tình vào buổi trưa để phản đối ông Putin ở mỗi múi giờ trong số 11 múi giờ của nước Nga.


*************

Tin tức thế giới 17-3: Ông Macron lại gây sốc 'phương Tây có thể mở chiến dịch trên bộ ở Ukraine'

MINH KHÔI

Từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bắt tay nhau trong cuộc họp báo tại Berlin, ngày 15-3 - Ảnh: AFP

Từ trái qua: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bắt tay nhau trong cuộc họp báo tại Berlin, ngày 15-3 - Ảnh: AFP

Xung đột Nga - Ukraine

* Tổng thống Pháp Macron cho biết phương Tây có thể mở chiến dịch trên bộ ở Ukraine "vào một lúc nào đó". Ông Macron nói trong cuộc phỏng vấn được công bố tối 16-3, vài ngày sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan.

Tháng trước, ông Macron từ chối loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine. Động thái này gây ra phản ứng từ Berlin và các nước châu Âu khác.

"Có thể đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải tiến hành các chiến dịch trên bộ để chống lại lực lượng Nga", ông Macron nói với tờ Le Parisien, đồng thời khẳng định ông "không muốn và sẽ không chủ động".

Những bất đồng về khả năng mở chiến dịch trên bộ và chuyển giao tên lửa tầm xa cho Kiev đang làm suy yếu hợp tác giữa các đồng minh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phản ứng giận dữ trước việc ông Macron trước đó từ chối loại trừ khả năng gửi quân tới Ukraine.

Ông Macron đã gặp lãnh đạo Đức và Ba Lan tại Berlin vào ngày 15-3, để thể hiện tình đoàn kết.

Sau cuộc gặp, ông Macron cho biết 3 quốc gia đều "đoàn kết" với mục tiêu "không bao giờ để Nga chiến thắng và hỗ trợ người dân Ukraine cho đến cùng".

* Tổng thống Pháp Macron nói Nga sẽ được yêu cầu tuân thủ lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong Thế vận hội Paris. Ủy ban Olympic quốc tế đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine vào tháng 2-2022.

Ủy ban cho rằng Chính phủ Nga đã vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn Olympic. Thỏa thuận này nhằm mục đích lấy thể thao để thúc đẩy hòa bình và đối thoại.

Ngày 14-3, chủ tịch Ủy ban Olympic Nga cho biết họ sẽ không tẩy chay Thế vận hội Paris năm nay, bất chấp những hạn chế đối với các vận động viên do Ủy ban Olympic quốc tế áp đặt như một hình phạt cho việc tấn công Ukraine.

Trong khi đó thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi giữa tuần rằng bà mong muốn người Nga và người Belarus "không đến".

Điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Nga ở Matxcơva, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Điểm bỏ phiếu bầu tổng thống Nga ở Matxcơva, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

* Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "các hoạt động khủng bố" để phá đám cuộc bầu cử tổng thống của Nga.

Vào ngày thứ hai trong ba ngày bỏ phiếu (16-3), Bộ Ngoại giao Nga cho biết Kiev đã "tăng cường các hoạt động khủng bố" liên quan đến cuộc bầu cử "để chứng minh với những đồng minh phương Tây và cầu xin thêm hỗ trợ tài chính và vũ khí sát thương".

Một máy bay không người lái của Ukraine đã thả một quả đạn pháo xuống một trạm bỏ phiếu ở khu vực do Nga kiểm soát ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời một quan chức bầu cử địa phương cho biết không có thiệt hại cũng như thương tích khi thiết bị nổ rơi cách một tòa nhà có trạm bỏ phiếu 5 hoặc 6m trước khi nó mở cửa.

Người đứng đầu ủy ban bầu cử, Ella Pamfilova, cho biết trong hai ngày bỏ phiếu đầu tiên đã xảy ra 20 vụ người dân cố gắng hủy phiếu bầu bằng cách đổ nhiều chất lỏng khác nhau vào thùng phiếu, cũng như 8 trường hợp cố gắng đốt phá và một vụ tấn công bằng bom khói.

Bình luận về các vụ việc, cựu tổng thống Nga Medvedev cho biết những người chịu trách nhiệm có thể phải đối mặt với mức án 20 năm tù về tội phản quốc.

Hôm nay (17-3) là ngày bỏ phiếu cuối cùng. Những người ủng hộ cố lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đã kêu gọi người dân tập trung đi biểu tình vào buổi trưa để phản đối ông Putin.

Xung đột ở Dải Gaza

* Tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở Gaza. Cơ quan Liên Hiệp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết cứ 3 trẻ em dưới 2 tuổi ở phía Bắc Gaza thì có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Ngày 15-3, Israel nói họ sẽ cử phái đoàn đến Qatar để đàm phán, sau khi Hamas đưa ra đề xuất mới về ngừng bắn, trao đổi con tin.

Phái đoàn do người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea dẫn đầu.

Trẻ em cầm thức ăn từ thiện ở Rafah, phía Nam Gaza, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Trẻ em cầm thức ăn từ thiện ở Rafah, phía Nam Gaza, ngày 16-3 - Ảnh: AFP

Đề nghị của Hamas bao gồm hàng chục con tin Israel sẽ được trả tự do để đổi lấy hàng trăm người Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel. Lệnh ngừng bắn kéo dài nhiều tuần sẽ cho phép thêm viện trợ vào Gaza.

Hamas cũng kêu gọi đàm phán ở giai đoạn sau để chấm dứt chiến tranh, nhưng Israel cho biết họ chỉ sẵn sàng đàm phán về một lệnh ngừng bắn tạm thời.

Quan chức cấp cao của Hamas, Osama Hamdan, nói với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera rằng đề xuất của nhóm thực tế đến mức "không ai có thể phản đối" và tuyên bố rằng các nhà hòa giải đã phản ứng tích cực.

Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel thông tin ông Netanyahu đã phê duyệt kế hoạch tấn công vào thành phố phía Nam Rafah. Hơn một nửa trong số 2,3 triệu cư dân Gaza đang trú ẩn tại thành phố này.

Tin tức khác

* Niger ngừng lập tức hiệp định quân sự với Mỹ. Hiệp định này cho phép quân nhân và nhân viên dân sự từ Bộ Quốc phòng Mỹ đến Niger.

Quyết định này diễn ra sau chuyến thăm của các quan chức Mỹ trong tuần này. Người phát ngôn của chính quyền Niger, đại tá Amadou Abdramane, cho biết phái đoàn Mỹ đã không tuân theo nghi thức ngoại giao và Niger không được thông báo về thành phần phái đoàn, ngày đến hoặc chương trình nghị sự.

Kể từ khi nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, chính quyền Niger, giống như những chính quyền quân sự ở nước láng giềng Mali và Burkina Faso, đã trục xuất các lực lượng Pháp và châu Âu khác, đồng thời quay sang nhờ Nga hỗ trợ.

Tính đến năm ngoái, có khoảng 1.100 lính Mỹ ở Niger. Quân đội Mỹ hoạt động tại hai căn cứ, trong đó có một căn cứ máy bay không người lái được gọi là Căn cứ Không quân 201, được xây dựng gần Agadez ở miền trung Niger với chi phí hơn 100 triệu USD.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tranh cử nhiệm kỳ 3 - Ảnh: AFP

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tranh cử nhiệm kỳ 3 - Ảnh: AFP

* Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ tranh cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 28-7. Ông Maduro đã cầm quyền 11 năm.

"Chúng ta sẽ đi đến chiến thắng mới", tổng thống 61 tuổi nói khi chấp nhận trở thành ứng viên tranh cử của Đảng PSUV cầm quyền.

"Tôi ở đây vì người dân, đó là lý do tại sao hôm nay, ngày 16-3-2024, tôi chấp nhận ứng cử tổng thống cho cuộc bầu cử vào ngày 28 tháng 7", ông Maduro nói.

Kể từ năm 2013, Venezuela bị khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, song song với việc bị Mỹ trừng phạt. 7 triệu người dân nước này đã phải rời bỏ đất nước khi GDP giảm mạnh 80% trong một thập kỷ.

Việc ông Maduro tái đắc cử nhiệm kỳ 6 năm lần thứ hai vào năm 2018 đã không được Mỹ và hàng chục quốc gia khác công nhận. Thay vào đó, nhiều nước công nhận lãnh đạo quốc hội Juan Guaido là tổng thống lâm thời.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn