Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 15-03 -2024

Thứ Sáu, 15 Tháng Ba 20245:29 SA(Xem: 1496)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 15-03 -2024
HoaLuc 6
************

Tình báo Ukraina: Hai tỉnh biên giới Nga đang trở thành "chiến trường"

Trọng Thành

Một ngày trước khi Nga tổ chức bầu cử tổng thống, hôm qua, 14/03/2024, một quan chức tình báo cao cấp của Ukraina thông báo nhiều nhóm vũ trang người Nga chống chế độ Putin đang xâm nhập vào hai tỉnh biên giới giáp với Ukraina, biến nhiều khu vực thành "chiến trường".

Đăng ngày:

3 phút

Theo Reuters, trả lời đài truyền hình quốc gia Ukraina, ông Andriy Yusov, phát ngôn viên của ban lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraina (GUR), xác nhận hai tỉnh Kursk và Belgorod giáp biên đang là mục tiêu tấn công của một số nhóm "tình nguyện quân" Nga, những người "không có lựa chọn nào khác để bảo vệ quyền công dân của mình ngoài việc cầm vũ khí chống lại chế độ Putin".

Trước đó, trên mạng Telegram, Quân Đoàn Tự Do Nga, một trong ba nhóm vũ trang người Nga thân Kiev, đặt cơ sở tại Ukraina, cho biết đang tiến hành "các hoạt động quân sự hạn chế" tại hai tỉnh nói trên, đồng thời kêu gọi cư dân tại một số thị trấn sơ tán vì lý do an toàn.

Trên Telegram, thống đốc tỉnh Kursk Roman Starovoit thừa nhận chiến sự đang diễn ra, thông báo "lực lượng khủng bố Ukraina đã không ngừng nỗ lực đưa những kẻ phá hoại xâm nhập lãnh thổ của chúng ta". Thống đốc tỉnh Belgorod của Nga, ông Vyachslav Gladkov, thừa nhận làng biên giới Kozinka bị "thiệt hại rất nghiêm trọng". Theo giới blogger quân sự Nga, lính dù Nga đã được điều động đến địa điểm này.

Về các cuộc tấn công tại hai tỉnh biên giới đang diễn ra, và cuộc oanh kích vào nhà máy lọc dầu Nijni Novgorod, cách thủ đô Nga 200 km, cách đây ba hôm, trả lời RFI, chuyên gia về Nga Jean Radvanyi nêu bật các hệ quả hai mặt của các hoạt động này về truyền thông. Một mặt, các cuộc tấn công cho thấy rõ là chiến tranh đang diễn ra trong lãnh thổ nước Nga, thủ phạm cuộc xâm lăng Ukraina. Mặt khác, chế độ Putin sẽ lợi dụng các cuộc tấn công này để gia tăng tuyên truyền chống phương Tây, khẳng định nước Nga là nạn nhân.

Kiev kêu gọi dân Ukraina tại các vùng chiếm đóng không bỏ phiếu

Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qua, 14/03/2024, lên án các cuộc bầu cử của Nga tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Ukraina là "bất hợp pháp", đồng thời kêu gọi người dân Ukraina tại các vùng bị chiếm đóng, hoặc bị cưỡng bức sang Nga, không tham gia bỏ phiếu.

Về chiến sự ở Ukraina, tại thành phố Donetsk, miền đông Ukraina, bị Nga chiếm đóng, ba trẻ nhỏ tử vong trong đêm hôm qua 14/03, do nơi ở trúng bom. Thị trưởng do Nga bổ nhiệm lên án các cuộc oanh kích "tàn bạo". Reuters không có điều kiện để kiểm chứng một cách độc lập thông tin này.

Theo Không quân  Ukraina, lực lượng phòng không tại bảy tỉnh - bao gồm vùng thủ đô - đã bắn hạ 27 drone Nga, do Iran chế tạo. Theo chính quyền Ukraina, đây là ngày thứ hai liên tiếp Nga oanh kích ồ ạt, khiến ít nhất hai người chết, tại thành phố miền trung Vinnytsia.


***********
rfi.fr

Lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan họp bàn về viện trợ cho Ukraina

Minh Anh

Hôm nay, 15/03/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và thủ tướng Đức Olaf Scholz có cuộc họp ba bên tại Berlin để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraina. Cuộc gặp này còn được xem là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Đức và Pháp.

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức sẽ có cuộc gặp riêng vào trưa nay nhằm giải tỏa những sự hiểu nhầm trong cuộc trao đổi gay gắt sau hội nghị yểm trợ Ukraina ở điện Elysée hôm 26/02. Ngay sau cuộc gặp song phương là cuộc họp ba bên với thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.

Phiên họp cấp cao hôm nay còn nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu trong hai ngày 21 và 22/03.

Từ cuối tháng Hai, Pháp và Đức vẫn bất đồng về chiến lược trợ giúp Ukraina,  về việc gởi binh sĩ, cung cấp tên lửa tầm xa, tài chính… Căng thẳng trục Paris - Berlin không những làm lung lay thông điệp đoàn kết của các đồng minh, mà còn khiến Ukraina lo lắng, cho rằng « sự do dự và thiếu phối hợp hành động » giữa các nước đồng minh của Kiev đã gây ra « nhiều hệ quả nghiêm trọng ».

Reuters dẫn lời cố vấn của tổng thống Ukraina, ông Mykhailo Podolyak, khẳng định « Nga bắt đầu tự tin và nghĩ rằng có thể đè bẹp Ukraina về số lượng. Trong khi đó, Ukraina đang thiếu hụt nhiều nguồn lực quan trọng, chủ yếu là đạn pháo, và mất một phần thế chủ động ».  

Đang công du tại Washington, lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell hôm qua cảnh báo, « những tháng sắp tới sẽ mang tính quyết định (…) Nhiều nhà quan sát dự báo Nga có thể mở chiến dịch tấn công vào mùa hè này và Ukraina không thể chờ cho đến khi có kết quả bầu cử sắp tới tại Hoa Kỳ ».


***********

Quan chức Ukraine: Hai khu vực biên giới Nga hiện là vùng chiến sự

Reuters

Một quan chức tình báo cấp cao Ukraine nói hôm 14/3 rằng các nhóm vũ trang mà ông mô tả là những người Nga chống lại Điện Kremlin đang tiến hành xâm nhập vào lãnh thổ Nga và đã biến hai khu vực biên giới thành “khu vực chiến sự”, theo Reuters.

Tuy nhiên, thống đốc một trong những khu vực của Nga bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công đã đến thăm các ngôi làng trong khu vực và nói rằng các binh sĩ đối địch không còn hiện diện ở đó nữa.

Ba nhóm trú đóng ở Ukraine đưa ra tuyên bố cho hay họ đang thực hiện các hoạt động vũ trang ở khu vực Belgorod và Kursk, đồng thời yêu cầu người dân sơ tán khỏi các địa phương vì sự an toàn của chính họ.

Ông Andriy Yusov, người phát ngôn của tổng cục giám đốc tình báo GUR, nói với đài truyền hình quốc gia: “Khu vực Kursk và Belgorod hiện là khu vực có các hoạt động chiến đấu đang diễn ra. Đây là điều chúng tôi xác nhận”.

“Và như các chiến sĩ tình nguyện và quân nổi dậy đã tuyên bố, chúng ta đang nói về những công dân Nga, những người không có lựa chọn nào khác, đang bảo vệ quyền dân sự của mình bằng vũ khí chống lại chế độ Putin”.

Ông Vyachslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod của Nga, đưa ra tường thuật trên mạng Telegram rằng không có lực lượng Ukraine nào ở một trong những khu vực bị tấn công trước đó.

“Tôi có thể tuyên bố rằng không có quân đội Ukraine nào trên lãnh thổ khu vực đó”, ông viết trong bài đăng sau nửa đêm theo giờ địa phương. Ông cho biết thêm: “Cuộc chiến đang diễn ra bên ngoài khu vực đó”.

Nhưng ông Gladkov cho biết làng Kozinka “bị ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại rất nghiêm trọng”. Người dân đã được sơ tán đến những nơi mà hiện tại họ đã an toàn.

Ông Gladkov trước đó cho hay có 2 người thiệt mạng và ít nhất 20 người bị thương trong các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine.

Các blogger quân sự Nga trước đó đưa tin rằng lính dù Nga đã được điều động tới Kozinka. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng họ đã ngăn chặn được một cuộc tấn công của quân đội Ukraine.

Ông Roman Starovoit, Thống đốc khu vực Kursk, đưa ra một số chi tiết nhưng lưu ý trên mạng Telegram rằng “những kẻ khủng bố Ukraine đã không ngừng nỗ lực đưa những kẻ phá hoại vào lãnh thổ của chúng tôi”.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(Reuters) – Trung Quốc và NATO thảo luận về tình hình quốc tế và khu vực. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 13/03/2024 thông báo cuộc họp lần thứ 8 với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã diễn ra tại Bắc Kinh. Phía Trung Quốc chỉ thông báo là hai bên tập trung vào tình hình quốc tế và khu vực. Trái lại phía NATO đi sâu hơn vào chi tiết, cho biết đại diện hai bên đã thảo luận về « việc Nga xâm lược bất hợp pháp Ukraina, về an ninh hàng hải và về một số chủ đề mà NATO và Trung Quốc cùng quan tâm ». Năm ngoái Liên minh Bắc Đại Tây Dương từng ghi nhận Trung Quốc không là một đối thủ của khối này, nhưng « những hành động hù dọa và tham vọng của Bắc Kinh thách thức an ninh và những giá trị của NATO ». Còn báo chí Trung Quốc thì xem NATO là một mối « đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định » chung toàn cầu. 

(Reuters) – Biển Đông sẽ là trọng tâm chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Philippines vào tuần tới. Thông cáo của phủ tổng thống Philippines hôm nay, 14/03/2024, cho biết, theo dự kiến, ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ hội kiến ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington vào ngày 19/03/2021. Hợp tác và an ninh sẽ là hai hồ sơ chính trong cuộc họp. Chuyến đi của tổng thống Philippines diễn ra vào lúc căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh lên cao vì những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. 

(AFP) – Ngoại trưởng Trung Quốc công du Úc và New Zealand vào tuần tới, theo thông báo hôm nay 14/03/2024. Đây sẽ là chuyến thăm Úc đầu tiên của ông Vương Nghị kể từ năm 2017, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Canberra đang có dấu hiệu hòa dịu. Về phần New Zealand, ngoại trưởng Winston Peters thông báo đồng nhiệm Trung Quốc sau đó cũng sẽ đến thăm Wellington.

(AFP) – Đài Loan - Trung Quốc phối hợp tìm kiếm xác hai ngư dân thiệt mạng ngoài khơi đảo Đông Đính. Tuần duyên Đài Loan sáng nay thông báo huy động 4 tàu trong công tác này sau vụ một tàu đánh cá với 6 thuyền viên bị đắm gần đảo Đồng Đính, phía tây nam cụm đảo Kim Môn. Cùng lúc Bắc Kinh cho biết huy động 6 tàu cứu hộ tìm kiếm hai người bị mất tích. Đài Bắc ghi nhận nhờ nỗ lực, « của cả đôi bên », hai ngư dân trên chiếc tàu bị nạn đã được an toàn.  

(AFP) – Nhật Bản : Bê bối đảng cầm quyền tụ tập với vũ nữ bikini. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm qua, 13/03/2024, bị chất vấn tại Quốc Hội về một cuộc tụ tập do các đảng viên đảng của ông tổ chức, với các vũ nữ bikiniđược mời đến. Những hình ảnh của sự kiện được tổ chức vào tháng 11/2023 tại Wakayama (miền Tây) cho thấy những phụ nữ này ngồi trên đùi một số đảng viên Dân chủ Tự do (PLD) cầm quyền.

(AFP) – Na Uy sẽ đạt mục tiêu dành 2 % GDP cho ngân sách quốc phòng. Thủ tướng Jonas Gahr Støre khẳng định như trên vào hôm nay, 14/03/2024. Trước một nước láng giềng là Nga càng lúc « càng nguy hiểm và có thái độ khó lường » Na Uy dự trù dành 8 tỷ euro cho các chi phí quân sự trong năm nay và sẽ là một trong những thành viên NATO đạt chỉ tiêu huy động 2 % GDP để phòng vệ. Là thành viên NATO từ 1949, Na Uy có đường biên giới trên bộ 198 km với Nga. 

(AFP) – Lãnh đạo đảng cực hữu Hà Lan Geert Wildeers không thể ngồi vào ghế thủ tướng. Bốn tháng sau bầu cử Quốc Hội Hà Lan với kết quả là  đảng của ông đã về đầu, hôm qua, 13/03/2024 lãnh đạo đảng cực hữu với lập trường bài đạo Hồi, cho biết, do không thuyết phục được các đảng khác lập liên minh, ông Wilders không thể trở thành thủ tướng. Thủ tướng mãn nhiệm Mark Rutte tiếp tục điều hành đất nước trong khi chờ Hà Lan có chính phủ mới. 

(AFP) – Hai cộng tác viên của nhà đối lập Nga Alexeï Navalny bị kết án 3 năm rưỡi tù giam. Một tòa án tại Matxcơva đưa ra phán quyết nói trên vào hôm qua, 13/03/2024, gần một tháng từ khi ông Navalny bị chết trong tù. Theo trang mạng Mediazona, chuyên quan sát về tình trạng đàn áp chính trị tại Nga, Alina Olekhnovitch, 22 tuổi và Ivan Trofimov, 23 tuổi, đã bị bắt và bị tống giam từ tháng 7/2023. Cả hai đã bị tuyên án với cáo buộc« tham gia một tổ chức cực đoan »

(AFP) Liên Âu khuyến nghị các nước thành viên mở đàm phán kết nạp Bosnia và Herzegovina vào khối. Chủ tịch Ủy Ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua, 12/03/2024, thông báo Bruxelles đang kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Âu mở  đàm phán chính thức kết nạp Bosnia và Herzegovina vào khối. Quốc gia thuộc Nam Tư cũ là ứng viên gia nhập Liên Âu kể từ năm 2022, nhưng vẫn cần thực hiện một loạt cải cách lớn trước khi được EU bật đèn xanh mở đàm phán kết nạp. Bà Von der Leyen nhận thấy « Bosnia và Herzegovina đang chứng tỏ có thể đáp ứng các tiêu chí trở thành thành viên của khối, và đó là lý do thúc đẩy việc mở các cuộc đàm phán này ».

(AFP) – Liên Hiệp Quốc hứa thiết lập « cầu không vận » đưa viện trợ nhân đạo vào Haiti. Một ngày sau khi thủ tướng Ariel Henry thông báo từ chức, đây là sự kiện đáng chú ý từ khi Haiti, quốc gia nghèo nhất trong vùng biển Caribe rơi vào tay các băng đảng tội phạm. Thủ đô Port-au-Prince hiện nằm trong tay thủ lĩnh có biệt danh là Barbecue. Sân bay quốc tế bị phong tỏa. 


************
rfi.fr

Nghị Viện Châu Âu thông qua dự luật Tự Do Báo Chí

Thanh Hà

Ngày 13/03/2024, Nghị Viện Châu Âu thông qua dự luật về tự do báo chí, nhằm bảo đảm tính độc lập cho ngành báo chí của 27 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, bảo vệ các phóng viên và các phương tiện truyền thông của toàn khối trước những « can thiệp » với động cơ « chính trị hay kinh tế ».

Đăng ngày:

2 phút

Dự luật đã được thông qua với 464 phiếu thuận, 92 phiếu chống và 65 nghị viên không tham gia bỏ phiếu. Văn bản này cấm các thành viên Liên Âu « gây áp lực » với các phóng viên và tổng biên tập, cấm ép buộc báo chí phải tiết lộ các tin, cấm nghe lén, cấm sử dụng phần mềm thâm nhập trái phép máy tính, điện thoại của các nhà báo…

AFP nhắc lại, dự luật Tự Do Báo Chí vừa được Nghị Viện Châu Âu thông qua nhằm « bảo vệ tính đa dạng và độc lập » của các phương tiện truyền thông, vào lúc mà quyền cơ bản này đang bị đe dọa tại một số quốc gia, như Hungary và Ba Lan, hay tại một số quốc gia khác sử dụng phần mềm do thám như Pegasus hay Predator để ngăn cản hoạt động của các phóng viên.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát vẫn băn khoăn với câu hỏi : Liệu một số nước thành viên có thể viện cớ « an ninh quốc gia » cản trở công tác thông tin của báo giới hay không.

Đối với tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, đây là một « tiến bộ quan trọng » về quyền được thông tin của các công dân. Song như nghị viên châu Âu Hà Lan Sophie In’t Veld ghi nhận, để luật mới về tự do báo chí được hiệu quả, Ủy Ban Châu Âu cần bảo đảm rằng các nước thành viên hoàn toàn tuân thủ luật.

Dự luật Tự Do Báo Chí của Liên Âu chính thức có hiệu lực một khi được các thành viên của khối này này phê chuẩn.


**************

Lãnh đạo thượng viện Mỹ kêu gọi bầu cử mới ở Israel, nói ông Netanyahu là trở ngại cho hòa bình

AP

Lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer hôm 14/3 kêu gọi Israel tổ chức các cuộc bầu cử mới, nói rằng ông nghĩ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã “lầm đường” và là trở ngại cho hòa bình trong khu vực giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng ở Gaza.

Ông Schumer, nhà lãnh đạo đa số thượng viện gốc Do Thái đầu tiên và là quan chức Do Thái cấp cao nhất ở Hoa Kỳ, đã chỉ trích mạnh mẽ ông Netanyahu trong bài phát biểu dài 40 phút vào sáng ngày 14/3 tại Thượng viện. Ông nói rằng thủ tướng Israel đã tự đặt mình vào một liên minh gồm những kẻ cực đoan cực hữu và “kết quả là, ông ấy quá sẵn lòng chấp nhận thiệt hại về dân sự ở Gaza, và điều này đang đẩy sự ủng hộ trên toàn thế giới dành cho Israel xuống mức thấp lịch sử”.

“Israel không thể tồn tại nếu trở thành kẻ bị ruồng bỏ”, ông Schumer nói.

Ông Schumer đưa ra cảnh báo khi ngày càng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ phản đối Israel trong khi Tổng thống Joe Biden gia tăng áp lực công chúng lên chính phủ của ông Netanyahu, cảnh báo rằng thủ tướng Israel cần chú ý hơn đến số thường dân thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc tấn công của Israel ở khu vực này.

Trong tháng này, Hoa Kỳ đã bắt đầu thả hàng viện trợ nhân đạo thiết yếu và tuyên bố sẽ thiết lập một bến tàu tạm thời để nhận thêm viện trợ vào Gaza bằng đường biển.

Ông Schumer cho đến nay đã định vị mình là một đồng minh mạnh mẽ của chính phủ Israel. Ông đến thăm đất nước này chỉ vài ngày sau cuộc tấn công tàn bạo ngày 7/10 của Hamas và có một bài phát biểu dài ở Thượng viện Mỹ vào tháng 12, trong đó ông chỉ trích “chủ nghĩa bài Do Thái trắng trợn và lan rộng như vậy, mà chúng tôi chưa từng thấy qua nhiều thế hệ ở đất nước này”.

Nhưng tại Thượng viện hôm 14/3, ông Schumer nói rằng “người dân Israel hiện đang bị bóp nghẹt bởi một tầm nhìn cai trị đã bị mắc kẹt trong quá khứ”.

Ông Schumer nói rằng ông Netanyahu, người từ lâu đã phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine, là một trong những trở ngại cản trở giải pháp hai nhà nước mà Hoa Kỳ thúc đẩy. Ông Schumer nói ông Netanyahu “đã lầm đường lạc lối khi cho phép sự sống còn chính trị của mình được ưu tiên hơn những lợi ích tốt nhất của Israel”.

Ông Schumer cũng đổ lỗi cho những người Israel cánh hữu, Hamas và Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Cho đến khi tất cả họ bị loại bỏ, ông nói, “sẽ không bao giờ có hòa bình ở Israel, Gaza và Bờ Tây”.

Ông Schumer nói rằng Hoa Kỳ không thể quyết định kết quả của một cuộc bầu cử ở Israel, nhưng “một cuộc bầu cử mới là cách duy nhất cho phép một quá trình ra quyết định lành mạnh và cởi mở về tương lai của Israel, vào thời điểm mà rất nhiều người Israel đã mất niềm tin của họ vào tầm nhìn và định hướng của chính phủ của họ”.

Ông Netanyahu lâu nay có mối quan hệ nồng ấm hơn với các đảng viên Cộng hòa ở Hoa Kỳ, đáng chú ý nhất là bài phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội năm 2015 theo lời mời của các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nhằm cố gắng phá hủy các cuộc đàm phán hạt nhân của cựu Tổng thống Barack Obama với Iran. Động thái này đã khiến các quan chức chính quyền Obama tức giận, khi họ coi đây là một kết cục không thể chịu đựng được xung quanh quyền lực tổng thống của ông Obama và sự can thiệp sâu sắc đến mức không thể chấp nhận được vào nền chính trị và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Ngay trong tuần này, ông Netanyahu đã được mời đến nói chuyện với các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại một buổi họp mặt của đảng. Nhưng đại sứ Israel Michael Herzog đã thay thế ông do vấn đề về lịch trình vào phút cuối, theo một người am tường về cuộc họp kín cho biết.

Không rõ lời kêu gọi trực tiếp bất thường của ông Schumer sẽ được đón nhận như thế nào ở Israel, nơi cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 10/2026. Nhiều người Israel cho rằng ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm về việc đã không ngăn chặn được cuộc đột kích xuyên biên giới ngày 7/10 của Hamas, khiến 1.200 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, và kết quả là sự nổi tiếng của ông dường như đã bị ảnh hưởng.

Những người biểu tình ở Israel kêu gọi bầu cử sớm đã cáo buộc rằng ông Netanyahu đang đưa ra các quyết định dựa trên việc giữ nguyên liên minh cánh hữu của ông thay vì lợi ích của Israel tại thời điểm chiến tranh. Và họ nói rằng ông đang gây nguy hiểm cho liên minh chiến lược của Israel với Hoa Kỳ bằng cách từ chối các đề xuất của Hoa Kỳ về tầm nhìn thời hậu chiến cho Gaza nhằm xoa dịu các thành viên cực hữu trong chính phủ của ông.

Các ưu tiên của Hoa Kỳ trong khu vực ngày càng bị cản trở bởi các thành viên cực hữu trong nội các của ông, những người có cùng quan điểm với ông Netanyahu đối với việc thành lập một nhà nước Palestine và các mục tiêu khác mà các chính quyền kế nhiệm của Hoa Kỳ coi là cần thiết để giải quyết các cuộc xung đột Palestine-Israel trong lâu dài.

Trong một đoạn nói chuyện hậu trường bị nghe thấy với các nhà lập pháp sau bài phát biểu Thông điệp Liên bang, ông Biden đã hứa với ông Netanyahu về khoảnh khắc “đến với Chúa Giêsu”.

Phó Tổng thống Kamala Harris, ông Schumer và các nhà lập pháp khác vào tuần trước tại Washington đã gặp ông Benny Gantz, một thành viên Nội các Chiến tranh của Israel và là một đối thủ có tiếng tăm hơn của ông Netanyahu. Chuyến thăm này của ông Gantz đã khiến thủ tướng Israel lên tiếng chỉ trích.

Ông Gantz gia nhập chính phủ của ông Netanyahu trong Nội các Chiến tranh ngay sau các cuộc tấn công của Hamas. Nhưng ông Gantz dự kiến sẽ rời chính phủ một khi giao tranh ác liệt nhất lắng xuống, báo hiệu thời kỳ đại đoàn kết dân tộc đã kết thúc. Việc quay trở lại các cuộc biểu tình rầm rộ có thể làm tăng áp lực lên liên minh không được lòng dân của ông Netanyahu trong việc tổ chức bầu cử sớm.

Ông Schumer nói rằng với tư cách là quan chức dân cử Do Thái cấp cao nhất ở Hoa Kỳ, ông cảm thấy có nghĩa vụ phải lên tiếng. Ông cho biết họ của ông bắt nguồn từ từ Shomer trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “người giám hộ”.

Ông Schumer nói rằng nếu Israel thắt chặt quyền kiểm soát đối với Gaza và Bờ Tây và tạo ra một “nhà nước duy nhất trên thực tế”, thì sẽ không có kỳ vọng hợp lý rằng Hamas và các đồng minh của họ sẽ hạ vũ khí.

“Nó có thể có nghĩa là chiến tranh liên miên”, ông nói.

“Là một nền dân chủ, Israel có quyền lựa chọn các nhà lãnh đạo của riêng mình và để cho nó xảy ra tự nhiên”, ông Schumer nói. “Nhưng điều quan trọng là người Israel được quyền lựa chọn”.


***********
voatiengviet.com

Việt Nam đề nghị Vua và Hoàng hậu Hà Lan hoãn thăm vì ‘tình hình nội bộ’

Reuters

Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan sẽ hoãn chuyến thăm Việt Nam dự kiến diễn ra từ ngày 19-22/3 theo đề nghị của chính quyền Việt Nam, Reuters dẫn nguồn tin từ Hoàng gia Hà Lan cho biết hôm 14/3.

“Nhà chức trách Việt Nam đã đề nghị hoãn chuyến thăm cấp nhà nước của Bệ hạ và Hoàng hậu Máxima tới nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do tình hình trong nước”, Hoàng gia Hà Lan cho biết trong một tuyên bố.

Người phát ngôn của Hoàng gia Hà Lan không đưa ra thêm chi tiết. Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Theo một tuyên bố trước đó của Hoàng gia, Nhà vua và Hoàng hậu đã lên kế hoạch sẽ gặp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vào ngày vào ngày 19/3, ông Thưởng đã mời họ đến thăm.

Ông Thưởng xuất hiện trước công chúng lần gần nhất là ngày 13/3 cùng với các nhà lãnh đạo Việt Nam khác, bao gồm cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, tại một cuộc họp về vấn đề nhân sự.


***********
voatiengviet.com

Cơ quan phản gián Lithuania: Phụ tá ông Navalny bị tấn công là hành động của mật vụ Nga

Reuters

Cuộc tấn công của một kẻ cầm búa nhắm vào phụ tá hàng đầu của cố lãnh đạo đối lập Nga Alexey Navalny ở Vilnius là hành động của các cơ quan mật vụ Nga, cơ quan phản gián Lithuania tuyên bố hôm 14/3.

Ông Leonid Volkov cho biết ông gãy tay và bị thương do khoảng 15 nhát búa đập vào chân trong vụ tấn công tối ngày 12/3, xảy ra bên ngoài nhà ông ở Vilnius.

Sáng ngày 14/3, Điện Kremlin từ chối bình luận về vụ tấn công nhưng nói rằng mọi người nên tôn trọng và lắng nghe Tổng thống Nga Vladimir Putin thay vì sợ hãi ông, sau khi tổng thống Lithuania nói “không ai sợ (Putin) ở đây cả”.

“Có vẻ như đây là hoạt động của các cơ quan mật vụ Nga”, ông Darius Jauniskis, người đứng đầu Bộ An ninh Nhà nước Lithuania, nói với các phóng viên mà không cho biết đánh giá này dựa trên cơ sở nào.

Ông nói thêm: “Chúng ta cần chú ý hơn đến an ninh của phe đối lập Nga (có trụ sở tại Lithuania)”.

Cơ quan này trước đó cho rằng cuộc tấn công vừa kể có lẽ nhằm ngăn chặn phe đối lập Nga gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 15-17/3, trong đó ông Putin dự kiến sẽ kéo dài 24 năm cầm quyền của mình thêm sáu năm nữa.

Ông Jauniskis hôm 14/3 nói: “Chúng tôi thấy rằng (tình báo Nga) đang nhắm mục tiêu rất nghiêm túc vào khu vực này và đang thực hiện hành động… Chúng tôi thấy hoạt động (tuyển dụng) ở cả ba nước Baltic”.

Lithuania, thành viên của NATO và Liên hiệp châu Âu, đã trở thành căn cứ cho các nhân vật đối lập Nga và Belarus.

Chính ông Volkov đã quy trách nhiệm ông Putin về vụ tấn công hôm 12/3. Trước cuộc tấn công, ông đã nói với Reuters rằng các lãnh đạo phong trào của ông Navalny hiện đang sống lưu vong lo sợ cho tính mạng của mình.

Ông Navalny, tiếng nói chỉ trích ông Putin nổi bật nhất, đã chết hồi tháng trước trong một nhà tù ở Bắc Cực. Chính quyền Nga nói ông Navalny chết vì nguyên nhân tự nhiên. Những người ủng hộ ông thì cho rằng ông đã bị chính quyền sát hại, điều mà Điện Kremlin phủ nhận.


**************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn