Người Trung Quốc đi du lịch nội địa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Khách du lịch Trung Quốc tham quan thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông trong dịp Tết Âm lịch

Chi tiêu du lịch nội địa Trung Quốc đạt gần 88 tỉ USD trong dịp Tết Âm lịch, theo số liệu chính phủ.

Con số trên cũng được cải thiện do kỳ nghỉ Tết lần này dài hơn một ngày, tức 8 ngày so với 7 ngày.

Theo thống kê, có tổng cộng 474 triệu lượt đi lại nội địa trong thời gian tám ngày của kỳ nghỉ lễ.

Con số này cao hơn 34% so với năm ngoái và tăng 19% so với thời điểm trước đại dịch năm 2019.

Về mặt chi tiêu, số liệu chính phủ Trung Quốc cho thấy chi tiêu du lịch nội địa đạt 632,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 87,96 tỷ USD) trong dịp Tết Âm lịch, tăng khoảng 47% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 7,7% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Dù chính quyền không cung cấp phân tích chi tiết về dữ liệu, các tính toán dựa trên số liệu chính thức cho thấy dù lượng tổng chi tiêu du lịch nội tăng, chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi giảm khoảng 9,5% so với năm 2019.

Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, giai đoạn từ ngày 10 đến 17 tháng 2 (tức từ ngày 1 đến 8 tháng Giêng âm lịch) đã có 99,5 triệu chuyến đi bằng đường sắt, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đã có khoảng 18 triệu lượt hành khách di chuyển bằng đường hàng không, với trung bình 2,25 triệu lượt đi lại mỗi ngày, đạt mức kỷ lục mới.

Theo công ty đặt vé du lịch trực tuyến Qunar, số lượng đặt chuyến bay quốc tế trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi tăng gấp 14 lần so với thời điểm nghỉ lễ năm ngoái.

Trên Qunar, lượng đặt vé máy bay từ Trung Quốc đến Singapore trong kỳ nghỉ Tết tăng 29 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đến Kuala Lumpur tăng 20 lần và đến Bangkok tăng 16 lần.

Những điểm đến có thời gian bay trên 10 giờ, chẳng hạn Melbourne (Úc), London (Anh), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Auckland (New Zealand) và Cairo (Ai Cập), cũng là những điểm đến ưa chuộng của khách du lịch Trung Quốc.

Trong đó, lượng đặt vé đến Dubai tăng cao nhất, gấp hơn 10 lần so với Tết Nguyên đán năm 2023.

Tổng cộng, khách du lịch Trung Quốc đến 1.754 thành phố ở 115 quốc gia với số lượng đặt phòng khách sạn ở nước ngoài tăng gấp năm lần.

Singapore là điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc dịp Tết Âm lịch vừa qua

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Singapore là điểm đến hàng đầu của du khách Trung Quốc dịp Tết Âm lịch vừa qua

Ông Triệu Kỳ, người sáng lập Công ty tư vấn du lịch Cẩm Giang (Jingjian Consulting), cho biết nếu kết hợp các phương thức di chuyển là đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không dân dụng, lượng du lịch Tết Nguyên Đán năm nay thực chất giảm 25% so với mức năm 2019.

Ông nói: “Vận tải hành khách đường sắt và hàng không đã tăng đáng kể, nhưng chỉ cho thấy xu hướng du lịch của tầng lớp trung và thượng lưu. Lưu lượng này vẫn không thể bù đắp được sự sụt giảm đáng kể của lượng khách du lịch bằng xe khách đường dài.”

“Tuy du lịch cao cấp vẫn là một lĩnh vực có nhiều triển vọng, tác động của suy thoái kinh tế luôn được cảm nhận từ dưới lên trên, những người nghèo nhất là những người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất,” ông nói thêm

Tết Nguyên đán ở Trung Quốc được coi cuộc di dân thường niên lớn nhất thế giới.

Trong thời điểm đại dịch, các lễ hội lớn bị hủy bỏ và việc du lịch bị nghiêm cấm.

Sự gia tăng tổng lượng chi tiêu dịp Tết Nguyên đán là một tin tức tích cực hiếm hoi đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong số những vấn đề nghiêm trọng mà Bắc Kinh đang phải giải quyết, có khủng hoảng thị trường bất động sản, suy giảm lượng xuất khẩu cùng những lo ngại về sự tụt dốc của giá tiêu dùng và tình trạng giảm phát.

Đồng thời, dữ liệu chính thức công bố vào Chủ nhật cho thấy đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào Trung Quốc tăng ít nhất trong vòng ba thập kỷ.

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993.

Bên cạnh đó, dù dữ liệu trong kỳ nghỉ lễ cho thấy một số cải thiện trong tiêu dùng, các nhà kinh tế cảnh báo rằng chi tiêu cho du lịch có thể không đủ khả năng bù đắp được sự suy giảm doanh số bán hàng của các mặt hàng tiêu dùng lâu bền ở Trung Quốc.