Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 29-01 -2024:

Thứ Hai, 29 Tháng Giêng 20246:04 SA(Xem: 1709)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 29-01 -2024:


HoaLuc 2
**************
rfi.fr

Tổng thống Philippines đặt trong tâm hợp tác hàng hải ở Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam

Thu Hằng

Tổng thống Philippines Marcos Jr. và phu nhân bắt đầu chuyến công du Việt Nam chiều 29/01/2024. Trước khi lên đường đến Hà Nội, ông Marcos Jr. khẳng định các cuộc đàm phán về hợp tác hàng hải song phương sẽ là một trong những trọng tâm trong chuyến công du hai ngày.

Đăng ngày:

2 phút

Philippine President Ferdinand Marcos Jr. delivers a joint statement with Indonesian President Joko Widodo at Malacanang Palace in Manila, Philippines Wednesday, Jan. 10, 2024.
Ảnh minh họa : Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phát biểu nhân cuộc hop báo chung với tổng thống Indonesia Joko Widodo tại phủ tổng thốngở Manila, Philippines, ngày 10/01/2024. AP - Ezra Acayan

Tổng thống Philippines bày tỏ hy vọng « tăng cường hợp tác hàng hải (với Việt Nam) để cổ vũ cho hòa bình và ổn định trong khu vực ». Theo Reuters, dù Việt Nam và Philippines có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông nhưng nhìn chung hai nước duy trì mối quan hệ hữu nghị.

Ông Marcos Jr đặt kỳ vọng vào chuyến công du Việt Nam để đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới và « mở ra kỷ nguyên hữu nghị và hợp tác mới » thông qua các cuộc đối thoại về thương mại, đầu tư, giáo dục và du lịch, cũng như « những quan ngại liên quan đến khu vực và đa phương ». Trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tổng thống Philippines sẽ đề cập đến thỏa thuận hợp tác tuần duyên, cũng như cung cấp gạo. Philippines là thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam.

Hà Nội và Manila thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976 và xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2015. Ông Marcos Jr. công du Việt Nam trong bối cảnh Philippines căng thẳng với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền. Manila thường xuyên cáo buộc tầu Trung Quốc sách nhiễu tầu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế và cản trở việc tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên con tầu bị mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây từ Thế Chiến II, chỉ cách bờ biển đảo Palawan 190 km.

Trong tuyên bố đăng trên mạng WeChat ngày 27/01, lực lượng hải cảnh Trung Quốc khẳng định đã đưa ra « những biện pháp đặc biệt tạm thời » cho phép một máy bay nhỏ, xuất phát từ Philippines, hôm 21/01, thả nhu yếu phẩm cho lực lượng đồn trú trên con tầu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.


************
rfi.fr

Ukraina tìm cách thuyết phục Hungary không chặn viện trợ của Liên Âu

Phan Minh

Ba ngày trước khi khối Liên Âu (EU) họp thượng đỉnh để thảo luận về khoản viện trợ 50 tỷ đô la được phân bổ trong vòng 4 năm dành cho Kiev, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba, hôm nay 29/01/2024, tiếp đồng nhiệm Hungary Peter Szijjarto để tìm cách thuyết phục Budapest không chặn khoản viện trợ nói trên, trong bối cảnh Ukraina vẫn đang phải gồng mình trong cuộc chiến chống Nga.

Đăng ngày:

2 phút

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :

Hôm nay, thành phố Uzhgorod, thủ phủ nhỏ bé của vùng Zakarpattia, nằm ở sát biên giới Hungary và Slovakia, thành phố duy nhất của Ukraina chưa bị giới nghiêm trong 2 năm qua, sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto đến Uzhgorod gặp đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kuleba và Andriy Yermak, cánh tay phải của Volodymyr Zelensky, ở Zakarpattia, nơi cộng đồng thiểu số Hungary sinh sống.

Các quyền dân sự và nền văn hóa của cộng đồng thiểu số Hungary chắc chắn sẽ được đề cập trong cuộc hội đàm giữa ba quan chức, bởi Budapest đã sử dụng cái cớ này trong nhiều năm để ngăn cản nguyện vọng gia nhập châu Âu của Kiev.

Nhưng lần này, đó là vấn đề tài chính quan trọng. Các nhà lãnh đạo Ukraina hy vọng thuyết phục Hungary, vốn thân thiết với Nga, không cản Bruxelles cấp số tiền viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraina. Từ vài tuần qua, phủ tổng thống Ukraina đang nỗ lực tìm cách mời gọi Viktor Orban tới thăm Kiev, để cải thiện quan hệ song phương, nhưng cũng để thuyết phục Budapest thống nhất với các nước châu Âu chuyển số tiền mà Kiev đã hy vọng được nhận từ lâu.

Hôm nay, tại Uzhgorod, mọi người sẽ bàn về quyền của những người thiểu số, sự hiện diện của tiếng Hungary trong hệ thống giáo dục Ukraina, nhưng trên hết là thảo luận về số tiền lớn hỗ trợ ngân sách Ukraina vào năm 2024.


************
voatiengviet.com

Các ngoại trưởng ASEAN ủng hộ Myanmar tự giải quyết khủng hoảng

Reuters

Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á hôm 29/1 đã thúc giục chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Myanmar và thể hiện sự đoàn kết trong việc ủng hộ kế hoạch hòa bình khu vực và ‘giải pháp của Myanmar và do Myanmar lãnh đạo’ cho cuộc khủng hoảng.

Trong tuyên bố sau hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các ngoại trưởng đã ủng hộ nỗ lực của tân đặc phái viên xử lý cuộc khủng hoảng do Lào bổ nhiệm để ‘tiếp cận với các bên liên quan’ và bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của đặc phái viên giúp đỡ người dân Myanmar.

Myanmar đã dính vào xung đột kể từ khi quân đội giành quyền lực trong cuộc đảo chính vào năm 2021 vốn gây ra hỗn loạn trên toàn quốc và chấm dứt đột ngột một thập kỷ dân chủ và cải cách kinh tế.

Đặc phái viên mới, ông Alounkeo Kittikhoun, đã gặp người đứng đầu tập đoàn quân sự trong chuyến thăm Myanmar hồi đầu tháng này, theo truyền thông nhà nước. Cả ASEAN và Lào đều chưa thông báo về chuyến đi này và không rõ liệu ông có gặp bất kỳ nhóm chống đối chính quyền quân sự nào hay không.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của ASEAN hỗ trợ Myanmar tìm một giải pháp hòa bình, toàn diện và lâu dài cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra, vì Myanmar vẫn là phần không thể tách rời của ASEAN,” các ngoại trưởng cho biết trong tuyên bố.

“Chúng tôi tái khẳng định sự đoàn kết của ASEAN và nhắc lại rằng bất kỳ nỗ lực nào cũng nên hỗ trợ và phù hợp với (kế hoạch hòa bình) và có sự phối hợp với nước chủ tịch khối,” tuyên bố viết và kêu gọi chấm dứt bạo lực và kiềm chế để cho phép cứu trợ nhân đạo.

ASEAN đã đối mặt bất hòa trong nội bộ về cách giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tập đoàn quân sự Myanmar đang chiến đấu trên nhiều mặt trận để dập tắt cuộc nổi dậy của nhóm dân quân ủng hộ dân chủ liên minh với chính phủ bóng tối và quân đội các nhóm thiểu số, gọi họ là ‘bọn khủng bố’ và từ chối đàm phán với họ. Hơn 2 triệu người đã phải di tản.

Nước chủ tịch ASEAN tiền nhiệm, Indonesia, đã khởi xướng một loạt các hoạt động ngoại giao thầm lặng để khuyến khích đối thoại giữa các bên tham chiến ở Myanmar, nhưng một số phân tích gia đã bày tỏ nghi ngờ liệu nước chủ tịch mới là Lào có sức ảnh hưởng hay ý chí để thúc đẩy nhiệm vụ này hay không.

Myanmar đã cử một quan chức đến cuộc họp của các ngoại trưởng, lần đầu tiên chấp nhận lời mời của ASEAN là gửi đại diện ‘phi chính trị’ đến cuộc họp. Các tướng lĩnh hàng đầu của nước này đã bị cấm cửa vì đã không thực hiện kế hoạch hòa bình mà họ đã nhất trí với ASEAN hai tháng sau cuộc đảo chính.

Chính quyền quân sự đã phẫn nộ về điều mà họ gọi là sự can thiệp của ASEAN vào công việc nội bộ của họ.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI
Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(Yonhap) - Bình Nhưỡng tiếp tục phóng nhiều tên lửa hành trình. Hôm nay 28/1/2024, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Bắc Triều Tiên đã bắn nhiều tên lửa hành trình từ bờ biển phía đông. Đây là đợt phóng tên lửa hành trình thứ hai của Bắc Triều Tiên kể từ đầu năm nay. Việc phóng tên lửa hành trình không vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, nhưng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Hàn Quốc vì những tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

(SCMP) - Trung Quốc cáo buộc Philippines “kích động” tình hình tại Biển Đông. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post dẫn lời tố cáo của Hải cảnh Trung Quốc ngày hôm qua, 27/1/2024, về một máy bay nhỏ của Philippines đã thả hàng tiếp tế cho tàu quân sự tại bãi Cỏ Mây (tên gọi quốc tế là Second Thomas Shoal, mà Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiều. Phát ngôn viên của Hải Cảnh Trung Quốc cũng kêu gọi Philippines ngừng khiêu khích và khẳng định sẽ tăng cường thực thi pháp luật xung quanh khu vực này.

(Reuters) – Iran lần đầu tiên phóng cùng lúc ba vệ tinh không gian sử dụng tên lửa Simorgh tự chế. Truyền thông nhà nước Iran đưa tin vụ phóng thử diễn ra hôm nay, Chủ Nhật, 28/01/2024. Một vệ tinh nặng 32 kg và hai vệ tinh nhỏ có trọng lượng dưới 10 kg được đặt ở quỹ đạo cách Trái đất hơn 450 km. Việc Iran phóng vệ tinh nói trên cho phép trắc nghiệm tính năng của tên lửa Simorgh do bộ Quốc Phòng nước này chế tạo trong việc đưa lên không gian cùng lúc nhiều phương tiện. Nhiều nước châu Âu lo ngại công nghệ này được sử dụng để phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, điều mà chính quyền Teheran bác bỏ.

(AFP) – Luật nhập cư Mỹ : Trump phản đối mạnh mẽ thỏa thuận đang được hai đảng đàm phán tại Hạ Viện. Hôm qua, 27/01/2024, cựu tổng thống Donald Trump, người đang trên đường trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã cực lực lên án thỏa thuận lưỡng đảng về cải cách nhập cư ở vùng biên giới với Mêhicô mà tổng thống Joe Biden đang nỗ lực vận động. Tổng thống Biden hôm 26/01 đã kêu gọi phe Cộng Hòa đạt thỏa thuận về một cuộc cải cách ‘‘triệt để nhất và công bằng nhất chưa từng có trong lịch sử để bảo đảm an ninh biên giới’’. Thỏa hiệp về nhập cư cho phép chính quyền Biden nhận được sự ủng hộ của phe Cộng Hòa về viện trợ quân sự cho Ukraina.

(AFP) – Liên hoan truyện tranh quốc tế Angoulême : giải thưởng chính được trao cho tiểu thuyết tranh Monica. Truyện tranh của công dân Mỹ Daniel Clowes, 62 tuổi, sống tại Oakland, California, đã được trao giải Fauve d’or (Ác thú vàng). Truyện Monica kể về cuộc đời của một phụ nữ bình thường xuyên qua nhiều câu chuyện đời khác nhau. Les Inrocks, trang mạng chuyên về văn hóa, gọi đây là một ‘‘tiểu thuyết tranh vĩ đại’’.

(Reuters) – Thái Lan và Trung Quốc đồng ý miễn thị thực cho công dân của hai nước. Hôm nay 28/1/2024, ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-nukara và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã ký thoả thuận miễn thị thực giữa hai nước tại buổi lễ sau cuộc thảo luận Mỹ-Trung ở Bangkok. Thoả thuận này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3 tới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và du lịch giữa hai nước, vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.


************
rfi.fr

Kỷ niệm chiến thắng Léningrad: TT Nga cam kết ‘‘tiêu diệt hoàn toàn chế độ phát xít’’ tại Ukraina

Trọng Thành

Hôm qua, 27/01/2024, chính quyền Nga rầm rộ tổ chức kỷ niệm 80 năm chấm dứt cuộc bao vây thành phố Léningrad, nay là Saint-Pétersbourg, thành phố nổi tiếng với cuộc kháng cự anh hùng chống quân đội phát xít Đức trong gần 900 ngày ròng rã hồi Thế Chiến Hai. Lãnh đạo Nga Vladimir Putin một lần nữa nhân dịp này tuyên truyền cho việc ‘‘tiêu diệt hoàn toàn chế độ phát xít’’ tại Ukraina.

Đăng ngày:

2 phút

Những dịp kỉ niệm chiến thắng chống phát xít Đức thường được lãnh đạo Nga sử dụng để đẩy mạnh việc tuyên truyền chống chính quyền Ukraina, biện minh cho cuộc can thiệp quân sự chống chính quyền dân cử tại Kiev, chỉ còn gần một tháng nữa là bước sang năm thứ ba. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Putin khẳng định : ‘‘chế độ Kiev tiếp tục vinh danh những kẻ đồng phạm của Hitler, (…) dùng bạo lực để chống lại những ai không vừa lòng Kiev.’’

Có mặt bên cạnh tổng thống Nga nhân dịp này có ông Alexandre Lukachenko, tổng thống Belarus, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đồng minh duy nhất của tổng thống Nga tại châu Âu. Ông Putin cam kết ‘‘chúng ta sẽ làm tất cả để tiêu diệt hoàn toàn chế độ phát xít’’.

Hồi đầu tháng 2 năm ngoái, nhân dịp 80 năm trận chiến thắng lịch sử tại Léningrad, đảo ngược cục diện của Thế Chiến Hai, ông chủ điện Kremlin đã so sánh cuộc tấn công Ukraina của Nga, khi quân Nga phải đối mặt với các chiến xa của nước Đức viện trợ cho Kiev chống xâm lược, với cuộc chiến tranh của Liên Xô chống phát xít Đức trước đây, nhằm thổi bùng lên tình cảm dân tộc chủ nghĩa của người dân Nga và biện minh cho chiến tranh.

Sử gia Mỹ Timothy Snyder, chuyên giả nổi tiếng về nạn diệt chủng người Do Thái thời phát xít Đức và các tội ác của chế độ Staline, trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Kometa, đăng tải hôm 23/01/2024, đã nhấn mạnh đến việc nhà cầm quyền Nga đã ‘‘thao túng lịch sử’’, để lôi kéo hàng triệu dân Nga ủng hộ cuộc chiến xâm lược Ukraina. Theo vị chuyên gia này, chính nhà nước Nga đang trở thành ‘‘một chế độ phát xít’’, và cuộc xâm lược Ukraina của Nga khởi sự ngày 24/02/2022 có nhiều điểm tương đồng với cuộc xâm lăng Ukraina (thuộc Liên Xô cũ) của nước Đức phát xít năm 1941. 


*************
voatiengviet.com

Tàu chiến Anh đẩy lùi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Houthi ở Biển Đỏ

Reuters

Các quan chức Anh cho biết, tàu chiến HMS Diamond của Anh hôm 27/1 đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của nhóm Houthi của Yemen ở Biển Đỏ.

“Triển khai hệ thống tên lửa Sea Viper của mình, Diamond đã phá hủy một máy bay không người lái nhắm vào tàu này mà không gây thương tích hay thiệt hại nào cho Diamond hoặc thủy thủ đoàn”, Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố hôm 28/1.

"Những cuộc tấn công bất hợp pháp và không thể dung thứ này là hoàn toàn không thể chấp nhận được và nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đỏ”.

Phong trào Houthi, vốn có liên hệ với Iran, bắt đầu tiến hành các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu vào ngày 19/11 để đáp trả các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.

Hôm 26/1, một tàu chở dầu đã bị tấn công, gây ra hỏa hoạn trên tàu.

Các máy bay chiến đấu, tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ và Anh đã đáp trả các cuộc tấn công của Houthi vào tàu bè bằng hàng chục cuộc tấn công trả đũa trên khắp Yemen nhằm vào lực lượng Houthi.


************
voatiengviet.com

Hamas tuyên bố không trao trả tù binh Israel nếu hành động xâm lược không chấm dứt

Reuters

Israel phải ngừng hành động xâm lược đối với người Palestine ở Gaza trước khi Hamas sẵn sàng thả các binh sĩ Israel mà họ bắt làm con tin tại vùng đất này, một thành viên cấp cao của văn phòng chính trị của nhóm nói với Reuters hôm 28/1.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh có kỳ vọng về một cuộc gặp ở châu Âu hôm 28/1 giữa thủ tướng Qatar và các giám đốc tình báo của Israel, Mỹ và Ai Cập để thảo luận về một thỏa thuận mới tiềm năng để con tin được thả và mang lại hòa bình cho Gaza.

"Chúng tôi tái khẳng định rằng việc những người lính Do Thái bị giam giữ còn sống trở về với gia đình của họ sẽ không xảy ra cho đến khi cuộc xâm lược chống lại nhân dân của chúng tôi chấm dứt, và mọi sự trì hoãn và chậm trễ trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược đồng nghĩa với việc có thêm nhiều cái chết dưới tay quân đội của họ vì cuộc xâm lược tiếp diễn”, ông Izzat al-Risheq nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Người phát ngôn Bộ Y tế ở Gaza Ashraf Al-Qidra hôm 28/1 cho biết rằng có 165 người Palestine thiệt mạng và 290 người bị thương trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel kể từ khi chiến tranh bắt đầu lên 26.422 người.

Theo các quan chức Israel, Israel đã phát động một cuộc chiến mà họ cho là nhằm mục đích triệt hạ Hamas sau cuộc tấn công xuyên biên giới chưa từng có của nhóm chiến binh này, khiến 1.200 người thiệt mạng và có 240 người bị bắt cóc.


**************
voatiengviet.com

LHQ kêu gọi các nước cân nhắc quyết định tạm dừng viện trợ cho cơ quan hỗ trợ người Palestine

Reuters

Các quan chức Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ hôm 28/1 đã kêu gọi các nước xem xét lại quyết định tạm dừng viện trợ cho cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc dành cho người Palestine, đồng thời cảnh báo rằng viện trợ cho khoảng hai triệu người ở Gaza đang đối mặt khó khăn.

Ít nhất chín quốc gia, bao gồm cả các nhà viện trợ hàng đầu là Hoa Kỳ và Đức, đã tạm dừng viện trợ cho cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc dành cho người Palestine (UNRWA) sau những cáo buộc của Israel rằng một số nhân viên của cơ quan này có liên quan đến vụ tấn công đẫm máu của Hamas vào ngày 7 tháng 10 ở Israel khiến 1.200 người thiệt mạng.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói hôm 28/1: “Mặc dù tôi hiểu mối quan tâm của họ - bản thân tôi cũng kinh hoàng trước những cáo buộc này - nhưng tôi mạnh mẽ kêu gọi các chính phủ đã đình chỉ đóng góp của họ, ít nhất, đảm bảo tính liên tục cho các hoạt động của UNRWA”.

Ông cũng cam kết buộc "bất kỳ nhân viên Liên Hợp Quốc nào có liên quan đến hành động khủng bố" phải chịu trách nhiệm.

Philippe Lazzarini, tổng ủy viên UNRWA, cũng kêu gọi các nước “xem xét lại quyết định của mình trước khi UNRWA buộc phải đình chỉ hoạt động ứng phó nhân đạo”.

Bộ Y tế ở Gaza cho biết, hơn 26.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas ở Gaza. Các quan chức viện trợ cho biết, với hàng viện trợ như thực phẩm và thuốc men vào lãnh thổ chỉ bằng mức độ trước xung đột, số ca tử vong vì các bệnh có thể phòng ngừa được cũng như nguy cơ nạn đói đang gia tăng.

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 7 tháng 10, hầu hết trong số 2,3 triệu người dân Gaza đã trở nên phụ thuộc vào viện trợ mà UNRWA cung cấp, trong đó có khoảng một triệu người đã chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc của Israel và trú tạm trong các cơ sở của tổ chức này. Người Palestine bày tỏ sự tức giận trước việc cắt giảm viện trợ.

Một chuyên gia được Liên Hợp Quốc bổ nhiệm về vấn đề thực phẩm là Michael Fakhri đã cảnh báo trên mạng xã hội X rằng việc cắt giảm tài trợ có nghĩa là nạn đói hiện "không thể tránh khỏi" ở Gaza.

Ngoại trưởng Israel Israel Katz hôm 27/1 đã kêu gọi thay thế cơ quan này và kêu gọi thêm nhiều quốc gia cắt giảm viện trợ. Israel vẫn chưa công khai thông tin chi tiết về cáo buộc rằng các nhân viên UNRWA có liên quan đến vụ tấn công vào Israel.


*************
voatiengviet.com

Israel tấn công các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza

Reuters

Đoạn video của quân đội Israel công bố hôm 28/1 cho thấy các cuộc không kích nhằm vào nơi mà quân đội cho là "các cơ sở hạ tầng khủng bố của Hamas" ở Dải Gaza, trong khi giao tranh giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas diễn ra ác liệt trên khắp vùng lãnh thổ Palestine.

Trước đó hôm 28/1, Bộ Y tế ở Gaza đã cảnh báo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe có nguy cơ sụp đổ ở Khan Younis, thành phố phía nam Gaza hiện là tâm điểm tấn công của Israel.

Người dân cho biết, máy bay và xe tăng của Israel cũng tấn công các khu vực ở thành phố Gaza ở phía bắc, nơi Israel đang dần rút quân. Người ta có thể nghe thấy tiếng giao tranh ở các thị trấn Beit Lahiya và Jabalia gần đó.

Quân đội Israel cho biết đang tham gia vào "các trận chiến căng thẳng" ở Khan Younis, nơi quân đội cho biết đã "loại bỏ những kẻ khủng bố và thu giữ một lượng lớn vũ khí".

Israel phát động cuộc chiến ở Gaza sau khi Hamas thực hiện một cuộc tấn công xuyên biên giới chưa từng có, giết chết khoảng 1.200 người và bắt cóc 240 người khác, chủ yếu là dân thường.

Bộ Y tế ở Gaza cho biết rằng số người Palestine thiệt mạng trong chiến dịch của Israel đã tăng lên 26.422 người.


**************

Tin tức thế giới 29-1: Binh sĩ Mỹ ở Jordan thiệt hại nặng do UAV tấn công, Mỹ cáo buộc có Iran

THANH HIỀN

* Công dân Nga tham gia IS, tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ
* Máy bay đáp xuống đường ở Bỉ, đụng vào xe hơi đang đậu, phát nổ
* Triều Tiên lại phóng tên lửa chiến lược, lần này từ tàu ngầm

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Binh sĩ Mỹ thương vong trong vụ tấn công ở Jordan

* Mỹ cáo buộc các nhóm do Iran hậu thuẫn tiến hành vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức Mỹ cho biết vào hôm 28-1, 3 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào lực lượng Mỹ đang đồn trú ở phía đông bắc Jordan, gần biên giới với Syria.

Tổng thống Joe Biden cáo buộc các nhóm do Iran hậu thuẫn đã tiến hành vụ tấn công, tuyên bố sẽ buộc tất cả những đối tượng liên quan phải chịu trách nhiệm "vào thời điểm và theo cách mà Washington quyết định".

Bản đồ vị trí tiền đồn quân sự có lính Mỹ bị tấn công ở biên giới Jordan, Syria và Iraq - Ảnh: THE GUARDIAN

Bản đồ vị trí tiền đồn quân sự có lính Mỹ bị tấn công ở biên giới Jordan, Syria và Iraq - Ảnh: THE GUARDIAN

Một quan chức Mỹ không nêu tên nói với Reuters rằng có ít nhất 34 quân nhân được đánh giá có khả năng bị chấn thương sọ não. Các quan chức Mỹ cũng cho biết máy bay không người lái đã tấn công gần doanh trại vào sáng sớm, điều này giải thích lý do khiến số lượng binh sĩ thương vong cao.

Theo Lầu Năm Góc, các lực lượng Mỹ và đồng minh ở Syria và Iraq đã trở thành mục tiêu của hơn 150 vụ tấn công kể từ giữa tháng 10-2023. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp binh sĩ Mỹ ở Trung Đông thiệt mạng kể từ khi bùng nổ cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.

Cũng trong ngày 28-1, nhóm "Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq" tuyên bố đã sử dụng UAV để tấn công quân đội Mỹ tại 3 địa điểm ở Syria, trong đó có 2 căn cứ ở gần ngã ba biên giới giữa Iraq, Syria và Jordan, song chưa rõ liệu nhóm này có ám chỉ vụ tấn công khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng hay không.

* Jordan lên án vụ tấn công. Vụ tấn công nhắm vào đồn quân sự ngay bên trong biên giới của Jordan với Syria. Trong tuyên bố chính thức, Jordan cho biết họ lên án "vụ tấn công khủng bố" và đang làm việc với Washington.

Một nguồn tin an ninh cấp cao của Jordan nói với Reuters rằng nước này gần đây đã kêu gọi Mỹ cung cấp các trang thiết bị và hỗ trợ quốc phòng tiên tiến hơn vì lo ngại Iran và các lực lượng ủy nhiệm có thể tham gia sâu hơn vào bất kỳ cuộc xung đột rộng lớn nào ở Trung Đông.

Jordan cũng cảnh báo Washington về nhu cầu cấp thiết phải tăng cường phòng thủ trước các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đang xây dựng sức mạnh ở biên giới của Jordan với Iraq và Syria.

Ông Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm ngày 28-1 - Ảnh: KCNA

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát vụ thử tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm ngày 28-1 - Ảnh: KCNA

Hãng tin Reuters dẫn Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết vào ngày 28-1, nước này đã tiến hành vụ thử tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm có tên Pulhwasal-3-31.

Đây là vụ thử tên lửa chiến lược lần thứ hai trong vòng một tuần của Bình Nhưỡng. Hôm 24-1, Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận phóng thử tên lửa hành trình mới Pulhwasal-3-31.

Theo KCNA, tên lửa bay ngoài khơi vùng biển phía đông Triều Tiên trong 7,421 giây đến 7,445 giây, sau đó bắn trúng một mục tiêu đảo không xác định.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân thị sát, gọi vụ thử là một thành công và "có ý nghĩa chiến lược trong việc thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội nhằm xây dựng một hải quân hùng mạnh".

Các tin tức khác

* Nổ súng ở nhà thờ Istanbul. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hai tay súng đã bắn chết một người vào hôm 28-1 trong một buổi lễ tại nhà thờ ở Istanbul. Những người này được cho là có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Vụ tấn công diễn ra vào khoảng 15h40 chiều 28-1 tại nhà thờ Santa Maria ở quận Sariyer, Istanbul. Người thiệt mạng là một công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Nội vụ Ali Yerlikaya cho biết các nghi phạm trong vụ tấn công đều là người nước ngoài, trong đó một người đến từ Tajikistan và người còn lại là người Nga.

Trước đó, IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công trong một tuyên bố trên Telegram, nói rằng hành động này nhằm đáp lại lời kêu gọi của các thủ lĩnh nhóm nhằm vào người Do Thái và Cơ Đốc giáo.

* Rơi máy bay ở Bỉ, 2 người thiệt mạng. Theo TTXVN, một chiếc máy bay du lịch đã bị rơi tại Spa, miền Đông nước Bỉ.

Máy bay rơi gần sân bay địa phương, khiến 2 người thiệt mạng gồm phi công sinh năm 1992 và người còn lại chưa xác định được danh tính. Theo các thông tin sơ bộ, cả hai nạn nhân đều là người Đức.

Phi công dường như đã hạ cánh không thành công trong điều kiện gió lớn và đâm vào một ô tô trên đường, gây ra hỏa hoạn, may mắn là xe không có người bên trong. Vụ việc cũng khiến sân bay Spa phải đóng cửa, dự kiến đến hết sáng 29-1.

Các nhóm bảo vệ môi trường cũng đã được huy động tới hiện trường để kịp thời xử lý, tránh để sự cố dẫn tới hậu quả ô nhiễm nguồn nước sạch nổi tiếng của địa phương.

Siêu du thuyền hạ thủy

Siêu du thuyền lớn nhất thế giới Icon of the Seas vừa bắt đầu chuyến hải trình thương mại đầu tiên vào chiều 27-1, khởi hành từ cảng Miami, bang Florida, (Mỹ). Du thuyền này trị giá 2 tỷ USD và lớn gấp 3 lần tàu Titanic - Ảnh: REUTERS

Siêu du thuyền lớn nhất thế giới Icon of the Seas vừa bắt đầu chuyến hải trình thương mại đầu tiên vào chiều 27-1, khởi hành từ cảng Miami, bang Florida, (Mỹ). Du thuyền này trị giá 2 tỉ USD và lớn gấp 3 lần tàu Titanic - Ảnh: REUTERS


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn