Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 24-01 -2024

Thứ Tư, 24 Tháng Giêng 20243:11 SA(Xem: 1866)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 24-01 -2024
Hoaluc 4
************
rfi.fr

Thái Lan : Thủ lĩnh phong trào dân chủ được trắng án trong một vụ kiện

Thu Hằng

Pita Limjaroenrat, thủ lĩnh đảng Move Forward ủng hộ dân chủ Thái Lan, đã được trắng án ngày 24/01/2024 trong vụ kiện về việc ông sở hữu các cổ phần của một kênh truyền hình trong quá trình tranh cử. Với 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Tòa Bảo Hiến quyết định ông Pita Limjaroenrat « vẫn còn tư cách dân biểu ».

Đăng ngày:

2 phút

Ông Pita Limjaroenrat, cựu lãnh đạo đảng Move Forward, trong một cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan, ngày 20/12/2023.
Ông Pita Limjaroenrat, cựu lãnh đạo đảng Move Forward, trong một cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan, ngày 20/12/2023. AFP - LILLIAN SUWANRUMPHA

Tòa Bảo Hiến khẳng định: « iTv không hoạt động giống như một cơ quan báo chí vào ngày đảng Move Forward đăng ký tên của bị cáo tham gia các cuộc bầu cử (…). Việc sở hữu cổ phần không vi phạm luật ». Luật pháp Thái Lan cấm mọi ứng cử viên có liên quan đến hoạt động quản lý các cơ quan báo chí. Trước đó, PitaLimjaroenrat giải thích ông đã thừa kế cổ phần kênh iTv từ người cha quá cố, nhưng kênh này đã ngưng phát sóng từ năm 2007, vì vậy không thể được coi là một cơ quan truyền thông.

Phán quyết của Tòa Bảo Hiến rất được trông đợi vì Thái Lan đang bị chia rẽ giữa thành phần tinh hoa bám quyền và thế hệ trẻ muốn đổi mới. Trước những người ủng hộ tập hợp trước tòa, ông PitaLimjaroenrat khẳng định sẽ trở lại Hạ Viện « trong thời gian nhanh nhất có thể ». Thông tín viên của AFP có mặt tại chỗ cho biết nhiều người đã hô « Pita là thủ tướng ».

Dù chiếm đa số ở Hạ Viện sau cuộc bầu cử tháng 4/2023, đảng Move Forward do PitaLimjaroenrat lãnh đạo đã thành lập được chính phủ, do ông bị đình chỉ tư cách dân biểu vào tháng 7 để điều tra, buộc đảng Move Forward rút lại đề xuất thành lập chính phủ. Chính phủ Thái Lan hiện do liên minh gồm đảng  Pheu Thai, đồng minh cũ của đảng Move Forward và các phong trào ủng hộ quân đội điều hành.

Ông PitaLimjaroenrat còn phải đối mặt với vụ xử thứ hai, liên quan đến tội khi quân nhắm vào đảng Move Forward. Phán quyết sẽ được công bố ngày 31/01.


***********
rfi.fr

Bắc Triều Tiên phóng nhiều tên lửa hành trình về phía Hoàng Hải

Trần Công

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, vào sáng nay, 20/01/2024, Bắc Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa hành trình về phía Hoàng Hải, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên lên đến cao độ.

Đăng ngày:

2 phút

Ảnh do chính quyền Bắc Triều Tiên cung cấp: Tên lửa Hwasong-18 được bắn thử ngày 12/07/2023.
Ảnh do chính quyền Bắc Triều Tiên cung cấp: Tên lửa Hwasong-18 được bắn thử ngày 12/07/2023. AP

Từ Séoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

Cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích các thông số của các tên lửa được phóng đi. Theo thông tin từ quân đội Hàn Quốc, tên lửa hành trình này là loại tên lửa bay ở tầm thấp với quỹ đạo có thể thay đổi gây khó khăn cho việc phát hiện, truy vết, cũng như bắn chặn. Những nguồn tin nội bộ cho biết tên lửa hành trình vừa được phóng là tên lửa hành trình chiến lược Arrow-1 hoặc 2. Việc phóng tên lửa hành trình hôm nay và vụ phóng tên lửa bội siêu thanh cách đây 10 ngày làm dấy lên quan ngại về việc Bình Nhưỡng có thể tấn công hạt nhân toàn bộ bán đảo Triều Tiên và lực lượng Hoa Kỳ ở Nhật Bản bằng cách bắn tên lửa hành trình hoặc tên lửa bội siêu thanh có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Nhà nghiên cứu an ninh quốc phòng Shin Jong-woo nói rằng Bắc Triều Tiên đang đe dọa Hàn Quốc bằng « chiến thuật xúc xích », ám chỉ việc cố gắng hoàn thành nhiệm vụ từng bước một như cắt xúc xích. Ông cho biết thêm Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục leo thang khiêu khích cho đến hết tổng tuyển cử ở Hàn Quốc.

Hành động nói trên của Bình Nhưỡng đã ngay lập tức nhận được sự đáp trả mạnh mẽ từ các chính đảng của Hàn Quốc. Người phát ngôn đảng Quyền Lực Nhân Dân tuyên bố chế độ Kim Jong Un sẽ không thể để đạt đươc bất kỳ mục tiêu gì thông qua các hành động khiêu khích vũ trang. Liên minh Hàn Quốc Tự do thì cho biết họ không thể dung thứ các hành động đó của Bình Nhưỡng, kêu gọi chính quyền và quân đội hợp tác với Mỹ và Nhật Bản nhằm giám sát Bắc Triều Tiên. Tất cả các đảng đều tuyên bố rằng Bình Nhưỡng không thể đe dọa tự do, dân chủ và đoàn kết của người dân Hàn Quốc bằng các hành động khiêu khích vũ trang.


***********
voatiengviet.com

Tổng thống Ukraine: Nga tấn công tên lửa vào các thành phố, 18 người chết

Reuters

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy, nói rằng tên lửa của Nga tấn công hai thành phố lớn nhất của Ukraine, khiến 18 người thiệt mạng, hơn 130 người bị thương và làm hư hại nhà cửa cũng như cơ sở hạ tầng, Reuters đưa tin hôm 23/1.

Thành phố Kharkiv ở miền đông hứng chịu 3 đợt tấn công. Thủ đô Kyiv, miền trung Ukraina và khu vực Kherson ở miền nam cũng bị tấn công và bị pháo kích liên tục.

Ông Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm của mình, cho biết Nga phóng gần 40 tên lửa các loại khác nhau trong “một cuộc tấn công tổng hợp nữa”.

Ông nói hơn 200 địa điểm bị tấn công, trong đó có 139 ngôi nhà, với nhiều người chết trong “một tòa nhà chung cư cao tầng bình thường. Có dân thường sống ở đó”.

Thị trưởng Kharkiv và thống đốc vùng Kharkiv cho hay 8 người thiệt mạng tại thành phố này, nơi đã hứng chịu các cuộc tấn công liên tục trong 23 tháng chiến tranh.

Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Ukraine đăng lên mạng một đoạn video ghi lại cảnh các đội cứu hộ đang rà soát một tòa nhà chung cư bị đổ nát. Cảnh sát nói rằng hoạt động tìm kiếm đã bị đình chỉ trước nửa đêm vì có nguy cơ các mảnh vỡ rơi vào đội cứu hộ.

Thống đốc khu vực Kharkov Oleh Synehubov cho biết hơn 100 khối nhà cao tầng đã bị hư hại trong hai cuộc tấn công đầu tiên. Ông nói rằng có 3 vụ tấn công vào buổi tối nhằm vào một khu chung cư và các cơ sở hạ tầng khác, khiến 7 người bị thương.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho hay lực lượng vũ trang nước này đã diệt 22 trong số 44 tên lửa các loại. Cơ quan quản lý quân sự thành phố thông báo gần 20 chiếc đã bị bắn hạ ở Kyiv.

Các cuộc tấn công diễn ra cùng lúc với việc Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov phát biểu tại cuộc họp cấp bộ trưởng quốc tế mới nhất về nhu cầu quốc phòng của Kyiv rằng Nga đang đẩy mạnh các cuộc tấn công tên lửa.

Ông nói rằng trong 2 tháng qua, lực lượng Nga đã sử dụng hơn 600 tên lửa và hơn 1.000 máy bay không người lái.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết sau cuộc họp rằng Berlin chuyển 6 máy bay trực thăng “Sea King” tới Ukraine vào cuối năm nay, là cuộc giao hàng đầu tiên thuộc loại này.

Tại Kyiv, cơ quan dịch vụ khẩn cấp cho hay 22 người, trong đó có 4 trẻ em, bị thương ở ít nhất 3 quận.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AP) – Mỹ họp với 50 nước đồng minh tìm nguồn tài trợ cho Ukraina. Trong hai ngày, 22/01 và 23/01/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin có cuộc họp đầu tiên kể từ khi thành lập nhóm quốc tế hỗ trợ Ukraina vào tháng 04/2022, với khoảng 50 nước tham gia. Do những bất đồng trong Quốc Hội, Hoa Kỳ hiện đang cạn tiền, không thể gởi đạn dược và tên lửa mà Kiev cần để chống quân Nga. Trong cuộc họp, được tổ chức trực tuyến, do Lloyd Austin vẫn đang hồi phục sức khỏe sau cuộc phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, Lầu Năm Góc hy vọng có thể huy động các nước đồng minh tiếp tục tài trợ cho Kiev. 

(AP) – Nga và Mỹ khẩu chiến tại Hội Đồng Bảo An. Trong cuộc họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 22/01/2024, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố quân đội Ukraina đã « thất bại » trên chiến trường, đồng thời cáo buộc các kế hoạch hòa bình do Ukraina đưa ra và được các nước phương Tây hậu thuẫn là « chiếc vỏ bọc » để tiếp tục cuộc chiến và « nhận tiền tài trợ » từ tiền nộp thuế của dân. Phó đại sứ Hoa Kỳ Robert Wood phản bác các phát biểu của ngoại trưởng Nga là « thông tin sai lệch trắng trợn » và khẳng định Nga mới là bên tiến hành cuộc chiến. Mỹ lên án tổng thống Putin « theo đuổi mục tiêu xóa xổ Ukraina và kéo dài tình trạng nô dịch người dân Ukraina ». 

(Nikkei Asia) – Các nghị sĩ Nhật thúc đẩy đối thoại quốc phòng ba bên Nhật – Đài – Mỹ. Hôm qua, 23/01/2024, Hội đồng Tư vấn các nghị sĩ Nhật – Đài đã họp để bàn về việc tổ chức một cuộc đối thoại ba bên về quốc phòng lần thứ ba nhằm thúc đẩy đối thoại chiến lược để gia tăng hợp tác bảo vệ an ninh tại khu vực eo biển Đài Loan. Theo nghị sĩ Nhật Keiji Furuya, lãnh đạo nhóm dân biểu liên đảng Nhật Bản, cuộc đối thoại có thể được tổ chức tại Đài Loan vào tháng 5, khi ông Lại Thanh Đức chính thức nhậm chức tổng thống. Nhật và Đài Loan không có quan hệ chính thức. Tại Nhật Bản, các nhà lập pháp đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các hợp tác giữa Nhật và với chính quyền Đài Loan.

(AFP) Miến Điện: Sáu sĩ quan quân đội cấp cao bị bắt sau khi để mất thành phố chiến lược. Hôm nay 23/01/2024, một phát ngôn viên của chính quyền Miến Điện đã cho biết như trên, sau khi quân đội nước này để mất thành phố Laukkai vào tay các lực lượng nổi dậy. Một nguồn tin quân sự cho biết đây là 6 thiếu tướng đã chỉ huy quân đội ở Laukkai, miền bắc Miến Điện, gần biên giới Trung Quốc, cho đến đầu tháng 1.

(BBC)  Úc hủy bỏ chương trình « thị thực vàng » cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đến sống tại đây. Hôm qua, 22/01/2024, « thị thực vàng”, vốn được đưa ra để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đã bị loại bỏ, sau khi chính phủ Canberra nhận thấy chương trình này không mang lại kết quả mong muốn. «Thị thực vàng” yêu cầu những người muốn nhập cư vào Úc phải đầu tư vào nước này tối thiểu 5 triệu đô la Úc, tương đương khoảng 3 triệu euro, để đổi lấy quyền thường trú. Ngoài việc không có giới hạn về độ tuổi, người có thị thực này không bắt buộc phải học hoặc nói tiếng Anh. Theo dữ liệu của chính phủ, hàng ngàn « thị thực vàng » đã được cấp theo chương trình này kể từ năm 2012, 85%  là cho những người từ Trung Quốc.

(AFP) Tổng thống Pháp sẽ là khách mời danh dự tại Lễ kỷ niệm Hiến pháp Ấn Độ (Ngày Cộng hoà) lần thứ 75 diễn ra vào thứ sáu 26/1/2024. Sau đó 6 tháng, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là khách mời danh dự trong Ngày Quốc khánh Pháp 14/07 tổ chức tại Paris. Đây là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai quốc gia. 

(AFP) – Sạt lở đất tại Trung Quốc, 31 người thiệt mạng. Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, tính đến hôm nay 23/1/2024, vụ sạt lở xảy ra tại vùng núi tỉnh Vân Nam, phía tây nam nước này vào sáng sớm hôm qua đã chôn vùi 18 ngôi nhà, khiến hơn 200 người phải sơ tán và 31 người được xác nhận đã thiệt mạng. Nhà chức trách Trung Quốc đã huy động gần 1.000 nhân viên cứu hộ và gần 200 phương tiện đến hiện trường. Các nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn mất tích sau một đêm tuyết rơi dày. 


***********
voatiengviet.com

Việt Nam: Việc Mỹ liệt vào diện ‘kinh tế phi thị trường’ có hại cho quan hệ song phương

Reuters

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ hôm 23/1 kêu gọi Washington chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đối với Hà Nội, cảnh báo rằng việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn, theo Reuters.

Năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) nói họ sẽ xem xét lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường (NME) của Việt Nam sau khi Hà Nội lập luận rằng Việt Nam cần được loại khỏi danh sách này do có những cải cách kinh tế trong những năm gần đây. Bị đưa vào danh sách NME từ trước đến nay, Việt Nam liên tục bị bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ.

Việc định danh “nền kinh tế phi thị trường”, cũng được áp dụng đối với Trung Quốc, Nga, và một số nước khác do có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế của các nước này, cho phép Hoa Kỳ áp đặt thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia bị xác định như vậy, bằng cách dựa vào giá của nước thứ ba để so sánh.

Theo luật của Hoa Kỳ, quá trình xem xét này bắt đầu vào ngày 24/10/2023 và phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức vào khoảng giữa tháng 7/2024.

“Tất nhiên, chúng tôi muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách của Hoa Kỳ về các nước có nền kinh tế phi thị trường”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ. Ông nói rằng Việt Nam không đáng bị liệt vào diện kinh tế phi thị trường, một quy chế mà hiện Mỹ đang định danh chỉ cho một nhóm nhỏ gồm 12 quốc gia trên thế giới.

“Qúy vị tưởng tượng xem, với những gì chúng ta đã làm, những gì chúng ta đang cố gắng, và hãy nhìn vào mối quan hệ giữa hai nước chúng ta mà xem, liệu có thể chấp nhận được không khi mà Việt Nam nằm trong số 12 nước đó… những nước tệ nhất thế giới ư?”

“Như vậy là không thể chấp nhận được”, Đại sứ Dũng nói. “Vì vậy, tôi nghĩ nếu DOC từ chối thực hiện điều này, tôi nghĩ nó sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước”.

Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden. Trong cùng năm, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chấm dứt việc gắn nhãn NME này.

Ông Dũng nói rằng Việt Nam đang muốn kêu gọi thêm đầu tư từ Hoa Kỳ để nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và đáp ứng các cam kết về phát thải carbon.

“Chúng tôi muốn có thị trường thuận lợi và cởi mở hơn cho hàng hóa và dịch vụ của cả hai quốc gia”, nhà ngoại giao Việt Nam phát biểu, và nói thêm: “Tất nhiên, chúng tôi cũng muốn sẽ có ít trường hợp bị điều tra hơn”.

Ông Dũng nói rằng Hà Nội hy vọng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ dẫn dắt một ngày nào đó sẽ bao gồm cả việc tiếp cận thị trường, điều mà các nước châu Á đang mong có.

Ông cũng cho hay Việt Nam muốn Hoa Kỳ giúp đỡ nhiều hơn trong việc xử lý bom mìn chưa nổ còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam.

Ông nói: “Những gì chúng ta đã làm là tuyệt vời, nhưng chúng ta vẫn còn phải làm nhiều hơn nữa”. “Chúng ta phải tăng tốc và chúng ta cần nhiều tiền hơn”, vẫn lời ông Dũng.

Ông Dũng được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, trong đó cựu Tổng thống Donald Trump, từng đứng đầu chính quyền trước đây vốn đã đe dọa áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam với cáo buộc thao túng tiền tệ, nay là ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa.

Ông Dũng cho rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với quan hệ đối tác Việt-Mỹ, song ông cũng nhìn nhận rằng: “Sự nhiệt tình có thể thay đổi theo từng thời điểm, tùy thuộc vào hoàn cảnh, những diễn biến của thời đại, ở mỗi quốc gia”.


***********
rfi.fr

Phương Tây đối mặt với vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga

Minh Anh

Học thuyết hạt nhân và tư tưởng quân sự Nga, đặc biệt về vũ khí hạt nhân phi chiến lược, đã trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương. Nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) thực hiện cho thấy NATO càng hiểu rõ về vấn đề này thì năng lực răn đe với Nga càng có khả năng được duy trì. 

Đăng ngày:

4 phút

Ngày 16/01/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Belarus cho biết nước này có thể có những sửa đổi về học thuyết quân sự chính thức, theo đó, các loại vũ khí « chiến thuật », có thể được sử dụng trên một mặt trận quân sự, khác với các loại vũ khí chiến lược liên lục địa, kể từ giờ nằm trong số các giải pháp quân sự của Belarus. 

Theo Le Figaro, thông báo nói trên đánh dấu một bước mới trong việc Matxcơva thực thi quyền kiểm soát đối với Belarus, quốc gia mà Nga khẳng định là đã chuyển đến nhiều đầu đạn hạt nhân hồi tháng 6/2023, dù chưa có một thông tin chính thức nào xác nhận điều đó.  

Nếu như một cuộc chiến tranh hạt nhân do Nga tiến hành vẫn chưa xảy ra, nguy cơ nước này sử dụng các loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW) đang trở thành một vấn đề cấp bách, buộc phương Tây, đứng đầu là Mỹ, phải suy tính một học thuyết răn đe.  

Gregory Weaver, cựu cố vấn bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, trong một bài nhận định viết cho NATO được đăng hồi tháng 9/2023, từng cho rằng để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, cần phải hiểu rõ « chiến lược, học thuyết và năng lực hạt nhân của Nga ».  

Theo phân tích của ông, « vai trò của lực lượng hạt nhân Nga vừa là để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân trên quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ Nga vừa để bù đắp thế ưu việt về vũ khí quy ước của khối NATO. Chiến lược của Nga dựa trên giả định rằng việc sử dụng hạn chế vũ khí hạt nhân trên chiến trường ít có cơ may dẫn đến một hành động trả đũa diện rộng giữa Mỹ và Nga ».  

Nghiên cứu về tiến triển học thuyết hạt nhân Nga về vũ khí chiến thuật, do IISS thực hiện theo đề nghị của Bộ chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu (Eucom) năm 2022, tổng kết là Nga dường như có đến ít nhất « 1900 vũ khí hạt nhân chiến thuật - NSNW ».  

Theo William Alberque, tác giả bài nghiên cứu, khi phối hợp với toàn bộ các loại trang thiết bị quân sự và phi quân sự, Matxcơva xem NSNW có một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột không mong muốn, định hình chiến trường cho các xung đột được lập kế hoạch, hạn chế leo thang trong bất kỳ xung đột nào.

Cũng theo ông William Alberque, đối với Nga, « NSNW còn mang lại nhiều lợi thế so sánh và bất cân xứng so với các nước láng giềng lân cận, với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vũ khí hạt nhân của Nga là công cụ bảo đảm cho chủ quyền và vị thế cường quốc của Nga, cũng như ngăn chặn mọi nỗ lực không tránh được của Mỹ nhằm thay thế sự cai trị của ông ». 

Kết quả kém của các cuộc tấn công bằng tên lửa chống Ukraina buộc Mỹ và các nước đồng minh phải suy nghĩ lại khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chỉ có điều không ai biết chính xác là « học thuyết sử dụng NSNW được đặt ở đâu » trong kho vũ khí của Nga. Cũng theo nhà nghiên cứu này, « cảm nhận của Nga về sự thiếu ý chí của phương Tây về việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay chấp nhận những thiệt hại trong một xung đột càng củng cố hơn nữa lối tư duy và học thuyết hung hăng của Nga trên phương diện vũ khí hạt nhân chiến thuật ». 

Cuối cùng, theo William Alberque, Nga xem xét việc sử dụng vũ khí chiến thuật dựa trên hai khái niệm : « Liều lượng », tức là mức độ rủi ro và tổn thất mà mỗi bên chấp nhận và « sự tỉnh táo », « buộc Mỹ phải suy nghĩ » trước khi leo thang xung đột. Để thắng trong ván bài, Matxcơva sẽ sẵn sàng đi đến cùng của rủi ro hạt nhân. Đối với các chuyên gia, phương Tây nhất thiết phải suy nghĩ về cách quản lý leo thang trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân, để ngăn chặn Matxcơva rơi vào « sự cám dỗ của ma quỷ ». 


**********
voatiengviet.com

Triều Tiên phá bỏ tượng đài tượng trưng cho sự hòa giải với Hàn Quốc

Reuters

Triều Tiên đã phá hủy một tượng đài lớn ở thủ đô tượng trưng cho mục tiêu hòa giải với Hàn Quốc theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, người tuần trước gọi đối thủ là “kẻ thù chính” và nói rằng thống nhất đã không thể thực hiện được nữa.

Theo tin của NK News, một cơ quan trực tuyến theo dõi Triều Tiên, hình ảnh vệ tinh của Bình Nhưỡng hôm 23/1 cho thấy tượng đài, một mái vòm tượng trưng cho hy vọng thống nhất Triều Tiên được hoàn thành sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều mang tính bước ngoặt năm 2000, đã không còn ở đó.

Reuters không thể xác nhận độc lập rằng tượng đài, được gọi một cách không chính thức là Vòm Thống Nhất, đã bị phá bỏ.

Truyền thông chính thống nói ông Kim gọi tượng đài này là “chướng mắt” trong bài phát biểu tại Hội nghị Nhân dân Tối cao vào ngày 15/1, nơi ông ra lệnh sửa đổi hiến pháp để coi miền Nam là “đối thủ chính và kẻ thù chính bất di bất dịch”.

Căng thẳng đã gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự nhằm đáp trả việc Triều Tiên thử vũ khí và tuyên bố sẵn sàng cho một “cuộc chiến tranh hạt nhân” với kẻ thù.

Theo hồ sơ của chính phủ Hàn Quốc, mái vòm, chính thức được gọi là Đài tưởng niệm Ba Hiến chương Thống nhất Quốc gia, cao 30 mét và là biểu tượng của ba Hiến chương là tự lực, hòa bình và hợp tác quốc gia.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người nhậm chức vào năm 2022, đã có đường lối cứng rắn chống lại Triều Tiên, kêu gọi phản ứng ngay lập tức và cứng rắn đối với các hành động quân sự của Triều Tiên làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố sẽ “xóa sổ” miền Nam nếu bị lực lượng miền Nam và Mỹ tấn công. Cuối năm ngoái, miền Bắc tuyên bố thỏa thuận quan trọng được ký với miền Nam vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng quân sự là không còn hiệu lực.

Sau bài phát biểu của ông Kim vào tuần trước, quốc hội Triều Tiên đã bãi bỏ các cơ quan chính phủ chủ chốt vốn đóng vai trò quan trọng trong nhiều thập niên trao đổi với Seoul.


***********
voatiengviet.com

Đe dọa một nhà hoạt động, du học sinh Trung Quốc bị Mỹ truy tố

Reuters

Một sinh viên âm nhạc người Trung Quốc đầu tuần này ra tòa tại Mỹ vì bị cáo buộc đã quấy rối một nhà hoạt động dán tờ rơi tại Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston hầu kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc, đồng thời còn đe dọa sẽ báo cáo các hoạt động của cô này cho cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc.

Phụ tá Chưởng lý Hoa Kỳ Alathea Porter nói với bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston rằng Xiaolei Wu, 25 tuổi, đã khiến nhà hoạt động, chỉ được gọi là Zooey trước tòa, sợ hãi bằng cách đưa ra lời đe dọa trực tuyến là chặt tay cô và báo cáo cô với chính phủ Trung Quốc vì “những áp phích phản động” của cô.

“Cô ấy lo sợ cho chính mình và lo sợ cho gia đình mình, những người đã trở về Trung Quốc,” bà Porter nói trong bài phát biểu mở đầu trước bồi thẩm đoàn gồm 12 người.

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ và phương Tây tiếp tục cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc ngày càng gây áp lực buộc những người chỉ trích Bắc Kinh ở nước ngoài phải im lặng.

Các tổ chức nhân quyền cũng phàn nàn về các mối đe dọa đối với tự do học thuật và việc giám sát sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học quốc tế.

Wu bị bắt lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2022 và đã không nhận tội theo dõi qua mạng và truyền tải thông tin đe dọa giữa các tiểu bang.

Bà Porter nói với các bồi thẩm đoàn rằng những lời đe dọa của anh này bắt đầu sau khi cô Zooey, người cũng theo học tại trường đại học âm nhạc tư nhân vừa kể, đăng một bức ảnh lên Instagram về một tờ rơi mà cô đặt trên cửa sổ có nội dung “Chúng tôi muốn tự do”, “Chúng tôi muốn dân chủ” và “Đứng về phía nhân dân Trung Quốc”.

Để đáp lại, vào tháng 10 năm 2022, Wu đã đăng lên diễn đàn gồm 300 sinh viên và cựu sinh viên Berklee gốc Trung Quốc trên ứng dụng mạng xã hội WeChat yêu cầu cô ấy xé tờ rơi và nói rằng anh ta đã gọi điện báo cho cơ quan công an Trung Quốc về cô ấy.

Bà Porter gọi đó là một mối đe dọa nghiêm trọng, vì chính phủ Trung Quốc không cho phép kiểu bày tỏ bất đồng chính kiến như trong áp phích của cô Zooey và làm mọi cách trấn áp những người bất đồng chính kiến chống lại chính phủ Trung Quốc.

Luật sư của Wu, Michael Tumposky, phản bác rằng những bình luận của Wu không bao giờ nhằm đe dọa Zooey mà được đưa ra như một phần của “tranh cãi trực tuyến, non nớt giữa hai người trẻ”, những người quen nhau.

Ông nói rằng thân chủ của ông “không phải là một đặc vụ nào đó của chính phủ Trung Quốc” mà là một “anh chàng vụng về, ngốc nghếch” đến Boston để học nhạc jazz và đã lên tiếng về những tấm áp phích của Zooey “theo cách sai lầm của anh ta để nhắc nhở cô ấy về hậu quả của hoạt động tích cực của cô ấy.”

“Anh ấy đến đây để học guitar chứ không phải để ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc,” luật sư của Wu biện hộ.


************
voatiengviet.com

Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn gia nhập NATO của Thụy Điển sau 20 tháng trì hoãn

Reuters

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/1 phê chuẩn đề nghị gia nhập khối NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản lớn nhất còn lại đối với việc mở rộng liên minh quân sự phương Tây sau 20 tháng trì hoãn, theo Reuters.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan chiếm đa số, đã bỏ phiếu với tỷ lệ 287 phiếu thuận-55 phiếu chống để phê chuẩn đơn xin gia nhập mà Thụy Điển nộp lần đầu tiên vào năm 2022 nhằm tăng cường an ninh để đối phó với cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Tất cả các thành viên NATO cần phê duyệt đơn gia nhập của các quốc gia muốn vào liên minh này. Khi Thụy Điển và Phần Lan đề nghị được tham gia vào năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối thực trạng mà họ cho là hai nước này bảo vệ các nhóm bị họ coi là khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ tán thành tư cách thành viên của Phần Lan vào tháng 4 năm ngoái, nhưng nước này cùng với đã bắt Thụy Điển phải chờ đợi.

Ông Fuat Oktay, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội và là thành viên đảng AK cầm quyền, nói trong phần thảo luận: “Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng NATO để cải thiện các nỗ lực răn đe của liên minh… Chúng tôi hy vọng thái độ của Phần Lan và Thụy Điển trong việc chống khủng bố sẽ làm gương cho các đồng minh khác của chúng ta”.

Đại sứ Mỹ Jeff Flake nói trong một tuyên bố bằng văn bản hôm 23/1: “Tôi đánh giá rất cao quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO ngày hôm nay”.

Ông nhận xét rằng “cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh NATO thể hiện rõ ràng mối quan hệ đối tác lâu dài của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cũng hoan nghênh sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Billstrom nói trong một tuyên bố bằng văn bản: “Bây giờ chúng tôi mong đợi Tổng thống Erdogan ký văn bản phê chuẩn”.

Tổng thống Erdogan dự kiến sẽ ký thành luật trong vài ngày tới, khiến Hungary - nơi Thủ tướng Viktor Orban có quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin - trở thành quốc gia thành viên duy nhất chưa chấp thuận việc gia nhập của Thụy Điển.

Trước đó trong cùng ngày 23/1, ông Orban cho hay ông đã mời người đồng cấp Thụy Điển đến thăm và đàm phán việc đất nước của ông ấy nhập khối NATO. Quốc hội Hungary tạm nghỉ cho đến khoảng giữa tháng 2.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh động thái của Thổ Nhĩ Kỳ và nói: “Tôi cũng tin tưởng Hungary sẽ hoàn thành việc phê chuẩn ở cấp quốc gia càng sớm càng tốt”.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary duy trì mối quan hệ với Nga tốt hơn so với các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ đứng đầu.

Tuy phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, song Thổ Nhĩ Kỳ lại chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Về phần mình, Nga cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả nếu NATO củng cố cơ sở hạ tầng quân sự ở hai quốc gia Bắc Âu này.

Thụy Điển, nước có nỗ lực trở thành thành viên NATO đánh dấu một sự thay đổi lịch sử khỏi chính sách an ninh không liên kết, sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của NATO ở khu vực Biển Baltic đối diện với Nga.

Nhu cầu và nhượng bộ

Sự chậm trễ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến một số đồng minh phương Tây thất vọng và khiến nước này có được một số nhượng bộ.

Ankara thúc giục Stockholm cứng rắn hơn trong lập trường của họ đối với các đảng viên Đảng Công nhân người Kurd (PKK) trú đóng ở Thụy Điển. PKK bị mà Liên minh châu Âu và Mỹ cùng coi là một nhóm khủng bố.

Đáp lại, Stockholm đưa ra một dự luật chống khủng bố mới quy định việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp. Thụy Điển, Phần Lan, Canada và Hà Lan cũng thực hiện các bước nhằm nới lỏng chính sách xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại quốc hội, ông Oktay nói rằng đảng AK của ông Erdogan tán thành nỗ lực của Thụy Điển trong NATO sau những bước tích cực chống khủng bố của nước này.

Ông Erdogan, người chuyển đề nghị của Thụy Điển tới quốc hội vào tháng 10, đã liên kết việc phê chuẩn này với việc Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà Trắng ủng hộ thương vụ này và một số nhà phân tích kỳ vọng một thỏa thuận sẽ nhanh chóng diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn gia nhập của Thụy Điển. Nhưng không có khung thời gian rõ ràng về việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận này.


************
tuoitre.vn

Tin tức thế giới 24-1: Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO; Mỹ viện trợ Ukraine 12 tỉ USD

NGỌC ĐỨC

* Hội đồng bảo an LHQ thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông
* Mỹ đảm bảo duy trì viện trợ tỉ đô cho Ukraine
* Kharkov hứng chịu liên tiếp 3 cuộc không kích của Nga

Thụy Điển tiến gần đến việc được kết nạp vào NATO sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập - Ảnh: AFP

Thụy Điển tiến gần đến việc được kết nạp vào NATO sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận đơn xin gia nhập - Ảnh: AFP

Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO

Theo Hãng tin Reuters, ngày 23-1 (giờ địa phương), Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phê chuẩn đề nghị kết nạp Thụy Điển vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với 287 phiếu thuận và 55 phiếu chống.

Quyết định này đã gạt bỏ trở ngại lớn nhất trong hành trình tham gia liên minh quân sự lớn nhất giữa các nước phương Tây của Stockholm, sau hơn 20 tháng bị trì hoãn.

Cùng với Phần Lan, Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO hồi tháng 5-2022 do lo ngại từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

Tuy nhiên, Phần Lan đã chính thức được kết nạp vào liên minh trên từ đầu tháng 4-2023, trong khi Thụy Điển vẫn chưa được sự chấp thuận từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary - hai thành viên NATO có quan hệ tương đối nồng ấm với Nga.

Tuy nhiên, với việc vừa được Ankara phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO, Stockholm chỉ cần thuyết phục được Budapest để hoàn thành mục tiêu trên.

"Chúng tôi ủng hộ việc mở rộng NATO để cải thiện những nỗ lực răn đe của liên minh. Chúng tôi hy vọng thái độ của Phần Lan và Thụy Điển với việc chiến đấu chống khủng bố sẽ là hình mẫu cho các đồng minh khác", ông Fuat Oktay, người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu trong phiên họp ngày 23-1 của cơ quan này.

Cũng trong ngày 23-1, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiết lộ ông đã mời người đồng cấp phía Thụy Điển công du đến Budapest để thỏa thuận việc nước này gia nhập NATO.

Ukraine tố Nga không kích làm 18 người chết, 130 người bị thương

Trong thông điệp cuối ngày 23-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Nga đã phóng hàng chục tên lửa các loại trong 24 giờ qua, cướp đi sinh mạng 18 người dân và làm bị thương hơn 130 người.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã hạ tổng cộng 22 trên 44 tên lửa được quân đội Nga phóng ra trong ngày 23-1. Trong đó, gần 20 tên lửa bị hạ quanh vùng trời thủ đô Kiev.

Thành phố Kharkov, đô thị lớn thứ hai Ukraine, hứng chịu đến ba đợt tấn công khác nhau.

Thống đốc vùng Kharkov Oleh Synehubov tuyên bố 8 người đã thiệt mạng trong thành phố trên. Bên cạnh đó, hơn 100 tòa cao ốc đã bị thiệt hại nặng nề trong hai đợt tấn công đầu tiên. Vào buổi tối, một cụm căn hộ và một cơ sở gần đó bị đánh trúng ba lần, làm bị thương bảy người.

Trong khi đó, lực lượng khẩn cấp Kiev cũng khẳng định hơn 22 người đã bị thương do các cuộc tấn công của Nga vào thành phố này.

Ngày 23-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trấn an Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal về tình hình viện trợ của Washington cho nước này - Ảnh: AFP

Ngày 23-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trấn an Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal về tình hình viện trợ của Washington cho nước này - Ảnh: AFP

Mỹ trấn an Ukraine về tình hình viện trợ

Ngày 23-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã trấn an Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết tâm dành ra 11,8 tỉ USD viện trợ cho Kiev trong yêu cầu tài trợ bổ sung của Nhà Trắng.

Thông tin trên trích từ thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ sau phiên hội đàm trực tuyến giữa bà Yellen và ông Shmyhal cùng ngày.

Khoản tiền trên nằm ngoài khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine bổ sung trị giá 61 tỉ USD được ông Biden đề xuất trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 10-2023, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

"Việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine vẫn liên quan mật thiết đến thành công của họ trên chiến trường. Cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine sẽ giúp họ chiến thắng cuộc chiến và giúp đẩy mạnh các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ trên toàn cầu", Bộ Tài chính Mỹ khẳng định.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông

Chiều 23-1, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông. 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đang lan khỏi Gaza, thương vong gia tăng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem; các vụ giao tranh giữa lực lượng vũ trang Israel và Lebanon, các cuộc tấn công tại Syria và Iran, cũng như tình hình bất ổn trên Biển Đỏ.

Tại phiên họp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Hội đồng Bảo an đến nay vẫn chưa có phản ứng thích hợp để chấm dứt xung đột hay triển khai các bước đi nhằm ngăn chặn bất ổn leo thang ở Trung Đông. Ông Lavrov đề nghị trao cho người Palestine quyền dân chủ để tự quyết.

Triều Tiên dỡ bỏ biểu tượng hòa hợp hai miền

Hãng tin Reuters khẳng định hình ảnh vệ tinh chụp ngày 23-1 cho thấy Bình Nhưỡng đã hoàn tất quá trình dỡ bỏ Cổng Thống nhất, công trình biểu tượng cho mục tiêu hòa hợp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Việc dỡ bỏ này được cho là theo lệnh của lãnh đạo nước này, ông Kim Jong Un. Tại phiên họp Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên hôm 15-1, ông Kim đã chỉ trích Hàn Quốc là "kẻ thù chính" của Triều Tiên và khẳng định việc thống nhất bán đảo đã không còn khả thi.

Cũng tại sự kiện này, lãnh đạo Triều Tiên gọi công trình trên là "sự chướng mắt" và yêu cầu gỡ bỏ.

Động thái trên của Bình Nhưỡng diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên lao dốc sau một loạt hoạt động phối hợp quân sự giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ. 

Các hoạt động quân sự trên nhằm phản ứng với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa trong nhiều tháng qua.

Cổng Thống nhất, trước đây là Đài tưởng niệm Ba trụ cột thống nhất quốc gia, là tượng đài cao 30m, thể hiện ba điều quan trọng trong việc thống nhất hai miền Triều Tiên: tự chủ, hòa bình và hợp tác quốc gia, theo tài liệu của Chính phủ Hàn Quốc.

Công trình này được xây dựng sau hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa hai miền Triều Tiên hồi năm 2000.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn