Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 20-01 -2024

Thứ Bảy, 20 Tháng Giêng 20246:06 SA(Xem: 1954)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 20-01 -2024
Hoaluc 4
*********
rfi.fr

Căng thẳng tại Hồng Hải, gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc

Minh Phương

Hôm qua 19/1/2024, Trung Quốc đã kêu gọi phiến quân Houthi Yemen ngưng  tấn công vào các tàu hàng ở Hồng Hải để “duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu”. Các cuộc tấn công của lực lượng này dù chỉ nhắm vào các tàu hàng mà họ cho là “có liên hệ với Israel”, nhưng vẫn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.

Đăng ngày:

2 phút

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết cụ thể :

Sau nhiều năm hạn chế đi lại do đại dịch Covid, cuộc khủng hoảng ở Hồng Hải hiện nay là giọt nước tràn ly đối với các kho hàng và khiến các nhà xuất khẩu ở bờ biển phía đông Trung Quốc tuyệt vọng. Ông Marco Castelli, người sáng lập công ty IC Trade, chuyên xuất khẩu các bộ phận cơ khí sản xuất tại Trung Quốc sang châu Âu, giải thích khủng hoảng này gây ra hai tác động lớn:

“Tác động đầu tiên là kéo dài thời gian vận chuyển. Thời gian vận chuyển giờ đây sẽ dài hơn, mất thêm khoảng 20 đến 25 ngày so với bình thường, tđó gây ra vấn đề về chi phí và kho hàng đối với khách hàng cũng như các nhà cung cấp. Và tác động thứ hai là làm cước phí gởi hàng tăng thêm”.

Theo ông Castelli, giá container đã tăng lên gấp 3, thậm chí là gấp 4, tùy theo mức độ khẩn cấp của đơn hàng. Một số nhà nhập khẩu cũng đã rút lại một phần đơn đặt hàng của họ. Ông Mario, một nhà xuất khẩu ở tỉnh Nghĩa Ô, miền đông nam Trung Quốc, cho biết : 

Hiện tại chi phí vận chuyển đang rất cao. Mọi người, dù là những người không thiếu hàng hay những người có ít hàng, đều đợi đến sau kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc, hy vọng giá sẽ giảm trở lại. Tôi cũng đang có một khách hàng Maroc muốn đợi đến sau Tết Nguyên Đán. Hiện anh còn một ít hàng, nhưng phí vận chuyển đang quá đắt.

Lạm phát không chỉ đè nặng lên người tiêu dùng mà còn có nguy cơ làm chậm toàn bộ chuỗi sản xuất và về lâu dài có thể khiến một số khách hàng phải di dời một số nhà máy ở Trung Quốc. Giao thương với châu Âu và châu Phi chiếm tới 40% tổng trao đổi mậu dịch của Trung Quốc. Tình hình hiện giờ đang rất cấp bách, bởi vì chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán và nhiều nhà máy ở Trung Quốc sẽ đóng cửa vì 300 triệu công nhân sẽ về quê ăn Tết.

Hôm qua, quân đội Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Houthi ở Yemen, khẳng định đây là hành động "tự vệ" trước các cuộc tấn công liên tục của phiến quân này vào các tàu hàng ở Hồng Hải.


****
rfi.fr

Liên Hiệp Châu Âu sẽ gia tăng sản xuất đạn pháo cho Ukraina

Thanh Phương

Tuyên bố trong chuyến viếng thăm thủ đô Tallinn của Estonia hôm qua, 19/01/2024, Ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa và công nghiệp Thierry Breton cho biết Liên Hiệp Châu Âu sẽ đẩy mạnh sản xuất đạn pháo để vừa viện trợ cho Ukraina, vừa khôi phục các kho dự trữ của Liên Âu.

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, ông Breton khẳng định từ đây đến cuối năm Liên Hiệp Châu Âu sẽ có khả năng sản xuất ít nhất 1,3 triệu đạn pháo và sẽ tăng mạnh sản lượng vào năm tới. Theo Ủy viên châu Âu đặc trách công nghiệp, phần lớn đạn pháo do các công ty châu Âu sản xuất sẽ được ưu tiên dành cho Ukraina trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.

Về phần thủ tướng Estonia Kaja Kallas, bà lưu ý là theo nguồn tin của Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên đã cung cấp cho Nga hơn một triệu quả đạn pháo, để được Matxcơva giúp phát triển công nghệ vệ tinh quân sự. Cho nên, đối với ông Breton, viện trợ đạn pháo cho Ukraina là một nhu cầu vô cùng cấp thiết.

Hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron cũng đã kêu gọi các công ty quốc phòng của Pháp đẩy mạnh tiến trình chuyển sang “nền kinh tế chiến tranh” để nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu của Ukraina. Phát biểu tại căn cứ hải quân Cherbourg ở miền bắc khi chúc Tết Dương lịch các binh chủng quân đội Pháp, tổng thống Macron tuyên bố: “ Chúng ta sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraina, bởi vì chúng ta không thể để cho Nga nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng. Một chiến thắng của Nga đồng nghĩa với sự cáo chung của an ninh châu Âu”.

Trong tuần này, Paris đã thông báo viện trợ thêm cho Kiev 40 tên lửa tầm xa Scalp, cung cấp Ukraina khoảng 50 quả bom mỗi tháng trong vòng 1 năm, gia tăng sản xuất đạn pháo 155mm và tài trợ cho việc sản xuất thêm 12 súng đại bác Caesar.

Trong khi đó, hôm qua, Nga đã triệu đại sứ Pháp tại Matxcơva lên để chính thức phản đối về vai trò “ngày càng lớn” của Paris trong cuộc chiến Ukraina, vài ngày sau khi thông báo đã oanh kích vào “một nhóm lính đánh thuê Pháp”.


*********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

6 phút

(AFP) - Ukraina tấn công kho dầu trên đất Nga. Phía Ukraina xác nhận sáng sớm hôm nay, 19/01/2024, đã tấn công bằng drone vào một kho dầu ở Briansk, vùng biên giới của Nga. Thống đốc vùng Briansk xác nhận trên Telegram cơ sở hạ tầng tại thành phố Klintsy đã bị drone của Ukraina tấn công. Vụ tấn công không gây thiệt hại về nhân mạng nhưng kho dầu bốc cháy đến giữa trưa hôm nay. 

(Reuters) - Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc thảo luận về giảm thiểu rủi ro hạt nhân. Một quan chức Nhà Trắng hôm 18/01 cho biết, Hoa Kỳ không hy vọng sẽ sớm có các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân với Trung Quốc, nhưng muốn hai bên bắt đầu bằng các cuộc thảo luận về những biện pháp giảm thiểu rủi ro. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Pranay Vaddi, quan chức cấp cao của Nhà Trắng về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho rằng điều quan trọng là phải có các cuộc đàm phán ban đầu về kiểm soát vũ khí vào tháng 11 với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh các cuộc đàm phán này cần có sự tham gia của những người ra quyết định hoặc có ảnh hưởng quan trọng về hạt nhân.

(Reuters) - Tầu chiến của Mỹ có thể được bảo trì ở Nhật Bản ? Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, Rahm Emanuel, hôm nay, 19/01/2024, cho biết Washington và Tokyo đang tìm kiếm một thỏa thuận để các xưởng đóng tầu của Nhật Bản thường xuyên đại tu và bảo trì các tầu chiến của hải quân Mỹ. Việc sử dụng các ụ tầu khô của Nhật Bản sẽ giúp giảm áp lực cho các xưởng tầu ở Mỹ, đang vật lộn với lượng tồn đọng bảo trì lên đến 4.000 chiếc ngày. Như vậy,  Mỹ sẽ có thể tập trung đóng thêm tầu để mở rộng đội tầu chiến và tầu ngầm, hiện đã bị Trung Quốc qua mặt, trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, theo như báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc. Ngoài ra, việc trùng tu và bảo trì ở Nhật cũng tạo thuận lợi cho tầu chiến Mỹ ở lại vùng biển châu Á, sẵn sàng cho bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào. 

(AFP) - Phe Houthi tấn công tầu hàng Mỹ. Phiến quân Houthi tại Yemen hôm nay, 19/01/2024 thừa nhận trách nhiệm trong các cuộc tấn công  vào một tầu buôn của Mỹ ở Vịnh Aden. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Trung Đông xác nhận lực lượng Houthi đã nhắm vào tầu hàng Chem Ranger bằng « hai tên lửa », nhưng không gây thiệt hại nào. 

(AFP) - Chống luật nhập cư : Hơn 300 dân biểu Pháp kêu gọi biểu tình. Lời kêu gọi của hơn 300 dân biểu Pháp thuộc cánh tả và sinh thái đăng trên một diễn đàn của nhật báo thiên tả Libération ngày 19/01/2024. Cuộc biểu tình dự kiến diễn ra vào ngày Chủ Nhật 21/01 để đòi hủy bỏ luật nhập cư mà theo họ là một sự « thụt lùi chưa từng có về việc bảo vệ các quyền được bảo đảm đối người nước ngoài tại Pháp. » 

(AFP) - Du lịch thế giới sẽ phải hồi phục trong năm nay. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (OMT) năm 2024 này, số khách du lịch quốc tế sẽ vượt hơn một chút mức trước đại dịch nhờ có sự phục hồi trong lĩnh vực này ở châu Á và Trung Đông. Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết 1,3 tỷ người đã đi du lịch trong năm vừa qua, tức là tăng 44% so với năm 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 88% so với năm 2019, năm trước đại dịch Covid-19. Trung Đông, đang là khu vực tỏ ra năng động, đã vượt 22% so với năm 2019. Châu Âu, điểm đến hàng đầu của du lịch thế giới, cũng đã đạt mức 94% so với năm tiền đại dịch. Châu Á mới phục hồi được 65% so với 2019.

(AFP) - Bệnh sởi gia tăng ở Anh Quốc. Giới chức y tế Vương Quốc Anh hôm nay, 19/01/2024, kêu gọi đối phó với tình trạng gia tăng bệnh sởi. Theo các số liệu được công bố hồi đầu tuần, Cơ quan An toàn Dịch tễ Anh Quốc (UKHSA) ghi nhận 198 trường hợp được xác nhận là nhiễm bệnh và 104 ca có khả năng bị nhiễm trong giai đoạn từ cuối tháng 10/2023 đến trung tuần tháng Giêng 2024 tại vùng West Midlands, trong đó 80% trường hợp xảy ra là tại thành phố Birmingham. Nguyên nhân là do người dân bắt đầu mất cảnh giác và giảm tiêm ngừa. 

(AFP) - Phi hành gia châu Âu đặt chân lên ISS. Phi thuyền Space X hôm qua, 18/01/2024, đã cất cánh đưa bốn phi hành gia, trong đó có ba người châu Âu gồm Thụy Điển, Ý, và nhất là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên lên Trạm Không Gian Quốc Tế ISS. Đây là lần phóng thứ ba do doanh nghiệp tư nhân Mỹ Axiom Space thực hiện. Theo dự kiến, phi thuyền sẽ đến ISS vào ngày mai. Bốn phi hành gia sẽ ở lại trạm ISS trong vòng hai tuần để tiến hành các thí nghiệm khoa học.  

(AFP) - Một tầu đổ bộ Mặt Trăng của Mỹ biến mất trong khí quyển. Astrobotic, công ty khởi nghiệp Mỹ thiết kế tầu đổ bộ, hôm qua, 18/01/2024, cho biết đã mất liên lạc sau khi thiết bị​​​​​​​ quay về Trái Đất, trên không trung vùng biển Nam Thái Bình Dương. Tầu đổ bộ Peregrine, cất cánh hồi đầu tuần rồi ở bang Florida, đã không đáp được xuống Mặt Trăng do bị rò rỉ nhiên liệu trong quá trình bay. Dù vậy, tầu đổ bộ này cũng thu thập được nhiều thông tin hữu ích về chuyến bay cho nỗ lực sắp tới. 

(RFI) - Kết thúc diễn đàn kinh tế thế giới Davos. Hôm nay, bế mạc sự kiện thu hút đông đảo các doanh nhân và chính giới toàn cầu. Ban tổ chức thông báo hơn 2800 người đã tập hợp về Davos từ ngày 15 đến 19/01/2024, chưa kể hàng ngàn người đến tham dự các sự kiện không chính thức. Giới quan sát ghi nhận các chủ đề địa chính trị, an ninh, và trí thông minh nhân tạo AI đã chiếm vị trí quan trọng trong các cuộc hội thảo những ngày qua. Nhưng vấn đề bảo vệ môi trường hay phát triển năng lượng sạch đã « hoàn toàn » bị lãng quên.  

(Reuters) - Iran thông báo « thành công » trong việc sử dụng drone tăng cường khả năng phòng không. Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực và nhất là với nước láng giềng Pakistan, hôm 19/01/2024, Teheran cho biết vừa cho ra đời một phương pháp phòng thủ mới. Cuộc thao diễn kéo dài trong hai ngày ở ngay sát vùng biên giới với Pakistan. Giới quan sát coi tuyên bố này là một hành động « khiêu khích ». 


**********
voatiengviet.com

Một giáo dân đến Mỹ tị nạn sau ‘trao đổi’ trong chuyến thăm VN của ông Biden

VOA Tiếng Việt

Ông Huỳnh Ngọc Trường, nhà hoạt động vì quyền đất đai và là giáo dân Cồn Dầu ở Đà Nẵng, vừa rời Việt Nam đến Mỹ định cư sau nỗ lực ngoại giao giữa Washington và Hà Nội trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông chia sẻ cảm xúc với VOA hôm 19/1, một ngày sau khi ông và gia đình có tất cả sáu người đặt chân đến thành phố Raleigh, bang North Carolina:

“Trốn chạy khỏi chế độ độc tài và đến một đất nước tự do, tôi rất bỡ ngỡ và xúc động khi chính phủ Mỹ quá tốt với những người tị nạn như chúng tôi. Họ lo nhà cửa, các thứ…tôi xin cảm ơn chính phủ Mỹ”.

Ông Trường cho biết rằng sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden vào tháng 9, ông vẫn chưa được công an Đà Nẵng cho xuất cảnh ngay vì “trường hợp này khó đi”, ông thuật lời một quan chức an ninh nói với ông.

“Họ không thể để dễ dàng cho tôi rời khỏi Việt Nam và họ đã làm việc với tôi rất nhiều lần”, vẫn lời ông Trường.

“Tôi bị cấm xuất cảnh vào năm 2019 mãi cho đến cuối 2023. Sau khi được Tổng thống Biden qua Việt Nam nâng cấp quan hệ và tôi được được vào diện “trao đổi” thì họ mới bằng lòng cấp hộ chiếu để tôi xuất cảnh”.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch tổ chức phi chính phủ BPSOS ở Mỹ, nói với VOA rằng tổ chức của ông đã vận động cho ông Trường xin tị nạn tại Mỹ sau khi ông Trường và các giáo dân Cồn Dầu sang Thái Lan tham dự Hội nghị Tự do Tôn giáo và Niềm tin Đông Nam Á năm 2019 và khi họ quay về đã bị công an xuất nhập cảnh thẩm vấn, câu lưu…

“Anh Trường bị công an đe dọa, đánh đập, bắt bớ… nên chúng tôi vận động để đưa anh Trường đi tị nạn tại Hoa Kỳ”, ông Thắng nói. “Đơn xin tị nạn đã được chấp thuận khá lâu rồi nhưng công an cứ giữ mãi hộ chiếu… Mãi cho đến sau khi Tổng thống Biden đến thì lệnh giữ hộ chiếu mới được gỡ bỏ, anh Trường mới có được hộ chiếu”.

Trong phản hồi bằng email hôm 19/1, Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận cũng không bác bỏ việc ông Trường đến Mỹ tị nạn chính trị sau nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden. Bộ này nói rằng: “Vì lý do bảo mật và quyền riêng tư, chúng tôi không thể cung cấp thông tin cụ thể về các trường hợp được đề cập”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Công an Việt Nam và Công an Đà Nẵng chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra luận.

Hôm 19/9/2023, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ rằng hai nhà hoạt động Việt Nam mà chính quyền Mỹ tin là đã bị chính quyền cộng sản ở nước này bắt giữ sai trái sẽ tái định cư tại Hoa Kỳ theo một “thỏa thuận” được đàm phán trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden từ ngày 10/9/2023.

Khi ấy, hãng tin Reuters không nêu tên các nhà hoạt động, nhưng nói rằng một trong hai người này là một luật sư nhân quyền vận động đòi quy trách nhiệm về nạn bạo hành của công an, còn người kia là một giáo dân Công giáo bị cưỡng chế ra khỏi nhà.

Tại Hoa Kỳ, hai gia đình này dự kiến sẽ được tái định cư theo chương trình tị nạn “Ưu tiên số 1” hay “Priority One”, vẫn theo Reuters. Hai nhà hoạt động vừa kể dù chưa bị cầm tù nhưng bị cấm rời khỏi Việt Nam.

Như VOA đã đưa tin hồi tháng 9/2023, khi Tổng thống Biden đến Hà Nội nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển và nhà hoạt động môi trường Mai Phan Lợi đã được ra tù trước thời hạn, ông Truyển sau đó được cho sang Đức tị nạn. Đến tháng 10/2023, luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình cũng đến Mỹ tị nạn chính trị.

Các nhà hoạt động cho VOA biết rằng ông Trường là người thứ tư và cũng là người cuối cùng trong “thỏa thuận” này giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến công du của ông Biden.

Trong một email phản hồi cho VOA trước đây khi được hỏi liệu có một “thỏa thuận” như vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo tất cả người Việt Nam có thể được hưởng các quyền con người cơ bản mà không sợ bị bắt giữ hay đàn áp”.

“Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Tổng thống Biden đã nêu lên tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả Chính quyền ngài và người dân Mỹ”, người phát ngôn Hoa Kỳ nói. “Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về chủ đề này”.

Theo tổ chức BPSOS, năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đưa lực lượng công an và cảnh sát cơ động tấn công cả giáo xứ Cồn Dầu khi họ đang đưa đám một giáo dân cao tuổi mới qua đời. Sự việc này khiến 100 giáo dân bị thương tích; 62 giáo dân bị bắt và tra tấn; 6 giáo dân bị xử án tù và gần 150 giáo dân phải chạy sang Thái Lan và Malaysia lánh nạn.

“Chính quyền Đà Nẵng đã thu hồi toàn bộ đất đai của chúng tôi, lấy danh nghĩa là ‘làm đô thị sinh thái’, nhưng thực chất là phân lô bán nền”, ông Trường chia sẻ sự bất mãn của ông về vụ giáo dân Cồn Dầu mất đất từ 14 năm về trước. “Trong nhiều năm qua, chúng tôi thấy việc thu hồi đất này quá bất công nên chúng tôi đứng lên đấu tranh để đòi quyền lợi đất đai, cũng như quyền tự do tôn giáo”.

Vào cuối tháng 12/2023, trang An ninh TV của Bộ Công an cho rằng tổ chức BPSOS đã “lợi dụng” sự việc ở giáo xứ Cồn Dầu, với các vụ việc phức tạp, khiếu kiện kéo dài gắn với yếu tố dân tộc, tôn giáo “để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam”.

Trước đó, trong nhiều dịp khác nhau, chính quyền Đà Nẵng và Việt Nam nói rằng không có chuyện đàn áp người dân Cồn Dầu và tuy có một số đề về đất đai ở đó song cuối cùng đều đã được giải quyết ổn thỏa.


*********
voatiengviet.com

Tòa đại sứ Trung Quốc cảnh báo rủi ro giải phẫu thẩm mỹ ở Hàn Quốc

Reuters

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Seoul cảnh báo công dân về những nguy hiểm khi giải phẫu thẩm mỹ ở Hàn Quốc, từ nguy cơ tử vong đến những thay đổi lớn trên khuôn mặt khiến việc vượt qua kiểm tra di trú trở nên khó khăn.

Nhà cung cấp dữ liệu Statista cho biết, Hàn Quốc là một trong những điểm đến phổ biến nhất trên thế giới về du lịch y tế, thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài trong thập kỷ qua, phần lớn trong số họ đến từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tòa đại sứ Trung Quốc cho biết trong một thông báo gửi công chúng: “Trong những năm gần đây, nhiều người nước ngoài đã đến Hàn Quốc để giải phẫu thẩm mỹ và một số người đã vướng vào các kiện tụng y tế, giải phẫu thất bại và thậm chí đã xảy ra trường hợp tử vong”.

Thông báo được đưa ra sau cái chết trong tháng này của một phụ nữ Trung Quốc sau khi được giải phẫu hút mỡ ba lần tại một phòng khám giải phẫu thẩm mỹ ở khu vực Gangnam của thủ đô, hãng tin Yonhap cho biết hôm 17/1, dẫn lời cảnh sát.

Reuters không thể liên hệ với đại diện của Hiệp hội Bác sĩ Giải phẫu Thẩm mỹ và Tái tạo Hàn Quốc để yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc.

Tòa đại sứ Trung Quốc yêu cầu người dân thận trọng với quảng cáo và lưu ý các rủi ro, đồng thời lựa chọn cẩn thận các bên trung gian và kiểm tra tính hợp pháp của các cơ sở y tế hoặc bác sĩ giải phẫu, ký hợp đồng rõ ràng và lưu giữ hồ sơ đầy đủ.

Tòa đại sứ cho biết thêm: “Nếu có sự thay đổi lớn về ngoại hình sau giải phẫu hoặc nếu bạn vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau giải phẫu, bạn nên mang theo giấy chứng nhận giải phẫu khi rời khỏi đất nước”.

Biện pháp phòng ngừa như vậy sẽ giúp tránh những rắc rối khi làm thủ tục nhập cảnh hoặc các thủ tục xuất nhập cảnh tiếp theo.

Theo Hiệp hội Giải phẫu Thẩm mỹ Quốc tế, Hàn Quốc có 2.718 bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ vào năm 2022, một con số tương đương với ước tính 3.000 bác sĩ giải phẫu của Trung Quốc, mặc dù dân số gấp 28 lần Hàn Quốc.


**********
voatiengviet.com

Israel nói đã tiêu diệt 2/3 các trung đoàn của Hamas, thề quyết chiến

Reuters

Israel đã tiêu diệt khoảng 2/3 các trung đoàn chiến đấu của Hamas ở Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu loan báo hôm 18/1, đồng thời thề sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi “chiến thắng hoàn toàn”.

Ông Netanyahu nói trong cuộc họp báo ở Tel Aviv: “Có hai giai đoạn trong cuộc chiến. Giai đoạn đầu tiên là tiêu diệt các trung đoàn Hamas, đó là những khuôn khổ chiến đấu có tổ chức của họ”.

“Cho đến nay, mười sáu hoặc mười bảy trong số hai mươi bốn trung đoàn đã bị tiêu diệt. Sau đó là (giai đoạn) dọn dẹp lãnh thổ. Hành động đầu tiên thường ngắn hơn, hành động thứ hai thường dài hơn.”

Giơ bức ảnh của một người lính Israel đã hy sinh, ông Netanyahu nói binh sĩ sẽ không chết một cách vô ích và cam kết giao tranh sẽ tiếp tục cho đến khi Hamas bị đánh bại và các con tin ở Gaza được giải cứu.

“Chiến thắng sẽ mất nhiều tháng nữa nhưng chúng tôi quyết tâm đạt được nó”, ông Netanyahu nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thảo luận về những diễn biến ở Israel và Gaza với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm hôm 19/1, Tòa Bạch Ốc cho biết, khi quân đội Israel tiếp tục tiến mạnh ở phía nam Dải Gaza.

Không có thêm thông tin chi tiết nào được tiết lộ ngay, nhưng Tòa Bạch Ốc nói sẽ đưa ra tuyên bố đầy đủ hơn vào thứ Sáu tuần sau.

Cuộc điện đàm của ông Biden với ông Netanyahu diễn ra khi các quan chức của Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ báo cáo về “nhiều loạt súng từ máy bay không người lái của Israel nhắm vào người dân tại Bệnh viện Al-Amal” ở Khan Yunis, thành phố chính ở phía nam Gaza.

Israel đã phát động một đợt tiến công lớn mới ở Khan Younis trong tuần này để chiếm thành phố mà nước này cho rằng hiện là căn cứ chính của các chiến binh Hamas đã tấn công các thị trấn của Israel vào ngày 7/10/2023, giết chết 1.200 người và khơi mào cuộc xung đột tàn phá Dải Gaza.

Bộ Y tế Gaza cho biết 142 người Palestine đã thiệt mạng và 278 người bị thương ở Gaza trong 24 giờ qua, nâng số người chết từ hơn ba tháng chiến tranh lên 24.762 người.


**********
voatiengviet.com

Pakistan-Iran đồng ý xuống thang sau các cuộc không kích qua lại

VOA News

Pakistan và Iran hôm 19/1 nhất trí xoa dịu căng thẳng và tái lập lại quan hệ ngoại giao đầy đủ sau khi quân đội hai bên không kích qua lại trong tuần này nhắm vào các trại của phần tử hiếu chiến được cho là ở trên lãnh thổ của nhau.

Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, thỏa thuận này bắt nguồn từ cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Jalil Abbas Jilani với người đồng cấp Iran, Hossein Amir-Abdollahian.

Tuyên bố nói: “Hai ngoại trưởng nhất trí rằng cần tăng cường hợp tác ở cấp độ làm việc và phối hợp chặt chẽ về chống khủng bố cũng như các khía cạnh khác mà hai bên cùng quan tâm. Họ cũng đồng ý xuống thang tình hình”.

Hai ngoại trưởng cũng thảo luận về việc đưa đại sứ hai nước trở lại thủ đô của mỗi nước.

Xung đột nổ ra hôm 16/1 khi lực lượng an ninh Iran tiến hành “các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái” nhắm vào những gì họ nói là căn cứ của nhóm hiếu chiến chống Iran, Jaish al-Adl (Quân đội Công lý), ở tỉnh biên giới Baluchistan của Pakistan.

Pakistan lên án vụ tấn công là “vi phạm trắng trợn” chủ quyền lãnh thổ của mình, nói rằng vụ này đã giết chết hai trẻ em và làm bị thương một số thường dân khác. Hôm 17/1, Islamabad thông báo triệu hồi đại sứ tại Tehran, yêu cầu đại sứ Iran rời khỏi đất nước và đình chỉ mọi cam kết song phương với Iran để phản đối cuộc xâm nhập xuyên biên giới “vô cớ”.

Hôm 18/1, Pakistan đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa những địa điểm mà họ gọi là “nơi ẩn náu của khủng bố” ở tỉnh biên giới Sistan-Baluchistan phía đông nam Iran đang được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chống lại lực lượng an ninh Pakistan ở Baluchistan.

Iran cho biết các cuộc tấn công của Pakistan đã giết chết ít nhất 9 “người không phải công dân Iran”, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ.

Các cuộc xâm nhập xuyên biên giới của hai nước đã đánh dấu sự leo thang chưa từng có trong mối quan hệ song phương thường căng thẳng. Việc này cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn lan rộng hơn ở Trung Đông kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023.

Ông Jilani nhấn mạnh “mối quan hệ anh em chặt chẽ” giữa hai nước và bày tỏ “mong muốn” của Islamabad được hợp tác với Tehran “dựa trên tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau”, tuyên bố của Pakistan cho biết. Ông “nhấn mạnh rằng sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền phải củng cố sự hợp tác này”, tuyên bố nói thêm.

Tòa đại sứ Iran tại Islamabad cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng ông Amir-Abdollahian đã có “cuộc điện đàm rất tốt để khôi phục quan hệ ở mức cao” và hai nước “có thể lập kỷ lục mới về giảm căng thẳng... bằng cách đưa các đại sứ về lại thủ đô” và các chuyến thăm lẫn nhau của các ngoại trưởng Iran và Pakistan.

Trong khi đó, quyền Thủ tướng Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar đã chủ trì cuộc họp hôm 19/1 với các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự hàng đầu của đất nước để thảo luận về cuộc khủng hoảng xuất phát từ căng thẳng với Iran.

Một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia nói: “Cuộc họp cũng kết luận rằng theo nguyên tắc phổ quát chi phối việc tiến hành các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hai nước sẽ có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn nhỏ thông qua đối thoại và ngoại giao, đồng thời mở đường để làm sâu sắc thêm mối quan hệ lịch sử giữa hai nước.”

Căng thẳng quân sự giữa Iran và Pakistan đã khiến Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Mỹ và Trung Quốc kêu gọi kiềm chế và xoa dịu căng thẳng hỗ tương.

Quân đội Pakistan cho biết cuộc tấn công hôm 18/1 đã nhắm vào các căn cứ ở Iran do các nhóm nổi dậy Mặt trận Giải phóng Baloch (BLF) và Quân đội Giải phóng Baloch (BLA) điều hành. Các nhóm này thường xuyên tấn công lực lượng an ninh Pakistan ở vùng Baluchistan giàu tài nguyên thiên nhiên.

Hoa Kỳ đã liệt BLA vào danh sách tổ chức khủng bố toàn cầu.

Tehran cho biết máy bay không người lái và phi đạn của họ đã nhắm mục tiêu vào các căn cứ Jaish al Adl.

Iran và Pakistan có chung đường biên giới dài gần 900 km, nơi phe ly khai, các phần tử hiếu chiến và buôn lậu ma túy đã phát triển mạnh trong nhiều thập niên. Cả hai nước đều cáo buộc bên kia chưa làm đủ để chống lại các thách thức an ninh.


*********

Tin tức thế giới 20-1: Israel không phản đối giải pháp 2 nhà nước; Phái đoàn Nga gặp Hamas

TRẦN PHƯƠNG

* Phái đoàn Nga gặp đại diện Hamas tại Matxcơva
* Mỹ tiếp tục khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân dưới nước
* Chính quyền ông Biden xóa thêm 74.000 khoản nợ sinh viên

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau nhiều tuần vào ngày 19-1 - Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau nhiều tuần vào ngày 19-1 - Ảnh: AFP

* Mỹ nói Israel không phản đối giải pháp 2 nhà nước

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19-1 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau gần 1 tháng.

Cuộc nói chuyện diễn ra một ngày sau khi ông Netanyahu tuyên bố phản đối chủ quyền của Palestine. Tuy nhiên sau cuộc điện đàm, ông Biden cho biết ông Netanyahu có thể đồng ý một hình thức nào đó của giải pháp 2 nhà nước, vốn đã được tranh luận trong nhiều thập kỷ như một cách để chấm dứt căng thẳng ở Trung Đông.

"Có một số loại giải pháp 2 nhà nước. Có một số quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Quốc… không có quân đội riêng. Và vì vậy, tôi nghĩ có nhiều cách để có thể thực hiện được điều này", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói. Khi được hỏi liệu điều này có phải "bất khả thi" khi ông Netanyahu còn tại nhiệm, ông Biden trả lời "không".

Dù vậy, Nhà Trắng nói rằng Mỹ vẫn phản đối lệnh ngừng bắn ở Gaza, cho rằng điều này sẽ có lợi cho Hamas. "Như tôi đã nói, chúng tôi ủng hộ việc tạm dừng nhân đạo để cố gắng đưa con tin ra ngoài và viện trợ nhiều hơn, nhưng chúng tôi không ủng hộ lệnh ngừng bắn vào thời điểm này", Nhà Trắng nói.

* Israel đánh mạnh vào phía nam Gaza. Các lực lượng Israel tiến sâu hơn về phía nam Gaza, các cuộc không kích và giao tranh cận chiến đang áp sát các khu vực đông dân của khu vực, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang ẩn náu. Các tổ chức viện trợ cảnh báo các chiến dịch lớn tại khu vực có đông dân và dễ bị tổn thương như vậy là "rất đáng lo ngại", bởi hiện chỉ vài bệnh viện còn hoạt động. Số người thiệt mạng tại Gaza đến nay đã vượt hơn 25.000 người.

Lực lượng Israel di chuyển tại khu vực gần biên giới với Dải Gaza ngày 18-1 - Ảnh: AFP

Lực lượng Israel di chuyển tại khu vực gần biên giới với Dải Gaza ngày 18-1 - Ảnh: AFP

* Phái đoàn Nga gặp Hamas, yêu cầu thả con tin. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov của nước này đã tiếp ông Abu Marzouk, thành viên cơ quan chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, tại Matxcơva ngày 19-1. 

"Phía Nga nhấn mạnh cần phải nhanh chóng thả những thường dân bị bắt trong các cuộc tấn công ngày 7-10-2023, trong đó có ba công dân Nga", Matxcơva phát đi thông cáo. Cùng ngày, ông Bogdanov cũng gặp đại sứ Israel tại Nga là Simona Halperin.

* Liên minh châu Âu sản xuất 1,3 triệu viên đạn pháo vào cuối năm nay. Ủy viên thị trường nội bộ Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton khẳng định EU sẽ đạt tốc độ sản xuất 1 triệu viên đạn/năm vào tháng 3 hoặc tháng 4-2024. "Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất của mình, có thể khoảng 1,3 đến 1,4 triệu viên... vào cuối năm nay và tiếp tục tăng đáng kể trong năm tới", ông Breton nói, tuy nhiên từ chối tiết lộ quy mô sản xuất hiện tại.

Số đạn dược sản xuất sẽ được EU ưu tiên gửi đến Ukraine để chiến đấu với Nga. Thời gian qua, châu Âu đang nỗ lực để vừa trang bị vũ khí cho Kiev vừa bổ sung kho dự trữ của mình.

Phát biểu cùng ông Breton, Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia cũng nhắc đến ước tính gần đây của Hàn Quốc rằng Triều Tiên đã cung cấp hơn 1 triệu viên đạn pháo cho Matxcơva để đổi lấy thông tin về công nghệ vệ tinh quân sự.

"Nếu Triều Tiên có thể làm được thì châu Âu chắc chắn có thể làm được. Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của NATO… Tất cả chúng ta phải làm nhiều hơn vì mối đe dọa là có thật", Hãng tin AFP dẫn lời bà Kallas nói.

Tàu vũ trụ Nhật Bản đáp xuống Mặt Trăng nhưng thiếu năng lượng

Nhật Bản vui mừng khi tàu thăm dò đáp thành công xuống Mặt Trăng rạng sáng 20-1 - Ảnh: REUTERS

Nhật Bản vui mừng khi tàu thăm dò đáp thành công xuống Mặt Trăng rạng sáng 20-1 - Ảnh: REUTERS

Ngày 20-1, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng, nhưng các vấn đề về năng lượng Mặt trời đang đe dọa rút ngắn sứ mệnh của nước này nhằm chứng minh công nghệ hạ cánh "chính xác" và khôi phục chương trình không gian đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), tàu SLIM đi vào quỹ đạo từ ngày 25-12-2023 đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng lúc 0h20 ngày 20-1, giờ Nhật Bản. Tuy nhiên, tấm năng lượng Mặt trời trên tàu không thể tạo năng lượng, nhiều khả năng do đặt sai góc. Do đó, ưu tiên hiện giờ của sứ mệnh là chuyển dữ liệu về Trái đất vì pin của tàu chỉ còn "vài giờ" và hy vọng có thể khôi phục hoạt động khi ánh Mặt trời đổi góc.

JAXA hy vọng cuộc thám hiểm này sẽ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của Mặt Trăng bằng cách tiến hành phân tích thành phần của các loại đá được cho là một phần của bề mặt thiên thể này qua những tính năng ưu việt của SLIM, con tàu được mệnh danh là "Người bắn tỉa Mặt trăng". Trước đó, Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã có các cuộc đổ bộ thành công lên Mặt trăng.

* Mỹ nhấn mạnh cam kết với Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân dưới nước. Trong tuyên bố ngày 19-1, giờ địa phương, Lầu Năm Góc khẳng định sẽ bảo vệ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như cam kết duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cả Chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản để giải quyết các mối đe dọa do Triều Tiên gây ra", Hãng tin Yonhap dẫn lời cơ quan này cho biết.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Triều Tiên cùng ngày thông báo đã thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước trong tuần qua để đáp trả cuộc tập trận của Mỹ, Nhật, Hàn. Triều Tiên được cho là đã thử nghiệm hệ thống thiết bị không người lái Haeil-5-23 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

* Chính quyền ông Biden xóa thêm 74.000 khoản nợ sinh viên. Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 19-1, khoảng 74.000 người Mỹ đã được xóa khoản nợ thời sinh viên, với tổng khoản nợ 5 tỉ USD. Khoảng 30.000 người đã phải trả nợ trong suốt 20 năm qua. Những người được xóa nợ bao gồm các nhân viên công như lính cứu hỏa, y tá, giáo viên... đã làm việc trên 10 năm.

Trước khi nhậm chức, ông Biden hứa sẽ xóa khoản vay sinh viên liên bang trị giá 430 tỉ USD cho gần 40 triệu người vay. Tuy nhiên, kế hoạch này bị Đảng Cộng hòa phản đối, buộc chính quyền của ông đưa ra giải pháp giảm khoản phải trả hằng tháng cho những người vay.

Vui với mùa đông

Một người đàn ông đang chơi đùa với chú chó nhỏ trên mặt sông Danube đã đóng băng đoạn chảy qua thủ đô Vienna (Áo) ngày 14-1 vừa qua. (Alex Halada/AFP)

Một người đàn ông đang chơi đùa với chú chó nhỏ trên mặt sông Danube đã đóng băng, đoạn chảy qua thủ đô Vienna (Áo) ngày 14-1 vừa qua. (Alex Halada/AFP)


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn