Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 19-01 -2024

Thứ Sáu, 19 Tháng Giêng 20245:09 SA(Xem: 738)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 19-01 -2024


HoaLuc 6

***********

Tấn công cường quốc hạt nhân Pakistan, Iran muốn phô trương sức mạnh quân sự

Thanh Hà

Iran đã mượn tay Hamas gián tiếp khai mào xung đột ở Gaza, qua trung gian Hezbollah ở Liban khuynh đảo thêm Israel, châm thêm củi lửa cho phe Houthi ở Yemen làm tê liệt giao thương quốc tế ở khu vực Hồng Hải, kích động lực lượng dân quân Irak đẩy liên quân do Mỹ đứng đầu ra khỏi quốc gia ngay sát cạnh.

Đăng ngày:

6 phút

Teheran trong tuần này dường như muốn mở thêm mặt trận mới, dùng tên lửa để gây sự với Pakistan, quốc gia Hồi Giáo duy nhất có vũ khí hạt nhân. Cộng Hòa Hồi Giáo Iran theo đuổi những mục đích gì và có đang lao vào một « trò chơi » nguy hiểm?

Căng thẳng giữa Iran và Pakistan chung quanh đường biên giới, kéo dài từ hơn 20 năm qua, đã đột ngột lại bùng lên hôm Thứ Ba 16/01, khi Teheran dùng tên lửa đạn đạo oanh kích vùng Sistan Balouchistan thuộc Pakistan. Iran viện cớ đây là sào huyệt của quân « khủng bố » Hồi Giáo theo hệ phái Sunni giống như Pakistan. Gây hấn với nước láng giềng sát cạnh, Teheran biết chắc là Islamabad sẽ phản công. Hôm qua, 18/01, tên lửa của Pakistan đã nhắm vào lãnh thổ của Iran.

Trước mắt, giao tranh giữa hai quốc gia Hồi Giáo thù nghịch với nhau này dừng lại ở đó. Ngoại trưởng hai nước đều khẳng định « không nhắm vào quốc gia anh em » ở bên kia biên giới, mà chỉ tấn công vào các « tổ chức khủng bố » và thậm chí là hành xử vì « an ninh chung » của đôi bên.  

Trong hai đợt tấn công qua lại, thiệt hại nhân mạng hiện rất hạn chế : 11 người tử vong cho cả hai phía. Giới quân sự ghi nhận : Dường như cả Teheran và Islamabad cùng muốn chứng minh căng thẳng vẫn được « khoanh vùng » ở khu vực biên giới và những đợt oanh kích 3 ngày qua có mức độ « chính xác cao », chứng tỏ ngành tình báo của cả Iran lẫn Pakistan cũng « rất lợi hại » và « hiệu quả ».  

Nhưng thực tế là chưa bao giờ giao tranh xảy ra giữa hai nước Hồi Giáo này, ngoại trừ hồi năm 2017 khi quân đội Pakistan bắn hạ một chiếc drone của Iran « bay lạc vào không phận Pakistan ».  

Iran theo hệ phái Shia, là kẻ thù của Israel và Mỹ. Trái lại, Pakistan, theo hệ phái Sunni, có một mối quan hệ khá mật thiết với Hoa Kỳ. Xung đột lần này giữa hai quốc gia lại diễn ra trong bối cảnh chiến tranh ở Gaza đã kéo dài từ hơn 100 ngày kể từ khi phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas được Iran yểm trợ tấn công Israel và bắt giữ hàng trăm con tin. Nhà nước Do Thái trong tay thủ tướng Benjamin Netanyahu thề « tiêu diệt đến chiến binh Hamas cuối cùng », đẩy hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza vào một thảm họa nhân đạo, theo như thẩm định của Liên Hiệp Quốc.

Pakistan không là mục tiêu duy nhất Iran nhắm tới. Một ngày trước khi tấn công Sistan Balouchistan, cũng Iran đã viện cớ tiêu diệt « tên gián điệp làm tay sai cho Israel » để tấn công vùng Kurdistan thuộc Irak và vào Syria để triệt hạ « quân khủng bố thánh chiến » đe dọa an ninh của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.  

Theo giới phân tích quốc tế, việc Teheran huy động « tên lửa đạn đạo » đề trừ khử mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia chỉ là một cái cớ để Iran phô trương với Hoa Kỳ và đồng minh của Washington ở Cận Đông là Israel. Trong chưa đầy một tuần, Iran gây hấn với cả từ Pakistan đến Irak và Syria như để nhắc nhở quốc tế về « mức độ hiệu quả của các chương trình tên lửa đạn đạo » của mình : Tên lửa Iran là một loại vũ khí lợi hại, có độ chính xác cao và ít gây tử vong cho thường dân.

Theo lời nhà nghiên cứu độc lập, chuyên về tình hình Trung Đông Eva Koulouriostis, được truyền thông Thụy Sĩ trích dẫn, Iran hiện đang sở hữu một khối lượng tên lửa đạn đạo đủ loại (tầm ngắn, tầm trung và tầm xa). Đó là những loại vũ khí « tự tạo » nhờ một đội ngũ các chuyên gia rất giỏi. Vẫn theo chuyên gia này, khó để thẩm định được là Iran đang nắm giữ bao nhiêu tên lửa, nhưng rõ ràng là Iran có hẳn những nhà máy và kho cất giữ vũ khí riêng, trên lãnh thổ của mình. Một số nguồn tin tình báo từ các nước Ả Rập và kể cả của phương Tây cho rằng Teheran có khoảng 60.000 tên lửa. Nhưng theo nhà nghiên cứu độc lập này, qua việc Iran cung cấp tên lửa cho nhiều phe, từ phong trào Hamas của người Palestine, đến phiến quân Houthi ở Yemen và cả Hezbollah ở Liban, kho vũ khí này của Iran ước chừng tối thiểu phải là « 200.000 đơn vị ».

Hãng tin Pháp AFP trích lời ông Jeremy Binnie thuộc cơ quan tình báo của Anh chú ý đến kỹ thuật chế tạo tên lửa của Iran « đã không ngừng được cải tiến ». Vào thập niên 1980, tầm bắn của tên lửa Scud chỉ chừng 300 cây số, giờ đây tên lửa Iran có tầm bắn lên tới 1600 km và còn hơn thế nữa. Ngoài ra, nhờ Teheran « phô trương » vũ khí kỳ này mà giới trong ngành xác nhận được là Iran đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình phát triển tên lửa, đã dựa vào nhiều điểm tựa vững chắc, mà đứng đầu là Liên Xô trước kia cũng như Liên Bang Nga ngày nay.  

Cuối cùng, một số chuyên gia được AFP trích dẫn không phủ nhận là tham vọng về « tên lửa đạn đạo » của chế độ Hồi Giáo ở Teheran báo trước tham vọng của Iran trong lĩnh vực hạt nhân. 

Tuy nhiên, việc cùng lúc mở nhiều « mặt trận », dù một cách gián tiếp qua trung gian « trục kháng chiến » như giải thích của Teheran, có thể là dấu hiệu Iran đang khẳng định vị trí cường quốc khu vực không thể thiếu và ảnh hưởng của Iran càng lúc càng lớn, đủ để dám « gây sự » cả với một quốc gia có vũ khí hạt nhân như Pakistan. Thông điệp này trước hết nhắm gửi đến Hoa Kỳ, Israel và các đồng minh của họ trong khu vực. Có một yếu tố cho phép tạm trả lời là hiện tại chưa chắc Iran đang lao vào một cuộc chơi « nguy hiểm », bởi vì vào năm bầu cử tổng thống, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ chỉ phản ứng chừng mực, tránh đổ thêm dầu vào lửa để phải can thiệp bằng quân sự. 


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AP) - Nhật Bản ký hợp đồng mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ. Thông báo chính thức được Tokyo đưa ra hôm 18/01/2024 sau khi thủ tướng Fumio Kishida thông qua ngân sách quốc phòng cao kỷ lục nhằm đối phó với những thách thức quân sự trong khu vực mà căng thẳng Mỹ - Trung có thể gây nên.

(AFP) - Nga : Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình sau khi một nhà đối lập Bashortostan bị kết án. Cuộc đụng độ giữa hàng nghìn người biểu tình và cảnh sát tại thị trấn Baimak, cộng hòa Bashkortostan thuộc vùng Ural, đã nổ ra vào hôm qua, 17/01/2024, sau khi nhà đối lập Faïl Alsynov bị kết án tù vì chỉ trích chính quyền Nga trong việc xâm lược Ukraina. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, bị nhà nước Nga xếp vào diện "nhân viên nước ngoài", những người biểu tình đã bị giải tán bằng hơi cay và khoảng 20 người bị bắt giữ.

(AFP) - Estonia từ chối cấp thẻ cư trú cho lãnh đạo Chính Thống giáo Estonia trực thuộc Tòa thượng phụ Matxcơva. Theo cảnh sát Estonia, thẻ cư trú của ông Valeri Rechtnikov, 66 tuổi, ​​vốn là công dân Nga, hết hạn ngày 06/02/2024. Nhưng trong thông cáo, hội đồng cảnh sát và biên phòng Estonia hôm nay 18/01 cho biết lãnh đạo Chính Thống giáo Estonia trực thuộc Tòa thượng phụ Matxcơva có các phát biểu ủng hộ hành vi xâm lăng và có các hành động có thể gây nguy hiểm cho an ninh Estonia. Cơ quan này nhấn mạnh quyết định từ chối triển hạn thẻ cư trú là nhắm vào cá nhân Valeri Rechtnikov, chứ không nhắm vào cộng đồng Chính Thống giáo Estonia trực thuộc Tòa thượng phụ Matxcơva hay bất kỳ tôn giáo nào.

(AFP) - Chính phủ Thụy Sỹ thông báo bị tin tặc thân Nga tấn công. Cơ quan liên bang về an ninh mạng của Thụy Sỹ hôm 17/01/2024 cho biết nhóm tin tặc Noname tấn công và làm tê liệt tạm thời nhiều trang web của chính quyền liên bang Thụy Sỹ sau chuyến đi của tổng thống Ukraina Zelensky đến Davos dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Nhóm tin tặc thân Nga Noname từng nhắm vào chính quyền liên bang Thụy Sỹ hồi tháng 06/2023, vào dịp tổng thống Ukraina phát biểu trực tuyến trước Quốc Hội Thụy Sỹ. Cho đến nay, Thụy Sỹ vẫn từ chối viện trợ quân sự cho Ukraina, nhưng tham gia các lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm vào Matxcơva.

(AFP) - Pháp trở lại là nước xuất khẩu điện nhiều nhất châu Âu năm 2023. Theo số liệu do cơ quan phân tích S&P Global Commodity Insights công bố hôm 17/01/2024, Pháp đã vượt xa Thụy Điển và Na Uy nhờ sự hồi phục của lĩnh vực điện hạt nhân sau năm 2022 sụt giảm ở mức kỷ lục. Năm 2022, Pháp phải nhập điện ở mức cao chưa từng có tính từ 42 năm trở lại đây.

(AFP) - Luân Đôn thông qua luật trục xuất di dân sang Rwanda. Các nghị sĩ Anh hôm qua, 17/01/2024, đã thông qua dự luật gây tranh cãi về việc trục xuất sang Rwanda những di dân vào Anh bất hợp pháp. Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện, 320 nghị sĩ đã bỏ phiếu thuận và 276 người bỏ phiếu chống. Đây là một chiến thắng chính trị đối với thủ tướng Rishi Sunak, đang gặp nhiều khó khăn khi bị cả phe ôn hòa lẫn thiên hữu trong chính đảng của mình cô lập.

(AFP) - Quốc Vương Anh Charles III và công chúa Kate có vấn đề về sức khỏe. Điện Buckingham hôm 17/01/2024 thông báo vào tuần tới nhà vua, nay đã 75 tuổi, sẽ được phẫu thuật về tiền liệt tuyến. Còn công nương Kate, vợ của Thái tử William, đã phải nhập viện trong tuần này và phải nằm khoảng 10 ngày. Lịch làm việc của nhà vua và công chúa Kate bị gián đoạn trong những tuần lễ sắp tới. Công nương Kate, 42 tuổi, sẽ không xuất hiện trước công chúng cho tới cuối tháng 3/2024.

(AFP) - Nhật Bản : Nhà văn đoạt giải văn học Akutagawa thừa nhận sử dụng ChatGPT. Rie Kudan, người đoạt giải thưởng văn học danh giá của Nhật Bản hôm qua, 17/01/2024, đã thừa nhận khoảng 5% cuốn tiểu thuyết của cô là do ứng dụng ChatGPT viết, đồng thời nói rằng trí thông minh nhân tạo (AI) đã giúp cô khai phá tiềm năng. Nhà văn 33 tuổi công khai thừa nhận AI đã có ảnh hưởng rất nhiều đến ngòi bút của cô.


********

Ra mắt "liên minh pháo binh" gồm 23 nước viện trợ quân sự cho Ukraina

Thùy Dương

Sáng nay 18/01/2024, tại Paris, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu chính thức cho ra mắt "liên minh pháo binh", một liên minh chuyên tổ chức và duy trì viện trợ quân sự cho pháo binh Ukraina, giúp Kiev tăng cường năng lực chống quân Nga xâm lược, trong bối cảnh tại chiến trường Ukraina, pháo binh hiện là lực lượng chính giữ trận tuyến. 

Đăng ngày:

3 phút

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tham dự qua video lễ ra mắt liên minh. Bộ trưởng Quốc Phòng Roustem Oumerov đã dự kiến đến Paris hôm nay, nhưng chuyến đi đã bị hủy vì « các lý do an ninh », theo thông báo tối hôm qua 17/01 của bộ Quốc Phòng Pháp. Theo kế hoạch ban đầu, bộ trưởng Quân Lực Pháp và bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina chiều nay sẽ đến thăm các cơ sở công nghiệp của tập đoàn Nexter tại Bourges, ngoại ô Paris, nơi sản xuất pháo tự hành Caesar, vốn được Kiev đánh giá cao, và cơ sở bảo trì các thiết bị pháo binh của tập đoàn MBDA tại Selles-Saint-Denis, miền trung nước Pháp. 

Theo AFP, "liên minh pháo binh" sẽ do Pháp và Mỹ dẫn đầu, với sự tham gia của 23 nước, hoạt động trong khuôn khổ Nhóm Tiếp Xúc về Quốc Phòng cho Ukraina (Nhóm Ramstein) quy tụ 50 quốc gia đồng minh của Kiev. Trong một thông cáo, bộ Quân Lực Pháp cho biết liên minh này « nhắm đến việc phối hợp những nỗ lực để, trong ngắn hạn và dài hạn, giúp Ukraina thiết lập một lực lượng pháo binh phù hợp với các nhu cầu của chiến dịch phản công và phù hợp các nhu cầu của quân đội trong tương lai ».

Paris sẵn sàng tài trợ cho Kiev 50 triệu euro để Ukraina trang bị thêm 12 hệ thống pháo tự hành Caesar của Pháp, theo thông báo hôm nay của bộ Quân Lực Pháp. Bộ trưởng Sébastien Lecornu đồng thời kêu gọi các đồng minh nỗ lực để viện trợ thêm cho Ukraina 60 hệ thống pháo tự hành Caesar.

Le Monde nhắc lại là trong những tuần qua, một số liên minh đã được thành lập để hỗ trợ Ukraina : Anh và Na Uy dẫn đầu liên minh về trang bị cho hải quân, Estonia và Luxembourg chỉ huy liên minh về công nghệ thông tin, Mỹ và Hà Lan đứng đầu liên minh về các lực lượng không quân …

Còn tại Mỹ, tổng thống Joe Biden hôm qua 17/01 mời lãnh đạo các đảng ở Nghị Viện đến Nhà Trắng để bàn về viện trợ cho Ukraina, trong bối cảnh các nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn chưa đạt thỏa thuận để thông qua ngân sách tài trợ cho Kiev. 

Về tình hình chiến sự Ukraina, quân đội hôm nay cho biết Nga đã phóng 33 drone tấn công Shahed-136/131 (do Iran chế tạo) sang Ukraina trong đêm qua và phóng các tên lửa dẫn đường vào thành phố Kharkiv ở miền đông. Trong thông cáo, lực lượng phòng không Ukraina cho biết đã bắn hạ được 22 drone của Nga. 


**********
voatiengviet.com

NATO mở cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh

Reuters

NATO đang triển khai cuộc tập trận lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, thao dượt cách quân đội Hoa Kỳ có thể tăng cường cho các đồng minh châu Âu ở các quốc gia giáp Nga và ở sườn phía đông của liên minh NATO nếu một cuộc xung đột nổ ra với một kẻ thù “gần ngang hàng”.

Khoảng 90.000 binh sĩ sẽ tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 (Người bảo vệ Kiên định 2024) kéo dài đến tháng 5, chỉ huy hàng đầu của liên minh, Chris Cavoli, cho biết hôm 18/1.

NATO loan báo hơn 50 tàu từ tàu sân bay đến tàu khu trục sẽ tham gia cùng hơn 80 máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay không người lái, cùng ít nhất 1.100 xe chiến đấu bao gồm 133 xe tăng và 533 xe chiến đấu bộ binh.

Ông Cavoli nói cuộc tập trận sẽ diễn tập việc NATO thực hiện các kế hoạch khu vực của mình, kế hoạch phòng thủ đầu tiên mà liên minh này đã vạch ra trong nhiều thập niên, nêu chi tiết cách NATO sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.

NATO không đề cập đích danh Nga trong thông báo của mình nhưng tài liệu chiến lược hàng đầu của NATO xác định Nga là mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với an ninh của các thành viên NATO.

NATO nói: “Steadfast Defender 2024 sẽ thể hiện khả năng của NATO trong việc nhanh chóng triển khai lực lượng từ Bắc Mỹ và các khu vực khác của liên minh để củng cố khả năng phòng thủ của châu Âu”.

Việc tăng cường sẽ diễn ra trong một “kịch bản mô phỏng xung đột đang nổi lên với một đối thủ gần ngang hàng”, ông Cavoli nói với các phóng viên ở Brussels sau cuộc họp kéo dài hai ngày với lãnh đạo quốc phòng các nước.

Theo NATO, cuộc tập trận cuối cùng có quy mô tương tự là Reforger - trong Chiến tranh Lạnh năm 1988 với 125.000 người tham gia - và Trident Juncture vào năm 2018 với 50.000 người tham gia.

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận lần này, vốn sẽ mô phỏng việc đưa nhân sự đến châu Âu cùng với các cuộc tập trận trên thực địa, sẽ đến từ các nước trong NATO và Thụy Điển, quốc gia hy vọng sẽ sớm gia nhập liên minh.

Các đồng minh đã ký kết các kế hoạch khu vực tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, chấm dứt một kỷ nguyên dài trong đó NATO thấy không cần thiết phải có các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn khi các nước phương Tây tiến hành các cuộc chiến nhỏ hơn ở Afghanistan và Iraq và cảm thấy chắc chắn nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là một mối đe dọa hiện hữu.

Trong phần thứ hai của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024, trọng tâm đặc biệt sẽ là việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO tới Ba Lan ở sườn phía đông của liên minh.

Các địa điểm chính khác của cuộc tập trận sẽ là các quốc gia vùng Baltic được coi là có nguy cơ cao nhất trước một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga, Đức - trung tâm tiếp viện - và các quốc gia ở rìa liên minh như Na Uy và Romani.


**********
voatiengviet.com

Trung Quốc-Philippines nhất trí giảm căng thẳng về đối đầu Biển Đông

AP

Trung Quốc và Philippines loan báo đã nhất trí nỗ lực giảm căng thẳng sau một năm đối đầu công khai và căng thẳng ở Biển Đông làm dấy lên lo ngại về sự can dự vũ trang trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/1 cho biết hai bên đã nhất trí tiếp tục cải thiện liên lạc và sử dụng các cuộc đàm phán thân thiện để giải quyết những khác biệt trên biển, “đặc biệt là quản lý tốt tình hình tại rạn san hô Nhân Ái”.

Nhân Ái tiêu là tên tiếng Hoa mà Philippines gọi là Bãi cạn Ayungin, Mỹ gọi là Bãi cạn Thomas Thứ hai, Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, nơi xảy ra nhiều cuộc đối đầu giữa tàu của hai nước trong những tháng gần đây.

Vào tháng 11/2023, Manila cho biết một tàu tuần duyên Trung Quốc và các tàu đi kèm đã tiến hành các hoạt động nguy hiểm và dùng vòi rồng bắn vào một tàu tiếp tế của Philippines trong vùng biển tranh chấp. Trung Quốc phản đối câu chuyện này và nói rằng họ đã hành động phù hợp.

Trung Quốc và Philippines cho biết họ đã đồng ý hạn chế căng thẳng tại cuộc họp về Biển Đông hôm 17/1 tại Thượng Hải, cuộc họp thứ tám trong chuỗi cuộc họp bắt đầu vào năm 2017.

Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố hôm 17/1: “Hai bên đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả nhằm giảm leo thang tình hình ở Biển Đông và cả hai bên đều đồng ý bình tĩnh giải quyết các vụ việc, nếu có, thông qua ngoại giao”.

Các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông được nhiều người coi là điểm bùng phát tiềm tàng của xung đột vũ trang. Nhiều quốc gia đã tuyên bố chủ quyền các vùng biển ở Biển Đông, bao gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc.

Liệu những nỗ lực giảm căng thẳng có kéo dài hay không vẫn còn phải chờ xem.

Trung Quốc tức giận sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. chúc mừng người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây của Đài Loan hôm 16/1. Đài Loan, một hòn đảo tự trị bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đã chọn một ứng cử viên từ một đảng xem Đài Loan là một lãnh thổ độc lập. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Philippines để khiếu nại.

Trung Quốc phản đối bất kỳ sự giao dịch chính thức nào với chính phủ Đài Loan, coi đó tương đương với việc thừa nhận chủ quyền Đài Loan.


************
voatiengviet.com

Iran, các lực lượng ủy nhiệm và tình trạng bạo lực gia tăng ở Trung Đông

Reuters

Iran đã tiến hành các cuộc tấn công phi đạn vào ba quốc gia khác nhau trong tuần này – Iraq, Syria và Pakistan – trong khi các nhóm chiến binh ủy nhiệm mà Iran hậu thuẫn tiếp tục nhắm vào các lợi ích của Mỹ và phương Tây cũng như chống lại Israel, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể nhấn chìm Trung Đông và lan sang các khu vực khác.

Tại sao Iran tiến hành các cuộc tấn công ở Pakistan, Iraq, Syria?

Các cuộc tấn công của Iran vào Iraq, Syria và Pakistan đều nhằm đáp trả các cuộc tấn công được thực hiện trên lãnh thổ Iran hoặc nhắm vào các mục tiêu Iran.

Tehran hôm 16/1 nói họ đã bắn phi đạn vào các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria, để đáp trả vụ đánh bom giết chết hàng chục người tại lễ tưởng niệm vị chỉ huy nổi tiếng Qassem Soleimani ở miền trung Iran hôm 3/1. Tướng Soleimani là kiến trúc sư chính của mạng lưới bán quân sự ủy nhiệm của Iran trong thế giới Ả Rập. Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã giết chết ông này vào năm 2020.

Các cuộc tấn công của Iran vào Iraq cùng ngày đã đánh trúng những nơi mà Iran cho là các địa điểm gián điệp của Israel - một cáo buộc mà Iraq phủ nhận. Israel đã giết chết các thành viên quan trọng trong đồng minh Hezbollah của Iran ở Li Băng và trong Vệ binh Cách mạng Iran ở Li Băng và Syria.

Tại Pakistan, truyền thông nhà nước Iran cho biết Iran đã phá hủy hai căn cứ của chiến binh Baluchi Jaish al Adl, một nhóm có trụ sở tại Pakistan đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công vào tháng 12 giết chết lực lượng an ninh Iran. Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công vào các phần tử hiếu chiến ly khai bên trong Iran hôm 18/1 để đáp trả.

Iran và các lực lượng ủy nhiệm liên quan hiện ở đâu?

Dưới sự chỉ đạo của tướng Soleimani, Iran đã gầy dựng một mạng lưới lực lượng ủy nhiệm ở một số quốc gia Ả Rập, mạng lưới này đã phát triển trong những năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 và đã mọc lên như nấm kể từ đó.

Iran phủ nhận việc họ chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng ủy nhiệm của mình trong các cuộc tấn công và nói rằng các lực lượng này hành động theo sáng kiến riêng. Iran nói họ ủng hộ rộng rãi các hành động chống Israel và chống Mỹ của những lực lượng này.

Iran vũ trang và huấn luyện các nhóm hoạt động trong các khu vực sau:

Dải Gaza

Iran ủng hộ các nhóm Hồi giáo người Palestine là nhóm Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo. Hamas, những người cai trị Dải Gaza, đã thực hiện cuộc tấn công chết người vào ngày 7/10/2023 nhắm vào Israel, gây ra cuộc chiến tranh Trung Đông hiện nay. Iran tự coi mình là nhà tiên phong trong cuộc kháng chiến của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel. Hamas đang chiến đấu với quân đội Israel tại Gaza.

Iraq

Tehran ủng hộ các chiến binh Shi'ite ở Iraq trong thời gian Mỹ chiếm đóng và đã duy trì những mối liên hệ đó. Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) gồm 150.000 thành viên, một nhóm lực lượng bán quân sự Iraq được nhà nước bảo trợ, bị chi phối bởi các nhóm được vũ trang mạnh mẽ và thiện chiến trung thành với Iran và có quan hệ chặt chẽ với Vệ binh Cách mạng Iran.

Các nhóm PMF đã tấn công các căn cứ của Mỹ bằng rốc-két trong hàng chục cuộc tấn công ở Iraq và Syria. Washington đã đáp trả bằng các cuộc không kích, trong đó có vụ tấn công giết chết một chỉ huy ở Baghdad.

Syria

Syria là tuyến đường trung chuyển quan trọng đối với các lực lượng ủy nhiệm của Iran giữa Iraq và Li Băng. Sau khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011, Iran đã can thiệp để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad, triển khai các cố vấn và chiến binh từ Iraq, Pakistan và Afghanistan. Hezbollah ở Li Băng đã chiến đấu cùng với các nhóm này để bảo vệ ông Assad. Họ vẫn được triển khai trên khắp Syria.

Li Băng

Hezbollah là đồng minh quân sự trung thành nhất của Tehran. Được thành lập vào những năm 1980 để chống lại quân đội Israel ở Li Băng, lực lượng này có kho vũ khí gồm hàng chục nghìn rốc-két và các chiến binh được huấn luyện đầy dủ, những người đã chiến đấu với người Hồi giáo dòng Sunni trong nhiều năm ở Syria. Hezbollah đang thực hiện các cuộc tấn công hàng ngày chống lại quân đội Israel dọc biên giới Li Băng-Israel.

Yemen

Nhóm Houthi của Yemen đã chiếm giữ phần lớn Yemen vào năm 2014 và đã chiến đấu chống lại những người được Ả Rập Xê-Út hậu thuẫn để giành quyền thống trị quốc gia vùng Vịnh bị chiến tranh tàn phá này. Tehran lần đầu tiên ủng hộ người Houthi trong cuộc chiến chống lại đối thủ vùng Vịnh Riyadh. Nhóm Houthi - hay Ansar Allah, tên chính thức của nhóm - hiện bắn phi đạn vào Israel và vào các tàu buôn và tàu chở dầu ở Biển Đỏ. Hoa Kỳ đã tấn công các mục tiêu của Houthi ở Yemen.

Các cuộc tấn công này có liên kết với chiến tranh Israel-Gaza không?

“Trục kháng cự” do Iran hậu thuẫn - cái tên mà Tehran và các lực lượng ủy nhiệm của họ sử dụng cho hành động phối hợp chống lại kẻ thù của họ - đều nói rằng hành động của họ kể từ ngày 7/10/2023 là để đáp trả việc Israel bắn phá và xâm lược Gaza.

Houthi, Hezbollah và các nhóm khác tuyên bố chỉ dừng các cuộc tấn công khi nào Israel ngừng tấn công người Palestine.

Mục tiêu của họ có giống nhau không?

Iran và các lực lượng ủy nhiệm có chung mục tiêu là ngăn chặn cuộc bắn phá của Israel vào Gaza và đẩy quân đội Mỹ ra khỏi khu vực một lần dứt điểm.

Ngoài ra, họ còn có những lợi ích riêng.

Hezbollah là nhóm quyền lực nhất ở Li Băng và quản lý một nền kinh tế đang rơi tự do. Hezbollah tìm cách tránh sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột hoặc hành động quân sự mạnh mẽ của Israel, điều có thể thách thức vị thế của họ ở quê nhà.

Theo các nhà phân tích, phe Houthi đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát ở Yemen và đã sử dụng cuộc chiến mới nhất như một phương tiện để khẳng định sức mạnh quân sự cũng như tầm quan trọng trong khu vực. Mức độ kiểm soát của Iran đối với hành động của Houthi còn là đề tài tranh cãi.

Lực lượng Huy động Nhân dân PMF đã làm giàu cho chính mình bằng cách thống trị phần lớn đất nước và nền kinh tế ở Iraq. Theo một số quan chức, các nhóm trung thành hơn với Iran tuân theo mệnh lệnh của Tehran, nhưng những nhóm khác lại tìm kiếm tiền bạc và quyền lực và tin rằng một cuộc xung đột trong khu vực có thể làm đảo lộn sự thống trị của họ ở Iraq.

Theo Reuters, Hamas đã gây bất ngờ cho Iran và các thành viên khác trong “Trục kháng cự” bằng cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Iran tìm cách chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và muốn đảm bảo rằng vấn đề Palestine không bị lãng quên trong khi Israel phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Chuyện gì đang xảy ra tại Iran?

Các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã khiến Iran chấn động vào năm 2022 và 2023, đồng thời khiến chính phủ phải tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo. Các cuộc biểu tình là thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm đối với sự cai trị của giáo sĩ Shi'ite mà cuộc cách mạng năm 1979 của Iran đã mở ra.

Iran tiếp tục đàn áp những người bất đồng chính kiến trong nước nhưng trong tháng này đã bị rung chuyển bởi vụ tấn công vào lễ tưởng niệm Soleimani mà Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm.

Các cuộc tấn công của Jaish al Adl, một nhóm cực đoan Sunni khác, đã khiến nhiều người Iran đặt câu hỏi liệu chính phủ Tehran có thể đảm bảo an ninh trong nước của họ hay không.

Nga có thể tham gia vào xung đột không?

Nga và Iran đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây, đoàn kết trong sự cô lập quốc tế dưới các chế tài của Mỹ và sự chống đối của họ đối với sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Iran cung cấp cho Moscow máy bay không người lái để tấn công các thành phố của Ukraine. Cả hai nước đều can thiệp vào Syria để cứu đồng minh chung của họ là Tổng thống Assad.

Tuy nhiên, Nga đã tỏ ra cảnh giác trước sự bùng nổ giữa Iran-Pakistan và kêu gọi Tehran và Islamabad giải quyết sự khác biệt của họ thông qua ngoại giao.

Tình hình có thể leo thang thêm?

Các quan chức và giới phân tích phương Tây và khu vực đều cho rằng Iran muốn tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ hoặc Israel, nhưng sẵn sàng sử dụng lực lượng ủy nhiệm của mình để giữ quân đội của cả hai kẻ thù đó bận rộn trong khu vực.

Nguy cơ leo thang lớn nhất nằm ở việc tính toán sai một cuộc tấn công do một bên là Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran thực hiện, hoặc do bên kia là Mỹ và các đồng minh của Mỹ thực hiện - chẳng hạn như việc giết lính Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 18/1 nói các cuộc đụng độ giữa Iran và Pakistan trong tuần này cho thấy các nước trong khu vực không ưa Iran. Tòa Bạch Ốc khẳng định không muốn chứng kiến sự leo thang.

Pakistan đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào các chiến binh ly khai bên trong Iran hôm 18/1, trong một cuộc tấn công trả đũa hai ngày sau khi Tehran tuyên bố đã tấn công các căn cứ của một nhóm khác trong lãnh thổ Pakistan.

“Như quý vị có thể thấy, Iran không được ưa, đặc biệt trong khu vực, và điều này sẽ đi đến đâu, chúng tôi hiện đang xem xét. Tôi không biết chuyện này sẽ ra sao,” Tổng thống Biden nói.

Hoa Kỳ đang bị vướng vào một cuộc thử thách ý chí với Iran về việc Iran hỗ trợ cho phiến quân Houthi ở Yemen, phe đã tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ.

Phát ngôn viên an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho hay Washington đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đụng độ Iran-Pakistan.

Ông Kirby nói: “Chúng tôi không muốn thấy sự leo thang rõ ràng ở Nam và Trung Á. Và chúng tôi đang liên lạc với những người đồng cấp Pakistan”.

Ông Kirby nhấn mạnh cuộc tấn công vào Pakistan là một ví dụ nữa về hành vi gây bất ổn của Iran trong khu vực.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn