Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 29-12 -2023: Nga oanh kích Ukraina trên diện rộng

Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Hai 20234:27 SA(Xem: 1850)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 29-12 -2023: Nga oanh kích Ukraina trên diện rộng
Hoaluc 4
*************
rfi.fr

Phái đoàn Hamas tới Ai Cập để thảo luận về kế hoạch ngừng bắn ở Gaza

Phan Minh

Một phái đoàn cấp cao của tổ chức Palestine Hamas tới Cairo vào hôm nay 29/12/2023 để thảo luận về kế hoạch do Ai Cập đề xuất nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 12 tuần với Israel, khiến dải Gaza bị tàn phá.

Đăng ngày:

1 phút

Des Palestiniens déplacés qui ont fui Khan Younès ont établi un camp à Rafah, plus au sud, près de la frontière de la bande de Gaza avec l'Égypte, le 7 décembre 2023.
Một trại tị nạn của người Palestine ở cực nam dải Gaza, giáp biên giới Ai Cập. Ảnh chụp ngày 07/12/2023. AFP - MAHMUD HAMS

Cuộc họp ở Cairo diễn ra khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở phía nam và ở khu vực trung tâm Gaza.

Theo AFP, Ai Cập đề xuất với các quan chức Hamas một kế hoạch bao gồm ba giai đoạn : các lệnh ngừng bắn có thể gia hạn, thả các con tin bị Hamas bắt giữ để đổi lấy các tù nhân Palestine ở Israel, và cuối cùng là một lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột vũ trang với Israel ở Gaza.

Đồng thời, Cairo cũng đề cập đến việc thành lập một chính quyền kỹ trị Palestine với sự tham gia của « tất cả các phe phái ở Palestine », chịu trách nhiệm quản lý và tái thiết Gaza sau chiến tranh.

Về phần mình, đại diện phía Hamas chia sẻ với Ai Cập về « phản ứng của các phe phái Palestine, bao gồm một số quan điểm đối với kế hoạch của họ », chủ yếu tập trung vào « các phương thức trao đổi và số lượng tù nhân Palestine được trả tự do, cũng như đạt được sự bảo đảm về việc quân đội Israel rút toàn bộ khỏi dải Gaza ».

Trong lĩnh vực nhân đạo, bộ Ngoại Giao Israel hôm qua 28/12, cho biết đã đồng ý « về nguyên tắc » với Chypre về việc mở hành lang hàng hải giữa hòn đảo này và dải Gaza, nơi thảm họa nhân đạo đang ở mức báo động, và có đến 40% người dân tại đây có nguy cơ bị đói, theo thống kê của cơ quan của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA).


**************
rfi.fr

Nga oanh kích Ukraina trên diện rộng, ít nhất 12 người chết

Thu Hằng

Nhiều tiếng nổ vang lên ở thủ đô Kiev sáng sớm 29/12/2023 cùng lúc với loạt oanh kích của Nga nhắm vào các thành phố lớn ở Ukraina. Theo đô trưởng Kiev, hệ thống « phòng không đã hoạt động hết công suất » và báo động phòng không vang khắp cả nước.

Đăng ngày:

3 phút

Thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev tường thuật tình hình ngay sau vụ tấn công :

« Hiện giờ bầu không khí im lặng khá nặng nề bao trùm lên thủ đô. Nhưng chưa đầy một tiếng trước, thành phố hứng chịu một vụ tấn công quy mô rất lớn, kéo dài khoảng 20 phút. Suốt thời gian đó, hệ thống phòng không Ukraina đã bắn chặn rất nhiều tên lửa hướng đến thủ đô.

Từ cửa sổ, tôi tận mắt thấy hai tên lửa bị bắn hạ, chỉ cách nơi tôi ở vài trăm mét và ở tầm rất thấp, gần nhiều khu dân cư. Hiện giờ (9 giờ, giờ Ukraina), báo động chưa được dỡ bỏ. Rất nhiều cột khói bốc lên ở nhiều nơi trong thành phố. Có nghĩa là khó biết được chính xác thiệt hại vì lực lượng cứu hộ vẫn đang hoạt động. Nhưng theo những thông tin sơ bộ, nhiều mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống khu phố trung tâm Podil khiến một nhà kho bị cháy, và ở trạm tầu điện ngầm Lukianivska, rất gần trung tâm thành phố, buộc thành phố đóng cửa bến tầu này.

Cuối cùng phải nhắc lại rằng cả nước bị tấn công trong đêm nay. Báo động liên tục vang lên vào tầm 3 giờ sáng. Người ta nói đến 10 vùng bị tấn công. Kharkiv bị ít nhất 10 vụ tên lửa oanh kích;, còn tại Lviv, các drone Shahed gây ra các vụ nổ. Các vụ oanh kích cũng xảy ra ở Dnipro, Zaporijjia và Odessa. Vì vậy phải chờ thêm vài tiếng nữa mới có thể có được thẩm định về quy mô thiệt hại và nạn nhân ».

Theo tổng thống Ukraina, được AP trích dẫn, Nga đã phóng khoảng 110 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cùng rất nhiều drone. Vụ tấn công được coi là một trong những vụ quy mô nhất trong 22 tháng qua đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 15 người bị thương, theo thống kê của Reuters. Tại các thành phố bị tấn công đã xảy ra nhiều vụ nổ gây hỏa hoạn, kể cả ở những cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Trên mạng X (trước là Twitter), ông Zelensky lên án Matxcơva « sử dụng gần như tất cả các loại vũ khí trong kho của họ ». Chánh văn phòng tổng thống Andriy Yermak tố cáo « nhiều tên lửa lại bay trên các thành phố của chúng ta và người dân lại bị nhắm đến ».

Quân đội Đức : Nga bị thiệt hại « nặng nề » tại Ukraina

Nga chịu nhiều tổn thất « vô cùng lớn » về người và vật chất trong cuộc chiến tại Ukraina. Trong bài phỏng vấn được nhật báo Suddeutsche Zeitung đăng ngày 28/12, tướng Christian Freuding, phụ trách giám sát việc hỗ trợ cho Kiev trong lực lượng vũ trang Đức, cho rằng quân đội Nga sẽ « bị suy yếu » sau cuộc xung đột. Ông trích thống kê của tình báo phương Tây, theo đó có « khoảng 300.000 lính Nga bị chết hoặc bị thương nặng đến mức không thể huy động ra chiến trường », « số xe tăng và xe bọc thép mà Nga bị mất có thể lên tới vài nghìn »

Tuy nhiên, « Nga vẫn tuyển được nhân sự, kể cả tù nhân » ra chiến tuyến, đồng thời « đầu tư ồ ạt vào công nghiệp quốc phòng ». Tướng Christian Freuding thừa nhận là Nga đã chứng tỏ được « khả năng kháng cự » về kinh tế tốt hơn so với thẩm định của phương Tây vào lúc bắt đầu cuộc chiến.


*************
voatiengviet.com

Điện Kremlin: Sẽ tịch thu tài sản của phương Tây nếu tài sản của Nga bị tịch thu

Reuters

Hôm 29/12, Điện Kremlin cảnh báo phương Tây rằng họ đã có sẵn danh sách tài sản của Mỹ, châu Âu và các nước khác để tịch thu nếu các nhà lãnh đạo G7 quyết định tịch thu 300 tỷ USD dự trữ ngân hàng trung ương Nga đang bị đóng băng, theo Reuters.

Các nhà lãnh đạo của nhóm G7 sẽ thảo luận về một lý thuyết pháp lý mới cho phép tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga trong cuộc họp vào tháng 2, hai nguồn tin am tường với kế hoạch này và một quan chức Anh cho biết hôm 28/12.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói bất kỳ một động thái nào như vậy của phương Tây là “ăn trộm”, vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các đồng tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.

Ông Peskov nói với các phóng viên: “Đây sẽ là một đòn giáng đáng kể vào nền kinh tế thế giới, nó sẽ làm suy yếu nền kinh tế quốc tế”.

“Nó sẽ làm suy yếu niềm tin của các quốc gia khác vào Hoa Kỳ cũng như EU với tư cách là những trụ cột chính của nền kinh tế thế giới. Do đó, những hành động như vậy sẽ gây ra những hậu quả rất, rất nghiêm trọng”.

Khi được hỏi liệu đã có danh sách cụ thể tài sản của phương Tây mà Nga có thể tịch thu để trả đũa hay không, ông Peskov nói: “Có”.

Ông từ chối cho biết tài sản cụ thể nào có trong danh sách.

Khoảng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga hiện đang bị đóng băng ở phương Tây.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương Nga không nêu chi tiết chính xác tài sản nào đã bị phong tỏa, nhưng hầu hết trái phiếu và tiền gửi đều bằng đồng euro cũng như một số bằng đôla Mỹ và bảng Anh.


*************

Tin tức thế giới 29-12: Israel tấn công vào miền nam Lebanon và căn cứ bên Syria


* Mỹ trừng phạt mạng lưới hỗ trợ tài chính cho Houthi
* Israel cho máy bay chiến đấu tấn công vào căn cứ quân sự của lực lượng Hezbollah trên đất Lebanon
* Ukraine và Hungary chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai lãnh đạo

Rocket của Hezbollah phóng từ Lebanon gây hư hại cho thành phố Kiryat Shmona, miền bắc Israel vào ngày 28-12 - Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Rocket của Hezbollah phóng từ Lebanon gây hư hại cho thành phố Kiryat Shmona, miền bắc Israel vào ngày 28-12 - Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Tin tức thế giới nổi bật: Trung Đông và xung đột Israel - Hamas

* Quân đội Israel tấn công "trên diện rộng" ở miền nam Lebanon sau loạt rocket của Hezbollah. Nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon đã phóng loạt rocket liên tục vào miền bắc Israel ngày 28-12, gây thiệt hại ở thành phố Kiryat Shmona. Đáp trả, quân đội Israel tiến hành các cuộc tấn công trên diện rộng ở miền nam Lebanon.

Theo báo The Times of Israel, Hezbollah đã phóng khoảng 50 tên lửa và rocket cùng với 2 máy bay không người lái về phía Israel trong suốt ngày 28-12.

Phản ứng lại, quân đội Israel đã thực hiện các cuộc tấn công trên diện rộng ở khu vực Ayta ash-Shab và Ramyeh thuộc miền nam Lebanon cũng như các khu vực khác, nhắm vào các cơ sở hạ tầng mà Hezbollah đã sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel.

Một khu quân sự của Hezbollah đã bị tiêm kích tấn công. Quân đội Israel còn nhắm tới một đơn vị Hezbollah đang chuẩn bị thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng, và một đơn vị khác trong tòa nhà được sử dụng để khai hỏa về phía Israel trước đó.

* Israel tấn công căn cứ ở miền nam Syria. Theo Hãng tin Reuters, quân đội Syria và các nguồn tin tình báo cho biết Israel đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào một căn cứ phòng không chính của Syria ở miền nam Syria vào ngày 28-12. Truyền thông Syria trước đó cho biết cuộc tấn công tên lửa xuất phát từ hướng cao nguyên Golan (hiện do Israel kiểm soát).

Theo Hãng tin AFP, Israel hiếm khi bình luận về các cuộc tấn công nhắm vào Syria, nhưng nước này đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cho phép Iran (nước ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad) mở rộng sự hiện diện ở Syria.

* Israel thừa nhận thất bại trong vụ binh sĩ bắn nhầm 3 con tin. Ngày 28-12, quân đội Israel công bố kết quả điều tra vụ binh sĩ nước này bắn hạ nhầm 3 con tin trong chiến dịch ở Gaza hôm 15-12, theo đó thừa nhận thất bại trong nhiệm vụ giải cứu các con tin này nhưng khẳng định "không có ác ý" và rằng binh sĩ đã hành động phù hợp với tình hình, theo Hãng tin Reuters.

* Các cường quốc phương Tây lên án việc Iran tăng tốc làm giàu uranium. Theo Hãng tin Reuters, trong tuyên bố chung ngày 28-12, Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã lên án việc Iran tăng tốc làm giàu uranium, sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Tehran đã tăng cường sản xuất uranium như vậy sau nhiều tháng chậm lại.

* Hai trẻ em Palestine bị thương được đưa đến Pháp điều trị. Theo Hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết 2 trẻ em người Palestine bị thương đã đến Pháp vào hôm 28-12 để được điều trị tại bệnh viện, đồng thời nhắc lại nước này vẫn cực kỳ quan ngại về tình hình nhân đạo ở Dải Gaza.

* Mỹ trừng phạt mạng lưới hỗ trợ tài chính cho Houthi. Theo Hãng tin Reuters, trong phản ứng mới nhất trước các cuộc tấn công của Houthi vào tàu chở hàng, ngày 28-12, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên 1 cá nhân và 3 công ty chuyển tiền bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tài chính của Iran hỗ trợ nhóm phiến quân Houthi ở Yemen.

Ảnh do phía Houthi công bố cho thấy trực thăng của nhóm phiến quân này tiếp cận một tàu chở hàng mang tên Galaxy Leader vào ngày 19-11 năm nay - Ảnh: HOUTHI MEDIA CENTER

Ảnh do phía Houthi công bố cho thấy trực thăng của nhóm phiến quân này tiếp cận một tàu chở hàng mang tên Galaxy Leader vào ngày 19-11 năm nay - Ảnh: HOUTHI MEDIA CENTER

Các tin tức thế giới khác

* Mảnh vỡ drone rơi trúng tòa nhà cao tầng ở Odessa. Theo Hãng tin Reuters, đám cháy đã bùng lên tại một tòa nhà cao tầng ở thành phố cảng Odessa, phía nam Ukraine vào cuối ngày 28-12, sau khi các máy bay không người lái (drone) được cho là đang hướng tới khu vực này.

Ông Oleh Kiper, thống đốc khu vực, cho biết trên ứng dụng Telegram: "Một tòa nhà cao tầng ở Odessa đã bị hư hại do một chiếc drone bị bắn rơi".

* Ukraine và Hungary chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai ông Zelensky và Orban. Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-12, chánh Văn phòng tổng thống Ukraine thông tin Ukraine và Hungary đang chuẩn bị một cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong tương lai gần, trong bối cảnh các động thái gần đây của Hungary khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi.

* Mỹ và Mexico nhất trí tăng cường nỗ lực giải quyết dòng người di cư kỷ lục. Theo Hãng tin Reuters, trong tuyên bố chung vào ngày 28-12, Chính phủ Mỹ và Mexico cho biết giới chức hai nước đã đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết dòng người di cư kỷ lục tại biên giới chung của họ, một ngày sau các cuộc đàm phán cấp cao về vấn đề này.

Lễ hội bắt cá mùa đông

Lễ hội chủ đề bắt cá mùa đông khai mạc tại hồ Chagan, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc vào hôm 28-12. Hồ Chagan là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc với nguồn thủy sản dồi dào. Người dân địa phương sống cạnh hồ Chagan đã duy trì truyền thống bắt cá trên băng bằng cách khoan các lỗ xuyên qua lớp băng dày và thả lưới xuống để bắt cá - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Lễ hội chủ đề bắt cá mùa đông khai mạc tại hồ Chagan, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc vào hôm 28-12. Hồ Chagan là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc với nguồn thủy sản dồi dào. Người dân địa phương sống cạnh hồ Chagan đã duy trì truyền thống bắt cá trên băng bằng cách khoan các lỗ xuyên qua lớp băng dày và thả lưới xuống để bắt cá - Ảnh: TÂN HOA XÃ


*************

Thượng nghị sĩ Mỹ cứng rắn đề xuất 'thổi bay' mỏ dầu và trụ sở quân sự Iran

Ngày 28-12, thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đề xuất Chính phủ Mỹ ném bom các mỏ dầu của Iran và trụ sở của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), để trả đũa các cuộc tấn công của lực lượng được Iran hậu thuẫn.

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham - Ảnh: REUTERS

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài Fox News, ông Lindsey Graham - thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang South Carolina - lập luận Iran đứng đằng sau các cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria, cũng như các vụ quấy rối tàu chở hàng có liên quan Israel ở Biển Đỏ.

"Tôi đã nói suốt 6 tháng nay: Hãy tấn công Iran. Họ có các mỏ dầu ngoài trời và họ có trụ sở lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo mà bạn có thể nhìn thấy từ không gian. Hãy thổi bay chúng khỏi bản đồ" - ông Graham nói.

Thời gian qua các lực lượng được Iran hậu thuẫn đã tấn công liên tục nhằm vào quân Mỹ ở Trung Đông. Theo Lầu Năm Góc, đã có hơn 100 cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria trong năm 2023.

Ông Graham nói rằng nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden thực sự muốn bảo vệ lính Mỹ, thì hãy gửi tới Iran thông điệp rằng: "Nếu các người tấn công một binh sĩ (Mỹ) thông qua lực lượng ủy nhiệm, thì chúng tôi sẽ truy lùng các người".

Cũng theo thượng nghị sĩ này, nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đã được Iran hậu thuẫn hoàn toàn. Ông nói: "Không có Iran thì không có Houthi".

Sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, Houthi đã dọa tấn công nhằm vào các tàu có liên quan tới Israel cho đến khi Israel dừng tấn công phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Hôm 24-12, ông Mohammed Abdul-Salam, người phát ngôn của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen, cảnh báo: "Biển Đỏ sẽ là đấu trường rực lửa nếu Mỹ và các đồng minh tiếp tục hành vi bắt nạt. Các nước giáp Biển Đỏ phải nhận ra thực tế về những mối nguy hiểm đang đe dọa an ninh quốc gia của họ".

Trước đó, hôm 23-12, Iran bác bỏ cáo buộc của Mỹ, sau khi Washington cho rằng Tehran tham gia lên kế hoạch cho các cuộc tấn công của nhóm phiến quân Houthi nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

Trong phản ứng mới nhất trước các cuộc tấn công của Houthi vào tàu chở hàng, ngày 28-12, Mỹ đã áp đặt trừng phạt lên 1 cá nhân và 3 công ty chuyển tiền bị cáo buộc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tài chính của Iran hỗ trợ nhóm phiến quân Houthi ở Yemen.


*************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) - Trung Quốc : Ba giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc phòng bị loại khỏi Hội nghị Hiệp thương Chính trị. Theo truyền thông Trung Quốc ngày hôm qua 27/12/2023, trong số những người bị sa thải có Wu Yansheng, chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, Liu Shiquan, chủ tịch Tập đoàn Norinco, nhà sản xuất thiết bị quân sự hàng đầu và Wang Changqing, cựu chuyên gia của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Cả ba công ty đều thuộc sở hữu nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước.   

(Reuters) - Nga cảnh báo việc Nhật Bản cung cấp vũ khí cho Ukraina sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" cho mối quan hệ giữa hai nước. Hôm qua 27/12/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga đã đưa ra thông báo trên trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến xuất khẩu tên lửa phòng không Patriot sang Hoa Kỳ, tạo điều kiện cho Washington lấy tên lửa đó cung cấp cho quân đội Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga.   

(Reuters) - Tây Ban Nha đồng ý mở một chiến dịch khác để chống lại phiến quân Houthi ở Hồng Hải. Thay vì sử dụng lực lượng hải quân chống cướp biển của Liên minh châu Âu Atlante, hôm qua 27/12/2023, thủ tướng TBN Pedro Sanchez đã đưa ra thông báo như trên. Trước đó Tây Ban Nha đã luôn từ chối gia nhập liên minh quân sự mới ở Hồng Hải, mà Hoa Kỳ thông báo thành lập trong khuôn khổ mở rộng chiến dịch Atlante.   

(Reuters) - Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đủ điều kiện để tham gia tranh cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa ở bang Michigan. Hôm qua 27/12/2023, tòa án Tối cao bang Michigan đã bác bỏ đề nghị loại tên ông Trump ra khỏi cuộc bầu cử sơ bộ tại bang này. Quyết định này trái ngược hoàn toàn với quyết định của toà án Tối cao Colorado đưa ra vào tuần trước. Theo đó, tên của ông Trump sẽ không thể xuất hiện trên lá phiếu tại Colorado vì ông có phần trách nhiệm trong cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 tại điện Capitol. 

(Reuters) - Nga kéo dài chương trình bay chung với NASA của Mỹ đến năm 2025. Các chuyến bay chung được hiểu là một phi hành gia của Mỹ sẽ được đưa lên trạm vũ trụ quốc tế ISS trong chuyến bay của nhóm phi hành gia Nga và ngược lại. Theo hãng tin Nga Interfax, Cơ quan Không gian Vũ trụ Nga Roscosmos hôm nay 28/12/2023 thông báo việc triển hạn các chuyến bay chung như vậy là nhằm duy trì độ tin cậy của các chương trình của Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

(AFP) - Bắc Kinh tố cáo Đài Bắc thổi phồng sự can dự của Trung Quốc vào bầu cử Đài Loan. Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (Wu Qian) hôm nay 28/12/2023 tố cáo chính quyền Đài Loan muốn “khuấy động sự đối đầu và thao túng cuộc bầu cử”. Đài Bắc đã nhiều lần lo ngại về sự can dự của Bắc Kinh vào kỳ bầu cử tổng thống và Quốc Hội diễn ra ngày 13/01/2024.

(AFP) - Mêhicô và Hoa Kỳ đã đạt những thỏa thuận quan trọng có lợi cho người dân và đất nước hai bên. Tuyên bố hôm 27/12/2023 của tổng thống Mêhicô Andres Manuel Lopez Obrador được đưa ra nhân chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thư ký an ninh quốc gia Alejandro Mayorkas và thư ký An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Liz Sherwood Randall. Tổng thống Mêhicô viết trên mạng X là đôi bên đã “xử lý trực tiếp các vấn đề về hợp tác kinh tế, an ninh và nhập cư”. Chuyến công du của các quan chức Mỹ diễn ra trong bối cảnh các dân biểu đảng Cộng Hòa đòi chính quyền Biden thắt chặt chính sách nhập cư ở biên giới Mêhicô thì mới thông qua ngân sách viện trợ mới cho Ukraina chống quân Nga xâm lược. Trong những tuần qua, mỗi ngày có khoảng 10.000 người từ Mêhicô tìm cách vượt biên trái phép vào Mỹ, cao gấp đôi so với trước đại dịch Covid-19. 


**************
rfi.fr

Ukraina, Cận Đông, châu Á … thách thức uy tín siêu cường Mỹ - Tạp chí tiêu điểm

Minh Anh

Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2023 khép lại. Khác với mọi năm, châu Âu đón giao thừa với hai cuộc chiến tranh lớn trước cửa nhà, một tại Ukraina và một ở dải Gaza. Trong khi đó ở châu Á, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông, nguy cơ xung đột vũ trang cũng đang chực chờ bùng phát. Và cũng chưa có lúc nào, uy tín của siêu cường Mỹ bị thách đố gay gắt như trong năm nay.

Ngày 07/10/2023, thế giới bất ngờ trước một chiến dịch « đánh úp » đẫm máu của phe Hamas nhằm vào nhiều địa phương, giết chết hơn 1.140 thường dân Israel, và bắt theo hơn 250 con tin. Nếu như thế giới lên án hành động giết người với một mức độ tàn bạo chưa từng có của lực lượng vũ trang người Palestine này – bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Israel xếp vào diện khủng bố – thì các cuộc tấn công trả đũa của quân đội Israel ở dải Gaza, làm hơn 20 ngàn thường dân Palestine thiệt mạng và hàng triệu người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, cũng bị cộng đồng quốc tế kịch liệt chỉ trích.

Israel muốn an ninh, không cần hòa bình

Làm thế nào giải thích cho sự trở lại của « tình trạng man rợ » này ? Nhà địa chính trị học, Carole André-Dessornes, chuyên gia về tương quan lực lượng và bạo lực ở Trung Đông, trên đài RFI ngày 23/12/2023 giải thích, xung đột bùng phát là vì cộng đồng quốc tế từ lâu vẫn phủ nhận chính nghĩa của người Palestine, từ chối nhìn thẳng vào vấn đề.

« Chúng ta nên hiểu rằng tình hình nguyên trạng là hầu như không trụ được. Người ta đã quên rằng dải Gaza bị phong tỏa từ năm 2007 và có hơn hai triệu người sinh sống trên một diện tích rộng chỉ có 370 cây số vuông, do vậy khó thể mà sống được. Thêm vào đó là việc tăng tốc xây dựng các khu định cư Do Thái ở phía Đông Jerusalem và Cisjordanie. Rồi còn có một giới trẻ hoàn toàn tuyệt vọng bởi vì họ thật sự chẳng có tương lai. »

Đâu là lối thoát cho xung đột ? Người ta nói nhiều đến giải pháp « Hai Nhà nước ». Một giải pháp mà ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Israel, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại về Tình hình Israel của Hạ Viện, hồi trung tuần tháng 11/2023 đánh giá là điều không thể. Ông giải thích :

« Vấn đề cốt lõi của Cisjordanie nằm ở điểm đây là vùng đất thánh. Ở đây quý vị có hai cản trở chính. Thứ nhất là cản trở an ninh. Bởi vì, khi hình thành Nhà nước Palestine tại Cisjordanie, tức là chúng ta sẽ có một Nhà nước Palestine chỉ nằm cách Tel Aviv có 14 km, cách sân bay quốc tế Ben Gourion của Israel 5 km. Vì vậy, chỉ cần một quả rốc – kết là Israel ngừng hoạt động.

Hơn nữa, người dân Israel họ không muốn hòa bình, họ muốn có an ninh. Nghĩa là, theo một cách nào đó, Israel luôn trong tình trạng chiến tranh từ năm 1948 và có thể nói rằng, Israel đã quen sống trong những điều kiện như thế. Nhưng đối với họ, mục tiêu chính yếu vẫn là An Ninh.

Điều thứ hai, đó là một nền an ninh phải do chính họ bảo đảm. Do lịch sử đất nước, người Israel không tin tưởng bất kỳ ai cho an ninh của mình và đương nhiên là cả với Hoa Kỳ chẳng hạn. Do vậy, bất kỳ ý tưởng nào về một lực lượng quốc tế, lực lượng các nước Ả Rập, hay một lực lượng Liên Hiệp Quốc đều không có chút cơ may nào được chấp nhận bởi một đất nước mà tôi có thể nói là bị cuồng ám ».

Ẩn sau cuộc xung đột này còn là một « ván cờ lớn » giữa các cường quốc trong khu vực. Chiến sự bùng phát là một đòn giáng, chặn  đường Israel bình thường hóa quan hệ với nhiều nước Ả Rập, đặc biệt là Ả Rập Xê Út trong khuôn khổ Thỏa thuận Abraham, được thương lượng dưới sự chủ trì của chính quyền Donald Trump năm 2020. Đối với Iran, nước cờ này của Mỹ và Israel là một mối đe dọa, có thể làm đảo lộn thế tương quan lực lượng trong Vùng Vịnh, có lợi cho Ả Rập Xê Út. Súng phóng lựu có gắn đầu đạn áp nhiệt do Hamas sử dụng là một bằng chứng cho sự can dự của Teheran.

Ukraina : Cuộc chiến tiêu hao của Nga

Xung đột ở dải Gaza đang che lấp một cuộc chiến khác kéo dài từ gần hai năm : Cuộc chiến chống quân xâm lược Nga của Ukraina, đang diễn ra gay gắt trong những ngày cuối năm. Cuộc phản công của Kiev mà các đồng minh phương Tây trông đợi, bắt đầu từ tháng Sáu đã gặp thất bại, như thừa nhận của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina với tuần báo Anh The Economist. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo truyền thống cuối năm phải nhìn nhận « chiến tranh không biết hồi nào kết thúc ».

Lời thừa nhận chua chát được đưa ra vào lúc tổng thống Joe Biden chưa thông qua được gói viện trợ bổ sung 60 tỷ đô la cho Ukraina do vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ đảng đối lập Cộng Hòa. Tệ hơn nữa, theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Kiel của Đức, cam kết trợ giúp của các nước đồng minh của Kiev trong năm 2023 đã rớt xuống « mức thấp nhất » tính từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga vào tháng 2/2022.

Trong khi đó, quân đội Nga được chi viện thêm 300 ngàn quân dự bị, và trang bị thêm nhiều vũ khí đạn dược từ nhiều nguồn cung như Iran, Bắc Triều Tiên, gia tăng oanh kích Ukraina ngày đêm, mở nhiều cuộc tấn công khác. Hạ Viện Nga cuối tháng 10/2023 còn thông qua một khoản ngân sách quốc phòng cho năm 2024, tương đương với mức 107 tỷ euro, chiếm khoảng 6% GDP của đất nước, tăng 70% so với năm 2023 (3,9% GDP).

Quyết định này thể hiện quyết tâm theo đuổi chiến dịch quân sự trong dài hạn, một cuộc chiến tiêu hao chống Ukraina. Giáo sư địa chính trị, Carole Grimaud, chuyên gia về Không gian hậu Xô Viết, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu về Nga và Đông Âu (Center for Russia and Eastern Europe Research – CREER) tại Geneve, trên làn sóng RFI ngày 09/12/2023 phân tích :

« Đây là một cuộc chiến tiêu hao. Chúng ta đã thấy điều này ngay từ đầu cuộc chiến. Vào lúc các mục tiêu của Nga không thể đạt được ở miền Nam,chiến sự đã diễn ra ở phía đông đất nước và phía nam với các vùng lãnh thổ bị chinh phục. Cuối cùng, Nga đã đóng quân trên những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng với những tuyến phòng thủ mà rủi thay, họ đã có thời gian dựng lên. Và tình trạng này hiện đặt Ukraine vào thế khó khăn trong cuộc phản công, vốn không mang lại kết quả như chúng ta mong đợi.

Với 17% lãnh thổ Ukraina bị Nga chiếm đóng, nên đây là một cuộc chiến tiêu hao, một cuộc chiến hiện diện ở nước này. Vào lúc mùa đông đang đến và với thất bại của cuộc phản công, người ta sẽ phải chứng kiến tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. »

Biển Đông, eo biển Đài Loan : Mặt trận thứ ba cho Mỹ ?

Điều đáng chú ý là trong cả hai cuộc chiến, tuy không cùng tác nhân, không cùng lý lẽ, nhưng đều có sự can dự của Hoa Kỳ. Tại Ukraina, Washington tham gia gián tiếp thông qua các khoản viện trợ vũ khí và tài chính. Còn với Israel, Mỹ can dự trực tiếp qua việc cung cấp đạn dược, triển khai lực lượng khi cho điều hai hàng không mẫu hạm đến Đông Địa Trung Hải và nhất là bằng lá phiếu phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc.

Nhưng Hoa Kỳ có thể « gồng mình » che chở cho các đồng minh đến đâu nếu như có thêm một mặt trận thứ ba ở châu Á ? Các vụ va chạm giữa hải quân Trung Quốc và Philippines tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông trong năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Chính quyền Manila xích lại gần hơn với Washington khi quyết định mở thêm bốn căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ bố trí vũ khí và luân chuyển quân.

Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 19/12/2023, giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon giải thích, Bắc Kinh luôn ý thức rằng « Philippines là một nhân tố - và là một tác nhân quan trọng – trong các nước cờ nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan. Điều này không chỉ do mối quan hệ đồng minh của Manila với Mỹ, mà còn do vị trí địa lý gần gũi của quần đảo với Đài Loan. »

Chẳng phải vì thế mà Trung Quốc trắc nghiệm thường trực phản ứng của Mỹ hay sao ? Bài phân tích trên France Inter ngày 12/12 cũng tự hỏi : Đã can dự vào nhiều nơi khác, liệu Hoa Kỳ có thật sự muốn, hoặc có đủ năng lực để can thiệp chỉ vì một hòn đá mang tính biểu tượng ở Biển Đông ?

Việc rút quân trong hỗn loạn ở Kabul năm 2021 từng bị Matxcơva diễn giải như là một tín hiệu rằng Washington có lẽ sẽ không hành động gì đối với cuộc xâm lược Ukraina xảy ra sáu tháng sau đó. Do vậy, việc bỏ rơi Ukraina ngày nay cũng có nguy cơ đưa ra một tín hiệu tương tự cho Trung Quốc ở châu Á. Đó là chưa kể đến những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng trên bán đảo Triều Tiên.

Chưa có lúc nào vị thế siêu cường của Mỹ bị thử thách mạnh mẽ như lúc này. Với vai trò là cường quốc hàng đầu, Hoa Kỳ buộc phải liên tục đặt uy tín của mình lên hàng đầu trước mỗi cuộc khủng hoảng, mỗi thách thức từ một cường quốc khác. Nhưng vấn đề thực sự đặt ra là liệu Mỹ có còn muốn giữ thứ hạng này hay không.

Trong chưa đầy một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Chiếc bóng của Donald Trump ngày một lớn, và người ta có nhiều rủi ro nhìn thấy sự đối đầu về hai tầm nhìn đối nghịch nhau về thế giới cũng như là vai trò của Mỹ. Bài phân tích lưu ý : Cử tri Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho việc ủng hộ hay chống trợ giúp Ukraina, hậu thuẫn Israel hay can thiệp vào Biển Đông, nhưng lá phiếu của họ sẽ có những tác động lớn cho tất cả các cuộc khủng hoảng này !


**************
voatiengviet.com

Hội đồng Giám mục VN: Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam có vai trò rất quan trọng và cần thiết

Khánh An-VOA

Lời giới thiệu: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican vừa bước sang một chương mới khi Giáo hoàng Phanxicô chính thức bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23/12. Sự kiện lịch sử này diễn ra sau gần nửa thế kỷ Việt Nam cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi đảng Cộng sản lên nắm quyền cuối Chiến tranh Việt Nam vào năm 1975.

Việc có một đại diện Tòa thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam được xem là một bước ngoặt lớn có thể dẫn đến thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam, mặc dù có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa để đạt tới cột mốc tiếp theo này, vì nhóm công tác chung của hai bên đã bắt đầu hoạt động từ năm 2009 nhưng mãi đến cuối năm 2023 này mới đạt được thỏa thuận về quy chế đại diện thường trú.

Vị đại diện Tòa thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam, Tổng Giám Mục Marek Zalewski, 60 tuổi, là người Ba Lan. Ông là Tổng Giám Mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia) và đang là Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam trước khi được bổ nhiệm làm đại diện thường trú.

Ông có bằng Tiến sĩ giáo luật và từng trải qua nhiều sứ vụ trong ngành ngoại giao của Toà Thánh tại Cộng hoà Trung Phi, Liên Hiệp Quốc (New York), Anh, Đức, Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Ngoài tiếng mẹ đẻ, Tổng Giám Mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý, tiếng Anh và sử dụng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.

Nhân sự kiện lịch sử trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) có cuộc phỏng vấn với đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh văn phòng HĐGMVN, để tìm hiểu thêm về vai trò của vị đại diện Tòa thánh, quá trình làm việc giữa hai bên cũng như tiềm năng tiến triển trong tương lai của mối bang giao này.

Khánh An-VOA: Trước tiên, VOA cám ơn quý đức cha, quý cha của HĐGMVN đã nhận lời trả lời cuộc phỏng vấn này để quý khán, thính, độc giả của VOA ở khắp nơi trên thế giới có thể biết và hiểu thêm về bước ngoặt mới trong mối bang giao giữa Việt Nam và Vatican, đó là có một vị đại diện Tòa thánh Vatican thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Trước tiên, xin cha giải thích tóm tắt công việc và nhiệm vụ của một Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Tại sao việc có một đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam lại cần thiết?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Trước hết, xin cám ơn Khánh An và Đài VOA đã liên hệ với Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, là Chủ tịch HĐGMVN, để hẹn phỏng vấn. Thừa lệnh ngài, tôi vui mừng được tiếp chuyện với Đài VOA và Khánh An. Kính chào quý vị khán giả.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam - trả lời phỏng vấn của VOA vào ngày 28/12/2023.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam - trả lời phỏng vấn của VOA vào ngày 28/12/2023.

Về câu hỏi đầu về nhiệm vụ của vị đại diện Tòa thánh tại Việt Nam, chúng ta cũng biết các quốc gia, tổ chức phi chính phủ họ có văn phòng đại diện hoặc một vị trí đại diện ở cấp đại sứ. Đối với Tòa thánh Vatican, trong việc quản trị của một quốc gia, Tòa thánh Vatican cũng có vị đại diện ở các nơi, mà trong Công giáo gọi là Sứ thần. Vị Sứ thần thường là tổng giám mục và hàm đại sứ. Ví dụ như hiện nay Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski, người được bổ nhiệm làm Đại diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam, là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore.

Tòa thánh đặt quan hệ ngoại giao với các nước theo quy chế của Công ước Vienna 1961, có quyền ngoại giao và quyền miễn trừ ngoại giao bên cạnh các tổ chức như Liên Hiệp Quốc tại các quốc gia. Đối với Việt Nam, theo Đức Tổng Marek Jalewski giải thích, trước đây lịch sử Việt Nam có ghi nhận tại Việt Nam có hai tòa Khâm sứ, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn. Vị trí và nhiệm vụ của vị khâm sứ là đại diện của Đức Giáo hoàng ở bên cạnh Giáo hội. Nhưng chức vụ và nhiệm vụ của vị trí Khâm sứ (Apostolic Delegate) là không có tương quan hay tư cách ngoại giao với phía chính phủ, chỉ có bên cạnh Giáo hội, nội bộ Giáo hội, giữa Giáo hội địa phương và Tòa thánh và Đức Giáo hoàng thôi. Còn hiện nay, chúng ta ở trong một tương quan giữa hai quốc gia là Tòa thánh Vatican và Việt Nam, là mức cao hơn nhưng chưa phải là cao nhất, chưa phải là toàn diện bởi vì ở mức toàn diện thì sẽ có vị trí Sứ thần Tòa thánh. Đại diện Tòa thánh thì cao hơn Khâm sứ vì ở bên cạnh Giáo hội nhưng đồng thời cũng có tư cách để đại diện và nói chuyện với quốc gia của nước sở tại.

Trong Giáo luật có Khoản 361, 365 quy định rất rõ về nhiệm vụ của một đại diện Tòa thánhntại một quốc gia hoặc bên cạnh một tổ chức, bao gồm hai phần song song. Thứ nhất là đối với nội bộ Giáo hội, vị đại diện Tòa thánh có bổn phận và quyền đại diện Đức Thánh cha liên hệ củng cố sự hiệp thông đối với Giáo hội địa phương, mà vì lý do gì đó Đức Giáo hoàng không hiện diện được, không liên lạc được, thì vị đại diện Tòa thánh có thể đến hiện diện từng nơi. Như Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng gửi thông báo vào tối 23/12, Ngài cũng khẳng định với cộng đồng dân Chúa là với việc bổ nhiệm vị đại diện Tòa thánh mới đây, Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski sẽ là một dấu chỉ hiện diện hữu hình, cụ thể hơn giữa Đức Thánh cha với Giáo hội Việt Nam, giữa Giáo hội hoàn vũ với Giáo hội Việt Nam, và đồng thời củng cố liên hệ giữa hai quốc gia, Vatican và Việt Nam.

Tại sao quan trọng? Quan trọng là vì người ta vẫn nói “từ trước tới giờ chưa có”, và nếu [chúng ta] đọc thư của Đức Tổng Giám mục viết cho cộng đồng dân Chúa thông báo về việc bổ nhiệm này, thì đây là tin vui rất lớn. Lớn vì đây là kết quả của một tiến trình rất dài, mà có thể nói đã bắt đầu từ chuyến thăm của Đức Hồng Y Roger Etchégaray, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Công lý Hòa bình của Tòa thánh Vatican. Ngài đã đến Việt Nam từ tháng 7 năm 1989. Sau chuyến thăm đầu tiên đó, năm 1990 mới có những cuộc gặp không thường xuyên và chưa phải là cấp cao từ 1990-2008.

Bắt đầu từ năm 2009 trở đi, hai nhà nước Việt Nam và Vatican mới có một cơ chế là ủy ban làm việc chung. Đến 3 năm sau, năm 2011, mới có vị đại diện không thường trú. Đến giờ là 14 năm sau, khi bắt đầu có những cuộc trao đổi thường xuyên và trực tiếp ở cấp cao, thì mới có vị đại diện thường trú ở trong nước. Vì vậy, nó quan trọng vì đây là kết quả của một tiến trình dài, giải tỏa được những nghi ngờ, những hiểu lầm giữa những thông tin quá khứ hoặc trong lịch sử để hai bên có thể nói chuyện với nhau được.

Vào ngày 8/9/2023, Đức Thánh cha Phanxicô có viết một thư gửi cho toàn thể cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam, Ngài thông báo là hai quốc gia đã có được tiến trình để nói chuyện với nhau dựa trên sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, chấp nhận những khác biệt của nhau và cùng nhau đi tìm thiện ích chung để phục vụ con người. Đó là điều làm nên vai trò quan trọng và cần thiết của vị đại diện Tòa thánh tại Việt Nam.

Khánh An-VOA: Vậy văn phòng của đại diện Tòa thánh Vatican được đặt ở đâu tại Việt Nam?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Theo như Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski thông báo với Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, hai bên nhất trí sẽ đặt (văn phòng) tại Hà Nội, cũng như các cơ quan đại diện cấp đại sứ và đại diện của LHQ, các tổ chức quốc tế, đều đặt ở Hà Nội.

Tòa Khâm sứ Hà Nội tại số 42 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm. Đây từng là trụ sở của đại diện Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam từ năm 1951-1959.

Tòa Khâm sứ Hà Nội tại số 42 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm. Đây từng là trụ sở của đại diện Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam từ năm 1951-1959.

Khánh An-VOA: Về việc Đức Thánh cha bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Jalewski làm đại diện thường trú Tòa thánh Vatican đầu tiên tại Việt Nam, ở ông có điều gì đặc biệt dẫn đến quyết định lựa chọn của Tòa thánh hay không?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Tôi phục vụ tại Văn phòng HĐGMVN nên cứ xem như là “người trong cuộc” đi, thì bên ngoài họ có những đồn thổi hay phỏng đoán, dự đoán gì đấy, nhưng là “người trong cuộc”, tôi khẳng định HĐGMVN không được tham gia vào tiến trình chọn, chúng tôi không được biết chứ không phải vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên, theo như Đức Tổng Marek Jalewski chia sẻ với một số đức cha trong Ban Thường vụ và tôi cũng được nghe, việc bổ nhiệm một vị đại diện hay Sứ thần Tòa thánh tại một quốc gia hay bên cạnh một tổ chức quốc tế nào đó thì cũng giống như tiến trình bổ nhiệm một giám mục hoặc thuyên chuyển một giám mục từ giáo phận này sang giáo phận khác, và đối với ngành ngoại giao, việc thuyên chuyển nhiệm sở là điều rất thường xuyên.

Khánh An-VOA: Việc Việt Nam chấp thuận và để cho có một vị đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam được xem là một bước ngoặt rất lớn trong quan hệ bang giao giữa hai nhà nước, mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa hai bên. Sự việc này được giáo dân tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước đa số bày tỏ vui mừng trước bước tiến triển mới này, nhưng cũng có một số ít người tỏ ra thận trọng, e dè vì lo ngại về sự can thiệp của chính quyền địa phương vào quyết định lựa chọn hay bổ nhiệm của Giáo hội trong tương lai sau bước ngoặt này, vì đây là một thực tế rất phổ biến ở những quốc gia Cộng sản. Liệu những lo ngại của họ có cơ sở và cần thiết hay không?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Câu hỏi này rộng lắm và liên hệ đến nhiều người ở nhiều nơi, ở nhiều thể chế nên tôi chỉ trả lời đúng theo ý của đức cha Chủ tịch HĐGMVN. Khi ngài bảo tôi tiếp nhận cuộc hẹn trả lời phỏng vấn của Đài VOA, ngài bảo “Cứ nói sự thật”.

Tôi chia sẻ thật như thế này, và chia sẻ của tôi cũng có thể là câu trả lời cho những thắc mắc, tôi không biết những lo ngại đến từ mục đích gì, nhưng như khán thính giả theo dõi những ngày qua, rõ ràng Giáo hội Việt Nam rất vui vì thứ nhất, tin đó đến đúng một ngày trước Giáng sinh, thứ hai là cả một tiến trình dài chờ đợi.

Về những quan ngại, tôi chia sẻ thật trong tư cách là người trong cuộc, tôi phục vụ ở HĐGMVN gần 6 năm rồi, ví dụ tiến trình bổ nhiệm một giám mục, Đức Tổng Giám mục cũng có chia sẻ cho các đức cha và linh mục đoàn để biết tiến trình này như thế nào, và để tránh sự nghi kỵ cũng như những hành động tiêu cực trong tiến trình đó.

Việc bổ nhiệm một giám mục, đối với Giáo hội, là quá trình đáp ứng nhu cầu của dân Chúa. Vì vậy, việc lựa chọn được đặt trong sự quan phòng của Chúa, chứ không phải giống như việc luân chuyển một chức sắc trong xã hội hay một tổ chức xã hội nào đó mà chúng ta có thể “cơ cấu” hay sắp đặt được.

Ví dụ, một giáo phận trống tòa [không có giám mục], đại diện Tòa thánh sẽ gửi thư đến Giám mục giám quản của giáo phận đó hoặc Tổng Giám mục trưởng giáo tỉnh của giáo phận đó để xin đề nghị 3 ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, khả năng quản trị tùy theo nhu cầu của giáo phận đó, và giới thiệu cho Tòa thánh. Dựa vào 3 đề cử đó, Tòa thánh chọn ứng viên có nhiều giới thiệu nhất và hỏi một lần nữa, bao gồm một số đức cha hoặc tất cả các đức cha trong HĐGM, một số linh mục trong ban tư vấn, các linh mục cao niên hoặc có uy tín trong linh mục đoàn của giáo phận, bề trên các dòng tu… Nói chung, Tòa thánh hỏi rất rộng rãi nhưng trong sự cẩn trọng. Phải cẩn trọng là vì khi hỏi, chưa chắc người đó (ứng viên) đạt được hết các tiêu chuẩn hay nhu cầu đang cần, hoặc có thể Đức Thánh cha sau khi nghe trình bày lại có đề nghị khác… Vì vậy, để giữ uy tín và sự minh bạch, hay từ nhà tu gọi là “thanh thoát” trong tiến trình đó, người ta không tiết lộ ai đang được tham khảo hoặc tham khảo về ai.

Sau khi quy trình tôi vừa kể hoàn thành, Bộ Ngoại giao của Tòa thánh sẽ gửi một công hàm cho chính phủ Việt Nam để thông báo rằng chúng tôi chuẩn bị bổ nhiệm người này. Hai bên trao đổi với nhau nhưng chỉ ở giai đoạn đó thôi, chứ thực tế theo như sự thật tôi biết trong suốt 6 năm qua, thì không có chuyện ai đó đề nghị cụ thể người nào và Tòa thánh phải chấp nhận, mà cũng không có một cuộc, mà theo cách nói chuyện nôm na với nhau, là không có sự “mặc cả” nào hết. Tòa thánh có lập trường của Tòa thánh và Tòa thánh lựa chọn từ sự đề cử của những người trong Giáo hội địa phương đó. Chứ Tòa thánh không nghe ai nói bỗng dưng một tên nào đó rồi lấy ra bỏ vô đâu. Vì vậy, tôi thấy sự hiện diện của vị đại diện thường trú không ảnh hưởng gì trong tiến trình nhân sự, bởi vì bấy lâu nay vẫn như thế.

Chủ tịch nước Việt Nam hội kiến Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 27/7/2023. Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng trong dịp này.

Chủ tịch nước Việt Nam hội kiến Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 27/7/2023. Hai bên đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng trong dịp này.

Khánh An-VOA: Gần đây, chúng ta thấy có rất nhiều bước tiến triển trong quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Vatican, trong đó có một tin rất vui đối với giáo dân Công giáo Việt Nam khắp nơi, đó là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây khi đến thăm giáo phận Huế đã thông báo rằng ông đã chính thức mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam. Liệu giáo dân Việt Nam có cơ sở để hy vọng rằng họ sẽ sớm được đón tiếp vị lãnh đạo Giáo hội đến thăm đất nước mình hay không? Có phải Việt Nam và Vatican sẽ phải thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ trước khi Đức Thánh Cha đến thăm hay không? Nếu có, quá trình này bao gồm các bước gì sau khi đã có đại diện Tòa thánh Vatican tại Việt Nam?

Lm. Đào Nguyên Vũ: Thứ nhất là về tính khả thi của việc thực hiện chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng và thứ hai là về vấn đề bang giao, quan hệ toàn diện.

Theo sự thật tôi biết, HĐGMVN chưa được Tòa thánh báo cho biết là Đức Thánh Cha được mời. Chính thức thì đúng như đức Tổng Giám mục Huế cũng có xác nhận và truyền thông đưa tin là trong dịp Chủ tịch nước Việt Nam đến thăm tòa giám mục Tổng Giáo phận Huế để chúc mừng Giáng sinh, thì ông có thông báo. Sau chuyến đi Vatican, Chủ tịch nước cũng đến thăm HĐGMVN và cũng có nói có mời Giáo hoàng thăm Việt Nam. Nhưng với HĐGM thì phải có nguồn tin chính thức thì chúng tôi mới dám xác nhận. Còn cho đến giờ phút này, sáng 28/12/2023, Tòa thánh chưa có thông báo gì với HĐGM về khả năng hay thông tin gì về chuyến đi của Đức Giáo hoàng đến Việt Nam cả.

Thứ hai, về khả năng bang giao và những việc sắp tới, theo thông thường, nếu xem Tòa thánh là một nhà nước, dù nhỏ nhưng có nền lập pháp, hành pháp, tư pháp như một quốc gia, thì dĩ nhiên khi một nguyên thủ quốc gia này đến một quốc gia khác thì phải có chủ nhà mời. Khi mời, hai bên phải có lý do hoặc mục tiêu để mời, chứ không mời đi không được.

Đối với Tòa thánh, chúng ta cũng biết Đức Thánh Cha là lãnh đạo tinh thần. Đối với Giáo hội, ngài là mục tử tối cao thay mặt Chúa. Ngài đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Nhưng về thể chế, tổ chức nhà nước Vatican, ngài là nguyên thủ. Khi một quốc gia mời ngài đi, cũng giống như một nguyên thủ quốc gia, để chuẩn bị cho một chuyến đi ấy sẽ bao gồm rất nhiều công đoạn và nhiều việc phải làm.

Riêng tôi, có một vài lần đức Tổng Chủ tịch cũng có nhắc và tôi cũng có chia sẻ rằng, Đức Thánh Cha, nếu gọi ngài là một nguyên thủ của nhà nước Vatican thì ngài còn thêm các trọng trách nhiều hơn các nguyên thủ khác về mặt cử hành phụng vụ nữa. Ví dụ như tháng 4 là chuẩn bị vào tuần thánh và lễ Phục sinh thì ngài đâu có đi được như các nguyên thủ khác.

Các nguyên thủ khác đi vì mục đích kinh tế hay vì lý do gì đó thì có các tập đoàn tài trợ hoặc ngân sách của quốc gia đó tài trợ, còn Tòa thánh thì hoàn toàn không có nguồn kinh tế chính trị xã hội nhất định như các quốc gia khác. Vì vậy xét theo lẽ thông thường, thì phải có những cấp quan hệ ngoại giao nhất định để thực hiện chuyến đi đó.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên Đức Thánh Cha là một mục tử của một Giáo hội, trái tim mục tử của ngài có thể thúc đẩy ngài làm những việc gì tốt nhất cho đoàn dân của Chúa ở nơi đấy. Cũng có thể có những điều bất ngờ mà chúng ta không biết trước được, vì chúng ta không thể xét theo những tiêu chuẩn và tiêu chí ngoại giao thông thường được.

Sự thật thì tôi không có câu trả lời, nhưng tôi khẳng định là có 3 thông tin này mà chúng ta nghĩ rằng việc mừng vui chờ đón Đức Thánh Cha đi Việt Nam là khả thể, có khả năng thực hiện được. Thứ nhất, trong chuyến bay từ Mông Cổ về Vatican khi ngài đi thăm Mông Cổ, có một phóng viên của tạp chí America, tạp chí Công giáo của Mỹ, đặt vấn đề về tiến triển quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, ngài cũng trả lời thật là tiến triển được tới mức hai bên nhất trí với nhau nhiều vấn đề, mà phải mất một thời gian rất dài để trao đổi, tìm hiểu, cảm thông rồi mới nhất trí được. Khi người ta đặt vấn đề ngài có đi Việt Nam không thì ngài bảo có đi, mà nếu ngài đi không được thì vị kế nhiệm ngài sẽ đi. Điều đó cho chúng ta thấy Tòa thánh quan tâm đến Giáo hội tại Việt Nam và đến người dân đang sống trên đất nước này.

Thứ hai là khi ngài viết thư cho Giáo hội Việt Nam, ngài cũng bày tỏ sự quan tâm rất đặc biệt đến Giáo hội Việt Nam.

Thứ ba, để đáp lại lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho cộng đoàn dân Chúa ở Việt Nam, ngày 4/10, Đức Tổng Giám mục Chủ tịch HĐGMVN có gửi thư cám ơn ngài và trong thư, Đức Tổng Giám mục thay mặt HĐGMVN kính mời Đức Thánh Cha qua thăm Việt Nam.

Đó là những thông tin có thật và là những yếu tố kiến tạo nên một khả năng rất gần cho chuyến đi của Đức Thánh Cha. Còn để xác định, dự đoán hay phân tích thì chúng ta không có đủ cơ sở để làm việc đấy.

Khánh An-VOA: Vâng, cám ơn linh mục đã dành thời gian cho VOA. Cám ơn HĐGMVN đã đề cử linh mục làm người đại diện trả lời cuộc phỏng vấn này. Kính chúc quý đức cha, quý cha và quý vị một năm mới an lành và nhiều niềm vui.

Lm. Đào Nguyên Vũ: Cám ơn Đài VOA, cũng như gửi lời chúc đến quý đài và khán thính giả những ngày còn lại của năm 2023 được nhiều ân lộc và bước qua năm 2024 có nhiều niềm vui để mỗi người đều có một sự bình an trong tâm hồn và mang lại nhiều thiện ích chung cho cuộc sống.



************
voatiengviet.com

Mexico giải tỏa trại di dân khi Washington gây áp lực hạn chế làn sóng vượt biên vào Mỹ

AP

Một khu lều trại tồi tàn của di dân cạnh sông Rio Grande, nằm cách Cung điện Quốc gia Mexico một quãng đường dài, nơi một phái đoàn Hoa Kỳ trong tuần này gặp tổng thống Mexico để tìm kiếm thêm hành động nhằm hạn chế làn sóng di dân đến biên giới Hoa Kỳ.

Nhưng khi các quan chức Mexico ở thành phố Matamoros phái máy ủi đến để dọn sạch những gì họ cho là những chiếc lều bị bỏ hoang ở trại, thì hành động này có thể là dấu hiệu của những điều sắp xảy ra.

Hoa Kỳ đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng, bao gồm việc tạm thời đóng cửa các cửa khẩu đường sắt biên giới quan trọng vào Texas, rằng họ muốn Mexico làm nhiều hơn để ngăn chặn di dân nhảy lên xe chở hàng, xe buýt và xe tải đến biên giới.

Tổng thống Andrés Manuel López Obrador nói ông nhận được một cuộc điện thoại đầy lo lắng vào ngày 20/12 từ Tổng thống Mỹ Joe Biden.

“Ông ấy yêu cầu, ông Joe Biden yêu cầu được nói chuyện với tôi, ông ấy lo lắng về tình hình ở biên giới vì số lượng di dân đến biên giới cao chưa từng có trước đây”, ông López Obrador nói vào ngày thứ Năm 28/12. “Ông ấy gọi cho tôi và nói rằng chúng tôi phải cùng nhau tìm cho ra giải pháp.”

Mexico, với mong muốn mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới cho hàng hóa sản xuất của mình, đã bắt đầu đưa ra những dấu hiệu rằng họ sẽ thắt chặt một chút.

Điều đó đã diễn ra ở Matamoros khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hội đàm với ông López Obrador ở Thành phố Mexico.

Di dân đã dựng trại đối diện với Brownsville, Texas vào cuối năm 2022. Nơi đây từng chứa tới 1.500 di dân, nhưng nhiều lều đã bỏ trống trong những tháng gần đây khi mọi người lội qua sông để đến Hoa Kỳ.

Ông Segismundo Doguín, người đứng đầu văn phòng địa phương của cơ quan di trú Mexico, nói: “Những gì chúng tôi đang làm là dỡ bỏ bất kỳ căn lều nào mà chúng tôi thấy trống rỗng”.

Tuy nhiên, một người Honduras chỉ cho biết tên, José, khẳng định rằng khoảng 200 di dân còn lại trên thực tế đã bị buộc phải rời khỏi trại khi hoạt động giải tỏa bắt đầu vào cuối ngày thứ Ba 26/12.

“Họ đuổi chúng tôi ra ngoài,” ông nói và giải thích rằng những người cắm trại được thông báo ngắn gọn để di chuyển lều và đồ đạc của họ và cảm thấy sợ hãi trước những chiếc máy ủi. “Bạn phải chạy trốn để tránh tai nạn.”

Một số người di cư đã di chuyển vào khu vực có hàng rào của khu trại, nơi các nhân viên di trú cho biết họ có thể được tái tạm cư, nhưng nỗi sợ hãi vẫn còn đó.

Khoảng 70 di dân đã nhảy xuống sông vào tối thứ Ba 26/12 và vượt biên giới vào Mỹ. Họ bị mắc kẹt hàng giờ dọc theo bờ sông bên dưới những lớp dây kẽm gai được dựng lên theo lệnh của thống đốc tiểu bang Texas.

Bà Glady Cañas, người sáng lập tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Matamoros, Ayudandoles a Triunfar, hay Giúp Họ Chiến thắng, cho biết có rất ít lựa chọn cho những di dân được yêu cầu rời khỏi trại.

“Sự thật là các nơi trú ẩn đã bão hòa,” bà Cañas nói.

Bà đang làm việc tại trại vào chiều thứ Tư 27/12, khuyến khích những di dân tránh vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi có nhiều người chết đuối trong vài ngày qua khi cố gắng bơi qua sông.

Trong tháng này, có tới 10.000 di dân bị bắt giữ hàng ngày ở biên giới Tây Nam Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã phải vật lộn để xử lý họ ở biên giới và cung cấp nơi cư trú khi họ đến các thành phố phía bắc.

Các ngành công nghiệp của Mexico bị ảnh hưởng nặng nề vào tuần trước khi Mỹ đóng cửa nhanh chóng hai cửa khẩu đường sắt quan trọng ở Texas với lý do rằng các nhân viên tuần tra biên giới phải được phân công lại để giải quyết một số lượng lớn người di cư. Một cửa khẩu phi đường sắt vẫn đóng cửa tại Lukeville, Arizona, và các hoạt động biên giới bị đình chỉ một phần tại San Diego và Nogales, Arizona.

Phát biểu ngày thứ Năm 28/12, ông López Obrador cho biết cuộc gặp với các quan chức Hoa Kỳ tập trung vào việc mở lại các cửa khẩu biên giới.

Ông nói về cuộc gặp với Ngoại trưởn Blinken, Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas và Cố vấn An ninh Nội địa Liz Sherwood-Randall: “Chúng tôi phải cẩn thận để không đóng cửa các cửa khẩu, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận đó, các cửa khẩu đường sắt đang được mở lại và các cây cầu biên giới đang trở lại bình thường”.

Mexico đã có hơn 32.000 binh sĩ và lực lượng Vệ binh Quốc gia – khoảng 11% tổng lực lượng – được giao nhiệm vụ thực thi luật di trú.

Nhưng những thiếu sót đã bộc lộ trong tuần này khi các Vệ binh Quốc gia không nỗ lực ngăn chặn khoảng 6.000 di dân, nhiều người đến từ Trung Mỹ và Venezuela, đi qua điểm kiểm tra di trú nội địa chính của Mexico ở bang Chiapas phía nam gần biên giới Guatemala.

Trong quá khứ, Mexico đã cho phép những đoàn lữ hành di cư như vậy đi qua vì tin rằng họ sẽ mệt mỏi khi đi dọc theo đường cao tốc.

Ông López Obrador ngày thứ Năm 28/12 nói đoàn lữ hành đi về phía bắc đã giảm xuống còn khoảng 1.600 người.

Nhưng cách thức khiến người di cư kiệt sức - bằng cách bắt buộc người Venezuela và những người khác phải đi bộ xuyên rừng rậm ở Darien Gap giữa Colombia và Panama hoặc buộc hành khách xuống xe buýt ở Mexico - dường như không còn tác dụng nữa.

Nhiều người đã lên các chuyến tàu chở hàng qua Mexico đến mức một trong hai tuyến đường sắt lớn của nước này đã phải tạm dừng các chuyến tàu vào tháng 9 vì lo ngại về an toàn.

Việc đóng cửa tuyến đường sắt ở Texas gây ra sự tắc nghẽn đối với hàng hóa vận chuyển từ Mexico đến Mỹ cũng như ngũ cốc cần thiết để nuôi gia súc Mexico di chuyển về phía nam.

Ông López Obrador nói ông sẵn sàng giúp đỡ nhưng muốn Hoa Kỳ gửi thêm viện trợ phát triển cho quê hương của di dân, giảm bớt hoặc loại bỏ các chế tài đối với Cuba và Venezuela, đồng thời bắt đầu cuộc đối thoại Mỹ-Cuba.




***************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn