Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 15-12 -2023:

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai 20234:37 SA(Xem: 811)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 15-12 -2023:

HoaLuc 6
**************
rfi.fr

Nga: Chính phủ tịch thu hộ chiếu, hàng triệu người hết hy vọng trốn lính

Thanh Hà

Số phận Ukraina đang trong tay thủ tướng Hungary: Viktor Orban có lập trường thân Nga dọa dùng quyền phủ quyết chận khoản viện trợ 50 tỷ euro của Liên Hiệp Châu Âu cho Kiev. Đây trước hết là đòn « mặc cả » để Budapest « vòi tiền » Bruxelles ? Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi : Hội nghị quốc tế khí hậu COP28 đạt được một kỳ tích lịch sử « nhất trí » thông qua cam kết giảm dần việc sử dụng dầu, khí và than đá ?

Thượng đỉnh Liên Âu quyết định về viện trợ cho Ukraina và tổng kết hội nghị COP28 là hai hồ sơ đã đẩy xuống hàng thứ yếu những chủ đề khác như là xung đột Cận Đông hay quyết định phá giá đồng tiền Achentina hơn 50%, một « liều thuốc đắng, một cú sốc trị liệu » mà tân tổng thống Javier Milei vừa ban hành chưa đầy 48 giờ sau khi lên cầm quyền.

Nhưng trước hết xin điểm qua một tin được hai tờ Le Monde và La Croix ngày 14/12/2023 chú ý. Tránh để các công dân Nga lại tìm đường ra nước ngoài, nhất là thanh niên trong tuổi nghĩa vụ quân sự, Matxcơva quyết định « giữ hộ » cho người dân hộ chiếu. Lệnh mới có hiệu lực từ ngày 11/12/2023.

Báo Công Giáo La Croix chạy tựa ngắn gọn : « Nga tịch thu một số hộ chiếu ». Le Monde đưa ra rất nhiều chi tiết về lệnh mới : dân Nga chỉ có 5 ngày để ủy thác hộ chiếu cho các « giới chức liên quan », nghĩa là cho bên bộ Nội Vụ, Ngoại Giao, bên Mật Vụ FSB và các cơ quan đại diện cho chính quyền Nga ở hải ngoại.

Chiểu theo một quy định khác đã được ban hành và có hiệu lực từ tháng 5/2023, bất kỳ một cán bộ nào cũng có thẩm quyền « tịch thu » hộ chiếu của bất kỳ một ai và vì bất kỳ một lý do gì. Ngoài những diện bị « cấm » ra nước ngoài, như nhân viên an ninh hay một số công chức cao cấp, quy định mới liên quan đến thanh niên từ 18 đế 30 tuổi đã được lệnh động viên, đặc biệt là thành phần « lính dự bị » được lệnh nhập ngũ hồi tháng 9/2022.

Le Monde nhắc lại từ khi Matxcơva xâm chiếm bán đảo Crimée năm 2014, các công dân Nga bị « cấm hoặc hạn chế ra nước ngoài ». Các biện pháp cấm đoán ấy càng lúc càng khắt khe.

Quy định mới cho thấy điều gì ? Một là nước Nga của ông Putin đang « thu mình lại ở bên trong các đường biên giới như thời Liên Xô trước kia » và hai là chính quyền chặn trước nguy cơ « chảy máu » nhân lực khi cần động viên, đưa quân sang chiến trường Ukraina.

Le Monde không thể thẩm định chính xác về số người bị « chính quyền giữ giùm hộ chiếu » nhưng ước phỏng có « hàng triệu ca »: lực lượng tham gia đội ngũ an ninh của Nga khoảng 5 triệu người. Thêm vào đó là khoảng 7 triệu người bị cấm ra nước ngoài do đang mang nợ hay bị phạt tiền …. Đó là chưa kể những công dân Nga sống ở nước ngoài. Số này đang lo bị từ chối gia hạn hộ chiếu và có nguy cơ bắt buộc phải quay trở về Nga.

La Croix đưa ra một chi tiết khác : từ khi đưa quân lấn chiếm Ukraina « Nga sợ rằng các quan chức nhà nước, doanh nhân có thể tẩu thoát ra nước ngoài và mang theo những bí mật quốc gia ». Tháng 3/2023 báo tài chính Financial Times và bộ Quốc Phòng Anh cùng tiết lộ là chính quyền Putin đã « bắt đầu tịch thu hộ chiếu của một số quan chức cao cấp và chủ doanh nghiệp ».

Thủ tướng Hungary Victor Orban, nhân vật trong ngày  

Trong khi đó tại Kiev, 14-15/12/2023 chắc chắc là hai ngày rất dài đối với tổng thống Zelensky và trong suốt 48 giờ sắp tới, mọi chú ý của ông luôn hướng về Bruxelles.

Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu lần này phải quyết định cấp thêm 50 tỷ euro cho Ukraina đang phải đối mặt với đội quân của Nga. Hungary dọa dùng quyền phủ quyết chận khoản viện trợ nói trên vào lúc mà tổng thống Volodymyr Zelensky vừa từ Washington trở về « gần như tay không ». Libération thiên tả nhắc lại thủ tướng Hungary, Viktor Orban là người « ủng hộ Putin » và ở vào thời khắc quyết định này đối với vận mệnh của 44 triệu dân Ukraina, thì Orban là « kẻ phá rối » làm rạn nứt đoàn kế của Liên Âu trong việc hỗ trợ Ukraina. Điều bất thường là một thành viên như Hungary với chưa đầy 10 triệu dân trên tổng số 450 triệu của Liên Âu, và với GDP chỉ bằng 1 % của toàn khối có thể áp đặt tiếng nói với phần còn lại trong đại gia đình châu Âu.

Các nước lớn trong khối như Pháp, Đức đã cứng giọng với Hungary. Tổng thống Macron vừa dụ, vừa dọa : trong tuần ông đã mời thủ tướng Orban đến Paris để « giỗ ngọt ». Nhưng xem chừng « chưa ăn thua ».

Libération gắn liền đòn « bắt chẹt » này của thủ tướng Hungary với việc mặc cả đòi Liên Âu giải ngân khoản hỗ trợ hơn 10 tỷ euro giúp Budapest khắc phục hậu quả kinh tế, xã hội sau thời kỳ Covid, và thêm hơn 16 tỷ nữa trong khuôn khổ ngân sách chung cho các thành viên.

Hungary, con cờ của Putin ?

Thực ra tổng thống Volodymyr Zelensky còn một lý do nữa để nín thở theo dõi thượng đỉnh Bruxelles lần này, bởi các bên cũng sẽ bàn về tiến trình kết nạp thêm Ukraina và một số quốc gia khác vào Liên Âu. Con đường rất gian nan bởi dường như không mấy ai sẵn sàng.

Báo kinh tế Les Echos gắn liền thái độ hằn học của Hungary trên hồ sơ Ukraina với việc Budapest không hài lòng về chính sách của Kiev đối với cộng đồng thiểu số người Hungary sống tại Ukraina. Ông Orban tố cáo Kiev « truy bức » và « phân biệt đối xử » với cộng đồng hơn 100.000 người, gốc Hungary, sống tại vùng có tên gọi là Transcarpathie, nằm lọt giữa biên giới 5 nước gồm Ukraina, Hungary, Slovakia, Ba Lan, và Rumani.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro nêu lên một khía cạnh khác từ cuộc đọ sức giữa Budapest với phần còn lại của Liên Âu hiện nay. Thông tín viên Anne Rovan từ Bruxelles ghi nhận : từ trước đến nay ông Orban đã nhiều lần « làm căng » với Liên Âu để trục lợi và thường thì cuối cùng luôn lùi bước, nhưng « lần này thì không » bởi chính quyền Orban không chỉ muốn đổi lá phiếu của mình lấy một chút tiền bạc (dù đó là bạc tỷ). Sáu tháng trước bầu cử châu Âu, Hungary không muốn đứng vòng ngoài mà đang có tham vọng « trở thành trung tâm của cuộc chơi ». Bằng chứng rõ rệt nhất là hôm 13/12/2023 Viktor Orban khẳng định « Kế hoạch của ông không là chia tay với Liên Âu mà là chiếm lại Bruxelles ».

Nếu như kết thúc hai ngày họp ở Bruxelles mà Budepest cương quyết từ chối về lộ trình kết nạp Ukraina vào Liên Âu và chận khoản viện trợ thêm cho Kiev thì đó sẽ là « một thắng lợi mới của Nga » như các báo Paris đồng loạt nhận xét.

Dầu-khí và than đá không lo bị khai tử

Tạm khép lại các bài báo về Ukraina và Liên Âu hay Hungary để xem các báo Paris trong ngày đánh giá thế nào về kết quả hội nghị khí hậu COP28 vừa « hạ màn » tại Dubai.

Đây là chủ đề chiếm nhiều trang nhất các báo : Le Monde chạy tựa lớn « Một thỏa thuận chưa từng có » và đã dành hai trang báo cho COP28. « Những giới hạn của một sự thành công », tựa trên trang nhất báo kinh tế Les Echos. « Một tín hiệu mạnh được hoan nghênh rộng rãi ».

Theo Libération « dám đề cập đến năng lượng hóa thạch nhân hội nghị tổ chức tại một quốc gia dầu hỏa » là một thành công đối với nước chủ nhà Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Nhưng có thực đó là một bản « tuyên bố chung mang tính lịch sử » hay không khi mà COP28 vẫn để ngỏ cánh cổng cho các tập đoàn trong ngành dầu khí « rộng tay hành động » và đã « nhượng bộ » các nước dầu hỏa ?

Tờ La Croix nói đến một « thỏa thuận nửa vời » : những người lạc quan nhất muốn tin rằng COP28 là « điểm khởi đầu dẫn đến sự cáo chung » của ngành năng lượng hóa thạch. Thực tế phũ phàng hơn khi mà văn bản sau cùng đúc kết 2 tuần họp chỉ nói đến một tiến trình « chuyển đổi » chứ không là « từ bỏ » năng lượng hóa thạch , đến một sự « rời xa » than đá, đầu hỏa và khí đốt vào ngưỡng 2050. Nhưng thỏa thuận này « mơ hồ », và « không đi kèm với các biện pháp mang tính ràng buộc ».

Báo Le Figaro nhắc đến « công lao của Trung Quốc » : dù là quốc gia thải khí carbon nhiều nhất trên thế giới, lại rất lệ thuộc vào than đá, Bắc Kinh đã có « tiếng nói quyết định ». Dẫn đầu một khối 77 quốc gia +1 (với trọng lượng gần 80 % dân số toàn cầu) Trung Quốc đặt mình vào một vị trí then chốt, là nhịp cầu nối giữa các nước nghèo và các nước công nghiệp phát triển mà báo chí gọi là hai khối « phương bắc và phương nam ».

« Sách giả » tràn ngập Amazon

Một chục ngày trước Giáng Sinh tập đoàn mua bán trên mạng Amazon đã rất bận rộn lại còn phải đối mặt với một vấn đề mời mà trí thông minh nhân tạo gây nên. Le Monde có bài viết thú vị mang tựa đề « Amazon bị tràn ngập vì sách giả ».

Xưa kia chỉ có nhà văn Pháp Georges Simenon chuyên viết tiểu thuyết trinh thám đủ sức cho ấn hành sáu tác phẩm một năm cho dù ông thường xuyên chu du bốn bể. Trong những tháng gần đây, nhờ có trí thông minh nhân tạo và ChatGPT…  « cả một đội ngũ nhà văn mỗi ngày có thể cho ra lò cả trăm cuốn sách, gửi đến Amazon để được phát hành » qua Kindle để đọc trên máy tính bảng hay điện thoại … máy tính ….

Hiện tượng này phổ biến đến nỗi tập đoàn của Mỹ phải giới hạn, tối đa mỗi nhà văn một ngày chỉ được gửi đến Amazon ba « sáng tác » và phải nói rõ « tác giả có phải là trí thông minh nhân tạo AI hay không ».

Tháng 2/2023 Reuters đã phát hiện hơn 200 cuối sách phát hành ở Mỹ là sản phẩm từ ChatGPT mà ra. Trong số này bao gồm từ tiểu thuyết đến sách về khoa học… Một trong những hệ quả kèm theo là trên thị trường « sách giả này » cũng có những bình luận viên để « định hướng » độc giả, để rồi cũng những độc giả đó không biết là « hư hay thực » nhưng họ cũng đã rất chăm chỉ đăng những lời bình luận, phê bình… Năm 2022 Amazon đã « chận được hơn 2 triệu » lời bình luận « giả » về những tác giả « giả » của những cuốn sách « giả ».


**************
rfi.fr

Liên Âu bất ngờ đạt thỏa thuận mở đàm phán kết nạp Ukraina và Moldova

Trọng Nghĩa

Tại hội nghị thượng đỉnh mở ra vào hôm qua, 14/12/2023, ở Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu đã bất ngờ thông qua được một cách nhanh chóng thỏa thuận mở đàm phán với Ukraina để kết nạp nước này vào khối. Cho dù đã liên tiếp đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ thỏa thuận này, thủ tướng Hungary rốt cuộc đã chọn phương án không bỏ phiếu, trong lúc toàn bộ 26 thành viên còn lại đều bỏ phiếu tán đồng.

Đăng ngày:

3 phút

Cùng với Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu cũng bật đèn xanh cho Moldova mở đàm phán gia nhập, đồng thời cấp cho Gruzia quy chế ứng viên vào Liên Âu.

Theo thông tín viên RFI tại Bruxelles, thỏa thuận nói trên đã đạt được một cách chóng vánh bất ngờ chỉ sau vài tiếng đồng hồ thương thuyết, trong khi  mọi người lo ngại thượng đỉnh sẽ phải kéo dài với những cuộc đàm phán khó khăn với thủ tướng Hungary Viktor Orban. Dù ông Orban chưa hẳn đã chịu thua trên vấn đề Ukraina, nhưng thỏa thuận đạt được hôm qua được xem là một thành công cho Liên Hiệp Châu Âu.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet phân tích:

“Rốt cuộc ông Viktor Orban đã quyết định không phủ quyết mà sử dụng phương án được gọi ở đây là “bỏ phiếu trắng mang tính xây dựng”. Thủ tướng Hungary rời phòng họp vào lúc 26 lãnh đạo còn lại quyết định cho mở đàm phán gia nhập với Ukraina.

Ông Orban vẫn coi quyết định này là một điều phi lý, nhất là vì đối với ông, Ukraina chưa đáp ứng được ba trong số bảy tiêu chí cần thiết ban đầu là quyền dành cho các nhóm thiểu số, chống tham nhũng và ảnh hưởng của những đại tài phiệt.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có một giai đoạn thứ hai, có thể là vào tháng Ba tới đây, khi một hội nghị liên chính phủ giữa 27 nước ấn định khuôn khổ các cuộc đàm phán. Điều đó đặt ra một thời hạn mới để tiếp tục đánh giá việc tuân thủ tất cả các tiêu chí sơ bộ.

Dù sao đi nữa, thỏa thuận hôm qua là một thành công đối với Liên Hiệp Châu Âu, vốn muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị dành cho Ukraina, một tín hiệu gởi đến chính người dân Ukraina cũng như cho cả tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tín hiệu đó được củng cố thêm bằng quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova và trao cho Gruzia tư cách quốc gia ứng viên vào Liên Âu.”

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky dĩ nhiên đã thở phào nhẹ nhõm khi đón nhận tin vui từ Bruxelles. Đối với ông, đó là một “chiến thắng cho Ukraina” và “cho toàn bộ châu Âu”.

Pháp và Đức, hai đầu tàu của Liên Âu, cũng tỏ thái độ hài lòng. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quyết định của Liên Âu là “phản ứng hợp lý, công bằng và cần thiết”, trong lúc thủ tướng Đức nói đến một “dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ… mang lại một triển vọng” cho Ukraina.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Hoa Kỳ, nước ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga cũng tuyên bố vui mừng. Trên mạng xã hội, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Joe Biden, đã “hoan nghênh quyết định lịch sử của EU về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraina và Moldova”.

Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov hôm nay cho rằng việc kết nạp Ukraina và Moldova "sẽ gây mất ổn định" cho Liên Hiệp Châu Âu vì những nước này "không đáp ứng các tiêu chí".


***********
voatiengviet.com

Giao tranh Israel-Hamas tiếp tục tàn phá Gaza; Mỹ thúc ép phải bảo vệ dân thường

Reuters

Các nhân chứng cho hay lực lượng Israel và Hamas giao tranh ác liệt trên khắp Gaza hôm thứ Sáu 15/12, cho thấy cuộc tấn công trên bộ của Israel đang gặp phải sự kháng cự quyết liệt hơn, cùng lúc Mỹ thúc ép đồng minh của mình cần phải thay đổi chiến lược.

Người dân ở vùng lãnh thổ nhỏ này cho biết giao tranh xảy ra ở Sheijaia, Sheikh Radwan, Zeitoun, Tuffah và Beit Hanoun ở miền bắc Gaza, ở phía đông của Maghazi thuộc miền trung Gaza và ở trong trung tâm và ngoại ô phía bắc của thành phố lớn Khan Younis thuộc miền nam.

Các bệnh viện ở Deir al-Balah, Khan Younis và Rafah ghi nhận có thêm nhiều người chết và bị thương vào sáng sớm 15/12, bao gồm cả hai trẻ em.

Quân đội Israel đưa ra bản cập nhật thông tin hôm 15/12, trong đó nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy một trung tâm chỉ huy và điều hành của Hamas ở quận Sheijaia mà hai bên đang giành giật quyết liệt ở thành phố Gaza, và Israel cũng thực hiện một "cuộc đột kích nhắm mục tiêu cụ thể" vào cơ sở hạ tầng của phiến quân ở Khan Younis.

Tình hình giao tranh ác liệt làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu cuộc tấn công trên không và trên bộ kéo dài hai tháng của Israel vào Gaza có làm suy yếu đáng kể phong trào Hamas mà họ thề sẽ tiêu diệt hay không.

Theo các quan chức y tế Palestine, các cuộc ném bom không ngừng của Israel đã làm tan hoang lớn Gaza trong hai tháng qua, với gần 19.000 người được xác nhận đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác có thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Israel phát động chiến dịch tấn công dữ dội để trả đũa cuộc tấn công loạn xạ bất ngờ xuyên biên giới của Hamas, nhóm được Iran hậu thuẫn và nắm quyền cai trị Gaza. Các chiến binh của nhóm này đã tấn công các cộng đồng Israel gần Gaza, giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 con tin vào ngày 7/10.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu hôm 14/12 với cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan đang đến thăm rằng Israel sẽ duy trì chiến tranh với Hamas "cho đến khi giành chiến thắng tuyệt đối". Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nói rằng cuộc chiến "sẽ lâu dài chứ chỉ không chỉ là vài tháng - nhưng chúng tôi sẽ giành chiến thắng và chúng tôi sẽ tiêu diệt bọn chúng".

Không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột sẽ dừng lại, như vậy, việc Israel từng khẳng định vào cuối tháng 11 rằng họ đã khống chế được phần lớn khu vực đô thị hóa đông đúc ở miền bắc Gaza giờ đây dường như không có nhiều giá trị trên thực tế.

Sau một tuần chiến sự tạm dừng và tạo điều kiện để một số con tin được phóng thích, chiến tranh lan rộng trên bộ gần đây đã làm hỏng các kế hoạch đẩy mạnh cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho dân thường để họ sống sót khi nhà cửa đã bị tàn phá.

Hơn 80% trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải chạy nạn, nhiều người trong số họ phải chạy từ nơi này sang nơi khác nhiều lần.

Trong nhiều tuần qua, Washington đã thúc ép Israel phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường ở Gaza giữa lúc có làn sóng phản đối dâng cao trên toàn cầu về thảm họa nhân đạo đang lan rộng.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã hội đàm với phía Israel hôm 14/12 về việc thay đổi chiến lược quân sự của họ ở Gaza từ tấn công quy mô lớn trên bộ sang các đòn đánh chính xác nhằm vào Hamas để bảo vệ nhiều hơn cho dân thường khỏi phải chịu các tổn thất.

"Đã có thảo luận trong các cuộc họp này cũng như trong các cuộc họp trước đây của chúng tôi, cũng như trong các cuộc điện đàm giữa Tổng thống (Joe Biden) và Thủ tướng (Israel) (Benjamin Netanyahu), về việc cần thay đổi trọng tâm từ các hoạt động càn quét với nhịp độ nhanh, các hoạt động càn quét có cường độ cao hiện đang diễn ra, tới đây chuyển sang các đòn đánh tập trung với cường độ thấp hơn vào các mục tiêu có giá trị cao, các đòn tấn công xây dựng từ thông tin tình báo, là những mục tiêu quân sự rất cụ thể và ở diện hẹp hơn", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, với điều kiện không nêu danh tính.

Nhưng sẽ là "vô trách nhiệm" khi đặt ra khung thời gian cụ thể cho sự chuyển hướng chiến lược như vậy, vẫn quan chức này nói trong cuộc họp ngắn với các phóng viên về chuyến thăm Israel của ông Sullivan.

Israel cho rằng Hamas sử dụng dân thường và các tòa nhà dân sự làm lá chắn, cáo buộc này bị Hamas phủ nhận, nhưng cả các đồng minh lẫn đối thủ của Israel cũng như Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân đạo, nhân quyền đều nói rằng Israel đã không làm gì mấy để bảo vệ dân thường.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

3 phút

(AFP) - Tổng thống Putin tự tin hứa nước Nga sẽ "tiến lên". Trong buổi trả lời phỏng vấn ngày 14/12/2023, ông Vladimir Putin tỏ ra hài lòng khi được hỏi về các cuộc tấn công của quân đội Nga sau khi Ukraina thất bại trong cuộc phản công. Lần đầu tiên, tổng thống Putin cho biết có 617.000 quân Nga tại Ukraina, trong đó có 244.000 lính động viên. Ông tái khẳng định các mục tiêu đối với Ukraina : Truy đuổi chính quyền « phát xít » hiện nay ở Kiev, triệt phá năng lực quân sự để buộc Ukraina trung lập. Về sức đề kháng của nền kinh tế Nga, ông Putin tỏ ra tin tưởng khi nhắc đến « sự củng cố mạnh mẽ của xã hội Nga », « sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế »« sự gia tăng năng lực quân sự » của Nga.

(Reuters) - Khủng hoảng nhân đạo sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm 2024. Theo báo cáo của Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) được công bố ngày 14/12/2023, các vấn đề về biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang hay nợ nần ngày càng gia tăng trong khi hỗ trợ quốc tế giảm sút, sẽ đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới vào năm 2024. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh số người cần viện trợ nhân đạo trong năm nay tăng lên 300 triệu người trong khi số người buộc phải rời bỏ nhà cửa tăng vọt lên 110 triệu người. 

(Reuters) - Trung Quốc lên án Canada hỗ trợ Philippines tại Biển Đông. Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã tuyên bố như trên ngày 14/12/2023, và đồng thời nêu rõ Biển Đông là ngôi nhà chung của các nước trong khu vực chứ không phải là nơi để Canada, Mỹ và các nước khác “theo đuổi lợi ích địa chính trị của họ”. 

(Yonhap) – Bắc Triều Tiên tố cáo dự án báo động tên lửa của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật. Báo Rodon Simmun, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Triều Tiên hôm 14/12/2023, gọi dự án nói trên, do Hoa Kỳ chủ trì, là một ‘‘hành động quân sự hết sức nguy hiểm’’ nhằm đẩy khu vực vào thế đối đầu đáng sợ, và đây là một cái cớ để ‘‘châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh xâm lược Bắc Triều Tiên’’ cũng như hủy diệt các nước láng giềng, ngụ ý nhắc đến Nga và Trung Quốc.

(AFP) – Chiến đấu cơ Nga và Trung Quốc xâm nhập ‘‘vùng nhận dạng phòng không’’ Hàn Quốc. Quân đội Hàn Quốc hôm 14/12/2023, thông báo hai máy bay chiến đấu Trung Quốc và bốn phi cơ Nga đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của nước này. Quân đội Hàn Quốc đã triển khai nhiều phi cơ lên giám sát, ‘‘nhằm sẵn sàng đối phó’’. Sự cố nói trên diễn ra một tuần sau khi cố vấn an ninh Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ, và các đồng minh châu Á sẽ sẵn sàng ‘‘bảo vệ’’ hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.

(AFP) - Philippines trục xuất 180 công dân Trung Quốc bị bắt hồi tháng 10. Những người bị trục xuất ngày 14/12/2023 đều không có giấy phép lao động và bị cảnh sát Philippines tìm thấy trong cuộc đột kích vào một doanh nghiệp bị nghi buôn bán tình dục và lừa đảo trực tuyến ở Manila. Công ty này đã điều hành một khu phức hợp gồm tiệm mát-xa, phòng karaoke và một nhà hàng với khoảng 600 người làm việc đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines. 

(AP) - Đạo diễn phim “Barbie” Greta Gerwig sẽ chủ trì ban giám khảo Liên hoan phim Cannes lần thứ 77. Theo thông báo của Liên hoan phim ngày 14/12/2023, bà Greta Gerwig, diễn viên, nhà văn và đạo diễn phim, đặc biệt là bộ phim bom tấn “Barbie,” sẽ đảm nhiệm vị trí trên. Bà cũng là nữ đạo diễn người Mỹ đầu tiên được bầu làm chủ tịch ban giám khảo của liên hoan phim Cannes. 


***********
voatiengviet.com

Khó tiếp cận viện trợ, cư dân Gaza giết lừa, xin ăn cầm cự qua ngày

Reuters

Cư dân ở Gaza cho biết phải xin bánh mì, mua một lon đậu phải trả gấp 50 lần mức giá bình thường và phải giết lừa để cầm cự qua ngày vì xe thực phẩm cứu trợ không thể đến phần lớn các khu vực ở Gaza.

Israel đang tấn công dọc theo chiều dài Dải Gaza để theo đuổi mục tiêu diệt trừ Hamas. Xung đột khiến các đoàn xe viện trợ gần như không thể di chuyển xung quanh hay tiếp cận những người đang đói khát.

Văn phòng nhân đạo của Liên hiệp quốc OCHA ngày 14/12 cho biết việc phân phối viện trợ vốn có giới hạn đang diễn ra ở khu vực Rafah, gần biên giới với Ai Cập, nơi ước tính gần một nửa dân số 2,3 triệu người của Gaza hiện đang sinh sống.

“Ở phần còn lại của Dải Gaza, việc phân phối viện trợ phần lớn đã ngừng lại do cường độ giao tranh và sự hạn chế di chuyển dọc theo các tuyến đường chính”, OCHA cho biết.

Ông Abdel-Aziz Mohammad, 55 tuổi, phải di tản khỏi Thành phố Gaza và đang trú ẩn cùng gia đình và ba người khác, tổng cộng khoảng 30 người, tại nhà của những người bạn sống xa hơn về phía nam, cho biết:

“Tôi từng có một ngôi nhà lớn, hai tủ lạnh chứa đầy thức ăn, điện và nước khoáng. Sau hai tháng chiến tranh, tôi phải đi ăn xin bánh mì.”

“Đó là một cuộc chiến tranh gây chết đói. Họ (Israel) buộc chúng tôi phải rời bỏ nhà cửa, họ phá hủy nhà cửa và cơ sở kinh doanh của chúng tôi và đẩy chúng tôi về phía nam, nơi chúng tôi có thể chết dưới bom đạn của họ hoặc chết vì đói.”

Người đứng đầu cơ quan Liên hiệp quốc chuyên trách về người tị nạn Palestine, UNRWA, ngày 14/12 cho hay cư dân Gaza đói khát chặn xe tải viện trợ của UNRWA để cướp thực phẩm và ăn ngay tại chỗ.

Ở phía bắc Gaza, nơi hứng chịu bom đạn từ cuộc tấn công quân sự của Israel trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, từ ngày 7/10 đến khi bắt đầu lệnh ngừng bắn vào ngày 24/11, giao tranh dữ dội đã tái diễn và hầu như không có viện trợ nào được chuyển đến kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc vào ngày 1/12.

Ông Youssef Fares, một nhà báo đến từ Jabalia ở miền bắc, cho biết những mặt hàng thiết yếu như bột mì hiện nay rất khó tìm nên giá đã tăng từ 50 đến 100 lần so với trước chiến tranh.

Miền Bắc bị cô lập

“Sáng nay tôi đi tìm một ổ bánh mì mà tìm mãi không ra. Thứ còn sót lại ở chợ là kẹo cho trẻ em và vài lon đậu đã tăng giá gấp 50 lần”, ông chia sẻ trên Facebook.

“Tôi đã chứng kiến một người giết một con lừa để nuôi hàng trăm người thân trong gia đình mình”, ông nói.

Tất cả các xe tải viện trợ đều đang vào Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập, nhưng trước tiên chúng phải được Israel kiểm tra. Kể từ khi việc giao hàng bắt đầu vào ngày 20/10, các cuộc kiểm tra đã được tiến hành tại cửa khẩu Nitzana giữa Israel và Ai Cập, buộc các xe tải phải chạy vòng từ Rafah đến Nitzana và quay trở lại, gây tắc nghẽn.

Kể từ ngày 13/12, Israel đã bắt đầu kiểm tra bổ sung tại một địa điểm khác, cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel với Gaza, nơi mà các quan chức viện trợ mong là sẽ giảm bớt tắc nghẽn.

Các quan chức Liên hiệp quốc cho biết 152 xe tải viện trợ đã vào Gaza hôm 13/12, tăng so với khoảng 100 xe một ngày trước đó, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với những gì cần thiết để giải quyết thảm họa nhân đạo đang diễn ra ở Gaza.

Họ kêu gọi Israel cho phép xe tải đi thẳng vào Gaza qua Kerem Shalom thay vì bắt chúng quay trở lại Rafah.

Một quan chức cấp cao của Liên hiệp quốc hiểu biết chi tiết về vấn đề cung cấp viện trợ cho biết Israel có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể bằng cách cho phép xe tải đi qua Kerem Shalom, nhưng họ đã chọn không làm vậy.

Quan chức này nói: “Đó không phải là một bước đột phá nào kể từ khi họ bắt các đoàn xe quay trở lại Rafah… Đó là một trò lừa bịp khác”.

Israel bắt đầu chiến dịch tiêu diệt nhóm hiếu chiến Hamas, phe đang kiểm soát Gaza, sau khi các tay súng Hamas xông qua hàng rào biên giới vào miền nam Israel hôm 7/10, giết chết 1.200 người, bao gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ em, đồng thời bắt giữ 240 con tin ở mọi lứa tuổi.

Theo các cơ quan y tế Palestine, kể từ đó, các cuộc bắn phá và bao vây trả đũa của Israel đã giết chết hơn 18.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm tan hoang phần lớn lãnh thổ Gaza, khiến phần lớn dân cư nơi này phải di tản.


***********
voatiengviet.com

Cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc chỉ là cái vỏ rỗng?

VOA Tiếng Việt

Việt Nam tham gia ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc chỉ là ‘nỗ lực làm yên lòng Bắc Kinh’ sau khi Hà Nội xích gần về phương Tây, các nhà quan sát nhận định với VOA, và việc này ‘về cơ bản không thay đổi gì quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hay với Mỹ’.

Hôm 12/12, Việt Nam nhất trí xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc theo lời đề nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau cuộc gặp giữa ông Tập với Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tuyên bố chung của hai nước ghi rằng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc ‘có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại’.

Theo giải thích của ông Tập trong bài viết trên báo Nhân dân của Việt Nam thì ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ có nghĩa là Trung Quốc ‘gắn kết sự phát triển của mình với sự phát triển của các nước láng giềng để mỗi nước đều có cuộc sống tươi đẹp’.

Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tương lai châu Á ‘nằm trong tay người dân châu Á’ trong ngụ ý nhằm loại vai trò của Mỹ ra khỏi khu vực.

Để lôi kéo Việt Nam tham gia ý tưởng này, Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ mở cửa hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản, và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Việt Nam để tăng cường kết nối hai nước.

‘Giữ thể diện cho ông Tập’

Việt Nam chấp nhận đề xuất này của Trung Quốc là để ‘giúp ông Tập giữ thể diện’ và ‘giữ ổn định’ sau khi họ đã nâng cấp quan hệ với Mỹ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi đầu tháng 9, ông Greg Poling, giám đốc Chương trình đông nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nói với VOA.

“Tất cả thông tin đều cho thấy Hà Nội không muốn gia nhập ý tưởng của Trung Quốc về cộng đồng chung vận mệnh nhưng cuối cùng họ cảm thấy cần phải nhượng bộ trên vấn đề này,” ông Poling nói thêm

Ông lưu ý khái niệm này lúc đầu có tên là ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ nhưng sau đó đã được điều chỉnh thành ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ để có sự bao trùm hẹp hơn. Theo lời ông thì khái niệm này chỉ là ‘ngôn từ rất kêu nhưng nội dung không có gì nhiều’.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang từ Viện Nghiên cứu đông nam Á ở Singapore nhắc lại ý tưởng về Cộng đồng chung vận mệnh của ông Tập Cận Bình không phải là điều gì mới mẻ và trước Việt Nam đã có 6 nước đông nam Á ký kết tham gia cộng đồng này.

“Khái niệm rộng và bao trùm nhiều vấn đề nhưng mà trên thực tế thực hiện như thế nào thì không được cụ thể lắm. Cho nên tôi nghĩ việc ký kết này nhìn chung mang ý nghĩa nhiều hơn về hình thức bên ngoài,” ông Giang nói với VOA.

Ông lưu ý cách nói ‘chung vận mệnh’ ‘hơi nhạy cảm với Việt Nam’, khó được Việt Nam chấp nhận, nên phải đổi thành ‘chia sẻ tương lai’.

Khi được hỏi việc Việt Nam đồng ý với ý tưởng này có phải thành công của ông Tập trong chuyến công du Việt Nam hay không, ông Giang nói: “Phần nào đây là động thái tái cân bằng của Việt Nam khi mà trong năm qua Việt Nam đã có rất nhiều những cải thiện đáng kể về quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây.”

Theo lời ông giải thích thì khi chấp nhận ý tưởng này, Hà Nội muốn trấn an Bắc Kinh rằng họ ‘sẽ không bỏ rơi Trung quốc để chạy sang phía bên kia cũng như sẽ không tham gia vào nỗ lực kiềm tỏa Trung Quốc’.

Cho nên chuyên gia cho rằng đây là động thái ngoại giao ‘khá bình thường’ của Việt Nam để đảm bảo an ninh của Việt Nam với Trung Quốc trong khi tạo điều kiện choViệt Nam có bước phát triển mới.

‘Không có gì thay đổi’

“Cho dù là gì đi nữa, cộng đồng này không có ý nghĩa ngoại giao gì đối với Việt Nam – Trung Quốc vẫn chỉ là một đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam giống như Mỹ, Hàn, Nhật,” ông Greg Poling nói và lưu ý rằng các văn kiện được hai nước ký kết ‘đều rất mơ hồ’.

“Việt Nam sẽ tiếp tục vận dụng tối đa đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ trong khi đi cùng phe với Mỹ và những nước đồng chí hướng khác trên các vấn đề quan tâm chung, trong đó an ninh trên biển.”

Ông Poling nhấn mạnh Hà Nội đã từ chối ký kết hợp tác với Trung Quốc về khoáng sản trọng yếu, bao gồm đất hiếm, mặc dù chính bản thân ông Tập vận động.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang chỉ ra trong hệ thống phân cấp về quan hệ ngoại giao của Việt Nam, cao hơn Đối tác chiến lược Toàn diện là ‘Quan hệ đặc biệt’ mà Việt Nam có với Cuba hay Lào chứ không phải với Trung Quốc, và ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ không tồn tại trong các khái niệm ngoại giao của Việt Nam.

Dẫn Tuyên bố chung giữa hai nước, ông Giang cho rằng Việt Nam ‘đã cố gắng chèn vào những khái niệm mà Trung Quốc không thích’ như ‘tuân thủ luật pháp quốc tế’ hay Công ước Quốc tế về Luật biển, tức UNCLOS’.

“Khi mà có thêm một cái gọi là ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai’ giữa Việt Nam và Trung Quốc thì tôi nghĩ không thay đổi nhiều về bản chất mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước,” ông Giang nói.

Khi được hỏi liệu Việt Nam có bị Bắc Kinh lôi kéo khỏi các nước phương Tây, ông Giang nói: “Việc Việt Nam đồng ý tham gia Cộng đồng chia sẻ tương lai này không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn đi vào quỹ đạo của Trung Quốc hay chấp nhận khái niệm của Trung Quốc về trật tự thế giới.”

Lợi ích kinh tế

Ông Giang chỉ ra trong 36 văn bản ký kết thì đa số ‘tập trung chủ yếu vào thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ’.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho nông sản của Việt Nam. Điển hình là trái sầu riêng, sau khi được Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhập khẩu chính ngạch hồi năm 2022, thì chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất gần 2 tỉ đô la Mỹ sầu riêng sang Trung Quốc, theo số liệu của giới chức thương mại Việt Nam.

Trong 36 văn kiện hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm của ông Tập, có hiệp định xây cầu đường bộ qua biên giới và bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới.

Trước đó, trả lời báo chí trong nước, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba, nói rằng nước ông sẽ tiến tới cho phép nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt từ Nam Ninh (Quảng Tây) đến Hà Nội và từ Hà Khẩu (Vân Nam) qua Lào Cai đến Hà Nội và Hải Phòng.

Ông Nguyễn Khắc Giang nhận định rằng Hà Nội ‘rõ ràng cố gắng giữ ổn định quan hệ kinh tế-thương mại’ với Trung Quốc và ‘đang có nhu cầu rất lớn về vốn’ để chuyển đổi sang năng lượng xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng’ nên cũng muốn thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ Trung Quốc ở những dự án không quá nhạy cảm.

Do đó, ông cho rằng ít nhất cộng đồng này ‘có lợi cho Việt Nam về giao thương và đầu tư với Trung Quốc’.

“Phải đảm bảo làm sao có những chính sách liên quan đến việc thông thương hàng hóa Việt Nam được minh bạch rõ ràng thay vì trở thành công cụ để Trung Quốc gây sức ép khi xảy ra những vấn đề phi kinh tế,” ông lưu ý.

Khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ hồi tháng 9, hợp tác kinh tế là nội dụng chủ đạo được đề cập giữa hai nước. Ông Giang cho rằng nhu cầu tăng trưởng kinh tế trong nước là động lực thúc đẩy Việt Nam có các động thái ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc.

“Với Việt Nam thì trong tất cả các cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn thì Việt Nam ở trong thế rất thuận lợi để thu hút đầu tư và hỗ trợ từ hai bên, và Việt Nam rõ ràng đã rất khôn ngoan trong việc cố gắng đi ở giữa để tận dụng tối đa lợi thế ấy.”

Biển Đông

Cả hai nhà nghiên cứu Greg Poling và Nguyễn Khắc Giang đều cho rằng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc’ sẽ ‘không thay đổi gì tình hình trên Biển Đông’.

Ông Poling cho rằng không ai ở Việt Nam mong chờ sẽ sử dụng được đường dây nóng về đánh bắt cá giữa hai nước trên Biển Đông vừa được thiết lập còn ông Giang nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh và Hà Nội về Biển Đông vẫn không đổi.

Việt Nam là nước châu Á duy nhất mà ông Tập đến thăm trong cả năm qua, và là nước thứ hai sau Nga ông Tập đến thăm mà không kết hợp các hoạt động đa phương.

“Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của tôi trong năm nay,” ông Tập được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV dẫn lời nói với Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. “Điều này hoàn toàn cho thấy vị trí đặc biệt của mối quan hệ Trung-Việt trong tổng thể ngoại giao Trung Quốc.”


************
voatiengviet.com

EU đồng ý khởi sự đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine

Reuters

Cùng ngày 14/12, các lãnh đạo trong Liên hiệp Châu Âu EU mang lại cho Ukraine một chiến thắng chính trị to lớn khi đồng ý khởi sự các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine giữa lúc cuộc phản công của Ukraine chống Nga xâm lược không đạt được thắng lợi lớn và viện trợ quân sự từ Mỹ càng lúc càng không chắc chắn.

Các giới chức và các nhà ngoại giao EU cho hay diễn tiến bất ngờ này xảy ra trong lúc Thủ tướng Hungary Viktor Orban đồng ý rời khỏi phòng họp và hiểu rằng các lãnh đạo còn lại sẽ xúc tiến cuộc biểu quyết.

Mấy tuần qua, trong số lãnh đạo 27 nước thành viên EU, chỉ có Thủ tướng Hungary Viktor Orban lên tiếng phản đối việc bật đèn xanh cho Ukraine tham gia đàm phán thành viên, trong lúc Ukraine còn tiếp tục chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga.

Ông Orban xác nhận đã vắng mặt không biểu quyết tại cuộc họp thượng đỉnh của EU về điều mà ông gọi là ‘quyết định tồi.’

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hoan nghênh quyết định của EU và gọi đây là chiến thắng của Ukraine và của toàn bộ Châu Âu.

“Tôi xin chúc mừng mọi người Ukraine trong ngày này... Lịch sử được làm nên bởi những người không mệt mỏi đấu tranh cho tự do,” ông Zelenskyy nói.

Ukraine rất cần sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây trong cuộc chiến kéo dài gần hai năm chống lại lực lượng Nga. Cuộc phản công của họ đã không đạt được thắng lợi lớn và chính quyền Biden cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ đô la cho Ukraine.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đây là “một quyết định chiến lược và một ngày sẽ còn khắc sâu trong lịch sử Liên hiệp của chúng ta”.

Thảo luận sẽ mất nhiều năm

Bản thân các cuộc đàm phán có thể sẽ mất nhiều năm.

Ukraine, quốc gia có dân số 44 triệu người và có diện tích lớn hơn bất kỳ thành viên EU nào về mặt địa lý, gặp một số thách thức đặc biệt trong việc gia nhập khối EU 27 thành viên.

Một số nhà ngoại giao cho biết Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề nghị ông Orban rời khỏi phòng họp để quyết định có thể được thông qua.

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói với các phóng viên: “Thủ tướng Orban đã đưa ra quan điểm của mình rất mạnh mẽ. Ông ấy không đồng ý với quyết định này và ông ấy không thay đổi quan điểm của mình, nhưng về cơ bản quyết định không sử dụng quyền phủ quyết”.

Trong nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ về vấn đề này, ông Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp ông Orban trước hội nghị thượng đỉnh, cùng với bà von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.

Ủy ban Châu Âu hôm 13/12 đã khôi phục quyền tiếp cận của Hungary với số tiền hoàn lại lên tới 10,2 tỷ euro cho các dự án kinh tế sau khi nhận thấy nước này đã đáp ứng các điều kiện về tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục tại hội nghị thượng đỉnh về khuôn khổ ngân sách nhiều năm của khối.

Ông Michel ngày 14/12 nói Hội đồng Châu Âu cũng đã quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập với Moldova.

Ông cho biết hội nghị thượng đỉnh đã trao tư cách ứng cử viên EU cho Georgia và cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực của một nước khác đầy hy vọng - Bosnia - một khi nước này đạt được “mức độ tuân thủ cần thiết” với các tiêu chí.

Trước đó một ngày, khi 27 nhà lãnh đạo EU tập trung tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm, ông Orban nhấn mạnh rằng EU không nên bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine. Ông là người duy nhất phản đối tại hội nghị thượng đỉnh.

Các nhà lãnh đạo EU khác đã cảnh báo rằng việc không đồng ý khởi sự đàm phán sẽ được coi là một chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết quyết định bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine là một thông điệp gửi tới Kyiv cũng như gửi tới Moscow.


************
rfi.fr

Ukraina mong chờ một quyết định lịch sử từ thượng đỉnh Liên Âu

Minh Phương

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu mở ra vào sáng nay 14/12/2023 tại Bruxelles sẽ thảo luận về những quyết định mang tính lịch sử bao gồm việc thông qua gói viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraina và việc nước này gia nhập EU. Cả Kiev lẫn Bruxelles đều đang chờ xem thái độ của Hungary sau khi thủ tướng Viktor Orban tuyên bố phản đối tư cách thành viên của Ukraina.

Đăng ngày:

2 phút

Hungary's Prime Minister Viktor Orban, right, speaks with Austria's Chancellor Karl Nehammer, second right, during a group photo of European Union and Western Balkan leaders at an EU-Western Balkans s
Ảnh minh họa: Các nhà lãnh đạo Liên Âu và Tây Balkan tại hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan ở Bruxelles, Bỉ, ngày 13/12/2023. AP - Omar Havana

Theo thông tín viên RFI Stéphane Siohan tại Kiev, giới lãnh đạo Ukraina đang cố thúc đẩy các quốc gia bạn bè trong Liên Hiệp Châu Âu gia tăng sức ép trên Hungary để Budapest thay đổi thái độ:

Theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 11, 81% người dân Ukraina mong muốn đất nước của họ gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Bởi vậy, mọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo cũng như người dân ở đây sẽ đổ dồn vào hai ngày họp thượng đỉnh châu Âu, vì họ hiểu rằng đây là một thời điểm có tầm quan trọng lịch sử đối với đất nước của họ đang phải đấu tranh cho sự tồn vong của minh trên chiến trường.

Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ tới Bruxelles. Dù chưa có thông báo về phương thức tham dự của ông, nhưng theo truyền thông Ukraina, vào sáng nay, ông sẽ gặp Donald Tusk, tân thủ tướng Ba Lan, một người ông rất thân và luôn có quan hệ rất tốt.

Trong chuyến ghé thăm Oslo, thủ đô Na Uy, ông Zelensky cũng đã gởi lời kêu gọi đến các đồng minh vùng Bắc Âu. Đồng thời, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cũng đã gặp người đồng cấp Hungary Péter Szijjártó với hy vọng thúc đẩy Budapest có lập trường hoà hoãn hơn.

Hungary muốn lấy lại hàng tỷ euro bị Liên Âu phong tỏa, Ukraina thì đang rất cần viện trợ tài chính. Thế nhưng thách thức đối với Kiev nằm ở chỗ khác : Được trở thành thành viên của đại gia đình Liên Âu, hoặc bị bỏ lại bên ngoài, để mặc cho nước Nga của Putin muốn làm gì thì làm.


************
voatiengviet.com

Ông Putin thề không bỏ cuộc ở Ukraine cho đến khi đạt được mục tiêu

Reuters

Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/12 thề quyết sẽ tiếp tục chiến đấu ở Ukraine cho đến khi Moscow đảm bảo được “phi quân sự hóa”, “phi quốc xã hóa” và tính trung lập của Ukraine, trừ khi Kyiv chấp nhận một thỏa thuận đạt được những mục tiêu vừa kể này.

Trả lời các câu hỏi từ công chúng, giới truyền thông và cả các binh sĩ tiền tuyến, ông Putin đã thể hiện lập trường không khoan nhượng đối với Ukraine tại cuộc họp báo kéo dài 4 giờ được tổ chức trong lúc ông tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm nữa vào tháng 3.

Ông Putin, hiện 71 tuổi, nói với người Nga rằng các mục tiêu ban đầu của ông ở Ukraine không thay đổi và các lực lượng Nga đã chiếm thế chủ động trên chiến trường trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà ông phát động vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Ông Putin nói các lực lượng vũ trang của Nga trên chiến tuyến đang cải thiện vị thế của mình một cách khiêm tốn. “Hầu như tất cả đều đang trong giai đoạn hành động tích cực”.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, Kyiv đã tăng cường theo đuổi việc trở thành thành viên NATO và Liên hiệp châu Âu, những bước đi mà họ coi là quan trọng để tự vệ và giành độc lập khỏi Nga nhưng bị Moscow phản đối.

Ông Putin nhắc lại quan điểm của mình rằng việc liên minh quân sự phương Tây mở rộng về phía đông là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh - một quan điểm bị phương Tây bác bỏ, vốn coi ông Putin là kẻ xâm lược.

“Sẽ có hòa bình khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình...Về vấn đề phi quân sự hóa, nếu họ (người Ukraine) không muốn đi đến thỏa thuận - thì chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp khác, bao gồm cả biện pháp quân sự.”

“Hoặc là chúng tôi đạt được một thỏa thuận, đồng ý về một số giới hạn nhất định (về quy mô và sức mạnh của quân đội Ukraine)... hoặc chúng tôi giải quyết vấn đề này bằng vũ lực. Đây là điều chúng tôi sẽ phấn đấu đạt được.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói các cuộc đàm phán với Nga là không thể cho đến khi tất cả binh sĩ Nga bị đuổi khỏi lãnh thổ Ukraine và ông Zelenskyy đang tìm kiếm sự hỗ trợ thêm của phương Tây để bảo vệ đất nước của mình.

Kyiv và các đồng minh cũng bác bỏ lập luận của ông Putin rằng ông Zelenskyy, một người Do Thái, đứng đầu một “chế độ Quốc xã”.

Ông Putin, nhà lãnh đạo tối cao của Nga trong hơn hai thập niên, đã tự nhận mình là người phù hợp để tiếp tục lãnh đạo nước Nga vượt qua một cuộc xung đột mà ông coi là quan trọng cho sự sống còn của nước Nga. Kyiv và các đồng minh phương Tây coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiếm đất kiểu thuộc địa vô cớ.

Ở một giai đoạn trong cuộc họp báo khá dài, ông Putin đã nhận câu hỏi từ các lực lượng Nga đang chiến đấu gần tiền tuyến, với tiếng súng vang vọng ở phía sau.

Chỉ trích phương Tây

Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Ông Putin nói ông đã phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy sự nhiệt tình của phương Tây trong việc cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine đang suy giảm, nhưng ông tin rằng Kyiv sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ vào lúc này.

Ông cho biết việc mở rộng về phía đông của NATO đã buộc Nga phải gây chiến.

Ông nói: “Mong muốn mãnh liệt muốn tiến tới biên giới của chúng tôi, đưa Ukraine vào NATO, tất cả những điều này đã dẫn đến thảm kịch này”, đồng thời kêu gọi Mỹ tìm kiếm sự thỏa hiệp thay vì cố gắng giải quyết vấn đề “bằng các chế tài và can thiệp quân sự”.

Ông Putin nói nền kinh tế Nga, bị ảnh hưởng bởi các chế tài của phương Tây, dự kiến sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay, nhưng cũng cho biết lạm phát hàng năm có thể lên tới 8%.

Khi ông phát biểu, các câu hỏi từ công chúng hiện lên trên một màn hình khổng lồ, một số người hỏi tại sao mọi thứ lại trở nên mắc mỏ như vậy.

Khi chỉ trích Israel, ông nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine và việc Israel bắn phá Gaza rất khác nhau.

“...Tổng thư ký Liên hiệp quốc gọi Dải Gaza ngày nay là nghĩa địa lớn nhất của trẻ em trên thế giới. Đó là một đánh giá khách quan”, ông nói.

Tuy nhiên, Kyiv cho biết hàng trăm trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Nga nhằm san phẳng các khu dân cư ở các thị trấn, thành phố và làng mạc trên khắp Ukraine bất chấp Moscow khẳng định rằng họ không cố tình nhắm vào dân thường.

Ông Putin hiện loại trừ khả năng huy động thêm quân và nói thêm rằng Moscow có 617.000 lính chiến đấu ở Ukraine.

Ông nói: “Dòng người sẵn sàng bảo vệ quê hương của chúng ta... không hề giảm... Cho đến ngày hôm nay không cần phải động viên”.

**********

Tin tức thế giới 15-12: Phần Lan đóng biên giới với Nga 1 tháng; EU mở đàm phán kết nạp Ukraine

BÌNH AN

* Phần Lan đóng biên giới với Nga 1 tháng do dòng người tị nạn tăng nhanh
* Israel bổ sung thêm 7 tỉ USD cho ngân sách thời chiến
* EU điều tra kho ứng dụng của Apple và Google

Những binh sĩ Israel chuẩn bị tiến vào Dải Gaza tại khu vực biên giới giữa Israel và Dải Gaza ở phía nam Israel hôm 13-12 - Ảnh: REUTERS

Những binh sĩ Israel chuẩn bị tiến vào Dải Gaza tại khu vực biên giới giữa Israel và Dải Gaza ở phía nam Israel hôm 13-12 - Ảnh: REUTERS

Tin tức thế giới nổi bật: Trung Đông và xung đột Israel - Hamas

* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Mỹ có trách nhiệm đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza. Ngày 14-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Mỹ có "trách nhiệm lịch sử" trong việc đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Dải Gaza càng sớm càng tốt, theo Hãng tin Anadolu.

Ông Erdogan chỉ ra có thể đạt được lệnh ngừng bắn nhanh chóng nếu Mỹ rút lại "sự ủng hộ vô điều kiện" dành cho Israel.

Ông Erdogan và ông Joe Biden đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các cuộc tấn công của Israel vào các vùng lãnh thổ của Palestine, đặc biệt là Gaza, quan hệ song phương cũng như nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel cẩn thận hơn nhằm bảo vệ dân thường ở Gaza. "Tôi muốn họ tập trung vào cách cứu sống dân thường, tức sẽ không ngừng truy lùng Hamas mà cần cẩn thận hơn" - ông Biden nói trước báo giới ngày 14-12.

* Israel bổ sung ngân sách thời chiến năm 2023. Ngày 14-12, Quốc hội Israel đồng ý bổ sung 25,9 tỉ shekel (7 tỉ USD) vào ngân sách quốc gia năm nay để giúp trang trải chi phí trong cuộc chiến ở Gaza, chẳng hạn như bồi thường cho quân dự bị và cung cấp chỗ ở khẩn cấp cho những người phải sơ tán, theo Hãng tin Reuters.

Người phát ngôn Quốc hội Israel thông tin sự điều chỉnh này đã tăng ngân sách năm 2023 lên 510 tỉ shekel (139 tỉ USD). Israel đã thông qua ngân sách năm 2023 cùng ngân sách năm 2024 hồi tháng 5.

* Phiến quân ở Yemen bắn tên lửa vào tàu chở hàng ở Biển Đỏ. Theo Hãng tin AFP, một quan chức Mỹ và một công ty tình báo tư nhân cho biết nhóm phiến quân Houthi của Yemen - nhóm được Iran hậu thuẫn - đã bắn một tên lửa về hướng tàu chở hàng Maersk Gibraltar trên đường tới Saudi Arabia vào hôm 14-12 nhưng bắn trượt. Không ai bị thương trong vụ việc.

Các tin tức thế giới khác

* EU cho phép đàm phán kết nạp Ukraine, bất chấp sự phản đối của Hungary. Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quyết định lịch sử là mở các cuộc đàm phán tư cách thành viên với Ukraine, bỏ qua sự phản đối từ Hungary và mang lại cho Kiev động lực chính trị to lớn trong lúc cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ca ngợi đây là "chiến thắng" dành cho Ukraine và châu Âu, còn Nhà Trắng gọi đây là quyết định lịch sử của EU.

Mặc dù có thể phải mất nhiều năm nữa Ukraine mới có tư cách thành viên EU, nhưng quyết định trên - được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels - đã đưa Ukraine tiến gần hơn đến mục tiêu chiến lược lâu dài của nước này là "neo mình ở phương Tây và tự giải phóng khỏi quỹ đạo của Matxcơva", theo Hãng tin Reuters.

* Phần Lan lại đóng cửa biên giới trên bộ với Nga. Ngày 14-12, Chính phủ Phần Lan cho biết quốc gia Bắc Âu này sẽ đóng các cửa khẩu ở biên giới trên bộ với Nga một lần nữa, chính thức từ ngày 15-12-2023 tới ngày 14-1-2024.

Trong thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen cho biết sau khi nước này mở 2 cửa khẩu, dòng người tị nạn có dấu hiệu tăng trở lại và vấn đề này đặt ra thách thức cho an ninh quốc gia. 

Văn bản này cũng nêu rõ hai cửa khẩu Vaalimaa và Niirala sẽ bị đóng vào tối 15-12 lúc 20h (giờ địa phương). Như vậy, tất cả cửa khẩu trên bộ giữa Phần Lan và Nga sẽ bị đóng cho tới ngày 14-1-2024.

* EU điều tra kho ứng dụng của Apple và Google. Ngày 14-12, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các hãng công nghệ Apple và Google cung cấp thêm thông tin chi tiết về cách họ xác định rủi ro liên quan đến các kho phần mềm tương ứng của hai hãng này.

Yêu cầu cung cấp thông tin là bước đầu tiên trong quy trình vừa được khởi động theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Động thái này không đồng nghĩa với việc phát hiện dấu hiệu hành vi phạm pháp hay chuẩn bị chế tài trừng phạt.

Ủy ban Châu Âu tuyên bố muốn có thêm thông tin về cách Apple và Google đã tích cực xác định mọi rủi ro hệ thống liên quan đến App Store và Google Play. 

* Mỹ xác định việc sử dụng AI mang rủi ro cho hệ thống tài chính. Theo Hãng tin AFP, ngày 14-12, các cơ quan quản lý Mỹ lần đầu tiên xác định việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là một lỗ hổng trong hệ thống tài chính.

Trong báo cáo thường niên, Hội đồng Giám sát ổn định tài chính (FSOC) chỉ ra cần phải theo dõi "sự phát triển nhanh chóng của AI, bao gồm cả AI tạo sinh, để đảm bảo rằng các cơ cấu giám sát theo kịp hoặc đón đầu các rủi ro mới nổi đối với hệ thống tài chính".

Trung Quốc trong sắc trắng

Ảnh chụp từ trên không vào hôm 14-12 cho thấy phong cảnh mùa đông tại úi Minh Sa và danh lam thắng cảnh hồ trăng lưỡi liềm ở thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã

Ảnh chụp từ trên không vào hôm 14-12 cho thấy phong cảnh mùa đông tại núi Minh Sa và danh lam thắng cảnh hồ Trăng lưỡi liềm ở thành phố Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã


**************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn