Donald Tusk

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng tân cử Donald Tusk sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 13/12

Sau vài tuần trì hoãn không trao quyền dù thiếu phiếu nghị sĩ để tiếp tục cầm quyền, đảng Pháp luật và Công lý (PiS) ở Ba Lan đã thất bại, và Quốc hội nước này vừa bầu ra tân chính phủ thuộc liên minh đối lập dân chủ trung tả.

Ông Donald Tusk, người từng làm thủ tướng Ba Lan giai đoạn 2007-2014, một lần nữa trở thành người đứng ra lập tân nội các sau khi các đảng thuộc liên minh của ông thắng phiếu trong bầu cử tháng 10 vừa qua.

Dù được tổng thống đề cử ra lập tân chính phủ nhiệm kỳ hai, đương kim thủ tướng, ông Mateusz Morawiecki (PiS) không được Hạ viện Ba Lan tín nhiệm đêm thứ Hai 11/12.

Các báo Ba Lan đồng loạt đăng tin “Nội các Morawiecki sụp đổ, Quốc hội bổ nhiệm Tusk làm thủ tướng”.

Theo hiến pháp Ba Lan, Quốc hội giành lại quyền bổ nhiệm tân thủ tướng từ tay tổng thống và liên minh của ông Tusk, chiếm đa phiếu ghế nghị sĩ, đã trao quyền đó cho ông bằng cuộc bỏ phiếu hôm qua, giờ Trung Âu.

Nghị sĩ từ liên minh các đảng dân chủ và trung tả của ông Donald Tusk và các ông Wladyslaw Kosniak-Kamysz và Szymon Holownia đã chiếm đã cùng nhau hát quốc ca Ba Lan trong nghị trường khi ông Tusk chính thức được đề cử làm thủ tướng.

Tổng thống Andrzei Duda (cựu đảng viên PiS) sẽ phải chấp nhận làm lễ tuyên thệ nhậm chức cho nội các của Donald Tusk vào thứ Tư tuần này ở Warsaw.

Như thế, sau tám năm cầm quyền gây nhiều điều tiếng, đảng PiS theo xu hướng bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa và thường xuyên xung khắc với EU, sẽ mất quyền.

Ông Tusk cam kết sẽ hợp tác với lãnh đạo EU để mở ngân khoản 36 tỷ euro dành cho Ba Lan vốn bị EU ách lại vì cho rằng chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ trước không đảm bảo nguyên tắc pháp quyền trong ngành tư pháp.

Tusk

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Tusk chủ trương hàn gắn với EU

Chính sách với Nga và Ukraine

Về xu hướng chính trị, Ba Lan trong nhiệm kỳ của tân chính phủ sẽ giữ vững tinh thần ủng hộ Ukraine.

Tuy thế, có dấu hiệu rằng họ không chấp nhận việc Ba Lan trợ giúp cho Ukraine tới mức gây hại cho công dân và kinh tế nước mình.

Tân Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosniak-Kamysz khi còn là nghị sĩ đối lập đã phát biểu hồi tháng 9, ủng hộ việc cấm toàn bộ người Nga vào EU.

Ông cho rằng việc không cấp visa cho tất cả công dân Nga vào EU (gồm có Ba Lan), quả là hành động “trừng phạt tập thể”, nhưng vẫn phải làm thế để gửi ra cho xã hội Nga tín hiệu rõ ràng về thái độ của châu Âu.

Cùng lúc, ông ủng hộ các tài xế xe tải Ba Lan biểu tình, chặn xe chở hàng từ Ukraine ở biên giới. Họ chống lại việc “dịch vụ vận tải Ukraine phá giá thị trường”.

Trong số các chính trị gia kỳ cựu nay trở lại nắm quyền có ông Radek Sikorski, cựu bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao, nay trở lại nắm bộ ngoại giao ở tuổi 60.

Từng sang Afghanistan tham gia chiến đấu chống quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, ông Sikorski học ở Anh và có vợ là nhà báo Mỹ Anne Applebaum, một tác giả nổi tiếng về địa chính trị khu vực “cận biên” hậu Liên Xô giữa các nước Đông Âu, Baltic và Nga.

Hồi tháng 11 năm 2022, bà Applebaum bị Kremlin đưa vào danh sách 200 người “bị trừng phạt, cấm nhập cảnh vì thái độ bài Nga”.

Thế hệ trẻ nắm quyền ở Ba Lan

Nhìn chung, ngoài ông Donald Tusk đã 63 tuổi, cuộc bầu cử lần này đưa vào Nghị viện và chính phủ Ba Lan nhiều chính trị gia khá trẻ.

Tân Chủ tịch Hạ viện Szymon Holownia năm nay 47 tuổi.

Tân Bộ trưởng chuyên về quan hệ với EU, một vị trí chủ chốt cho Ba Lan, là ông Adam Szlapka, năm nay 39 tuổi.

Phó thủ tướng Wladyslaw Kosniak-Kamysz năm nay 42 tuổi, một phó thủ tướng khác, ông Krzysztof Gawkowski, kiêm chức Bộ trưởng Kỹ thuật số năm nay mới 43 tuổi. Bộ trưởng Nội vụ Marcin Kierwinski hiện 47 tuổi và Bộ trưởng Tư pháp Adam Bodnar 46 tuổi. Về phía nữ cũng vậy, bà Paulina Hennig-Kloska, tân Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường, 46 tuổi, bà Agnieszka Dziemianowicz-Bąk, bộ trưởng Gia đình và Chính sách Xã hội, mới 39 tuổi.

Họ thuộc thế hệ Ba Lan trưởng thành và vào chính trường hoàn toàn trong thời kỳ dân chủ sau khi hệ thống XHCN ở Ba Lan giải tán năm 1989.