Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 02 -12 -2023

Thứ Bảy, 02 Tháng Mười Hai 20237:25 SA(Xem: 980)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 02 -12 -2023
Hamas 2
************

COP28 : Hơn 110 quốc gia ủng hộ mục tiêu tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo

Trọng Thành

Trong ngày thứ ba của thượng đỉnh khí hậu COP28, hôm nay 02/12/2023, 116 nước ký tên vào cam kết nhằm tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo trước 2030. Cam kết này không mang tính ràng buộc.

Đăng ngày:

2 phút

Chủ tịch COP28 thông báo các quốc gia nói trên cam kết phối hợp để nâng tổng công suất năng lượng tái tạo (bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) lên 11.000 GW so với 3.400 GW hiện nay. Theo AFP, tăng gấp ba năng lượng tái tạo là đề xuất của Liên Âu từ đầu năm nay, được nước chủ nhà Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất ủng hộ. Mục tiêu này sau đó được nhóm G7 và G20 ủng hộ. Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, mục tiêu nói trên ‘‘gửi đi một thông điệp rất mạnh đến giới đầu tư và các thị trường tài chính, cho thấy rõ hướng đi sắp tới’’ của cộng đồng quốc tế.

Một điểm đáng chú ý là Pháp cùng với Mỹ và nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam và Indonesia, đã khởi động một sáng kiến ​​nhằm hỗ trợ đẩy nhanh việc thoát khỏi than đá, nguồn năng lượng hóa thạch chiếm 1/3 sản lượng điện trên thế giới. 

Cũng ngày hôm nay, khoảng 20 quốc gia – bao gồm Mỹ, Pháp, Trung Quốc kêu gọi đưa mục tiêu tăng gấp ba năng lượng hạt nhân so với năm 2020, từ đây đến năm 2050, vào Tuyên bố chung. Trung Quốc và Nga – các nhà chế tạo lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới - không nằm trong danh sách các nước ký tên.

Lần đầu tiên đông đảo các nước chấp nhận đưa lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, chiếm một phần ba khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào kế hoạch khí hậu quốc gia. Kêu gọi được sự tham gia của khoảng 130 quốc gia.


*********
rfi.fr

Miến Điện: Phiến quân sắc tộc thiểu số mở thêm mặt trận ở vùng giáp giới Thái Lan

Trọng Nghĩa

Đang phải vất vả đối phó với các nhóm vũ trang thuộc ba sắc tộc thiểu số ở miền đông bắc, giáp giới với Trung Quốc, tập đoàn quân sự Miến Điện từ nhiều ngày qua đã phải chống lại các cuộc tấn công của chiến binh thuộc sắc tộc Karen ở miền đông nam, gần biên giới Thái Lan. Theo lời chứng của cư dân tại chỗ và hình ảnh lưu truyền trên mạng, vào hôm qua, 01/12/2023, giao tranh đã diễn ra dữ dội trên một trục lộ giao thương chính nối liền Miến Điện với Thái Lan.

Đăng ngày:

3 phút

Theo hãng tin Pháp AFP, ngay từ sáng sớm, các tay súng của Liên Minh Dân Tộc Karen (KNU) đã đụng độ với lực lượng chính phủ tại thị trấn Kawkareik, nằm ở phía đông bang Karen ngay bên cạnh Thái Lan.

Đây là một thị trấn nằm trên Xa Lộ Châu Á nối trung tâm thương mại Myawaddy ở biên giới Thái Lan với thành phố lớn nhất Miến Điện là Rangoon. Chiến sự đã khiến giao thông bị tắc nghẽn và khiến nhiều người dân phải bỏ chạy để tìm nơi trú ẩn.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carole Isoux tường trình:

"Thị trấn Kawkareik, cách biên giới Thái Lan khoảng 20 km, là nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh dữ dội: Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khoảng 15 chiếc xe tải nằm bất động trên một trục giao thông được mệnh danh là Xa lộ Châu Á, nối liền Rangoon, thành phố chính của Miến Điện, với Bangkok, thủ đô Thái Lan. Trên ảnh, người ta thấy những cột khói bốc lên và người dân đang cố tìm cách lánh nạn trong những nơi trú ẩn.

Đụng độ bùng lên giữa Quân Đội chính phủ Miến Điện với các tay súng thuộc lực lượng Quân Đội Karen, một nhóm sắc tộc thiểu số đã chiến đấu chống lại chính quyền trung ương Miến Điện từ nhiều thập kỷ. Giao tranh đã nổ ra ở khu vực miền đông nam này từ vài tuần trước đây, nhưng đã bị tình hình chiến sự dữ dội tại vùng giáp giới với Trung Quốc ở phía đông bắc đất nước làm cho lu mờ.

Chính quyền quân sự Miến Điện, với quân số ngày càng ít đi và trẻ hơn như được thấy trên hình ảnh được đăng tải trên mạng, giờ đây đang phải đối mặt với ít nhất ba mặt trận phối hợp ở miền Đông Bắc, Tây Bắc và miền Đông.

Bất chấp đà xích lại gần hơn với chính phủ dân chủ Miến Điện lưu vong NUG, các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau đó hiện đang chủ yếu đấu tranh dưới danh nghĩa của riêng họ, với những yêu cầu đáng kể về quyền tự chủ và kiểm soát cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của các khu vực nơi họ sinh sống."

Không chỉ có các nhóm vũ trang của người Karen là đã tham gia phong trào nổi dậy các cuộc tấn công tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo hãng tin Pháp AFP, tại bang Kayah, từ nhiều tuần lễ nay, các chiến binh của Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân (PDF) thuộc phong trào dân chủ Miến Điện, cũng đã tung ra những cuộc tấn công nhằm chiếm lấy thành phố Loikaw, thủ phủ của bang, nơi có khoảng 50.000 cư dân sinh sống.

Chiến sự gay gắt đến mức mà chính lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tướng Min Aung Hlaing phải thừa nhận rằng các cuộc tấn công rất dữ dội, trong lúc phía Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân cho biết là đã có đến 70% cư dân Loikaw phải chạy đi nơi khác để lánh nạn.


***********
voatiengviet.com

Số ca bệnh hô hấp ở TQ tăng vọt, nghị sĩ Mỹ yêu cầu cấm qua lại với Trung Quốc

Reuters

Năm thượng nghị sĩ Mỹ bên đảng Cộng hòa hôm 1/12 yêu cầu chính quyền của Tổng thống Joe Biden cấm du hành qua lại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau khi số ca mắc bệnh hô hấp ở Trung Quốc tăng đột biến.

Kiến nghị thư dẫn đầu bởi thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, nêu rõ: “Chúng ta nên hạn chế ngay việc đi lại giữa Hoa Kỳ và (Trung Quốc) cho đến khi chúng ta hiểu rõ thêm về mối nguy hiểm do căn bệnh mới này gây ra.”

Sự gia tăng số ca bệnh về đường hô hấp tại Trung Quốc đã trở thành một vấn đề toàn cầu vào tuần trước khi Tổ chức Y tế Thế giới yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin, trích dẫn một báo cáo về các chuỗi các ca bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán ở trẻ em.

Tòa Bạch Ốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa bình luận gì về việc này.

Quyền giám đốc bộ phận phòng chống dịch bệnh và đại dịch của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết vào đầu tuần này rằng sự gia tăng hiện nay dường như được thúc đẩy bởi sự gia tăng số trẻ em mắc các mầm bệnh mà các em đã tránh được trong hai năm COVID.

Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng đều đặn các chuyến bay qua lại giữa đôi bên vốn vẫn còn thấp hơn nhiều so với năm 2019.

Đầu năm 2020, Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ đã cấm nhập cảnh hầu hết những người không phải công dân Hoa Kỳ đã ở Trung Quốc trong hai tuần trước đó vì lo ngại về COVID. Tuy nhiên, ông không cấm hay hạn chế các chuyến bay giữa hai nước.

Hoa Kỳ đã dỡ bỏ các hạn chế du hành chưa từng có đối với du khách quốc tế đã được tiêm chủng đầy đủ bắt đầu từ tháng 11 năm 2021, bao gồm cả từ Trung Quốc.

Tới giữa năm 2022, Mỹ cũng đã hủy bỏ một yêu cầu riêng đối với hành khách đi máy bay là phải xét nghiệm âm tính trước khi đến Mỹ.

Hoa Kỳ đầu năm nay bắt đầu yêu cầu hành khách đi máy bay phải có xét nghiệm COVID âm tính sau khi Bắc Kinh bỏ các chính sách zero-COVID nghiêm ngặt, nhưng Mỹ đã dỡ bỏ các yêu cầu này hồi tháng 3.


***********
voatiengviet.com

Tin nói Israel muốn có một vùng đệm ở Gaza thời hậu chiến

Reuters

Israel đã thông báo cho một số quốc gia Ả Rập rằng họ muốn lập một vùng đệm ở biên giới Gaza bên phần đất của Palestine để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai trong khuôn khổ các đề xuất liên quan tới vùng đất Gaza sau khi chiến tranh kết thúc, các nguồn tin Ai Cập và các nguồn tin từ khu vực cho biết.

Theo ba nguồn tin khu vực, Israel báo kế hoạch của mình với các nước láng giềng Ai Cập và Jordan, cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vốn đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020.

Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được thông báo, các nguồn tin cho biết.

Sáng kiến này không cho thấy cuộc tấn công của Israel tại Gaza sắp kết thúc nhưng chứng tỏ Israel đang vươn ra xa hơn các nước Ả Rập có vai trò hòa giải lâu nay như Ai Cập hay Qatar, trong lúc tìm cách định hình một Gaza hậu chiến.

Không có quốc gia Ả Rập nào tỏ ra sẵn sàng muốn giám sát hoặc quản lý Gaza trong tương lai và hầu hết đều lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Israel khiến hơn 15.000 người thiệt mạng và nhiều khu vực đô thị của Gaza bị san bằng.

Hamas đã giết chết 1.200 người và bắt giữ 240 con tin trong cuộc đột kích vào miền nam Israel hôm 7/10, khơi mào chiến tranh.

Một quan chức an ninh cấp cao của khu vực, yêu cầu giấu tên, cho biết: “Israel muốn vùng đệm này giữa Gaza và Israel từ bắc tới nam để ngăn chặn bất kỳ tay súng Hamas hoặc phiến quân nào khác xâm nhập hoặc tấn công Israel.”

Chính phủ Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ chưa hồi đáp yêu cầu bình luận. Các quan chức Jordan không thể phản hồi tức thì.

Khi được hỏi về kế hoạch vùng đệm, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Israel, ông Ophir Falk, nói: “Kế hoạch này chi tiết hơn thế. Nó dựa trên quy trình ba cấp cho thời hậu Hamas.”

Nêu rõ quan điểm của chính phủ Israel, ông cho biết ba cấp độ đó là tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa Gaza, và phi cực đoan hóa vùng đất này.

“Vùng đệm có thể là một phần của quá trình phi quân sự hóa,” ông nói thêm nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết khi được hỏi liệu những kế hoạch đó có được nêu ra với các đối tác quốc tế, bao gồm các quốc gia Ả Rập, hay không.

Các quốc gia Ả Rập nói mục tiêu của Israel muốn xóa sổ Hamas là bất khả thi và cho rằng Hamas không đơn giản chỉ là một lực lượng chủ chiến có thể bị đánh bại.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Israel đã nêu ý tưởng về vùng đệm mà không nói rõ với ai. Nhưng quan chức này cũng nhắc lại sự phản đối của Washington đối với bất kỳ kế hoạch nào nhằm giảm quy mô lãnh thổ của người Palestine.

Jordan, Ai Cập và các quốc gia Ả Rập khác đã lên tiếng lo ngại rằng Israel muốn đẩy người Palestine ra khỏi Gaza, lặp lại việc tước đoạt đất đai mà người Palestine phải gánh chịu khi Israel được thành lập vào năm 1948. Chính phủ Israel phủ nhận có mục đích như vậy.

Một nguồn tin an ninh cấp cao của Israel cho biết ý tưởng về vùng đệm đang ‘được cân nhắc’ và nói thêm: “Hiện tại vẫn chưa rõ vùng đệm này sẽ sâu bao nhiêu và liệu có thể là 1 hay 2 km hay hàng trăm mét (bên trong Gaza).”

Bất kỳ sự xâm lấn nào vào Gaza sẽ nhồi nhét 2,3 triệu cư dân vào một khu vực thậm chí còn nhỏ hơn. Gaza chỉ dài khoảng 40 km và rộng từ khoảng 5 km đến 12 km.

Cho đến nay, Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên ký thỏa thuận hòa bình với Israel, và Qatar, quốc gia không có quan hệ chính thức nhưng vẫn mở các kênh liên lạc, là trung tâm của các cuộc đàm phán hòa giải với Israel, tập trung vào việc trao đổi con tin bị Hamas bắt cóc với các tù nhân Palestine trong các trại giam của Israel.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(Reuters/Yonhap) - Mỹ và các đồng minh trừng phạt Bắc Triều Tiên vì vụ phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo. Thông báo của Mỹ được đưa ra vào hôm 30/11/2023. Các nước phối hợp với Mỹ lần này gồm Úc, Nhật và Hàn Quốc.Trong khi đó, khi đi thị sát bộ tư lệnh Không quân vào Ngày Hàng Không 29/11, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un yêu cầu không quân tăng cường tư thế chiến đấu để sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa quân sự từ kẻ thù.

(AFP) - Nga sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản xuất dầu lửa xuống còn 500.000 ngàn thùng/ngày đến cuối tháng 03/2024. Phó thủ tướng Nga, Alexandre Novak, chuyên trách năng lượng, hôm 29/11/2023 thông báo như trên sau cuộc họp của khối OPEC mở rộng. Các biện pháp kiểu này trên hết nhằm giảm nguồn cung dầu trên thị trường để kích thích giá, một phương tiện để Matxcơva tăng doanh thu từ việc bán chất đốt, vốn là một nguồn thu ngân sách chính trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.

(Reuters) - Singapore và Zurich (Thụy Sỹ) là những thành phố có mức sống đắt đỏ nhất thế giới năm nay. Trong vòng 11 năm qua, năm nay là năm thứ 9 Singapore là nước đứng đầu bảng các nơi có mức sống đắt nhất. Sau Singapore và Zurich là Geneve, New York (Mỹ) và Hồng Kông và Los Angeles. Cơ quan phân tích, tư vấn Economist Intelligence Unit (EIU) hôm 30/11/2023 công bố bảng xếp hạng và cảnh báo khủng hoảng giá cả sinh hoạt toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Nhưng tại châu Á, mức tăng giá trung bình tương đối thấp so với các khu vực khác.

(Reuters) - Bắc Kinh mua chuộc chính khách Đài Loan bằng những chuyến du lịch giá rẻ. Theo các nguồn tin từ Đài Loan ngày 30/11/2023, Trung Quốc đã bảo trợ cho các chuyến đi giảm giá tới Trung Quốc cho hàng trăm chính trị gia Đài Loan trước các cuộc bầu cử quan trọng trên hòn đảo vào tháng tới. Các cơ quan an ninh Đài Loan đang xem xét hơn 400 chuyến thăm Trung Quốc trong tháng qua, hầu hết do các nhà lãnh đạo dư luận địa phương. Các cơ quan này tin rằng các chuyến đi, với chỗ ở, phương tiện đi lại và bữa ăn giảm giá, đã được các đơn vị thuộc Văn Phòng Các Vấn Đề Đài Loan của Trung Quốc trợ cấp.

(Reuters) - Nhật Bản yêu cầu quân đội Mỹ ngừng sử dụng máy bay Osprey sau vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo phát ngôn viên Chính phủ Nhật Bản hôm 01/12/2023,Nhật Bản đã yêu cầu Hoa Kỳ đình chỉ tất cả các chuyến bay V-22 Osprey không khẩn cấp trên lãnh thổ của mình. Yêu cầu được đưa ra vụ rớt máy bay Osprey cách nay hai ngày ở miền tây Nhật Bản, trong một tai nạn máy bay quân sự Mỹ gây tử vong đầu tiên ở Nhật trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên phía quân đội Mỹ vẫn cho loại phi cơ này hoạt động.

(AFP) - New Zealand cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon ngày 01/12/2023 cho biết chính quyền nước ông sẽ cấm sử dụng điện thoại di động trong các trường học trên toàn quốc – Mục tiêu nhằm góp phần giúp các học sinh tập trung hơn vào việc học tập. Các trường học ở New Zealand từng tự hào về tỷ lệ học sinh biết đọc, biết viết thành thạo thuộc hạng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trình độ đọc, viết của các học sinh New Zealand đã giảm xuống đến mức làm dấy lên lo ngại về một cuộc “khủng hoảng” trong ngành giáo dục.

(AFP) - Nepal lần đầu công nhận hôn nhân giữa những người thuộc cộng đồng LGBT+. Nhà chức trách Nepal hôm 30/11/2023 thông báo từ nay trở đi người đồng tính, chuyển giới… chính thức được kết hôn. Chính quyền Nepal xem đây là thắng lợi cho tất cả mọi người. Trước đó, hôm 29/11, bà Maya Gurung, một phụ nữ chuyển giới 41 tuổi và một người đàn ông 27 tuổi, tên là Surendra Pandey, từng làm đám cưới năm 2017 theo nghi lễ Hindou, đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn tại Lamjung, miền trung Nepal.


*********
rfi.fr

Cuộc chiến khí hậu: Cần có một ‘‘đại tự sự’’ để thúc đẩy toàn nhân loại

Trọng Thành

Hội nghị COP28 khai mạc hôm 30/11/2023 là chủ đề chính của nhiều báo Pháp. ‘‘Quỹ tổn thất và thiệt hại’’ là sự kiện được hầu hết các báo chào đón. Bất chấp một số bước tiến nhỏ, thách thức với cuộc chiến khí hậu là vô cùng lớn. Trả lời Les Echos, nhà chính trị học François Gemenne lưu ý nhân loại cần tạo lập một ‘‘grand récit volontariste’’, tạm dịch là một ‘‘đại tự sự thúc đẩy hành động’’, tức hình dung về lịch sử và tương lai mang tầm nhân loại đủ tầm mức để trở thành chỗ dựa của niềm tin.  

Bài ‘’COP28, thỏa thuận ‘‘lịch sử’’ đầu tiên ngay từ lúc khai mạc hội nghị’’ của Le Figaro, nhấn mạnh đến việc cộng đồng quốc tế dưới sự chủ tọa của chủ tịch COP28, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã thông qua được ‘‘một quyết định gai góc’’. Ngay trong phiên khai mạc, chủ tịch COP28, Sultan al-Jaber, tuyên bố ‘‘chúng ta đã viết nên một trang sử mới hôm nay. Tính chất mau lẹ của hành động đã làm này là chưa từng có, là phi thường và mang ý nghĩa lịch sử.’’

‘‘Quỹ tổn thất và thiệt hại’’: Sự kiện gây ngạc nhiên lớn…

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, 55 quốc gia dễ tổn thương nhất trên thế giới gánh chịu tổn thất hơn 550 tỉ đô la trong hai thập niên vừa qua do các thảm họa khí hậu, tuy nhiên vấn đề ‘‘tổn thất và thiệt hại’’ đã hoàn toàn không được chấp nhận tại các hội nghị khí hậu cho đến COP27. Và lần này thỏa thuận về vấn đề này đã được chấp nhận ngay trong ngày đầu hội nghị. Tính chất mau lẹ, phi thường và giá trị lịch sử mà chủ tịch COP28 nói đến mang ý nghĩa như vậy. 

‘‘COP28 đã mở ra với một bước tiến lớn, với sự ra đời của Quỹ tổn thất và thiệt hại’’ là nhận định của nhật báo kinh tế Pháp. Theo Les Echos, đây là một sự kiện ‘‘gây ngạc nhiên lớn’’. Nhật báo kinh tế Pháp ca ngợi các nỗ lực đã được triển khai từ một năm nay ‘‘đã không vô ích’’. Dù sao, Les Echos cũng đón nhận ‘‘bước tiến lớn’’ này với nhiều dè dặt, cụ thể là đã không có một mức tiền nào được đề ra, quy chế đóng góp cho quỹ cũng lỏng lẻo. Nhiều lo ngại là quỹ này sẽ là một ‘‘túi tiền rỗng’’, cho dù đã có một số hứa hẹn đóng góp, cao nhất là 100 triệu đô la (của nước chủ nhà COP28).

…. nhưng ''chưa đáp ứng nhu cầu''

Libération cũng hoan nghênh quyết định lập quỹ khắc phục ‘‘tổn thất và thiệt hại’’. Bài ‘‘Hàng triệu đô la được hứa cho các nước nghèo’’ dẫn lời của bà Madeleine Diouf Sarr, chủ tịch của 46 quốc gia nghèo nhất hoan nghênh đây là ‘‘một quyết định có ý nghĩa vô cùng lớn với vấn đề công lý khí hậu’’, hay nói cách khác là vấn đề các nước phát triển, các nước giàu phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên Libération cũng nhận xét đây là ‘‘một tuyên bố đầy hứa hẹn nhưng chưa tương ứng với các nhu cầu hiện tại’’.

Hội nghị Khí hậu COP28 khai mạc hôm qua, 30/11/2023, là chủ đề trang nhất Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp chú ý trước nhất đến việc COP28 có thể mở đường cho việc ‘’giảm năng lượng hóa thạch’’. Tuy nhiên, Les Echos cũng xác nhận mục tiêu này đang gây chia rẽ thế giới. Việc cộng đồng quốc tế lựa chọn thông qua, ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, thỏa thuận lịch sử về quỹ’ ‘‘tổn thất và thiệt hại’’, là để COP28 bước ngay vào các vấn đề gai góc hơn.

Thoát khỏi ‘‘năng lượng hóa thạch’’ lần đầu tiên được đưa vào dự thảo COP

Bài ‘‘Dầu mỏ, than đá : Các năng lượng hóa thạch ở tâm điểm của các thảo luận tại COP28’’ hoan nghênh thành công bước đầu của việc ‘‘giã từ dần dần năng lượng hóa thạch’’ đã ‘’lần đầu tiên’’ được đưa vào dự thảo thỏa thuận, đồng thời khẳng định điều này chưa hề cho phép khẳng định là cộng đồng quốc tế sẽ đạt đồng thuận.

Ba loại năng lượng hóa thạch, than đá, dầu mỏ, khí đốt chiếm đến 85% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng cho đến nay, các cường quốc dầu mỏ (bao gồm các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, và kể cả Hoa Kỳ) đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc đưa cụm từ ‘‘các năng lượng hóa thạch’’ vào các văn bản thỏa thuận. Chỉ duy nhất ‘‘việc giảm dần than đá’’ được chấp nhận tại COP26, năm 2021. Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Pháp, Agnès Pannier-Runacher, tỏ ra ít nhiều lạc quan, với ghi nhận năm nay cán cân có thể nghiêng về phía lương tri, phía ủng hộ từ bỏ năng lượng hóa thạch. Vị bộ trưởng Pháp dẫn ra thỏa thuận Mỹ - Trung hồi tháng 11 vừa qua, về việc ‘‘thay thế năng lượng hóa thạch bằng các năng lượng phi cac-bon’’, như một dấu hiệu tích cực.

Dù sao, Les Echos cũng ghi nhận các thách thức đặt ra với mục tiêu từ bỏ năng lượng hóa thạch là ghê gớm. Cộng đồng quốc tế rất có tìm được tiếng nói thống nhất, ngay với than đá, năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhất với 37% khí thải toàn cầu, bởi ‘‘một phần lớn thế giới, trước hết là Trung Quốc, vẫn đang tiếp tục sử dụng rộng rãi năng lượng này’’.

‘‘Tăng giá để giảm cầu’’: Biện pháp giúp từ bỏ dần dầu mỏ ?

Vấn đề không chỉ là than đá, mà còn là dầu mỏ. Về chủ đề này, xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos có bài ‘‘Dầu mỏ : cú sốc cần thiết về giá cả’’ nhấn mạnh đến một thực tại hết sức tương phản : Vào lúc mà COP28 về khí hậu khai mạc, nơi toàn thể cộng đồng quốc tế họp lại để bàn về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giới quan sát lại tập trung chú ý đến hội nghị của khối các quốc gia dầu mỏ OPEC, bởi có một thực tế là dầu mỏ luôn chiếm vị trí trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu, và hứa hẹn sẽ còn chiếm vị trí như vậy trong một thời gian dài.

Trong thời gian gần đây, các đại gia dầu mỏ tiếp tục đầu tư mạnh cho vào lĩnh vực bị điểm mặt là thủ phạm của việc Trái đất bị hâm nóng. Chỉ riêng tập đoàn Adnoc của chủ tịch COP28 trong 5 năm vừa qua đầu tư tới 150 tỉ đô la, cao gấp 10 lần đầu tư cho năng lượng tái tạo.

Les Echos nêu bật vấn đề dầu mỏ không phải để khẳng định sự ngự trị vĩnh cửu của loại năng lượng hóa thạch này, mà là để bàn về con đường thực tế để nhân loại thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Đối với nhật báo kinh tế Pháp, cần tăng giá để giảm cầu, bí quyết chủ yếu là làm sao để giá cả của loại năng lượng này tăng lên nhằm hạn chế nhu cầu. Giảm sản lượng để giá dầu tăng, qua đó hạn chế nhu cầu sử dụng dầu mỏ là điều Les Echos đề xuất. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế Pháp cũng lưu ý đến mặt trận đáng sợ thứ hai trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đó là than đá, loại hình năng lượng gây ô nhiễm gấp 1,5 lần dầu mỏ với giá rẻ hơn. Nói cách khác, nếu không cẩn thận thì tránh vỏ dưa sẽ lại gặp vỏ dừa.

Dầu mỏ : OPEC tiếp tục giảm sản lượng để ngăn sụt giá

Trang nhất phụ trương của Les Echos hôm nay dành cho chủ đề chính ‘‘Khối OPEC quyết định giảm sản lượng nhằm cố gắng ngăn chặn đà sụt giá’’. Les Echos cho biết giá dầu đã sụt giảm đến 15% trong vòng hai tháng, kể từ đợt tăng giá cao nhất hồi tháng 9/2023. Trong một tuần gần đây, giá dầu tiếp tục giảm nhẹ. OPEC từng quyết định cắt giảm 5 triệu baril/ngày từ cuối năm ngoái. Lần này, OPEC quyết định sẽ cắt giảm thêm 1 triệu baril/ngày. Quyết định sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng tới.

Cuộc chiến khí hậu : Những điểm lạc quan

Về COP28, Les Echos có bài phỏng vấn đáng chú ý với nhà khí hậu học François Gemenne, nhà chính trị học người Bỉ, đồng tác giả báo cáo lần thứ 6 của Nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc (GIEC). Bên cạnh việc chỉ ra những khó khăn của cuộc chiến khí hậu, chuyên gia về các vấn đề khí hậu này nhấn mạnh đến một số điểm đáng chú ý. Bất chấp bức tranh u ám của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay, cần ghi nhận những mặt tích cực.

Thứ nhất là đầu tư cho các năng lượng tái tạo đã tăng vọt liên tục bảy năm, và nhìn chung rõ ràng đã vượt tổng mức đầu tư cho các năng lượng hóa thạch. Đã có nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch, đặc biệt là vận tải, và dự trữ điện. Đây là một điều cách nay dăm năm không thể hình dung. Viễn cảnh điện chuyển từ châu Phi sang châu Âu là điều nằm trong tầm tay.

Điểm lạc quan thứ ba mà vị chuyên gia này nhấn mạnh chính là ‘‘Quỹ tổn thất và thiệt hại’’ nói trên, vừa được thông qua ngày đầu COP28, mà với François Gemenne đây là một thành tựu lịch sử đối với các nước phía nam tại một hội nghị khí hậu, tương tự với việc thỏa thuận tại hội nghị khí hậu COP15 tại Paris đượcc coi là thành tựu lịch sử đối với các nước phát triển.

Khí hậu: Cần một ‘‘đại tự sự’’ để thúc đẩy toàn nhân loại

Theo François Gemenne, để thúc đẩy mạnh mẽ cuộc chiến khí hậu, nhân loại cần tạo lập được một ‘‘đại tự sự thúc đẩy hành động’’, tức một cách hình dung về lịch sử và tương lai mang tầm cỡ toàn cầu đủ tầm mức trở thành chỗ dựa của niềm tin, để huy động các nỗ lực tập thể, tương tự như những gì cần cho việc xây dựng Liên Hiệp Châu Âu, đã và đang diễn ra, nhưng giờ đây là ở quy mô toàn nhân loại. Cần phải giúp cho dân chúng toàn cầu hiểu rõ chúng ta đang xây dựng nền kinh tế nào cho thế kỷ XXI. Nhà chính trị học, khí hậu học François Gemenne chỉ trích việc giới chính trị, bao gồm cả nhiều đảng phái mang tên đảng Xanh, hiện nay không đảm đương được sứ mạng mang lại động lực hành động như vậy cho người dân.

Cũng theo François Gemenne, cộng đồng quốc tế không thể chỉ chờ đợi việc vấn đề khí hậu chỉ được tập trung bàn đến trong thời gian hai tuần hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Khép lại bài trả lời phỏng vấn Les Echos, vị chuyên gia này nhấn mạnh là ông đặt niềm tin vào khả năng của các doanh nghiệp hơn là giới chính trị trong công cuộc chuyển đổi lớn lao này.

Xe ô tô điện chỉ dành cho người giàu ?

Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay không chú ý nhiều đến COP28, nhưng trang nhất của tờ báo dành cho chủ đề ‘‘Xe ô tô điện : Giá cả là một thách thức’’. Chuyển sang xe chạy điện được coi là một mảng lớn của tiến trình rời bỏ năng lượng hóa thạch. La Croix chỉ trích chính phủ Pháp đã chậm trễ trong việc tìm ra được một cơ chế cho phép tài trợ, để giúp những người có thu nhập thấp mua ô tô điện.

Hồ sơ chính của báo đặt lại câu hỏi đầy nhức nhối : ‘‘Xe ô tô điện phải chăng chỉ dành cho người giàu ?’’. La Croix cũng điểm lại một số nỗ lực của chính phủ như chính sách cho thuê xe điện với 100€/tháng, các nhà sản xuất Pháp hứa hẹn các mô hình xe điện với giá được coi là ‘‘dễ tiếp cận’’. Tờ báo nhấn mạnh, những biện pháp đó có đủ để thúc đẩy việc ‘‘điện hóa’’ lĩnh vực ô tô hay không ?  

Gaza: Mỹ tìm cách thay đổi chính sách của Israel

Chiến tranh Israel – Hamas cũng là chủ đề chính của nhiều báo Pháp, vào lúc chiến tranh tiếp diễn sau một tuần hưu chiến. Nhật báo Le Monde chạy tựa chính: Hoa Kỳ tìm cách thay đổi chính sách của Israel. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Israel để gây áp lực buộc chính quyền Israel xem xét lại chính sách quân sự tại dải Gaza, nhằm giảm bớt thiệt hại cho dân thường.

Tuy nhiên, trong hồ sơ chính, nhật báo Pháp cũng thừa nhận khả năng tác động của ngoại giao là rất hẹp. Và bản thân chính quyền Mỹ cũng đang rất lúng túng trong chính sách với đồng minh Israel. Chính quyền Biden một mặt tiếp tục khẳng định ủng hộ Israel, nhưng mặt khác cũng phải cố gắng để không bị coi là đồng lõa với các cáo buộc tội ác chiến tranh của Israel tại Gaza.

‘‘Gaza : Kịch bản nào cho thời kỳ hậu chiến ?’’

‘‘Gaza : Kịch bản nào cho thời kỳ hậu chiến ?’’ là tựa trang nhất của Le Figaro. Nhật báo Pháp đưa ra hàng loạt kịch bản, như làm sống dậy Cơ quan Quyền lực Palestine, hay một chính quyền dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hoặc do các nước láng giềng đỡ đầu… Tất cả các kịch bản cho Gaza thời hậu chiến, đều tỏ ra thiếu thuyết phục.

Bài xã luận của Le Figaro ‘‘Hòa bình không phải ngay trong ngày mai’’ điểm lại các nỗ lực bất thành trong lịch sử nhằm tìm ra giải pháp cho xung đột Israel – Palestine, với đỉnh điểm là Hiệp định Oslo cách nay 30 năm. Le Figaro nhấn mạnh là ngay cả nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger, được coi là người nổi tiếng ‘’sáng tạo và kiên định’’, cũng đã bất lực với cuộc xung đột này.

‘‘Henri Kissinger : Một thế kỷ ngoại giao’’

Nhà ngoại giao Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100 cũng là một chủ đề được nhiều báo nhắc đến. Le Figaro chạy hình ảnh trang nhất : ‘‘Henri Kissinger : Một thế kỷ ngoại giao’’. Việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc buộc Liên Xô phải xuống thang được coi là các dấu ấn lịch sử của học thuyết ngoại giao Kissinger. Trang nhất Le Monde chạy tựa ‘‘Kissinger, nền ngoại giao giữa bóng tối và ánh sáng’’.


**********
voatiengviet.com

Mỹ cùng 3 nước đồng minh trừng phạt Triều Tiên sau vụ phóng vệ tinh

Reuters

Hôm thứ Năm 30/11, Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên sau khi nước này phóng vệ tinh do thám hồi tuần trước. Các biện pháp trừng phạt lần này tập trung vào các cơ sở liên quan đến Triều Tiên đặt ở nước ngoài bị Mỹ cáo buộc là tiếp tay cho Triều Tiên tránh né các lệnh trừng phạt để mang về các nguồn thu và công nghệ cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này.

Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ cho hay họ cũng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nhóm gián điệp mạng Kimsuky, cáo buộc nhóm này thu thập thông tin tình báo để hỗ trợ các tham vọng chiến lược và hạt nhân của Triều Tiên. Bộ Tài chính cho biết Kimsuky chủ yếu sử dụng các trò lừa đảo, mạo nhận trên mạng để nhắm mục tiêu vào những người làm việc cho chính phủ, trung tâm nghiên cứu, tổ chức học thuật và những cơ quan khác, bao gồm ở châu Âu, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Hành động hôm 30/11 của Mỹ, có sự phối hợp thực hiện với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, được tung ra sau khi Triều Tiên hồi tuần trước đã phóng thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên mà nước này nói rằng được thiết kế để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính chuyên trách Vấn đề Khủng bố và Tình báo Tài chính, nói trong bản tuyên bố: “Các hành động hôm nay của Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc phản ánh cam kết chung của chúng tôi trong việc chống lại các hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn của Bình Nhưỡng”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc nhắm mục tiêu vào những nút thắt quan trọng này trong hoạt động tạo nguồn thu bất hợp pháp và phổ biến vũ khí của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”, ông Nelson nói thêm.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết hôm 1/12 rằng họ đã đưa 11 người Triều Tiên vào sổ đen vì số người này liên quan đến việc phát triển vệ tinh và tên lửa đạn đạo của nước này, theo đó, Hàn Quốc cấm họ thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào.

Danh sách này bao gồm các quan chức cấp cao của Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên, là cơ quan giám sát vụ phóng vệ tinh, và của cục công nghiệp đạn dược.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin hôm 1/12 rằng các cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ hội đàm tại Seoul vào ngày 8-9/12 để thảo luận về tình hình an ninh.

Các biện pháp ban hành hôm 30/11 sẽ phong tỏa mọi tài sản ở Hoa Kỳ của những đối tượng bị nhắm mục tiêu và về tổng thể là cấm người Mỹ giao dịch với các đối tượng đó. Những ai thực hiện một số giao dịch nhất định với họ cũng có nguy cơ bị trừng phạt.

Cũng bị nhắm mục tiêu hôm 30/11 là các vị đại diện các trụ sở ở Iran và Trung Quốc của nhóm có tên là Green Pine, nhóm này đã bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đưa vào sổ đen. Bộ Tài chính nói rằng nhóm này gách vác trách nhiệm về một nửa lượng xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị liên quan của Triều Tiên.

Hai đại diện các ngân hàng Triều Tiên có trụ sở tại Nga và một đại diện có trụ sở tại Trung Quốc cũng bị trừng phạt.


**********
voatiengviet.com

Chiến tranh lại tiếp tục ở Gaza sau khi thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ

Reuters

Máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công Gaza và còi báo động về rocket vang lên ở miền nam Israel hôm thứ Sáu 1/12 khi chiến tranh lại tiếp tục sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần hết hiệu lực mà không có thỏa thuận gia hạn.

Khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, các nhà báo của Reuters tại Khan Younis ở miền nam Gaza chứng kiến các khu vực phía đông bị bắn phá dữ dội.

Ở phía bắc Gaza, trước đây là vùng chiến sự chính, những đám khói khổng lồ bốc lên bên trên đống đổ nát, có thể thấy được từ bên kia hàng rào biên giới ở Israel. Tiếng súng và tiếng nổ rền vang ở nhiều nơi.

Chỉ hai giờ sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, các quan chức y tế Gaza ghi nhận có 54 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc không kích đánh trúng ít nhất 8 ngôi nhà.

Các bác sĩ và nhân chứng cho hay các cuộc ném bom diễn ra dồn dập nhất ở Khan Younis và Rafah thuộc miền nam Dải Gaza, ở đó có hàng trăm nghìn người Gaza đang trú ẩn để tránh giao tranh ở miền bắc. Nhiều ngôi nhà ở miền trung và miền bắc cũng bị đánh trúng.

Người dân Gaza lo ngại rằng hoạt động ném bom dữ dội vào miền nam Gaza báo trước là chiến tranh đang lan sang các khu vực mà trước đây Israel mô tả là an toàn.

Truyền đơn được thả xuống các khu vực phía đông của thành phố lớn Khan Younis ở miền nam có nội dung ra lệnh cho cư dân của 4 thị trấn phải sơ tán - không phải đến các khu vực khác ở Khan Younis như trước mà phải đi xa hơn về phía nam tới thị trấn Rafah đông đúc ven biên giới với Ai Cập.

Israel đã công bố đường link tới một bản đồ cho thấy Gaza được chia thành hàng trăm khu vực. Israel nói rằng sẽ sử dụng bản đồ này trong tương lai để thông báo khu vực nào được an toàn.

Hai bên đều cáo buộc lẫn nhau là phía bên kia đã từ chối các điều khoản để gia hạn thỏa thuận ngừng bắn. Thỏa thuận này đã bao gồm việc giải thoát các con tin bị Hamas và các chiến binh khác bắt giữ trong cuộc đột kích chết chóc hôm 7/10 vào Israel dẫn đến chiến tranh, và việc thả những người Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel.

Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra thông điệp: "Với việc nối lại hoạt động chiến đấu, chúng tôi nhấn mạnh: Chính phủ Israel cam kết đạt được các mục tiêu của cuộc chiến – là giải thoát con tin của chúng tôi, tiêu diệt Hamas và đảm bảo rằng Gaza sẽ không bao giờ gây ra mối đe dọa cho người dân Israel nữa".

Ezzat El Rashq, một thành viên của văn phòng chính trị Hamas, bày tỏ quan điểm trên trang web của nhóm này: "Những gì Israel đã không đạt được trong 50 ngày trước lệnh ngừng bắn thì họ cũng sẽ không đạt được bằng cách tiếp tục gây hấn sau lệnh ngừng bắn".

Cuộc chiến tạm dừng từ ngày 24/11 và được gia hạn hai lần, đã cho phép hai bên hàng ngày trao đổi các con tin Israel bị cầm giữ ở Gaza để nhận những tù nhân Palestine, trong khi các xe tải chở hàng viện trợ đi vào Gaza.

Israel bác bỏ lời kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài và nói rằng lệnh ngừng bắn tạm thời có thể tiếp tục miễn là Hamas thả 10 con tin mỗi ngày. Nhưng sau 7 ngày có những phụ nữ, trẻ em và con tin nước ngoài được trả tự do, các nhà đàm phán đã thất bại trong những giờ phút cuối cùng, không nhất trí được về công thức để thả thêm nhiều người nữa, có thể bao gồm cả những người đàn ông Israel.

Qatar, quốc gia đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực đàm phán, cho biết rằng các cuộc thương lượng vẫn đang diễn ra với người Israel và người Palestine để khôi phục thỏa thuận ngừng bắn, nhưng việc Israel tiếp tục bắn phá Gaza đã làm phức tạp các nỗ lực của Qatar.

Israel đã thề sẽ tiêu diệt Hamas để đáp trả vụ tấn công bừa bãi hôm 7/10 của nhóm chiến binh này. Israel nói rằng trong vụ đó, các tay súng Hamas đã giết chết 1.200 người và bắt 240 con tin. Hamas, vốn thề sẽ hủy hoại Israel, đã cai trị Gaza từ năm 2007.

Hoạt động bắn phá và tung quân vào thực địa của Israel đã tàn phá phần lớn vùng lãnh thổ Gaza. Các cơ quan y tế Palestine được Liên Hiệp Quốc coi là đáng tin cậy cho hay rằng có xác nhận là hơn 15.000 người Gaza đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác đang mất tích, rất có thể bị chôn vùi dưới các đống đổ nát.


***********
rfi.fr

Mỹ có khả năng kềm hãm tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông ?

Thanh Hà

Cuối tháng 11/2023, Hoa Kỳ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau « khuấy động tình hình ở Biển Đông » sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Hopper có trang bị tên lửa dẫn đường hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh lên án Mỹ « xâm nhập hải phận » của Trung Quốc. Washington khẳng định quyền tự do lưu thông trên biển. 

RFI Việt ngữ xin giới thiệu bài phỏng vấn giáo sư Barthélémy Courmont –Đại Học Công Giáo Lille, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp. 

Trung Quốc không một mình một chợ

Trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie số tháng 11-12/2023 đặc biệt về Biển Đông, giáo sư Courmont phân tích về chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng biển này. 

Về câu hỏi trước ảnh hưởng ngày càng lớn và những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đâu là quan điểm của Mỹ đối với vùng biển này, ông Barthélémy Courmont trả lời : 

« Quan điểm chính thức của Washington (…) luôn là bảo đảm một vùng biển tự do và rộng mở thiết yếu trong các hoạt động giao thương. Lập trường này phản ánh quan ngại chính đáng của Mỹ và được nhiều cường quốc khác chia sẻ, là nếu an ninh trong khu vực bị xuống cấp, thì sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Lập trường đó cũng thể hiện quyết tâm đối phó với những tham vọng của Bắc Kinh muốn đặt thiên hạ trước chuyện đã rồi bằng cách tăng cường khả năng (quân sự) và sự hiện diện, đặt các nước chung quanh - như Việt Nam hay Philippines vào thế thủ. Cuối cùng, (trên chính trường Mỹ) hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đương đầu với nhau trên nhiều chủ đề, nhưng riêng liên quan đến Trung Quốc thì họ lại có cùng quan điểm. Mỗi bên đều xem Bắc Kinh là thách thức lớn nhất đang đặt ra cho Hoa Kỳ (…) Vì lý do này mà tàu chiến của Mỹ thường xuyên hiện diện trong khu vực để nhắc nhở Trung Quốc không ‘một mình một chợ’ ». 

Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông ? 

Thái Bình Dương từ sau Thế Chiến Thứ Hai còn được gọi là « ao nhà của Mỹ »bởi hay lý do một là sau khi Nhật Bản đầu hàng thì Hoa Kỳ tăng cường hiện diện với khu vự này trên ba phương diện : kinh tế, ngoại giao và chiến lược. Đây đồng thời cũng là nguyện vọng của các quốc gia trong vùng muốn ngả vào vòng tay của Washington. Song do tác động từ chiến tranh Việt Nam, phải đợi khi Chiến tranh Lạnh cáo chung, thì Mỹ mới quan tâm trở lại đến khu vực Đông Nam Á, khẳng định lại ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong vùng mãi cho đến tận 1997, thời điểm nổ ra khủng hoảng tài chính Á Châu.

Thế rồi cũng vì căng thẳng âm ỉ với Bắc Kinh, nước Mỹ dưới thời tổng thống Obama (2009-2016) đã « xoay trục sang châu Á, vồ vập với Philippines và Việt Nam » vào lúc mà một số nước trong vùng đã bắt đầu thận trọng trước những tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Chỉ tiếc là « chiến lược của Hoa Kỳ đã chỉ dừng lại ở hợp tác quân sự » nên không đủ sức tạo dựng niềm tin giữa Washington với các đối tác Đông Nam Á. Một số đã do dự và không dám quay lưng lại với đối tác thương mại chính là Trung Quốc. 

Mỹ có những ưu thế mà Trung Quốc không có được

Theo giáo sư Courmont thuộc Viện IRIS, răn đe Trung Quốc mới là lý do chính giải thích cho sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Vậy thì đâu là những lợi thế và nhược điểm của Washington trong vùng biển này ? 

« Xét về mặt quân sự, lá chủ bài của Washington ở Biển Đông chính là những đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực. Điều đó thể hiện qua một số những căn cứ quân sự, những cơ sở của Mỹ tại nhiều hải cảng. Đó là điều mà Bắc Kinh không có được. (….) Thêm vào đấy là những căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và ở đảo Guam. 

Trái lại thế yếu của Washington thì gồm mức độ đáng tin cậy về sự dấn thân của Mỹ và từ phía các đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Mỹ tham gia rồi đã rút khỏi hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP ; Lại cũng Washington rút khỏi Afghanistan (…) Thế rồi đã không thông báo trước với các đối tác trong khu vực khi thiết lập hợp tác quân sự với Anh và Úc - AUKUS ». 

Những nước cờ riêng của mỗi đối tác châu Á

Cùng lúc mỗi đối tác Đông Nam Á của Hoa Kỳ đều « có những chiến lược riêng ». Giáo sư Courmont đơn cử trường hợp của Philippines : Manila lúc thì theo đuổi đường lối thân Mỹ lúc lại thân Bắc Kinh. Nhưng quan trọng hơn cả theo chuyên gia Pháp này, thái độ chập chờn đó của một số nước trong khu vực cho thấy « Trọng lượng kinh tế và ảnh hưởng của Washington tại khu vực này đang bị thu hẹp lại »

Vậy đó là điều đáng mừng hay đáng lo ? Ông Barthélémy Courmont quan niệm thiên về một trong hai giả thuyết này đều không thỏa đáng. 

Bởi trước hết, quyền lực tại Washington trong tay đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng cho thấy là ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á đang sụt giảm bởi Mỹ thiếu một tầm nhìn chiến lược cho toàn khu vực. Nhưng bên cạnh đó thì các nước Đông Nam Á vẫn có một sự hoài nghi, ngờ vực nào đó về đối tác Mỹ 

Riêng liên quan  « vị trí và vai trò của liên minh » giữa Hoa Kỳ và Philippines, giám đốc nghiên cứu viện IRIS tại Pháp nhận xét như sau : thứ nhất bang giao song phương đã trải qua nhiều « sóng gió » đặc biệt là dưới thời nhà độc tài Ferdinand Marcos và quyền lực tại Manila giờ đây đang được đặt trong tay con trai ông là tổng thống Marcos Jr.

Thế rồi bang giao đã được sưởi ấm dưới chính quyền Obama trước khi lại bị tổng thống Rodrigo Duterte thách thức khi ông này lên cầm quyền. Từ 2022 tổng thống Ferdinand Marcos Jr. thể hiện lập trường thân Mỹ.

Thứ hai, mọi người không nên quên rằng, « tương tự như nhiều quốc gia khác trong khu vực » Philippines tìm cách hưởng lợi trước xung khắc Mỹ-Trung. Dưới thời nào đi chăng nữa, Manila cũng tránh phải chọn phe. 

Về phía Trung Quốc, giáo sư Barthélémy Courmont không loại trừ khả năng Bắc Kinh làm căng với Philippines để đo lường mức độ thiết tha của Mỹ với đồng minh thân thiết này, và qua đó là với cả châu Á...

Không xa Philippines, Đài Loan cũng đang chú ý theo dõi phản ứng của Hoa Kỳ… 

Mỹ, lực bất tòng tâm 

Mỹ có còn khả năng kềm hãm những tham vọng và đà bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông hay không ? Chuyên gia Pháp cũng khá thận trọng trong phần phân tích. 

« Về mặt quân sự, Hoa Kỳ vẫn giữ được khoảng cách quan trọng ở phía trước và lợi thế đó được củng cố thêm nhờ những mối đối tác chiến lược Washington đã mở rộng với nhiều quốc gia trong vùng. Đành là Trung Quốc đã tăng tốc cải thiện khả năng quân sự nhưng cần thêm vài thập niên nữa Bắc Kinh mới giành được thế thượng phong (…) Nhưng có một thay đổi ở đây : đó là khả năng của Trung Quốc để gây áp lực đối với các nước châu Á mà từ trước đến nay vẫn bị coi là 'bướng bỉnh'. 

Về kinh tế mặc dù Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng Bắc Kinh đã lấn lướt tất cả các đối tác Đông Nam Á. Hoa Kỳ thì không đủ sức để cưỡng lại ảnh hưởng đó của Trung Quốc trong vùng. Chính quyền Biden tháng 5/2022 khởi xướng Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ-Thái Bình Dương IPEF để làm đối trọng với dự án Một Vành Đai Một Con Đường BRI của Trung Quốc. Nhưng đầu tư của Mỹ trong khu vực không thấm vào đâu so với những thay đổi về mặt kinh tế -và đôi khi là cả về mặt xã hội, mà các khoản đầu tư của Trung Quốc đã mang lại. (…) Tuy nhiên về ảnh hưởng ngoại giao và hình ảnh, thì Mỹ có sức thu hút lớn hơn so với Trung Quốc (…) quyền lực mềm của Mỹ lôi cuốn hơn (…) » . 

Nguy cơ xung đột ?

Sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á trên biển, trên không đã nhiều lần xuýt gây ra sự cố với quân đội Trung Quốc. Có khả năng tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát hay không ? 

Theo chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, nguy cơ căng thẳng leo thang là có thực khi nhìn vào « chiều sâu » mối hiềm khích giữa hai cường quốc này. Những sự cố như hồi tháng 5/2023 khi máy bay của Hoa Kỳ và Trung Quốc áp sát vào nhau,  sẽ thường xuyên xảy ra chung quanh khu vực eo biển Đài Loan và ở Biển Đông.

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc sẽ lao vào một cuộc xung đột ở quy mô lớn bởi hai quốc gia này « bị gắn chặt vào nhau và cho dù đang trong thế cạnh tranh về nhiều mặt, nhưng cả tại Washington lẫn Bắc Kinh mỗi bên đều ý thức được là phải duy trì đối thoại ».

Washington và Bắc Kinh cùng có nhu cầu chứng minh với công luận trong nước là không « nhượng bộ đối phương một ly tấc nào (…) Trung Quốc hô hào chấm dứt mô hình xoay quanh thế giới phương Tây chẳng qua là để huy động và thuyết phục người dân về tính chính đáng của đảng Cộng Sản, đồng thời gây sức ép với các nước phương Tây.

Về phía Hoa Kỳ chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng tương tự như chủ trương xoay trục sang châu Á của tổng thống Obama hay các cuộc chiến tranh thương mại dưới thời chính quyền ông Trump, cũng chỉ nhằm mục đích nêu nêu bật mối đe dọa Trung Quốc và qua đó là để tìm cách đối phó ». 


*********

Tin tức thế giới 2-12: Israel muốn lập vùng đệm ngăn Hamas; SpaceX phóng vệ tinh cho Hàn Quốc

NHẬT ĐĂNG

* Israel lại hục hặc với Liên Hiệp Quốc
* Những cuộc càn quét hơn tháng qua chưa giảm sức chiến đấu của Hamas
* Mỹ phải kêu gọi chính quyền Iraq giúp bảo vệ lính Mỹ đồn trú

Góc quan sát từ Tel Aviv (Israel) cho thấy các vụ đánh chặn tên lửa bắn từ Dải Gaza ngày 1-12, sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas kết thúc - Ảnh: REUTERS

Góc quan sát từ Tel Aviv (Israel) cho thấy các vụ đánh chặn tên lửa bắn từ Dải Gaza ngày 1-12, sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas kết thúc - Ảnh: REUTERS

Israel báo động sau khi Hamas tuyên bố tấn công

Quân đội Israel cho biết còi báo động cảnh báo rocket đã vang lên ở một số khu vực thuộc miền trung Israel trong ngày 1-12.

Đây là lần đầu tiên báo động vang lên kể từ khi xung đột giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine tiếp tục sau lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần.

Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam của Hamas cho biết trong một tuyên bố trên kênh Telegram của mình rằng họ đã nhắm vào Tel Aviv bằng một loạt rocket.

Giao tranh ác liệt, súng đạn nổ rền trời khi lệnh ngừng bắn ở Gaza hết hạn

Israel và Hezbollah tiếp tục nổ súng

Hãng thông tấn nhà nước Lebanon đưa tin cuộc pháo kích của Israel đã giết chết ba người ở miền nam Lebanon trong ngày 1-12.

Hezbollah sau đó cho biết hai trong số những người thiệt mạng là các chiến binh của nhóm này. Họ cũng cho biết họ đã thực hiện một số cuộc tấn công vào các vị trí quân sự của Israel ở biên giới để hỗ trợ người Palestine ở Dải Gaza, sau khi lệnh tạm ngừng bắn kết thúc.

Israel muốn có vùng đệm ở Dải Gaza sau chiến tranh

Các nguồn tin Ai Cập và khu vực cho biết Israel đã nói với một số quốc gia Ả Rập rằng họ muốn thiết lập một vùng đệm ở phía biên giới Dải Gaza do Hamas kiểm soát, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Đây là một phần trong đề xuất của Israel cho vùng đất này sau khi chiến tranh kết thúc.

Theo ba nguồn tin khu vực của Reuters, Israel đã thông báo kế hoạch của mình với các nước láng giềng Ai Cập và Jordan, cùng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Những nước này vốn đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020.

Các nguồn tin cũng nói rằng Saudi Arabia đã nhận được thông báo. Saudi Arabia không có quan hệ với Israel và đã tạm dừng quá trình bình thường hóa sau khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát vào ngày 7-10.

Mỹ kêu gọi Iraq bảo vệ quân nhân Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani bảo vệ các khu vực có quân nhân Mỹ tại nước này. 

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1-12, ông Blinken đã trao đổi với ông al-Sudani sau hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq mà các quan chức Mỹ cho rằng do những nhóm được Iran hậu thuẫn thực hiện.

Israel tấn công gần thủ đô Syria?

Theo truyền thông nhà nước Syria ngày 2-12, Israel đã tổ chức một cuộc không kích vào vùng lân cận thành phố Damascus. Vụ tấn công được cho diễn ra cuối ngày 1-12, có thể tiếp tục là biểu hiện gây lo ngại cho khả năng bùng phát và lan rộng bạo lực trong khu vực Trung Đông.

Israel không gia hạn visa cho đặc sứ Liên Hiệp Quốc

Israel đã thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng nước này sẽ không gia hạn visa cho điều phối viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc tại vùng lãnh thổ Palestine. Thông tin này được một người phát ngôn Liên Hiệp Quốc cho biết ngày 1-12, sau khi các quan chức Israel nói điều phối viên trên không thể hoạt động vô tư, theo AFP.

Vào tháng 12-2020, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres giao nhiệm vụ cho bà Lynn Hastings (Canada) cùng phó đặc phái viên về tiến trình hòa bình Trung Đông và điều phối viên thường trú Bờ Tây - Dải Gaza.

Tuy vậy, phát ngôn viên Stephane Dujarric của ông Guterres cho hay đã được phía Israel thông báo rằng họ không gia hạn visa cho bà Hastings, vốn sẽ quá hạn trong tháng này. Ông Dujarric không nói rõ liệu bà Hastings, hiện ở Jerusalem, sẽ được thay thế hoặc tiếp tục công việc tại một cơ sở hoạt động khác hay không.

SpaceX đưa vệ tinh do thám Hàn Quốc lên quỹ đạo

Hôm 1-12, tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Hàn Quốc lên quỹ đạo từ căn cứ lực lượng không gian Vandenberg (California, Mỹ).

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết vệ tinh trên đã lên quỹ đạo, và chỉ hơn một tiếng sau khi phóng đã "thiết lập liên lạc thành công với một trạm liên lạc mặt đất ở nước ngoài". 

Bộ này nhấn mạnh việc phóng thành công vệ tinh quân sự cho thấy quân đội Hàn Quốc đảm bảo khả năng tình báo, giám sát và trinh sát độc lập.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa vệ tinh do thám Hàn Quốc lên quỹ đạo từ căn cứ lực lượng không gian Vandenberg (California, Mỹ) - Ảnh: SpaceX

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa vệ tinh do thám Hàn Quốc lên quỹ đạo từ căn cứ lực lượng không gian Vandenberg (California, Mỹ) - Ảnh: SpaceX

Trước đây, việc sử dụng tình báo bằng vệ tinh của Hàn Quốc dựa vào công nghệ Mỹ. Tuy nhiên Seoul đã lên kế hoạch phát triển hàng loạt vệ tinh trinh sát và liên lạc quân sự, như một phần nỗ lực thúc đẩy năng lực trong không gian của nước này.

Hồi tháng 5, Hàn Quốc đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa Nuri tự phát triển trong nước để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Tuy nhiên Seoul đã ký hợp đồng với công ty Mỹ SpaceX để phóng tổng cộng 5 vệ tinh tính tới năm 2025. Đây là kế hoạch nhằm đẩy nhanh mục tiêu giám sát 24/24 đối với bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh Hàn Quốc lo ngại nguy cơ an ninh với Triều Tiên.

"Em bé" tê giác Sumatra

Một bác sĩ thú y đang chăm sóc con tê giác Sumatra (tê giác 2 sừng) mới sinh ở khu bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Way Kambas, Indonesia. Hiện còn chưa đến 80 con thuộc loài tê giác có kích thước nhỏ nhất thế giới này trên toàn thế giới - Ảnh: AP

Một bác sĩ thú y đang chăm sóc con tê giác Sumatra (tê giác 2 sừng) mới sinh ở khu bảo tồn thuộc Vườn quốc gia Way Kambas, Indonesia. Hiện còn chưa đến 80 con thuộc loài tê giác có kích thước nhỏ nhất thế giới này trên toàn thế giới - Ảnh: AP


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn