Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 16 -11 -2023: Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình

Thứ Năm, 16 Tháng Mười Một 20234:02 SA(Xem: 1226)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 16 -11 -2023: Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình
HoaLuc 11**********
rfi.fr

Hamas: Từ kháng chiến, khủng bố, đến tội ác chiến tranh?

Thu Hằng

Hamas có thể bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh nếu biến các bệnh viện thành sở chỉ huy hoặc làm kho vũ khí, trái với luật pháp quốc tế về quy chế dân sự của bệnh viện. Quân đội Israel thông báo phát hiện một trung tâm chỉ huy trong hệ thống đường hầm bên trong bệnh viện Al Shifa, lớn nhất ở dải Gaza.

Vào lúc cộng đồng quốc tế phẫn nộ về chiến dịch trả đũa đẫm máu của quân đội Israel làm hơn 11.300 thường dân ở Gaza thiệt mạng, Israel cũng công bố nhiều đoạn video lên án những vụ tàn sát dã man của Hamas ngày 07/10, những vụ có thể được xem là hành động khủng bố của một tổ chức ban đầu tự nhận là lực lượng kháng chiến chống Israel, giành lại đất cho người Palestine.

Ở miền bắc Gaza, quang cảnh như ngày tận thế sau những trận oanh kích của Israel. Ở miền nam là thảm cảnh nhân đạo. Người dân Palestine ở dải Gaza bắt đầu hết kiên nhẫn, vô vọng chờ được phát nước, lương thực. Bắt đầu có những tiếng nói phản đối cách kiểm soát bằng bàn tay sắt của Hamas. Đây là lực lượng duy nhất quản lý dải Gaza từ năm 2006 và trở thành kẻ thù của đảng Fatah của chính quyền Palestine hiện quản lý vùng Cisjordanie. 

Hamas được hình thành như thế nào ? 

Hamas được thành lập năm 1987 ngay buổi đầu phong trào Intifada (cuộc chiến ném đá) đầu tiên của người dân Palestine nổi dậy chống lực lượng Israel chiếm đóng ở dải Gaza và vùng Cisjordanie sau một vụ tai nạn do xe tải quân sự của Israel gây ra ngày 09/12/1987 ở trại tị nạn Jabaliya ở miền bắc dải Gaza. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, Ahmed Yassine đã thành lập Hamas, ban đầu được coi là nhánh vũ trang Palestine của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo.  

Giáo sư xã hội học Laetitia Bucaille của trường Inalco (Paris), được trang Public Sénat trích dẫn ngày 09/10/2023, cho biết : “Lúc đó, một phần của phong trào Huynh đệ Hồi Giáo Ai Cập hiểu rằng phong trào của họ không thể bỏ lỡ bước ngoặt lịch sử từ cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel”.  

Phong trào Intifada thứ nhất chỉ chấm dứt sau khi thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và chủ tịch Tổ Chức Giải Phóng Palestine Yasser Arafat ký hiệp định Oslo năm 1993. Hiệp định đặt nền móng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine và thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine (Palestinian National Autority) để cai quản các vùng lãnh thổ Palestine. Nhưng lực lượng Hamas luôn ưu tiên đấu tranh vũ trang và bác bỏ mọi tiến trình hòa bình. 

Nhà nghiên cứu chính trị Sarah Daoud giải thích : “Hamas tự nhận là lực lượng kháng chiến vũ trang cuối cùng của Palestine so với những bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Hiện giờ, họ vẫn dựa vào thất bại của thỏa thuận Oslo trong việc giải quyết cuộc xung đột để chỉ trích Chính quyền Palestine”. Tôn chỉ của Hamas là liên tục tấn công cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn Israel và thành lập nước Palestine trên toàn lãnh thổ. 

Ngày 14/05/1948, Nhà nước Israel được thành lập trong vùng Palestine do Anh Quốc quản lý trước đó. Liên Hiệp Quốc dự kiến chia vùng lãnh thổ thành ba khu vực : một khu vực Do Thái, một Ả Rập và một trung lập bao gồm cả Jerusalem. Nhưng các nước láng giềng không chấp nhận sự phân chia này. Chiến tranh chấm dứt tháng 03/1949, Israel giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo Israel David Ben Gourion từ bỏ ý định tấn công đến tận khu vực trú đóng ở miền nam của quân Ai Cập - vùng đất sau này trở thành “dải” Gaza, dài 41 km, rộng từ 6 đến 12 km. 

Hất cẳng Fatah, chiếm độc quyền Gaza 

Ngay từ khi thành lập năm 1987, Hamas hoạt động trên hai mặt trận với hai nhánh chính trị và quân sự. Nhà nghiên cứu Sarah Daoud lưu ý : “Trái với Fatah, luôn có rất nhiều bất đồng trong giới lãnh đạo (do liên minh với nhiều khuynh hướng chính trị khác), Hamas vẫn là một mặt trận thống nhất và điều đó làm nên sức mạnh của họ”

Về mặt chính trị, Hamas thâm nhập sâu rộng trong dân nhờ chiêu bài dân túy, cáo buộc Fatah nhu nhược, vô dụng. Hamas lợi dụng sự suy yếu của Chính quyền Palestine, bị Israel nhắm đến từ sau phong trào Intifada thứ hai năm 2000, để trở thành một tổ chức quan trọng. Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tháng 12/2004, tiếp theo là bầu cử nghị viện tháng 01/2006, Hamas trở thành lực lượng chính trị lớn nhất trong Chính quyền Palestine, vượt qua cả tổ chức Fatah, về thứ hai. Ismail Haniyeh, nguyên thư ký đặc biệt của nhà sáng lập Hamas Ahmad Yassine (bị chết trong một trận oanh kích năm 2004), trở thành thủ tướng. Sau đó, chính trị gia có bằng đại học chuyên ngành văn học Ả Rập, nguyên hiệu trưởng Đại học Hồi Giáo Gaza, được bầu làm lãnh đạo Văn phòng Chính trị của Hamas năm 2017.  

Hamas tiếp tục khai thác tinh thần hiếu chiến của người dân ở Gaza, từng bước củng cố thành lực lượng thực chất duy nhất trên lãnh thổ. Hai lực lượng Hamas và Fatah liên tục đối đầu trong tháng 06/2007. Kết quả là Hamas giành chiến thắng và kiểm soát toàn bộ dải Gaza. Tổng thống Abbas thuộc đảng Fatah, được cộng đồng quốc tế công nhận, lui về Cisjordanie. Hamas và Fatah trở thành kẻ thù. 

Đến tháng 12/2019, Ismail Haniyeh tình nguyện sống lưu vong, di chuyển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Họ có một văn phòng ở Qatar. Ngay ban lãnh đạo chính trị của Hamas cũng không hề biết trước về thời điểm mà cánh quân sự của nhóm này dự định tấn công Israel. Tuy nhiên, “khi thời cơ tới, chính họ sẽ đàm phán đình chiến với Israel. Dĩ nhiên thành viên nhánh vũ trang không xuất hiện trong hoạt động này”, theo giải thích của nhà nghiên cứu Sarah Daoud. 

Trên mặt trận quân sự, sau thời gian chủ trương tấn công tự sát bắt đầu ngay từ năm 1993, tổ chức Hamas quyết định chấm dứt hoạt động này vào năm 2006, thay vào đó là bắn rocket từ Gaza sang Israel (2008, 2012, 2014, 2021, 2023), kéo theo các cuộc xung đột do Israel trả đũa, trong khi Chính quyền Palestine không thể can thiệp. Để chặn các đợt pháo kích của Hamas, Nhà nước Do Thái triển khai hệ thống Vòm Sắt năm 2011. Năm 2021, 65 km tường rào bảo vệ kiên cố, tối tân được dựng lên, kể cả dưới lòng đất để chặn đường hầm của Hamas, với chi phí lên tới 1,1 tỉ đô la.  

Nhánh quân sự gồm các Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, đứng đầu là Mohamed Deif, được mệnh danh Mohamed “Khách mời” (Deif) vì thường xuyên thay đổi chỗ ở, không bao giờ ngủ quá một đêm ở cùng một nơi. Viên chỉ huy này chính là đầu não loạt tấn công và sát hại đẫm máu hơn 1200 người ở Israel và bắt cóc hơn 200 người. 

Hamas có những "đồng minh" nào?

Hamas bị đa số các nước trên thế giới liệt vào danh sách tổ chức khủng bố hoặc “thế lực thù địch”. Israel và Ai Cập phong tỏa dải Gaza, áp đặt hạn chế di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Gaza trở thành “nhà tù lộ thiên” thiếu điện nước, khí đốt, theo lời của Henri Guaino, cố vấn của tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2012.  

Trước khi chính thức trở thành lực lượng như hiện nay, Hamas chủ yếu được Ả Rập Xê Út và Syria tài trợ. Lúc đó Israel không lo lắng, vì Hamas chưa phát triển hoạt động vũ trang. Dù hiện bị coi là tổ chức khủng bố, nhiều lãnh đạo bị trừng phạt, Hamas vẫn có một số đồng minh. Trước tiên phải kể đến Iran, luôn được coi là sự ủng hộ biểu tượng và nguồn viện trợ tài chính cho Hamas. Song song đó là lực lượng Hezbollah Liban theo hệ phái Shia.  

Trường hợp của Qatar thì mập mờ hơn. Nhà nghiên cứu Sarah Daoud nhận định Qatar “ở thế tế nhị, vì là nhà cung cấp tài chính cho Hamas từ nhiều năm nay. Qatar cũng đón các chính khách Hamas lưu vong và hỗ trợ họ, nhưng chỉ đơn thuần về mặt nhân đạo, và được Israel đồng ý. Đây cũng là trường hợp của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Maroc, Bahrein và Sudan từ khi ký các thỏa thuận Abraham năm 2020”

Trong chương trình “Khách mời Quốc tế” của đài RFI ngày 09/11, ông Majed Al Ansari, cố vấn của thủ tướng Qatar bác bỏ mọi cáo buộc Qatar ủng hộ “tổ chức khủng bố” Hamas :  

Trước tiên, chúng tôi mạnh mẽ lên án mọi cáo buộc đó. Cộng đồng quốc tế biết chúng tôi làm gì trong việc làm giảm căng thẳng và làm trung gian giữa Hamas và Israel. Mỗi xu dành cho việc tái thiết và cải thiện tình hình ở Gaza đều được phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc có mặt ở Gaza. Ngoài ra, phải nói thêm là mọi viện trợ gần như đều đi qua ngả Israel. Nhà nước Do Thái luôn phối hợp với chúng tôi về điểm này. Không có chuyện tiền được chuyển thẳng cho Gaza, mà luôn đi qua các Israel, viện trợ đi qua các điểm biên phòng Israel, qua các ngân hàng Israel.

Vì thế không có căn cứ để cáo buộc chúng tôi, mà nếu có thì chắc phải cáo buộc thẳng Israel tài trợ cho Hamas. Và dĩ nhiên điều này thật vô nghĩa. Chúng tôi đóng vai trò trung gian viện trợ và gây dựng bầu không khí hòa bình trong khu vực này. Những vụ tấn công mà chúng tôi đang phải hứng chịu là những hành động phá hoại và những người đưa ra những cáo buộc đó không muốn hòa bình cho khu vực này.


**********
rfi.fr

Quân đội Israel tiếp tục tấn công vào bệnh viện chính ở Gaza

Chi Phương

Từ ba ngày qua, Israel liên tục tấn công vào bệnh viện Al-Shifa ở Gaza vì cho rằng đây là trung tâm quân sự chiến lược của Hamas. Hôm qua, 15/11/2023, quân đội Israel khẳng định tìm thấy vũ khí được cất giấu tại nơi ẩn náu và chữa trị của hàng ngàn thường dân tại Gaza. Hamas đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc trên.

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, trên Telegram, Yaron Finkelman, phụ trách các hoạt động ở Gaza của quân đội Israel, cho biết trong đêm qua, « đã thực hiện các chiến dịch có mục tiêu » và xác nhận binh lính Israel vẫn được triển khai tại bệnh viện Al-Shifa vào hôm nay. Bộ Y Tế của Hamas xác nhận đêm qua, « các xe ủi bọc thép của Israel đã phá hủy một phần lối vào từ phía nam của bệnh viện, gần khu hộ sinh ». Trước đó, khu vực này cũng đã bị hư hại bởi các cuộc tấn công của Israel. Quân đội Israel khẳng định đã tìm thấy vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự của Hamas tại bệnh viện, nơi mà theo Liên Hiệp Quốc, 2.300 y bác sĩ, bệnh nhân và thường dân ẩn náu, nhưng Hamas đã nhanh chóng bác bỏ điều đó. 

Cũng trong đêm qua, quân đội Israel thông báo đã tấn công vào nhà riêng của d’Ismaïl Haniyeh, lãnh đạo văn phòng chính trị Hamas và cho biết nơi này được sử dụng « làm căn cứ của khủng bố và thường là nơi gặp gỡ của các lãnh đạo cấp cao Hamas ». Quân đội Israel cũng cho biết đã kiểm soát được cảng Gaza, được cho là cơ sở hạ tầng chủ chốt của Gazan, vào sáng nay.

Chính phủ của Hamas cho biết khoảng chục người đã thiệt mạng trong vụ không kích của Israel đêm qua. Họ khẳng định 11.500 người Palestine đã bị sát hại từ ngày 07/10. Phía Israel cũng thông báo thêm 2 binh sĩ bỏ mạng trong chiến dịch tại miền bắc Gaza, nâng tổng số binh lính thiệt mạng lên 50 người kể từ đầu cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ mà Hamas kiểm soát từ năm 2007.

Về tình hình tại Israel, sáng nay, cảnh sát Israel cho biết « 3 kẻ khủng bố » đã nổ súng tại một trạm kiểm soát giữa Jerusalem và Cisjordanie và đã bị bắn hạ. Bảy người đã bị thương, trong đó 6 người của lực lượng an ninh.


************
rfi.fr

Thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình : Mỹ, Trung nối lại đối thoại quân sự

Thanh Hà

Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 15/11/2023 tại San Francisco, Hoa Kỳ, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại đối thoại, tránh để hai cường quốc hàng đầu thế giới lao vào một cuộc « xung đột ». Quan trọng nhất là việc khởi động lại các cuộc trao đổi mang tính quân sự ở « cấp cao ». Nhưng nhiều xung khắc vẫn tồn tại sau thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình lần này.

Đăng ngày:

4 phút

Để minh họa cho những căng thẳng nói trên, ngay sau cuộc đối thoại với ông Tập Cận Bình, tổng thống Biden một lần nữa nhắc lại chủ tịch Trung Quốc là một « nhà độc tài ». Còn theo hãng tin Mỹ AP, ông Tập Cận Bình trực tiếp quy trách nhiệm cho Washington trong việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan, gây bất ổn trong khu vực

Đặc phái viên đài RFI Guillaume Naudin từ San Francisco tổng kết về thượng đỉnh Joe Biden và Tập Cận Bình trước thềm hội nghị APEC :

« Cuộc trao đổi diễn ra trong bốn giờ đồng hồ. Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc đã thảo luận về hầu hết hồ sơ, tuy nhiên gần như họ chẳng đồng ý với nhau về bất kỳ một chủ đề nào. Dù vậy, ít ra đây là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm một cách trung thực, như tổng thống Joe Biden ghi nhận.

Ông nói : "Các cuộc họp luôn diễn ra một cách thẳng thắn và trung thực. Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng ý với nhau, nhưng đối thoại luôn thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng hôm nay chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng".

Những tiến bộ mà ông Biden muốn nói đến chính là thỏa thuận nối lại hợp tác chống nạn buôn ma túy tổng hợp Fentanyl. Đôi bên đồng ý khởi động các chương trình hợp tác để ngăn ngừa những hậu quả của việc phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, nối lại đối thoại quân sự tránh để xảy ra những sự cố có thể dẫn tới khủng hoảng.

Trái lại, lãnh đạo hai cường quốc vẫn không có đồng thuận về chiến tranh Ukraina, về xung đột ở Trung Đông, hay về tự do hàng hải ở Biển Đông, hoặc là về những áp lực của Trung Quốc đối với Đài Loan vài tuần lễ trước bầu cử tổng thống tại đảo này. Nói chung, còn rất nhiều bất đồng mà tổng thống Joe Biden sẽ phải xử lý. Nguyên thủ quốc gia Mỹ kết luận : "Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thế cạnh tranh và trách nhiệm của tôi là giải quyết một cách hợp lý để tránh cho cạnh tranh đó dẫn đến xung đột. Đó là mục tiêu của tôi".

Cũng vì tránh để xảy ra xung đột, lãnh đạo hai nước quyết định điện đàm trực tiếp với nhau khi cần. Trên nguyên tắc, họ sẽ không đợi thêm một năm nữa mới lại trao đổi với nhau ».

Như chính tổng thống Biden đã ghi nhận, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh về kinh tế. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ thông báo « các quan chức cấp cao hai bên sẽ nối lại đối thoại », và đây là điều « quan trọng bởi những sự cố nguy hiểm, hay không mang tính chuyên nghiệp » giữa Không Quân và Hải Quân hai nước có nguy cơ ngày càng thường xuyên xảy ra.

Đối với Bắc Kinh, điểm quan trọng nhất liên quan đến Đài Loan. AP trích lời một quan chức Mỹ cho biết chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Trung Quốc « không có ý định xâm chiếm Đài Loan ». Hãng tin Anh Reuters thì chú ý đến việc Bắc Kinh đòi Washington « ngừng trang bị vũ khí » cho Đài Bắc. Liên quan đến cuộc đọ sức Mỹ - Trung về kinh tế và công nghệ, cũng AP cho biết ông Tập Cận Bình xem các biện pháp trừng phạt của chính quyền Biden ảnh hưởng trực tiếp đến những « lợi ích chính đáng » của Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, tường thuật về thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình,Tân Hoa Xã cho biết lãnh đạo Bắc Kinh « tập trung vào hai hồ sơ lớn là Đài Loan và lợi ích kinh tế » trong cuộc trao đổi với tổng thống Biden.

Sau thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình

Sau cuộc họp giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Biden tiếp tục các hoạt động bên lề trước khi chính thức tham dự thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương - APEC. Gặp gỡ các doanh nhân Mỹ tối qua, ông Tập Cận Bình trấn an cử tọa rằng Trung Quốc « sẵn sàng là một đối tác và là một nước bạn » của Hoa Kỳ, vẫn là một quốc gia « rộng mở » cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Ông còn khẳng định Trung Quốc « không muốn gây chiến với bất kỳ một quốc gia nào ».


**************
voatiengviet.com

Israel nói phát hiện trung tâm chỉ huy và vũ khí Hamas tại bệnh viện Gaza

Reuters

Quân đội Israel tìm thấy một trung tâm chỉ huy tác chiến và tài sản của các chiến binh Hamas tại bệnh viện lớn nhất của Gaza, quân đội Israel cho biết ngày 15/11.

Bệnh viện Al Shifa ở Thành phố Gaza đã trở thành mục tiêu chính trong cuộc tấn công của lực lượng Israel vào lãnh thổ Gaza. Israel nói “đầu não” hoạt động của các chiến binh Hamas có trụ sở chính trong các đường hầm bên dưới bệnh viện, điều mà Hamas phủ nhận.

Phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, cho biết những người lính vào bệnh viện trước đó trong ngày 15/11 sau khi bao vây trong nhiều ngày, đã tìm thấy vũ khí, thiết bị chiến đấu và thiết bị công nghệ ở đó và đang tiếp tục tìm kiếm.

Quân đội cũng công bố một đoạn video cho thấy một số vật liệu được thu hồi từ một tòa nhà không được tiết lộ trong khuôn viên bệnh viện, bao gồm vũ khí tự động, lựu đạn, đạn dược và áo khoác chống đạn.

Israel luôn khẳng định rằng bệnh viện này nằm phía trên trụ sở của Hamas, một khẳng định mà Hoa Kỳ cho biết hôm 14/11 đã được hỗ trợ bởi tình báo của Mỹ.

Ca ngợi việc lực lượng của mình tiến vào bệnh viện, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong một tuyên bố: “Không có nơi nào ở Gaza mà chúng tôi không thể tiếp cận. Không có nơi ẩn náu. Không có nơi trú ẩn hay nơi ẩn náu cho những kẻ sát nhân Hamas.”

Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp cận và loại bỏ Hamas và chúng tôi sẽ mang về các con tin của mình. Đây là hai sứ mệnh thiêng liêng”.

Israel cho biết quân đội của họ đã tiến vào khu phức hợp bệnh viện ngày 15/11 sau khi tiêu diệt các phần tử hiếu chiến trong một cuộc đụng độ bên ngoài. Khi vào bên trong, họ cho biết không có đánh nhau và xung đột với dân thường, bệnh nhân hoặc nhân viên.

Các nhân chứng nói chuyện với Reuters từ bên trong khu nhà mô tả tình hình có vẻ bình lặng nhưng căng thẳng khi quân đội Israel di chuyển giữa các tòa nhà để tiến hành khám xét. Người ta nghe thấy tiếng súng lẻ tẻ nhưng không có báo cáo về người bị thương trong khuôn viên.

Quân đội Israel công bố những bức ảnh chụp một người lính đứng cạnh các hộp các-tông có ghi “vật tư y tế” và “thức ăn trẻ em” tại một địa điểm mà Reuters xác minh là bên trong Al Shifa. Những bức ảnh khác cho thấy quân đội Israel theo đội hình chiến thuật đi ngang qua những chiếc lều và nệm tạm bợ.

Sự chú ý của quốc tế tập trung vào số phận của hàng trăm bệnh nhân bị mắc kẹt bên trong bệnh viện vốn không có điện để vận hành các thiết bị y tế cơ bản và hàng nghìn thường dân di tản đang tạm trú ở đó. Các quan chức Gaza cho biết nhiều bệnh nhân, trong đó có 3 trẻ sơ sinh, đã chết trong những ngày gần đây do Israel bao vây bệnh viện.

Quân đội Israel nói: “Trước khi vào bệnh viện, lực lượng của chúng tôi đã phải đối mặt với các thiết bị nổ và các nhóm khủng bố, giao tranh xảy ra sau đó khiến những kẻ khủng bố bị tiêu diệt”.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng các lồng ấp, thức ăn trẻ em và vật tư y tế do xe tăng từ Israel mang đến đã đến bệnh viện Shifa thành công. Đội ngũ y tế của chúng tôi và binh sĩ nói tiếng Ả Rập đang có mặt để đảm bảo rằng những nguồn cung cấp này đến được với những người có nhu cầu”, quân đội Israel nói.

Israel đã phát động chiến dịch quét sạch Hamas, nhóm Hồi giáo cai trị Gaza, sau khi phiến quân Hamas tràn qua miền nam Israel hôm 7 tháng 10. Israel cho biết hôm đó có 1.200 người đã thiệt mạng và khoảng 240 người bị bắt, ngày đẫm máu nhất trong lịch sử 75 năm của Israel.

Kể từ đó, Israel đã bao vây toàn bộ dân số 2,3 triệu người của Gaza, tấn công dải đất đông đúc này bằng các cuộc không kích. Các quan chức y tế Gaza, được Liên hiệp quốc coi là đáng tin cậy, cho biết khoảng 11.500 người Palestine hiện được xác nhận đã thiệt mạng, khoảng 40% trong số đó là trẻ em, và nhiều người khác bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Israel đã ra lệnh sơ tán toàn bộ nửa phía bắc Gaza và khoảng 2/3 cư dân hiện vô gia cư.

Tạm ngưng bắn nhân đạo

Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bỏ phiếu sau đó vào ngày 15/11 về dự thảo nghị quyết kêu gọi tạm ngưng bắn nhân đạo kéo dài và khẩn cấp trong cuộc giao tranh cũng như các hành lang trên khắp Dải Gaza trong đủ số ngày để cho phép tiếp cận viện trợ.

Israel cho đến nay vẫn từ chối lời kêu gọi ngừng bắn vì cho rằng điều này sẽ có lợi cho Hamas, một lập trường được Washington ủng hộ. Tuy nhiên, việc tạm dừng giao tranh đã được thảo luận trong các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian để thả một số con tin bị Hamas bắt giữ.

Một quan chức cho biết các nhà hòa giải Qatar đang tìm kiếm một thỏa thuận bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày, trong đó Hamas thả 50 người bị bắt và Israel thả một số phụ nữ và trẻ em trong số những người bị an ninh của họ giam giữ.

Quan chức này cho biết Hamas đã đồng ý với các nội dung chính của thỏa thuận nhưng Israel thì chưa và vẫn đang đàm phán các điều khoản.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói với các phóng viên rằng việc Israel đột nhập vào Bệnh viện Al Shifa là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Ông nói tại Geneva: “Bệnh viện không phải là chiến trường”.

Thủ tướng Palestine, Mohammad Shtayyeh, người phục vụ trong Chính quyền Palestine vốn có quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, nói: “Những gì đang xảy ra ở Gaza là một tội ác chiến tranh rất rõ ràng, rất rõ ràng mà Israel đang phạm phải đối với những người được điều trị trong bệnh viện”.

‘Cơ sở hạ tầng khủng bố’

Sáng ngày 15/11, một quan chức quân sự cấp cao của Israel cho biết các binh sĩ “đã tìm thấy vũ khí và cơ sở hạ tầng khủng bố khác” trong khuôn viên của bệnh viện Al Shifa - ông nói thêm, đó là bằng chứng rằng Hamas đã sử dụng bệnh viện này làm “trụ sở khủng bố”.

Hamas nói đây là “sự tiếp nối của những lời dối trá và tuyên truyền rẻ tiền” mà Israel đang tung ra để biện minh cho “tội ác của mình nhằm phá hủy ngành y tế ở Gaza”.

Bác sĩ phẫu thuật Ahmed El Mohallalati nói với Reuters qua điện thoại rằng các nhân viên đã lẩn trốn khi cuộc giao tranh diễn ra xung quanh bệnh viện đêm qua. Khi ông nói, có thể nghe thấy âm thanh mà ông mô tả là “tiếng súng liên tục từ xe tăng” vang lên.

Ông nói: “Một trong những chiếc xe tăng lớn tiến vào bệnh viện từ cổng chính phía đông và… chúng đậu ngay trước khoa cấp cứu của bệnh viện”.

Ông cho hay người Israel đã thông báo trước với ban quản lý bệnh viện rằng họ dự định vào. Đến giữa buổi sáng, ông và các nhân viên khác vẫn chưa nhận được chỉ đạo của quân đội dù binh lính cách họ “vài mét”.

Ông Mohallalati nói sau 5 ngày bệnh viện bị Israel tấn công liên tục, thật nhẹ nhõm khi ít nhất đã tới “điểm cuối” với quân đội hiện đang ở bên trong khuôn viên thay vì bên ngoài bắn vào.


*********
voatiengviet.com

Ông Biden và ông Tập gặp nhau giữa những tranh cãi về quân sự và kinh tế

Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 15/11 gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau một năm trong những cuộc thảo luận có thể giảm bớt va chạm giữa hai siêu cường về xung đột quân sự, buôn lậu ma túy và trí tuệ nhân tạo.

Ông Biden đã chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc tại điền trang Filoli, một ngôi nhà và khu vườn nông thôn cách San Francisco khoảng 48 km về phía nam, nơi họ sẽ di chuyển sau đó để tham dự hội nghị thượng đỉnh của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách giảm bớt va chạm trong mối quan hệ mà nhiều người coi là quan trọng nhất thế giới, nhưng tiến bộ sâu sắc về những khác biệt to lớn giữa họ có thể phải đợi thêm một ngày nữa.

Các quan chức ở cả hai bờ Thái Bình Dương không đặt nhiều kỳ vọng khi ông Biden và ông Tập chuẩn bị thảo luận về Đài Loan, Biển Đông, cuộc chiến Israel-Hamas, việc Nga xâm lược Ukraine, Triều Tiên và nhân quyền - những lĩnh vực mà hai nhà lãnh đạo không thể giải quyết được những bất đồng lâu nay.

Ông Biden và và ông Tập đã đến San Francisco vào ngày 14/11, nơi cả hai sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh (APEC).

Các nhà lãnh đạo từ nhóm 21 quốc gia - và hàng trăm CEO ở San Francisco - gặp nhau trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tương đối yếu kém, tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước láng giềng và cuộc xung đột ở Trung Đông đang chia rẽ Hoa Kỳ và các đồng minh.

Các chuyên gia cho rằng ông Tập sẽ tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh suôn sẻ với ông Biden để cho những người trong nước lo ngại về nền kinh tế và đầu tư nước ngoài suy giảm thấy rằng ông Tập có thể giải quyết thành công mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những nỗ lực dàn dựng cẩn thận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có thể bị đảo ngược ở San Francisco bất chấp những nỗ lực đuổi người vô gia cư ra khỏi đường phố. Tuyến đường từ sân bay đến địa điểm tổ chức hội nghị đầy những người biểu tình ủng hộ và chống lại Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc, một cảnh tượng bất thường đối với ông Tập, người đã đến thăm Hoa Kỳ lần cuối vào năm 2017.

Địa điểm tổ chức hội nghị cấp cao song phương, cách xa địa điểm tổ chức hội nghị APEC, mang đến cho các nhà lãnh đạo sự an ninh, bình yên và khoảng cách với địa điểm trung tâm.

Ông Biden đã tìm cách ngoại giao trực tiếp với ông Tập, đánh cược rằng mối quan hệ cá nhân mà ông đã vun đắp hàng chục năm với nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông có thể cứu vãn mối quan hệ đang ngày càng trở nên thù địch.

Ông Chong Ja Ian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết hai bên đang tham gia vào những gì mà ông Mao gọi trong thời nội chiến ở Trung Quốc là “đàm và đánh, đánh và đàm”.

“Đó là vừa đàm phán vừa xây dựng lực lượng”, ông Chong nói.

Tòa Bạch Ốc hy vọng cuộc gặp có thể tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên trước cuộc họp: “Tất cả chúng tôi đều mong đợi rằng đây sẽ là một cuộc thảo luận hiệu quả ngày hôm nay và hy vọng sẽ là tiền đề cho nhiều cuộc trao đổi và đối thoại hơn nữa giữa hai bên trong tương lai”.

Vấn đề Iran can thiệp bầu cử

Trong cuộc họp, ông Biden dự kiến sẽ thúc ép ông Tập sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc để thúc giục Iran tránh hành động khiêu khích hoặc khuyến khích các lực lượng ủy nhiệm của họ tham gia vào cuộc xung đột trong những động thái có thể làm lan rộng xung đột Israel-Hamas trên khắp Trung Đông.

Ông cũng dự kiến sẽ nêu ra các cáo buộc về hoạt động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử nước ngoài, tình trạng của các công dân Hoa Kỳ mà Washington tin rằng bị giam giữ sai trái ở Trung Quốc và vấn đề nhân quyền.

Các quan chức Mỹ kỳ vọng sẽ có những bước cụ thể để khôi phục các cuộc đối thoại cấp tham mưu giữa hai nước về các vấn đề từ liên lạc quân sự đến giảm lưu lượng chất fentanyl, quản lý sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng như quản lý thương mại và khí hậu.

Các quan chức Mỹ cho biết nhiều hóa chất được sử dụng để sản xuất fentanyl có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trước cuộc gặp, cả hai nước đều ủng hộ mục tiêu năng lượng tái tạo mới và cho biết họ sẽ nỗ lực giảm ô nhiễm khí mê-tan và nhựa, việc tái tục hợp tác về khí hậu bị đình chỉ sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào năm 2022.

Ông Biden đã tập hợp các đồng minh truyền thống của đất nước từ châu Âu đến châu Á để đối đầu với Nga ở Ukraine, mặc dù một số có những khác biệt về cuộc xung đột Israel-Hamas.

Ông Tập, kém ông Biden mười tuổi, đã thắt chặt quyền kiểm soát chính sách, lãnh đạo nhà nước, truyền thông và quân đội cũng như thay đổi hiến pháp. Nhưng những thách thức kinh tế đã đẩy đất nước ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng kéo dài ba thập niên.

Các quan chức chính phủ trong khu vực dự kiến Bắc Kinh sẽ thử thách Washington trong những tuần tới, lợi dụng sự chuyển hướng của Hoa Kỳ trong việc tập trung vào Ukraine và Israel trong lúc Bắc Kinh theo đuổi tham vọng của riêng mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Biden dự kiến sẽ nói với ông Tập rằng các cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thay đổi. Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo lắng trong những năm gần đây với những bước đi ở Eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, những khu vực tranh chấp quốc tế.


*********
voatiengviet.com

Tin nói Trung Quốc bác đề nghị của Mỹ về các chính sách thương mại-đầu tư APEC

Reuters

Trung Quốc bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ dành cho các thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương nhằm kết hợp tính bền vững và tính toàn diện vào các chính sách thương mại và đầu tư của họ, một nguồn tin được thuyết trình về các cuộc đàm phán cho biết ngày 15/11.

Nguồn tin nói các cuộc thảo luận về vấn đề này đang tiếp tục diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco nhằm cố gắng tìm ra ngôn ngữ mà 21 quốc gia thành viên của nhóm có thể nhất trí.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai phát biểu tại một cuộc họp toàn thể tập trung vào thương mại rằng bà hy vọng đề nghị mà chính quyền Biden gọi là “Các nguyên tắc San Francisco về tích hợp tính toàn diện và bền vững vào chính sách thương mại và đầu tư” vẫn có thể được hoàn thiện.

Bà Tai nói nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu đã “được hỗ trợ bởi tất cả các nền kinh tế ngoại trừ một nền kinh tế và do đó, không rõ liệu APEC có thực hiện được nhiệm vụ đó hay không. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan rằng các nền kinh tế sẽ sớm hoàn tất Các nguyên tắc San Francisco.”

Không có nhiều thông tin chi tiết về đề nghị của Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Biden đang thúc đẩy ý tưởng rằng các nền kinh tế APEC tăng cơ hội cho nhiều người hơn, đặc biệt là những nhóm dân cư có hoàn cảnh bất lợi và đưa các mục tiêu năng lượng sạch và giảm thiểu phát thải carbon vào các chính sách phát triển, tăng trưởng và thương mại của họ.

Bà Tai đang tìm cách đàm phán một thỏa thuận thép sạch với Liên hiệp châu Âu nhằm gây bất lợi cho các nhà sản xuất thép Trung Quốc do lượng khí thải carbon cao hơn của họ.

Tin tức về sự phản đối của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh APEC được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở phía nam San Francisco để đàm phán cấp cao nhằm giảm bớt va chạm giữa các siêu cường về xung đột quân sự, buôn bán ma túy và trí tuệ nhân tạo.


**********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AFP) - Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp công du Trung Cận Đông. Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Pháp ngày 14/11/2023, bộ trưởng Sébastien Lecornu bắt đầu vòng công du trong 4 ngày (14-17/11) đến Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar và nhất là đến Israel, theo đề nghị của tổng thống Pháp. Lãnh đạo Quốc Phòng Pháp sẽ trao đổi về hình con tin, người mất tích, quyền tự vệ của Israel với sự tôn trọng luật chiến tranh, hoạt động cứu trợ nhân đạo và bảo vệ thường dân Gaza, cách tránh để xung đột leo thang, cuộc chiến chống khủng bố.

(AFP) - Bắc Triều Tiên đã phát triển và thử nghiệm thành công động cơ tên lửa đạn đạo tầm trung (IRMB) dùng nhiên liệu rắn. Trruyền thông Bắc Triều Tiên hôm nay, 15/11/2023, khẳng định tiến bộ này có vai trò chiến lược quan trọng đối với Bình Nhưỡng. Theo các chuyên gia, tên lửa có động cơ hoạt động nhờ nhiên liệu rắn thường dễ sử dụng và an toàn hơn so với động cơ chạy bằng chất đốt thể lỏng. Các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vốn dĩ bị xem là vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

(Reuters) - Một phái đoàn Nga do bộ trưởng Tài Nguyên Thiên Nhiên, dẫn đầu viếng thăm Bắc Triều Tiên. Chuyến đi nhằm « mở rộng quan hệ hợp tác » giữa hai nước vào lúc Mỹ cáo buộc Bắc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga trong chiến tranh Ukraina. Từ hôm 14/11/2023 bộ trưởng Nga Alexander Kozlov và phái đoàn đã đến Bình Nhưỡng đúng vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ có mặt tại Hàn Quốc. Bộ trưởng Lloyd Austin đã bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc và Nga giúp Bắc Triều Tiên nâng cao khả năng quân sự bất chấp lệnh trừng phạt nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng mà Liên Hiệp Quốc đã ban hành.

(AFP) - Hai đảng đối lập Đài Loan liên kết chuẩn bị cho bầu cử tổng thống vào năm 2024. Quốc Dân Đảng KMT có lập trường thân Bắc Kinh và Đảng Nhân Dân Đài Loan TPP hôm 15/11/2023 thông báo liên kết với nhau để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống dự trù diễn ra vào ngày 13/01/2024. Các ứng viên của hai đảng này đang theo sát nút nhau (theo thứ tự là 21 và 18 %)  trong các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu. Thế nhưng ứng viên của đảng Dân Tiến đang cầm quyền vẫn dẫn đầu cuộc đua với khoảng 26 % cử tri ủng hộ.

(AFP) - Phiến quân Houthi ở Yemen phóng tên lửa đạn đạo nhắm vào các cơ sở quân sự của Israel. Phát ngôn viên về quân sự của phiến quân Houthi ở Yemen, thân Iran, hôm 14/11/2023, cho biết trong số những nơi bị tấn công, có cả những mục tiêu quân sự quan trọng của Israel ở Eilat. Một hôm trước đó, Houthi cũng đã dùng drone tấn công các mục tiêu nói trên. Phiến quân Houthi cũng dọa là sẽ nhắm đến các tàu chiến của Irael ở Hồng Hải.

(AFP) - Điện Kremlin lấy làm tiếc về việc Phần Lan định đóng cửa biên giới với Nga. Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov, hôm qua 14/11/2023 xem đây là sự cố tình rời xa quan hệ tốt đẹp mà hai nước từng có. Phần Lan có biên giới dài 1.340 km với Nga và phải đối phó với dòng người nhập cư bất hợp pháp trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo cáo buộc Nga cố tình để di dân qua biên giới bất hợp pháp nhằm gây bất ổn cho đất nước ông.

(AFP) - Tình báo Nga bắt giữ một nghi can vì tội « phản quốc », cung cấp thông tin quân sự cho Ukraina. Thông cáo của FSB hôm 15/11/2023 cho biết đương sự đã cung cấp nhiều thông tin về cơ sở quân sự của Nga tại vùng Siberia cho Ukraina. Chưa có thông tin về danh tính nghi can. Trong thời gian gần đây, những vụ bắt giữ vì tội danh « phản quốc » tại Nga đã « tăng nhanh ».   

(AFP) - Trục xuất người nhập cư bất hợp pháp vào Anh Quốc sang Rwanda là việc « bất hợp pháp ». Trong phán quyết hôm 15/11/2023 Tối cao pháp viện Anh đã bác bỏ kế hoạch của chính phủ Rishi Sunak để giải quyết nạn di dân bất hợp pháp vào Anh. Đây là một sáng kiến của Suella Braverman thuộc cánh bảo thủ nhất trong đảng cầm quyền. Bà vừa bị mất chức bộ trưởng Nội Vụ cách nay hai ngày. 


************
voatiengviet.com

Phúc trình tình báo: Trung Quốc chống lưng cho tin tặc mạng nhắm vào Úc

VOA News

Cơ quan gián điệp kỹ thuật số của Úc xác định Trung Quốc là nước hỗ trợ chính cho các vụ tấn công nghiêm trọng nhắm vào các công ty và cơ sở hạ tầng quan trọng của Úc.

Tổng cục Tín hiệu Úc, hay ASD, ngày 15/11 công bố phúc trình về mối đe dọa mạng trong năm qua.

ASD tuyên bố rằng số cuộc tấn công nghiêm trọng vào các cơ quan chính phủ liên bang hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng dẫn đến “sự xâm phạm rộng rãi” dữ liệu nhạy cảm đã tăng từ hai vụ lên năm vụ trong năm qua.

Phúc trình của ASD xác định Trung Quốc là quốc gia chủ mưu lớn, tiếp theo là Nga và Iran.

Trong cộng đồng, ngày càng có nhiều người Úc báo cáo bị tội phạm mạng nhắm đến. Gần 94.000 báo cáo về tội phạm mạng đã được các cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước gửi tới các cơ quan thực thi pháp luật, tăng 23% so với năm trước.

Giai đoạn duyệt xét bao gồm các vi phạm nghiêm trọng xảy ra vào năm ngoái tại công ty viễn thông lớn thứ hai Australia, Optus, và công ty bảo hiểm y tế lớn nhất nước này, Medibank.

ASD cũng đang làm việc với nhà điều hành cảng DP World. Hệ thống máy tính của họ đã bị các tin tặc chưa biết nguồn gốc hoặc chưa xác định được nguồn gốc xâm nhập, khiến các cảng lớn của Úc phải đóng cửa vào cuối tuần qua.

Ông Richard Marles, phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Australia, nói với đài ABC hôm 15/11 rằng chính phủ đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn các tin tặc ở nước ngoài.

“Từ quan điểm của chính phủ, chúng tôi đang thấy các chủ thể nhà nước thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi và vì vậy, bạn biết đấy, chúng tôi đang đầu tư 10 tỷ đô la (Úc) trong 10 năm cho Tổng cục Tín hiệu Úc, nơi thực sự chứng kiến sự tăng gấp đôi trong quy mô nhằm tăng cường năng lực mạng của chúng tôi, tăng cường khả năng phòng thủ mạng của chúng tôi,” ông nói.

Ông Marles thừa nhận rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc nhưng nước này cũng là “nguồn gây lo ngại về an ninh cho đất nước chúng tôi”.

Vào tháng 5, Úc đã tham gia mạng chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn, bao gồm cả Hoa Kỳ và Anh, để xác định Trung Quốc chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng ở Hoa Kỳ.

Canada và New Zealand cũng là một phần của liên minh.

Cho đến nay, vẫn chưa có phản hồi nào từ chính quyền Bắc Kinh về cáo buộc Trung Quốc đồng lõa trong các cuộc tấn công mạng toàn cầu.

Phúc trình của ASD cũng nêu bật hành động của tội phạm Nga trong cuộc chiến ở Ukraine như một ví dụ về các cuộc tấn công mạng được nhà nước hỗ trợ.

ASD tuyên bố: “Phần mềm độc hại có tính phá hủy đã được...sử dụng để chống lại cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine.”


*************
voatiengviet.com

Quân kháng chiến Myanmar chiếm thêm chốt cửa khẩu ở biên giới với Ấn Độ

Reuters

Hai ngày sau khi quân nổi dậy ở bang Chin của Myanmar chiếm được hai căn cứ của chính quyền quân sự gần biên giới với Ấn Độ, họ vừa chiếm thêm quyền kiểm soát một chốt cửa khẩu nữa giữa hai nước phía bên kia bang Mizoram nhỏ bé của Ấn Độ.

Hầu hết trong số gần 5.000 người dân Myanmar sơ tán sang Ấn Độ để tránh giao tranh dữ dội giữa quân nổi dậy và quân đội Myanmar kể từ sáng sớm ngày 13/11 đã trở về nhà khi tình hình lắng dịu, các lãnh đạo địa phương cho biết.

Trong khi thung lũng dọc biên giới Ấn Độ-Myanmar phần lớn đã yên tĩnh trở lại vào chiều ngày 15/11, từ làng Zokhawthar của Ấn Độ có thể nghe thấy còi báo động không kích từ phía Myanmar cảnh báo người dân về các cuộc không kích có thể xảy ra của chính quyền quân đội.

Giữa những ngọn đồi sum suê, cờ Chin được treo trên cổng chào đón du khách đến Cộng hòa Liên bang Myanmar tại cửa khẩu Zokhawthar .

Lực lượng bán quân sự Assam Rifle ở phía Ấn Độ và quân kháng chiến vũ trang ở phía Myanmar bảo vệ hai đầu của cây cầu biên giới bắc qua sông Tiau, nơi người dân đi qua tự do hôm 15/11.

Một nguồn tin trong nhóm Lực lượng Phòng vệ Chin cho biết họ sẽ bảo vệ biên giới với hai nhóm quân kháng chiến khác - Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và Quân đội Quốc gia Chin. “Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các vị trí chiến lược khác gần đó,” ông nói.

Ông Ramtharnghaka, chủ tịch chi hội Zokhawthar ở địa phương của nhóm xã hội dân sự Hiệp hội người Mizo Trẻ, nói hầu hết các công dân Myanmar băng sang biên giới là từ các thị trấn gần đó.

“Trong khi một số người ở tại các trung tâm cộng đồng, những người khác được bạn bè và thân nhân chào đón,” ông nói và cho biết thêm rằng hầu hết trong số họ hiện đã trở về.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn