Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 14 -11 -2023

Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một 20233:34 SA(Xem: 1153)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 14 -11 -2023
Hoaluc 3
************
voatiengviet.com

Tại cuộc kiểm điểm nhân quyền định kỳ phổ quát, Nga bị lên án về các vi phạm trong lẫn ngoài nước

AP

Các nước phương Tây ngày 13/11 liên tục kêu gọi Nga chấm dứt đàn áp trong nước đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine - cũng như các vi phạm nhân quyền liên quan đến cuộc chiến này – trong lúc Nga trải qua cuộc duyệt xét định kỳ tại cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hiệp quốc.

Một phái đoàn từ Moscow, do Thứ trưởng Tư pháp Nga Andrei Loginov dẫn đầu, đã bênh vực quyền của Nga trong việc đảm bảo luật pháp và trật tự bằng cách hạn chế một số hình thức phản kháng hoặc tiếng nói có thể đe dọa an ninh trong nước. Ông cũng cho biết “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine “không liên quan đến vấn đề” nhân quyền trong cuộc kiểm điểm định kỳ này.

Phiên điều trần kéo dài 3 tiếng rưỡi hôm 13/11 tại Geneva là một phần của hoạt động được gọi là Đánh giá định kỳ phổ quát, hay UPR, mà tất cả các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc phải đối mặt khoảng 4 hoặc 5 năm một lần.

Nga đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Hai nhóm điều tra riêng biệt được Liên hiệp quốc hậu thuẫn đã được giao nhiệm vụ xem xét cả những hành vi vi phạm nhân quyền được thực hiện ở Ukraine và trong nước ở Nga.

Các nước phương Tây trong phiên họp ngày 13/11 đã tố cáo việc Nga trục xuất trẻ em Ukraine, việc Nga đàn áp xã hội dân sự và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có Alexei Navalny và Vladimir Kara-Murza. Các nước cũng lên án Nga đã hạn chế quyền của người LGBTQI và những người phản đối chiến tranh.

“Kể từ UPR lần trước, sự đàn áp trong nước của Nga đã tăng cường, tạo điều kiện cho sự đàn áp của nước này ở nước ngoài - đặc biệt là những hành động tàn bạo vẫn tiếp diễn ở Ukraine”, đại sứ Anh tại Geneva nói.

Bà Yevheniia Filipenko, đại sứ Ukraine tại các định chế của Liên hiệp quốc ở Geneva, đã chỉ ra “bằng chứng không thể chối cãi về hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn và có hệ thống của Nga, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại” ở đất nước của bà, đồng thời tố cáo các cuộc tấn công đang diễn ra nhắm vào dân thường bao gồm “giết người, tra tấn, hãm hiếp, trục xuất.”

Bà nói: “Đối với danh sách vô tận các tội ác quốc tế, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Các quan chức Nga bảo vệ các biện pháp an ninh của họ, nói rằng các hạn chế nhằm mục đích ngăn chặn sự gián đoạn có thể ảnh hưởng đến an ninh và bênh vực lập trường của họ về các vấn đề giới tính.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các đồng minh của Moscow và các quốc gia khác ở các nước đang phát triển, đã chúc mừng Nga về những thành tựu đáng tự hào của nước này, chẳng hạn như việc bảo vệ quyền của người khuyết tật.

“Tôi nhấn mạnh những thành tựu của đất nước chúng tôi trong lĩnh vực nhân quyền, tôi không thể bỏ qua những khó khăn mà chúng tôi gặp phải”, ông Loginov nói, ám chỉ áp lực của các chế tài và hạn chế quốc tế đối với vai trò của Nga trong các định chế thế giới.

Ông cho biết Nga sẽ lắng nghe “tất cả các khuyến nghị” mà hợp với hiến pháp của mình - nhưng không tuân theo những khuyến nghị liên quan đến Ukraine.


***********

Israel nói chính quyền Palestine không thể điều hành Gaza

TRẦN PHƯƠNG

Tương lai của Dải Gaza càng thêm khó đoán sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói chính quyền Palestine hiện tại không thể kiểm soát Dải Gaza.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bờ Tây ngày 5-11 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bờ Tây ngày 5-11 - Ảnh: REUTERS

Đáp lại những đề xuất rằng Chính quyền Palestine (PA) có thể tham gia quản lý Dải Gaza sau cuộc chiến, thủ tướng Israel nói ông không muốn các nhà lãnh đạo PA hiện tại được trao quyền tự do kiểm soát khu vực này.

"Chúng ta cần một cơ quan có thẩm quyền khác. Chúng ta cần một chính quyền khác", ông Netanyahu nói với Đài NBC ngày 12-11, giờ địa phương. Khi được hỏi đó sẽ là kiểu chính quyền như thế nào, nhà lãnh đạo Israel trả lời: "Tôi nghĩ còn quá sớm để nói".

Israel đang tiến hành đợt tấn công tổng lực và toàn diện vào Gaza để tiêu diệt phong trào Hồi giáo Hamas sau khi nhóm này tấn công vào Israel ngày 7-10. Tel Aviv cho biết sẽ chịu trách nhiệm duy trì an ninh tổng thể ở Gaza sau khi xung đột kết thúc, nhưng không nói rõ ai sẽ quản lý vùng đất này.

Trước đó, Washington nhấn mạnh Israel không thể tái chiếm Gaza sau chiến tranh. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề xuất rằng chính quyền Gaza phải được tái thống nhất với Bờ Tây, nơi nhiều khu vực do PA điều hành, và các bên quốc tế có khả năng đảm nhận vai trò trong thời gian tạm thời.

Cuối tuần trước, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng nói PA có thể đóng một vai trò trong việc quản lý Dải Gaza trong tương lai. Dù vậy, ông Abbas cho biết PA chỉ có thể nắm quyền ở Gaza nếu tìm được một "giải pháp chính trị toàn diện" cho cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài hàng thập kỷ ở không chỉ ở Gaza mà còn Bờ Tây, Đông Jerusalem.

Tuy nhiên, ông Netanyahu nói ông tin tưởng vào các nhà lãnh đạo của PA. "Không thể có một chính quyền đứng đầu bởi một người mà hơn 30 ngày sau vụ thảm sát vẫn chưa lên án vụ thảm sát khủng khiếp này", ông tuyên bố.

Thủ tướng Israel cũng chỉ trích chương trình giáo dục của PA tạo ra sự căm ghét đối với Tel Aviv và chính sách trả lương cho các gia đình người Palestine bị giam giữ ở Israel.

Ngược lại, người phát ngôn Nabil Abu Rudeineh của ông Abbas nói Israel đang tìm cách duy trì sự chia rẽ giữa hai vùng lãnh thổ của Palestine. "Những nỗ lực của Israel nhằm tách Gaza khỏi Bờ Tây sẽ thất bại và điều đó sẽ không được phép", ông Rudeineh nói với Hãng tin Reuters.

PA từng điều hành cả Bờ Tây và Gaza nhưng bị lật đổ ở Gaza vào năm 2007 sau một cuộc nội chiến ngắn với Hamas. Cùng năm, Israel đã siết chặt phong tỏa Gaza, kiểm soát nghiêm ngặt người và hàng hóa ra vào.

Ở phương Tây, trong khi một số chính quyền muốn PA đóng vai trò trong tương lai của Gaza, cũng có những lo ngại rằng ông Abbas, 87 tuổi, không có đủ thẩm quyền hoặc sự ủng hộ của người dân để chịu trách nhiệm về khu vực này.


***********
voatiengviet.com

Nepal cấm TikTok của Trung Quốc, cáo buộc nó có tác động tai hại tới xã hội

Reuters

Hôm 13/11, Nepal cho biết họ sẽ cấm TikTok của Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng sự hòa hợp và thiện chí xã hội đang bị xáo trộn do sự “lạm dụng” ứng dụng video phổ biến này và có nhu cầu ngày càng tăng về việc phải kiểm soát TikTok, theo Reuters.

TikTok đã bị các quốc gia khác cấm một phần hoặc hoàn toàn, nhiều người nêu lý do là có những quan ngại về bảo mật.

Theo truyền thông địa phương, hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan đến TikTok đã được ghi nhận trong 4 năm qua ở Nepal.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Nepal Rekha Sharma cho hay quyết định cấm TikTok đã được đưa ra tại cuộc họp nội các trước đó hôm 13/11.

Bà Sharma nói với Reuters: “Các đồng nghiệp đang nỗ lực cấm cửa ứng dụng này về mặt kỹ thuật”.

Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Nepal Purushottam Khanal cho biết các nhà cung cấp dịch vụ internet được yêu cầu đóng ứng dụng này.

Ông Khanal nói với Reuters: “Một số đã đóng cửa trong khi một số khác đang làm việc đó vào tối hôm nay”.

TikTok không trả lời ngay lập tức cho lời đề nghị đưa ra bình luận về vấn đề này. Trước đây, họ nói rằng những lệnh cấm như vậy là “sai lầm” và chúng dựa trên “những quan niệm sai lầm”.

Các nhà lãnh đạo phe đối lập ở Nepal chỉ trích động thái này, cho rằng nó thiếu “hiệu quả, sự chín chắn và trách nhiệm”.

Ông Pradeep Gyawali, cựu ngoại trưởng và lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Nepal (Chủ nghĩa Mác-Lênin thống nhất), phát biểu: “Có rất nhiều nội dung không mong muốn trên các phương tiện truyền thông xã hội khác. Điều phải làm là quản lý chứ không hạn chế chúng”.

Ấn Độ, nước láng giềng của Nepal, cấm TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác của các nhà phát triển phần mềm Trung Quốc vào tháng 6/2020, vì cho rằng chúng có thể gây tổn hại đến an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.

Pakistan, một quốc gia khác ở Nam Á, cấm ứng dụng này ít nhất bốn lần vì những gì chính phủ nước này gọi là nội dung “vô đạo đức và không đứng đắn”.


*************
Voatiengviet.com

NHK: Nhật Bản có thể sẽ cung cấp thiết bị quốc phòng cho Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng mục tiêu của chương trình viện trợ quốc phòng Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA), trong đó Việt Nam và Djibouti là hai quốc gia đang được xem xét để nhận hỗ trợ, theo Đài truyền hình NHK đưa tin hôm 13/11.

Thông tin của NHK, cũng được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, cho biết các quan chức chính phủ ở Tokyo nói rằng Việt Nam và Djibouti là hai ứng cử viên nhận OSA trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4 năm sau.

Khuôn khổ OSA được thiết kế để cung cấp thiết bị quốc phòng miễn phí cho các quốc gia có cùng chí hướng với Nhật Bản như một cách để tăng cường hợp tác an ninh.

Đầu tháng này, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp cho Philippines radar giám sát ven biển trong dự án hợp tác đầu tiên theo chương trình OSA nhằm giúp tăng cường năng lực răn đe của các nước đối tác của Tokyo.

Theo NHK, các quan chức Nhật Bản cũng đang thực hiện những thỏa thuận cuối cùng để cung cấp tàu tuần tra cho Bangladesh trong năm tài chính này còn Malaysia và Fiji đang chuẩn bị nhận thiết bị theo chương trình này.

Tờ Yomuiri Shimbun của Nhật vào giữa tháng trước trích dẫn các nguồn tin chính phủ cũng cho hay nước này đang xem xét đưa quân đội Việt Nam vào khuôn khổ hỗ trợ an ninh OSA.

Các quan chức Nhật được NHK trích lời cho biết họ có kế hoạch sắp xếp cụ thể với Việt Nam về các loại thiết bị sẽ được cung cấp.

Trong một bài xã luận ra hôm 9/11, China Military Online, tờ báo do Quân đội Nhân dân Trung Hoa (PLA) tài trợ, đề cập đến khuôn khổ OSA, trong đó nói rằng chương trình này được tích hợp chặt chẽ vào Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) sửa đổi hồi cuối năm ngoái của Nhật Bản và được thiết kế để nâng cao khả năng quân sự và mức độ an ninh của các quốc gia tiếp nhận, trong đó có Việt Nam. Với tiêu đề “Từ ODA đến OSA, Nhật Bản đang có kế hoạch gì?”, tờ báo Trung Quốc trích thông tin nói rằng ngân sách cho các quốc gia tiếp nhận OSA năm 2024 của Nhật sẽ được mở rộng sang Việt Nam, Indonesia, Mông Cổ, Djibouti và các nước khác.

Cả Nhật Bản và Việt Nam đều có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc.

Nhằm tăng cường hợp tác giữa lo ngại về sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc về quân sự trong khu vực, Nhật Bản vào tháng 9/2021 đã ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam. Thỏa thuận này cho phép chính phủ ở Tokyo xuất khẩu các thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật sản xuất tới quốc gia Đông Nam Á.

Tờ Yommuiri Shimbun vào tháng trước cũng cho biết rằng Nhật Bản sẽ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Hà Nội, tức đối tác chiến lược toàn diện, khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới thăm Tokyo dự kiến trong tháng này. Việc nâng cấp dự kiến diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và sau một loạt các chuyến thăm cấp cao của quan chức Nhật Bản tới Việt Nam, gồm Ngoại trưởng Kamikawa Yoko và Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, khi tiếp ông Hidehisa, nói rằng Hà Nội ủng hộ việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên tầm cao mới trong khi ông Hidehisa nói ông mong muốn được đón ông Thưởng tại Nhật Bản.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn