Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 10 -11 -2023 Biden sẽ gặpTập Cận Bình vào thứ Tư tại San Francisco

Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Một 20239:34 SA(Xem: 1086)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 10 -11 -2023 Biden sẽ gặpTập Cận Bình vào thứ Tư tại San Francisco
hamas_1
************
voatiengviet.com

Tổng thống Biden sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào thứ Tư tại San Francisco

Reuters

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau một năm vào thứ Tư 15/11 -- một hoạt động ngoại giao cấp cao nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới.

Cuộc gặp mặt được theo dõi chặt chẽ, bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở khu vực Vịnh San Francisco, có thể kéo dài vài giờ và có sự tham gia của các nhóm quan chức từ Bắc Kinh và Washington.

Cuộc họp theo dự kiến sẽ đề cập đến các vấn đề toàn cầu từ cuộc chiến Israel-Hamas đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga, mối quan hệ của Triều Tiên với Nga, Đài Loan, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhân quyền, fentanyl, trí tuệ nhân tạo, cũng như quan hệ kinh tế và thương mại “công bằng”, các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.

Một quan chức Mỹ, đề nghị không nêu tên, nói trong một cuộc họp ngắn với các phóng viên: “Sẽ không có gì cần phải úp mở; mọi thứ đều đã được bày ra”.

"Chúng tôi hiểu rõ điều này. Chúng tôi biết những nỗ lực định hình hoặc cải cách Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã thất bại. Nhưng chúng tôi hy vọng Trung Quốc vẫn ở đó và trở thành một nhân tố chính trên trường thế giới trong suốt quãng thời gian còn lại của chúng tôi."

Các quan chức Mỹ, những người đã thúc đẩy cuộc gặp trong hơn một năm qua, tin rằng Bắc Kinh đang tích cực làm suy yếu chính sách của Mỹ trên toàn thế giới.

Nhà Trắng xác nhận ngày diễn ra cuộc họp trong một tuyên bố hôm thứ Sáu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói Chủ tịch Tập sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 14 đến 17 tháng 11, tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC và gặp Tổng thống Biden.

Ông Biden và ông Tập sẽ lần đầu tiên nói chuyện xuyên suốt sự khác biệt về ý thức hệ kể từ tháng 11 năm 2022. Các quan chức cấp cao của tổng thống Mỹ đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ xấu đi sau khi ông Biden ra lệnh bắn hạ một khinh khí cầu bị nghi ngờ là do thám của Trung Quốc bay qua bầu trời Hoa Kỳ vào tháng Hai.

Kết quả chính dự kiến sẽ là hoạt động ngoại giao tốt hơn - hứa hẹn sẽ thảo luận nhiều hơn về các vấn đề chính, bao gồm khí hậu, y tế toàn cầu, ổn định kinh tế, nỗ lực chống ma túy và có khả năng nối lại một số kênh liên lạc giữa hai quân đội.

Theo nguồn tin của hai giới chức khác thông báo về cuộc họp, cả hai bên có thể sẽ bày tỏ những cử chỉ khiêm tốn và thiện chí để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán.

Nhưng tiến bộ sâu sắc sẽ khó đạt được. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho biết cả hai nước ngày càng coi mình đang bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh trực tiếp nhằm đảm bảo lợi thế quân sự, chiếm lĩnh nền kinh tế thế kỷ 21 và giành được thiện cảm của các nước.

Những nỗ lực dàn dựng cẩn thận chuyến thăm của ông Tập Cận Bình có thể bị hủy bỏ tại thành phố ngang bướng ở Bắc California, nơi có lịch sử lâu dài về sự phản đối và kích động của phe cánh tả.

Ông Biden và ông Tập đã biết nhau hơn một thập kỷ và đã có hàng giờ trao đổi với nhau trong sáu cuộc giao tiếp kể từ khi ông Biden lên nắm quyền năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng cả hai đến bàn đàm phán với sự nghi ngờ lẫn nhau, bất bình và thiên kiến về ý định của đối phương.

Trong số các chủ đề nhạy cảm khác, ông Biden dự kiến sẽ đề cập đến “các hoạt động của Trung Quốc gây ảnh hưởng” đến các cuộc bầu cử ở nước ngoài và tình trạng của các công dân Hoa Kỳ mà Washington tin rằng đã bị giam giữ trái phép ở Trung Quốc.

Ông Biden, 80 tuổi, đang lãnh đạo một nền kinh tế đạt khá hơn dự đoán và khá hơn hầu hết các quốc gia giàu có sau đại dịch COVID-19. Ông không được lòng cử tri trong nước, nơi ông đang tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự ổn định của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ông Biden đã tập hợp được các đồng minh truyền thống của nước ông từ châu Âu đến châu Á để đối đầu với Nga ở Ukraine, mặc dù một số có những bất đồng về cuộc xung đột Israel-Hamas.

Các liên minh lâu đời của Washington, từ NATO đến các hiệp ước phòng thủ chung ở Thái Bình Dương, đang được mời gọi một cách không hề lặng lẽ ở châu Á để ngăn chặn một cuộc xung đột với Trung Quốc.

Ông Tập, trẻ hơn ông Biden cả mười tuổi, đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông, sau khi thắt chặt kiểm soát chính sách, lãnh đạo nhà nước, truyền thông, quân đội và thay đổi hiến pháp. Gần đây, những thách thức kinh tế phức tạp đã đẩy đất nước này ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng thần tốc suốt ba thập niên.

Các nhà ngoại giao ở Washington dự đoán Bắc Kinh sẽ thử thách Mỹ trong những tuần lễ tới, lợi dụng việc Mỹ chuyển trọng tâm sang Ukraine và Israel khiến cho tham vọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bị xao nhãng.

Ông Biden dự kiến sẽ nói với ông Tập rằng các cam kết của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ không thay đổi. Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo lắng trong những năm gần đây với những bước đi ở eo biển Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, những khu vực có tranh chấp quốc tế. Một quan chức Mỹ cho biết ông Biden cũng sẽ bày tỏ cam kết cụ thể đối với an ninh của Philippines.

Quan chức này cho biết ông Biden dự kiến cũng là sẽ gây áp lực với ông Tập để cảnh báo Iran rằng sẽ là không khôn ngoan nếu tìm cách mở rộng xung đột ở Trung Đông.


************
rfi.fr

Hoa Kỳ: Israel chấp nhận "tạm ngưng bắn" bốn giờ mỗi ngày

Minh Anh

Hôm qua, 09/11/2023, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng, John Kirby cho biết quân đội Israel chấp thuận « tạm ngưng bắn » bốn giờ mỗi ngày tại một số khu vực nhất định, để thường dân có thể rời vùng chiến sự ở miền bắc dải Gaza.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

4 phút

Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh một « bước đi đúng hướng ». Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ Fox News, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa nhấn mạnh lập trường « không ngừng bắn » với phe Hamas. 

Từ Jerusalem, thông tín viên đài RFI, Michel Paul giải thích thêm : 

« Israel giảm bớt tầm quan trọng thông báo của Nhà Trắng. Một phát ngôn viên quân đội tuyên bố : "Đây không phải là một sự thay đổi, mà chẳng qua chỉ là một lệnh tạm ngừng bắn chiến thuật cục bộ nhằm trợ giúp nhân đạo. Những biện pháp này bị giới hạn về thời gian và không gian." 

Về phần mình, thủ tướng Benjamin Netanyahu và bộ trưởng Quốc Phòng Gallant nhắc lại một cách rõ ràng lập trường của Israel : Không có lệnh ngưng bắn ở giai đoạn này, cũng như không có hưu chiến nhân đạo một khi các con tin chưa được trở về.  

Song song đó, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận việc giải thoát 239 người Israel và công dân nhiều nước khác đang bị cầm giữ ở dải Gaza. Lãnh đạo tình báo Mỹ CIA, William Burn và người đồng nhiệm Israel đã đàm phán một cuộc trao đổi như thế tại Qatar để cố đạt được việc phóng thích một số lượng lớn con tin.   

Hôm qua, phe Thánh chiến Hồi Giáo thông báo sắp thả hai con tin vì lý do sức khỏe : Hannah Katzir, 77 tuổi và Yagil Yakov, 13 tuổi, bị bắt cóc hôm 07/10 trong cuộc tấn công vào Kibbutz Nor Oz.  

Ngoài ra, theo kết quả một cuộc thăm dò của nhật báo Maariv, khoảng 39% số người được hỏi nói ủng hộ một lệnh hưu chiến nhưng đổi lấy việc thả tất cả các con tin. » 

Hoa Kỳ "đồng lõa phạm tội ác chiến tranh" 

Về tình hình nhân đạo, quân đội Israel đưa ra con số hơn 80 ngàn người dân Palestine ở bắc Gaza hôm qua đã chạy khỏi vùng chiến sự, đến tị nạn ở miền nam. AFP ghi nhận một đoàn người đông đúc, bao gồm đàn ông và phụ nữ chân đất, tay bồng tay bế đổ ùa về các trại tị nạn, vốn dĩ đã đón nhận hàng trăm nghìn người sơ tán, sống chen chúc trong điều kiện thảm hại, thiếu nước, thiếu lương thực nghiêm trọng. 

Trong tình cảnh này, hôm qua, mười hai tổ chức phi chính phủ quốc tế trong một thông cáo chung nhắc lại tầm quan trọng của một lệnh hưu chiến để hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể được triển khai. Bà Agnès Callamard, tổng thư ký tổ chức Ân Xá Quốc Tế, trả lời đài RFI, đã mạnh mẽ chỉ trích vai trò của Mỹ trong vụ này. 

« Hoa Kỳ đồng lõa với tội ác chiến tranh qua việc mặc nhiên và công khai hậu thuẫn chính quyền Israel. Hiện tại, dường như một số tác nhân chính trị Mỹ bắt đầu nói đến hậu quả nhân đạo. Điều tuyệt đối cần thiết là sự thay đổi trong các phát biểu này phải được thể hiện bằng thay đổi thái độ và biến thành hành động. Và những hành động này chính là phải chấm dứt sự hậu thuẫn không ngơi nghỉ dành cho Israel. 

Thứ hai là phải bảo đảm rằng Hội Đồng Bảo An có thể phát huy vai trò của mình bằng cách thông qua một nghị quyết mạnh mẽ và rõ ràng về một lệnh ngưng bắn. » 

Israel khẳng định đà tiến, oanh kích Syria 

Theo ghi nhận của nhiều nhân chứng, các cuộc oanh kích của Israel vẫn diễn ra dọc theo « hành lang sơ tán » do quân đội Israel mở từ hôm Chủ Nhật 05/11. Bộ Y Tế của Hamas cho biết trong suốt đêm thứ Năm sáng thứ Sáu 10/11, các vùng phụ cận và nhiều địa điểm của các bệnh viện ở miền bắc Gaza đã bị Israel oanh kích dữ dội, trong đó có bệnh viện Chifa, nơi lánh nạn của khoảng 60 ngàn dân, bệnh viện nhi Al Rantissi và bệnh viện Indonesia. 

Israel cho biết, ngoài việc dần siết chặt vòng vây tại thành phố Gaza, được cho là « đầu não quân sự » của phe Hamas, sáng sớm hôm nay, quân đội Israel cũng đã oanh kích vào Syria nhằm trả đũa một vụ tấn công bằng drone nhắm vào một trường học ở Eilat (nam Israel). 

Quân đội Israel cũng cho biết thêm là vẫn « tiếp tục các chiến dịch phá hủy các cơ sở hạ tầng » của phong trào Hezbollah thân Iran tại Liban, và đã bắn chặn một tên lửa được bắn từ Hồng Hải. 

Theo số liệu do Cơ quan Điều phối các hoạt động Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) công bố, giao tranh khốc liệt giữa quân đội Israel và phe Hamas đã khiến hơn 1,6 triệu người trong tổng số 2,4 triệu dân ở Gaza phải đi sơ tán.  


************
rfi.fr

Biển Đông: Philippines lại tố cáo Trung Quốc có hành động “nguy hiểm”

Trọng Nghĩa

Chính quyền Manila vào hôm nay, 10/11/2023, một lần nữa lên án những hành vi “quấy rối nguy hiểm” của tàu Trung Quốc nhắm vào tàu Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây, thuộc vùng quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Đại sứ Philippines ở Bắc Kinh đã gởi công hàm đến bộ Ngoại Giao Trung Quốc để phản đối các hành động mà Manila xem là “bất hợp pháp”.

Đăng ngày:

3 phút

Một đội tàu Philippines đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây để tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên một con tàu cũ mắc cạn trên bãi, thì bị tàu Trung Quốc có mặt trong khu vực dùng võ lực ngăn chặn.

Trong một bản thông cáo, lực lượng đặc nhiệm Philippines phụ trách Biển Đông cho biết là tàu Trung Quốc bao gồm tàu Hải Cảnh và các tàu khác đã “ngang nhiên quấy rối, ngăn chặn, thực hiện các hành động nguy hiểm”“cự ly gần” nhằm “cản trở một cách bất hợp pháp” nhiệm vụ của tàu Philippines.

Lực lượng đặc nhiệm Philippines tố cáo đích danh chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu CCG 5203 đã dùng vòi rồng phun nước vào một trong hai chiếc tàu tiếp tế của Philippines nhằm buộc con tàu phải thay đổi lộ trình. Bản thông cáo tuy nhiên cho biết tàu Philippines rốt cuộc cũng hoàn tất được nhiệm vụ tiếp tế của mình.

Bản thông cáo cho biết thêm là đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối tới bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc mà Manila cho rằng đã "gây nguy hiểm cho mạng sống của người dân Philippines”.

Đối với phía Philippines, “cách thức có hệ thống và nhất quán mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thực hiện những hành động bất hợp pháp và vô trách nhiệm này đặt ra nghi vấn đáng kể về sự chân thành trong lời kêu gọi đối thoại hòa bình của họ”.

Trung Quốc tố ngược Philippines

Như thông lệ, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc từ phía Manila bằng cách khẳng định rằng tàu Trung Quốc chỉ “thực hiện các biện pháp kiểm soát” đối với hai tàu vận tải và ba tàu tuần duyên Philippines mà họ khẳng định đang ở trong vùng biển Trung Quốc. Phát ngôn viên Hải Cảnh Trung Quốc còn tố ngược rằng chính Philippines đã "xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”.

Bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, tên Philippines là Ayungin) nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chỉ cách cách đảo Palawan phía tây Philippines khoảng 200 km, nhưng cách vùng bờ biển gần nhất của Trung Quốc hơn 1.000 km.

Theo hãng tin Pháp AFP, sự cố hôm nay xảy ra gần ba tuần sau hai vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và Philippines, cũng trong một nhiệm vụ tiếp tế khác cho toán lính Philippines trên Bãi Cỏ Mây.

Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển của Đại Học Philippines, cho biết ý định của Trung Quốc rõ ràng là nhằm ngăn chặn các chuyến tiếp tế cho lính Philippines, và “việc sử dụng vòi rồng một lần nữa là dấu hiệu về một xu hướng hung hăng mới (của Trung Quốc)… tựa như là họ đang chứng tỏ rằng họ không sợ bị cản trở bởi những gì Philippines đang làm”.

Trong thời gian gần đây, chính quyền tổng thống Marcos Jr. đã công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản và Hoa Kỳ trước các hành động của Trung Quốc.


************

TIN TỔNG HỢP

(AFP) – Pháp đã cấp 3,2 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraina. Để phản bác những chỉ trích cho rằng Paris thiếu sốt sắng trong việc yểm trợ Kiev, một báo cáo được trình lên Quốc Hội hôm 08/11/2023 cho biết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tại Ukraina, Pháp đã dành khoảng 3,2 tỉ euro, gồm chi phí chuyển giao thiết bị quân sự và chi phí đào tạo 7000 binh sĩ Ukraina, cùng với các đóng góp vào quỹ Hoà bình Châu Âu (EFP). Trong khoản chi phí này, phải kể luôn cả những đơn đặt hàng mới của Bộ Quốc Phòng để thay thế những trang thiết bị mà Pháp đã chuyển giao cho Ukraina. Cũng hôm qua, tập đoàn sản xuất vũ khí Cybergun của Pháp thông báo đã ký hợp đồng 36 triệu euro để cung cấp « vũ khí nòng nhỏ » cho một đối tác của Ukraina. Các lô hàng đầu tiên sẽ được gửi tới Ukraina vào năm 2024.

(Reuters) - Đức gửi máy bay chiến đấu tới Roumanie nhằm hỗ trợ nhiệm vụ kiểm soát trên không của NATO. Một nguồn tin quân sự của Đức hôm nay cho biết Berlin dự định gửi 4 máy bay chiến đấu Eurofighter đến Roumanie. Roumanie là một thành viên NATO nằm sát cạnh Ukraina. Trích lời tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, từ tháng 9, khi Nga bắt đầu tấn công sườn phía đông, biên giới giữa Ukraina và Roumanie trở nên bất ổn.

(AFP)- Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dồn ập đến Trung Á. Hôm 09/11/2023 tổng thống Vladimir Putin bắt đầu công du Kazakhstan vào lúc tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Iran, Ebrahim Raisi đến Uzbekistan. Matxcơva đang muốn khẳng định lại ảnh hưởng với Kazakhstan nói riêng, với Trung Á nói chung vào lúc Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng muốn đẩy mạnh hợp tác với những quốc gia thuộc vùng sân sau của Liên Bang Nga.

(RFI –Chanel News Asia) – Singapore cấm mang các biểu tượng liên quan đến Nhà Nước Israel-Hamas. Kể từ ngày 07/11/2023, Singapore cấm bán hay mặc trang phục, mang cờ, hoặc mang các biểu tượng của các Nhà Nước nước ngoài tại các nơi công cộng, liên quan đến chiến tranh Hamas – Israel, nếu vi phạm sẽ bị phạt tù lên đến 6 tháng và phải nộp phạt lên đến 350 euro. Bộ trưởng về Luật và Nội Vụ Singapore ngày hôm qua 08/11 đã kêu gọi các lãnh đạo tôn giáo không can dự, không đưa định hướng hay lời khuyên nào về xung đột Hamas-Israel. Trước đó, bộ Ngoại Giao Singapore cũng cho biết xung đột Israel-Hamas là một vấn đề nhạy cảm, không muốn sự kiện từ bên ngoài ảnh hưởng đến hòa bình và sự hòa hợp tại quốc đảo, nằm giữa hai nước Indonesia và Malaysia, vốn có đông đảo người theo đạo Hồi, ủng hộ người Palestine. 

 (AFP)- Lũ lụt ở miền Bắc nước Pháp. Người dân tại tỉnh Pas-de-Calais tiếp tục sống trong cảnh bão lũ từ nhiều ngày qua. Từ đầu tuần, hơn 300 ngôi nhà đã bị ngập lụt. Kể từ 14h theo giờ địa phương hôm nay, 08/11/2023, khu vực này được đặt trong tình trạng báo động đỏ về mưa và lũ. Tỉnh trưởng Pas-de-Calais đã thông báo đóng cửa các cơ sở giáo dục tại 74 xã, vào hôm nay và ngày mai, xung quanh các thành phố như Saint-Omer, Boulogne-sur-Mer và Montreuil-sur-Mer. Người dân tại các khu vực này được khuyến nghị tạm ngừng di chuyển, tìm nơi trú ẩn trên cao và cắt điện, gas khi lũ lụt xảy ra. Chính quyền địa phương cho biết 3 người đã bị thương nhẹ kể từ đầu tuần.  

(AFP) – Diễn viên thuộc các studio lớn ở Hollywood đạt được thỏa thuận để chấm dứt đình công. Sau nhiều tuần đàm phán với các hãng Disney, Netflix, Warner Bros, Công đoàn diễn viên SAG-AFTRA của Hoa Kỳ thông báo hôm qua 08/11/2023, cho biết cuộc đình công của các diễn viên sẽ chấm dứt vào ngày 09/11, vào lúc 00h01, theo giờ Los Angeles. Nội dung của thỏa thuận này sẽ được nêu chi tiết vào thứ Sáu này. Cuộc đình công từ hơn 118 ngày qua của các diễn viên là để yêu cầu tăng lương, cũng như bày tỏ quan ngại về việc trí tuệ nhân tạo sử dụng lại hình ảnh và giọng nói của các diễn viên mà không có sự cho phép, cũng như không được trả chi phí thích đáng.

(AFP) – Tranh của danh hoạ Picasso được bán với giá 139 triệu đô la. Tối hôm qua 08/11/2023 trong phiên bán đấu giá tại New York, bức tranh Femme à la montre (Tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) đã được mua lại với mức giá 139 triệu đô la, vượt xa mức định giá ban đầu là 120 triệu. Tác phẩm này như vậy trở thành bức họa đắt thứ hai của danh họa người Tây Ban Nha được bán đấu giá. Bức tranh vẽ chân dung một trong những người tình của họa sĩ, bà Marie-Thérèse Walter, người vốn được ví như nàng "Mona Lisa của Picass
***********
voatiengviet.com

Mỹ muốn dân Palestine di tản có thể trở về khi an toàn

Reuters

Hoa Kỳ muốn những cư dân Palestine di tản bên trong Gaza có thể trở về nhà khi thấy an toàn, các quan chức Mỹ tuyên bố hôm 9/11 trong lúc hàng ngàn người chạy lánh cuộc tấn công trên bộ của Israel ở phía bắc dải Gaza do Hamas kiểm soát.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Vedant Patel, nói tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng Israel đã đồng ý tạm dừng các hoạt động quân sự bốn giờ mỗi ngày dọc theo hai hành lang cho phép thường dân di tản an toàn.

Quân đội Israel khẳng định họ không đồng ý ngừng bắn và sẽ tiếp tục hoạt động ngoài các đợt tạm dừng nhân đạo cục bộ.

Phó phát ngôn viên Patel nói những người rời bỏ nhà cửa phải được trở lại, nhưng nhấn mạnh rằng Washington không có quyền kiểm soát hoặc quyền tài phán đối với các khu vực đó.

Đặc phái viên Hoa Kỳ về các vấn đề nhân đạo ở Trung Đông David Satterfield cho biết trước đó rằng: “Về nguyên tắc cơ bản, chúng tôi không ủng hộ hay muốn chứng kiến sự di dời của người dân Gaza”.

“Những người ở miền nam hiện nay phải có mọi khả năng để quay trở lại miền bắc khi an toàn.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bắt đầu thảo luận với các nhà lãnh đạo Israel và Ả Rập về tương lai của Dải Gaza mà không có Hamas.

Hôm 8/11, ông Blinken nhấn mạnh Israel chớ nên tái chiếm đóng Gaza, bao vây hoặc thu hẹp lãnh thổ và rằng Gaza phải được điều hành bởi người Palestine trong một chính quyền thống nhất với Bờ Tây bị chiếm đóng.

Đặc phái viên Satterfield nói: “Làm thế nào đạt được những mục tiêu đó là một vấn đề sẽ phải được thảo luận trong thời gian tới”.

“Tất nhiên điều đó phụ thuộc rất nhiều vào cách chiến dịch này kết thúc như thế nào, liệu Hamas có bị loại bỏ như một mối đe dọa hay không, với tư cách là một lực lượng cai trị người dân Gaza hay không. Mục tiêu là không để điều đó xảy ra.”


********
voatiengviet.com

Mỹ nói Israel đồng ý tạm dừng tấn công Gaza 4 giờ/ngày, nhưng chưa có báo cáo giao tranh tạm lắng

Reuters

Tòa Bạch Ốc cho biết Israel đã đồng ý tạm dừng các hoạt động quân sự ở các khu vực phía bắc Gaza 4 giờ mỗi ngày, kể từ 9/11, làm dấy lên hy vọng sau hơn một tháng giao tranh khiến hàng ngàn người thiệt mạng và khơi mào lo ngại về xung đột khu vực.

Người phát ngôn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, John Kirby, cho biết các đợt tạm dừng này sẽ cho phép mọi người chạy lánh nạn dọc theo hai hành lang nhân đạo và có thể được sử dụng để phóng thích con tin. Ông Kirby nói đây là những bước đi quan trọng đầu tiên.

Chưa có xác nhận trực tiếp nào từ Israel, quốc gia đã nói chung chung về các biện pháp dường như tương ứng với những gì hiện có.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp cục bộ và chính xác để tạo điều kiện cho thường dân Palestine rời khỏi Thành phố Gaza về phía nam, để chúng tôi không làm hại họ. Những điều này không làm giảm đi cuộc chiến.”

Lực lượng Israel đã bao vây hoàn toàn Thành phố Gaza trong những ngày gần đây và quân đội đã cho phép thường dân đi lại an toàn dọc theo tuyến đường chính về phía nam trong ba hoặc bốn giờ mỗi ngày, và số dân di tản ngày càng tăng.

Ông Gallant nói hiện tại sẽ không có lệnh ngừng bắn hoàn toàn.

“Chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu chừng nào các con tin của chúng tôi còn ở Gaza và chừng nào chúng tôi chưa hoàn thành sứ mệnh của mình là lật đổ chế độ Hamas và loại bỏ khả năng quản lý và quân sự của tổ chức này.”

Taher Al-Nono, cố vấn chính trị cho lãnh đạo Ismail Haniyeh của Hamas, cho biết hôm 9/11 rằng các cuộc đàm phán đang tiếp tục và cho đến nay chưa có thỏa thuận nào đạt được với Israel.

Israel đã tiến hành cuộc tấn công vào Gaza để đáp trả cuộc đột kích xuyên biên giới của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10 mà qua đó các tay súng Hamas đã giết chết 1.400 người, chủ yếu là thường dân, và bắt đi khoảng 240 con tin, theo thống kê của Israel.

Đó là ngày đổ máu tồi tệ nhất trong lịch sử 75 năm của Israel và thu hút sự lên án của quốc tế nhắm vào Hamas cũng như sự cảm thông và ủng hộ dành cho Israel.

Nhưng sự trả đũa của Israel tại Gaza, vùng đất do Hamas cai trị, đã gây ra mối lo ngại lớn khi một thảm họa nhân đạo bùng nổ.

Các quan chức Palestine cho biết tính đến 9/11 có 10.812 cư dân Gaza đã thiệt mạng, khoảng 40% trong số đó là trẻ em, trong các cuộc không kích và pháo kích giữa lúc nguồn cung cấp cơ bản đang cạn kiệt và các khu vực bị tàn phá bởi các cuộc ném bom không ngừng của Israel.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với báo giới ông đã tìm cách có được các cuộc tạm dừng giao tranh kéo dài hơn bốn giờ đồng hồ.

“Tôi đã yêu cầu tạm dừng hơn ba ngày,” ông nói.

Đáp câu hỏi liệu ông có thất vọng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hay không, ông Biden nói: “Chuyện này mất nhiều thời gian hơn tôi mong đợi.”

Trước đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết những người đứng đầu CIA và cơ quan tình báo Mossad của Israel đã gặp Thủ tướng Qatar tại Doha hôm 9/11 để thảo luận về các giới hạn của một thỏa thuận thả con tin và một cuộc tạm dừng cuộc xung đột Israel-Hamas
*************
voatiengviet.com

Ukraine: Ai kêu gọi Ukraine đàm phán với Nga là ‘bị thiếu thông tin’

VOA News

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 9/11 cự tuyệt bất kỳ lời kêu gọi nào về việc đàm phán với Nga giữa cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

“Những ai cho rằng Ukraine nên thương lượng với Nga bây giờ thì họ hoặc là thiếu thông tin hoặc là bị ngộ nhận, hoặc họ về phe Nga và muốn Putin được nghỉ xả hơi trước khi có một cuộc xâm lược lớn hơn,” Ngoại trưởng Ukraine viết trên X.

Ông Kuleba nhấn mạnh Ukraine “chớ nên và sẽ không rơi vào cái bẫy này.”

Điện Kremlin hôm 8/11 tuyên bố sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, từng khẳng định nước ông sẽ không tham gia các cuộc đàm phán cho tới khi nào Nga rút toàn bộ lính ra khỏi các khu vực chiếm đóng ở Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine hôm 9/11 nhắc nhớ rằng Ukraine và Nga đã tổ chức 200 vòng đàm phán trong giai đoạn từ 2014 tới 2022, trong đó bao gồm 20 thỏa thuận ngừng bắn, mà tất cả điều này đều không ngăn được Nga mở cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine từ năm ngoái.


***********
voatiengviet.com

Trung tá công an đùa về súng làm hoãn chuyến bay, đối mặt khoản phạt trăm triệu đồng

An Tôn - VOA

Một chuyến bay bị hoãn lại ở sân bay Đà Nẵng vào tối 7/11 do hai người đàn ông đùa giỡn với nhau, đề cập đến súng trong hành lý, và một trong hai người là trung tá công an, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động và nhiều báo khác đưa tin.

Riêng Thanh Niên cho hay hôm 9/11 rằng nhà chức trách xác định danh tính của hai người gây ra vụ việc là Nguyễn Đức Trọng, 30 tuổi, và Lê Xuân Quang, 40 tuổi, đều là người của tỉnh Thái Bình.

Ông Lê Xuân Quang, còn được viết tắt là L.X.Q trong các bài báo của Tuổi Trẻ, Lao Động…, là trung tá, phó trưởng phòng an ninh mạng, thuộc công an tỉnh Thái Bình, theo các bản tin trong nước.

Tin cho hay vụ việc xảy ra trên chuyến bay số hiệu VN 186, mà theo lịch bay thường lệ, máy bay xuất phát lúc 19 giờ 25 phút đi từ Đà Nẵng đến Hà Nội.

Tuy nhiên, vào buổi tối 7/11, hai hành khách có tên nêu trên đã "đùa giỡn” với nhau là họ “cất súng trong hành lý" khi đi lên máy bay, bị tiếp viên nghe thấy, dẫn đến chuyến bay “phải dừng khẩn cấp”, các báo tường thuật.

Cơ trưởng đã yêu cầu an ninh hỗ trợ, đồng thời quyết định từ chối vận chuyển hai vị khách đó và lập biên bản về vụ việc, các bản tin cho hay. Lực lượng an ninh trật tự của sân bay Đà Nẵng đã triển khai đến hiện trường, áp giải hai hành khách rời máy bay.

Ngoài ra, họ cũng đưa toàn bộ hành khách và hành lý xách tay trên máy bay vào lại nhà ga và tái kiểm tra an ninh. Toàn bộ máy bay cũng được kiểm tra lại, theo các báo trong nước. Phải đến 22h đêm 7/11, máy bay mới lên đường đi từ Đà Nẵng đến Hà Nội.

Riêng hai vị hành khách gây ra rắc rối bị đưa về phòng trực ban an ninh hàng không. Qua lục soát người, hành lý xách tay, nhà chức trách không phát hiện súng, hàng nguy hiểm hay chất cấm, cháy nổ.

Theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người chê trách và bày tỏ bức xúc về hiểu biết pháp luật, ý thức và trách nhiệm của viên trung tá công an.

Viên công an này và vị hành khách cùng đùa cợt với ông hiện đối diện với khoản phạt và bồi thường thiệt hại cho hãng hàng không có thể lên đến cả trăm triệu đồng, theo tìm hiểu của VOA.

Một nghị định năm 2018 của chính phủ Việt Nam có các điều khoản nói rằng người cung cấp thông tin thất thiệt về súng đạn, bom mìn, vật liệu nổ v.v… gây ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không dân dụng, tùy theo mức độ nghiêm trọng, sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 20 triệu đồng, chưa kể phải đền bù thiệt hại do phía hãng hàng không chứng minh bằng các hóa đơn, chứng từ hợp lệ.

Việt Nam từng có tiền lệ xử án và phạt một nữ hành khách hồi năm 2012 vì bà này nói đùa có bom trong hành lý khi lên máy bay, theo tìm hiểu của VOA. Người phụ nữ có tên là Hồ Thị Thanh Tuyền đã bị một tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 15 tháng tù, cho hưởng án treo, và bồi thường cho hãng hàng không 100 triệu đồng.


*************
rfi.fr

Thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình có thể diễn ra ngày 15/11/2023

Thùy Dương

Mặc dù thông tin chính thức chưa được công bố, nhưng hãng tin Pháp AFP hôm nay 09/11/2023 dẫn một số quan chức ẩn danh Mỹ - Trung cho biết hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp vào thứ Tư 15/11 tại San Francisco, bên lề thượng đỉnh APEC.

Đăng ngày:

2 phút

Hôm qua, phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, chuyên trách quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã đến San Francisco. Chuyến công du được xem là để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Joe Biden và Tập Cận Bình. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung từ một năm nay, sau cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11/2022.

Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và Washington muốn xích lại gần nhau. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

« Lời mời được loan truyền trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung hôm thứ Tư (08/11): « Chúng tôi trân trọng mời quý vị đến dự dạ tiệc chào đón một nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và phái đoàn chính phủ của ông ấy đến Hoa Kỳ ». Không có tên cụ thể được ghi trên thiệp mời, nhưng dường như ai cũng hiểu người được nói đến là ai. Nhân vật đó dự kiến ​​sẽ đọc một « bài diễn văn quan trọng » trong bữa tiệc tối có giá 2.000 đô la/người. Rất có thể đó sẽ chính là chủ tịch Trung Quốc. Nếu vậy, đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ kể từ năm 2017, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đôi bên xích lại gần nhau.

Từ đầu năm đến nay, có một số quan chức chính trị cấp cao của Mỹ đã đến Trung Quốc, tiếp theo là các chủ tịch - tổng giám đốc của các đại tập đoàn của Mỹ, và sau đó là các doanh nhân. Tuần này cũng vậy, lần đầu tiên có một phái đoàn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ hiện diện tại Triển lãm Nhập khẩu Thượng Hải. Và kết quả đạt được là hợp đồng Trung Quốc mua đậu nành của Mỹ, thương vụ lớn nhất về đậu nành từ hơn ba tháng nay.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đặt mua của Mỹ khoảng 10 lô hàng, tương đương với 60.000 tấn đậu nành. Đối với ngành ngoại giao Trung Quốc cũng như đối với chủ tịch Trung Quốc, mục tiêu là nhằm xoa dịu nỗi lo ngại của các nhà đầu tư Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ».

Hôm qua, chính phủ Trung Quốc đã hoan nghênh « các kết quả tích cực » « sự thành công » trong các cuộc thảo luận Trung- Mỹ trong những ngày qua tại California về hồ sơ khí hậu để chuẩn bị cho thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai.


***********
voatiengviet.com

Tổng thống Myanmar: Đất nước có nguy cơ chia cắt vì giao tranh

Reuters

Tổng thống Myanmar nói đất nước có nguy cơ bị chia cắt do kiểm soát không hiệu quả tình trạng bạo lực hồi gần đây ở khu vực biên giới với Trung Quốc.

Chính quyền quân quản Myanmar đang gặp phải thách thức lớn nhất đối với quyền lực của mình kể từ khi chiếm quyền trong cuộc đảo chính năm 2021, với sự gia tăng các cuộc tấn công của các nhóm nổi dậy ủng hộ dân chủ và dân tộc thiểu số vào các căn cứ của chính quyền ở phía bắc, đông bắc, tây bắc và đông nam.

Ông Myint Swe, Chủ tịch Hội đồng Hành chính Nhà nước, phát biểu tại một cuộc họp của hội đồng quốc phòng và an ninh: “Nếu chính phủ không quản lý hiệu quả các sự cố xảy ra ở khu vực biên giới, đất nước sẽ bị chia cắt thành nhiều phần”.

Ông nói: “Cần phải kiểm soát cẩn thận vấn đề này. Vì bây giờ là thời điểm quan trọng của nhà nước nên toàn dân cần ủng hộ Tatmadaw”, ám chỉ quân đội Myanmar.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm 2021 khi các tướng lĩnh lật đổ chính phủ dân cử do nhà đấu tranh dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo, chấm dứt 10 năm hướng tới cải cách sau nhiều thập kỷ bị quân đội cai trị nghiêm ngặt.

Chính quyền quân sự trong những ngày gần đây đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn thương mại ở biên giới với Trung Quốc vào tay các nhóm du kích có liên kết với nhau.

Cũng có nhiều tin tức về các cuộc đụng độ ở những nơi khác giữa quân đội và các chiến binh phe đối lập. Reuters đã không thể xác minh những tin tức đó.

Trong tuần này, Trung Quốc xác nhận rằng đã có người Trung Quốc thương vong do đạn pháo từ cuộc giao tranh ở Myanmar lan sang phía biên giới Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/11 kêu gọi công dân của họ tránh xa các khu vực có “xung đột khốc liệt” và tránh đi du lịch tới Myanmar.

Bộ này cho biết trong một tuyên bố: “Các công dân Trung Quốc đang ở trong khu vực có xung đột dữ dội tại địa phương nên hết sức chú ý đến diễn biến của tình hình và di chuyển đến nơi an toàn hoặc quay trở lại Trung Quốc”.

Trung Quốc có lợi ích kinh tế sâu rộng ở Myanmar.

Ông Nong Rong, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm Myanmar tuần trước, kêu gọi nước này hợp tác với Trung Quốc để duy trì ổn định biên giới. Ông cũng yêu cầu có biện pháp bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn