Pháp đóng Versailles, Louvre và nhiều sân bay vì báo động bom giả trong lúc EU lo ngại rủi ro an ninh

Paris

Nguồn hình ảnh, Teresa Suarez/EPA

Chụp lại hình ảnh,

Bảo tàng Louvre ở Paris bị đóng cửa vì đe dọa giả về các vụ đánh bom

Cảnh sát Pháp vừa bắt 18 người sau đợt báo động đánh bom giả khiến nhiều sân bay và trung tâm văn hóa phải sơ tán dân và đóng cửa.

Cung điện Versailles, Bảo tàng Louvre, nhiều trường học, phi trường và bệnh viện bị những kẻ giả vờ đánh bom nhắn tin báo động.

Các vụ việc xảy ra sau vụ một kẻ Hồi giáo cực đoan chém chết một thầy giáo ở Arras thứ Sáu tuần qua.

Chừng 15 sân bay các tỉnh của Pháp bị đe dọa đánh bom trong ngày thứ Sáu tuần này, từ Biarritz, Bordeaux, Nice và Toulouse ở phía Nam tới Lille và Brest ở phía Bắc. Các sân bay ở những thành phố này đã bị đóng cửa từ vài ngày qua và chừng 130 chuyến bay bị hủy.

Tội báo động bom giả có thể bị phạt tù giam tới ba năm và phạt tiền tới 45 nghìn euro, nhà chức trách tuyên bố trên truyền thông.

Arras

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh,

Quảng trường Anh hùng, thành phố Arras: Người dân Pháp đội mưa dự đám tang thầy giáo Dominique Bernard, bị hung thủ Chechnya chém chết hôm thứ Sáu tuần qua

Cùng ngày BBC đưa tin rằng EU đang ra các biện pháp kiểm soát chặt hơn làn sóng di dân trái phép và đề cao cảnh giác trước các nhóm gây rủi ro an ninh trong lúc căng thẳng gia tăng vì tình hình Trung Đông.

Một tác động trực tiếp của cuộc chiến Hamas tấn công Israel hôm 07/10 là tình hình an ninh ở châu Âu xấu đi.

Cuộc họp các bộ trưởng nội vụ và tư pháp của Liên hiệp châu Âu (EU) tại Luxembourg hôm 19/10 đi đến kết luận là một số quốc gia sẽ phải tạm dừng chế độ tư do đi lại trong khối Schengen vì đe dọa an ninh.

Hai vụ giết người liên tiếp diễn ra tại Pháp và Bỉ do những hung thủ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan gây ra tuần qua khiến lãnh đạo EU lo lắng.

Cùng lúc, làn sóng nhập cư bất hợp pháp bằng thuyền ào vào các nước EU phía Nam qua Địa Trung Hải vẫn tiếp tục gây sức ép lên châu Âu.

Cảnh sát trên toàn EU và cả Anh đều được đặt trong tình trạng báo động sau khi xung khắc giữa những người ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine, và những người ủng hộ Israel lên cao.

Các cáo buộc “ủng hộ khủng bố” – dù Hamas, tổ chức bị Mỹ, EU và Anh coi là khủng bố chỉ nắm Dải Gaza và không đại diện cho toàn bộ người Palestine, và “bài Do Thái” được tung ra, đối chọi nhau ngoài phố và trên mạng xã hội, gây lo ngại cho nhà chức trách.

Tạm ngưng ngắn ngày chế độ đi lại tự do trong Schengen?

Abdesalem Lassoued

Nguồn hình ảnh, Cảnh sát Bỉ

Chụp lại hình ảnh,

Người Tunisia, Abdesalem Lassoued đã hạ sát hai người Thụy Điển sang Brussels xem bóng đá, trong trận vòng loại Euro 2024. Hung thủ (đã bị bắn chết) từng xin tỵ nạn ở bốn nước: Ý, Bỉ, Na Uy và Thụy Điển từ 2012, từng ngồi tù nhưng vẫn ở lại EU bất hợp pháp cho đễn tuần này.

Theo EuroNews hôm 19/10, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas vừa nói rằng khu vực miễn thị thực trong EU (Schengen Area) đã đem lại “lợi ích to lớn| nhưng cả khối cần xem lại cách vận hành chính sách visa để tránh bị “lạm dụng”.

Hiệp ước Schengen áp dụng từ 1995 xóa bỏ các trạm kiểm soát biên giới trong các nước thành viên EU tham gia ký kết.

Cảnh sát Bỉ xác nhận hung thủ người Hồi giáo 45 tuổi bắn chết hai công dân Thụy Điển ở Brussels trong tuần đã “sang Thụy Điển, ngồi tù về lại Bỉ tự do” vì không có kiểm soát biên giới.

Ngoài ra, EU lo ngại rằng chừng 60 nước được hưởng chế độ nhập cảnh EU miễn thị thực “có thể bị sử dụng như điểm trung chuyển cho di dân trái phép vào 27 nước EU”. Rất nhiều cư dân các nước xung quanh EU vào được EU là xin tỵ nạn chính trị, tỵ nạn nhân đạo rồi trong khi chờ cứu xét đơn từ, hoặc thậm chí khi đã bị bác đơn, vẫn ở lại EU và đi lại xuyên quốc gia tùy ý.

“Năm ngoái, chúng ta thấy có khoảng 150 nghìn đơn xin tỵ nạn từ công dân các nước được vào EU miễn thị thực. Đây là con số rất lớn và quy chế miễn thị thực không thể bị lạm dụng như vậy,” Cao ủy Nội vụ EU Ylva Johansson nói, theo EuroNews.

Việc tạm ngưng tự do đi lại trong Schengen với người không phải công dân EU còn có thể giúp hai nước Ý và Hy Lạp đối phó với làn sóng thuyền nhân từ Trung Đông và Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu.

Trong động thái mang tính biểu tượng, Pháp truy tặng giáo viên Dominique Bernard, 57 tuổi, người bị giết chết ở Arras tuần qua. Tổng thống Emmanuel Macron đã tới dự đám tang của ông Bernard ở Quảng trường Anh hùng của thành phố miền Bắc Arras, BBC News đưa tin.

Kẻ sát nhân tên là Mohamed Mogouchkov, người Chechnya (công dân Liên bang Nga), năm nay mới 20 tuổi và từng là học sinh ngôi trường ông Bernard giảng dạy.

Y hô to "Allahu Akbar" ("Thượng đế Vĩ đại" – lời cầu nguyện và cũng là tiếng hô xung trận của người Hồi giáo theo Thánh chiến) rồi xông vào trường hôm thứ Sáu.

Thầy giáo Dominique Bernard đã dũng cảm cùng một nhân viên khác của trường và người bảo vệ lao ra chặn hung thủ. Ông Bernard bị chém chết còn hai người kia bị thương.

Cảnh sát Pháp đã bắt Mohamed Mogouchkov, cậu ruột, mẹ, em gái và em trai 17 tuổi của y.

Trong vụ việc mới hôm đầu tuần ở Bỉ, người Tunisia tên là Abdesalem Lassoued đã bắn chết hai người đàn ông Thụy Điển sang Brussels xem bóng đá, trong trận vòng loại Euro 2024. Hung thủ đã bị cảnh sát truy tìm và bắn chết vào sáng ngày hôm sau. Cảnh sát Bỉ nói hung thủ 45 tuổi đã thử xin tỵ nạn ở bốn nước: Ý, Bỉ, Na Uy và Thụy Điển nhưng đều bị bác đơn.

Chính quyền Thụy Điển nay phát hiện ra y đã từng bị tù giam ở nước họ trong khoảng thời gian tờ 2012 và 2014. Lassouel sang Bỉ sống bất hợp pháp và không đi đâu nữa sau khi đơn tỵ nạn bị bác năm 2020.

Từ nhiều năm qua, kế hoạch trục xuất những người bị bác đơn tỵ nạn tại EU về quê hương của họ bị bế tắc.

Nay EU (và cả Anh sau Brexit) đang muốn khởi động lại việc trục xuất này trên diện rộng nhưng xem ra các cản trở pháp lý vẫn còn nhiều.

Pháp sẽ nối lại đàm phán với Nga vốn bị gián đoạn vì đại dịch Covid để trục xuất các cư dân vùng Caucaus của Liên bang Nga gây án tại Pháp.

Trước mắt, một số nước đã chủ động lập lại trạm kiểm soát biên giới như Ý với Slovenia, Slovenia với Hungary và Croatia.

Một số nước khác, gồm Áo, CH Czech và Ba Lan đã áp dụng quy chế tương tự để ngăn chặn nạn buôn người, vốn là “nguồn cung cấp” không nhỏ cư dân các nước Trung Đông, Afghanistan và EU.

Nhân đây, việc tạm ngưng áp dụng chế độ di chuyển miễn visa trong EU (visa suspension rules) trong vòng 10 ngày cũng nhắm vào nạn mua hộ chiếu của những nước hưởng quyền nhập cảnh miễn thị thực vào EU, quan chức khối này nói hôm 18/10, theo EuroNews.

Arras

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Vụ người Chechnya chém chết thầy giáo Bernard ở Arras gây choáng cho cộng đồng dân cư thành phố miền Bắc nước Pháp