Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 15 -10 -2023

Chủ Nhật, 15 Tháng Mười 20235:36 SA(Xem: 1447)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 15 -10 -2023
HoaLuc 8
***********
bbc.com

Anh quốc nỗ lực đưa công dân nước mình ra khỏi Gaza qua ngả Ai Cập


Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các công dân Anh ở Gaza đã được yêu cầu sẵn sàng di chuyển trong trường hợp cửa khẩu biên giới Rafah vào Ai Cập được mở lại.

Cửa khẩu này, nằm ở phía nam Gaza, hiện là tuyến đường duy nhất ra khỏi lãnh thổ, trong lúc Hamas, Ai Cập và Israel đều thực hiện kiểm soát ở những mức độ nhất định đối với việc cho phép những người nào có thể đi qua.

Lời yêu cầu xuất hiện sau khi chuyến bay thuê bao thứ ba của chính phủ Anh rời Israel.

Thủ tướng Rishi Sunak cũng sẽ tiếp Quốc vương Abdullah của Jordan vào Chủ nhật để thảo luận về cuộc xung đột.

Tuần trước, tại Gaza đã xảy ra tình trạng ​​nguồn cung cấp nước, thực phẩm và năng lượng bị cắt đứt, khiến quốc tế lo ngại về khả năng xảy ra thảm họa nhân đạo ở nơi này.

Chính phủ Israel đã yêu cầu 1,1 triệu dân thường ở phía bắc Gaza di chuyển về phía nam trước khi Israel tiến hành một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Hamas, tổ chức đã giết chết hơn 1.300 người trong một loạt vụ tấn công ở Israel vào cuối tuần trước.

Ít nhất 17 công dân Anh mất tích hoặc được xác nhận đã chết sau các vụ xâm nhập. Chính phủ Anh tin rằng có tới 60.000 công dân Anh đang ở Israel hoặc Gaza.

Trong một thông cáo ra cuối ngày thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Anh cho biết các quan chức đang làm việc với giới chức Ai Cập để cố gắng sắp xếp cho các công dân Anh và các công dân mang song tịch, cùng vợ/chồng và con cái họ, rời Gaza qua ngả Rafah.

Các công dân Anh đang được kêu gọi di chuyển về phía nam theo chỉ thị của chính phủ Israel và đã nhận được tin nhắn yêu cầu họ cảnh giác trong trường hợp cửa khẩu được mở.

Thông cáo cho biết ông Sunak hồi đầu tuần đã nói chuyện với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi về tình hình, trong khi Ngoại trưởng James Cleverly đang liên lạc với người đồng cấp Ai Cập, Sameh Shoukry.

“Anh cam kết hỗ trợ các công dân Anh ở Israel và Gaza sau vụ tấn công khủng bố tàn bạo này của Hamas,” ông Cleverly nói.

“Sự an toàn của tất cả công dân Anh là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và chúng tôi kêu gọi mọi người tiếp tục làm theo lời khuyên của chúng tôi và đăng ký để chúng tôi có thể liên lạc với họ.”

Thông gia của bộ trưởng thứ nhất của Scotland Humza Yousaf đang ở Gaza, nơi họ tới thăm họ hàng vào tuần trước. Trong một video được ông Yousaf chia sẻ hôm thứ Sáu trên X, trước đây là Twitter, mẹ vợ của ông là bà Elizabeth El-Nakla, nói: "Mọi người từ Gaza đang di chuyển về phía chúng tôi. Một triệu người. Không có thức ăn. Không có nước."

BBC

Hôm thứ Bảy, chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ đã làm việc với Ai Cập, Israel và Qatar để cố gắng mở cửa khẩu Rafah trong vài giờ vào chiều hôm đó, nhằm cho phép người Mỹ gốc Palestine rời đi, nhưng không rõ liệu đã có ai rời đi được hay không.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết các công dân Hoa Kỳ được yêu cầu di chuyển về phía Rafah vì "có thể sẽ không có mấy thông báo về việc cửa khẩu được mở và nó có thể chỉ mở trong một thời gian giới hạn."

Bộ Ngoại giao Anh cũng cho biết ba chuyến bay do chính phủ thuê chở công dân Anh hiện đã rời Israel, và dự kiến ​​sẽ có nhiều chuyến bay hơn trong những ngày tới.

Nhiều chuyến bay dự kiến ​​khởi hành vào đầu tuần đã phải hoãn lại vì vấn đề bảo hiểm, PA đưa tin.

Văn phòng của Quốc vương Abdullah cho biết chuyến thăm London của ông là một phần trong chuyến công du châu Âu nhằm "tập hợp sự ủng hộ của quốc tế nhằm ngăn chặn chiến tranh ở Gaza".

Ông cũng sẽ tới Rome, Berlin và Paris để tham dự các cuộc họp nhằm thảo luận về "tình hình nguy hiểm và ngày càng xấu đi ở Gaza" cũng như "sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine".


***********
voatiengviet.com

Giáo hoàng Francis kêu gọi mở hành lang nhân đạo để giúp người dân ở Gaza

Reuters

Giáo hoàng Francis hôm 15/10 kêu gọi mở các hành lang nhân đạo để giúp đỡ những người dân đang bị bao vây ở Gaza và một lần nữa kêu gọi thả các con tin mà nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas bắt giữ.

“Tôi mạnh mẽ yêu cầu trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ và tất cả dân thường không trở thành nạn nhân của cuộc xung đột”, ông nói trong bài phát biểu hàng tuần trước hàng nghìn người ở Quảng trường St. Peter.

Ông nói: “Cầu mong các quyền nhân đạo được tôn trọng, đặc biệt là ở Gaza, nơi việc đảm bảo các hành lang nhân đạo để giúp đỡ toàn bộ người dân là điều cấp thiết và cần thiết”.

Giáo hoàng Francis lên tiếng trong khi Israel đang chuẩn bị quân đội cho một cuộc tấn công trên bộ để trả đũa các cuộc tấn công chưa từng có mà nước này phải gánh chịu khi các chiến binh tràn qua các thị trấn của nước này, bắn chết đàn ông, phụ nữ, trẻ em và bắt giữ con tin.

"Rất nhiều người đã chết. Làm ơn, đừng đổ máu vô tội nữa ở Thánh địa, ở Ukraine hay bất cứ nơi nào khác. Đủ rồi! Chiến tranh luôn là một thất bại", ông nói.

Khoảng 1.300 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công dữ dội bất ngờ, trong khi chính quyền Gaza cho biết hơn 2.300 người đã chết, một phần tư trong số đó là trẻ em và gần 10.000 người bị thương khi Israel đáp trả bằng các cuộc bắn phá dữ dội trước hành động xâm lược.

Vatican hôm 13/10 đã đề nghị hòa giải trong cuộc xung đột. Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói rằng cuộc tấn công của Hamas nhằm vào người Israel là “vô nhân đạo”.


***********
rfi.fr

Ba Lan : Bầu cử Quốc Hội đầy bất trắc và thách thức

Thanh Hà

30 triệu cử tri Ba Lan bầu lại Quốc Hội hôm nay 15/10/2023 cho một nhiệm kỳ 4 năm. Đảng bảo thủ Pháp Luật và Công Lý –PiS cầm quyền từ 2015 không chắc hội đủ đa số cần thiết để thành lập chính phủ. Liên minh đối lập (KO) bao gồm nhiều đảng phái chính trị và cả các thành phần dân dự Ba Lan có triển vọng “gây bất ngờ”. Phe cực hữu có thể trở thành “lực lượng chính trị lớn thứ ba” tại Vacxava

Đăng ngày:

2 phút

Một cử tri Ba Lan bỏ phiếu bầu Quốc Hội tại Vacxava, ngày 15/10/2023.
Một cử tri Ba Lan bỏ phiếu bầu Quốc Hội tại Vacxava, ngày 15/10/2023. AP - Michal Dyjuk

Từ khi Ukraina bị Nga xâm chiếm, Ba Lan là một điểm tựa chính của Kiev về mặt nhân đạo, và cũng là ngả đưa viện trợ vũ khí của quốc tế vào Ukraina. Do vậy kết quả cuộc bầu cử lập pháp Ba Lan hôm nay mang tính định đoạt đối với quan hệ giữa Vacxava và Kiev cũng như giữa Ba Lan và Liên Âu.

Thông tín viên đài RFI Romain Lemaresquier từ thủ đô Vacxava giải thích :  

Đây là cuộc bầu cử với kết quả đầy bất trắc và cũng là cuộc tuyển cử được đánh giá là bấp bênh nhất từ nhiều thập niên qua. Căn cứ vào các dự phóng gần đây, cánh bảo thủ đã liên tục cầm quyền từ 8 năm nay có thể là sẽ rơi vào thế không thoải mái.

Ý định cử tri bỏ phiếu cho đảng Pháp Luật và Công Lý (PiS đang cầm quyền) của ông Jaroslaw Kaczynsky liên tục giảm. Đảng này có nguy cơ bị KO đe dọa. KO - Liên minh dân sự- tập hợp 5 đảng phái chính trị của Ba Lan, đang do cựu thủ tướng Donald Tusk lãnh đạo. Cho dù theo các thăm dò, liên minh này đang bị bỏ lại ở phía sau nhưng lại có khả năng liên kết với các đảng khác để thành lập chính phủ. Trong trường hợp đó, đây sẽ là một thay đổi lớn đối với Ba Lan.

Kết quả bầu cử lần này có tầm mức rất quan trọng, đặc biệt là trong quan hệ với Bruxelles. Đến nay Liên Âu từ chối giải ngân quỹ châu Âu cho Vacxava với lý do Ba Lan không tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Ngoài ra cần đặc biệt theo dõi kết quả của đảng cựu hữu Confederation. Bởi nếu như đảng này trở thành lực lượng chính trị lớn thứ ba thì liên kết với Confederation sẽ cho phép cánh bảo thủ và với chủ trương bài châu Âu thành lập chính phủ liên minh.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh công luận Ba Lan đang bị phân hóa và chia rẽ sâu rộng trên nhiều hồ sơ, nhất là về chính sách di dân và nông nghiệp.


***********
voatiengviet.com

Quân đội Israel nói người dân Gaza vẫn có thể sơ tán về phía nam

Reuters

Quân đội Israel hôm 15/10 cho biết sẽ tiếp tục cho phép người dân Gaza sơ tán về phía nam và hàng trăm nghìn người đã di chuyển, trong khi quân đội Israel sẵn sàng cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát để trả đũa các cuộc tấn công chưa từng có.

Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt nhóm chiến binh Hamas sau khi các chiến binh của nhóm này tràn qua các thị trấn của Israel, bắn chết đàn ông, phụ nữ và trẻ em và bắt giữ con tin trong cuộc tấn công tồi tệ nhất nhằm vào dân thường trong lịch sử nước này.

Khoảng 1.300 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công dữ dội bất ngờ, và những đoạn phim video bằng điện thoại di động cũng như các báo cáo từ các dịch vụ y tế và cấp cứu về hành động tàn bạo ở các thị trấn và khu dân cư bị tàn phá đã làm sâu sắc thêm cảm giác bàng hoàng của Israel.

Israel đáp trả bằng cách ném bom và tấn công Gaza dữ dội nhất mà nơi này từng thấy, đặt vùng đất nhỏ, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine, bị bao vây hoàn toàn và phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng.

Chính quyền Gaza cho biết rằng hơn 2.300 người đã thiệt mạng, 1/4 trong số đó là trẻ em và gần 10.000 người bị thương. Các nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót sau các cuộc không kích vào ban đêm. Một triệu người được cho là đã rời bỏ nhà cửa.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang có mặt ở khu vực để tìm cách đảm bảo việc thả 126 con tin mà Israel cho rằng đã bị Hamas bắt và đưa trở lại Gaza, đồng thời ngăn chặn chiến tranh lan rộng.

Ông Blinken cho biết ông đã có cuộc gặp "rất hiệu quả" với Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman tại Riyadh hôm 15/10 và dự kiến sau đó sẽ tới Ai Cập, nơi cửa khẩu Rafa hiện được coi là cửa ngõ chính để đưa viện trợ đến Gaza.

Bạo lực ở Gaza, đi kèm với các cuộc đụng độ nguy hiểm nhất ở biên giới phía bắc Israel với Libăng kể từ năm 2006, làm dấy lên lo ngại chiến tranh sẽ lan sang một mặt trận khác.

Kẻ thù khu vực của Israel là Iran, quốc gia ủng hộ Hamas, đã ca ngợi cuộc tấn công của Hamas vào Israel nhưng phủ nhận mọi liên quan.

Phái đoàn của nước này ở Liên Hợp Quốc nói vào cuối ngày 14/10 rằng nếu "tội ác chiến tranh và nạn diệt chủng" của Israel không được dừng lại ngay lập tức, "tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát" và gây ra những hậu quả sâu rộng.

Hamas cho biết trong một tuyên bố rằng họ và Iran đã "đồng ý tiếp tục hợp tác" để đạt được các mục tiêu của nhóm.

Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 14/10 đã cảnh báo nhóm chiến binh Hezbollah của Libăng, cũng được Iran hỗ trợ, không thực hiện hành động có thể dẫn đến "sự hủy diệt" của Libăng.


**********
rfi.fr

Gaza : Hamas yêu cầu thường dân Palestine không di tản

Thùy Dương
Đoàn người Palestine ở bắc dải Gaza rời khỏi nơi ở của mình sau khi có lệnh di tản của Israel, ngày 13/10/2023.
Đoàn người Palestine ở bắc dải Gaza rời khỏi nơi ở của mình sau khi có lệnh di tản của Israel, ngày 13/10/2023. AP - Hatem Moussa

Theo AFP, trong bài phát biểu phát trên truyền hình và được truyền đi từ Doha, Qatar, lãnh đạo tổ chức này, Ismaïl Haniyeh, hôm qua yêu cầu người dân ở dải Gaza từ chối di tản, dù là ngay bên trong dải Gaza hay là từ Gaza sang nước láng giềng Ai Cập.

Đối với Ismaïl Haniyeh, cuộc tấn công từ Gaza nhắm vào Israel hôm 07/10 là « cuộc tấn công chiến lược » góp phần « giải phóng » dải đất này. Trước đó, người đứng đầu tổ chức Hamas tố cáo Israel phạm tội ác chiến tranh và vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế khi ngăn cản đoàn cứu trợ quốc tế đến dải Gaza. Theo số liệu của Hamas, tổng số người chết trong các vụ tấn công của Israel nhắm vào dải Gaza đã lên tới hơn 2.300 người.

Sáng thứ Sáu 13/10/2023, Israel ra lệnh là trong vòng 24 giờ thường dân Palestine ở miền bắc dải Gaza phải di tản về phía nam dải đất này. Đến hôm qua, quân đội Israel thông báo mở 2 hành lang từ 10 giờ sáng đến 16 giờ cùng ngày (giờ địa phương) để người dân phía bắc dải Gaza di tản.

Tuy nhiên, sau đó, Israel đã lùi thời hạn để thường dân miền bắc dải Gaza di tản trước khi quân đội Israel bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ quy mô lớn vào khu vực bắc Gaza, mà họ cho là trung tâm của lực lượng Hồi giáo cực đoan Palestine.

Dù thúc giục người dân phía bắc thành phố Gaza « không chần chừ » trong việc di tản về phía nam, nhưng quân đội Israel hôm qua 14/10 cũng khẳng định chiến dịch tấn công trên bộ nhắm vào phía bắc dải Gaza chưa bắt đầu ngay từ ngày Chủ Nhật 15/10 vì lý do nhân đạo.

Riêng về việc di tản các bệnh nhân, Tổ Chức Y Tế Thế Giới trong đêm qua rạng sáng hôm nay cảnh báo việc di tản cưỡng chế hơn 2000 người bệnh từ phía bắc Gaza đến các cơ sở y tế đã quá tải ở phía nam thành phố có thể sẽ như tuyên « án tử hình » đối với họ.


************
rfi.fr

Chiến tranh Cận Đông : Israel “gần kề” một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza

Thanh Hà

Cho đến 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 15/10/2023 Israel tuyên bố “tiếp tục” để cho thường dân ở Gaza di tản về phía nam. Một phát ngôn viên của quân đội Irael  được đài truyền hình Mỹ trích dẫn cho biết “sẽ khởi động các chiến dịch quân sự quan trọng một khi các thường dân sơ tán” khỏi khu vực này. Tòa đại sứ Mỹ tại Irael thông báo kể từ ngày mai 16/10 bắt đầu sơ tán công dân Mỹ đến đảo Chypre bằng đường thủy. Trong bối cảnh căng thẳng này, Mỹ điều thêm một hàng không mẫu hạm thứ nhì đến Đông Địa Trung Hải.

Đăng ngày:

3 phút

Xe tăng của quân đội Israel tiến về biên giới dải Gaza ngày 13/10/2023.
Xe tăng của quân đội Israel tiến về biên giới dải Gaza ngày 13/10/2023. AP - Ariel Schalit

Tối qua thủ tướng Benjamin Netanyahu đến động viên binh sĩ đã tuyên bố “đây mới chỉ là điểm khởi đầu”. Lời lẽ này báo trước Israel chỉ còn đợi thời điểm trước khi quyết định tấn công. Vào lúc đang chuẩn bị cho chiến dịch quy mô trên bộ tại Gaza, Tel Aviv lo ngại phải đối phó với một mặt trận thứ nhì ở phía bắc sát biên giới với Liban và Syria như tường thuật vào sáng sớm hôm nay của thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem :

Quân đội Israel tiếp tục kêu gọi người dân ở phía bắc Dải Gaza chạy về phía nam. “Đã đến lúc phải ra đi” là một mệnh lệnh được phát đi trên các kênh truyền thông, trên các mạng xã hội và trên các tờ truyền đơn rải xuống Gaza.

Trên mặt đất, các công tác chuẩn bị cho một cuộc tấn công tiếp diễn suốt trong đêm qua. Theo truyền thông Israel đây sẽ là một chiến dịch rất quy mô. Tel Aviv đã huy động hàng chục ngàn quân sau khi mà các tràng rocket đã nổ vang rền mãi đến tận các khu vực ở miền nam Isael và thậm chí là cho đến gần thủ đô Tel Aviv.

Hôm qua một phần thân nhân các con tin Israel đã tập hợp trước trụ sở bộ Quốc Phòng đòi chính phủ xem số phận các con tin là ưu tiên tuyệt đối trước khi khởi động chiến dịch quân sự.

Israel lo ngại một mặt trận khác đang mở ra ở khu vực phía bắc sau hàng loạt những sự cố trong 48 giờ qua và có liên hệ đến tổ chức Hồi Giáo Hezbollah.

Đêm qua hai quả rocket được phóng đi từ Syria đã bắn trúng lãnh thổ Israel. Trước đó Israel được cho là tác giả các đợt tấn công nhắm vào sâu trên lãnh thổ của Syria, đặc biệt là vào hai phi trường tại thủ đô Damas và ở thành phố Alep. Một quan chức Israel khẳng định là Iran tìm cách triển khai vũ khí ở Syria hoặc chuyển qua lãnh thổ của Syria.

Cần lưu ý là trong bối cảnh căng thẳng đó Hoa Kỳ thông báo điều thêm một chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì đến khu vực, sau khi đã triển khai chiếc US Gerald Ford, một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới đến khu vực.

Nguy cơ Iran vào cuộc

Hai mạng thông tin Walla của Israel và Axio của Mỹ báo động Teheran qua trung gian đặc sứ Liên Hiệp Quốc cảnh báo “có những lằn ranh đỏ” Iran không cho phép vượt qua. Nếu như quân đội Israel tiếp tục chiến dịch tại Gaza Iran sẽ “bắt buộc phải có phản ứng”. Lời lẽ này được đưa ra nhân cuộc tiếp xúc hôm 14/10/2023 tại Beyruth, Liban giữa ngoại trưởng Iran Hossein Amirr Abdullahian và đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Trung Đông, Tor Wennsland.


************

Bộ Ngoại giao Mỹ: 29 công dân Mỹ chết, 15 người mất tích trong vụ tấn công của Hamas


Israel Antisemitism Report

Hai mươi chín công dân Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas ở Israel, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận ngày thứ Bảy.

Trước đó, 27 người được xác nhận đã chết giữa vụ bạo lực.

Người phát ngôn nói rằng Mỹ biết là hiện có 15 công dân và một thường trú nhân hợp pháp hiện chưa rõ tung tích và đang "làm việc suốt ngày đêm" để xác định họ đang ở đâu.

Mỹ đang làm việc với chính phủ Israel về mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng con tin, bao gồm cả việc chia sẻ thông tin tình báo, người phát ngôn cho biết.


*************
voatiengviet.com

Mỹ khuyến cáo công dân của mình ở Gaza đến gần cửa khẩu Rafah của Ai Cập

Reuters

Chính phủ Mỹ ngày thứ Bảy khuyến cáo công dân Mỹ ở Gaza di chuyển về phía nam tới cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập để sẵn sàng cho lúc cửa khẩu mở cửa trở lại trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở dải đất ven biển này sau khi cuộc tấn công của Hamas ở Israel khiến nước này trả đũa quân sự.

Washington hiện vẫn đang làm việc với Ai Cập, Israel và Qatar để mở cửa khẩu Rafah vào chiều ngày thứ Bảy để cho phép người Mỹ gốc Palestine rời đi, một quan chức cao cấp của bộ ngoại giao Mỹ cho biết trước đó.

Washington đã liên lạc với những người Mỹ gốc Palestine ở Gaza, một số người trong số họ bày tỏ mong muốn rời đi qua ngả Rafah, nhưng không rõ liệu nhóm chủ chiến Hồi giáo cực đoan Hamas có cho phép tiếp cận cửa khẩu hay không, quan chức này nói.

Không rõ liệu có công dân Mỹ nào đã có thể rời đi được hay chưa.

Số lượng người Mỹ gốc Palestine mang hai quốc tịch ở Gaza ước tính khoảng vài trăm người trong số 2,3 triệu dân của dải đất này, và Washington hi vọng sẽ đưa nhiều công dân của mình thoát khỏi nguy hiểm.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục chuyến đi tới nhiều nước ở vùng Trung Đông nhất từ trước tới nay của ông. Vào ngày thứ ba, ông hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Saudi, Hoàng tử Faisal Bin Farhan, tại Riyadh.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đang làm việc với các đồng minh khu vực của Mỹ để ngăn cuộc chiến giữa Israel và Hamas bùng phát thành xung đột lớn hơn, và giúp giải thoát các con tin bị Hamas bắt cóc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết ông Blinken cũng đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và yêu cầu ông giúp ngăn xung đột lan rộng. Đây là cuộc tiếp xúc cao cấp đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh kể từ vụ tấn công của Hamas và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc đối địch về một loạt vấn đề.


*********
voatiengviet.com

Người Palestine chạy khỏi bắc Gaza trong khi Israel tập trung quân chuẩn bị tấn công

Reuters

Hàng ngàn người Palestine chạy khỏi miền bắc Dải Gaza ngày thứ Bảy để tránh một cuộc tiến công trên bộ sắp diễn ra của Israel, trong khi Israel dội bom khu vực này bằng nhiều cuộc không kích hơn và cho biết họ vẫn để ngỏ hai con đường để cho người dân chạy thoát.

Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt nhóm chủ chiến Hamas đang kiểm soát Gaza để trả đũa vụ tàn sát do những chiến binh của nhóm này gây ra. Họ đã xông vào các thành thị của Israel cách đây một tuần, bắn chết thường dân và bắt đi nhiều con tin. Khoảng 1.300 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công chết chóc nhất nhắm vào thường dân trong lịch sử của Israel.

Kể từ đó, quân Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza được quản lý bởi Hamas, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine, và không kích chưa từng có. Chính quyền Gaza cho biết hơn 2.200 người đã thiệt mạng, một phần tư trong số đó là trẻ em và gần 10.000 người bị thương.

Israel đã cho người dân ở nửa phía bắc của Dải Gaza, bao gồm khu định cư lớn nhất là Thành phố Gaza, thời hạn là đến sáng ngày thứ Bảy để di chuyển về phía nam. Sau đó họ nói họ sẽ đảm bảo an toàn cho những người Palestine chạy nạn trên hai con đường chính cho đến 4 giờ chiều (13:00 giờ GMT).

Khi hạn chót trôi qua, binh sĩ tụ tập xung quanh Dải Gaza. Bên ngoài Gaza, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đến thăm lính bộ binh Israel và nói với họ rằng hãy sẵn sàng cho “giai đoạn tiếp theo” mà không cho biết thêm chi tiết.

Hamas đã yêu cầu người dân không rời đi và nói rằng đường ra ngoài không an toàn. Họ nói hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích nhắm vào xe hơi và xe tải chở người tị nạn hôm thứ Sáu, điều mà Reuters không thể xác minh một cách độc lập. Israel nói Hamas đang ngăn cản người dân rời đi để dùng họ làm lá chắn sống, điều mà Hamas phủ nhận.

Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Palestine cho biết họ đã nhận được lệnh của Israel di tản bệnh viện trước 4 giờ chiều, nhưng sẽ không làm như vậy vì họ có nhiệm vụ nhân đạo là tiếp tục cung cấp dịch vụ cho những người bị bệnh và bị thương.

Một triệu người, gần một nửa dân số Gaza, đã rời bỏ nhà cửa trong tuần qua, trong đó có hàng trăm ngàn người đi về phía nam từ phía bắc Gaza sau lệnh của Israel, cơ quan người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cho biết.

Các cuộc tấn công nhắm vào Israel đã khiến đất nước này rơi vào cảnh đau thương và khơi dậy tinh thần chuẩn bị cho chiến tranh, với hàng trăm ngàn quân dự bị được huy động chỉ trong vài ngày.

Cánh vũ trang của Hamas cho biết chín người bị bắt trong đó có bốn người nước ngoài đã thiệt mạng trong đêm do các cuộc không kích của Israel. Trước đó, nhóm này từng đe dọa sẽ giết một con tin nếu Israel tấn công vào các tòa nhà mà không báo trước.

Các cuộc tấn công của Israel nhắm vào Gaza đã không thể ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas bắn sâu vào tới các thành phố của Israel. Còi báo động không kích vang lên ở miền trung Israel hôm thứ Bảy và tên lửa bắn trúng một nhà kính ở Ashkelon và làm bị thương bốn người tại một cộng đồng kibbutz.

Con đường duy nhất ra khỏi Gaza không nằm dưới sự kiểm soát của Israel là chốt kiểm soát với Ai Cập tại Rafah. Ai Cập chính thức cho biết phía họ đã mở cửa nhưng giao thông đã bị đình trệ trong nhiều ngày vì các cuộc không kích của Israel. Nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết phía Ai Cập đang được củng cố và Cairo không có ý định tiếp nhận làn sóng người tị nạn ồ ạt, theo Reuters.

Bạo lực ở Gaza diễn ra cùng lúc với các cuộc đụng độ chết chóc nhất ở biên giới phía bắc của Israel với Lebanon kể từ năm 2006, làm dấy lên lo ngại chiến tranh sẽ lan sang một mặt trận khác.

Phong trào Hezbollah vũ trang của Lebanon, một đồng minh thân cận của Iran giống như Hamas, cho biết họ đã bắn phi đạn điều hướng và bom cối vào năm tiền đồn của Israel trong khu vực Nông trại Shebaa có tranh chấp.

Reuters nhìn thấy phi đạn bắn vào một đồn quân sự của Israel và nghe thấy tiếng pháo kích và tiếng súng từ Israel.


***********
voatiengviet.com

Lãnh đạo cứu trợ LHQ: Tình hình ở Gaza ‘sắp không trụ được nữa’

Reuters

Tình hình nhân đạo ở Gaza, vốn đã nghiêm trọng, giờ “sắp không trụ được nữa,” Giám đốc cứu trợ Liên Hợp Quốc Martin Griffiths nói trong một phát biểu vào ngày thứ Bảy.

Không có điện, nước hoặc nhiên liệu ở Gaza và lương thực đang cạn kiệt ở mức nguy hiểm, ông Griffiths nói. Ông kêu gọi tất cả các quốc gia có ảnh hưởng hãy sử dụng nó để đảm bảo các quy tắc chiến tranh được tôn trọng và tránh leo thang thêm.

Những hành động và lời lẽ của nhóm chủ chiến Hamas và Israel trong những ngày qua là “cực kỳ đáng báo động, không thể chấp nhận được,” ông Griffiths nói.

Thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự phải được bảo vệ, ông nói.

Ở Gaza, các gia đình đã bị trúng bom khi đang di chuyển về phía nam dọc theo những con đường tắc nghẽn, hư hỏng, theo lệnh sơ tán của Israel khiến hàng trăm ngàn người phải chạy trốn để tìm nơi an toàn nhưng không còn nơi nào để đi, ông Griffiths nói.

Ông nói ngay cả chiến tranh cũng có quy tắc và những quy tắc này phải được tuân thủ mọi lúc, và bởi mọi bên.

“Thường dân phải được phép rời đi đến những khu vực an toàn hơn. Và dù họ ra đi hay ở lại thì các bên phải luôn cẩn trọng tránh làm tổn hại họ,” ông Griffiths nói.

Ông nói bất cứ ai bị bắt giữ đều phải được đối xử nhân đạo và tất cả con tin phải được thả ra.

“Thường dân ở Israel và Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đang trải qua một tuần đau khổ và tàn phá,” ông nói. “Tôi sợ rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến.”

“Tuần vừa qua là một phép thử đối với nhân loại và nhân loại đang thất bại,” ông nói.

**********
rfi.fr

Gaza : Israel mở hành lang di tản, hàng nghìn người Palestine chạy lánh nạn

Anh Vũ

XUNG ĐỘT ISRAEL - GAZA

Sau khi quân đội Israel ra lệnh thường dân phải sơ tán khỏi phía bắc Gaza trong vòng 24 giờ, hôm qua, 13/06/2023, hàng nghìn người Palestine đã bỏ chạy khỏi nơi cư trú, qua các đường phố bị tàn phá của thành phố Gaza, với hy vọng tìm được nơi ẩn náu xa hơn về phía nam. Trong khi đó Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ trả đũa Hamas.

Đăng ngày:

3 phút

Những người Palestine tại Gaza, rời bỏ nhà cửa đi sơ tản xuống phía nam Dải Gaza, ngày 13/10/2023.
Những người Palestine tại Gaza, rời bỏ nhà cửa đi sơ tản xuống phía nam Dải Gaza, ngày 13/10/2023. REUTERS - AHMED ZAKOT

Tại Gaza, những tiếng nổ vẫn không ngừng vang lên. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cảnh báo hôm thứ Sáu: “ Đây chỉ là bước khởi đầu” trong các hành động của Israel tại Gaza. 

Thông tín viên của RFI tại Jerrusalem, Michel Paul cho biết, lệnh di tản thường dân bắt đầu được triển khai. Quân đội Israel đề nghị người dân phía bắc dải Gaza sử dụng hai hành lang di tản bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, giờ địa phương, cho đến 16 giờ : Một hành lang chạy dọc theo bờ biển vùng đất Palestine, hành lang thứ 2 trong khu vực trung tâm dải Gaza.

Thông báo đã được quân đội Israel in trên các tờ rơi rải từ máy bay và phổ biến qua mạng xã hội bằng tiếng Ả Rập có ghi rõ vị trí của hai hành lang di tản nói trên. Thông báo nhắc lại : “Hãy đi về phía nam .... vì sự an toàn của bạn và gia đình bạn”.

Cũng có thông tin nói nằng quân đội Israel đã thực hiện một số cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza.

Phóng viên của RFI ghi nhận Hàng nghìn cư dân Gaza, mang theo túi đồ đang cố chạy khỏi phía bắc, bằng mọi phương tiện có thể, đi bộ, trên các xe kéo, mô tô hay xe hơi. Họ đi về phía nam, nhưng không biết đi về đâu.

Không ít người từ chối di tản vì không có phương tiện hoặc không muốn theo lệnh của Israel. Ông Ziad Medoukh, giáo sư tiếng Pháp tại các trường Đại học ở thành phố Gaza nói :

« Những đe dọa của Israel buộc người Palestine phải ra đi là chiến tranh tâm lý. Với chúng tôi, những người Palestine đã quyết định ở lại, chỗ dựa của chúng tôi là hai tổ chức quốc tế là văn phòng Hồng Thập Tự và văn phòng Liên Hiệp Quốc. Hiện tại, hai tổ chức quốc tế này không có thông cáo yêu cầu mọi người ra đi. Chúng tôi không thể đáp ứng đe dọa của một đội quân chiếm đóng, chúng tôi phải chờ đợi thôi. »

Khoảng 2,4 triệu dân sống ở dải Gaza, vùng đất rộng 362 km2 này, thực tế đã bị đã bị Israel phong tỏa trên bộ, trên không và trên biển kể từ khi Hamas lên nắm quyền ở đó vào năm 2007. Kể từ ngày 9 tháng 10, vùng đất này bị Israel phong tỏa hoàn toàn. Điện, nước và nguồn cung cấp thực phẩm bị cắt hoàn toàn.

Sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas hôm thứ Bảy ngày 07/10, Israel đáp trả bằng cách tuyên bố chiến tranh nhằm tiêu diệt phong trào Hồi giáo Palestine, bắn phá dữ dội vào dải Gaza và triển khai hàng chục nghìn quân quanh lãnh thổ cũng như biên giới Liban.

Lệnh phong tỏa cũng như di tản thường dân trong dải Gaza đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ như là hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Israel.


***********

Thế giới Ả Rập chia rẽ về cuộc chiến Israel - Hamas


Xe quân sự của Israel dồn về biên giới với Gaza ngày 13-10 - Ảnh: AFP

Xe quân sự của Israel dồn về biên giới với Gaza ngày 13-10 - Ảnh: AFP

Sau khi đến Tel Aviv để thể hiện sự ủng hộ đồng minh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du các nước Ả Rập từ ngày 13-10 với hy vọng gây sức ép lên phong trào Hồi giáo Hamas, trong lúc Israel chuẩn bị mở đợt tấn công lớn vào Dải Gaza.

Tính toán của Mỹ

Cuộc xung đột đang ở giai đoạn đầu nhưng có nguy cơ lan rộng hơn khi giao tranh ngày càng gia tăng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc ép các nước giúp ngăn chặn xung đột lan rộng và sử dụng đòn bẩy của họ với Hamas để thả con tin ngay lập tức và vô điều kiện" - ông Blinken nói trước khi rời Tel Aviv để tới Jordan và sau đó là Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, "lựa chọn" của thế giới Ả Rập đã trở nên rõ ràng hơn bởi vụ xung đột. Tuy nhiên, đây không phải là sứ mệnh dễ dàng khi thế giới Ả Rập hiện đã bộc lộ sự chia rẽ.

Saudi Arabia, hiện đang trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Israel do Mỹ thúc đẩy, đã cùng Qatar đổ lỗi cho các chính sách của Israel đối với người Palestine làm bùng phát bạo lực.

Dù là đồng minh của Mỹ, Saudi Arabia cũng là một lãnh đạo của thế giới Hồi giáo và ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine.

Ngược lại, Bahrain và UAE, hai nước đã bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv, đã chỉ trích Hamas. Trong khi đó, Ai Cập và Jordan vẫn phản ứng thận trọng khi kêu gọi kiềm chế.

"Sự ủng hộ dành cho chính nghĩa của người Palestine ngày càng tăng cao trong cộng đồng người Ả Rập, và trong bối cảnh một cuộc chiến dường như có khả năng gây ra sự tàn phá lớn ở Gaza, các nhà lãnh đạo Ả Rập đang bước thận trọng để tránh gây ra phản ứng dữ dội trong nước và ngoại giao" - tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) bình luận.

Trong ngày 13-10, Hãng tin Reuters cho biết biểu tình ủng hộ Palestine đã nổ ra tại nhiều nước khắp Trung Đông.

Trong tình huống đó, theo giới quan sát, Washington phải cố gắng cân bằng các mục tiêu gồm cả việc ủng hộ Israel trong phản ứng trước cuộc tấn công chưa từng có của Hamas, ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng hơn, ổn định Bờ Tây và giữ mối quan hệ với các đối tác Ả Rập.

Một yếu tố quan trọng mà Mỹ phải tính toán là vai trò của Iran nếu muốn giữ cuộc xung đột không lan rộng. Ngay khi cuộc xung đột nổ ra, Iran cũng đang ra sức vận động các nước Ả Rập và Hồi giáo đoàn kết chống lại Israel.

"Tất cả các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập… phải hợp tác nghiêm túc trên con đường ngăn chặn tội ác của chính quyền Do Thái chống lại quốc gia Palestine bị áp bức", Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói trong cuộc gọi với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian dự kiến sẽ lên đường sang các nước trong khu vực gồm Iraq, Lebanon. Ông cho biết một số nước đã thăm dò khả năng lập "mặt trận mới" chống lại Israel.

"Mỹ muốn tạo cơ hội cho Israel phá hủy Gaza, và đây là... một sai lầm nghiêm trọng. Nếu người Mỹ muốn ngăn hình thành chiến tranh trong khu vực, họ phải kiểm soát Israel", ông Amir-Abdollahian gửi thông điệp đến Mỹ vào hôm 13-10.

Gaza đang nhanh chóng trở thành một hố địa ngục và đang trên bờ vực sụp đổ.

Liên Hiệp Quốc mô tả về tình hình Gaza ngày 13-10.

Giao tranh leo thang

Ngày 13-10, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đứng trước nguy cơ leo thang khi Tel Aviv yêu cầu hơn 1 triệu dân ở Gaza di tản xuống miền Nam, trong khi quân đội nước này đang tập hợp xe tăng và hơn 300.000 quân dự bị chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào khu vực này.

Bất chấp việc Liên Hiệp Quốc cho rằng việc di tản quy mô lớn trong vòng 24 giờ trong điều kiện chiến sự gần như là điều không thể, Tel Aviv vẫn kiên quyết bao vây toàn diện Gaza.

Trong khi chính quyền Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phản đối việc cưỡng ép di tản, Hamas đã kêu gọi người dân ở yên tại chỗ vì đây chỉ là cảnh báo giả của Tel Aviv.

Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc và các nước tiếp tục kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế trong cuộc xung đột.

"Chúng tôi đang kêu gọi tiếng nói toàn cầu, một lời kêu gọi rõ ràng từ mọi quốc gia thành viên trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có ảnh hưởng, để yêu cầu tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo quốc tế", Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Ravina Shamdasani, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nói.

Tính đến 13-10, cuộc xung đột đã giết chết hơn 1.300 người Israel, hơn 1.500 người Palestine và hàng ngàn người bị thương.

Văn phòng nhân đạo Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết hơn 420.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Gaza, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo vì hệ thống bệnh viện tại Dải Gaza sắp suy sụp.

Các nước tiếp tục di tản công dân khỏi Gaza và khuyến cáo những người còn kẹt lại nhanh chóng di tản xuống miền Nam khu vực này.

Châu Âu ủng hộ Israel

Cũng trong ngày 13-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola đã có mặt tại Israel để thể hiện sự đoàn kết với Nhà nước Do Thái này.

Trong những ngày đầu của chiến sự, châu Âu cho thấy sự lục đục trong phản ứng khi nhiều nước đòi cắt hỗ trợ Palestine, trong khi số khác cho rằng phản ứng quyết liệt của Israel vi phạm luật pháp quốc tế.

Bà von der Leyen sau đó đã phải cố xoa dịu khi ra tuyên bố ủng hộ Israel, đồng thời cho biết sẽ siết chặt hỗ trợ để ngăn tiền rơi vào tay Hamas.


**********
Ý kiến bạn đọc
Chủ Nhật, 15 Tháng Mười 202311:05 SA
Khách
>>>>>>> Ông nói ngay cả chiến tranh cũng có quy tắc và những quy tắc này phải được tuân thủ mọi lúc, và bởi mọi bên.
“Thường dân phải được phép rời đi đến những khu vực an toàn hơn. Và dù họ ra đi hay ở lại thì các bên phải luôn cẩn trọng tránh làm tổn hại họ,” ông Griffiths nói.
Ông nói bất cứ ai bị bắt giữ đều phải được đối xử nhân đạo và tất cả con tin phải được thả ra.
...Không có lửa làm sao có khói.....ông làm ơn thử quỳ xuống kêu những tên khủng bố hamas đối xữ nhân đạo cho ông trong khi khủng bố hamas chặt đầu cả gia đình ông....chỉ nói cái miệng.....gia đình người Do THÁI bị chúng nó khủng bố hamas, giết không từ người lớn,đàn bà, con nít..không trừ 1 ai...và đến hiện giờ chúng nó, những tên khủng bố hamas vần pháo kích vào Do Thái....làm ơn.....hảy mở mắt và nhắc nhở đến cái chết của hàng ngàn người DÂN DO THÁI..do khủng bố hamas giết chết......tại sao không nhắc tới ????
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn