Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 03 -10 -2023

Thứ Ba, 03 Tháng Mười 20235:30 SA(Xem: 1291)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 03 -10 -2023
Hoaluc 3
***************

Giải Nobel Vật lý 2023 trị giá 1 triệu USD trao cho 3 nhà khoa học


Các nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý ngày 3-10 - Ảnh: REUTERS

Các nhà khoa học được trao giải Nobel Vật lý ngày 3-10 - Ảnh: REUTERS

Chiều 3-10, giờ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố giải Nobel Vật lý cho ba nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L'Huillier với các thí nghiệm "trao cho nhân loại những công cụ mới để khám phá thế giới điện tử bên trong nguyên tử và phân tử".

Pierre Agostini. Tiến sĩ năm 1968 tại Đại học Aix-Marseille, Pháp. Giáo sư tại Đại học bang Ohio, Columbus, Hoa Kỳ.

Ferenc Krausz, sinh năm 1962 tại Mór, Hungary. Tiến sĩ năm 1991 tại Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Giám đốc Viện Quang học Lượng tử Max Planck, Garching và Giáo sư tại Đại học Ludwig-Maximilians Munchen, Đức.

Anne L'Huillier, sinh năm 1958 tại Paris, Pháp. Tiến sĩ năm 1986 tại Đại học Pierre và Marie Curie, Paris, Pháp. Giáo sư tại Đại học Lund, Thụy Điển.

Các nhà khoa học sẽ chia nhau giải thưởng trị giá 11 triệu kronor Thụy Điển, khoảng 1 triệu USD.

Theo ủy ban trao giải, ba nhà khoa học đã chứng minh được một phương pháp tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn có thể dùng để đo những quá trình cực nhanh như sự chuyển động hoặc thay đổi năng lượng của các electron.

Trong thế giới của các electron, những thay đổi xảy ra trong vài phần mười atto giây. Một atto giây ngắn đến mức một giây có số atto giây bằng số giây kể từ khi vũ trụ ra đời.

Thí nghiệm của những người đoạt giải đã tạo ra các xung ánh sáng ngắn đến mức chúng được đo bằng atto giây, nhờ đó các xung này có thể được sử dụng để cung cấp hình ảnh về các quá trình bên trong nguyên tử và phân tử.

Những khám phá này cho phép nghiên cứu các quy trình nhanh đến mức mà trước đây giới khoa học không thể theo dõi được.

"Bây giờ chúng ta có thể mở cánh cửa đến thế giới electron. Vật lý atto giây cho chúng ta cơ hội hiểu được các cơ chế chịu sự chi phối của các electron. Bước tiếp theo sẽ là sử dụng chúng" - Eva Olsson, chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý, cho biết.

Khám phá này có những ứng dụng tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, trong điện tử, điều quan trọng là phải hiểu và kiểm soát cách thức hoạt động của các electron trong vật liệu. Xung atto giây cũng có thể được sử dụng để xác định các phân tử khác nhau, chẳng hạn như trong chẩn đoán y tế.

Năm ngoái, giải Nobel Vật lý được trao cho các nhà khoa học Alain Aspect, John F. Clauser và Anton Zeilinger "cho các thí nghiệm với các photon vướng víu, chứng minh sự vi phạm các bất đẳng thức Bell và tiên phong trong khoa học thông tin lượng tử".

Những con số về giải Nobel Vật lý

116 giải Nobel Vật lý đã được trao kể từ năm 1901.

47 giải thưởng vật lý chỉ được trao cho một người đoạt giải.

Cho đến nay đã có 4 phụ nữ được trao giải thưởng vật lý: Marie Curie năm 1903, Maria Goeppert-Mayer năm 1963, Donna Strickland năm 2018 và Andrea Ghez năm 2020.

1 người là John Bardeen đã hai lần được trao giải Nobel vật lý.

25 tuổi là tuổi của người đoạt giải Nobel Vật lý trẻ nhất từ trước đến nay, Lawrence Bragg, khi ông được trao giải thưởng vật lý năm 1915 cùng với cha mình.

96 tuổi là tuổi của người đoạt giải Nobel Vật lý lớn tuổi nhất, ông Arthur Ashkin.


*************
rfi.fr

Iran cảnh báo chống bất kỳ « thay đổi địa chính trị » tại vùng Kavkaz

Minh Anh

IRAN - KAVKAZ

Thứ Hai, ngày 02/10/2023, Iran lên tiếng công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan tại vùng Thượng Karabakh, nhưng đồng thời có lời cảnh báo chống bất kỳ sự « thay đổi địa chính trị » nào trong vùng Kavkaz. 

Đăng ngày:

1 phút

Nasser Kanani, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tehran, Iran, ngày 05/12/2022.
Nasser Kanani, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tehran, Iran, ngày 05/12/2022. AFP - ATTA KENARE

Thông tín viên đài RFI, Siavosh Ghazi từ Teheran giải thích : 

« Trước cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia, Iran giáp giới với hai nước này đã chọn lập trường trung dung. 

Nasser Kanani, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran tuyên bố : "Chúng tôi phản đối việc sửa đổi đường biên giới quốc tế và những thay đổi địa chính trị trong khu vực." 

Một mặt, Iran ủng hộ việc sáp nhập Thượng Karabakh vào lãnh thổ Azerbaijan. Nhưng mặt khác, Teheran phản đối khả năng Azerbaijan mở một cuộc tấn công và chiếm đóng phía nam Armenia, có nguy cơ cắt đường tiếp cận từ Iran đến Armenia. 

Theo một số kênh truyền thông Iran, Azerbaijan rất có thể tìm cách tấn đánh phía nam Armenia nhằm có được một sự liên tục lãnh thổ với vùng tự trị Nakhchivan và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoài ra, ông Kanani còn nhắc lại rằng Iran hậu thuẫn sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia và Azerbaijan. Những năm gần đây, Teheran đã ủng hộ Armenia qua việc phát triển các mối liên hệ kinh tế và chính trị với nước này.  

Truyền thông Iran còn lên án các mối quan hệ giữa Azerbaijan và Israel khi nhấn mạnh rằng mối quan hệ này là một mối đe dọa cho an ninh của Iran ».  


***********
voatiengviet.com

Nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ hy vọng gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình

VOA News

Một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc vào tuần tới hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo VOA News.

Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Crapo nằm trong số những người chuẩn bị thực hiện chuyến đi này.

Văn phòng của ông Schumer cho biết vào tháng trước rằng chuyến đi cũng sẽ bao gồm các điểm dừng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyến công du diễn ra vào thời điểm các quan chức Mỹ tăng cường làm việc chặt chẽ với các quan chức Trung Quốc, bao gồm các chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.

Ngoài việc bày tỏ quan điểm là cần phải có đường dây liên lạc cởi mở, các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề như thương mại và những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt khi hoạt động ở Trung Quốc.

Một số thông tin của Reuters được sử dụng trong bản tin này


*************
voatiengviet.com

Quân đội Trung Quốc tung phim hoạt hình về ‘thống nhất’ Đài Loan

Reuters

Quân đội Trung Quốc đã phát hành một bộ phim hoạt hình vào Ngày Quốc khánh, chiếu cảnh hai phần của một bức tranh cuộn bị xé cách đây hơn 300 năm trước được nối lại, thể hiện quyết tâm của đại lục đưa Đài Loan tự trị về cùng một mối.

Hai phần của bức tranh “Phú Xuân sơn cư đồ”, một trong những bức tranh cổ nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được lưu giữ riêng biệt trong các bảo tàng ở Trung Quốc và Đài Loan, hòn đảo được quản lý dân chủ mà Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh của mình và nói là có quyền tiếp quản bằng vũ lực.

Vào ngày Chủ Nhật Quốc Khánh 1/10, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, được biết đến với các video diễn tập hiếu chiến quanh Đài Loan, đã phát hành một bộ phim hoạt hình ngắn có tên “Giấc mơ thành hiện thực trên sông Phú Xuân”, kêu gọi chú ý tới nguồn gốc văn hóa chung của người dân cả hai bờ Eo biển Đài Loan.

Bộ phim có hai nhân vật thần thoại, đại diện cho hai phần của bức tranh của danh họa Hoàng Công Vọng thời nhà Nguyên đã bị một trong những chủ nhân của nó xé rời vào thế kỷ 17.

Ở cuối phim, hai nhân vật đã đến với nhau, tạo nên bức tranh hoàn chỉnh một cách thần kỳ.

Phần tranh ngắn hơn, được gọi là “Ngọn núi còn lại”, dài khoảng 51 cm, hiện được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu. Phần tranh dài hơn, 640 cm, được lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan từ những năm 1950.

Hai phần tranh này đã được tái hợp vào năm 2011 khi Trung Quốc cho bảo tàng Đài Loan mượn phần tranh họ giữ trong hai tháng trong thời kỳ quan hệ nồng ấm hơn khi Đài Loan theo đuổi chính sách hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Nhưng trong những năm gần đây, khi mối quan hệ nguội lạnh, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm cả các cuộc tập trận trong tháng qua mà Bắc Kinh cho biết là nhằm chống lại lực lượng ly khai.

Đồng thời, Trung Quốc đang soạn thảo các kế hoạch đầy tham vọng nhằm “hội nhập” nền kinh tế của tỉnh Phúc Kiến và Đài Loan, ở cả hai bên Eo biển Đài Loan, tạo cơ hội cho các công ty Đài Loan tham gia vào một kế hoạch phát triển chung, điều mà chính phủ Đài Loan cự tuyệt.

Trong khi Trung Quốc muốn thu hút Đài Loan bằng những hứa hẹn về lợi ích kinh tế, mối đe dọa chiếm Đài Loan bằng vũ lực vẫn không ngừng gia tăng.

Trong cuộc hành trình của hai nhân vật thần thoại trong phim, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông đã chèn những cảnh quay về đội hình tàu sân bay và máy bay chiến đấu J-20, nhắc nhở người xem về khả năng chiến trường của họ.


*********
voatiengviet.com

Nga: Ông Putin có thể sớm tuyên bố sẽ tranh cử trong cuộc bầu cử 2024

Reuters

Tờ Kommersant hôm 3/10 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sớm thông báo ông sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, mở đường cho người đứng đầu Điện Kremlin tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2030, theo Reuters.

Các quan chức phỏng đoán rằng khi dự một hội nghị diễn ra vào tháng 11, ông Putin có thể tuyên bố ông sẽ tham gia cuộc bầu cử vào tháng 3 năm sau, tờ Kommersant đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh thân cận với chính quyền tổng thống.

Tuy nhiên, tờ báo này, một trong những tờ báo được tôn trọng nhất ở Nga, cho hay có những kịch bản khác về những điều ông Putin có thể làm tại hội nghị và quyết định cuối cùng thuộc về ông. Điện Kremlin chưa bình luận ngay lập tức.

Ông Putin tròn 71 tuổi vào ngày 7/10. Ông được ông Boris Yeltsin trao chức tổng thống vào ngày cuối cùng của năm 1999. Đến nay, ông là nhà lãnh đạo lâu năm hơn bất kỳ nhà cầm quyền nào khác ở Nga kể từ thời ông Josef Stalin, thậm chí dài hơn cả nhiệm kỳ 18 năm của ông Leonid Brezhnev.

Trong khi nhiều nhà ngoại giao, điệp viên và quan chức nói họ dự báo ông Putin sẽ nắm quyền suốt đời, song vẫn chưa có bất kỳ xác nhận nào về kế hoạch tranh cử tổng thống năm 2024 của ông.

Tháng trước, ông Putin cho biết ông sẽ chỉ đưa ra thông báo về kế hoạch của mình sau khi Quốc hội tuyên bố tiến hành cuộc bầu cử tổng thống - theo luật sẽ được thực hiện vào tháng 12.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tháng trước nhận định rằng nếu ông Putin quyết định tranh cử thì không ai có thể cạnh tranh được với ông.

Trong khi ông Putin có thể không phải đối mặt với sự cạnh tranh phiếu bầu, cựu điệp viên KGB này phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất so với bất kỳ người đứng đầu Điện Kremlin nào khác phải đối mặt kể từ khi ông Mikhail Gorbachev vật lộn với Liên Xô đang trên đà sụp đổ gần bốn thập kỷ trước.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và là cú sốc bên ngoài lớn nhất đối với nền kinh tế Nga trong nhiều thập kỷ. Ông Putin đã phải đối mặt với một cuộc binh biến bất thành của trùm lính đánh thuê mạnh nhất nước Nga, ông Yevgeny Prigozhin, vào tháng 6.

Ông Prigozhin thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay hai tháng sau đó.

Phương Tây coi ông Putin là một tội phạm chiến tranh và một nhà độc tài, người đã đưa Nga vào một cuộc xung đột kiểu đế quốc làm suy yếu đất nước và tạo nên nhà nước Ukraine độc lập, tự chủ, trong khi đoàn kết phương Tây lại với nhau và giao cho NATO sứ mệnh chống lại Nga thời hậu Xô Viết.

Tuy nhiên, ông Putin biện minh rằng cuộc chiến này là một phần của cuộc đấu tranh trên bình diện rộng lớn hơn nhiều với Hoa Kỳ, mà giới tinh hoa Điện Kremlin cho rằng nó có mục đích phân rã nước Nga, chiếm lấy tài nguyên thiên nhiên của nước này và sau đó sẽ rảnh tay giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Hải Quân Mỹ và Philippines chủ trì chiến dịch tập trận chung ở Biển Đông. Cuộc tập trận thường niên mang tên Samasama hay còn gọi là Tagalog for Together bắt đầu từ hôm nay 02/10/2023 và kéo dài trong 12 ngày. Trong bối cảnh tăng thẳng ở Biển Đông, năm nay có nhiều quốc gia như Pháp, Úc, New Zealand hay Indonesia cùng tham dự. Theo dự kiến, Mỹ và Philippines sẽ có những bài tập chống tàu ngầm. Các cuộc diễn tập diễn ra ở ngoài khơi Malina và ở phía nam đảo Luzon, đảo chính của Philippines. Hoa Kỳ cho biết huy động tàu khi trục USS Dewey và tàu tuần tra P-8 Poseidon cho chiến dịch này.

(Reuters) - Ngân Hàng Thế Giới giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á nhưng duy trì mức dự báo kinh tế Trung Quốc. Theo nghiên cứu công bố hôm 01/10/2023, định chế tài chính đa quốc gia này chờ đợi GDP của Trung Quốc trong năm 2023 tăng 5,1 % và 4,8 % vào năm tới. Nền kinh tế thứ 2 toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu « ổn định » sau hơn nửa năm tăng trưởng đã « chậm hơn » mong đợi. Riêng trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ này có phần thấp hơn một chút so với báo cáo trước đây. GDP của khu vực sẽ tăng 5 %.

(Reuters) - Quỹ đầu tư Mỹ Bain Capital rót 200 triệu đô la vào tập đoàn Masan ở Việt Nam. Công ty cổ phần tư nhân Bain Capital của Hoa Kỳ ngày 02/10/2023 cho biết đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên vào Việt Nam, với ít nhất 200 triệu đô la rót vào tập đoàn Masan Group. Bain Capital đồng thời cho biết có thể thu hút các nhà đầu tư khác để nâng số tiền đầu tư lên mức 500 triệu đô la.

(Yonhap) - Bắc Triều Tiên chỉ trích nghị quyết của IAEA, cáo buộc cơ quan này thông đồng với Hoa Kỳ. Bắc Triều Tiên, hôm nay 02/10/2023, lên án Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) do cơ quan này chỉ trích chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời Bắc Triều Tiên gọi đây là “âm mưu giữa Mỹ và các nước theo đuôi”. Phát ngôn viên của bộ Năng Lượng Hạt Nhân Bắc Triều Tiên phát biểu : “Chúng tôi kịch liệt tố cáo và bác bỏ hành vi bất thường của IAEA, vốn đã hoàn toàn bị biến thành một tổ chức tay sai phục vụ Hoa Kỳ, rời xa sứ mệnh cơ bản là một tổ chức quốc tế nhằm duy trì tính công bằng.”

(AFP) - Hơn 1.000 người chết ở Bangladesh vì sốt xuất huyết trong năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Dịch vụ Y tế Bangladesh công bố hôm qua 01/10/2023, đã có 1.006 người thiệt mạng vì sốt xuất huyết ở Bangladesh kể từ đầu năm nay. Đây là số liệu tồi tệ nhất về căn bệnh lây truyền qua muỗi từng được ghi nhận trong vòng một năm ở quốc gia này. 

(AFP) - Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trình diện toà án New York vì danh dự trong phiên tòa xét xử ông khai khống tài sản. Phiên xử đầu tiên mở ra hôm nay 02/10/2023. Trên mạng xã hội Truth Social, cựu tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ đương đầu với pháp lý để bảo vệ « danh dự ». Đây là một vụ xử dân sự nhắm vào cá nhân tỷ phú Donald Trump và hai trong số các con ông. Vụ xử được dự trù kéo dài vào lúc cựu tổng thống Mỹ chuẩn bị ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống.

(Reuters) - Anh Quốc không huấn luyện binh sĩ Ukraina « ngay lập tức ». Thủ tướng Anh Rishi Sunak, hôm qua 01/10/2023, cho biết Luân Đôn không có kế hoạch tiến hành huấn luyện quân nhân Ukraina trong tức thì, bác bỏ tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Grant Shapps về việc triển khai quân Anh sang Ukraina. Cho đến nay, Luân Đôn và các đồng minh vẫn tránh chính thức hiện diện quân sự ở Ukraina để giảm nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. 

(AFP) - Sập mái nhà thờ tại Mêhicô, 5 người chết, khoảng 60 người bị thương. Tai nạn xảy ra hôm qua 01/010/2023 tại thành phố Ciudad Madero, bang Tamaulipas, miền đông bắc Mêhicô. Mái nhà bị sập vào lúc nhà thờ đang cử hành lễ rửa tội với khoảng 80 giáo dân đến dự lễ vào ngày Chủ Nhật.


**********
voatiengviet.com

Mexico: 10.000 di dân kéo tới biên giới Mỹ mỗi ngày

Reuters

Khoảng 10.000 di dân và người xin tị nạn kéo về biên giới Mỹ-Mexico mỗi ngày trong tuần trước, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết hôm 2/10, giữa làn sóng di dân Bắc tiến cao kỷ lục trên khắp lục địa.

Khoảng 6.000 người đi tới miền nam Mexico hàng ngày, ông Lopez Obrador cho biết, và con số thậm chí còn cao hơn nữa đã đến biên giới Mỹ-Mexico.

“Tuần trước, 10.000 di dân đã đến biên giới phía bắc mỗi ngày,” ông Lopez Obrador nói trong cuộc họp báo thường lệ vào buổi sáng.

Trong tháng 9, số lượng di dân tại biên giới Mỹ-Mexico đang trên đà tiến gần hoặc vượt qua mức cao hàng tháng trước đó.

Ông Lopez Obrador nhấn mạnh các quan chức phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ thúc đẩy di cư, bao gồm cả nhu cầu tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống của người dân.

Ông nói trước cuộc gặp sắp tới với ngoại trưởng các nước Mỹ Latin và quan chức Hoa Kỳ: “Điều chúng ta cần là xây dựng cầu nối hiểu biết và hợp tác để mọi người không bị buộc phải di cư”.

Ông cũng bày tỏ thương tiếc về cái chết của 10 di dân Cuba thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông ở bang Chiapas, miền nam Mexico, hôm 1/10.


**********
voatiengviet.com

Ngũ Giác Đài cảnh báo sắp hết tiền để thay thế vũ khí gửi tới Ukraine

AP

Ngũ Giác Đài cảnh báo Quốc hội rằng họ sắp hết tiền để thay thế vũ khí mà Mỹ đã gửi cho Ukraine và buộc phải giảm tốc độ tiếp tế cho một số binh sĩ, theo một lá thư gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội.

Bức thư mà hãng thông tấn AP có được, kêu gọi Quốc hội bổ sung nguồn tài trợ cho Ukraine. Quốc hội đã ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa bằng cách thông qua dự luật tài trợ ngắn hạn vào cuối tuần, nhưng biện pháp này đã loại bỏ mọi hỗ trợ dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Michael McCord nói với các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện rằng 1,6 tỷ đô la còn lại trong số 25,9 tỷ đô la mà Quốc hội cung cấp để bổ sung cho kho quân sự của Mỹ đã chảy sang Ukraine. Các loại vũ khí này bao gồm hàng triệu viên đạn pháo, rốc-két và phi đạn quan trọng đối với cuộc phản công của Ukraine nhằm lấy lại lãnh thổ mà Nga đã giành được trong cuộc chiến.

Ngoài ra, Mỹ còn lại khoảng 5,4 tỷ đô la để cung cấp vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ của mình. Hoa Kỳ lẽ ra đã cạn nguồn tài trợ đó nếu Ngũ Giác Đài không nhận ra vào đầu năm nay rằng họ đã định giá cường điệu số thiết bị mà họ đã gửi đi, giải tỏa khoảng 6,2 tỷ đô la. Một số trong số đó đã được gửi trong những tháng gần đây.

Ông McCord cho biết Mỹ đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn tài trợ dài hạn cho Kyiv thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, vốn cung cấp tiền để ký hợp đồng mua vũ khí trong tương lai.

Ông McCord viết trong thư: “Chúng ta đã buộc phải giảm tốc độ bổ sung lực lượng của mình để phòng ngừa một tương lai tài trợ không chắc chắn”. “Việc không bổ sung kịp thời các dịch vụ quân sự của chúng ta có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng của quân đội chúng ta.”

Ông nói thêm rằng nếu không có nguồn tài trợ bổ sung bây giờ, Mỹ sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái cũng như các thiết bị phá hủy vốn “quan trọng và cấp bách hiện nay khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mùa đông”.

Tổng thống Joe Biden ngày 1/10 nói: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn”. “Chúng ta có thời gian, không nhiều thời gian, và có một cảm giác vô cùng cấp bách.”

Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết nếu viện trợ không tiếp tục, sự kháng cự của Ukraine sẽ bắt đầu suy yếu.

Ông nói: “Nếu không có tiền mới, họ sẽ bắt đầu cảm nhận điều đó vào Lễ Tạ ơn.”

Dự luật tài trợ ngắn hạn được Quốc hội thông qua chỉ kéo dài đến giữa tháng 11. Và ông McCord cho biết sẽ quá rủi ro nếu Bộ Quốc phòng chuyển tiền từ dự luật tài trợ tạm thời đó để chi trả thêm viện trợ cho Ukraine.

Nhiều nhà lập pháp thừa nhận rằng giành được sự chấp thuận tại Quốc hội cho việc hỗ trợ Ukraine đang ngày càng khó khăn hơn khi chiến tranh kéo dài và sự phản đối viện trợ Ukraine từ phe cực hữu của Đảng Cộng hòa đang có đà tiến.


**********
voatiengviet.com

Nghiên cứu chiến tranh Ukraine, Trung Quốc lo lắng về phi đạn Mỹ và Starlink

Reuters

Trung Quốc cần có khả năng bắn hạ các vệ tinh Starlink ở quỹ đạo thấp và bảo vệ xe tăng, trực thăng trước các phi đạn vác vai Javelin, theo các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu về cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong việc lập kế hoạch cho cuộc xung đột có thể xảy ra với các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo ở châu Á.

Reuters xem xét gần 100 bài báo trong hơn 20 tạp chí quốc phòng cho thấy một nỗ lực trong toàn bộ tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc nhằm xem xét kỹ lưỡng tác động của vũ khí và công nghệ Hoa Kỳ có thể được triển khai chống lại lực lượng Trung Quốc trong cuộc chiến ở Đài Loan.

Các tạp chí tiếng Trung Quốc, cũng xem xét các hoạt động phá hoại của Ukraine, phản ánh công việc của hàng trăm nhà nghiên cứu trên mạng lưới các trường đại học liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), các nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước và các tổ chức nghiên cứu tình báo quân sự.

Trong khi các quan chức Trung Quốc đã tránh bất kỳ bình luận chỉ trích công khai nào về các hành động hoặc hiệu suất chiến trường của Moscow khi họ kêu gọi hòa bình và đối thoại, các bài báo công khai trên tạp chí đánh giá thẳng thắn hơn về những thiếu sót của Nga.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận. Reuters không thể xác định các kết luận này phản ánh chặt chẽ như thế nào suy nghĩ của các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc.

Hai tùy viên quân sự và một nhà ngoại giao khác quen thuộc với các nghiên cứu quốc phòng của Trung Quốc cho biết Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, cuối cùng đặt ra và chỉ đạo các nhu cầu nghiên cứu. Và rõ ràng khối lượng tài liệu cho thấy rằng Ukraine là một cơ hội cho giới lãnh đạo quân sự muốn nắm bắt. Ba người này và các nhà ngoại giao khác đã nói chuyện với Reuters với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận công khai về công việc của mình.

Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với Reuters rằng bất chấp những khác biệt với tình hình ở Đài Loan, cuộc chiến Ukraine mang đến những hiểu biết sâu sắc cho Trung Quốc.

“Một bài học quan trọng mà thế giới nên rút ra từ phản ứng nhanh chóng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là sự gây hấn sẽ ngày càng gặp phải sự thống nhất trong hành động”, quan chức giấu tên cho biết.

Nhìn vào Starlink

Nửa tá bài báo của các nhà nghiên cứu PLA nhấn mạnh mối quan tâm của Trung Quốc về vai trò của Starlink, một mạng lưới vệ tinh được phát triển bởi công ty thám hiểm không gian SpaceX có trụ sở tại Hoa Kỳ của ông Elon Musk, trong việc đảm bảo thông tin liên lạc của quân đội Ukraine trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga vào lưới điện của nước này.

“Hiệu suất tuyệt vời của các vệ tinh ‘Starlink’ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine này chắc chắn sẽ khiến Mỹ và các nước phương Tây sử dụng ‘Starlink’ rộng rãi” trong các hành động thù địch có thể xảy ra ở châu Á, một bài báo tháng 9 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Quân đội của PLA cùng viết.

Các tác giả cho rằng việc Trung Quốc - vốn có mục tiêu phát triển mạng lưới vệ tinh tương tự của riêng mình - tìm cách bắn hạ hoặc vô hiệu hóa Starlink là “cấp bách”. SpaceX đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Cuộc xung đột cũng đã tạo ra sự đồng thuận rõ ràng giữa các nhà nghiên cứu Trung Quốc rằng chiến tranh bằng máy bay không người lái xứng đáng được đầu tư nhiều hơn. Trung Quốc đã thử nghiệm máy bay không người lái trên bầu trời xung quanh Đài Loan, một nền dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố sẽ đặt dưới sự kiểm soát của họ.

“Những máy bay không người lái này sẽ đóng vai trò là ‘người mở cửa’ cho các cuộc chiến tranh trong tương lai”, một bài báo trong tạp chí chiến tranh xe tăng do nhà sản xuất vũ khí nhà nước NORINCO, nhà cung cấp cho PLA, mô tả khả năng của các máy bay không người lái vô hiệu hóa sức phòng thủ của kẻ thù.

Trong khi một số tạp chí được điều hành bởi các viện nghiên cứu cấp tỉnh, một số khác là ấn phẩm chính thức của các cơ quan chính phủ trung ương như Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, cơ quan giám sát việc sản xuất vũ khí và nâng cấp quân sự.

Một bài báo trên tạp chí chính thức của chính quyền vào tháng 10 năm ngoái lưu ý rằng Trung Quốc nên cải thiện khả năng bảo vệ thiết bị quân sự trước “thiệt hại nghiêm trọng đối với xe tăng, xe bọc thép và tàu chiến của Nga” do phi đạn Stinger và Javelin do các chiến binh Ukraine vận hành.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nói cuộc xung đột Ukraine đã tạo động lực cho những nỗ lực lâu dài của các nhà khoa học quân sự Trung Quốc nhằm phát triển các mô hình chiến tranh mạng và tìm cách bảo vệ xe bọc thép tốt hơn trước vũ khí hiện đại của phương Tây.

“Starlink thực sự là một điều gì đó mới mẻ khiến họ phải lo lắng; ứng dụng quân sự của công nghệ dân sự tiên tiến mà họ không thể dễ dàng sao chép,” ông Koh nói.

Ngoài công nghệ, ông Koh cho biết ông không ngạc nhiên khi các hoạt động của lực lượng đặc biệt Ukraine bên trong Nga đang được Trung Quốc nghiên cứu, giống như Nga, di chuyển binh lính và vũ khí bằng đường sắt, khiến họ dễ bị phá hoại.

Mặc dù hiện đại hóa nhanh chóng, PLA vẫn thiếu kinh nghiệm chiến đấu gần đây. Cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 là trận đánh lớn cuối cùng– một cuộc xung đột kéo dài cho đến cuối những năm 1980.

Việc Reuters xem xét lại các tạp chí Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Nga để tấn công Ukraine, điều mà Bắc Kinh bác bỏ.

Đài Loan và hơn thế nữa

Một số bài báo của Trung Quốc nhấn mạnh sự liên quan của Ukraine trước nguy cơ xảy ra xung đột khu vực khiến Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, có thể là về vấn đề Đài Loan. Hoa Kỳ có chính sách “mơ hồ chiến lược” về việc liệu họ có can thiệp quân sự để bảo vệ hòn đảo hay không, nhưng bị ràng buộc theo luật phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ William Burns đã nói rằng ông Tập đã ra lệnh cho quân đội của mình sẵn sàng xâm lược Đài Loan vào năm 2027, đồng thời lưu ý rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không yên tâm trước kinh nghiệm của Nga ở Ukraine.

Một bài báo, được xuất bản vào tháng 10 năm ngoái bởi hai nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng của PLA, đã phân tích tác động của việc Mỹ chuyển giao các hệ thống rốc-két pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine, và liệu quân đội Trung Quốc có nên lo ngại hay không.

“Nếu HIMARS dám can thiệp vào Đài Loan trong tương lai, thứ từng được biết đến như một ‘công cụ gây ra vụ nổ’ sẽ chịu một số phận khác trước các đối thủ khác nhau”, bài báo kết luận.

Bài báo nhấn mạnh hệ thống rốc-két tiên tiến của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái trinh sát, và lưu ý rằng thành công của Ukraine với HIMARS đã dựa vào việc Hoa Kỳ chia sẻ thông tin mục tiêu và thông tin tình báo qua Starlink.

Bốn nhà ngoại giao, trong đó có hai tùy viên quân sự, cho biết các nhà phân tích của PLA từ lâu đã lo lắng về sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ, nhưng Ukraine đã tăng cường sự tập trung của họ bằng cách đưa ra một cửa sổ về sự thất bại của một cường quốc trong việc áp đảo một cường quốc nhỏ hơn được phương Tây hậu thuẫn.

Mặc dù kịch bản đó có sự so sánh rõ ràng với Đài Loan, nhưng vẫn có những khác biệt, đặc biệt là do hòn đảo này dễ bị tổn thương trước sự phong tỏa của Trung Quốc có thể buộc bất kỳ quân đội can thiệp nào phải đối đầu.

Ngược lại, các nước phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine bằng đường bộ thông qua các nước láng giềng châu Âu.

Các tài liệu tham khảo về Đài Loan tương đối ít trong các tạp chí được Reuters duyệt xét, nhưng các nhà ngoại giao và học giả nước ngoài theo dõi nghiên cứu nói rằng các nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc có nhiệm vụ cung cấp các báo cáo nội bộ riêng biệt cho các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao. Reuters không thể tiếp cận các báo cáo nội bộ đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết vào tháng 2 rằng quân đội Trung Quốc đang học hỏi từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan sẽ phải nhanh chóng để thành công. Đài Loan cũng đang nghiên cứu cuộc xung đột để cập nhật các chiến lược chiến đấu của riêng mình.

Một số bài báo phân tích sức mạnh của cuộc kháng chiến của Ukraine, bao gồm các hoạt động phá hoại của lực lượng đặc biệt bên trong Nga, việc sử dụng ứng dụng Telegram để khai thác thông tin tình báo dân sự và việc bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol.

Những thành công của Nga cũng được ghi nhận, chẳng hạn như các cuộc tấn công chiến thuật sử dụng phi đạn đạn đạo Iskander.

Tạp chí Công nghệ Phi đạn Chiến thuật, được xuất bản bởi nhà sản xuất vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc, đã đưa ra một phân tích chi tiết về Iskander, nhưng chỉ công bố một phiên bản cắt ngắn cho công chúng.

Nhiều bài báo khác tập trung vào những sai lầm của đội quân xâm lược Nga, với một bài trên tạp chí chiến tranh xe tăng chỉ ra các chiến thuật lỗi thời và thiếu sự chỉ huy thống nhất, trong khi một bài khác trên tạp chí chiến tranh điện tử cho biết sự can thiệp của Nga là không đủ để chống lại việc cung cấp thông tin tình báo của NATO cho người Ukraine, dẫn đến những cuộc phục kích gây nhiều thiệt hại.

Một tác phẩm được xuất bản trong năm nay bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân đã đánh giá những hiểu biết sâu sắc mà Trung Quốc có thể thu thập được từ vụ nổ cầu Kerch ở Crimea do Nga chiếm đóng. Tuy nhiên, bản phân tích đầy đủ chưa được công bố rộng rãi.

Ngoài chiến trường, công trình nghiên cứu đề cập đến cuộc chiến thông tin mà các nhà nghiên cứu kết luận rằng Ukraine và các đồng minh của họ đã chiến thắng.

Một bài báo vào tháng 2 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Thông tin PLA kêu gọi Trung Quốc chuẩn bị trước cho phản ứng dữ dội của dư luận toàn cầu tương tự như phản ứng đối với Nga.

Trung Quốc nên “thúc đẩy việc xây dựng các nền tảng đối đầu nhận thức” và thắt chặt kiểm soát phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các chiến dịch thông tin của phương Tây gây ảnh hưởng đến người dân của họ trong một cuộc xung đột, bài báo khẳng định.


************

Chiến sự tối 2.10: Cuộc họp 'lịch sử' của EU ở Ukraine

Khánh Như

Ngày 2.10, ông Georgy Minesashvili, người phát ngôn nhóm chiến đấu phía nam của Nga, cho biết lực lượng này đã đẩy lùi 8 cuộc tấn công của Ukraine tại các thành phố Bakhmut và Avdiivka (tỉnh Donetsk). Theo ông, bước tiến của Moscow đã khiến Kyiv tổn thất hơn 300 quân nhân cùng nhiều loại khí tài quân sự.

Cùng ngày, ông Vyacheslav Gladkov, Tỉnh trưởng Belgorod (Nga) đăng trên Telegram cáo buộc rằng các lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn hơn 100 loại đạn khác nhau vào tỉnh này chỉ trong 24 giờ. Theo hãng thông tấn TASS, cuộc oanh tạc đã khiến 3 người bị thương phải nhập viện.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 585 có diễn biến gì nóng?

Trong khi đó, Ukraine cũng tuyên bố đạt được một số bước tiến trên chiến trường. Hãng thông tấn Ukrinform dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết quân đội nước này đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga dọc theo các thành phố Lyman, Avdiivka, Marinka và Zaporizhzhia. Tổng cộng 30 cuộc đụng độ được ghi nhận trong ngày.

Chiến sự tối 2.10: Cuộc họp 'lịch sử' của EU ở Ukraine - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine lắp tên lửa vào bệ phóng của trực thăng quân sự Mi-8 ở chiến tuyến phía đông ngày 29.9

REUTERS

Hoạt động tấn công của Ukraine vẫn được triển khai dọc theo TP.Melitopol (tỉnh Zaporizhzhia). Ngoài ra, lực lượng của Kyiv cũng tiếp tục các hoạt động tấn công theo hướng Bakhmut nhằm làm suy yếu lực lượng Nga.

Thống kê của Ukrinform dựa trên dữ liệu từ Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết kể từ đầu xung đột đến nay, 279.080 binh sĩ Nga đã bị loại bỏ khỏi vòng chiến.

Ukraine vững tin với viện trợ từ đồng minh

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 1.10 khẳng định sự hỗ trợ của khối dành cho Ukraine là "có lớp lang và lâu dài". Theo ông, viện trợ cho Kyiv không phụ thuộc vào diễn biến chiến trường "trong những ngày hoặc tuần tiếp theo", Ukrinform đưa tin.

Ông Borrell kêu gọi các đối tác của Kyiv cung cấp vũ khí tốt hơn và với tốc độ nhanh hơn để đảm bảo chiến thắng của Ukraine trên chiến trường.

Chiến sự tối 2.10: Cuộc họp 'lịch sử' của EU ở Ukraine - Ảnh 2.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell phát biểu tại Kyiv ngày 1.10

REUTERS

Trong khi đó, tờ The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói ông tự tin rằng sự ủng hộ của Washington dành cho Kyiv không hề suy yếu. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh quốc hội Mỹ thông qua dự luật tạm thời nhằm gia hạn nguồn tài trợ cho chính phủ, trong đó không bao gồm khoản viện trợ cho Ukraine.

Tổng thống Biden kêu gọi đảng Cộng hòa 'dừng chiêu trò' để viện trợ Ukraine

Ông Kuleba nói Kyiv đang đàm phán với các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại quốc hội Mỹ.

Anh nói không hỗ trợ Ukraine ở biển Đen

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps đã bác bỏ các báo cáo cho rằng hải quân nước này có thể giúp bảo vệ các tàu thương mại chở ngũ cốc và thực phẩm xuất khẩu khác của Ukraine ở biển Đen, theo The Guardian.

Phát biểu được đưa ra sau khi tờ Sunday Telegraph cuối tuần qua đăng tải bài phỏng vấn ông Shapps và đưa tin rằng "Hải quân Hoàng gia Anh có thể đóng vai trò bảo vệ các tàu thương mại khỏi các cuộc tấn công của Nga ở biển Đen".

Ông nói thêm rằng ông không nghĩ Hải quân Hoàng gia Anh sẽ tham gia vào bất kỳ nỗ lực tuần tra nào ở biển Đen, mặc dù ông cho biết Anh và các quốc gia khác có thể đóng vai trò cố vấn để giúp Kyiv mở cửa xuất khẩu thực phẩm.

Ukraine sắp có tên lửa mới mạnh hơn Storm Shadow

Bộ trưởng cũng từ chối cho biết liệu Anh có tuân theo cam kết trước đó là là cung cấp 2,3 tỉ bảng (68.000 tỉ đồng) để viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới hay không. 

Ngoại trưởng EU lần đầu họp ở Ukraine

Các ngoại trưởng EU ngày 2.10 đã tổ chức cuộc họp đầu tiên bên ngoài khối, cụ thể là ở Ukraine, thể hiện sự ủng hộ đối với nước này.

"Chúng tôi đang triệu tập một cuộc họp lịch sử của các ngoại trưởng EU tại Ukraine, quốc gia ứng viên và thành viên tương lai của EU. Chúng tôi ở đây để bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Ukraine", ông Borrell viết trên mạng xã hội X.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho biết ông tự hào được chủ trì cuộc họp. Cuộc họp được tổ chức sau khi cựu Thủ tướng Robert Fico, một ứng cử viên thân Nga, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Slovakia.

Chiến dịch tranh cử của ông Fico nổi bật với quan điểm "không một viên đạn nào" từ kho dự trữ của Slovakia được gửi đến Ukraine. Slovakia là một thành viên của EU.

Cựu Thủ tướng thân Nga của Slovakia thắng cử

Phát biểu sau khi giành chiến thắng vào cuối tuần qua, ông Fico nói ông sẵn sàng giúp đỡ Ukraine theo cách nhân đạo và nhằm mục đích tái thiết đất nước. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các bên cần biết quan điểm của ông về việc trang bị vũ khí cho lực lượng của Kyiv.

Nợ công của Nga tăng

Nợ công của Nga đã tăng gần 10% trong nửa đầu năm nay do chính phủ cần tiền để hỗ trợ nền kinh tế, đài RT đưa tin ngày 2.10.

Theo số liệu chính thức, khoản vay của chính phủ từ tháng 1 đến tháng 6 đã tăng 9,8% và dự kiến sẽ chạm 25.100 tỉ rúp (6,2 triệu tỉ đồng) vào cuối năm nay, chiếm 16,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga.


*********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn