Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 20 -9 -2023

Thứ Tư, 20 Tháng Chín 20238:36 SA(Xem: 1310)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 20 -9 -2023
Hoaluc 4
**************
rfi.fr

Chuyến công du Pháp của vị Quốc vương thiết tha với môi sinh

Trọng Thành

Tuần lễ cấp cao của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc với chủ đề trung tâm là yêu sách của các nước phương Nam, giá dầu mỏ tăng mạnh trở lại, Azerbaidjian mở chiến dịch tấn công trở lại vùng Thượng Karabakh là một số tin tức thời sự nổi bật trên báo chí Pháp hôm nay, 20/09/2023. Chuyến công du Pháp ba ngày của quốc vương Anh Charles đệ tam là chủ đề trang nhất của nhiều báo.

Le Figaro chạy tựa trang nhất : ‘‘Charles đệ tam, sự lên ngôi của một quân vương’’, nhận định : một năm sau khi đăng quang, con trai của nữ hoàng Elisabeth đệ nhị đã khẳng định được vị thế. Hồ sơ chính của Le Figaro nhấn mạnh đến thành công của vua Anh với ‘‘một năm trị vì không sai sót’’ : ‘‘60% thần dân Anh hoan nghênh quốc vương đã làm tốt ‘công việc của mình’ ’’.

Quân vương mong muốn siết chặt quan hệ với Pháp trong chuyến công du cấp nhà nước, khởi sự hôm nay. Trong bài viết nói trên, nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận tầm quan trọng của chuyến công du cấp nhà nước này của người đảm nhiệm cương vị ‘‘nguyên thủ Anh Quốc’’, từng công du Pháp trước đó đến 34 lần, trước khi trở thành vua. Nhật báo Pháp nhắc lại là đáng lẽ Charles đệ tam đến Pháp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ tháng 3/2023, nhưng kế hoạch đã bị hoãn lại do phong trào phản kháng dữ dội chống luật cải cách hưu trí tại Pháp. Chuyến đi của vua Anh dự kiến sẽ giúp cho quan hệ Luân Đôn – Paris được hàn gắn tiếp theo các giai đoạn căng thẳng dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Boris Johnson.

Le Figaro dẫn lại nhận định từ phủ tổng thống Pháp, theo đó vua Charles đệ tam ắt hẳn sẽ chú ý đến ‘‘việc tiếp nối con đường mẹ ông đã đi’’. Sinh thời nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đã công du Pháp tổng cộng 13 lần với cương vị nguyên thủ quốc gia, nhiều nhất so với các nước châu Âu khác. Một dạ tiệc cấp nhà nước được tổ chức để đón Quốc vương Anh tại phòng Gương Lâu đài Verseilles, biểu tượng cho sức mạnh của nước Pháp thời ông vua Mặt Trời Louis 14. Vua Charles đệ tam cũng có kế hoạch phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện Pháp. Cũng trong hồ sơ này, Le Figaro có bài ‘‘Quốc vương Anh và nước Pháp, một quan hệ thân thiết lâu đời’’.

Vua Anh công du Pháp "cấp Nhà nước" mỗi lần Luân Đôn gặp khó

Libération cũng dành trang nhất cho sự kiện chuyến công du với hàng tựa bằng tiếng Anh ‘‘Charly in Paris’’. Nhật báo thiên tả ghi nhận chuyến công du này là ‘‘cơ hội để siết chặt các quan hệ bị suy yếu kể từ Brexit’’. Nhưng bên cạnh mục tiêu siết chặt quan hệ song phương, chuyến công du còn nhằm để Charles đệ tam khẳng định vị thế quân vương của ông. Libération nhấn mạnh : ‘‘cho dù hoàng gia Anh về nguyên tắc không tham gia chính trị, thế nhưng đây cũng là một công cụ rất hiệu quả về ngoại giao và là soft power (quyền lực mềm) của nước Anh. Anh Quốc thậm chí coi đây là lá chủ bài, thế mạnh quan trọng nhất, dưới thời nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, cũng như dưới thời vua Charles đệ tam’’.

Libération vén lộ những khủng hoảng chồng chất của nước Anh, đặc biệt về kinh tế với các cuộc bãi công liên tiếp, giá cả đắt đỏ, lạm phát kỷ lục, cùng nhiều hệ quả của quyết định ly hôn sai lầm với châu Âu (Brexit) của phe bảo thủ…, để khẳng định tầm quan trọng về hình ảnh của chuyến công du cấp nhà nước của vua Charles đệ tam. Theo Libération, chuyến công du của vua Charles đệ tam, ắt hẳn ‘‘theo khuyến nghị của chính phủ Anh’’, là một biện pháp nhằm đáp ứng tình hình khẩn cấp hiện nay. Libération điểm lại 5 chuyến công du Pháp cấp nhà nước của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị đều diễn ra trong bối cảnh nước Anh đang trong tình trạng căng thẳng chính trị. Năm 1992, nữ hoàng Anh công du Pháp trong bối cảnh nội bộ hoàng gia có nhiều bê bối (công chúa Anne ly dị, tiểu sử công nương Diana gây xì căng đan, hay vụ cung điện Windsor bị hỏa hoạn). Trong chuyến đi này, nữ hoàng Anh đã để lại câu nói nổi tiếng : ‘‘tại châu Âu, quan hệ giữa truyền thống Anh (‘‘anglo-saxon’’ từ ngữ trong nguyên văn) với truyền thống Latin cũng giống như dầu với dấm. Thiếu một trong hai thứ đó sẽ không thể có được một thứ nước sốt ngon’’. Libération trong số này có bài phỏng vấn cựu đại sứ Anh tại Pháp, ông Peter Ricketts, nhan đề ‘‘Chuyến công du cho thấy chiều sâu của tình hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta’’.

Quốc vương Anh, tổng thống Pháp : Ai học tập ai ?

Về chuyến công du cấp nhà nước của vua Anh, Le Figaro dành bài xã luận nhan đề ‘‘Nền ngoại giao vương đạo’’ (Diplomatie royale) nêu bật sự tương phản về nhiều mặt giữa hai nguyên thủ Anh và Pháp. Một bên là quân vương 74 tuổi nhưng uy tín đang lên trong xã hội, bên kia là tổng thống trẻ tuổi, vừa tái đắc cử một năm, nhưng có vẻ như đang bước vào ‘‘giai đoạn hoàng hôn của nhiệm kỳ’’. Le Figaro đặt câu hỏi : ‘‘không biết trong hai người, ai sẽ mang lại cho ai những tư vấn tốt nhất về chiến lược ?’’. Chủ đề không thiếu, theo Le Figaro, ‘‘từ môi trường đến trí thông minh nhân tạo, từ Ukraina đến vùng Sahel ở châu Phi…’’.

Bảo vệ môi sinh, ‘‘sức mạnh lớn’’ của vua Anh

Xã luận Libération đặc biệt chú ý đến thái độ gắn bó với thiên nhiên của vua Anh Charles đệ tam. Libération dự đoán Quốc hội lưỡng viện Pháp sẽ có cơ hội được nghe quốc vương Anh, một nhà lãnh đạo có ‘‘đức tin sâu sắc về sinh thái’’, đức tin đã bắt rễ trong ông từ rất sớm, sớm hơn hẳn so với giai đoạn mà việc bảo vệ môi trường đã trở thành điều hiển nhiên như hiện nay. Năm 1986, lúc mới chỉ là một hoàng tử không mấy danh tiếng, Charles kể lại là ‘‘ông có thói quen trò chuyện với cây, một điều quan trọng với ông, bởi ông tin rằng cây cối phản ứng với thái độ của người. Ba mươi năm sau khoa học mới chứng minh điều ông nghĩ là có lý, nhưng Charles đã không đợi đến lúc đó, ông luôn nhắc lại khi có dịp ý nghĩa quan trọng của cây cối, của đa dạng sinh học, của khí hậu…’’. Xã luận Libération khép lại với nhận xét : vua Charles đệ tam đã biết tìm ra con đường để đến với trái tim người Anh, mà không từ bỏ những lý tưởng của mình. Điều ông làm được ở Pháp ắt có nhiều người mong muốn.’’

Bài ‘‘Sinh thái, sức mạnh lớn của vị vua’’ của Libération đưa độc giả đến với một số địa phương in dấu ấn các nỗ lực vì môi sinh của Charles đệ tam trước khi trở thành vua nước Anh. Ngôi làng nhỏ Poundbury với khoảng 4.600 cư dân, miền tây nam xứ Anh, được Charles – khi còn là hoàng tử xứ Wales - cho xây dựng từ đầu thập niên 1990, với thiết kế do chính ông phê duyệt, chú trọng nhiều đến vẻ đẹp kiến trúc hơn môi sinh. Khu trang trại Highgvore, rộng gần 400 hecta cách làng Poundbury khoảng 120 km, cho thấy thay đổi triệt để trong quan điểm sinh thái của Charles. Toàn bộ khu vực này, mua từ những năm 1970, đã được biến thành nơi thí điểm nông học sinh thái, với các hệ thống trữ nước mưa hay ‘‘cánh đồng hoa dại’’. Tại đây, hoàng tử Charles sử dụng xe chạy bằng năng lượng sinh học, chế từ cặn rượu vang và vỏ pho mát.

Libération nhấn mạnh, vua Charles đệ tam khi còn trẻ đã là một trong những nhà môi trường đi truớc thời đại. Phát biểu đầu tiên của ông về bảo vệ môi trường là vào năm 1968, rất lâu trước khi từ ‘‘khí hậu bị hâm nóng’’ ra đời. Hai năm sau, ông có bài diễn văn in dấu ấn về ô nhiễm hóa chất với nước, cũng nhưng ô nhiễm không khí do xe hơi, máy bay, nhà máy… Linh hồn chính trong tư tưởng của Charles là ‘‘sự hài hòa’’, như một tâm sự của ông. Bà Rosie Alderton, một nhân viên tại trang trại Highgvore giải thích: ‘‘Vấn đề của mọi thứ là sự cân bằng. Cần phải làm việc với thiên nhiên, tham gia cùng với thiên nhiên hơn là chống lại thiên nhiên. Các khu vườn của trang trại Highgvore này chính là biểu hiện bền vững cho niềm tin thiết thân của nhà vua’’.

Sự kiện ngoại giao lớn bị các lãnh đạo Hội Đồng Bảo An "hờn dỗi"

Tổng thống Pháp tiếp vua Anh thay vì đến dự buổi khai mạc tuần lễ cấp cao Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Le Monde có bài ‘‘Sự kiện ngoại giao lớn bị các lãnh đạo Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga hờn dỗi’’. Nhật báo Pháp dẫn lời một bộ trưởng ngoại giao một nước Tây Phi tỏ ý là sự vắng mặt của nguyên thủ Pháp cho thấy ông sợ bị nhiều lãnh đạo châu Phi chỉ trích, trong bối cảnh uy tín của nước Pháp đang bị tác động nặng nề với nhiều cuộc đảo chính liên tục xảy ra tại các khu vực vốn nằm trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp.

Không chỉ sự vắng mặt của lãnh đạo Pháp, việc các lãnh đạo Hội Đồng Bảo An nói chung không xuất hiện tại dịp quan trọng này là ‘‘một dấu hiệu thêm nữa cho thấy sự tê liệt của định chế Liên Hiệp Quốc, do chiến tranh tại Ukraina và thế đối đầu Mỹ - Trung’’, theo cựu đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, Gerard Araud.

Tuy nhiên Le Monde cũng phân biệt rõ sự vắng mặt của hai lãnh đạo Anh, Pháp với trường hợp của hai lãnh đạo Nga, Trung. Sự vắng mặt của hai ông Putin và Tập Cận Bình không gây ngạc nhiên. ‘‘Tổng thống Nga chưa bao giờ trực tiếp đến Liên Hiệp Quốc’’, trong lúc chủ tịch Trung Quốc tính toán từng đợt di chuyển. Trên hết, cả hai lãnh đạo Nga – Trung có chung quan điểm ‘‘lên án trật tự thế giới hiện hành, mà theo họ, do phương Tây thống trị’’.

Phương Nam, ‘‘đối tượng quyến rũ’’ tại Liên Hiệp Quốc

‘‘Các nước phương Nam’’ : đối tượng quyến rũ tại Liên Hiệp Quốc’’ là một bài khác trong hồ sơ này của Le Monde. Hố sâu ngăn cách các nước đang trỗi dậy và phương Tây đang ngày càng nổi rõ, và chiến tranh Ukraina càng đào sâu hố cách ngăn này. Theo Le Monde, tránh để cho thế đối đầu nổi bật hơn nữa là sách lược ngoại giao của Ukraina. Hiện tại, dường như chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây không định tổ chức thêm một hội nghị hậu thuẫn Ukraina mới, tiếp theo hai cuộc họp tại Đan Mạch và Ả Rập Xê Út, về một ‘‘kế hoạch hòa bình’’ của Ukraina, đưa ra tại G20 ở Bali cách nay một năm.

Trước khi tổng thống Ukraina đến dự Đại Hội Đồng, các quốc gia nghèo nhất lo ngại các vấn đề thiết thân với họ sẽ bị gạt xuống hàng thứ yếu, nếu vấn đề Ukraina được nêu bật. Tại hội nghị kiểm điểm việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (thông qua từ 2015), liên quan trước hết đến các nước nghèo – các nước đang phát triển, tổ chức trong dịp này, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận một thất bại, với việc chỉ có 15% mục tiêu giữa kỳ được hoàn tất. 

Tổng thống Mỹ là nguyên thủ duy nhất trong số năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến phát biểu của tổng thống Joe Biden nhấn mạnh đến việc ‘‘mở cửa các định chế tài chính quốc tế, để các nước nghèo được tài trợ nhiều hơn, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững’’.

Cuộc tấn công của Azerbaidjian

Cuộc tấn công vùng Thượng Karabakh của Azerbaidjian, vùng Kavkaz (Liên Xô cũ) là chủ đề xã luận La Croix hôm nay. Cuộc tấn công diễn ra đúng vào lúc tuần lễ cấp cao Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc. La Croix nói đến ‘‘Hiệu ứng Domino’’, khi chính quyền Azerbaidjian sử dụng lý do ‘‘chiến dịch chống khủng bố’’, tương tự như lãnh đạo Nga sử dụng chiêu bài ‘‘chống phát xít’’, ‘‘chống khủng bố’’ để biện minh cho cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina. Armenia đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các đồng minh truyền thống, trước hết là Nga can thiệp. Tuy nhiên, La Croix đặt câu hỏi : Liệu Matxcơva có sẵn sàng làm mất lòng Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaidjan, để hỗ trợ Armenia ?

Doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc lo ngại cho tương lai

Trung Quốc không còn là xứ sở thiên đường với các doanh nghiệp nước ngoài như trước đây là chủ đề chính một hồ sơ trang nhất của Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp dẫn nhiều kết quả điều tra mới đây về quan điểm của các phòng thương mại tại Trung Quốc. Giới chủ Mỹ tại Trung Quốc có quan điểm bi quan chưa từng thấy. Vẫn về Trung Quốc, Libération có bài về ‘‘Nạn mất tích và thanh trừng ở mọi cấp chính quyền Trung Quốc’’.

Sự trở lại của dầu mỏ giá cao

Năng lượng hóa thạch và năng lượng xanh là chủ đề chính của nhiều báo. Hồ sơ chính trang nhất của Les Echos chạy tựa ‘‘Sự trở lại của dầu mỏ giá cao’’, trên nền đồ thị giá tăng đỏ rực. Giá một thùng dầu brent có thể sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 đô la, cao nhất kể từ 10 tháng nay. Giới đầu tư lo ngại làn sóng tăng giá này sẽ tác động nặng nề đến sức mua của người dân và khả năng tài chính của các doanh nghiệp. Xã luận Le Monde có chủ đề chính là giá xăng dầu. Le Monde chỉ trích chính sách của chính phủ đưa ra hôm 16/09, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này bán dầu với ‘‘giá lỗ’’, lần đầu tiên kể từ năm 1963. 

Trang nhất phụ trương báo Le Figaro giới thiệu về báo cáo ‘‘khuyến nghị giã từ năng lượng hóa thạch tại Pháp’’ của Mạng lưới điện Pháp (RTE). Bối cảnh giá cả dầu xăng tăng vọt hiện nay càng chứng tỏ việc phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch là điều nguy hiểm. ‘‘Kế hoạch hóa sinh thái: đối lập chờ đợi’’ là một hồ sơ trang nhất của Le Monde, sau khi chính phủ Pháp công bố kế hoạch chuyển sang nền kinh tế xanh hôm thứ Hai. Theo Le Monde, lãnh đạo các đảng phái đối lập, được mời đến phủ thủ tướng nhân dịp này, đã bày tỏ sự thất vọng trước kế hoạch của chính phủ mang tên ‘‘France nation verte’’ (Nước Pháp – quốc gia xanh).

Phim ‘‘Bên trong tổ kén vàng’’ : Hành trình tâm linh của đạo diễn người Việt

Báo Pháp hầu hết đều có bài giới thiệu phim ‘‘Bên trong tổ kén vàng’’. Tác phẩm đoạt giải Ống kính vàng Liên hoan Cannes, của đạo diễn người Việt Phạm Thiên Ân, ra rạp hôm nay. Le Monde nói đến ‘‘Cuộc du hành tâm linh của một thanh niên Việt Nam tìm lại với đức tin’’. Theo Le Monde, bộ phim ‘‘mang vẻ đẹp tạo hình tuyệt diệu không thể phủ nhận được này’’ có thể được thưởng thức theo hai cách. Cách thứ nhất cũng là cách trực tiếp nhất : những đoạn quay trường cảnh làm hút hồn khán giả đặc biệt với những nghi thức tôn giáo, nghi thức tang lễ. Một cách đến thứ hai với bộ phim là thông qua hành trình bên trong của nhân vật chính, Thiện (do Lê Phong Vũ thủ vai), người thanh niên rời thành phố Hồ Chí Minh trở lại với quê hương. Cuộc truy tìm tâm linh và ý nghĩa cuộc sống ấy cũng chính là cuộc đời của tác giả bộ phim, đạo diễn Phạm Thiên Ân, được tác giả thể hiện một cách trực diện, ‘‘không hề che đậy’’.

Libération dành hai trang báo khổ lớn cho bộ phim đầu tay của đạo diễn người Việt. Với Liberation, Bên trong tổ kén vàng là một bộ phim Việt Nam và một phim về Thiên chúa giáo. Bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ trước hết bởi vì cái chất phương Đông lâu đời hòa trộn với Đức tin Phúc Âm. Tác phẩm đi đến tận đáy sâu tâm hồn này, của nhà đạo diễn 34 tuổi này, cho thấy ‘‘sự ra đi, xa lánh xa cõi tục để trở về với cội rễ, với tâm linh, với chính mình’’ cũng là một bộ phim về một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng xâm thực từ bên ngoài, của một đất nước với rất nhiều gương mặt, với các truyền thống du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ xưa kia với các nghi thức mật tông, cho đến đạo Thiên chúa, trước khi trở thành một xứ thuộc Pháp, rồi địa bàn của một cuộc chiến tranh không có hồi kết, với nhân chứng ông già Lưu, một cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa, tự hào đã từng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ.

Về bộ phim đầu tay của Phạm Thiên Ân, nhật báo Công giáo có bài ‘‘Cuộc du hành huyền bí và đầy cảm xúc’’. La Croix nhìn thấy trong bộ phim này một cuộc hành trình tìm kiếm, vừa gần gũi, đầy nhục cảm, nhưng nhiều khi cũng đưa người xem đến với những chân trời xa xôi, ‘‘vén lộ với chúng ta bí ẩn mầu nhiệm của sự sống’’.


**********
rfi.fr

Tập Cận Bình muốn ở vị thế hoàng đế Trung Hoa : Lãnh đạo các nước phải đến tận nơi gặp ông ta ?

Thùy Dương

Sau ngoại trưởng Tần Cương, đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc « đột ngột biến mất » khỏi chính trường trong nhiều ngày, gây ra những lời đồn đoán về khủng hoảng trong nội bộ chế độ Tập Cận Bình, cũng như những nghi vấn về chính sách ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt « không lời giải thích » tại nhiều sự kiện quốc tế tầm cỡ trong thời gian qua cũng khiến các nhà quan sát đặt nhiều câu hỏi.

Lục đục nội bộ ?

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Pierre-Antoine Donnet, trong bài viết « Từ BRICS đến G20, xung đột trường kỳ giữa Trung Quốc và Mỹ » đăng trên trang mạng nghiên cứu về châu Á Asialyst, nhắc lại là sự vắng mặt của Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 vừa qua ở New Delhi, Ấn Độ, là chưa từng có tính từ khi ông Tập lên nắm quyền điều hành đất nước hồi năm 2012. Vốn luôn duy trì thái độ mập mờ, không rõ ràng, chính quyền Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, khiến các nhà quan sát về Trung Quốc đưa ra nhiều giả thuyết.

Nhiều người cho rằng chủ tịch Trung Quốc không muốn rời Bắc Kinh do những căng thẳng trong bộ máy của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Báo Nhật Nikkei Asia, trích dẫn các nguồn không xác định, phỏng đoán Tập Cận Bình là đối tượng bị các quan chức Đảng đã về hưu chỉ trích trong hội nghị thường niên truyền thống ở Bắc Đới Hà, một khu nghỉ mát ven biển miền đông bắc đất nước, nơi các nhà lãnh đạo của chế độ Cộng Sản Trung Quốc họp kín vào mùa hè hàng năm.

Nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet trích dẫn Katsuji Nakazawa, cựu thông tín viên của báo Nhật Nikkei Aisia, tại Bắc Kinh : « Có những dấu hiệu về sự lục đục trong chính trị nội bộ Trung Quốc. Bầu không khí của mật nghị này có những khác biệt lớn so với 10 hội nghị Bắc Đới Hà mà Tập Cận Bình từng tham dự kể từ khi ông ta trở thành tổng bí thư đảng Cộng Sản hồi năm 2012. Tại hội nghị năm nay, một nhóm cựu lãnh đạo của Đảng, đã trách cứ vị lãnh đạo tối cao (Tập Cận Bình) với những ngôn từ mà cho đến nay họ chưa từng sử dụng. Tập Cận Bình sau đó đã bày tỏ nỗi tức giận với các trợ lý thân cận nhất : ‘‘Tôi đã dành cả thập kỷ qua để giải quyết những vấn đề này, ấy vậy mà chúng vẫn cứ tồn tại dai dẳng mà không có giải pháp. Tôi có đáng bị trách cứ không ?’’ ».

Nhà báo này cho biết cụ thể là những vị cựu lãnh đạo Đảng nói trên đã gặp nhau trước khi diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà. Trong hội nghị này, các vị cựu quan chức, đứng đầu là Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinhong), cựu phó chủ tịch Trung Quốc và cũng là cánh tay phải của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (người mới qua đời), nhấn mạnh rằng nếu không nhanh chóng đưa ra các biện pháp để đối phó với tình hình chính trị - kinh tế - xã hội rối ren hiện nay, đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể sẽ mất đi sự ủng hộ của quần chúng. Các cựu lãnh đạo Đảng nói : « Chúng ta sẽ không thể đối phó với tình trạng hỗn loạn hơn hiện nay ».

Chủ ý của Tập Cận Bình ?

Trên thực tế, trong những tháng qua, đây thực ra cũng không phải là lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây chú ý vì vắng mặt tại những sự kiện quan trọng. Hồi cuối tháng 8, ông Tập đã không có mặt tại một cuộc họp được tổ chức bên lề thượng đỉnh BRICS với các doanh nhân, một cuộc họp vốn được chờ đợi. Không một lời giải thích, bài phát biểu của ông Tập đã được bộ trưởng Thương Mại Vương Văn Đào (Wang Wentao) đọc.

Trong số những lý lẽ khác được xem là hợp lý để lý giải sự vắng mặt của Tập Cận Bình là việc ông Tập không muốn tỏ ra yếu thế trước các nhà lãnh đạo G20 khác trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang trải qua những biến động rất mạnh. Theo một giả thuyết khác, chủ tịch Trung Quốc không muốn gặp Joe Biden do mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đặc biệt đã trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây.

Còn một giả thuyết khác mà nhà nghiên cứu Pierre-Antoine Donnet cho rằng không nên xem nhẹ: Tập Cận Bình chủ ý không đến New Delhi vì ông ta muốn đánh tín hiệu với thế giới rằng, từ giờ trở đi, Trung Quốc sẽ từ chối mọi quy tắc được thiết lập theo trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ đã áp đặt từ cuối Đệ nhị Thế chiến. Và Tập Cận Bình muốn thay thế các quy tắc đó bằng chính quy tắc do Bắc Kinh đề ra. Ít nhất đây cũng là luận điểm của một số phương tiện truyền thông Anh ngữ, trong đó có tờ báo in hàng tháng của Mỹ, The Atlantic. Michael Schuman, một nhà báo Mỹ làm việc tại Bắc Kinh và am hiểu Trung Quốc, giải thích : « Tẩy chay G20 chỉ là bước khởi đầu. Trung Quốc muốn thay thế G20. Tẩy chay hội nghị thượng đỉnh này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ông Tập hiện giờ coi đất nước của mình là một đối thủ đã được tuyên bố, sẵn sàng thành lập khối riêng của mình để chống lại Mỹ và các đồng minh của Hoa Kỳ, cũng như chống lại các tổ chức quốc tế mà các nước này đang ủng hộ », cụ thể là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Tổ Chức Thương Mại Thế giới.

Chí ít thì đó cũng là giả thuyết mà Japan Times ủng hộ. Theo tờ báo của Nhật, sự vắng mặt của Tập Cận Bình ở thượng đỉnh G20 tại New Delhi, Ấn Độ, đã « củng cố hình ảnh của ông với tư cách là nguyên thủ quốc gia toàn cầu. Đối xử theo kiểu bề trên với khối G20 đánh dấu một bước chuyển từ một nguyên thủ quốc gia lên thành một vị hoàng đế Trung Hoa ». Theo Japan Times, bước ngoặt chính trị này cũng củng cố nỗi lo sợ ngày càng lớn ở phương Tây về một nhà lãnh đạo đang ngày càng trở nên khó đoán, khó ngờ, bởi vì trong thời gian qua Trung Quốc đã gây ra những thách thức ngày càng lớn.

Các lãnh đạo nước ngoài phải đến tận Trung Quốc gặp hoàng đế đỏ ?

Bước tiếp theo của Tập Cận Bình là vào tháng 10/2023, với một diễn đàn ở Bắc Kinh để kỷ niệm 10 năm dự án « Những con đường tơ lụa mới », với sự tham dự đã được khẳng định của tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng là nhà lãnh đạo đã vắng mặt tại thượng đỉnh G20. Alfred Wu, giảng viên thỉnh giảng tại School Public Policy, Đại học Singapore, được Japan Times trích dẫn, nhận định ông Tập Cận Bình « hiện mang tâm thế của một vị hoàng đế đang chờ các quan chức nước ngoài đến gặp mình », kiểu như các vị hoàng đế Trung Quốc xưa kia đang chờ người đứng đầu các nước chư hầu đến quỳ gối trước mình.

Dù ông Tập không dự thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ, nhưng chuyên gia Pierre-Antoine Donnet, trích dẫn François Danjou trên trang mạng thông tin Pháp ngữ về thời sự Trung Quốc, Question Chine, theo đó Trung Quốc đã ghi điểm tại thượng đỉnh BRICS hồi cuối tháng 08/2023 tại Johannesburg.

Quả thực, gần một phần tư thế kỷ sau khi Ngân hàng Goldman Sachs nhắc tới khối BRICS và xem việc đầu tư vào « các nước mới trỗi dậy » sẽ mang lại lợi nhuận, dự báo khối BRICS sẽ có một tương lai hưng thịnh, từ một từ viết tắt (tên 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ Trung Quốc và Nam Phi), BRICS đã trở thành biểu tượng của « một sự chống đối toàn cầu nhắm vào ảnh hưởng của Hoa Kỳ và phương Tây ».

Trong suốt thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS, bên cạnh các cuộc thảo luận về việc mở rộng thành viên mới, bao trùm các cuộc trao đổi vẫn là tinh thần phản kháng chống lại phương Tây, ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là trong các phát biểu của Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đề xuất 3 dự án quy mô toàn cầu : Sáng kiến ​​Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến ​​Văn hóa Toàn cầu (GCI), nhấn mạnh vào việc Trung Quốc quan tâm đến hòa bình, làm nổi bật điểm khiến ông ta khác biệt với Vladimir Putin, người đã phát động cuộc chiến tàn khốc xâm lược Ukraina.

Xem Washington là kẻ hiếu chiến, và cũng như Matxcơca, gieo rắc suy nghĩ về trách nhiệm của Mỹ và NATO trong cuộc chiến Ukraina, chỉ trích việc mở rộng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đến tận Ấn Độ - Thái Bình Dương, chủ tịch Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ bá quyền nhờ « sức mạnh cơ bắp và mạnh miệng », coi Mỹ là « một quốc gia bị ám ảnh về việc duy trì thế bá chủ, làm mọi cách có thể để làm tê liệt các thị trường mới trỗi dậy và các nước đang phát triển ».

Việc BRICS kết nạp 6 thành viên mới (Acchentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) đã củng cố ảnh hưởng của Tập Cận Bình trong khối. Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ ngày càng nghiêm trọng, Tập Cận Bình đã xem ​​việc mở rộng khối như phương tiện để phản bác sự thắng thế của Washington và phương Tây.  François Danjou viết : « Chủ tịch Trung Quốc, cùng với Vladimir Putin, đã trở thành thủ lĩnh của xu hướng bác bỏ phương Tây », bởi vì việc mở rộng khối BRICS « khẳng định lập trường của Tập Cận Bình, người giương cao lá cờ chống phương Tây và Washington bằng việc đi đường vòng qua « các nước phương Nam » (ý nói đến các nước đang phát triển).

Với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, câu hỏi ngày càng được đặt ra là liệu Tập Cận Bình có đến San Francisco, Mỹ, vào tháng 11/2023 dự thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hay không. Tổng thống Mỹ Joe Biden coi đây là cơ hội gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ kể từ năm 2017, nhưng hiện giờ, không có gì chắc chắn rằng chuyến đi của ông Tập sẽ diễn ra.


***********
voatiengviet.com

Tại LHQ, Ukraine yêu cầu Nga ngừng chiến tranh để thế giới xử lý các khủng hoảng cấp bách

Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA) hôm 19/9 hãy đoàn kết chống lại cuộc xâm lược của Nga và nói rằng Moscow phải bị đẩy lùi để thế giới có thể chuyển sang giải quyết những thách thức toàn cầu cấp bách.

Ông Zelenskyy đã thu hút những tràng pháo tay khi đứng tại bục phát biểu của Đại hội đồng ở New York trong lần xuất hiện trực tiếp đầu tiên tại UNGA thường niên kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022.

Ông nói: “Ukraine đang làm mọi thứ để đảm bảo rằng sau sự xâm lược của Nga, không ai trên thế giới dám tấn công bất kỳ quốc gia nào”. “Việc vũ khí hóa phải được khống chế, tội ác chiến tranh phải bị trừng phạt, những người bị trục xuất phải trở về nhà và những kẻ chiếm đóng phải trở về quê hương của họ.”

“Chúng ta phải đoàn kết để làm được điều đó - và chúng ta sẽ làm được điều đó.”

Ông cáo buộc Nga thao túng thị trường thực phẩm toàn cầu để tìm kiếm sự công nhận quốc tế về quyền sở hữu đất đai mà họ chiếm giữ từ Kyiv.

Đồng ý với Nam Toàn cầu, nơi mà ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ trong cuộc đối đầu với Nga, ông Zelenskyy nói về cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ và các thảm họa thiên nhiên, đề cập đến trận động đất gần đây ở Maroc và lũ lụt ở Libya.

Ông nói trước Đại hội đồng: “Chúng ta phải ngăn chặn nó. Chúng ta phải đoàn kết hành động để đánh bại kẻ xâm lược và tập trung toàn bộ khả năng cũng như sức lực của mình vào việc giải quyết những thách thức này”.

Sáng ngày 19/9, các quan chức Ukraine cho biết 9 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Nga, bao gồm cả cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến các nhà kho công nghiệp bốc cháy.

Ông Zelenskyy cáo buộc Nga bắt cóc trẻ em Ukraine.

Vào tháng 3 năm nay, Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì nghi ngờ trục xuất trái phép trẻ em ra khỏi Ukraine. Điện Kremlin bác bỏ các cáo buộc và thẩm quyền của tòa án.

Ông Zelenskyy nói: “Những đứa trẻ ở Nga được dạy phải căm ghét Ukraine và mọi mối quan hệ với gia đình chúng đều bị cắt đứt. Và đây rõ ràng là một cuộc diệt chủng khi lòng căm thù được vũ khí hóa chống lại một quốc gia”.

Năm ngoái, ông Zelenskyy đã trình bày một kế hoạch 10 điểm bao gồm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân Nga và chấm dứt chiến sự cũng như khôi phục biên giới nhà nước của Ukraine.

Ông nói ông hiện đang nỗ lực hướng tới một hội nghị thượng đỉnh hòa bình dựa trên cơ sở đó.

“Ngày mai tôi sẽ trình bày chi tiết tại một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.”


*************
voatiengviet.com

Trung Quốc quyết tăng cường thương mại với Nga bất chấp phản đối của phương Tây

Reuters

Trung Quốc ngày 19/9 kêu gọi tăng cường kết nối xuyên biên giới với Nga và hợp tác đầu tư và thương mại lẫn nhau sâu sắc hơn, khi cả hai đồng minh tuyên bố sẽ có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn bao giờ hết bất chấp sự phản đối từ phương Tây sau khi lực lượng Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái.

Bộ trưởng phát triển kinh tế Nga đã tổ chức các cuộc thảo luận “chuyên sâu” về hợp tác kinh tế với Bộ trưởng thương mại Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 19/9, trùng với chuyến đi của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Vương Nghị, tới Moscow để đàm phán chiến lược dẫn đến sự xác nhận của Nga về chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng tới.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết trong các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh rằng hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga đã tiếp tục sâu sắc và trở nên “vững chắc” hơn dưới “sự chỉ đạo chiến lược” của hai nguyên thủ quốc gia, theo một tuyên bố từ Bộ Thượng mại Trung Quốc.

Với cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai và Nga đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow đã dựa vào đồng minh Bắc Kinh để được hỗ trợ kinh tế và đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc về dầu khí cũng như ngũ cốc.

Bắc Kinh đã bác bỏ những lời chỉ trích của phương Tây về quan hệ đối tác ngày càng tăng của họ với Moscow sau cuộc chiến của Nga với Ukraine. Họ khẳng định mối quan hệ này không vi phạm các chuẩn mực quốc tế và Trung Quốc có quyền hợp tác với bất kỳ quốc gia nào họ chọn.

Ngày 19/9, các bộ trưởng Nhóm G7 đã nhắc lại lời kêu gọi của mình, dù không nêu tên nước nào cụ thể, đối với các bên thứ ba “ngưng mọi hỗ trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga nếu không sẽ phải trả giá đắt”.

Vùng Viễn Đông của Nga giáp với Trung Quốc cũng như Triều Tiên đã đạt được ý nghĩa chiến lược mới với tư cách là một khu vực thương mại xuyên biên giới.

Tuần trước, công ty dầu khí United Oil-and Gas-Chemical của Nga và Công ty Phát triển Công nghiệp Xuan Yuan của Trung Quốc đã đồng ý xây dựng một tổ hợp vận chuyển dầu gần một cây cầu đường sắt nối thị trấn Nizhneleninskoye của Nga với Đồng Giang của Trung Quốc trong khi Moscow đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra khỏi châu Âu mà hiện họ cho là “không thân thiện” về mặt chính trị.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho biết Trung Quốc và Nga ngày càng cần tăng cường giao dịch ngũ cốc trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu tiếp tục bị thắt chặt. Việc xây dựng hành lang ngũ cốc nối Nga với Hắc Long Giang, vựa bánh mì phía đông bắc của Trung Quốc, sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực của Trung Quốc.

Trước đó trong tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Hắc Long Giang sẽ trở thành cửa ngõ “quan trọng” cho sự mở cửa của Trung Quốc ở phía bắc, đồng thời cho biết tỉnh này phải đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ quốc phòng, an ninh lương thực và năng lượng.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 19/9 kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị thúc đẩy Nga rút quân khỏi Ukraine và nhấn mạnh với Moscow về tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


*********
voatiengviet.com

Quan chức Ngũ Giác Đài: Trung Quốc phong tỏa Đài Loan có thể sẽ thất bại

Reuters

Việc Trung Quốc phong tỏa Đài Loan có thể sẽ thất bại và một cuộc xâm lược quân sự trực tiếp vào hòn đảo tự trị này sẽ cực kỳ khó khăn để Bắc Kinh thực hiện thành công, các quan chức cấp cao Ngũ Giác Đài nói trước Quốc hội hôm 19/9.

Quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng cường hoạt động xung quanh Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Giám đốc CIA William Burns cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang nước này sẵn sàng xâm lược vào năm 2027.

Tuy nhiên, liệu ông Tập Cận Bình có ra lệnh chiếm Đài Loan bằng vũ lực hay không, thông qua các lựa chọn quân sự như phong tỏa hay xâm lược, vẫn chưa rõ ràng.

Ông Ely Ratner, phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói việc phong tỏa sẽ giúp các đồng minh của Đài Loan có thời gian huy động nguồn lực cho Đài Loan. Ông nói, tác động kinh tế của lệnh phong tỏa sẽ tàn khốc đến mức nó sẽ làm cứng rắn hơn các giải pháp quốc tế chống lại Bắc Kinh.

Ông Ratner nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện: “Có thể sẽ không thành công và sẽ là nguy cơ leo thang rất lớn đối với Trung Quốc, nơi họ có thể sẽ phải xem xét liệu cuối cùng họ có sẵn sàng bắt đầu tấn công các tàu hàng hải thương mại hay không”.

Thiếu tướng lục quân Joseph McGee, phó giám đốc chiến lược, kế hoạch và chính sách của Bộ tham mưu liên quân Ngũ Giác Đài, cho biết khả năng xảy ra một cuộc phong tỏa cũng không cao do những thách thức liên quan.

Ông McGee nói với các nhà lập pháp: “Tôi nghĩ đó là một lựa chọn nhưng có lẽ không phải là một lựa chọn có nhiều khả năng xảy ra khi bạn bắt đầu xem xét các lựa chọn quân sự – nói về chuyện phong tỏa sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc thực sự phong tỏa”.

Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái và một lần nữa vào tháng 4 năm nay, và lực lượng của Bắc Kinh hoạt động quanh hòn đảo này gần như hàng ngày.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuần trước cho biết trong báo cáo hai năm một lần rằng Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh không quân dọc bờ biển đối diện với Đài Loan bằng việc triển khai thường xuyên các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái mới tại các căn cứ không quân mở rộng.

Tuy nhiên, ông McGee cũng cho biết quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), sẽ gặp khó khăn khi thực hiện cuộc xâm lược trực diện, đổ bộ vào hòn đảo này. Ông nói, đó cũng không phải là điều họ có thể làm trong một cuộc tấn công bất ngờ.

Ông McGee nói: “Họ sẽ phải tập trung hàng chục nghìn, có thể hàng trăm nghìn quân ở bờ biển phía đông và đó sẽ là một tín hiệu rõ ràng”.

Ông thẳng thừng nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có gì dễ dàng về một cuộc xâm lược Đài Loan của PLA”.

“Họ cũng sẽ chạm trán với một hòn đảo có rất ít bãi biển, nơi bạn có thể hạ cánh trên địa hình đồi núi và có dân số mà chúng tôi tin rằng sẽ sẵn sàng chiến đấu nên hoàn toàn không có gì dễ dàng về một cuộc xâm lược Đài Loan của PLA”, ông nói.


************

Mỹ cam kết sát cánh cùng Ukraine, Nga cảnh báo các cuộc tập kích nhắm vào Crưm


Theo Reuters, trong ngày 19/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trong khuôn khổ kỳ họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden đã khẳng định Washington cùng các đồng minh sẽ sát cánh cùng Ukraine. Ngoài ra, chủ nhân Nhà Trắng cho rằng Moscow là bên có quyền chấm dứt cuộc xung đột ngay lập tức.

0a907109-2d82-4a12-8bf1-b158a37cd22c-238
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky tán thành với những ý kiến của ông Biden, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc xung đột "không phải chỉ riêng Ukraine". Theo ông Zelensky, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu.

Cùng ngày, ông Zelensky cũng có bài phỏng vấn với hãng tin CNN. Tại đây, Tổng thống Ukraine đã kêu gọi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ về kế hoạch hòa bình và chấm dứt xung đột.

"Tôi hy vọng ông ấy có thể chia sẻ kế hoạch của mình. Tuy vậy, nếu kế hoạch này bao gồm việc nhượng bộ lãnh thổ thì nó không phải là một thỏa thuận hòa bình", ông Zelensky nói.

Nga cảnh báo các nỗ lực tập kích bản đảo Crưm

Theo TASS, trong ngày 19/9, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo đáp trả những nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm giành quyền kiểm soát bán đảo Crưm.

"Bất kỳ cuộc tập kích nào nhằm vào bán đảo sẽ vấp phải những phản ứng cứng rắn và ngay lập tức. Tôi muốn nhắc nhở phía Kiev rằng vấn đề Crưm đã khép lại khi người dân ở đây đưa ra lựa chọn vào năm 2014", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

ezgif-4-17b9686fbb-239
Tàu chiến Nga gần cầu Crưm. Ảnh: Reuters

Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi Thư ký Hội đồng Quốc phòng Alexey Danilov đe dọa sẽ "đẩy đối thủ ra khỏi Crưm bằng vũ lực".

Czech, Đan Mạch và Hà Lan ký thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine

Theo Reuters, trong ngày 19/9, Đại diện của Bộ Quốc phòng Czech, Đan Mạch và Hà Lan đã ký một thỏa thuận cho phép viện trợ thêm vũ khí và tài chính với Ukraine.

Một quan chức của Czech cho biết, mục tiêu của thỏa thuận là cung cấp thêm xe tăng, pháo, vũ khí nhỏ, xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine. Chương trình đầu tiên là tài trợ 15 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72EA cho Kiev trong thời gian tới.


************
voatiengviet.com

Tại Đại hội đồng LHQ, Mỹ kêu gọi thế giới sát cánh cùng Ukraine

Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 19/9 kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA) hãy sát cánh cùng Ukraine chống lại quân xâm lược Nga.

“Nga tin rằng thế giới sẽ ngày càng mệt mỏi và cho phép nước này có hành vi tàn bạo tại Ukraine mà không phải chịu hậu quả gì”, ông Biden nói trong bài phát biểu trước UNGA. “Nếu chúng ta cho phép Ukraine bị chia cắt thì nền độc lập của bất kỳ quốc gia nào có được đảm bảo không?”

Ông Biden đã nhận được những tràng pháo tay hoan nghênh khi nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ sát cánh cùng cuộc đấu tranh vì tự do của Ukraine. Tổng thống Biden nói: “Chỉ có Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến này”. “Chỉ mình Nga mới có thể chấm dứt cuộc chiến này ngay lập tức.”

Bài phát biểu của ông Biden tại cuộc họp mặt thường niên này là sự kiện trọng tâm trong chuyến thăm ba ngày của ông tới New York, bao gồm các cuộc gặp với nguyên thủ 5 quốc gia Trung Á cũng như các nhà lãnh đạo của Israel và Brazil.

Ông Biden, một đảng viên Dân chủ, coi việc tập hợp các đồng minh của Mỹ để hỗ trợ Ukraine là thành phần hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cho rằng thế giới phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ không thể tồn tại lâu hơn phương Tây.

Ông Biden đã vấp phải sự chỉ trích từ một số đảng viên Cộng hòa muốn Mỹ chi ít tiền hơn cho nỗ lực chiến tranh.

Cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu cho sự đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, đã tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt nhanh chiến tranh nếu trở lại nắm quyền.

Ông Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về sự giao tiếp của Washington với các đồng minh truyền thống, bao gồm cả NATO, và đã khen ông Putin.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đảng viên Cộng hòa hàng đầu ở Washington, đã đặt câu hỏi liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục gửi hàng tỷ đô la vũ khí cho Ukraine hay không.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nói việc Nga xâm lược Ukraine và chiếm đóng lãnh thổ vào tháng 2 năm 2022 đã vi phạm Hiến chương thành lập Liên hiệp quốc, nguyên tắc chính là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Nhận xét của ông lặp lại nhận xét của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, người trong bài phát biểu khai mạc tại UNGA ngày 19/9 đã nói rằng cuộc xâm lược của Nga “đã gây ra một mối liên hệ kinh hoàng”.

Một quan chức chính quyền Biden nói ông Biden và các quan chức Mỹ cũng sẽ tập trung tại các cuộc họp của Liên hiệp quốc về việc huy động nguồn lực cho cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững cũng như chống biến đổi khí hậu.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos vào tháng 6, đa số người Mỹ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ trước Nga và tin rằng viện trợ như vậy chứng tỏ cho Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ thấy ý chí bảo vệ lợi ích và đồng minh của Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, người đã tham dự và hoan nghênh những phát biểu của Biden trước bài diễn văn của chính ông tại UNGA ngày 19/9, dự kiến sẽ đến thăm ông Biden tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 21/9 và gặp một số nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ.

Hoa Kỳ đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trùng với chuyến thăm của ông Zelenskyy và Quốc hội đã được yêu cầu phê duyệt thêm hàng tỷ đô la hỗ trợ an ninh trong thời gian còn lại của năm.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên: “Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ có sự hỗ trợ của lưỡng đảng cho việc này.”

Vào ngày 20/9, ông Biden sẽ gặp Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và cùng ông tham dự một sự kiện với các nhà lãnh đạo lao động từ Brazil và Hoa Kỳ.

Cũng trong ngày 20/9, ông Biden sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kể từ khi ông Netanyahu giành lại quyền lực vào tháng 12 năm ngoái.

Ông Sullivan nói họ sẽ thảo luận về “tầm nhìn về một khu vực ổn định, thịnh vượng và hội nhập hơn, cũng như so sánh các biện pháp đối phó và ngăn chặn Iran một cách hiệu quả”.


************
voatiengviet.com

Ấn Độ bác bỏ nghi ngờ của Canada về vụ sát hại thủ lĩnh người Sikh

Reuters

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính quyền ông đang “tích cực theo đuổi các cáo buộc đáng tin cậy” rằng đặc vụ của New Delhi có liên quan trong vụ sát hại một thủ lĩnh phe ly khai người Sikh, điều mà Ấn Độ bác bỏ là “vô lý”, theo Reuters.

Cuộc tranh chấp này giáng một đòn mới vào mối quan hệ ngoại giao vốn đã rạn nứt trong nhiều năm, trong đó New Delhi không hài lòng về hoạt động ly khai của người Sikh ở Canada. Hiện Ấn Độ cũng đe dọa các mối quan hệ thương mại khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại được đề xuất đã bị đóng băng vào tuần trước.

Mỗi bên cũng trục xuất một nhà ngoại giao của bên kia. Canada trục xuất nhân viên tình báo hàng đầu của Ấn Độ, trong khi New Delhi đáp trả bằng cách yêu cầu một nhà ngoại giao Canada có 5 ngày phải rời khỏi Ấn Độ.

Ông Trudeau nói với Hạ viện trong một tuyên bố khẩn cấp hôm 18/9 rằng bất kỳ sự liên quan nào của chính phủ nước ngoài đến vụ sát hại một công dân Canada đều là “sự vi phạm chủ quyền không thể chấp nhận được của chúng tôi”.

Ông Trudeau ám chỉ ông Hardeep Singh Nijjar, 45 tuổi, bị bắn chết bên ngoài một ngôi đền của người Sikh vào ngày 18/6 ở Surrey, vùng ngoại ô Vancouver có đông người theo đạo Sikh, ba năm sau khi Ấn Độ coi ông ta là “kẻ khủng bố”.

Ông Nijjar ủng hộ quê hương của người Sikh dưới hình thức một quốc gia độc lập, được gọi là Khalistan ở bang Punjab phía bắc Ấn Độ, nơi khai sinh của đạo Sikh, giáp biên giới Pakistan.

Hôm 19/9, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ đã yêu cầu một nhà ngoại giao Canada mà họ không tiết lộ tên hay cấp bậc phải rời khỏi Ấn Độ trong 5 ngày.

“Quyết định này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của chính phủ Ấn Độ về sự can thiệp của các nhà ngoại giao Canada vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi và sự tham gia của họ vào các hoạt động chống Ấn Độ,” Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói trong một tuyên bố.

Bộ này triệu tập ông Cameron MacKay, cao ủy hoặc đại sứ Canada tại New Delhi để thông báo cho ông về quyết định này.

Trước đó, New Delhi kêu gọi Ottawa có hành động chống lại các phần tử chống Ấn Độ ở Canada.

“Cáo buộc chính phủ Ấn Độ liên quan đến bất kỳ hành động bạo lực nào ở Canada là vô lý và có động cơ”, cơ quan này nói và cho biết thêm rằng những cáo buộc tương tự của ông Trudeau đối với Thủ tướng Narendra Modi “hoàn toàn bị bác bỏ”.

Cơ quan này nói “những cáo buộc vô căn cứ” tìm cách chuyển sự chú ý ra khỏi “những kẻ khủng bố và những kẻ cực đoan Khalistani được Canada cho trú ẩn”.

Bộ này nói thêm: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Canada phải có hành động pháp lý nhanh chóng và hiệu quả chống lại tất cả các phần tử chống Ấn Độ hoạt động trên đất của họ”.

Thủ tướng Trudeau cho biết ông đã trực tiếp nêu vấn đề với Thủ tướng Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở New Delhi vào ngày 9 và 10/9, đồng thời kêu gọi chính phủ của ông hợp tác với Canada để giải quyết vấn đề này.

Ngược lại, ông Modi bày tỏ mối quan ngại mạnh mẽ tới ông Trudeau về các cuộc biểu tình gần đây ở Canada của người Sikh kêu gọi thành lập một nhà nước độc lập.

Canada có dân số theo đạo Sikh lớn nhất ngoài bang Punjab của Ấn Độ, với khoảng 770.000 người coi đạo Sikh là tôn giáo của họ trong cuộc điều tra dân số năm 2021.


************

Chiến sự ngày 573: Xe tăng Mỹ sắp tham chiến, G7 ủng hộ Ukraine lâu dài

Vi Trân

Điểm nóng Kherson

Bộ Quốc phòng Anh ngày 19.9 cho biết trong nửa đầu tháng 9, chiến sự ác liệt tiếp tục diễn ra quanh các đảo ở hạ nguồn sống Dnipro tại tỉnh Kherson. Hai bên đã triển khai nhiều cuộc đột kích bằng các xuồng nhỏ cùng binh sĩ lên các đảo và lên bờ phía bên kia sông và có khả năng chiến dịch của Nga đã được tăng cường trở lại từ khi Quân đoàn số 40 mới thành lập tiếp quản khu vực này.

Quân số tại đây tương đối nhỏ so với các mặt trận khác nhưng cả hai bên đều nhận thấy tầm quan trọng chiến lược. Đây cũng là thời cơ để thu hút sự chú ý của các đơn vị đối phương khỏi chiến trường căng thẳng tại các tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk.Giới chức Ukraine ngày 19.9 cho biết 6 người thiệt mạng sau các cuộc tấn công của Nga tại tỉnh miền tây Lviv, thành phố Kherson miền nam và thành phố Kupiansk ở tỉnh Kharkiv vùng đông bắc. Nga chưa bình luận.

Chiến sự ngày 573: Xe tăng Mỹ sắp tham chiến, G7 ủng hộ Ukraine lâu dài - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tấn công ngày 19.9 tại Lviv

REUTERS

Ukraine sớm có xe tăng Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 19.9 cho biết xe tăng M1 Abrams của Mỹ sẽ sớm được chuyển sang Ukraine. Mỹ đã cam kết cung cấp 31 chiếc M1 và đang huấn luyện binh sĩ Ukraine cách vận hành.

Phát biểu tại cuộc họp ở Đức ngày 19.9 của Nhóm liên lạc phòng thủ Ukraine - 54 nước đang viện trợ quân sự cho Kyiv - ông Austin kêu gọi đồng minh đào sâu kho vũ khí để cung cấp cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không, điều cần thiết nhất vào lúc này.

Chiến sự ngày 573: Xe tăng Mỹ sắp tham chiến, G7 ủng hộ Ukraine lâu dài - Ảnh 3.

Xe tăng M1 Abrams trong cuộc tập trận của NATO

REUTERS

Sau hội nghị, Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ cung cấp thêm hàng chục ngàn quả đạn pháo cho Ukraine trong năm nay. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cam kết chuẩn bị viện trợ thêm 400 triệu euro vũ khí cho Ukraine. Đáng chú ý, gói viện trợ sắp tới chưa bao gồm tên lửa hành trình tầm xa Taurus.

Mặt khác, một quan chức cấp cao của Mỹ ngày 19.9 tiết lộ rằng nhóm G7 (gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý) nhận thấy Nga đang tính đường lâu dài cho chiến sự tại Ukraine, do đó đòi hỏi các nước duy trì hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Kyiv. Nhận định được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng G7 bên lề hội nghị Liên Hiệp Quốc ngày 18.9 tại New York.

Ông Zelensky dự hội nghị LHQ, ông Biden phát biểu

Chiến sự ngày 573: Xe tăng Mỹ sắp tham chiến, G7 ủng hộ Ukraine lâu dài - Ảnh 4.

Tổng thống Volodymyr Zelensky dự kỳ họp của Đại hội đồng LHQ ngày 19.9

REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 19.9 xuất hiện tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ). Ông dự kiến có bài phát biểu trước Đại hội đồng trong chiều 19.9 (giờ Mỹ).

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu trước toàn thể đại hội, tuyên bố Mỹ và đồng minh sẽ ủng hộ Ukraine. Theo Reuters, ông Biden nói rằng chỉ Nga có quyền lực chấm dứt cuộc xung đột ngay lập tức.

Tổng thống Biden sẽ đón tiếp Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng vào ngày 21.9, khi lãnh đạo Ukraine dự kiến tìm kiếm thêm viện trợ để hỗ trợ cuộc phản công đang diễn ra.

Trong khi đó, hãng TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói không có cuộc tiếp xúc nào giữa Moscow và Washington được sắp xếp tại kỳ họp ở New York và Nga cũng không thấy lợi ích gì từ việc đó.

Chiến sự ngày 573: Xe tăng Mỹ sắp tham chiến, G7 ủng hộ Ukraine lâu dài - Ảnh 5.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 19.9

REUTERS

"Lịch của Ngoại trưởng [Sergey Lavrov] cực kỳ bận rộn. Tương tác song phương với phía Mỹ không được lên kế hoạch và xét theo chính sách mà Washington đang thực hiện thì chúng tôi không thấy giá trị tăng thêm gì từ việc đó", ông Ryabkov nói. Ngoại trưởng Sergey Lavrov là người dẫn đầu phái đoàn Nga dự kỳ họp lần này.
**********

Ông Zelensky phát biểu tại Liên Hiệp Quốc


Ông Zelensky lần đầu xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine - Ảnh: AFP

Ông Zelensky lần đầu xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine - Ảnh: AFP

Ông Zelensky: Matxcơva phải bị đẩy lùi để thế giới giải quyết thách thức toàn cầu

Theo Hãng tin Reuters ngày 19-9, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi đoàn kết chống lại "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, cho rằng Matxcơva phải bị đẩy lùi để thế giới có thể chuyển sang giải quyết những thách thức cấp bách trên toàn cầu.

Ông Zelensky cáo buộc Nga "thao túng" thị trường lương thực toàn cầu để tìm kiếm sự công nhận quốc tế về chủ quyền tại những vùng đất của Ukraine mà Nga chiếm đóng. 

"Vũ trang hóa phải bị hạn chế, tội ác chiến tranh phải bị trừng phạt, những người bị trục xuất phải được trở về nhà và những kẻ chiếm đóng phải quay về lãnh thổ của họ", ông Zelensky nói, đồng thời khẳng định Ukraine "đang làm mọi thứ" để đảm bảo sau này "không ai trên thế giới dám tấn công bất kỳ quốc gia nào".

Theo Reuters, tổng thống Ukraine đã nhận được những tràng pháo tay khi lên phát biểu. Đây cũng là lần đầu tiên ông Zelensky xuất hiện trực tiếp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tấn công Ukraine.

Con trai Tổng thống Biden sẽ không nhận tội liên quan đến súng

Ông Hunter Biden, 53 tuổi - con trai của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden - sẽ không nhận các tội danh liên quan đến súng vừa bị cáo buộc, luật sư của ông Hunter cho biết ngày 19-9.

Hôm 14-9, Hãng tin Reuters đưa tin các công tố viên liên bang Mỹ đã buộc tội hình sự ông Hunter Biden với ít nhất 3 tội danh liên quan đến súng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội con của một tổng thống đương nhiệm.

Ông Hunter Biden - con trai Tổng thống Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Ông Hunter Biden - con trai Tổng thống Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Về việc điều tra luận tội đương kim Tổng thống Joe Biden liên quan các dự án kinh doanh của con trai ông thời ông còn làm phó tổng thống, Hạ viện Mỹ cho biết phiên điều trần đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 28-9.

Đảng Cộng hòa cáo buộc rằng Tổng thống Biden đã thu lợi từ các giao dịch kinh doanh của con trai Hunter khi giữ chức phó tổng thống trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2017. Song họ chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Ông Joe Biden đã phủ nhận cáo buộc này.

Hàn Quốc triệu tập đại sứ Nga khi ông Kim Jong Un về Bình Nhưỡng

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trở về Bình Nhưỡng vào tối 19-9 sau chuyến thăm Nga. Ông được chào đón bởi các quan chức cấp cao và đội danh dự tại nhà ga.

Hãng tin Reuters đưa tin Hàn Quốc ngày 19-9 đã triệu tập đại sứ Nga để "cảnh báo" và phản đối bất cứ hợp tác quân sự nào giữa Matxcơva với Bình Nhưỡng, nói rằng điều đó vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong chuyến thăm Nga vừa qua, ông Kim Jong Un đã đến thăm nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu của Nga đang bị phương Tây trừng phạt. Ông cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và đã được xem nhiều máy bay ném bom hạt nhân chiến lược, tên lửa siêu vượt âm và tàu chiến của Matxcơva.

Chiến sự ở vùng ly khai Nagorno-Karabakh ở Azerbaijan

* Thông tin về thương vong: 25 người, trong đó có 2 dân thường, đã thiệt mạng khi Azerbaijan tấn công vào vùng ly khai Nagorno-Karabakh, đồng thời có 138 người bị thương trong đó có 29 dân thường, Hãng tin Reuters ngày 19-9 dẫn lời ông Gegham Stepanyan - một quan chức về nhân quyền người Armenia ở vùng ly khai, và chưa thể xác minh độc lập thông tin này.

Ngày 19-9, Azerbaijan đã khởi động chiến dịch tấn công mới vào vùng ly khai Nagorno - Karabakh, sau ba năm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên được ký kết.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã khẳng định chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự với khí tài có tính chính xác cao và không nhắm vào dân thường.

Cảnh sát Armenia bảo vệ lối vào tòa nhà chính phủ khi những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức vào tối 19-9 - Ảnh: AFP

Cảnh sát Armenia bảo vệ lối vào tòa nhà chính phủ khi những người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức vào tối 19-9 - Ảnh: AFP

* Mỹ, Nga kêu gọi hòa bình ở khu vực: Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và kêu gọi ông dừng các hành động quân sự ngay lập tức.

Trong một tuyên bố trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng "những hành động này đang làm xấu đi tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở Nagorno-Karabakh, đồng thời làm suy yếu triển vọng hòa bình". 

Washington cũng kêu gọi một cuộc đối thoại tôn trọng giữa Baku và đại diện người dân ở Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga viết trên Telegram kêu gọi "các bên xung đột ngừng đổ máu ngay lập tức, chấm dứt hành động thù địch và loại bỏ thương vong cho dân thường".

* Các chuyến bay bị ảnh hưởng: Ngày 19-9, Hãng hàng không Air France-KLM cho biết họ đã hủy 5 chuyến bay dự kiến bay qua Azerbaijan do tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Các chuyến bay bị ảnh hưởng đều xuất phát từ Hà Lan đến các địa điểm ở châu Á. Một chuyến bay đến Tokyo (Nhật Bản) đã quay trở lại Amsterdam (Hà Lan) ngay giữa hành trình.

Anh xem xét hoãn cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel chậm 5 năm

Đài BBC ngày 19-9 dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ Anh dự kiến sẽ trì hoãn lệnh cấm bán ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel mới tới năm 2035, thay vì kế hoạch ban đầu vào năm 2030.

Theo BBC, Thủ tướng Rishi Sunak sẽ có bài phát biểu trong những ngày tới, trong đó công bố một số chính sách nới lỏng xoay quanh việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, việc này sẽ không đi ngược lại mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Anh là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn