Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trang web của đài CNN (10/09) cho rằng Tổng thống Biden sẽ rất thận trọng khi gặp "những người bạn Việt Nam", theo lời một quan chức Hoa Kỳ ẩn danh nói với đài này.

Phía Hoa Kỳ hiểu rằng việc nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác chiến lược toàn diện' sẽ mở ra một loạt chủ đề giữa hai nước.

"Việc nâng cấp này sẽ đặt Hoa Kỳ ngang hàng với các đối tác ở cấp cao nhất (highest tier of partners), gồm Trung Quốc, mà VN đang có."

Đây là bước đi trong chiến lược xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong vùng, quan chức kia nói với CNN.

"Điều này sẽ không dễ cho VN vì họ chịu sứp ép lớn từ TQ,"

"Chúng tôi hiểu về tầm quan trọng của vấn đề và Tổng thống sẽ rất thận trọng khi giao tiếp với các người bạn Việt Nam (nguyên văn: The President is going to be very careful how he engages with Vietnamese friends), ý kiến của quan chức "nắm được vấn đề" chia sẻ với CNN.

Bài của CNN cũng mô tả chuyện TT Biden đón Thủ tướng Ấn Độ long trọng ở Washington D.C. và Hoa Kỳ liên kết với Philippines ra sao trong việc thiết kế mạng lưới các đồng minh và đối tác ở châu Á-TBD.

Tuy thế, Hoa Kỳ cũng tiếp tục theo đuổi chính sách cải thiện đối thoại với Bắc Kinh như một mặt của chiến lược này.

Một loạt thành viên Nội các Hoa Kỳ đã thăm TQ mấy tháng qua.

Điều Hoa Kỳ muốn là "mối bang giao ổn định" với Trung Quốc.

Cùng lúc, sự kiện Chủ tịch Tập Cận Bình không sang Dehni dự họp G20 khiến TT Biden mất cơ hội gặp ông, theo các báo quốc tế.

Al Jazeera thì đăng bài của Kevin Doyle và Sen Nguyễn trước chuyến thăm, trích lời Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói đây là "bước đi nổi bật nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao song phương" và "phản ánh vai trò lãnh đạo (leading role) mà Việt Nam sẽ nắm trong mạng lưới các đối tác đang tăng lên của chúng tôi ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bài báo hôm 09/09 cũng trích lời một số nhà quan sát VN ở nước ngoài như TS Lê Hồng Hiệp, TS Nguyễn Khắc Giang nói về quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh cần tính đến vai trò của Trung Quốc.

Trang Wall Street Journal chạy tựa đề nói tới mục tiêu của ông Bden là tìm kiếm một quan hệ Mỹ-Việt mạnh hơn nhằm chống lại Trung Quốc (Biden Seeks Stronger Vietnam Ties in Bid to Counter China).

Đây là cách nhìn mà đài báo chính thống ở VN không chia sẻ, và một số nhà quan sát người VN ở nước ngoài có vẻ không đồng ý.

Một cựu quan chức VN, ông Nguyễn Quốc Cường, được đài Pháp France24 trích lời nói rằng Việt Nam "sẽ không muốn đóng vai trò trong việc cân bằng giữa Washington và Bắc Kinh".

Bài hôm 08/09 của đài Pháp, bản tiếng Anh tường thuật lời ông Cường, cựu Đại sứ VN tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng "Việt Nam có một chính sách rõ rệt là làm bạn với tất cả (befriending all)" và không chọn bên, không chọn Hoa Kỳ chống lại TQ, và Hoa Kỳ hoàn toàn hiểu rõ điều đó".

Các học giả VN, gồm cả TS Đinh Hoàng Thắng, nhấn mạnh với BBC về nhu cầu và động lực nâng cấp nền kinh tế và các lĩnh mực công nghệ của VN nhân quan hệ mới hơn, toàn diện hơn với Hoa Kỳ.

Tờ Nikei Asia Review cùng ngày 10/09 thì có bài của Liên Hoàng nhắc rằng TT Biden đã bỏ không dự thượng định ASEAN gần đây ở Jakarta mà nay tới thăm nước thành viên là Việt Nam.

Điều này cho thấy vị thế của HN trong con mắt Washington như thế nào, theo tờ báo Nhật.

Ngay sau khi có tin Hoa Kỳ và Việt Nam thông báo "xác lập quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện", trang Financial Times ở Anh đã có bình luận, trích lời ông Jon Finer, phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói trước đó rằng "đây là bước đi có sức mạnh hơn văn bản".

Theo ông, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa lớn với VN vì "gửi ra tín hiệu cho toàn bộ hệ thống chính quyền VN về chiều sâu và sự phối hợp-liên kết (alignment) của họ với một nước khác".

Financial Times cũng trích ông Peter Mumford, nhà phân tích tình hình Đông Nam Á thuộc Eurasia Group, nói rằng việc Hoa Kỳ-VN đạt quan hệ mới này "vừa nhờ Hoa Kỳ kiên trì, vừa do TQ tính toán sai".

Ông nhắc đến chuyện Trung Quốc gia tăng quấy nhiễu, bắt nạt thuyền cá VN ở Biển Đông như một ví dụ nói cách làm của TQ "tự hại họ một cách chiến lược" ( strategic self-harm by China).