Ông Blinken tại Bắc Kinh

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Ông Blinken là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Biden đến thăm Trung Quốc, và đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh kể từ tháng 10/2018.

  • Tác giả, Anthony Zurcher
  • Vai trò, Tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ

Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du đầu tiên đến Trung Quốc trong gần năm tháng qua, sau khi mối quan hệ song phương rạn nứt nghiêm trọng liên quan đến vụ khinh khí cầu tình nghi là do thám của Bắc Kinh.

Chuyến đi của ông Blinken trước đó đã bị hủy vì vụ việc này, khi Bắc Kinh tuyên bố khinh khí cầu này dùng để giám sát thời tiết, và đã bị trôi dạt ngang qua vùng lãnh thổ của Mỹ trước trước khi bị máy bay quân sự Mỹ bắn hạ.

Chuyến đi của ông Blinken bao gồm các cuộc gặp với giới chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, nhưng chưa có tuyên bố liệu ông ấy sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, người trước đó đã có cuộc gặp với tỷ phú Bill Gates hôm thứ Sáu 16/06.

Hai siêu cường đã có một danh sách dài những vấn đề khiến đôi bên quan ngại, bao gồm những bất đồng nổi cộm cũng như những lĩnh vực tiềm năng có thể cùng hợp tác.

Đây là ba lĩnh vực chính có thể đứng đầu chương trình nghị sự.

Hàn gắn mối quan hệ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trước báo giới tại Thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tháng 11/2022

Trên hết, chuyến công du của ông Blinken là về việc thiết lập lại tương tác ngoại giao.

Hồi tuần rồi, đã có dấu hiệu tan băng đầu tiên trong mối quan hệ ngoại giao khi giới chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại thủ đô Vienna, Áo.

Nhưng ông Blinken là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền của Tổng thống Biden đến thăm Trung Quốc, và đánh dấu chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh kể từ tháng 10/2018.

Hiện nay là thời điểm tốt để hội đàm một lần nữa bởi vì điều này giảm nguy cơ xảy ra xung đột, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell thông tin trước chuyến đi.

"Chúng ta không thể để các bất đồng có thể chia rẽ chúng ta, ngăn cản con đường tiến đến những ưu tiên toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau hợp tác."

Khinh khí cầu tình nghi là do thám của Trung Quốc ở bang Montana, ảnh ngày 01/02/2023

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Khinh khí cầu tình nghi là do thám của Trung Quốc ở bang Montana, ảnh ngày 01/02/2023

Tuy nhiên, phản ứng từ phía Trung Quốc đối với chuyến đi của ông Blinken là hơi lạnh nhạt.

Theo thông tin từ Trung Quốc về cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp Mỹ Blinken tối thứ Tư 14/06, thì ông Tần Cương được cho biết đã nói với ông Blinken rằng "rất rõ ràng ai phải bị lên án" về suy yếu gần đây trong mối quan hệ song phương.

"Mỹ nên tôn trọng những quan ngại của Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và chấm dứt việc gây tổn hại đến những mối quan tâm về chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc, nhân danh là sự cạnh tranh," ông Tần nói.

Mỹ đã hạ thấp những tuyên bố quan trọng này theo sau chuyến thăm. Dường như "thành quả" duy nhất từ những cuộc họp, theo cách nói ngoại giao, sẽ là tất cả các cuộc họp đã diễn ra.

Đừng mong chờ bất kỳ một dạng thức đột phá hoặc biến chuyển nào theo cách hai bên đối xử với nhau, ông Daniel J Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương cho biết.

Nếu cuộc gặp lần này dẫn đến tương tác xa hơn giữa giới chức Mỹ và Trung Quốc, thì đây sẽ tạo nền tảng cho hai bên.

Giảm nhiệt căng thẳng thương mại

Mối quan hệ giữa Tổng thống Biden với Trung Quốc đã có một khởi đầu trắc trở, một phần bởi vì ông ấy đã không sẵn sàng hủy bỏ những biện pháp thuế quan thương mại do người tiền nhiệm Donald Trump ban bố.

Các biện pháp này bao gồm hàng tỷ USD giá trị thuế quan quan trọng áp đặt lên hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Trong một vài lĩnh vực, ông Biden thậm chí còn siết chặt hơn nữa, với những lệnh hạn chế sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc, nhằm duy trì vị thế thượng phong của Mỹ trong những ngành công nghệ điện tử tối tân nhất.

Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc ban hành lệnh cấm mua sản phẩm chip bộ nhớ máy tính từ tập đoàn Micron, một nhà sản xuất lớn nhất của Mỹ.

Ông Campbell hiểu về những quan ngại của Trung Quốc nhưng cho biết Mỹ sẽ bảo vệ và giải thích những điều đã được thực hiện và những gì sắp tới.

Nếu công nghệ máy tính là một lĩnh vực phải chịu sự cạnh tranh dữ dội giữa hai siêu cường, thì nền thương mại liên quan đến thuốc cấm có thể mang đến không gian hợp tác.

Mỹ muốn hạn chế việc xuất khẩu các thành phần hóa học do Trung Quốc sản xuất, dùng để chế tạo fentanyl, một opioid tổng hợp, mạnh gấp nhiều lần so với heroin.

Số lượng người chết ở Mỹ liên quan đến sử dụng thuốc quá liều liên quan đến fentanyl đã tăng hơn gấp ba lần trong vòng bảy năm qua.

"Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và khẩn cấp đối với nước Mỹ," ông Kritenbrink nói, nhưng điều này cũng tự thân cho thấy những thách thức.

Ngăn chặn chiến tranh

Sau sự kiện khinh khí cầu, cũng có thông tin là Trung Quốc đang cân nhắc gửi vũ khí cho Nga, vốn sẽ có thể ngay lập tức được dùng trong cuộc chiến Ukraine.

Giới chức chính phủ Mỹ đã rút những cáo buộc, bãi bỏ những điều có thể được xem là một vấn đề đặc biệt đáng lưu tâm giữa hai quốc gia với rủi ro có thể biến cuộc xung đột Nga-Ukraine trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Trung Quốc.

Các quần đảo xa xôi của Philippines nằm ở nơi tuyến đầu trong căng thẳng Mỹ-Trung. Cảnh bãi biển trên đảo Basco, Philippines

Nguồn hình ảnh, Lindle Markwell/BBC

Chụp lại hình ảnh,

Các quần đảo xa xôi của Philippines nằm ở nơi tuyến đầu trong căng thẳng Mỹ-Trung. Cảnh bãi biển trên đảo Basco, Philippines

Thế nhưng chờ đợi ông Blinken hưởng ứng những cảnh báo được Mỹ đưa ra cho phía Trung Quốc tại Vienna về những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu Trung Quốc có trợ giúp tài chính và quân sự cho Nga.

Các tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc đã có những màn đối đầu căng thẳng liên quan đến eo biển Đài Loan và Biển Đông. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trong phần lớn khu vực ở Biển Đông, trong khi Mỹ khẳng định đây là vùng lãnh hải quốc tế.

Ông Blinken và đội ngũ ngoại giao của mình đã tuyên bố mục tiêu của chuyến đi là "giảm rủi ro" từ những căng thẳng, và cải thiện kênh liên lạc là điểm khởi đầu.

Để đạt được hơn điều này, hiện nay có thể là nhiệm vụ khó khăn - và hợp tác sâu rộng hơn có thể càng khó khăn hơn cho ông Biden khi ngôn từ chỉ trích Trung Quốc ở Washington chắc chắn sẽ 'tăng nhiệt' hơn khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang 'nóng' dần.

Một kết quả thỏa mãn từ chuyến đi cho cả đôi bên có thể chỉ đơn giản là mở lại các kênh liên lạc, nhằm giúp ngăn chặn xảy ra vụ việc dẫn đến xung đột quân sự.