Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 18 -05 -2022

Thứ Năm, 18 Tháng Năm 20239:52 SA(Xem: 1601)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 18 -05 -2022
HoaLuc 5
**********
rfi.fr

Kiev loan báo bắn hạ gần như toàn bộ tên lửa Nga trong đợt tấn công mới vào Ukraina

Trọng Nghĩa

Theo thông báo từ phía Kiev, trong đêm qua, rạng sáng nay, 18/05/2023, Quân Đội Nga lại bắn 30 tên lửa hành trình vào Kiev cũng như nhiều thành phố khác của Ukraina, nhưng 29 chiếc đã bị phòng không Ukraina triệt hạ, cùng với một số drone tấn công và trinh sát.

Trong một thông báo trên mạng Telegram, tướng Valeriy Zaluzhnyi, tổng tư lệnh quân đội Ukraina cho biết loạt 30 tên lửa hành trình của Nga được bắn đi từ phi cơ, chiến hạm và các giàn phóng trên bộ, nhưng hầu như toàn bộ - cụ thể là 29 chiếc - đã bị bắn chặn.

Theo thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev, việc bắn hạ được hầu hết tên lửa Nga là một tin vui cho chính quyền Ukraina, nhưng chỉ cần một chiếc lọt lưới cũng đủ gây nên thiệt hại:

“Về cuộc tấn công thứ 9 trong tháng Năm này, chính tổng tư lệnh quân đội Ukraina Valeriy Zaluzhnyi là người đã cung cấp thông tin chi tiết: 29 trong số 30 tên lửa hành trình mà Nga phóng vào Ukraina khuya hôm qua đều đã bị đánh chặn, cũng như 2 chiếc drone Shahed và 2 drone do thám.

Thành công trong việc đánh chặn tên lửa Nga quả là điều tích cực, nhưng chiến lược của Nga lại chính là làm bão hòa các hệ thống phòng không Ukraina, và thực tế cho thấy là rất khó có được một bầu trời tuyệt đối an toàn khi xảy ra một cuộc tấn công với cường độ lớn như vậy. Hơn nữa, chỉ cần một tên lửa bắn trúng mục tiêu thì rõ ràng là thiệt hại sẽ rất lớn, điều đã được thấy nhiều lần khi tên lửa bắn trúng các chung cư hay các nhà kho.

Hôm nay ở Kiev, nhờ việc tất cả tên lửa Nga đều bị đánh chặn, không có ai bị thương, chỉ có một garage ô tô bị cháy. Thế nhưng, ở Odessa vào sáng nay, đã có một người chết và hai người bị thương tại một khu công nghiệp. Những vụ oanh kích cũng được ghi nhận ở các thị trấn Khmelnytskyi và Vinnytsia  ở phía tây Ukraina”

Theo hãng tin Anh Reuters, Nga đã tăng cường các cuộc không kích vào Ukraina trong những tuần gần đây trong bối cảnh Kiev đang chuẩn bị cuộc phản công nhằm giành lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Anh và Đức “giao” cho Mỹ trách nhiệm cung cấp F-16 cho Kiev

Chỉ ít lâu sau khi Anh Quốc và Hà Lan loan báo quyết định thành lập một “liên minh quốc tế” nhằm cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina, hai bộ trưởng Quốc Phòng Anh và Đức hôm 17/05/2023 cho rằng Nhà Trắng sẽ có trách nhiệm giao F-16 cho Kiev.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius, Berlin không thể đóng một vai trò năng động trong liên mình, vì nước Đức không sử dụng chiến đấu cơ F-16, do đó không có máy bay để cung cấp, cũng như không có khả năng đào tạo hay kỹ thuật để giúp đỡ trong lãnh vực này.

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace cũng cho biết là nước ông không có chiến đấu cơ F-16, và không có chuyên môn về loại vũ khí này, vì thế chính Hoa Kỳ là bên phải quyết định về việc cung cấp cho Ukraina loại  chiến đấu cơ do họ chế tạo.

Theo ông Wallace, Liên minh mà Luân Đôn muốn thành lập là một "sự hỗ trợ chính trị", một "tín hiệu gởi đến Nga để cho thấy rằng về nguyên tắc, các nước trong liên minh không phản đối việc cung cấp cho Ukraina những phương tiện mà nước này cần”.

Cũng liên quan đến vấn đề viện trợ vũ khí cho Ukraina, theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 17/05/2023, khả năng cung cấp cho Kiev loại tên lửa tầm xa Scalp đang được xem xét, nhưng không phải là trước mắt.

Còn theo Reuters, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu ông Josep Borrell vừa đề xuất bổ sung thêm 3,5 tỷ euro vào quỹ viện trợ quân sự cho Ukraina. Tuy nhiên, đề nghị này phải được toàn thể 27 thành viên Liên Âu nhất trí thông qua
***********
voatiengviet.com

Nga ra lệnh bắt nhà sản xuất, đạo diễn nổi tiếng vì phản chiến

AP

Một tòa án ở Moscow ra lệnh bắt giữ nhà sản xuất phim nổi tiếng Alexander Rodnyansky và giám đốc rạp hát Ivan Vyrypaev vì tội “lan truyền thông tin sai lệch” về quân đội Nga.

Các phiên tòa đầu tiên chống lại ông Rodnyansky và ông Vyrypaev diễn ra hôm 27/4, nhưng không được tòa án báo cáo cho đến ngày 17/5.

Theo cơ quan báo chí của tòa án, hai ông Rodnyansky và Vyrypaev, những người ở bên ngoài nước Nga, sẽ bị giam giữ sau khi chính quyền Nga bắt được họ hoặc dẫn độ họ. Bộ Nội vụ Nga cũng đưa ông Vyrypaev vào danh sách truy nã liên bang.

Ông Rodnyansky, sinh ra ở Kyiv, là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong điện ảnh Nga trong những thập niên gần đây. Ông rời Nga sau khi nước này bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022 và đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối chiến tranh. Vào tháng 10/2022, Bộ Tư pháp Nga tuyên bố ông Rodnyansky là “đặc vụ nước ngoài”.

Nhà viết kịch, đạo diễn, và diễn viên nổi tiếng Vyrypaev đã sống và làm việc ở Warsaw trong nhiều năm và cũng đã lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Cũng trong ngày 17/5, một tòa án ở Moscow tuyên án 7 năm tù đối với nhân vật đối lập và cũng là nhà hoạt động phản chiến Mikhail Krieger.

Ông Krieger bị bắt vào tháng 11 năm ngoái với cáo buộc biện minh cho chủ nghĩa khủng bố và kích động hận thù bằng đe dọa bạo lực, liên quan đến các bài đăng trên mạng xã hội từ năm 2020, trong đó ông ca ngợi những kẻ tổ chức các cuộc tấn công vào các tòa nhà của Cơ quan An ninh Liên bang và đề cập đến chuyện treo cổ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các công tố viên hôm 16/5 đã đề nghị bản án 9 năm.

Tại tòa, ngay trước khi tuyên án, ông Krieger nói rằng ông bị truy tố vì “quan điểm phản chiến và công khai ủng hộ Ukraine”.

Kể từ khi ông Putin đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022, chính phủ Nga đã tiến hành một cuộc đàn áp những người bất đồng chính kiến chưa từng có kể từ thời Xô Viết.

Chiến dịch đàn áp sâu rộng của Điện Kremlin đã hình sự hóa những lời chỉ trích chiến tranh. Ngoài tiền phạt và án tù, những người bị buộc tội còn bị sa thải, bị đưa vào danh sách đen, bị coi là “đặc vụ nước ngoài” hoặc đã trốn chạy khỏi nước Nga.


**********
rfi.fr

Bầu cử Thái Lan : Đối lập thắng lớn, báo hiệu chấm dứt chế độ quân sự ? - Tạp chí tiêu điểm

Minh Anh

Tại Thái Lan, trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 14/05/2023, hai đảng đối lập Move Forward (Áo Cam) và Pheu Thai (Áo Đỏ) đã giành được thắng lợi áp đảo. Một thông điệp mạnh mẽ cử tri Thái gởi đến chính phủ do quân đội hậu thuẫn : Người dân không muốn quý vị tiếp tục cai trị. Liệu rằng kết quả này có sẽ là một dấu hiệu chấm hết cho những năm tháng cầm quyền của phe bảo thủ được quân đội hậu thuẫn?

Bầu cử tại Thái Lan được giới quan sát đánh giá là một cuộc đọ sức dai dẳng giữa phe đòi dân chủ và phe bảo hoàng được quân đội hậu thuẫn. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 14/5 là lần bầu cử thứ hai từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra và từ sau cuộc bầu cử được cho là « dân chủ » năm 2019, đưa cựu tướng quân đội Prayut Chan O Cha lên cầm quyền.

Eugenie Merieau, chuyên gia về Luật công, trường đại học Paris I Pantheon-Sorbonne, trên đài phát thanh France Culture trước hết lưu ý, việc thủ tướng mãn nhiệm Prayuth Chan O Cha giải thể quốc hội và tổ chức bầu cử sớm trên thực tế là một tính toán chính trị, chứ không phải vì áp lực của đường phố và đối lập:

« Vì tin chắc rằng Thượng Viện là do quân đội bổ nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị và có nhiệm kỳ đến năm 2024, với số 250 thượng nghị sĩ, cùng với 500 hạ nghị sĩ ở Quốc Hội, quân đội nghĩ là có nhiều cơ may giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử năm nay hơn là vào năm 2024, sau khi Thượng Viện do quân đội chỉ định mãn nhiệm kỳ. »

Tính toán này của quân đội đã bị cử tri Thái "lật tẩy" qua việc dồn phiếu cho hai đảng đối lập Move Forward và Pheu Thai. Nhưng điểm bất ngờ lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu năm nay là đảng Move Forward (MFP), mang tư tưởng cấp tiến, dưới sự dẫn dắt của Pita Limjareonrat, một doanh nhân trẻ tuổi, đã về đầu khi giành được 151 ghế nhờ có được hơn 14 triệu phiếu bầu, vượt qua cả Pheu Thai, đảng đối lập truyền thống, một lực lượng dân túy ở Thái Lan do gia tộc Shinawatra lãnh đạo trong suốt hai thập niên.

Báo chí Pháp nói đến « một làn sóng Mầu Cam, một cơn chấn động chính trị ». Trang mạng CNN của Mỹ thì cho đấy là một « đòn giáng chí mạng »,  « một lời quở trách trực diện, một sự bác bỏ quá khứ độc tài quân sự » của người dân Thái.

Để phản đối sự thống trị của quân đội trong chính phủ, lá phiếu bầu luôn là công cụ duy nhất, được người dân Thái sử dụng một cách áp đảo nhằm ủng hộ các đối thủ chính trị của quân đội. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 14/5, là một sự tiếp nối của truyền thống đó, khi cử tri Thái tham gia bầu cử với một tỷ lệ cao kỷ lục (hơn 75%).

Phe ủng hộ dân chủ : Những con rối của phương Tây ?

Điều nghịch lý là dù chiến thắng áp đảo, lãnh đạo phe đối lập Pita Limjareonrat chưa chắc có thể trở thành thủ tướng chính phủ. Quân đội trong lần nắm quyền sau cùng đã cho sửa đổi Hiến Pháp năm 2014, theo đó, để có thể nắm quyền, một chính đảng phải có được đa số tuyệt đối là 376 ghế trong tổng số 500 ở Hạ Viện.

Nếu không hội đủ, các đảng, bất kể số phiếu phổ thông dù thấp hay cao, đều sẽ phải lao vào  vận động và tranh giành sự ủng hộ từ nhiều đảng khác để có được liên minh đa số cầm quyền. Nhất là ứng viên cho chức thủ tướng của đảng đối lập hay từ một liên minh nào đó đều phải có được sự chấp thuận từ 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm.

Điều này giải thích vì sao tướng Prayut Chan O Cha, sau khi tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, và giũ bỏ áo nhà binh để ra tranh cử năm 2019 vẫn đảm nhiệm được chức vụ thủ tướng trong chính phủ liên minh, dù là Pheu Thai là đảng giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm đó. Liệu kịch bản này có sẽ tái diễn ? Ông Thitanan Pongsudhirak, trường đại học Chulalongkorn, được CNN dẫn lại, cảnh báo « cái giá phải trả sẽ là đắt, nếu ai đó muốn tìm cách giảm thanh thế kết quả bầu cử hay hình thành một chính phủ thiểu số ».

Ngoài ra, tại Thái Lan, phe đối lập chủ trương cải cách luôn vấp phải sự cản trở từ phe bảo thủ đầy quyền lực, một liên minh quy tỵ quân đội, phe bảo hoàng và giới tinh hoa có ảnh hưởng. Về điểm này, nhà nghiên cứu Eugenie Merieau giải thích:

« Giống như tại nhiều nước châu Á, quý vị có một kiểu lên án đó là một con rối trong tay phương Tây. Những đòi hỏi của giới trẻ Thái Lan đưa ra trong các cuộc xuống đường biểu tình năm 2020 bị xem như là hệ quả trực tiếp từ hoạt động của đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, có thể đã tài trợ cho các nhóm phong trào ủng hộ dân chủ, một chuỗi các hiệp hội bảo vệ nhân quyền, v.v… Rõ ràng đây là một kiểu cáo buộc thường được quân đội sử dụng để hạ thấp uy tín của đối lập, cáo buộc họ chỉ là một con rối trong tay các thế lực ngoại bang phương Tây. »

Giải thể, đảo chính : Những công cụ trấn áp đối lập của phe bảo hoàng

Đây chính là những gì đã xảy ra với đảng Future Forward Party (FFP), tiền thân của đảng Move Forward hiện nay. Trong cuộc bầu cử năm 2019, FFP, rất được giới trẻ Thái ủng hộ, đã về thứ ba trong cuộc đua khi nhận được hơn 8 triệu phiếu. Thế nhưng, Tòa Bảo Hiến đã ra lệnh giải thể FFP và cấm 16 trong số các lãnh đạo của đảng năm đó tham gia chính trường trong vòng 10 năm. Tòa Bảo Hiến phán quyết rằng số tiền vay mượn của lãnh đạo đảng khi ấy là ông Thanathorn Juangroonggruangkit là tiền quyên góp, và do vậy đã vi phạm luật bầu cử.

Nhật báo Libération ngày 23/02/2020 từng giải thích, trên thực tế, đảng cánh tả non trẻ này, được thành lập năm 2018, là một mối đe dọa cho quân đội và chế độ quân chủ. Cương lĩnh vận động tranh cử của FFP năm đó là kêu gọi một sự công bằng, dân chủ nhiều hơn, cải cách chế độ quân chủ và giảm bớt quyền lực của quân đội trên chính trường Thái.

Theo nhận định của chuyên gia về Luật Công Eugénie Merieau, tại một đất nước có số cuộc đảo chính kỷ lục, 18 lần trong đó có 12 lần thành công trong chưa đầy một thế kỷ, thì quả thật, pháp lý là những công cụ tinh vi và hữu hiệu cho phép quân đội cùng phe bảo hoàng « vô hiệu hóa » đối lập mà không sợ bị Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ trừng phạt:

« Trong đời sống chính trị Thái Lan, khả năng Tòa Bảo Hiến giải thể các chính đảng là cực kỳ cao. Đảng Pheu Thai, tức đảng của ông Thaksin, đã từng ba lần bị giải thể, do vậy, đây sẽ một trong số các rủi ro và chỉ đến khi nào các công cụ pháp lý này không còn hiệu quả thì khi ấy đảo chính quân sự mới được tiến hành. Đây chính là điều đã xảy vào năm 2014. Thủ tướng Thái lúc bấy giờ là bà Yingluck Shinawatra đầu tiên đã bị Tòa án Tối cao phế truất, rồi sau đó là Tòa Bảo Hiến. Chỉ đến khi bà từ chối từ nhiệm thì lúc ấy quân đội mới tiếm quyền bằng đảo chính. »

Quân đội có sẽ đảo chính lần nữa ?

Giờ đây, Move Forward tiếp nối cương lĩnh năm xưa của FFP và đã giành được thắng lợi vang dội ngoài mong đợi trong kỳ bỏ phiếu 14/5. Tuy nhiên, theo ông Thitanan Pongsudhirak, trường đại học Chulalongkorn, với các chính sách xã hội như bài trừ nạn tham nhũng, cải cách hệ thống giáo dục và sửa đổi luật khi quân hà khắc, Move Forward đã vượt qua một lằn ranh khác, không còn mang tư tưởng dân túy. Phe bảo thủ phản đối quyết liệt bất kỳ sửa đổi nào trong luật về khi quân. Đối với họ, hoàng gia đứng trên cả chính trị và theo Hiến pháp, quốc vương phải được « tôn kính ».

MFP có nhiều nguy cơ bị giải thể, bị vướng vào các cáo buộc như tham nhũng, vi phạm luật bầu cử, vì đã có đơn khiếu nại gởi lên Ủy ban bầu cử trước cuộc bỏ phiếu, cáo buộc Pita đã vi phạm luật bầu cử vì đã nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông. Move Forward có sẽ phải chịu cùng số phận như Future Forward như năm 2019 hay không ? Hay liệu rằng đảo chính có sẽ lại diễn ra ?

Nhà nghiên cứu Eugenie Merieau cho rằng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào. Tuy nhiên, bà cảnh báo cuộc đảo chính sắp tới có thể sẽ là lần cuối cùng. Mỗi lần thực hiện, quân đội đều biện minh là để bảo vệ hoàng gia, nhưng lập luận này giờ ngày càng khó được người dân Thái chấp nhận:

« Quân đội luôn có được sự tán thành của nhà vua, nhưng vị vua trước đó, quốc vương Bhumibol Adulyadej, rất được đại đa số người dân Thái tôn kính. Trong khi đó, quốc vương Vajiralongkorn, lên ngôi năm 2016, lại ít được lòng dân hơn. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc ông đồng tình cho một cuộc đảo chính sẽ không được chấp nhận như vào thời cha ông. Chúng ta cũng có thể dự đoán là những cuộc đảo chính trong tương lai sẽ bị phản đối nhiều hơn, thậm chí dần dần trở nên khó thể thực hiện đối với quân đội. »


*********
rfi.fr

Ukraina nhấn mạnh với đặc sứ Trung Quốc nguyên tắc ‘‘toàn vẹn lãnh thổ’’

Trọng Thành

Hôm qua, 17/05/2023, tại Kiev, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã tiếp đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến Ukraina kể từ cuộc xâm lăng của Nga. Trong cuộc gặp, lãnh đạo ngoại giao Ukraina khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất cứ đề nghị hòa bình nào bao gồm việc nhượng một phần lãnh thổ cho Nga, hoặc ‘‘đóng băng’’ xung đột.

Bộ Ngoại Giao Ukraina hôm qau ra thông cáo cho biết ngoại trưởng Kuleba đã giải thích chi tiết cho đặc sứ Trung Quốc ‘‘về những nguyên tắc thiết lập một nền hòa bình bền vững và công bằng, dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina’’. Theo AFP, lãnh đạo ngoại giao Ukraina một mặt khẳng định nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ, mặt khác cũng thừa nhận ‘‘vai trò quan trọng’’ của Bắc Kinh trong các nỗ lực hướng đến chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga.

Về phần mình, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay ra một thông báo về cuộc hội kiến nói trên, theo đó đặc sứ của Bắc Kinh đã kêu gọi Ukraina và Nga nối lại đối thoại, ‘‘xây dựng quan hệ tin cậy, xác lập các điều kiện cho phép chấm dứt chiến tranh và đối thoại’’.

Đặc sứ Lý Huy là thứ trưởng Ngoại Giao, đặc trách các vấn đề châu Âu và Trung Á, nguyên là đại sứ tại Nga, từ 2009 đến 2019. Theo Bắc Kinh, ông Lý Huy có sứ mạng thảo luận về việc ‘‘tìm ra giải pháp chính trị’’ cho cuộc xung đột tại Ukraina trong vòng công du châu Âu, mở đầu với chặng đầu là Kiev. Trả lời AFP, một giới chức cao cấp Ukraina, xin ẩn danh, cho biết tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ‘‘có thể’’ tiếp đặc sứ Trung Quốc.

Đặc sứ Trung Quốc sẽ đến Pháp vào đầu tuần tới, tiếp theo đó là Đức. Tối hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Andrei Roudenko cho biết ông Lý Huy có thể tới Matxcơva vào cuối tháng 5, tuy nhiên thời điểm cụ thể chưa được xác định.

Cho đến nay, Bắc Kinh, đối tác mật thiết của Matxcơva, chưa bao giờ lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Hồi cuối tháng 2/2023, Trung Quốc đã đề xuất một ‘‘kế hoạch hòa bình 12 điểm’’ cho Ukraina, nhưng các nước phương Tây đã tỏ vẻ hoài nghi về kế hoạch này


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(Reuters) - Trung Quốc đề nghị các cơ quan đại diện nước ngoài không treo cờ Ukraina. Trong một thông báo ngày 10/05/2023, bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu « không sử dụng mặt tiền của các cơ sở để tuyên truyền chính trị nhằm tránh kích động tranh chấp giữa các nước ».

(Reuters) - Chủ tịch Quốc Hội Đài Loan hoan nghênh “lưỡi liềm” phòng thủ Nhật-Hàn-Philippines. Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington ngày 16/05/2023, chủ tịch Quốc Hội Đài Loan Du Tích Khôn (You Si Kun) đã lên tiếng ca ngợi ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines vì đã giúp tạo ra một “lưỡi liềm phòng thủ” cùng với Đài Loan và Hoa Kỳ chống lại tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với ông, việc thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Hàn Quốc xem Đài Loan là một vấn đề toàn cầu, đã “bù đắp” cho nhận xét của tổng thống Pháp Emmanuel Macron vốn cho rằng một cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan không liên quan gì đến châu Âu.

(AFP) - CIA tuyển gián điệp Nga trên mạng Telegram. Trong một đoạn video được đăng trên các mạng xã hội hôm 15/05/2023, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) khuyến khích người Nga trở thành gián điệp. CIA muốn biết sự thật về nước Nga và tìm cách liên lạc với giới quân nhân hoặc những người làm trong ngành tình báo, ngoại giao, khoa học và công nghệ ở Nga, có nghĩa là « bất kỳ ai đáng tin cậy biết và có thể nói cho chúng tôi sự thật này ».

(AFP) - Singapore treo cổ một người bị kết án buôn bán ma túy. Đây là vụ treo cổ thứ hai trong vòng 3 tuần. Người đàn ông 36 tuổi bị kết án tử hình vào năm 2019 vì vận chuyển khoảng 1,5 kg ma túy và đã phải thi hành án ngày 17/05/2023 trong nhà tù ở Changi. Nhóm vận động địa phương Transformative Justice Collective cho biết lời kêu gọi xét lại vụ việc và tạm hoãn lệnh thi hành án, đã bị bác hôm 16/05.

(AFP) - Kim Jong Un thị sát vệ tinh do thám đầu tiên của Bắc Triều Tiên. Cơ quan thông tấn KCNA ngày 17/05/2023 cho biết nhà lãnh đạo đã gặp ủy ban phụ trách việc chuẩn bị phóng vệ tinh, sau đó đi thăm nhà máy lắp ráp hôm 16/05, « vệ tinh đã được lắp để phóng sau khi được thanh tra lần cuối ». Vào giữa tháng 04, ông Kim Jong Un khẳng định mọi công việc đã hoàn tất và đã ra lệnh phóng vệ tinh.

 (AFP) – Nga phong tỏa tài khoản ngân hàng của tòa đại sứ Phần Lan. Ngoại trưởng Phần Lan, Pekka Haavisto, hôm nay, 17/05/2023, cho biết « các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán ở Matxcơva và tòa lãnh sự của Phần Lan ở Saint-Petersburg đã bị phong tỏa và không thể sử dụng được ». Lãnh đạo ngành ngoại giao Phần Lan khẳng định đang tiếp xúc với phía chính quyền Nga yêu cầu có giải đáp chính thức. Chính quyền Helsinki lưu ý là Phần Lan, vừa gia nhập NATO hồi đầu tháng 4/2023, chưa bao giờ phong tỏa tài khoản của các phái bộ Nga ở Phần Lan. 

(AFP) – Pháp : Bảo tàng Guimet mở triển lãm về y thuật châu Á. Kể từ hôm nay, 17/05/2023, người xem có thể khám phá ba nền y học lớn của châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng. Hơn 300 tác phẩm nghệ thuật tượng điêu khắc, hội họa, vật thờ cúng và các báu vật đông y cổ truyền, chưa bao giờ được giới thiệu cho công chúng, bao gồm cả nghệ thuật châm cứu, thiền, mát-xa cho đến cả yoga…

(AFP) - WHO cảnh báo về tác hại của các loại đường hóa học. Trong một thông cáo công bố hôm 15/05/2023, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS xác định rằng các chất làm ngọt nhân tạo - thường được gọi là đường hóa học - không giúp người sử dụng giảm cân và có thể gây ra những rủi ro về lâu về dài cho sức khỏe. Theo OMS, kết quả của một đánh giá có hệ thống về các bằng chứng sẵn có "cho thấy rằng việc lạm dụng các chất làm ngọt này “có thể có những tác dụng phụ tiềm tàng, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và tử vong nơi người lớn”.


**********

Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng ‘đập tan’ quyền tự trị của Đài Loan

AP

Trung Quốc sẵn sàng “kiên quyết đập tan bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan”, quân đội nước này cảnh cáo hôm 16/5, giữa lúc tin tức cho hay Mỹ chuẩn bị đẩy nhanh việc bán vũ khí phòng thủ và hỗ trợ quân sự cho nền dân chủ của hòn đảo tự trị.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Tan Kefei, nói trong một video đăng trên mạng rằng sự gia tăng trao đổi gần đây giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Đài Loan là một “động thái cực kỳ sai lầm và nguy hiểm”.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “tiếp tục tăng cường huấn luyện và chuẩn bị quân sự, đồng thời sẽ kiên quyết đập tan mọi hình thức ly khai độc lập của Đài Loan cũng như những nỗ lực can thiệp từ bên ngoài, đồng thời sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, ông Tan nói đề cập đến đồng minh thân cận nhất của Đài Loan, là Hoa Kỳ.

Trung Quốc tuyên bố hòn đảo có 23 triệu dân này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ kiểm soát bằng vũ lực nếu cần.

Phô trương sức mạnh

Với lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất và kho phi đạn đạn đạo khổng lồ, Trung Quốc đã gia tăng các mối đe dọa bằng cách đưa máy bay và tàu chiến vào vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan. Với hơn 2 triệu binh sĩ, PLA cũng được xếp hạng là quân đội thường trực lớn nhất thế giới, mặc dù việc vận chuyển thậm chí một phần lực lượng trong trường hợp nổ ra cuộc xâm lược được coi là một thách thức lớn về hậu cần.

Cùng với các vụ xâm nhập trên không và trên biển hàng ngày xung quanh Đài Loan, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận trong và xung quanh Eo biển Đài Loan chia cắt đôi bên, một phần được coi là diễn tập cho một cuộc phong tỏa hoặc xâm lược, mà khi xảy ra, sẽ gây ra hậu quả to lớn đối với an ninh và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Những hành động như vậy có thể được coi là nỗ lực quấy rối quân đội Đài Loan và đe dọa các chính trị gia cũng như cử tri, những người sẽ bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới tại Đài Loan vào năm tới.

Các động thái này của Trung Quốc dường như có tác dụng hạn chế. Hầu hết người Đài Loan kiên quyết ủng hộ việc duy trì tình trạng độc lập trên thực tế của họ. Các chính trị gia và các nhân vật công chúng khác từ Châu Âu và Hoa Kỳ cũng thường xuyên đến Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ của họ, mặc dù các quốc gia này không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.

Phát biểu của ông Tan được đưa ra đáp câu hỏi của một phóng viên về tin nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 500 triệu đô la cho Đài Loan và cử hơn 100 quân nhân đến Đài Loan đánh giá các phương pháp huấn luyện và đưa ra các đề nghị để cải thiện khả năng phòng thủ của hòn đảo.

Hỗ trợ của Hoa Kỳ

Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đảng Dân chủ và Cộng hòa của Hoa Kỳ. Cả hai đảng đã kêu gọi chính quyền Biden xúc tiến gần 19 tỷ đô la các mặt hàng quân sự đã được phê duyệt để bán nhưng chưa được giao cho Đài Loan.

Các quan chức chính quyền nói việc giao hàng chậm trễ là do tắc nghẽn trong sản xuất liên quan đến đại dịch COVID-19 và năng suất hạn chế cũng như nhu cầu vũ khí gia tăng để hỗ trợ Ukraine. Động thái của ông Biden sẽ cho phép xuất khẩu các mặt hàng từ kho dự trữ quân sự hiện có của Hoa Kỳ, đẩy nhanh việc cung cấp ít nhất một số khí tài mà Đài Loan cần để ngăn chặn hoặc đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Trong số các mặt hàng được đặt có phi đạn chống hạm Harpoon, máy bay chiến đấu F-16, phi đạn vác vai Javelin và phi đạn Stinger, Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao, hay HIMARS, vốn đã trở thành một vũ khí quan trọng cho quân đội Ukraine chiến đấu với các lực lượng xâm lược của Nga.

Phát biểu của ông Tan phù hợp với giọng điệu tiêu chuẩn của Bắc Kinh về cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. Đài Loan và Trung Quốc tách rời sau cuộc nội chiến năm 1949 và Bắc Kinh coi việc đặt Đài Loan dưới sự kiểm soát của mình là chìa khóa để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Những nỗ lực “tìm kiếm độc lập bằng cách dựa vào Hoa Kỳ” và “tìm kiếm độc lập bằng sức mạnh quân sự” là một “ngõ cụt”, ông Tan nói.

Với quan hệ Mỹ-Trung ở mức thấp lịch sử và Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh về nhượng bộ chính trị trong việc thống nhất, mối lo ngại đang gia tăng về khả năng xảy ra xung đột mở liên quan đến cả ba bên và có thể là cả các đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ như Nhật Bản.

Sự hỗ trợ kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc dành cho Nga sau cuộc xâm lược Ukraine cũng làm gia tăng căng thẳng với Washington. Bắc Kinh được cho là đang điều nghiên kỹ lưỡng những thất bại quân sự của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi ý chí của phương Tây ủng hộ Kyiv được một số người coi là phép thử đối với quyết tâm đứng về phía Đài Loan trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.


************

Tin tức thế giới 18-5: Gặp đặc sứ Trung Quốc, Ukraine tuyên bố không nhượng bộ Nga


Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tham dự cuộc họp với đặc sứ Trung Quốc Li Hui ngày 16-5 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tham dự cuộc họp với đặc sứ Trung Quốc Li Hui ngày 16-5 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Ukraine đã gặp đặc sứ Trung Quốc hôm 17-5 tại Kiev. Đây là chuyến đi đầu tiên của một phái viên cấp cao Trung Quốc tới Ukraine, kể từ lúc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào tháng 2-2022.

* Ukraine không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Nga

Ngày 17-5, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã có một số cuộc đàm phán cùng ông Li Hui - đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu và là cựu đại sứ tại Nga, tại Kiev.

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Kuleba khẳng định Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào nhằm chấm dứt chiến tranh với Nga liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc đóng băng cuộc xung đột.

Ông Li Hui được xem là một trong những nhân tố quan trọng cho kế hoạch hòa bình của Trung Quốc tại Ukraine. Bắc Kinh đã bày tỏ thiện chí làm trung gian cho cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine.

* Czech hủy bỏ sắc lệnh cấp đất miễn phí cho đại sứ quán Nga thời Liên Xô

Ngày 17-5, Czech đã hủy bỏ các sắc lệnh từ thời Liên Xô cho phép đại sứ quán Nga sử dụng đất miễn phí ở Prague và các thành phố khác.

Đây được xem là một diễn biến khác trong cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài hơn hai năm giữa hai nước do cuộc xung đột ở Ukraine.

Năm 2021, Prague cáo buộc các nhân viên tình báo Nga đứng sau vụ nổ tại một kho vũ khí ở Czech vào năm 2014.

Theo Reuters, chính phủ Czech đã hủy bỏ sắc lệnh cấp cho Nga quyền sử dụng hàng chục lô đất trong những năm 1970 và 1980 của các nhà cầm quyền thời trước.

* Nạn nhân Đức đạp xe đến Rome để gây sức ép với Giáo hoàng. Ngày 17-5, một nhóm nạn nhân người Đức từng bị lạm dụng đã kêu gọi Giáo hoàng Francis tăng cường nỗ lực chống lại "sự lạm dụng tình dục và tinh thần" của các giáo sĩ, sau khi hoàn thành chuyến đạp xe dài 900 km từ Munich đến Vatican.

Các vụ bê bối lạm dụng đã hủy hoại danh tiếng của Giáo hội Công giáo và là một thách thức lớn đối với Giáo hoàng. Giáo hoàng đã thông qua một loạt biện pháp nhằm buộc hệ thống phân cấp của Giáo hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.

* Gần 250.000 người chạy trốn lũ "đại dương" ở Somalia. Theo chính phủ Somali, lũ lụt đã khiến 245.000 người nước này phải rời bỏ nhà cửa.

Sông Shabelle ở miền trung Somalia đã vỡ bờ và nhấn chìm thị trấn Beledweyne, trong bối cảnh đất nước này phải đối mặt với đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 4 thập kỷ.

Người dân Somalia tại thành phố Beledweyne - Ảnh: AFP

Người dân Somalia tại thành phố Beledweyne - Ảnh: AFP

Người dân địa phương cho biết những trận mưa trái mùa tại Somalia và thượng nguồn vùng cao nguyên Ethiopia đã gây ra lũ quét, cuốn trôi nhà cửa và gia súc, đồng thời khiến các trường học và bệnh viện ở thủ phủ Beledweyne của vùng Hiraan phải tạm thời đóng cửa.

Ông Ahmed Nur, một người dân địa phương nói với hãng tin Reuters: "Toàn bộ thành phố bị nhấn chìm trong nước. Beledweyne trông như một đại dương vậy. Chỉ có thể nhìn thấy nóc nhà, và chúng tôi phải dùng xuồng, máy kéo để cứu người dân".

Theo văn phòng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), kể từ giữa tháng 3, lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 460.000 người trên toàn Somali và giết chết 22 người.

* Ít nhất bốn người Nigeria thiệt mạng trong cuộc tấn công vào đoàn xe Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ít nhất bốn người Nigeria đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào đoàn xe gồm hai phương tiện của chính phủ Mỹ ở Nigeria ngày 17-5.

Ông Blinken cũng thông tin thêm rằng cuộc tấn công dường như không nhằm vào phái bộ Mỹ ở đó.

Trong một tuyên bố ngày 17-5, ông Blinken cho biết phái bộ Mỹ và Nigeria đang phối hợp xác định vị trí và tình trạng của những người mất tích. Tổng cộng có chín công dân Nigeria trong đoàn xe, ông nói.

* Tổng thống Biden tự tin chính phủ Mỹ sẽ không vỡ nợ

Ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông tin tưởng rằng ông và các nhà lập pháp hàng đầu của cả hai đảng sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách. Ông Biden khẳng định Mỹ sẽ không vỡ nợ.

Phát biểu trước khi tới Nhật Bản tham dự cuộc họp G7, ông Biden cho biết các nhà đàm phán nợ sẽ gặp nhau và ông sẽ liên lạc chặt chẽ với họ trong chuyến đi của mình.

* Chuyên gia LHQ: Nga, Trung Quốc hỗ trợ vũ khí cho quân đội Myanmar

Ngày 17-5, một chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết quân đội Myanmar đã nhập khẩu ít nhất 1 tỉ USD vũ khí và các vật liệu khác kể từ khi quân đội giành lại quyền lực vào tháng 2-2021. 

Trong báo cáo mới của mình, chuyên gia này cho rằng Nga và Trung Quốc đã hỗ trợ chính quyền quân sự trong việc đàn áp phe đối lập.

Theo Hãng tin Reuters, kể từ khi quân đội Myanmar nắm quyền, một số người phản đối chế độ quân sự đã nổi dậy. Quân đội đã đáp trả bằng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng, kể cả ở các khu vực dân sự.

Vượt sông

Các di dân cố giữ cho đứa trẻ ở trên mặt nước trong lúc vượt sông Rio Grande để sang đất Mỹ hôm 11-5. Vượt sông Rio Grande được cho là cách nhanh nhất để người di cư vượt biên từ Mexico sang Mỹ dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm - Ảnh: Washington Post

Các di dân cố giữ cho đứa trẻ ở trên mặt nước trong lúc vượt sông Rio Grande để sang đất Mỹ hôm 11-5. Vượt sông Rio Grande được cho là cách nhanh nhất để người di cư vượt biên từ Mexico sang Mỹ dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm - Ảnh: Washington Post


*******

Phan Châu Thành - Tình hình chiến sự Ukraina ngày thứ 448, 17-05-2023


bakhmut_18 

1. Quân Ukraina đã chiếm được một mảng lớn bên ngoài thanh phố ở phía nam, đẩy quân Nga sát vào làng Klishchiivka.

Ukrainian forces continue to push Russian forces back at the Bakhmut flanks. A sizeable part near Klishchiivka south of Bakhmut has been liberated.

And, I'm almost certain that Russians have been pushed even farer east. #Ukraine #Bakhmut #Donetsk pic.twitter.com/5B8qeeGqlF

— (((Tendar))) (@Tendar) May 17, 2023

Nguồn Nga công nhận mất thêm vùng kiểm soát ở phía nam:

🇺🇦🇷🇺 Bakhmut/Artemovsk: Les FAU ont progressé au sud d'Ivanivske en direction de Klishchiivka.#Ukraine pic.twitter.com/C4jG0QkneZ

— Fulgur advenit (@GrillardEric) May 17, 2023

Chiến hào Nga thất thủ:

Close call in the outskirts of Bakhmut as Ukrainian defenders take russian trenches.

pic.twitter.com/OOptYG7WSz

— Walter Report 🇺🇦 (@walter_report) May 17, 2023

— TOGA (@KrzysztofJano15) May 17, 2023

3/1
A heavy battle between the fighters of the ☠️3rd Assault Brigade with the Wagnerites south of Bakhmut.
(TRIGGERWARNING COULD BE GRAPHIC)
whole video https://t.co/ixzn2Gd770 pic.twitter.com/avAYXWkad2

— Sander (@SanderRegter) May 17, 2023

Quân Nga đang lùi dần ở cả phía bắc lẫn phía nam thành phố:

For those asking why Russians didn't target those bridges west of Bakhmut months ago. Because they genuinely believed to take Bakhmut, easily, and head for the actual targets:

Kramatorsk and Sloviansk

They wanted those bridges intact. The fact that they are starting to target… pic.twitter.com/Dmj7WTLMlT

— (((Tendar))) (@Tendar) May 17, 2023

Tuy nhiên, tại khu vực nội đô, lính Wagner tiếp tục tấn công ào ạt:

russians destroying what’s left of #Bakhmut.

The definition of russian “liberation”: scorched earth.

pic.twitter.com/BVlO7IGSDy

— Walter Report 🇺🇦 (@walter_report) May 17, 2023

...nhưng ngay cả nguồn Nga cũng cho thấy, với tốc độ này, để có thể chiếm được hoàn toàn thành phố, quân Wagner còn cần nhiều ngày nữa.

Bakhmut güncel durum ( 17.05.2023 )

🔴 Kesin Rus kontrolü pic.twitter.com/klbXGxPinQ

— Fahrettin Altay (@FahrettinAltay_) May 17, 2023

...bởi mỗi ngày được vài tòa nhà, nhích từng tí một.

#Bakhmut güncel durum (17.05.2023)

-Ukrayna ordusu, güney kanatta 2 Rus müstehkam mevzisini ele geçirdi ve Ivanıske çıkıntısında bulunan Rusları kuşatmaya çalışıyor

-Wagner, V. Yuvileyna caddesinin kuzeyini büyük oranda ele geçirdi. Çocuk hastanesi ve garajların durumu belirsiz pic.twitter.com/IBeAOwCbMC

— Fahrettin Altay (@FahrettinAltay_) May 17, 2023

Tuy vậy, tình hình bên trong thành phố ngày càng khó khăn cho phía Ukraina:

🇺🇦 It is getting harder and harder for the Armed Forces in Bakhmut. Boys tell CNN about real hell: pic.twitter.com/n0BdN2zVKt

— Leonard Frank (@LeoonfrankFrank) May 17, 2023

Quang cảnh chiến đấu bên trong thành phố:

🇺🇦 🇷🇺 Hombres de la 93 mecanizada defendiendo las últimas partes dentro de #Bakhmut#UkraineRussianWar #Russia #Ukraine #UkraineWar pic.twitter.com/pm5QFOU6X8

— Novedades del Frente (@NovedadDeFrente) May 17, 2023

🇷🇺🇺🇦 | Combates recientes en Bakhmut visto desde la camára de un soldado ucraniano. pic.twitter.com/Cb1JyXJBO5

— Mundo en Conflicto 🌎 (@MundoEConflicto) May 17, 2023

Bakhmut chỉ còn là một đống đổ nát:

Dubbed the"Nest", the once AFU fortified area west of #Bakhmut was taken yesterday by units of PMC "Wagner". One of the photos shows a destroyed British armored personnel carrier FV103 Spartan. The nest is no more but desolate ruins.#BakhmutMeatGrinder pic.twitter.com/sZ9oGTyWMF

— ndimukoma (@MukomaIcho) May 17, 2023

...sau "giải phóng" của Putin:

Satellite images of Bakhmut (Artyomovsk) before and after the start of the NWO. pic.twitter.com/UUTy4Rfaft

— Animal World (@dragon_of_time_) May 17, 2023

Bakhmut không thất thủ nhanh đâu. Ukraina rồi sẽ thắng cuộc chiến này, bất kể Putin giở trò gì.

Viva Ukraina !

PHAN CHÂU THÀNH 18.05.2023


*********

Chiến sự tối 17.5: Ukraine khẳng định vẫn đang tiếp tục dùng hệ thống phòng không Patriot

Khánh An

Chiến sự tối 17.5: Ukraine khẳng định vẫn đang tiếp tục dùng hệ thống phòng không Patriot - Ảnh 1.

Một khu vực tại thủ đô Kyiv của Ukraine bị thiệt hại do tên lửa Nga phóng đến vào ngày 16.5

REUTERS

Hãng AFP ngày 17.5 dẫn lời phát ngôn viên Không quân Ukraine Yury Ignat khẳng định rằng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp vẫn tiếp tục hoạt động, sau khi Nga tuyên bố đã tấn công trúng hệ thống này.

"Đừng lo, mọi thứ vẫn ổn với hệ thống Patriot. Hệ thống này vẫn đang được dùng", ông cho biết. Ukraine nhận bàn giao tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ vào tháng 4.

Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay hệ thống này dường như bị thiệt hại sau khi bị tên lửa Nga tấn công vào sáng 16.5.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của nước này đã tấn công trúng hệ thống Patriot ở Kyiv bằng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố rằng hệ thống phòng không của mình đã bắn rơi 6 tên lửa bội siêu thanh của Nga, dù Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sau đó bác bỏ thông tin này.

Kyiv kỳ vọng vào "liên minh tiêm kích"

Tờ The Guardian ngày 17.5 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh cam kết của Anh và Hà Lan về việc xây dựng "liên minh quốc tế" nhằm hỗ trợ tiêm kích cho Ukraine, cũng như việc Pháp ủng hộ liên minh.

Nhà lãnh đạo gọi đó là "một khởi đầu tốt cho liên minh", đồng thời cảm ơn các bên liên quan. Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 16.5 cam kết xây dựng liên minh quốc tế nhằm hỗ trợ cung cấp tiêm kích cho Ukraine.

Liên quan chiến sự, hãng TASS đưa tin lực lượng pháo binh Nga đã tấn công một nhóm lớn các binh sĩ Ukraine gần Bakhmut.

Đội hình tên lửa của nhóm chiến đấu phía nam cũng đã tấn công các địa điểm triển khai tạm thời của các tiểu đoàn thuộc lữ đoàn cơ giới số 24 và 57 của Ukraine. Kyiv chưa bình luận về những thông tin trên.

Trong diễn biến liên quan, trang tin Kyiv Independent dẫn phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW-Mỹ) cho rằng dù Ukraine phản công thành công quanh Bakhmut, lực lượng Nga dường như vẫn quyết củng cố nỗ lực tấn công của họ trong khu vực.

Hôm 16.5, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho hay lực lượng của nước này đã giành lại quyền kiểm soát khoảng 20 km2 ở vùng ven phía bắc và phía nam Bakhmut. Một ngày trước đó, bà Maliar cho hay lực lượng Nga đang điều động thêm lính dù đến khu vực Bakhmut.

Thỏa thuận ngũ cốc sắp hết hạn

Hãng Reuters đưa tin chuyến tàu cuối cùng dự định sẽ rời cảng tại Ukraine vào ngày 18.5 theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua biển Đen, một ngày trước khi thỏa thuận hết hạn và Moscow không muốn gia hạn do trở ngại của việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết họ sẽ không tham gia vào "các cuộc thảo luận giả định" về những gì Nga sẽ làm nếu thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen hết hiệu lực.

Moscow đã tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận trừ khi một danh sách các yêu cầu đối với việc xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp của chính họ được đáp ứng.

Trong một diễn biến khác, trả lời phỏng vấn của Đài Tsargrad TV, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng khủng hoảng ở Ukraine có thể chấm dứt đơn giản khi Mỹ từ bỏ các đồng minh, "tương tự như ở Ai Cập và Afghanistan".

Ông bày tỏ hy vọng rằng "các chính trị gia ngày nay sẽ chú ý đến lịch sử liên quan và xem xét mối quan hệ có thể phát triển như thế nào" với Mỹ. Nhà ngoại giao không loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể kết thúc theo cách tương tự.

"Nhiều nhà phân tích chính trị đã viết về điều này. Họ dự đoán rằng toàn bộ cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục chừng nào người Mỹ còn cần. Những người này sẽ tiếp tục nắm quyền chừng nào nước Mỹ còn cần họ", ông Lavrov nói. Washington chưa bình luận về phát biểu trên.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn