Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 01 -4-2023:

Thứ Bảy, 01 Tháng Tư 202311:58 SA(Xem: 10930)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 01 -4-2023:
HoaLucU
*************

Phan Châu Thành - Tình hình chiến sự Ukraina ngày thứ 400, 31-03-2023


bakhmut_11

Đúng như dự báo trước đó của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, suốt cả một tuần qua, chiến trường Ukraina không có một thay đổi lớn nào. Có thể nhìn thấy rõ sự mệt mỏi của quân Nga, kiến các đợt tấn công ngày càng ít đi.

Để mọi người hình dung, trong tuần trước, chỉ ở chiến trường Bakhmut, mỗi ngày quân Nga tổ chức khoảng 80 tới 120 cuộc tấn công lớn nhỏ khắp nơi trong thành phố. Nhưng mấy hôm nay, số lượng các cuộc đụng độ thậm chí đã tụt xuống dưới 20 lần/ngày.

Chiến sự ác liệt hiện tại chỉ còn diễn ra ở hai nơi: Bakhmut và Avdiivka. Cả hai thành phố đều gần như bị bao vây bởi quân Nga, nhưng dường như do thiệt hại quá lớn, quân Nga không còn đủ sức khép vòng vây lại. Một yếu tố quan trọng nữa là quân Ukraina chiến đấu cực kỳ dũng cảm, và sẵn sàng hy sinh chứ nhất quyết không chịu lùi.

Suốt tuần qua, quân đội hai bên giành giật nhau từng ngôi nhà, từng khu phố đổ nát tại Bakhmut. Phía Nga vẫn thực hiện chiến thuật cũ: Tiến lên bằng lính tổng động viên, xác định vị trí phòng ngự của phía Ukraina rồi lùi lại, sử dụng pháo binh và không quân bắn phá, rồi mới tung chủ lực vào. Tuy nhiên, việc phá hủy các vị trí trong thành phố khó hơn ngoài đồng rất nhiều, nên chiến thuật này tỏ ra không đem lại hiệu quả cao, mà vẫn đi cùng tổn thất lớn.

Chỉ huy chiến trường Ukraina tại Bakhmut còn cho rằng thậm chí phía Nga không còn có một lực lượng dự bị nào lành lặn, đủ sức tổ chức một cuộc tấn công quy mô được nữa. Trên thực tế, cho tới hôm nay, các nhà quan sát độc lập, trừ các nguồn "thân Nga", đều gần như thống nhất rằng tình hình Bakhmut đã "ổn định".

Tại Avdiivka, tổn thất của phía Nga còn lớn hơn tại Bakhmut rất nhiều, bởi quân Nga chưa thể áp sát thành phố, mà vẫn còn phải vượt qua những bãi mìn và hệ thống công sự phòng thủ được chuẩn bị trong suốt nhiều năm qua. Phim dưới đây cho thấy từng đoàn chiến xa của Nga bị tiêu diệt bởi bộ binh Ukraina bằng Javelin, thậm chí khi chưa kịp tới gần thành phố.

Nhưng phía Ukraina cũng chỉ lo phòng thủ mà chưa tổ chức bất kỳ một cuộc phản công lớn nào. Toàn bộ quân dự trữ vẫn đang ở phía sau và Bộ Chỉ huy Quân sự Ukriana chỉ duy trì một lực lượng bắt buộc ở phía trước để ngăn bước tiến của quân Nga. Do đó, thiệt hại của những đơn vị tiền tuyến này cũng rất cao, bởi chỉ cố thủ mà không đánh lại.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy quân Ukraina đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn, thậm chí trên cùng nhiều mặt trận.

Phải chờ xem thôi.

Viva Ukraina !

PHAN CHÂU THÀNH

*************
voatiengviet.com

Nga: Đe dọa của Mỹ về vụ bắt giữ phóng viên sẽ 'gặt bão'

Reuters

Nga ngày thứ Sáu nói rằng nếu Mỹ đe dọa Moscow về vụ bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của báo The Wall Street Journal (WSJ), thì việc này sẽ "gặt bão," hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu kêu gọi Moscow "hãy thả anh ấy ra," sau khi chính quyền của ông ngày thứ Năm nói rằng việc Nga nhắm mục tiêu vào công dân Mỹ là không thể chấp nhận được và kêu gọi tất cả người Mỹ ở Nga rời đi ngay lập tức.

WSJ bác bỏ chuyện anh Gershkovich là gián điệp và trong mục ý kiến, ban biên tập của WSJ đăng bài xã luận viết: "Trục xuất đại sứ Nga tại Mỹ, cũng như tất cả các nhà báo Nga làm việc tại đây, sẽ là điều tối thiểu mà chúng tôi kì vọng."

Tuy nhiên, ông Biden cho biết trục xuất các nhà ngoại giao Nga "không phải là kế hoạch lúc này."

Phát biểu trong chương trình "60 Minutes" của kênh Rossiya 1 hàng đầu của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói Mỹ không cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với anh Gershkovich.

"Họ ngay lập tức quay sang đe dọa, trả đũa nhắm vào các nhà báo Nga. Nếu logic này tiếp tục ở nơi công cộng, họ sẽ gặt bão," bà Zakharova nói.

Cả bà Zakharova và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày thứ Năm đều nói anh Gershkovich bị "bắt quả tang" nhưng không đưa ra bằng chứng nào củng cố tuyên bố của họ.

Anh Gershkovich đã tuyên "không có tội" ngày thứ Năm khi tòa án ra lệnh tạm giam anh trong hai tháng trước khi xét xử.


***********
voatiengviet.com

Nga đang cần Trung Quốc, liệu có hùa về Bắc Kinh trên Biển Đông?

VOA Tiếng Việt

Mặc dù Moscow đang rất cần sự ủng hộ của Bắc Kinh về cuộc chiến ở Ukraine, khó có khả năng họ quy phục trước những yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông để phải hy sinh một đồng minh quan trọng trong khu vực như Việt Nam, các chuyên gia nhận định với VOA.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/3 đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow trong bối cảnh Nga đang cần sự hỗ trợ của Trung Quốc hơn bao giờ hết để đối phó sự bao vây, cấm vận của phương Tây.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung cũng như thông tin của hai bên đưa ra đều không cho thấy hai nhà lãnh đạo đề cập đến Biển Đông nhưng đang có lo ngại rằng trong bối cảnh Nga đang cần Trung Quốc như vậy, họ có thể thỏa hiệp về Biển Đông.

Moscow hiện đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam đồng thời là đối tác khai thác dầu khí quan trọng nhất của quốc gia đông nam Á này trên Biển Đông với các công ty Nga tham gia liên doanh với PetroVietnam.

‘Không thể mất Việt Nam’

Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Colin Koh, chuyên viên nghiên cứu về các vấn đề an ninh trên biển tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Ratjaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, nói rằng có thể vấn đề Biển Đông đã được đề cập trong cuộc gặp Putin-Tập vì Reuters đưa tin hôm 27/3 rằng kể từ tháng 1 năm 2022 các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào các lô khai thác dầu khí mà Nga đang sở hữu hay vận hành với Việt Nam trên Biển Đông ‘khoảng 40 lần’.

Theo lý giải của nhà nghiên cứu này thì nếu việc này xảy ra, ông Putin phải nêu lên với ông Tập vì nó liên quan đến lợi ích trực tiếp của Nga và Hà Nội là một nước hết sức gần gũi với Moscow ở đông nam Á.

“Tuy nhiên, tôi nghi ngờ liệu Moscow có nhất thiết phải quy phục sức ép của Bắc Kinh để từ bỏ những lợi ích năng lượng trên Biển Đông với cái giá khả dĩ là khiến Việt Nam xa lánh,” ông nói, nhấn mạnh Hà Nội là người bạn thủy chung nhất, kiên định nhất của Moscow ở đông nam Á.

“Liệu Moscow có muốn đẩy Hà Nội vào vòng tay của phương Tây khi từ bỏ mối quan hệ hợp tác năng lượng với Việt Nam trên Biển Đông?” ông lập luận. “Rộng hơn nữa, liệu Nga có muốn bị Việt Nam xem không chỉ là một đối tác thiếu tin cậy mà còn là một đối tác thế yếu trước Trung Quốc hay không?”

Kể từ khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine cách nay hơn một năm, Việt Nam đã bốn lần bỏ phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống các nghị quyết lên án Nga các loại tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bất chấp sự kêu gọi, vận động của các nước châu Âu.

Theo phân tích của Tiến sỹ Koh thì để duy trì tình bạn với Moscow, Hà Nội phải ‘đánh tín hiệu rõ ràng rằng họ trân trọng mối quan hệ đối tác này’ và lập trường của họ về cuộc chiến ở Ukraine ‘ít nhất là chấp nhận được’ đối với Moscow.

“Việt Nam có thể đẩy Nga về phía Trung Quốc nếu họ đi theo lập trường của phương Tây về Ukraine,” ông chỉ ra và nhấn mạnh Hà Nội phải cân bằng mối quan hệ giữa Nga với phương Tây.

Về phần mình, phía Nga luôn phải tính đến Việt Nam khi cân nhắc lập trường của họ trên Biển Đông, cũng theo lời nhà nghiên cứu này và dẫn chứng việc Nga ‘khá thận trọng’ khi bày tỏ lập trường về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bác đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông hồi năm 2016.

Ông cho rằng nếu như Moscow ngả về với Bắc Kinh hoàn toàn ‘sẽ có hậu quả to lớn với Việt Nam’, nhất là trong lĩnh vực cung cấp vũ khí vốn hết sức quan trọng trong việc phòng thủ của quốc gia đông nam Á này.

“Ngay cả khi Việt Nam trong những năm qua đã đa dạng hóa nguồn cung công nghệ quân sự ngoài Nga, những khí tài chủ lực của Việt Nam vẫn là của Nga, xe tăng, chiến đấu cơ tấn công đa dụng, tàu chiến và tàu ngầm, chưa nói đến rất nhiều hệ thống tên lửa,” ông nói. “Mất quan hệ với Nga không tốt cho lợi ích quốc gia của Việt Nam về lâu dài nếu xét đến việc muốn thay kho vũ khí với Nga sẽ mất nhiều thời gian và rất tốn kém.”

Tuy nhiên, trên lĩnh vực năng lượng, Hà Nội sẽ không trả giá đắt như thế nếu như mất người bạn Nga, cũng theo lời ông Koh, vì Hà Nội có thể cân nhắc cho các đối tác khác mua lại cổ phần của Nga trong các dự án khai thác trên Biển Đông.

“Nhưng liệu các hãng năng lượng phương Tây có sẵn sàng tiếp nhận nếu như Moscow đầu hàng sức ép của Trung Quốc hay không,” ông nói và chỉ ra trường hợp hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã bị ‘Bắc Kinh đe dọa đến mức phải rút ra khỏi dự án hợp tác năng lượng với Việt Nam trên Biển Đông’ hồi năm 2020.

‘Không thể ép Nga’

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof-Ishak (ISEAS), nhấn mạnh rằng Trung Quốc ‘không thể ép Nga’ về khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.

Ông chỉ ra trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, Bắc Kinh đã ‘từng gây áp lực với Moscow ba lần’. “Văn phòng Tổng thống Putin đã trả lời rất rõ ràng rằng đây là sự hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong vùng biển hoàn toàn thuộc quyền tài phán của Việt Nam nên Trung Quốc không thể can thiệp được,” ông cho biết.

Do đó, cho dù Nga đang gặp rắc rối ở Ukraine và cần Trung Quốc nhưng ‘không có chuyện Nga nhượng bộ Trung Quốc’ trên Biển Đông, cũng theo lời nhà nghiên cứu này. Ông nhấn mạnh Việt Nam ‘không có gì phải lo về cam kết của Nga cả’.
“Nga đến Việt Nam trên cơ sở có lợi thì trước hết họ phải bảo vệ lợi ích của họ,” ông nói.

Theo giải thích của ông thì các giàn khoan ngoài khơi trên Biển Đông ‘là chủ quyền của cả Việt Nam và của Nga’.

“Luật Biển quốc tế quy định rất rõ là nếu tàu bè đến bên ngoài giàn khoan ngoài 12 hải lý thì không có vấn đề gì, nhưng nếu đi vào trong vòng dưới 12 hải lý thì Trung Quốc cẩn thận đấy. Vì khi đó anh đang xâm phạm chủ quyền quốc gia của nước có giàn khoan đó,” ông Hà Hoàng Hợp nói.

Trong trường hợp nghiêm trọng nhất ‘tàu Trung Quốc vi phạm sẽ bị bắn chìm’, ông Hợp chỉ ra và bày tỏ nghi ngờ về việc tàu hải cảnh Trung Quốc tiến gần các giàn khoan trên Biển Đông như Reuters đã đưa tin.

Tiến sỹ Colin Koh chỉ ra rằng Biển Đông có thể căng thẳng hơn trong thời gian tới sau khi ông Tập được bầu làm Chủ tịch nước lần thứ ba hồi đầu tháng Ba do nhu cầu ông Tập muốn ‘củng cố quyền hành’ nên cần phải ‘khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp’.

“Chắc chắn có khả năng có sự cố leo thang lên thành đối đầu như hồi ở Bãi Tư Chính hồi năm 2019,” ông dự đoán.


******
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Mỹ dự kiến đợt viện trợ quân sự mới 2,6 tỉ đô la cho Kiev

Thùy Dương

CHIẾN TRANH UKRAINA - NGA

Đăng ngày:

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và tham mưu trưởng liên quân tướng Mark Milley trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 15/03/2023.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và tham mưu trưởng liên quân tướng Mark Milley trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 15/03/2023. Getty Images via AFP - ALEX WONG

Mỹ dự kiến một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraina trị giá 2,6 tỉ đô la. Ngày 31/03/2023, các quan chức Mỹ cho biết thông báo có thể sẽ được đưa ra vào thứ Hai 03/04.

Reuters cho biết đợt viện trợ quân sự lần này chủ yếu liên quan đến đạn dược để hỗ trợ cho Kiev chuẩn bị đợt phản công mùa xuân. Danh sách đầy đủ các trang thiết bị viện trợ mới lần này theo dự kiến sẽ được hoàn tất trong hai ngày nghỉ cuối tuần này 01-02/04 và tổng giá trị viện trợ có thể sẽ còn được điều chỉnh. Tính từ khi quân Nga xâm lược Ukraina đến nay, Mỹ đã viện trợ cho Kiev tổng cộng 30 tỉ đô la.

Cũng trong ngày 31/03, theo Le Monde, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley, cho rằng dù không phải là không thể, nhưng dẫu sao thì Ukraina cũng chỉ có ít cơ hội đẩy lui toàn bộ các lực lượng của Nga ra khỏi lãnh thổ ngay trong năm nay 2023. Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, đã nhiều lần tuyên bố mục tiêu của Kiev là đánh đuổi hết quân Nga ra khỏi những khu vực đã bị Nga xâm chiếm.

Trả lời phỏng vấn Defense One, tướng Mark Milley nhận định đó là một nhiệm vụ quân sự lớn và « rất, rất khó » bởi « hàng trăm ngàn quân Nga vẫn đang còn ở các vùng lãnh thổ của Ukaina bị Nga xâm chiếm ».

Về khả năng Mỹ cấp cho lực lượng vũ trang Ukraina các tên lửa tầm xa ATACMS, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ cho biết là cho đến nay, vẫn chưa có quyết định chính trị nào được đưa ra, nhưng dưới góc nhìn quân sự, tướng Mark Milley nói Mỹ chỉ có tương đối ít tên lửa tầm xa ATACMS và quân đội Mỹ cần bảo đảm là họ duy trì được số đạn dược cần thiết trong kho.


************
rfi.fr

Nga cạn kiệt vũ khí, phải dùng xe tăng « cổ lỗ » T-54 để chiến đấu ở Ukraina - Tạp chí đặc biệt

Chi Phương

Nga tiêu hao thiết bị quân sự, phải dùng xe tăng cũ thời Liên Xô ở Ukraina. Tranh cãi ở Liên Hiệp Châu Âu: Hạt nhân có phải là năng lượng xanh hay không ? Bạo lực ở Pháp: Cảnh sát ngăn đội cứu hộ cứu người biểu tình. Dân số Trung Quốc theo xu hướng giảm. Cháy trại giam người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

Về chiến tranh Ukraina, gần đây, một số thước phim ghi hình những chiếc xe tăng cũ kỹ T-54 và T-55, sản xuất dưới thời Liên Xô, được cho là để gửi đến chiến trường ở Ukraina bởi quân đội Nga, đã đặt ra câu hỏi về những thiệt hại về nguồn lực chiến đấu của Matxcơva ở Ukraina.

Xe tăng T-54 được sản xuất kể từ năm 1946 khi Joseph Stalin nắm quyền. Đến cuối những năm 1950, loại xe này đã trở thành xe tăng chiến đấu chủ lực cho các đơn vị thiết giáp của quân đội Liên Xô. Theo AFP, T-54 và T-55 là một trong những loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử quân sự, lên đến 100.000 chiếc. Được đưa vào sử dụng trong quân đội Liên Xô từ năm 1948, sau đó là trong quân đội của các nước thành viên Hiệp ước Vacsava, loại xe tăng này cũng được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi vào những năm 1950, và được sản xuất ở Ba Lan và Tiệp Khắc cho đến năm 1983.

Trang RFI Tiếng Pháp cho biết, những chiếc xe tăng T-54 hiện được cất vào kệ « đồ cổ » của quân đội Nga. Lý do là vì chúng không được trang bị thiết bị điện tử, và chỉ có một khẩu súng 100 mm lỗi thời, tốc độ không vượt quá 50km/h và đã không được sản xuất trong nhiều thập kỷ.

Nhà nghiên cứu tại Viện Quan Hệ Quốc Tế (Ifri), Léo Periat cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang thực sự cạn kiệt kho vũ khí : « Chúng ta phải đối mặt với những thiết bị thô sơ, rẻ tiền và đặc biệt là khả năng tự bảo vệ lại cực kỳ thấp. Khi phải đối mặt với loại xe tăng này, lính Ukraina không cần phải sử dụng đến tên lửa Javelin đắt đỏ và hiệu quả tốt mà chỉ cần sử dụng các thiết bị khá cơ bản và rẻ tiền hơn để loại bỏ chúng. »

Tranh cãi ở Liên Hiệp Châu Âu : Hạt nhân có phải là năng lượng xanh ?

Hôm thứ Tư 29/03, các cuộc tranh luận căng thẳng khiến Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ, liên quan đến việc có nên thừa nhận năng lượng hạt nhân là năng lượng xanh hay không. Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết cụ thể :

« Ngay từ lúc chưa bắt đầu, các cuộc đàm phán giữa 3 định chế châu Âu đã gặp trở ngại. Thoạt đầu là với nhận xét của chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh trước đó: Bà Ursula Von Der Leyen đã đánh giá rằng hạt nhân không phải là nhân tố mang tính chiến lược cho tương lai. Kế đến là sự kết tụ của hai quan điểm đối nghịch nhau nhân cuộc họp của các bộ trường năng lượng vào thứ Ba (28/03).

Hai nhóm nước đã tổ chức những cuộc họp cạnh tranh nhau vào buổi sáng. Một bên là những nước như Áo, Luxembourg hoặc là Đức, muốn dành riêng diện năng lượng xanh cho các loại năng lượng tái tạo đúng theo nghĩa đen, tức là năng lượng từ gió, từ mặt trời và từ nước, nhưng không phải là năng lượng hạt nhân. Bên kia, là Pháp, Phần Lan, Ba Lan, những nước muốn xếp vào diện năng lượng xanh tất cả các nguồn năng lượng được gọi là « không carbon » hoặc « phát thải carbon thấp ». Điều đó có nghĩa là bao gồm cả hạt nhân, vốn không sản xuất ra khí CO2. 

Tuy nhiên, bản chỉ thị đang được đàm phán phải dẫn đến việc thay thế khí đốt tự nhiên bằng khi hydrogen, và nhóm nước thứ hai kế trên cho rằng khí hydrogen được sản xuất bằng điện hạt nhân phải được xếp vào diện được hưởng tất cả các nguồn tài trợ mà chỉ thị này sẽ cho phép đưa ra. »  

Trong tuần vừa qua, vấn đề bạo lực trong các cuộc biểu tình tại Pháp thu hút sự quan tâm của công luận. Ngoài các cuộc biểu tình phản đối cải cách chế độ hưu trí, cuộc biểu tình mà bạo lực lên đến đỉnh điểm xảy ra tại Saint-Soline, Deux-Sèvres, miền tây nước Pháp hôm 25/03, vì một dự án xây hồ trữ nước ngọt.

Trong số những người biểu tình, 200 người đã bị thương, 40 người bị thương nặng, chủ yếu là do mảnh lựu đạn cay đạn cao su. Hai người hiện vẫn đang bị hôn mê, tiên lượng mong manh. Về phía cảnh sát, có 47 người bị thương, một số xe cảnh sát bị đốt cháy. Trang mạng đài France Info cho biết lực lượng an ninh đã sử dụng 4000 lựu đạn cay, gây tiếng nổ lớn, trong đó có loại GM2L, và các loại đạn cao su (LBD), những loại thiết bị được xếp vào « vũ khí chiến tranh ». Cơ quan thanh tra của Hiến Binh Pháp (IGGN) đã mở điều tra và xác định xem việc sử dụng các loại vũ khí này xuất phát từ tình trạng tự vệ chính đáng hay đó là hành vi không phù hợp. 

Một điều khác khiến công luận Pháp xôn xao đó là việc đội cứu hộ được cho bị lực lượng an ninh ngăn cấm tiếp cận để sơ cứu những người bị thương. Điều tra của trang Mediapart và Le Monde đã đưa ra một đoạn băng ghi âm chứng minh điều này. Về vụ việc này, tnh trưởng của vùng Deux-Sèvres đã đăng một thông cáo được báo Le Monde trích dẫn, chỉ ra rằng trong các cuộc đụng độ bạo lực, lực lượng an ninh sẽ là bên quyết định xem liệu can thiệp của đội cứu hộ có an toàn cho chính nhân viên cứu hộ hay không.

Trả lời trên đài phát thanh France Info, Patrick Baudouin, chủ tịch Liên Đoàn Nhân Quyền bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực trong các phong trào xã hội ở Pháp : « Đây là điều thực sự đáng lo ngại vì chúng ta có cảm giác là tình hình không được kiểm soát và không thể kiểm soát. Không ai biết sẽ đi theo hướng nào. Chúng ta đang ở trong một tình huống đáng báo động cho nền dân chủ. Hơn nữa, đó là bạo lực từ phía cảnh sát. Điều này chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. »

Cháy trại giam người nhập cư ở biên giới Hoa Kỳ

Nhìn sang châu Mỹ, trong tuần vừa qua, một sự kiện đáng chú ý đó là vụ cháy trại giam xảy ra vào đêm thứ Hai sáng thứ Ba 28/03, ở Ciudad Juarez, phía Bắc Mêhicô, gần biên giới Hoa Kỳ, khiến 39 người thiệt mạng. Nạn nhân chủ yếu là người di cư từ Honduras, Venezuela hay Guatemala, đã cố gắng tìm cách vượt biên vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ hỏa hoạn nhưng thảm kịch này đã nêu lên những bất cập trong chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, trục xuất tự đng người di cư, để mặc cho phía Mêhicô xử lý.

Từ Houston, thông tín viên RFI Thomas Harms cho biết thêm thông tin :

« Nạn nhân là những người đã bị từ chối nhập cảnh trước đó vào buổi sáng ở biên giới Hoa Kỳ. Họ đã nhanh chóng bị trục xuất về phía Mêhicô. Theo nhà báo James Frederick, chuyên đưa tin về chính sách nhập cư, thảm kịch xảy ra là từ điều luật 42, một chính sách trục xuất tự động được triển khai dưới thời tổng thống Donald Trump.

Tất cả đã bắt đầu với điều luật 42 và chính sách Hoa Kỳ. Vì những người di cư nhanh chóng bị trục xuất, do vậy đã tạo ra những đường vòng mà nhiều người cố gắng vượt qua. Các thành phố biên giới như là Ciudad Juarez là nơi tập trung hàng ngàn người di cư.

Theo giám mục Công Giáo Mark Seitz thuộc giáo xứ El Paso, bi kịch này phải được xem như lời kêu gọi cứu giúp những người di cư đang gặp nạn ở biên giới. Dân biểu đảng Dân Chủ của thành phố Veroniac Escobar đã kêu gọi cứu những người tị nạn, những người đang liều mạng trên mọi nẻo đường để đến được Hoa Kỳ.

Điều 42 sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/05 nhưng chính quyền Dân Chủ không có ý định mở rộng cánh cửa nước Mỹ.

Một quy định mới, được tổng thống Joe Biden trình bày vào tháng Giêng, yêu cầu những người di cư phải lấy hẹn qua một ứng dụng. Bất cứ ai không tuân theo thủ tục này sẽ tự động bị trục xuất và cấm nhập cảnh trở lại vào lãnh thổ Hoa Kỳ. »

Hôm thứ Tư 29/3, theo AFP, chính quyền Mêhicô đã mở một cuộc điều tra về tội sát nhân. Tám người bị tình nghi đã không có hành động can thiệp để cứu những di dân xấu số này. Trong cùng ngày, lực lượng biên phòng Hoa Kỳ cho biết khoảng 1.000 di dân đã cố vượt biên vào Mỹ từ ngả Mêhicô và những người này sẽ bị trục xuất. Sau thảm kịch ở Ciudad Juarez nói trên, có tin đồn được loan truyền theo đó Mỹ sẵn sàng tiếp nhận một số di dân vì lý do nhân đạo.

Khuynh hướng dân số giảm ở Trung Quốc

Chuyển sang khu vực châu Á, trung tâm tài chính của Trung Quốc, siêu đô thị Thượng Hải lần đầu tiên từ 5 năm qua ghi nhận tình trạng dân số giảm, theo số liệu được công bố hôm 28/03. Trước đó, vào tháng Giêng, cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố tình trạng dân số giảm lần đầu tiên từ 60 năm qua. Trung Quốc đã mất đi 850.000 người vào năm 2022, trong khi mà chính quyền đã đưa ra chính sách nới lỏng hạn chế sinh con.

Kể từ nay, dân số giảm trở thành xu hướng chung, xuất hiện ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tường trình từ Bắc Kinh :

« Sau Bắc Kinh, đến lượt Thượng Hải phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Trung tâm tài chính của Trung Quốc ghi nhận khoảng 24,76 triệu dân vào năm 2022, trong khi mà vào năm 2021, con số này là 24,89 triệu người. Có thể thấy rằng đợt phong tỏa vào mùa xuân vừa qua đã không giúp ích gì. Vì các hạn chế dịch tễ nghiêm ngặt, nhiều người Thượng Hải phải ở nhà trong hơn hai tháng, thêm vào đó là các nhà máy bị đình trệ, lối vào thành phố bị phong toả, 250.000 lao động nhập cư đã rời khỏi Thượng Hải.

Đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua, dân số giảm tại siêu đô thị tại đồng bằng sông Dương Tử. Những lý do để giải thích hiện tượng này mang tính chất vừa tình huống, vừa cấu trúc. Giống như nhiều nơi khác ở Trung Quốc, người dân Thượng Hải không muốn có con, hoặc chỉ muốn có một con vì lý do chi phí giáo dục, giữ trẻ cao, hay nói chung là chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong các thành phố tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. »


***********

Học thuyết ngoại giao mới : Nga đặt mục tiêu phá bỏ thế thống trị của Phương Tây

Thùy Dương

NGA - CHIẾN LƯỢC

Đăng ngày:

Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần phát biểu qua truyền hình ngày 29/03/2023.
Ảnh minh họa: Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần phát biểu qua truyền hình ngày 29/03/2023. AP - Gavriil Grigorov

Ngày 31/03/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin công bố học thuyết ngoại giao mới, cập nhật dựa trên phiên bản năm 2016, xem Phương tây như « một mối đe dọa cho sự tồn vong » mà Matxcơva phải phá bỏ « thế thống trị » trong bối cảnh đang có « những xáo trộn trên trường quốc tế ».

Học thuyết về chính sách ngoại giao mới của Nga đã được đăng tải trên trang web của điện Kremlin. Theo AFP, thông qua ngôn từ và nội dung, tài liệu dài hơn 40 trang gợi nhắc lại sự đối đầu giữa Liên Xô và Mỹ trong thế kỷ 20 và đặt nước Nga như thành trì ngăn cản việc phương Tây dùng mọi cách làm suy yếu thế giới Nga. Theo học thuyết mới, phương Tây là « những quốc gia không thân thiện » và Mỹ là nước « xúi giục và chỉ huy chính đường lối chống Nga » thông qua « một cuộc chiến tranh tổng hợp kiểu mới ».

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết chi tiết :

« Sự đoạn tuyệt vốn đã rõ nét, nay lại được ghi thành giấy trắng mực đen trong hơn 40 trang tài liệu của học thuyết mới đã được Vladimir Putin ký ban hành ngay lập tức. Ngôn từ được sử dụng nhắc lại sự đối đầu thời Chiến tranh lạnh nhưng tài liệu này không nói tới một cuộc chiến tranh lạnh mới mà là một cuộc chiến tranh tổng hợp, mà theo Matxcơva là do phương Tây tiến hành chống lại nước Nga.

Phương Tây, mà trước hết là Mỹ, bị xem là một mối đe dọa đến sự tồn vong không chỉ vào nước Nga mà nhắm cả vào thế giới Nga. Nước Nga là thành trì chống lại mối đe dọa đó, cho nên Matxcơva nhận định cần phải chiến đấu chống thế "thống trị" của phương Tây.

Chính vì điều này, tài liệu đã chỉ rõ những nước mà Nga dự tính cùng tiến hành cuộc chiến. Đó là Trung Quốc và Ấn Độ. Có cả một chương được dành cho các nước này. Trong học thuyết mới, châu Phi cũng có một vị trí quan trọng.

Và cuối cùng, vốn dĩ tự cho mình là người đi đầu trong việc bảo vệ các giá trị truyền thống, trong cuộc xung đột với Ukraina, Nga lại càng củng cố hướng bảo thủ của họ. Có một bước mới là học thuyết này của Nga cho rằng, xin trích, cần vô hiệu hóa những nỗ lực áp đặt các nguyên tắc nhân văn và tự do giả hiệu, dẫn đến việc đánh mất các nguyên tắc đạo đức ».


*********

Chiến sự ngày 401: Nga, Ukraine từ chối ngừng bắn

Đông A

Chiến sự ngày 401: Nga, Ukraine từ chối ngừng bắn - Ảnh 1.

Một người dân đứng cạnh tòa nhà bị tên lửa Nga phá hủy ở Kharkiv, Ukraine ngày 31.3.

REUTERS

Nga, Ukraine không đồng ý ngừng bắn

Theo Reuters, Nga ngày 31.3 cho biết lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ không cho phép Moscow đạt được các mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" vào lúc này.

Điện Kremlin đã phản ứng sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus - đồng minh thân cận nhất của Nga - trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội ở thủ đô Minsk trước đó cùng ngày kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, không có điều kiện tiên quyết để cả Moscow và Kyiv bắt đầu đàm phán về một giải pháp hòa bình lâu dài.

Xem nhanh: Ngày 400 chiến dịch, Ukraine hé lộ thời điểm phản công, chiêu mộ phi công phương Tây

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đã ghi nhận những bình luận của ông Lukashenko và Tổng thống Vladimir Putin sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Belarus vào tuần tới. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết các mục tiêu của NgaUkraine không thể đạt được vào lúc này thông qua việc ngừng giao tranh.

"Về Ukraine, không có gì thay đổi, hoạt động quân sự đặc biệt vẫn đang tiếp tục bởi vì ngày nay đó là phương tiện duy nhất để chúng tôi đạt được mục tiêu của mình", ông Peskov nói.

Nga tuyên bố nước này sẵn sàng cho hòa bình nhưng nói rõ rằng điều này sẽ chỉ được thực hiện theo các điều kiện của Moscow. Theo đó, Kyiv phải chấp nhận "thực tế mới" trên chiến trường.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko.

"Việc ngừng bắn nghĩa là Nga có thể ở lại các vùng lãnh thổ đã bị Moscow kiểm soát. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được", ông Podolyak viết trên Twitter.

Bộ trưởng quốc phòng Ukraine hé lộ thời điểm phản công

00:01:38

Bộ trưởng quốc phòng Ukraine hé lộ thời điểm phản công

Nga cần nỗ lực lớn ở Bakhmut

TASS dẫn lời ông Yevgeny Prigozhin, người sáng lập công ty quân sự tư nhân Wagner, cho biết quân đội Ukraine đang chịu thương vong nghiêm trọng ở thị trấn Bakhmut thuộc vùng Donetsk. Tuy nhiên, quân đội Nga vẫn phải nỗ lực rất nhiều ở khu vực đó.

"Không, quân đội Ukraine rút đi đâu cả. Quân đội Ukraine đang tham gia vào các trận chiến đẫm máu và đang bảo vệ Bakhmut với cái giá là thương vong nghiêm trọng", ông Prigozhin cho biết trên kênh Telegram của mình.

Ông Prigozhin nhấn mạnh: "Một khía cạnh quan trọng khác cần được đề cập là sự cần thiết của việc phải giữ vững hai bên sườn của thị trấn".

"Hôm nay chúng ta cần tập trung nỗ lực vào thị trấn vì khối lượng công việc chiến đấu phải làm rất khổng lồ. Các lực lượng đồng minh nên giữ vững hai bên sườn của Bakhmut và không để chúng tôi thất vong", Prigozhin nói.

"Các lực lượng Nga đang tiến về phía trước và kiểm soát mọi tòa nhà, lối vào tòa nhà và nhà để xe giữa các tòa nhà. Bakhmut có khoảng 800 tòa nhà cao tầng. Sau khi kiểm soát được Bakhmut, chúng tôi sẽ nói về điều đó", nhà sáng lập Wagner cho biết.

Tướng Ukraine đặt mục tiêu làm kiệt sức lực lượng Nga ở Bakhmut

00:01:49

Tướng Ukraine đặt mục tiêu làm kiệt sức lực lượng Nga ở Bakhmut

IMF duyệt cho Ukraine vay 15,6 tỉ USD

Reuters đưa tin ban điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 31.3 đã phê duyệt gói tài trợ trị giá 15,6 tỉ USD trong 4 năm cho Ukraine để giúp nước này đáp ứng nhu cầu tài chính khẩn cấp trong lúc chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Đây là khoản vay lớn nhất của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào ngày 24.2.2022 và cũng là gói cho vay lớn đầu tiên được IMF phê duyệt cho một quốc gia đang ở trong xung đột.

Gói cho vay dự kiến giúp giải phóng nguồn tài chính quy mô lớn cho Ukraine từ các nhà tài trợ và đối tác quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới và các bên cho vay khác.


**************

Tập trận trên Biển Đông, Philippines lần đầu tiếp cận hệ thống HIMARS của Mỹ

Khánh Như

Philippines đã phối hợp với Mỹ tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật với tên gọi “Salaknib” tại Fort Magsaysay, căn cứ quân sự lớn nhất của Manila, nằm trên đảo Luzon thuộc Biển Đông, hãng tin Reuters đưa tin ngày 31.3.

Với sự tham gia của 3.000 binh sĩ Mỹ và Philippines và kéo dài 3 tuần, cuộc tập trận bao gồm các bài huấn luyện chống tăng và bắn đạn thật. Trong đó, quân đội Philippines lần đầu được huấn luyện cách triển khai hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) với tầm bắn 80 km và các hệ thống chống tăng tiên tiến, vốn được xem là chìa khóa cho quá trình hiện đại hóa bộ binh của Manila, theo trang Benar News.

Tập trận trên Biển Đông, Philippines lần đầu được tiếp cận hệ thống HIMARS của Mỹ - Ảnh 1.

Màn trình diễn khai hỏa hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) trong cuộc tập trận "Salaknib" ở căn cứ Fort Magsaysay ngày 31.3

REUTERS

Theo kế hoạch, cuộc diễn tập Salaknib bắt đầu vào ngày 13.3 và kéo dài đến hết ngày 4.4. Đây là một cuộc diễn tập thường niên, và là một phần của cuộc tập trận chung “Balikatan” giữa quân đội 2 nước nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Manila trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Năm nay, cuộc tập trận Balikatan năm nay quy tụ 17.600 quân nhân, trong đó có khoảng 12.000 người của Mỹ, Reuters đưa tin.

Theo thông báo chính thức, mục đích chính của cuộc tập trận là “tăng cường khả năng tương tác giữa lực lượng trên bộ giữa 2 nước” và diễn ra tại Fort Magsaysay, một trong 5 căn cứ mà quân đội Mỹ được quyền tiếp cận ở Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA).

Ngày 31.3, cả quan chức quân đội Mỹ và Philippines đều không muốn bình luận về những căng thẳng trong khu vực nhưng họ thừa nhận rằng hệ thống HIMARS có thể có hiệu quả trong việc ngăn chặn các mối đe dọa từ xa.

“Hôm nay chúng tôi đã trình diễn cách khai hỏa hệ thống vũ khí HIMARS. Thực sự trong bất kỳ tình huống chiến đấu nào, HIMARS đều rất hữu ích”, Thiếu tá Joe Roberts, một sĩ quan tác chiến của Mỹ cho biết.

Trung Quốc cảnh báo Philippines không "rước sói vào nhà" khi củng cố quan hệ quân sự với Mỹ

Trung tá Tar Cayton thuộc trung đoàn pháo binh của quân đội Philippines đánh giá cao cuộc huấn luyện. Theo bà, cuộc tập trận đã cho binh sĩ nước bà cơ hội thử hệ thống mới. Bà bảy tỏ hy vọng HIMARS là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch mua sắm và hiện đại hóa quân sự của Philippines.


***********

Hải quân Mỹ tăng tốc đóng tàu ngầm hạt nhân tấn công

Khánh An

Hải quân Mỹ tăng tốc đóng tàu ngầm hạt nhân tấn công  - Ảnh 1.

Tàu ngầm USS Hyman G. Rickover tại xưởng đóng tàu của General Dynamics Electric Boat

HẢI QUÂN MỸ

Trang USNI News ngày 1.4 đưa tin Hải quân Mỹ ước tiến độ sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia hằng năm sẽ đạt 2 chiếc trong vòng 5 năm tới.

Các quan chức cho biết 2 hãng General Dynamics Electric Boat (thuộc General Dynamics) và Newport News Shipbuilding (thuộc Huntington Ingalls Industries) sẽ cung cấp 2 tàu/năm vào năm 2028 với sự cải thiện ổn định trong tuyển dụng và duy trì lực lượng lao động nhà máy đóng tàu.

Hai xưởng đóng tàu trên hiện có tiến độ bàn giao trung bình 1,3 tàu ngầm/năm.

"Tôi đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đuôi tàu và mũi tàu ở Virginia và đưa những thứ đó lên Electric Boat ở Connecticut để tích hợp", theo Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro.

Ông cho biết đang thúc đẩy lĩnh vực này bằng mọi cách để có thể tăng tốc sản xuất. Hai xưởng đóng tàu trên chia nhau công việc cho mỗi tàu ngầm lớp Virginia và Columbia.

Newport News Shipbuilding đóng phần mũi và đuôi tàu, trong khi General Dynamics Electric Boat đóng phần giữa của mỗi tàu ngầm, bao gồm các khoang lò phản ứng.

Một nguồn tin cho biết việc đóng một số phần mũi và đuôi tàu ngầm lớp Virginia đã trễ tiến độ vài tháng.

Tàu ngầm tên lửa hạt nhân Nga sẽ sớm hoạt động thường xuyên ngoài khơi Mỹ?

Newport News Shipbuilding cho biết đang tiếp tục làm việc khẩn trương để cung cấp các tàu ngầm chất lượng cao nhất cho Hải quân. "Chúng tôi đang áp dụng các bài học rút ra từ các tàu ngầm lớp Virginia trước đây và hợp lý hóa các quy trình của chúng tôi để thực hiện hiệu quả hơn", theo báo cáo của hãng.

Lịch trình đóng tàu ngầm đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và khối lượng công việc tăng thêm cho mô-đun tải trọng lớp Virginia, cũng như phải cân bằng với công việc liên quan dây chuyền tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia.

"Sự thiếu hụt công nhân trong lĩnh vực tàu ngầm và trên toàn quốc rõ ràng là một thách thức quốc gia mà tất cả chúng ta phải cùng nhau giải quyết. Chúng tôi đang hợp tác rất chặt chẽ với ngành công nghiệp này để cố gắng thu hẹp những khoảng cách này", Bộ trưởng Del Toro cho biết.


************

Tin tức thế giới 1-4: Ông Trump không bị còng tay; Tổng thống Pháp khó xử với Trung Quốc


Tin tức thế giới 1-4: Ông Trump không bị còng tay; Tổng thống Pháp khó xử với Trung Quốc - Ảnh 1.

Một trong số những người ủng hộ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đứng bên ngoài khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm 31-3, một ngày sau khi ông Trump bị đại bồi thẩm đoàn Manhattan (New York, Mỹ) truy tố - Ảnh: REUTERS

Sau khi bị truy tố hình sự, ông Trump đang có những bước chuẩn bị trước ngày xuất hiện tại tòa ở New York (Mỹ).

Xác định ngày ông Trump ra tòa

Một số thông tin cho biết ông Trump sẽ tự nguyện xuất hiện tại tòa vào tuần sau, sớm nhất vào thứ ba (4-4).

Theo cập nhật của Đài CNN, cựu tổng thống Mỹ sẽ tới Manhattan vào khoảng 14h15 chiều 4-4 theo giờ New York, tức rạng sáng 5-4 theo giờ Việt Nam.

Các nguồn tin của CNN nói ông Trump sẽ bị truy tố khoảng 30 tội danh liên quan tới sổ sách kinh doanh. 

Mặc dù vậy, tới nay cáo trạng vẫn đang niêm phong và chưa được Văn phòng biện lý quận Manhattan công bố.

Vụ truy tố hình sự này liên quan tới cáo buộc ông Trump "chi tiền bịt miệng" nữ diễn viên khiêu dâm Stormy Daniels (tên thật là Stephanie Clifford).

Câu hỏi then chốt là liệu ông Trump có chỉ đạo luật sư Michael Cohen trả 130.000 USD để mua sự im lặng của Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 hay không.

* Không còng tay và không nhận tội. Theo luật sư bào chữa Joe Tacopina của cựu tổng thống Trump, ông Trump sẽ không bị còng tay khi ra trình diện vào tuần tới tại New York để đối mặt với các cáo buộc hình sự.

Bà Susan Necheles, một luật sư khác của ông Trump, cho biết cựu tổng thống sẽ không nhận tội. Trong khi đó, ông Tacopina nói ông Trump có khả năng sẽ bị lấy dấu vân tay và trải qua các thủ tục thông thường khác khi ra tòa vào ngày 4-4.

* Mỹ kéo dài triển khai tàu sân bay sau cuộc tấn công ở Syria. Washington đã quyết định gia hạn việc triển khai tàu USSH George H.W. Bush để các nhà hoạch định chính sách có thêm nhiều lựa chọn, sau các cuộc tấn công chết người vào tuần trước ở Syria bởi các lực lượng do Iran hậu thuẫn.

Theo Reuters, quyết định này có thể đồng nghĩa rằng nhóm tấn công của tàu George H.W. Bush và hơn 5.000 binh sĩ của họ, hiện đang ở trong khu vực hoạt động của Bộ Tư lệnh châu Âu, sẽ không trở về cảng nhà ở Mỹ theo lịch trình.

Tổng thống Pháp sẽ cảnh báo Trung Quốc

Theo Điện Elysée, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc ủng hộ quân sự cho Nga trong chiến sự ở Ukraine.

Ông Macron sẽ thăm Trung Quốc vào tuần sau, và có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Chuyến đi này là một phần trong chương trình đối ngoại quan trọng của hai bên, mang ý nghĩa đáng kể cả về hợp tác song phương lẫn các vấn đề quốc tế.

Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Pháp, có thể đóng vai trò đáng kể trong nỗ lực hồi phục kinh tế của quốc gia châu Âu này. 

Tuy nhiên, Paris với vai trò đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), cũng chịu áp lực phải thể hiện lập trường trước Bắc Kinh trong nhiều vấn đề như nhân quyền hoặc chiến sự Ukraine.

Tin tức thế giới 1-4: Ông Trump không bị còng tay; Tổng thống Pháp khó xử với Trung Quốc - Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: REUTERS

Châu Âu ủng hộ Ukraine và lên án "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Trung Quốc cũng được kỳ vọng mang tới giải pháp cho tình hình Ukraine, nhưng có nhiều tin đồn nói Bắc Kinh tỏ ý ủng hộ Nga, thậm chí có khả năng chuyển vũ khí sát thương cho Nga.

Theo Điện Elysée, tại cuộc gặp sắp tới, ông Macron sẽ cảnh báo ông Tập rằng việc hỗ trợ quân sự cho Nga sẽ là thảm họa.

"Chúng tôi muốn tránh kịch bản tệ nhất, và đây là lý do chúng tôi cần phối hợp với Trung Quốc, thể hiện lập trường", một quan chức nói với AFP.

* IMF thông qua khoản vay 15,6 tỉ USD cho Ukraine. Ngày 31-3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết ban điều hành của họ đã thông qua gói tài trợ 15,6 tỉ USD trong bốn năm cho Ukraine. 

Đây là một phần của gói hỗ trợ quốc tế tổng trị giá 115 tỉ USD cho Ukraine trong xung đột với Nga.

Theo Hãng tin Reuters, quyết định này dự kiến sẽ huy động nguồn tài chính ưu đãi quy mô lớn từ các nhà tài trợ và đối tác quốc tế của Ukraine để giúp giải quyết vấn đề cán cân thanh toán của Ukraine.

* ChatGPT phải chặn quyền truy cập vào người dùng Ý trước 1-4. Người phát ngôn của Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý tuyên bố chatbot ChatGPT của OpenAI phải chặn quyền truy cập vào người dùng ở Ý từ ngày 1-4 hoặc đối mặt với án phạt.

Cơ quan này đã công bố lệnh cấm tạm thời đối với ChatGPT vào đầu ngày 31-3, vì những lo ngại về việc quản lý dữ liệu của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) này.

ChatGPT vẫn hoạt động ở Ý vài giờ sau đó, nhưng cơ quan dữ liệu nhận ra rằng không thể cắt quyền truy cập ngay lập tức. "Chúng tôi hy vọng dịch vụ sẽ bị chặn từ ngày 1-4", người phát ngôn nói.

* Trung Quốc kiểm tra các sản phẩm của nhà sản xuất chip Micron của Mỹ về rủi ro an ninh mạng. Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá an ninh mạng đối với các sản phẩm do nhà sản xuất chip nhớ của Hãng Micron Technology (Mỹ) bán ở nước này.

Theo tuyên bố của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), việc rà soát nhằm bảo vệ an ninh của chuỗi cung ứng cho cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn và bảo vệ an ninh quốc gia.

CAC không đưa ra chi tiết nào khác. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh cãi về công nghệ chip giữa Washington và Bắc Kinh.

* Người đàn ông New York lãnh 22 năm tù vì giết người nhập cư Trung QuốcMột người đàn ông ở thành phố New York đã nhận tội ngộ sát và tội thù hận trong vụ giết một người nhập cư Trung Quốc vào năm 2021. Nhà chức trách cho biết y bị kết án 22 năm tù.

Jarrod Powell tấn công ông Yao Pan Ma, 61 tuổi, ở khu phố East Harlem của Manhattan vào năm 2021. 

Đây là một trong một loạt cuộc tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương trên khắp Mỹ.

Ông Ma hôn mê 8 tháng trước khi qua đời. Video giám sát của cảnh sát về vụ tấn công vào tháng 4-2021 cho thấy Ma bị một người đàn ông đơn độc xô ngã từ phía sau và đá nhiều phát vào đầu.

* 11 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp vì viện trợ lương thực ở miền nam Pakistan. Một quan chức y tế cho biết, 11 người đã thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp trong quá trình phân phát viện trợ lương thực ở thành phố Karachi, miền nam Pakistan.

Cảnh sát cho biết những người thiệt mạng bao gồm 5 phụ nữ và 3 trẻ em, trong khi 5 người khác phải nhập viện sau vụ việc.

Hàng ngàn người đã tập trung tại các trung tâm phân phối bột mì được thành lập trên khắp đất nước. Một số điểm này do chính phủ hỗ trợ nhằm giảm bớt tác động của lạm phát, hiện đang ở mức trên 30%, mức cao nhất trong 50 năm.

Tin tức thế giới 1-4: Ông Trump không bị còng tay; Tổng thống Pháp khó xử với Trung Quốc - Ảnh 5.

Người dân Pakistan khóc trước cái chết của thân nhân trong vụ giẫm đạp tại Karachi (Pakistan) ngày 31-3 - Ảnh: REUTERS


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn