Thủ tướng Israel Bennett bí mật tới Moskva gặp TT Nga Putin ( Cập nhật liên tục )

Thứ Bảy, 05 Tháng Ba 20227:16 CH(Xem: 6251)
Thủ tướng Israel Bennett bí mật tới Moskva gặp TT Nga Putin ( Cập nhật liên tục )

ĐỌC NHANH 6-3: Nga cho tiến công trở lại sau vài giờ ngưng bắn

 


ĐỌC NHANH 6-3: Nga cho tiến công trở lại sau vài giờ ngưng bắn - Ảnh 1.

Cột khói bốc lên ở thành phố Mariupol của Ukraine hôm 4-3 - Ảnh: AP

* Hành lang nhân đạo ở thành phố Kharkov của Ukraine có thể được thiết lập sớm nhất vào ngày 6-3, ông Davyd Arakhamia, thành viên của đoàn đàm phán Ukraine với Nga cho biết, hãng Sputnik của Nga đưa tin.

Trước đó, Phó thủ tướng Ukraine Vereshchuk cho biết Ukraine đang chuẩn bị các hành lang nhân đạo ở Sumy, Kharkov và Kherson, cũng như sơ tán công dân khỏi ngoại ô Kiev.

* Sáng 6-3 (giờ Việt Nam), Tổng thống Ukraine đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Biden về các biện pháp hỗ trợ an ninh và tài chính, theo Reuters. 

Thông tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden nhấn mạnh chính quyền của ông đang tăng cường hỗ trợ an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine và đang hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để đảm bảo nguồn tài chính bổ sung. 

Ông Biden cũng nhắc lại mối quan ngại của ông về vụ cháy một nhà máy điện hạt nhân của Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các cuộc đàm phán gần đây giữa Nga và Ukraine.

Trước đó, văn phòng ông Zelensky đăng tải video khẳng định ông vẫn đang ở văn phòng tại thủ đô Kiev, bác bỏ thông tin ông đã rời khỏi đất nước.

ĐỌC NHANH 6-3: Nga cho tiến công trở lại sau vài giờ ngưng bắn - Ảnh 2.

Một cây cầu bị phá hủy ở thành phố Irpin, tây bắc Kiev, ngày 5-3 - Ảnh: AFP

Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva trong gần 3 giờ, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã điện đàm với tổng thống Ukraine và bay tới Đức để hội đàm với thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz. 

Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Bennett trước khi ông tới Nga, như một phần trong nỗ lực chung "nhằm đạt ngừng bắn ở Ukraine".

Các hãng thẻ thanh toán Visa và Mastercard thông báo sẽ dừng hoạt động ở Nga, trở thành những doanh nghiệp Mỹ mới nhất tham gia chiến dịch đình chỉ kinh doanh với Matxcơva liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Ngày 5-3, Mastercard cho biết "do bản chất chưa từng có của xung đột hiện nay và môi trường kinh tế không ổn định", hãng đã quyết định dừng dịch vụ mạng ở Nga. Còn Visa cho biết sẽ "ngay lập tức" phối hợp với khách hàng và đối tác ở Nga để dừng mọi giao dịch Visa trong những ngày tới.

* Ông Vadym Boychencko, thị trưởng thành phố Mariupol, cho biết các lực lượng Nga đang tăng cường pháo kích vào các khu dân cư của thành phố này. Hàng ngàn trẻ em, phụ nữ và người già đang ở dưới làn đạn khi chuẩn bị sơ tán qua hành lang nhân đạo.

ĐỌC NHANH 6-3: Nga cho tiến công trở lại sau vài giờ ngưng bắn - Ảnh 3.

Một thành viên của lực lượng Ba Lan hỗ trợ người Ukraine tại biên giới Ukraine - Ba Lan, ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

* Theo phóng viên TTXVN tại Matxcơva, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết "do phía Ukraine không sẵn lòng gây ảnh hưởng đến các lực lượng dân tộc chủ nghĩa hoặc kéo dài chế độ ngừng bắn, các hành động tấn công đã được nối lại vào 18h theo giờ Matxcơva (tức 22h theo giờ Việt Nam)". 

Theo ông Konashennkov, các tiểu đoàn theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine đã lợi dụng lệnh ngừng bắn để tập hợp lại và củng cố vị trí.

* Ngày 5-3, nhà đàm phán Ukraine David Arakhamiya đăng trên Facebook cho biết vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga - Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 7-3.

* Cao ủy Liên Hiệp Quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) đã thống kê được có 1.368.864 người đã rời khỏi Ukraine tính đến ngày 5-3, nhiều hơn gần 160.000 người so với một ngày trước đó.

LHQ dự đoán số người sơ tán sẽ gia tăng khi quân đội Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine. Các trận giao tranh ác liệt vẫn diễn ra xung quanh thủ đô Kiev.

* LHQ cho biết ít nhất 351 dân thường Ukraine thiệt mạng và 707 người bị thương kể từ khi cuộc chiến nổ ra 10 ngày trước. LHQ nói con số thực tế có thể cao hơn đáng kể.

Phía Ukraine tuyên bố ít nhất 2.000 dân thường đã thiệt mạng.

* Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Nga đã mất hàng chục máy bay và hàng trăm xe bọc thép. Ông lặp lại lời phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng 10.000 quân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ngày 2-3, Nga tiết lộ số người chết là 498 người.

Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi EU và NATO ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Hãng thông tấn RIA cho biết Matxcơva đặc biệt lo ngại tên lửa phòng không Stinger có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố và gây ra mối đe dọa cho các hãng hàng không.

ĐỌC NHANH 6-3: Nga cho tiến công trở lại sau vài giờ ngưng bắn - Ảnh 4.

Người tị nạn Ukraine đến Vysne Nemecke, Slovakia chờ được chuyển đi tiếp ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các lực lượng Nga đã chiếm giữ hai nhà máy điện của Ukraine và đang tiến về nhà máy thứ ba. Nga hiện đang kiểm soát nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia ở phía nam thành phố Enerhodar - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu -  và Chernobyl - hiện không hoạt động.

* Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về chiến sự Ukraine.

"Ông Blinken nhấn mạnh rằng thế giới đang đồng lòng phản đối và đáp trả hành động gây hấn của Nga, đảm bảo rằng Matxcơva sẽ phải trả giá đắt", ông Price nói.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị "khuyến khích Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu và Nga cùng đối thoại trên cơ sở bình đẳng, đối mặt với những mâu thuẫn và vấn đề tích tụ trong nhiều năm, và chú ý đến tác động tiêu cực của việc NATO liên tục mở rộng về phía đông đối với an ninh Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sẽ tiếp tục "phối hợp chặt chẽ" để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho xung đột Nga - Ukraine. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara vào tháng 12-2020.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Matxcơva vào ngày 5-3 để thảo luận về khủng hoảng Ukraine. Israel đã đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Thủ tướng Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Putin sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tuần trước.

* Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố áp dụng các biện pháp cứng rắn tương xứng để đáp trả các lệnh trừng phạt của Anh, hướng tới "suy yếu lợi ích của Anh ở Nga".

* Hãng hàng không quốc gia Nga Aeroflot sẽ tạm dừng toàn bộ các đường bay quốc tế kể từ ngày 8-3, ngoại trừ các tuyến đến Belarus và nội địa.

* Cơ quan giám sát mạng của Kiev cho biết các trang web của Ukraine đã bị các tin tặc tấn công liên tục kể từ khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự tại nước này.



Thủ tướng Israel Bennett bí mật tới Moskva gặp Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin với vai trò như bên hòa giải xung đột ở Ukraine.

Điện Kremlin hôm 5/3 ra tuyên bố qua email cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã cùng thảo luận về "các khía cạnh khác nhau của tình hình ở Ukraine trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ Donbass".

Nga cho biết Thủ tướng Israel đã có chuyến thăm ngắn tới Moskva, song không nêu thêm chi tiết. Phía Israel giữ kín thông tin về hoạt động này của Thủ tướng Bennett trước khi nó diễn ra, chỉ thông báo riêng với phía Mỹ về chuyến thăm.

Ze'ev Elkin, bộ trưởng Bộ Gia cư Israel, người biết nói tiếng Nga, tháp tùng Thủ tướng Bennet và đóng vai trò phiên dịch trong cuộc thảo luận kéo dài hai tiếng rưỡi giữa hai lãnh đạo. Hiện kết quả hội đàm chưa được các bên công bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Bennet gần đây nhiều lần điện đàm với cả Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang. Israel đang cố gắng tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với cả Moskva và Kiev để đóng vai trò trung gian hòa giải.

Thủ tướng Bennett là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới Nga kể từ khi quân đội nước này mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Phía Ukraine trước đó cũng đề nghị Israel đối thoại với Nga.

Thủ tướng Israel vẫn tỏ ra thận trọng về cuộc xung đột Ukraine, tìm cách duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Kiev và Moskva. Bennett không cùng các lãnh đạo phương Tây, đặc biệt là đồng minh Mỹ thân cận, chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Chính phủ Ukraine đã đề nghị tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Nga, sau khi hai vòng đàm phán đầu tiên không đạt kết quả về một lệnh ngừng bắn. Davyd Arakhamia, thành viên phái đoàn Ukraine, cho biết vòng đàm phán thứ ba giữa hai nước sẽ diễn ra vào ngày 7/3.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã kéo dài hơn 10 ngày. Lực lượng Nga kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Moskva khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.

Quân đội hai nước ngày 6/3 nhất trí ngừng bắn trong khoảng 5 giờ tại thành phố Mariupol ở phía đông nam và Volnovakha thuộc tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, để mở hành lang sơ tán dân thường. Tuy nhiên, hai bên bất đồng về biện pháp thực thi hành lang an toàn, khiến người dân không được sơ tán và chiến sự tiếp diễn sau đó.

Trong phát biểu hôm qua trước các nhân viên hãng hàng không Aeroflot, Tổng thống Putin cho rằng "mọi thứ vẫn diễn ra theo kế hoạch" tại Ukraine và quân đội Nga sẽ hoàn thành mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt, đó là "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như bảo đảm trạng thái trung lập của nước này".


Mỹ xem xét để Ba Lan chuyển tiêm kích cho Ukraine

Nhà Trắng xác nhận Mỹ đang thảo luận với Ba Lan về khả năng cung cấp tiêm kích cho Ukraine, khi Kiev kêu gọi phương Tây tăng hỗ trợ an ninh.

Người phát ngôn Nhà Trắng hôm 5/3 cho biết theo các cuộc thảo luận với Ba Lan, Mỹ đang xác định "những khả năng mà chúng tôi có thể cung cấp để bù đắp cho Ba Lan nếu nước này quyết định chuyển máy bay cho Ukraine", song không nêu chi tiết những phương án bù đắp nào đang được xem xét.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng, việc gửi máy bay chiến đấu đến Ukraine là "quyết định mang tính chủ quyền đối với bất kỳ quốc gia nào" và lưu ý có rất nhiều công việc hậu cần phải thực hiện, bao gồm cả cách máy bay được chuyển từ Ba Lan đến Ukraine.

Hai nghị sĩ tham gia cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với các thượng nghị sĩ Mỹ hôm 5/3 cho biết lãnh đạo Ukraine nói rằng Ba Lan đã báo hiệu chuẩn bị gửi tiêm kích MiG nhưng "đang chờ Mỹ đồng ý".

Tiêm kích MIG-29 của Không quân Ba Lan tại Căn cứ Không quân số 22 ở Malbork, phía bắc Ba Lan tháng 8/2021. Ảnh: Anadolu Agency.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ba Lan tại Căn cứ Không quân số 22 ở Malbork, phía bắc Ba Lan tháng 8/2021. Ảnh: Anadolu Agency.

Ba Lan đang vận hành 28 tiêm kích MiG-29, nhiều nhất trong khối NATO, gồm 23 chiến đấu cơ một chỗ ngồi và biến thể huấn luyện MiG-29UB hai chỗ ngồi. Đây là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982.

Tiêm kích MiG-29 có tốc độ tối đa 2.400 km/h, trần bay 18 km và tầm bay 1.430 km. Dòng MiG-29 cơ bản được trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm, 7 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ, mang được tối đa 3,5 tấn vũ khí gồm tên lửa đối không R-27 và R-73, cũng như nhiều loại bom và rocket.

Các máy bay MiG-29 Ba Lan đã trải qua nhiều đợt nâng cấp để bảo đảm khả năng hoạt động đến năm 2025, trong khi vai trò tác chiến chủ lực hiện được giao cho phi đội 48 tiêm kích F-16 Block 52+ và tương lai là 32 chiếc F-35A.

Cũng trong cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn một giờ, Tổng thống Ukraine kêu gọi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Nga, bao gồm cả về năng lượng, và hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho các lực lượng Ukraine. Ông cảm ơn sự hỗ trợ của Mỹ, nhưng thông điệp chung là Kiev cần được giúp đỡ nhiều hơn.

Nhà Trắng sau đó xác nhận Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với ông Zelensky trong khoảng 30 phút. Zelensky xác nhận về cuộc gọi, cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Biden về "các vấn đề hỗ trợ an ninh, tài chính cho Ukraine và tiếp tục các lệnh trừng phạt chống lại Nga".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev hôm 4/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Kiev hôm 4/3. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine thông báo với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng lực lượng Nga đang kiểm soát hai nhà máy điện hạt nhân là Zaporizhzhya ở phía đông nam thành phố Enerhodar và Chernobyl ở miền bắc nước này.

Zaporizhzhya là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine, bị lực lượng Nga kiểm soát từ ngày 4/3. Nhà máy Chernobyl hiện không hoạt động nhưng vẫn được Ukraine biên chế và bảo trì.

Tổng thống Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tiến về nhà máy điện hạt nhân thứ ba là Yuzhnoukrainsk ở tỉnh Mykolaiv, miền nam Ukraine. Theo Zelensky, đây là một trong số những thành phố mà Nga đang tìm cách bao vây.

Giao tranh giữa Nga và Ukraine đã gây ra vụ hỏa hoạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya vào rạng sáng 4/3, nhưng ngọn lửa được dập tắt sau đó. Cơ quan quản lý năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết các hệ thống an toàn kỹ thuật không bị tổn hại và nồng độ bức xạ vẫn bình thường tại nhà máy Zaporizhzhya. Hai trong số 6 lò phản ứng tại nhà máy đang hoạt động.

Nếu không tính Chernobyl, Ukraine có 4 nhà máy hạt nhân đang hoạt động với tổng cộng 15 lò phản ứng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 5/3 cho biết binh sĩ Nga đang áp sát nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine, song không nêu tên nhà máy.

Theo Energoatom, cơ quan giám sát các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, Yuzhnoukrainsk là cơ sở hạt nhân lớn thứ hai nước này về công suất phát điện.

"Tổng thống Nga phải ngăn chặn thảm họa nhân đạo này bằng cách chấm dứt cuộc chiến và ngừng các cuộc tấn công", đại sứ Mỹ nói thêm. "Cộng đồng quốc tế phải nhất trí yêu cầu các lực lượng Nga dừng tấn công".

Vị trí các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine cùng số lò phản ứng (chấm tròn đỏ) tại mỗi nhà máy. Đồ họa: Business Insider.

Ukraine cho biết lập vùng cấm bay là một trong những yêu cầu quan trọng mà họ đưa ra với các đồng minh phương Tây kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự. Những người ủng hộ ý tưởng tin rằng vùng cấm bay sẽ cắt đứt hoạt động đường không của Nga, ngăn đà tiến công của quân đội Nga về phía Kiev.

Tuy nhiên, quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện quan điểm rõ ràng và nhất quán sẽ không cân nhắc phương án lập vùng cấm bay ở Ukraine vì lo ngại những hệ quả nguy hiểm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đồng ý rằng thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine "có thể kích động chiến tranh toàn diện ở châu Âu".

Trong phát biểu hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố bất kỳ nước nào áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine "sẽ bị coi là tham gia xung đột vũ trang" với Moskva.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2 và chiến sự đã bước sang ngày thứ 11. Lực lượng Nga kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này. Moskva khẳng định chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.

Chính phủ Ukraine được cho là đã đề nghị tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Nga, sau khi hai vòng đàm phán đầu tiên không đạt kết quả về một lệnh ngừng bắn. Quan chức Nga cho biết cuộc đàm phán tiếp theo có thể diễn ra vào ngày 7/3.

Huyền Lê (Theo Times of Israel, CNN)


Nga yêu cầu EU và Nato 'ngừng bơm vũ khí vào Ukraine'

Hãng thông tấn RIA của Nga trích Bộ Quốc phòng nước này nói họ "yêu cầu Nato và các nước EU ngừng bơm vũ khí vào Ukraine".

Giới chức Nga cũng nói họ sẽ coi quyết định của Nato đặt vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine "như một lời tuyên chiến", tuy chưa có quyết định như vậy được chuẩn bị nêu ra.

Phát biểu mới của Tổng thống Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông không có kế hoạch tuyên bố thiết quân luật ở Nga.

Tại cuộc gặp với các tiếp viên hàng không làm việc cho Aeroflot, được chiếu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Nga nói rằng bước đi đó sẽ chỉ được thực hiện trong "các trường hợp xâm lược từ bên ngoài, trong các khu vực hoạt động quân sự xác định".

"Nhưng chúng tôi không có tình huống như vậy và tôi hy vọng sẽ không có", ông nói.

Ông nói rằng bất kỳ quốc gia nào áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine sẽ được coi là đã tham gia cuộc chiến ở Ukraine.

"Bất kỳ chuyển động nào theo hướng này sẽ được chúng tôi coi là sự tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang", Tổng thống Nga nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đổ lỗi cho việc từ chối áp đặt vùng cấm bay là do "sự yếu kém" và "mất đoàn kết" của Nato.

Nato đã nói rằng nó sẽ dẫn đến sự leo thang nguy hiểm của cuộc chiến đối với nhiều quốc gia khác.

Sơ tán 'không thành công'

Một lệnh ngừng bắn đã được thỏa thuận giữa Nga và Ukraine - cho phép dân thường sơ tán khỏi hai thành phố phía đông nam Ukraine - đã tan rã, chỉ vài giờ sau khi được công bố.

Thành phố cảng lớn Mariupol và thành phố nhỏ hơn là Volnovakha đã bị pháo kích cực mạnh trong vài ngày qua.

Nhưng ngày thứ Bảy bắt đầu với thông báo rằng thường dân sẽ được phép rời đi theo các tuyến đường đã thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 09:00 - 16:00 giờ địa phương (07:00 - 14:00 GMT). Một lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực đồng thời.

Tuy nhiên, không lâu sau khi bắt đầu, phía Ukraine cáo buộc quân đội Nga lợi dụng lệnh ngừng bắn để tiến công.

Sau đó, chúng tôi nhận được báo cáo về giao tranh xung quanh thành phố Orikhiv, nằm trên tuyến đường ra khỏi Mariupol.

Tiếp theo, BBC nghe được từ phó thị trưởng Mariupol và từ một người dân trong thành phố rằng lực lượng Nga vẫn đang pháo kích vào khu vực này.

Hội đồng thành phố Mariupol thông báo rằng việc sơ tán dân thường đã bị hoãn lại vì sự an toàn của họ không còn được đảm bảo.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ khi "những người theo chủ nghĩa dân tộc" Ukraine nã đạn vào quân đội nước này

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev


ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine di chuyển gần một ngôi trường bị pháo kích ở thành phố Zhytomyr, Ukraine ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS

* Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 5-3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bày tỏ thất vọng trước quyết định của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

* Ngày 5-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Ba Lan để hội đàm với các quan chức sở tại trong bối cảnh hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine đổ về quốc gia Đông Âu này.

* Theo Hãng tin Reuters, Nga tuyên bố các lực lượng của họ đã ngừng bắn ở gần hai thành phố của Ukraine để cho phép dân thường di tản khỏi vùng chiến sự một cách an toàn, nhưng Bộ Quốc phòng vẫn đang tiếp tục cuộc tấn công trên diện rộng ở Ukraine. Thủ đô Kiev đang bị các đợt tấn công mới.

* Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ tạm ngừng bắn gần 2 thành phố của Ukraine từ 14h ngày 5-3 (giờ Việt Nam) để cho phép triển khai hành lang nhân đạo đã thống nhất trước đó với Ukraine. Theo Hãng thông tấn RIA của Nga, hành lang nhân đạo sẽ được mở cho thường dân Ukraine ở các thành phố Mariupol, Volnovakha trong chiều 5-3 giờ Việt Nam.

Về phía Ukraine, thị trưởng thành phố Mariupol, ông Vadym Boychenko, xác nhận chính quyền thành phố này đã được thông báo về thỏa thuận ngừng bắn của Nga. Giới chức đang lên kế hoạch vận chuyển thuốc men và các vật dụng thiết yếu khác.

Chính quyền Ukraine nói họ dự định sẽ sơ tán khoảng 200.000 người dân ở Mariupol và 15.000 người ở Volnovakha. Tổ chức Chữ thập đỏ là bên bảo đảm lệnh ngừng bắn được thực thi nghiêm túc.

* Theo Hãng tin Reuters, ngày 5-3, Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov của Ukraine thông tin đã có 66.224 người Ukraine từ nước ngoài trở về nước để tham gia chiến đấu.

* Nhà Trắng ngày 5-3 (giờ Việt Nam) cho biết phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến Ba Lan và Romania trong tuần tới. Bà sẽ gặp các lãnh đạo Ba Lan và Romania để phối hợp phản ứng với Nga và thảo luận cách Mỹ có thể hỗ trợ các nước giáp biên với Ukraine trước làn sóng người dân đi tị nạn chiến tranh.

* Singapore ngày 5-3 công bố danh sách các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm 4 ngân hàng, và cấm xuất khẩu các thiết bị điện tử, máy tính và các thiết bị quân sự, theo Hãng tin Reuters. Singapore cho biết nước này sẽ không cho phép xuất khẩu các mặt hàng có thể "gây tổn hại tới người Ukraine" hoặc "giúp Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng".

* Ngày 5-3, thị trưởng thành phố cảng Mariupol, ông Vadym Boychenko, cho biết thành phố này đã bị các lực lượng Nga "phong tỏa"theo Hãng tin AFP. Trước đó, ông Boychenko đã cảnh báo thành phố đang cạn dần thực phẩm, nước, nhiệt và điện, đồng thời kêu gọi hỗ trợ quân sự và mở hành lang nhân đạo để sơ tán khoảng 400.000 cư dân của thành phố.

* Ngày 5-3, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) thông tin tính đến ngày 3-3 đã có hơn 1,2 triệu người tị nạn rời khỏi Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này. Trong số này có hơn một nửa đã đến Ba Lan, số còn lại đến các nước láng giềng khác như Hungary, Slovakia, Moldova và Romania.

* Theo Hãng tin AP, các lực lượng Nga đang tiếp tục bắn tên lửa và đạn pháo vào nhiều thành phố và địa điểm trên khắp Ukraine trong sáng 5-3 giờ địa phương. Trong khi đó, đoàn xe quân sự dài hàng chục km của Nga vẫn không thể tiến gần Kiev hơn.

* Ngày 5-3, trong video đăng trên Instagram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông vẫn tiếp tục làm việc tại văn phòng tổng thống ở thủ đô Kiev, theo Hãng thông tấn TASS.

"Tin tức hàng ngày đều nói rằng tôi đã rời khỏi Ukraine, rời khỏi Kiev, rời khỏi văn phòng của tôi. Tôi đang ở đây, và (người đứng đầu văn phòng tổng thống) Andrey Borisovich (Yermak) cũng đang ở đây. Không ai chạy trốn cả", ông Zelenskiy nói trong video.

Trước đó, chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nói ông Zelensky đã chạy lánh nạn sang Ba Lan.

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong video đăng ngày 5-3 trên Telegram - Ảnh: TELEGRAM

* Sáng 5-3 (giờ Việt Nam), nhiều hãng truyền thông lớn như Đài CNN, BBC, CBC, hãng tin Bloomberg đã ngừng đưa tin ở Nga sau khi nước này thông qua luật cho phép bỏ tù đến 15 năm đối với bất cứ ai bị phát hiện tung tin "giả" về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo Hãng tin Reuters, Nga cũng sẽ phạt người kêu gọi trừng phạt nước này liên quan đến vấn đề nói trên. Điện Kremlin vẫn chưa bình luận về động thái của các hãng truyền thông.

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 3.

Một ngôi nhà bốc cháy vì bị pháo kích tại thị trấn Irpin, phía tây thủ đô Kiev, Ukraine ngày 4-3 - Ảnh: AP

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 4.

Người dân, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, lên tàu rời thủ đô Kiev đến thành phố Lviv, Ukraine ngày 4-3 - Ảnh: AP

* Ngày 4-3 (giờ địa phương), Mỹ điều các máy bay ném bom B-52 Stratofortress tham gia tập trận chung với quân đội Đức và Romania nhằm thể hiện sự đoàn kết trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Các máy bay B-52 đã vào rìa của các nước thành viên NATO, tiếp giáp không phận Ukraine.

* Đài CNN dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết giới chức Mỹ và NATO đang theo dõi tình hình tại Ukraine nhận định Nga hiện đã thay đổi chiến lược so với đầu tuần. Họ cho rằng Nga đang "bắn phá các thành phố" để kiểm soát chúng, và điều này có thể gây thương vong nghiêm trọng cho người dân Ukraine.

* Ngày 4-3 (giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với lĩnh vực lọc dầu của Nga và trừng phạt 91 thực thể tại 10 quốc gia hỗ trợ cho quân đội Nga, theo phóng viên TTXVN tại Washington.

Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ có đoạn: "Những thực thể bị trừng phạt nằm ở Nga, Vương Quốc Anh, Estonia, Tây Ban Nha, Malta, Kazakhstan, Latvia, Belize, Singapore, và Slovakia", và nhấn mạnh rằng những thực thể này đã hỗ trợ cho các cơ quan an ninh, lĩnh vực quân sự của Nga.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đang xem xét các bước để giảm nhập khẩu dầu của Mỹ từ Nga.

* Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rạng sáng 5-3 (giờ Việt Nam), Đại sứ Nga Vasily Nebenzya phủ nhận Nga cố tình nhắm mục tiêu vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ông Nebenzya khẳng định các lực lượng tuần tra Nga đã bị tấn công trước bởi một nhóm phá hoại người Ukraine và buộc phải đáp trả. Nhóm người này sau đó đã rút lui nhưng phóng hỏa một tòa nhà hành chính trong khu vực nhà máy.

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 5.

Đại diện Anh (trái) và Mỹ trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an diễn ra cuối ngày 4-3, rạng sáng 5-3 theo giờ Việt Nam - Ảnh: REUTERS

Ở chiều ngược lại, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield chỉ trích Nga tấn công vào Zaporizhzhia và gọi đây là "sự leo thang nguy hiểm".

Bà cảnh báo trong khi nhân loại đã thoát được một thảm họa hạt nhân ở Zaporizhzhia, nguy cơ vẫn còn khi quân đội Nga đang áp sát nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine và chỉ còn cách nơi đây hơn 30km.

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 6.

Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong đồ họa của New York Times ngày 5-3. Khu vực được đánh dấu bằng hình chữ nhật màu đỏ là nơi xảy ra đám cháy rạng sáng 4-3. Các lò phản ứng nằm ở phía trên cùng của ảnh

* Giao tranh tại khu vực phía bắc thủ đô Kiev tiếp diễn trong ngày 4-3, tập trung ở nhóm dẫn đầu đoàn xe quân sự dài hàng chục kilômet của Nga, theo tình báo Vương quốc Anh.

* Trong cuộc họp báo ngày 5-3 (giờ Việt Nam), người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết sự phản kháng của người Ukraine đã làm chậm bước tiến của đoàn xe quân sự Nga ở phía bắc Kiev.

"Chúng tôi có thông tin một cây cầu nằm trên đường chính đã bị cho nổ tung. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy người Ukraine đang tấn công đoàn xe Nga ở một số địa điểm", ông Kirby thông tin thêm.

* Phần lớn các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Ukraine vẫn đang hoạt động sau giai đoạn bị Nga tấn công phủ đầu, theo một quan chức Mỹ ngày 4-3.

"Ukraine vẫn duy trì được sức mạnh chiến đấu trên không, cả máy bay cánh cố định lẫn trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa đất đối không", Hãng tin Reuters trích lời vị này tiết lộ.

* Tại thành phố Mariupol ở phía nam Ukraine, tình hình cũng đang hết sức nguy cấp khi nơi đây đã bị quân Nga bao vây nhiều ngày qua, theo báo New York Times ngày 5-3.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Nga không tìm cách chia Ukraine thành nhiều phần. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Saudi Arabia công bố ngày 4-3, ông Dmitry Peskov khẳng định mục tiêu của Nga là xóa sạch tư tưởng phát xít khỏi Ukraine và mối đe dọa từ phương Tây.

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 7.

Binh sĩ Ukraine tránh một trận không kích của Nga ở TP Boutcha phía tây Kiev ngày 4-3 - Ảnh: AFP

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 8.

Đoàn xe quân sự Nga nối đuôi nhau ở phía bắc Kiev trong ảnh vệ tinh chụp ngày 28-2 - Ảnh: MAXAR

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos tiến hành ngày 4-3, 80% người Mỹ tham gia khảo sát cho rằng Washington nên ngừng mua năng lượng của Nga. 74% kêu gọi Mỹ làm việc với NATO để thiết lập "vùng cấm bay", từ đó bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc không kích của Nga.

Phần lớn người được hỏi cũng phản đối ý tưởng điều quân Mỹ tới Ukraine hoặc tiến hành các cuộc không kích để hỗ trợ quân đội Ukraine.

* Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày 4-3 đã nói rõ quan điểm của chính quyền Joe Biden về hai vấn đề can thiệp sâu và năng lượng.

Thứ nhất, việc NATO thiết lập "vùng cấm bay" ở Ukraine có thể dẫn tới "một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu". Ông Blinken giải thích nếu đảm bảo không phận Ukraine là khu vực cấm, NATO sẽ phải triển khai máy bay và sẵn sàng bắn hạ máy bay Nga.

Thứ hai, Mỹ chưa vội trừng phạt trực tiếp ngành năng lượng Nga. Trừng phạt vào lúc này sẽ gây ra thiếu nguồn cung, đẩy giá dầu lên cao. Hệ quả là tiền sẽ rời túi người Mỹ nhiều hơn và Nga sẽ thu lợi lớn hơn.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng, thậm chí là "Thế chiến thứ III" như lời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 3-3 nếu NATO thực thi vùng cấm bay.

* Trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Bỉ ngày 4-3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo các nước NATO đã nhất trí sẽ không đưa máy bay hoặc binh sĩ đến Ukraine. Việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine không phải là một lựa chọn đang được xem xét.

ĐỌC NHANH 5-3: Nga tạm ngừng bắn ở 2 thành phố Ukraine, tiếp tục tấn công Kiev - Ảnh 10.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (phải) trong cuộc họp các ngoại trưởng NATO ngày 4-3 - Ảnh: REUTERS

* Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres về tình hình nhân đạo ở Ukraine. Trong cuộc gọi ngày 4-3, ông tiếp tục nhấn mạnh lý do Nga đưa quân vào Ukraine và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Quốc để giải quyết các vấn đề nhân đạo.

* Ukraine sẽ gia nhập Trung tâm phòng thủ không gian mạng hợp tác NATO (CCDCOE) với tư cách là "bên tham gia có đóng góp". Thông báo của CCDCOE ngày 5-3 nhấn mạnh trung tâm này trước đó đã chào đón các nước không phải là thành viên NATO.

Trong họp báo ngày 5-3, đại diện Lầu Năm Góc khẳng định vẫn chưa phát hiện sự thay đổi đáng chú ý nào của lực lượng răn đe hạt nhân Nga tính đến thời điểm hiện tại. Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã đặt lực lượng này vào trạng thái báo động.

* Lo sợ tình hình trở nên tệ hơn, Ấn Độ hối thúc Ukraine và Nga ngừng bắn ở thành phố Sumy phía đông bắc Ukraine để sơ tán công dân. Trong họp báo ngày 4-3, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hơn 700 sinh viên nước này bị mắc kẹt ở Sumy từ lúc chiến sự nổ ra đến nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký thông qua đạo luật trừng phạt những người tung tin giả về hoạt động của quân đội Nga tại Ukraine. Những người chủ ý lan tin giả, bôi xấu quân đội Nga có thể đối mặt 15 năm tù, theo Reuters.


Ukraine nói việc sơ tán dân ở Mariupol đang bị hoãn


Ukraine nói việc sơ tán dân ở Mariupol đang bị hoãn - Ảnh 1.

Một số người dân ở Mariupol rời đi từ ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS

Hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn tuyên bố từ chính quyền Mariupol xác nhận việc sơ tán dân đang bị hoãn.

"Chúng tôi yêu cầu người dân Mariupol giải tán và trở lại hầm trú ẩn. Chúng tôi sẽ sớm cung cấp thêm thông tin về việc sơ tán. Đàm phán vẫn đang diễn ra với phía Nga về việc thiết lập ngừng bắn và đảm bảo hành lang nhân đạo an toàn", tuyên bố viết.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo dân thường sẽ được phép rời thành phố Mariupol trong 5 giờ, từ 12h-17h giờ Matxcơva, tức 16h-21h giờ Việt Nam trong ngày 5-3. Nga cũng ngừng bắn một phần để lập hành lang nhân đạo ở Volnovakha.

Chính phủ Ukraine cho biết kế hoạch là sơ tán khoảng 200.000 người khỏi Mariupol và 15.000 người từ Volnovakha.

Chính quyền Mariupol đổ lỗi việc hoãn sơ tán do các binh lính Nga không tuân thủ ngừng bắn và tiếp tục pháo kích vào thành phố và khu vực lân cận. Trong khi đó, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk tố Nga dùng vũ khí hạng nặng tấn công Volnovakha.

Tuy nhiên, Đài RT dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga khẳng định nước này đảm bảo các hành lang nhân đạo ở Mariupol và Volnovakha. Phía Matxcơva cáo buộc những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine ngăn dân thường rời đi và lợi dụng sự ngừng bắn của Nga để củng cố lực lượng.

Hãng tin Sputnik của Nga cũng dẫn lời lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donesk (DRP) tự xưng nói rằng chưa có ai rời Mariupol qua hành lang nhân đạo, và tố lực lượng Ukraine đã kích nổ một tòa nhà ở thành phố này ngay trước khi hành lang nhân đạo có hiệu lực. Khoảng 200 người được cho là đang trú ẩn trong tòa nhà.

rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Nga thông báo ngưng bắn để di tản thường dân

Thanh Phương

Hôm nay, 05/03/2022, Nga thông báo một lệnh ngưng bắn tạm thời để có thể di tản thường dân khỏi hai thành phố miền đông Ukraina, trong đó có thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây. Theo hãng tin AFP, thông báo này được bộ Quốc Phòng Nga đưa ra sau các cuộc thảo luận giữa các đại diện của Kiev và Matxcơva.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết sẽ lập các hành lang nhân đạo để di tản thường dân ra khỏi hai thành phố Mariupol và Volnovakha. Theo lời thị trưởng Mariupol, ông Vadim Boitchenko, việc sơ tán thường dân khỏi thành phố cảng này bắt đầu vào lúc 11 giờ hôm nay, 05/03/2022, giờ địa phương.

Trong đêm qua, trên mạng ông Boitchenko cho biết Mariupol, thành phố mà bình thường có khoảng 450.000 dân, đang bị « phong tỏa ». Ông kêu gọi người dân thành phố tiếp tục kháng cự. Lực lượng ly khai thân Nga và quân đội Nga thì khẳng định đang bao vây thành phố cảng chiến lược này.

Việc chiếm được Mariupol sẽ là một bước ngoặt trong cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, vì như vậy lực lượng Nga đến từ bán đảo Crimée, hiện đã chiếm được hai cảng khác là Berdiansk và Kherson, sẽ được nối với lực lượng ly khai và quân Nga ở vùng Donbass, miền đông Ukraina.

Trong khi đó, tổng thống Zelensky cực lực chỉ trích việc khối NATO đã từ chối yêu cầu thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Ukraina. Đối với ông, như vậy là Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã « bật đèn xanh cho việc tiếp tục các cuộc oanh tạc vào các thành phố và các làng của Ukraina. »

Hôm qua, tuy nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraina, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg tuyên bố Liên Minh Bắc Đại Tây Dương không thể đáp ứng yêu cầu thiết lập vùng cấm bay, vì không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột này. Về phần ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông nhấn mạnh : « Cách duy nhất để thật sự bảo đảm việc tôn trọng vùng cấm bay, đó là đưa phi cơ của NATO vào không phận Ukraina và bắn rơi các máy bay Nga. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện ».

Theo lời một cố vấn của tổng thống Ukraina, vòng đàm phán thứ ba với Nga có thể diễn ra hôm nay 05/03 hoặc ngày mai 06/03, nhưng khả năng đạt được kết quả rất thấp, vì tổng thống Vladimir Putin đã nói trước là chỉ có thể đối thoại với Kiev một khi Ukraina chấp nhận « toàn bộ các yêu sách của Nga », nhất là quy chế « trung lập và phi hạt nhân » « phi quân sự hóa bắt buộc » nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn