Trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức để đổi lấy FTA?

Thứ Bảy, 23 Tháng Sáu 20184:28 SA(Xem: 8250)
Trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức để đổi lấy FTA?

Trong lúc phiên tòa xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đang hé lộ dần các thông tin “gây căng thẳng” và “hồi hộp” từ các nhà điều tra, luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf, nhận định với VOA rằng có phần chắc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU sẽ không được ký kết nếu như không có một giải pháp cho vụ bắt cóc kiểu “chiến tranh Lạnh” này.

Trong email trả lời phỏng vấn của VOA về thông tin cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh sắp được Việt Nam trao trả lại Đức, Luật sư Schlagenhauf nói bà không thể bình luận chi tiết về điều này, nhưng dẫn chứng nhiều bài báo Đức với “nhiều nguồn khác nhau” tiết lộ Việt Nam sẽ trả thân chủ của bà về Đức vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, thực hiện lời hứa đối với chính phủ Đức rằng Việt Nam muốn kết thúc “tình trạng xung đột” với Đức.

Luật sư Petra Schlagenhauf.
Luật sư Petra Schlagenhauf.

Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Hà Nội truy nã, đã bất ngờ biến mất khỏi Đức vào cuối tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn ở nước này.

Chính phủ Đức nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin. Vài ngày sau, ông Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam và Hà Nội nói rằng ông này tự ra đầu thú.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra những căng thẳng ngoại giao lớn giữa hai nước. Berlin gọi đây là một vụ vi phạm luật pháp Đức và quốc tế “chưa từng có”, và ra lệnh trục xuất nhân viên sứ quán Việt Nam tại Berlin với lý do “persona non grata” (không được hoan nghênh”).

Berlin còn yêu cầu Hà Nội phải trả Trịnh Xuân Thanh lại để nước này giải quyết đơn xin tị nạn của ông Thanh.

Một nhà nghiên cứu kinh tế-chính trị của Việt Nam, TS. Phạm Chí Dũng, nhận định với VOA rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là một trong ba “vướng mắc” mà Hà Nội đang cần phải tháo gỡ với Berlin để thúc đẩy cho việc ký kết hiệp định tự do thương mại với châu Âu, được xem là một trong những chính sách kinh tế ưu tiên hàng đầu sau khi Hiệp định Đối tác Thương mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) rơi vào trạng thái bất định sau khi Hoa Kỳ rút lui.

TS. Phạm Chí Dũng cho biết thêm: “Vào tháng 2/2018, tại Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu, đã phát ra tín hiệu là chính thức đặt vấn đề nhân quyền là quan trọng nhất đối với hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, trong đó phải giải quyết được 3 vấn đề là vụ Trịnh Xuân Thanh, thứ hai là vấn đề công đoàn độc lập và thứ ba là cải thiện lao động cưỡng bức tại Việt Nam”.

Việc ký kết FTA với EU càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam đang bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, thép, nhôm (vì có xuất xứ từ Trung Quốc)…, và Liên minh châu Âu vẫn chưa quyết định hủy bỏ “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam vì tình trạng đánh bắt thủy sản lậu

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Việt Nam.
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản ở Việt Nam.

“Thị trường Liên minh châu Âu là một thị trường rất đắc địa đối với Việt Nam. Và nếu như vì vụ Trịnh Xuân Thanh hay vì vi phạm nhân quyền… mà Việt Nam bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì đó là một thiệt thòi rất lớn”, TS. Phạm Chí Dũng nhận xét.

Theo ông, động thái phóng thích Luật sư Nguyễn Văn Đài, người mà theo TS. Phạm Chí Dũng, là “nhân vật bất đồng chính kiến nguy hiểm nhất đối với chính quyền Việt Nam”, gần đây cho thấy Hà Nội đang chịu một sức ép rất lớn từ phía người Đức.

Ông phân tích: “Việt Nam từ đầu năm 2018 đã rất hy vọng vào hiệp định này và cho báo chí tuyên truyền rằng cuối tháng 3 là hoàn tất bản thảo để Việt Nam ký với Ủy ban châu Âu, để từ đó, UB châu Âu trình lên Cộng đồng châu Âu rồi Nghị viên châu Âu, và có thể hoàn tất, ký kết ngay trong năm 2018. Nhưng từ cuối tháng 3 tới nay, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào về việc hoàn tất bản thảo giữa Nghị viện châu Âu và Việt Nam. Hiện số phận hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và châu Âu đang treo lơ lửng và phụ thuộc vào người Đức”.

Trong khi đó, Luật sư Petra Schlagenhauf cho rằng việc thả ông Đài “chắc chắn cho thấy, bằng cách nào đó, Việt Nam đang nỗ lực xoa dịu xung đột với Đức và châu Âu”.

Chính phủ Đức hiện đang tiến hành xét xử những người liên quan đến vụ bắt cóc, trong đó có Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc là gián điệp đã thuê chiếc xe để sử dụng trong vụ bắt cóc.

Tin mới nhất từ thoibao.de cho biết cảnh sát Đức đã xác nhận có cuộc gọi từ Berlin vào số máy có đuôi 8888 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngay trước khi vụ bắt cóc diễn ra. Cùng thời điểm này, Séc cũng ghi nhận có một cuộc gọi từ máy ông Đào Quốc Oai, cậu của Nguyễn Hải Long, cho ông Tô Lâm.

Các giới chức Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Tô Lâm, đã bị Đức cáo buộc sử dụng máy bay mượn của Slovakia để thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhân một chuyến công tác đến nước này.

Slovakia phủ nhận đã giúp Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy ông Thanh có mặt trên máy bay.

Theo LS. Petra Schlagenhauf, phiên tòa “gay cấn” tại Đức sẽ tiếp tục kéo dài cho đến ít nhất là tháng 8 năm nay.

Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang chịu 2 án tù chung thân tại Việt Nam về tội tham ô tài sản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn