Ông Lưu Kiến Siêu
Thêm chú thích

Nguồn hình ảnh, VCG/VCG thông qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Lưu Kiến Siêu, khi giữ chức Phó Giám đốc Văn phòng của Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một cuộc họp báo vào ngày 26/8/2021 ở Bắc Kinh

Ngoại trưởng Tần Cương bị bãi chức và biến mất một cách bí ẩn từ mùa hè năm ngoái. Vương Nghị lên thay, có vẻ chỉ tạm thời. Lưu Kiến Siêu được đánh giá sẽ là ngoại trưởng kế tiếp.

Trong kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc khóa 14 (từ 5-11/3), một quan chức Trung Quốc là cựu sinh viên Đại học Oxford đang thu hút sự chú ý. Giới quan sát nhận định ông này rất có khả năng sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung Quốc, theo bài viết của Reuters.

Hài hước, nói tiếng Anh lưu loát

Ông Lưu Kiến Siêu, 60 tuổi, hiện là người đứng đầu Ban Liên lạc Đối ngoại của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ này vào năm 2022, ông Lưu đã đi công tác đến hơn 20 quốc gia và gặp quan chức từ hơn 160 nước.

Lịch trình dày đặc của ông Lưu, đặc biệt là các cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington vào đầu năm nay, đã làm nảy sinh nhận định rằng ông đang được "đo ni đóng giày" để trở thành tân ngoại trưởng.

Trước khi đảm nhiệm chức vụ đối ngoại trong đảng, ông từng làm đại sứ tại Indonesia, Philippines và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao.

Khả năng ông Lưu được bổ nhiệm vẫn chưa chắc chắn, vì quy trình bổ nhiệm của chính phủ Trung Quốc thường không minh bạch.

Nhưng nếu được chọn, ông Lưu sẽ được giao trọng trách quản lý mối quan hệ với Washington giữa lúc hai bên đang muốn tái thiết quan hệ sau thời kỳ căng thẳng chưa từng có liên quan đến các vấn đề từ thương mại cho đến Đài Loan.

“Gió lốc không hết buổi sáng, mưa rào chẳng thể cả ngày,” ông Lưu nói (câu này mượn của Lão Tử) với các nhà ngoại giao nước ngoài tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới (World Peace Forum) tại Bắc Kinh hồi năm ngoái, sự kiện khắc họa Trung Quốc như một nhân tố hòa bình.

Những nhà ngoại giao ở Bắc Kinh đã gặp ông Lưu gần đây nói với Reuters rằng họ thích vốn tiếng Anh thành thạo của ông này, thích phong cách tự tin và cởi mở, và về khả năng nhận câu hỏi và tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận, dù không có chuẩn bị trước.

Các nguồn tin của Reuters nói rằng ông Lưu được lòng nhiều người và có uy tín trong Bộ Ngoại giao, là một người thân thiện, ấm áp và dễ mến.

“Đây là sự thay đổi được hoan nghênh nếu so với các nhà ngoại giao Trung Quốc khác, những người nói chuyện 'bề trên' theo kiểu 'chiến lang' hoặc cứ lặp lại các thông điệp được soạn sẵn,” một nhà ngoại giao nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Một người khác bổ sung, “kiểu ngoại giao xưa đã trở lại”.

Ngoại trưởng đương nhiệm, ông Vương Nghị, 70 tuổi, một nhà ngoại giao có bề dày kinh nghiệm, đã được tái bổ nhiệm vào vị trí này sau khi Tần Cương, một nhân vật thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình, bị sa thải hồi tháng 6/2023, chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, theo sau các tin đồn về ngoại tình.

Sinh tại tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc, ông Lưu tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và học quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford trước khi đảm trách nhiệm vụ đầu tiên là biên dịch viên tại Bộ Ngoại giao.

Ông đã làm việc cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh và sau đó là đảm nhận chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia và Philippines.

Trong thời gian giữ vai trò là người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lưu được biết đến với những phát biểu hài hước đầy ngẫu hứng khi lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo vào năm 2008, khi được hỏi về chuyện một phóng viên Iraq ném giày vào Tổng thống Mỹ George W. Bush, ông Lưu đã trả lời: “Có lẽ tôi cần quan sát để biết, không chỉ những ai đang giơ tay, mà còn cả những người đang tháo giày.”

'Chiến lang' phiên bản mềm mỏng hơn

Ông Lưu Kiến Siêu gặp ông Antony Blinken

Nguồn hình ảnh, ROBERTO SCHMIDT/AFP thông qua Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu (ngồi chính giữa, hàng bên phải) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào ngày 12/1 tại thủ đô Washington DC

Neil Thomas, một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc từ tổ chức phi chính phủ Asia Society (Hội châu Á), nói ông Lưu là ứng viên sáng giá nhất cho ghế ngoại trưởng Trung Quốc tiếp theo và kỳ họp quốc hội đang diễn ra là dịp quan trọng để công bố một quyết định như vậy.

“Bắc Kinh đang nỗ lực tạo một hình ảnh thân thiện hơn với thế giới để giúp bình ổn thị trường, vực dậy vốn đầu tư nước ngoài và làm chậm quá trình phương Tây kìm hãm các mối liên kết kinh tế của Trung Quốc,” ông Thomas nhận định.

Nhưng dù đã làm mềm đường lối ngoại giao “chiến lang”, Trung Quốc vẫn không thay đổi tham vọng đóng một vai trò quyền lực hơn trong các vấn đề quốc tế, ông đánh giá thêm.

“Trung Quốc vẫn theo đuổi các mục tiêu ấy nhưng với chiến lược thông minh hơn.”

Sự nghiệp ngoại giao của ông Lưu đã có một bước chuyển bất thường hồi năm 2015, khi ông được chuyển sang hai vị trí phụ trách chống tham nhũng.

Vị trí thứ nhất là tại văn phòng quốc tế của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, nơi ông phụ trách giám sát và phối hợp dẫn độ về nước các quan chức tham nhũng đã chạy ra nước ngoài.

Vị trí thứ hai là tại tỉnh Chiết Giang, nơi ông hỗ trợ cải cách chiến dịch chống tham nhũng, một công tác rất quan trọng đối với công cuộc chống tham nhũng của Tập Cận Bình, và mô hình này sau đó đã được triển khai trên toàn quốc.

“Ông Lưu, với quá trình chống tham nhũng và quản lý cấp đảng địa phương, đã tạo dựng được uy tín về lòng trung thành với đảng và với Tập Cận Bình,” Dennis Wilder, một chuyên gia về Trung Quốc từ Đại học Georgetown, nói.

Ông Lưu quay trở lại ngành ngoại giao vào năm 2018, làm việc tại Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với vai trò là phó chủ nhiệm ủy ban này, ông Lưu đã làm việc chặt chẽ để hỗ trợ Dương Khiết Trì, khi đó là nhà ngoại giao cấp cao và là cựu ngoại trưởng của Trung Quốc.

Một lần nữa quay trở lại vị trí ngoại trưởng kể từ hồi tháng 7, ông Vương Nghị vẫn giữ vị trí khác của mình là nhà ngoại giao cao nhất của Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc là một cơ quan cấp cao do Tập Cận Bình làm chủ tịch, có tiếng nói mạnh hơn Bộ Ngoại giao liên quan đến chính sách ngoại giao.

Đây là lý do tại sao nhiều người xem Vương Nghị chỉ là một giải pháp tạm thời cho đến khi tìm được một nhân vật thay thế mang tính lâu dài hơn thay cho Tần Cương.

Hiện nay, giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn kín tiếng, mặc dù họ nói với các nhà ngoại giao rằng ông Lưu tuổi Thìn và năm 2024 là năm Rồng, một năm mà “những điều tốt đẹp sẽ xảy đến”, theo Reuters tường thuật.