Vườn rau Lộc Hưng: Chính quyền tăng mức hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/mét vuông đất, dân vẫn chưa đồng ý

Thứ Ba, 14 Tháng Mười Một 20238:00 SA(Xem: 694)
Vườn rau Lộc Hưng: Chính quyền tăng mức hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/mét vuông đất, dân vẫn chưa đồng ý
rfa.org

Vườn rau Lộc Hưng: Chính quyền tăng mức hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/mét vuông đất, dân vẫn chưa đồng ý

RFA

Ủy ban nhân dân quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) lấy ý kiến về việc tăng mức hỗ trợ tiền cho người dân Vườn rau Lộc Hưng có đất canh tác, nếu đồng ý sẽ triển khai chi trả trong tháng 12 và bắt đầu xây dựng ba ngôi trường học ở vị trí này, tuy nhiên người dân tiếp tục phản đối.

Báo mạng Công an TPHCM ngày 10/11 đưa tin dự án sắp được triển khai gồm Trường mầm non Sơn Ca, Trường tiểu học Hùng Vương và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, được xây dựng trên phần đất hơn 5 héc-ta thuộc Vườn rau Lộc Hưng (VRLH) ở Phường 6.

Đây chính là khu đất chính quyền địa phương cưỡng chế và san phẳng các ngôi nhà, vườn tược của hơn 100 hộ dân vào đầu năm 2019 gây xôn xao dư luận.

Sau nhiều năm khu đất bị rào và bỏ hoang, trong hai tuần gần đây, chính quyền địa phương cho người đi phát giấy thông báo tới các gia đình ở VRLH về việc sẽ tổ chức niêm yết dự thảo phương án hỗ trợ thực hiện đầu tư dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ để thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình.

Dự thảo Phương án hỗ trợ của dự án tăng mức hỗ trợ ban đầu từ 7.055.000 đồng/mét vuông lên 11.250.000 đồng/mét vuông cho phần diện tích đất canh tác.

Trong khi đó, Phiếu Ý kiến được gửi đến từng hộ dân để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người dân liên quan đến dự thảo.

Nhiều người dân không đồng tình

Người dân VRLH, những người có tài sản là nhà cửa và vườn cây bị cưỡng chế tịch thu năm 2019, khẳng định họ có căn cứ pháp lý xác định khu đất vườn rau thuộc quyền sở hữu của họ từ xưa đến nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã cố tình không cấp quyền sử dụng đất cho dân với mục đích “cướp” hơn năm héc-ta đất.

Ông Cao Hà Trực, một trong những cư dân thuộc gia đình nhiều đời sinh sống ở VRLH từ năm 1954 cho biết, trong sáng 13/11 có khoảng 30 người của chính quyền kéo đến nhà ông để đưa dự thảo về khung hỗ trợ, nhưng thực tế là nhằm khủng bố tinh thần bố của ông - đã hơn 90 tuổi.

Ông Trực, người đại diện cho nhóm khoảng 80 người dân ở VRLH nói, đa số họ không đồng ý với mức hỗ trợ mà chính quyền đưa ra và dự án xây dựng trường học chỉ là một trong những chiêu trò mà chính quyền địa phương dựng ra nhằm để biến đất tư thành đất công.

Ông Trực nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa 13/11 như sau:

Chính quyền đã nhiều lần toan tính để cướp của chúng tôi, đã đổi cái dự án này ra dự án khác nhằm chiêu trò biến đất tư thành đất công.

Năm 2019 họ đã đập phá nhà của chúng tôi một cách khốc liệt, họ viện cớ vào gọi là xây dựng trái phép. Họ nói là họ không thu hồi, họ chỉ cưỡng chế xây dựng trái phép thôi.

Đến ngày hôm nay, sau 4 năm 10 tháng đã trôi qua thì bắt đầu họ chơi trò mới, họ tiếp tục trở ra cái trò là họ xây trường học. Họ nói rằng là họ sẽ quyết liệt cho đến tháng 12 để họ làm cái dự án này.”

Bà Trần Thị Thoa, một người thuộc gia đình di cư từ Hà Tây vào năm 1954 và được chính quyền khi đó bố trí khoảng 400 mét vuông đất ở VRLH, cho RFA biết trong thời gian gần đây chính quyền địa phương tiến hành phát văn bản dự thảo hỗ trợ kèm theo lời đe doạ.

Họ đưa cho một cái khung giá nó ra họ áp đặt và họ bảo là đưa xuống để cho mình phải chấp nhận khung giá đó rồi họ kèm theo những lời rằng nếu như không lấy thì họ sẽ sung vào công quỹ, không lấy thì sẽ mất.”

Tuy nhiên, bà Thoa nghi ngờ động cơ thực sự của chính quyền quận Tân Bình và phường 6 là lấy chữ ký của người dân để xin dự án, chứ thực sự chưa có dự án. Bà nói:

Họ lại tiếp tục họ dùng cái chiêu trò là họ dụ để họ lấy chữ ký theo em được biết thì có lẽ là họ cần chữ ký để trình lên Văn phòng Chính phủ hoặc là Chủ tịch UBND thành phố để xin ra dự án thì đúng hơn là để họ thực hiện dự án đó.”

Theo bà, chính quyền thành phố HCM cần đối thoại trực tiếp với dân VRLH để đi đến một thoả hiệp với giá bồi thường hợp lý cho người dân ở đây.

Phóng viên trong cùng ngày gọi điện thoại cho Ủy ban nhân dân phường 6 và người phát ngôn Ủy ban nhân dân quận Tân Bình để hỏi về vụ việc nhưng không có ai nhấc máy.

Theo báo Công an TPHCM, cụm trường học có mức đầu tư là hơn 1.000 tỉ đồng, một nửa trong số đó là để hỗ trợ cho người dân có đất canh tác trong khu vực. Công trình được dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025, dịp 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Vẫn theo tờ báo này, từ tháng 1/2019, UBND thành phố đã đồng ý phương án hỗ trợ 7.055.000 đồng/mét vuông cho phần diện tích người dân canh tác rau, và đã có 45/124 trường hợp đồng thuận chủ trương thực hiện dự án và nhận tạm ứng hỗ trợ với số tiền là 63,69 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo bà Thoa số người đồng ý nhận mức tiền đền bù như trên chỉ vào khoảng 10 người.

Tháng 12/2022, UBND TP chấp thuận điều chỉnh tăng phương án hỗ trợ lên 11.250.000 đồng/mét vuông bốn tháng sau buổi gặp gỡ với người dân VRLH.

Ông Trực cho rằng mức hỗ trợ trên không có căn cứ pháp lý và quá thấp, không thể giúp người dân tìm nơi ở và sinh kế mới.

Thêm nữa, chính quyền địa phương còn tuyên bố giữ lại 10%-20% để chi trả cho chi phí cưỡng chế năm 2019 và bảo vệ khu đất từ đó đến nay, mà theo ông Trực và bà Thoa là rất nực cười, vì người dân VRLH phải chi trả cho việc phá dỡ tài sản của họ trong việc cưỡng chế đất đai của chính họ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn