Nhập cư có phải là nguồn căn của khủng bố ?

Thứ Sáu, 27 Tháng Mười 20235:00 SA(Xem: 773)
Nhập cư có phải là nguồn căn của khủng bố ?
rfi.fr

Pháp : Nhập cư có phải là nguồn căn của khủng bố ?

Chi Phương

Sau vụ tấn công khủng bố sát hại một giáo viên tại một trường học ở miền Bắc nước Pháp mà thủ phạm là một người nhập cư từ vùng Kavkaz ở Nga, một lần nữa cánh hữu và cực hữu Pháp nêu bật mối liên hệ nhân quả giữa nhập cư và khủng bố. Nhà xã hội học Jean-Baptiste Meyer cho rằng việc thiết lập một mối liên hệ như vậy là rất nguy hiểm, không có căn cứ, khi mà “khủng bố Hồi giáo” trở thành một vấn đề nội tại. 

Tại châu Âu, Pháp là một trong những quốc gia cho phép người nước ngoài có thể nhập quốc tịch Pháp ngay từ nửa cuối thế kỉ 19. Lúc đó, theo luật dân sự 1804, quốc tịch chỉ được trao dựa trên quan hệ huyết thống từ cha mẹ người Pháp. Vì lý do dân số, Pháp đã cải cách, ban hành luật cho nhập tịch dựa theo quyền nhập tịch Pháp vì sinh ra tại Pháp ngay từ năm 1851, và sau đó là các cải cách khác vào năm 1889, 1927, 1945 và 1973. Cho đến nay, theo số liệu vào năm 2021 từ L’INSEE, 75.249 người đã được cấp quốc tịch Pháp theo nghị định (par decret).  

Trước tình trạng khủng hoảng di dân, cũng như các vụ tấn công khủng bố dã man liên tiếp xảy ra trong những năm qua tại Pháp, nhất là vụ khủng bố gần đây ở Arras, khi một người nhập cư Mohamed M., theo Hồi giáo, đến từ vùng Kavkaz của Nga, đã sát hại một thầy giáo bằng dao, cánh hữu và cực hữu nhanh chóng tái khẳng định mối liên hệ giữa nhập cư và khủng bố. Mối liên hệ này cũng đã được nêu lên trong các vụ khủng bố trước đó, như vụ một thanh niên gốc Tchetchnia tị nạn ở Pháp từ khi còn nhỏ sát hại thầy giáo Samuel Paty tại trường trung học ở Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Paris, năm 2020, hay các vụ tấn công khủng bố vào năm 2015 ở Paris, 2016 ở Nice, với nhiều thủ phạm là người nhập cư. 

Theo nhà xã hội học Jean-Baptiste Meyer, giám đốc ngiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển ở Pháp, việc thiết lập mối liên hệ giữa khủng bố và nhập cư là một “điều cấm kị”, thậm chí “đáng xấu hổ” và ít có nghiên cứu sâu, hay tranh luận công khai về vấn đề này. Trả lời RFI Tiếng Việt, ông Meyer giải thích: “Mối liên hệ này được thiết lập ngay lập tức trong các vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ Pháp hoặc châu Âu, như là một mối liên hệ nhân - quả, với việc thủ phạm là người nước ngoài và thực hiện tấn công khủng bố. Trên thực tế, đây là điều đáng xấu hổ vì khi nhìn vào các vụ tấn công xảy ra trong những năm qua trên thế giới, chúng ta có thể thấy rằng không chỉ người nước ngoài mà cả người bản địa cũng thực hiện các vụ tấn công trên chính lãnh thổ của họ. Điều này đã xảy ra tại các nước vùng Maghreb, như ở Tunisia, và cũng đã xảy ra ở Pháp, khi các chiến binh Hồi giáo Pháp được xác định, như vậy có nghĩa là chúng ta có thể phá vỡ lập luận cho rằng vì là người nước ngoài, nên họ dễ tấn công khủng bố hơn. Do vậy, mối liên hệ nhân quả này không tồn tại”. 

Trong một bài nghiên cứu, đăng trên tạp chí Hommes & Migrations năm 2016, ông Jean-Baptiste Meyer đã xem xét các hồ sơ tội phạm khủng bố từ năm 2012 đến năm 2016 và chỉ ra rằng những kẻ khủng bố chủ yếu là có quốc tịch Pháp. Nhà xã hội học nhấn mạnh rằng “không nên nhầm lẫn giữa người Hồi giáo với những kẻ sát nhân, người nhập cư với những người xin tị nạn mà trong đó những kẻ khủng bố Daesh đã trà trộn, vì hậu quả của sự nhầm lẫn này có thể tạo ra những phản ứng ‘phi lý’, ‘đẫm máu’, ám ảnh tâm trí mọi người”.  

Tuy nhiên, ông Meyer cũng cho biết đa số thủ phạm của các vụ tấn công đó là những người Pháp gốc nước ngoài, do đó liên hệ giữa khủng bố và nhập cư là “hữu hình” và từ chối giải thích mối liên hệ này chỉ khiến người ta càng tin hơn vào mối liên hệ nhân quả : vì tiếp nhận dân nhập cư nên đã xảy ra khủng bố. Do đó, trong nghiên cứu của ông, nhà xã hội học nêu rõ chính “sự bất ổn về xã hội, văn hóa và thế hệ” quyết định đến sự cực đoan hóa. Hồ sơ của các tội phạm khủng bố chỉ ra rằng, những lần ‘đi chệch đường của họ thường mang tính cá nhân’,… nhưng điều này không có nghĩa là có nguyên nhân xã hội sâu xa trong đó”.  

Ông Jean-Baptiste Meyer giải thích thêm : “Những kẻ khủng bố không hoàn toàn là những người trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đôi khi có thể là những người được đào tạo, trình độ cao, có thu nhập tương xứng. Không có mối liên hệ nào giữa nghèo đói và khủng bố, tuy nhiên, có một mối hiên hệ giữa các hiện tượng trên thế giới. Tình trạng di cư cũng như nạn khủng b đều là kết quả của sự “bất cân xứng toàn cầu” giữa các nước, giữa các nền văn hóa, hoặc giữa một số tôn giáo. Tức là những người thực hiện các hành động khủng bố, bạo lực một cách mù quáng là đại diện cho một thế giới bất công, mà trong đó họ có thể khiến bất cứ ai phải trả giá, vì bất cứ hành động nào, bằng bất cứ cách nào. Những sự bất cân xứng của thế giới, chúng ta có thể thấy trong tình trạng di cư, tức là những người rời khỏi một nước để đến định cư ở một nước khác(...)

Dĩ nhiên là không có mối liên hệ trực tiếp với khủng bố, vì những người di cư không phải là khủng bố và những kẻ khủng bố không phải là người di cư. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá rằng tình trạng khủng bố trên thế giới cũng là nguyên nhân thúc đẩy di cư. Tôi cho rằng cũng cần phải xem xét việc gần đây có những kẻ khủng bố đến từ vùng Kavkaz, trong khi trước kia thường là đến từ châu Phi hoặc Bắc Phi. Do vậy, có thể nói rằng không có một vùng đặc biệt nào mà người di cư từ khu vực đó là khủng bố. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, một số kẻ khủng bố đến từ cùng Cận Đông. Tôi muốn nói rằng không có vùng nào trên thế giới là lò sản xuất khủng bố cả. Ai là kẻ thực hiện các hành vi khủng bố, đó là một tình huống, dĩ nhiên câu cả trả lời sẽ đến từ phía cảnh sát, nhưng cũng đến từ xã hội, tức là làm sao để có thể diệt cỏ tận gốc những kẻ khủng bố muốn lợi dụng sự khốn cùng của con người để khiến tình trạng bạo lực cực đoan phát triển mạnh mẽ.” 

Nhà xã hội học Jean-Baptiste Meyer, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về phát triển ở Pháp.
Nhà xã hội học Jean-Baptiste Meyer, giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về phát triển ở Pháp. © AP/ Canva/ Chi Phuong

Tại Pháp các nghiên cứu mang tính thống kê về mối liên hệ giữa nhập cư và khủng bố rất hiếm, thậm chí là không có, theo ghi nhận của nhà xã hội học Vincent Geisser. Tuy nhiên, các cuộc điều tra được thực hiện dựa trên việc kiểm tra hồ sơ của những người được xếp vào loại “hồ sơ S” – Sureté de l’état, tức là những người cần phải theo dõi để bảo đảm an ninh quốc gia, hoặc dựa trên các cuộc thẩm vấn với các cá nhân bị giam giữ trong các vụ án về thánh chiến Hồi Giáo. Theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp, tính đến 2018, Pháp đã đưa 30 787 người vào danh sách “hồ sơ S”. Kẻ khủng bố sát hại thầy giáo ở Arras vừa qua cũng nằm trong danh sách này, khiến công luận Pháp xôn xao về việc có nên trục xuất tất cả những người có xu hướng cực đoan hóa hay không.  

Về chủ đề này, hai nhà nghiên cứu Xavier Crettiez và Romain Sèze, đã tiếp cận được với những người nằm trong dach sách “cực đoan hóa”, so sánh về tiểu sử và quá trình xã hội hóa bạo lực của các cá nhân này. Nghiên cứu này chỉ ra rằng “nếu trước kia, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo được xem là một mối đe dọa ngoại sinh, tức là các lực lượng bên ngoài tấn công vào bên trong thì nay mang tính nội sinh nhiều hơn. Đặc biệt là nhờ Internet, những cá nhân, đôi khi sinh ra ở lãnh thổ Pháp, cải đạo hoặc đã theo đạo từ khi sinh ra, rơi vào tình trạng bị thao túng. Đây là bước đầu tiên khiến họ bị cực đoan hóa. Vì lý do này mà mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa nhập cư và khủng bố là quan điểm từ tâm lý (vue de l’esprit).” 

"Người Pháp trên giấy tờ"

Một trong những thông tin gây chú ý nhất trong công luận Pháp trong tuần  qua là cáo buộc của bộ trưởng Nội Vụ Pháp Gerald Darmanin rằng ngôi sao bóng đá Karim Benzema có liên hệ với tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (Les frères mulsumans) mà Pháp coi là một tổ chức khủng bố. Một trong những lập luận của bộ trưởng Nội Vụ đó là chủ nhân của Quả bóng vàng 2022 đã từ chối hát quốc ca trong các trận đấu của đội tuyển quốc gia Pháp, hay đăng bài trên mạng xã hội X bày tỏ thái độ ủng hộ người Hồi giáo Palestine tại Gaza trong vụ xung đột giữa Israel và Palestine. Benzema đã bác bỏ cáo buộc đó và xem xét thủ tục tố tụng bộ trưởng Darmanin vì tội phỉ báng hay xúc phạm công khai.  

Ngay sau cáo buộc của bộ trưởng Darmnin đối với danh thủ có bố mẹ là người nhập cư từ Algérie, giới chính trị gia cánh hữu và cực hữu của Pháp nhanh chóng “hùa theo”. Nghị sĩ Julien Odoul, trong một bài đăng trên mạng X, nhận định “Benzema vừa là một cầu thủ vĩ đại, vừa là một người bạn đường của những kẻ Hồi giáo cực đoan. Anh ta là một trong những người Pháp trên giấy tờ, có quốc tịch Pháp ở túi bên trái và cuốn sách của Huynh Đệ Hồi Giáo trong túi bên phải. Anh ta chưa bao giờ yêu nước Pháp”.  

Thượng nghị sĩ Pháp Valérie Boyer thậm chí còn đề nghị rút lại giải Quả Bóng Vàng và tước quốc tịch Pháp của danh thủ nếu thật sự Benzema có liên hệ với tổ chức này. Về phần mình, Jean-Luc Mélenchon, người sáng lập đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đã nhanh chóng chỉ trích phe đối lập cực hữu, đứng về phe Benzema, qua một bài đăng trên mạng X : “…Chính phủ và bè lũ của chính phủ đã biến cậu thành quỷ dữ, họ gọi cậu là “người Pháp trên giấy tờ”. Nước Pháp thuộc về tất cả những ai chọn quốc gia này và những người xúc phạm chúng ta không xứng đáng là người Pháp”. 

Người sáng lập đảng Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) phát biểu ủng hộ tuyển thủ Karim Benzema

Bonjour Monsieur Benzema. Je ne vous connais pas et je ne sais rien du foot. Mais le gouvernement et ses amis ont choisi de vous diaboliser. Ils vous traitent de "français de papier". Avec de tels ennemis qui parlent avec de tels mots vous devez être une personne remarquable,…

— Jean-Luc Mélenchon (@JLMelenchon) October 19, 2023

Thao túng chính trị, và tâm lý bài ngoại

Điều gì thúc đẩy mối liên hệ giữa nhập cư và khủng bố ? Theo nhà xã hội học Jean-Baptiste Meyer, đó “rõ ràng đến từ sự thao túng chính trị. Có những người cho rằng các vấn đề của nước Pháp hiện nay là hậu quả của nhập cư không có kiểm soát, cho rằng những người nhập cư là những kẻ khủng bố tiềm tàngGiữa một người cực k bạo lực là Pháp chính gốc và một người cực kỳ bạo lực gốc nước ngoài, chúng ta không thể nêu bật gốc nước ngoài để giải thích cho hành động bạo lực đó. Làm như thế là hoàn toàn vô lý, và có thể gây ra nhiều hậu quả. Một trong những hậu quả lớn nhất là thúc đẩy xu hướng bài ngoại và những lối suy nghĩ một chiều. Vô hình trung chúng ta đã tạo ra mối tương quan giữa các hiện tượng tách biệt.” 

“Français de Papier,” tạm dịch là “người Pháp trên giấy tờ” là cụm từ dùng để ám chỉ những người nhập quốc tịch Pháp, tức là những người nhập cư hoặc con cháu của người nhập cư bị nghi ngờ được hưởng lợi từ việc được nhập tịch. Tại Pháp, cụm từ này thường được giới chính trị bảo thủ, cánh hữu và cực hữu nêu ra để phản đối nhập cư. Nếu như trước kia, vào thế kỉ 19, “những người Pháp trên giấy tờ” là một cách miệt thị những người Do Thái có quốc tịch Pháp, không  được coi là người mang dòng máu Pháp, người Pháp đích thực, thì kể từ 1920, cụm từ này thể hiện xu hướng bài ngoại.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn