Vũng Tàu sáp nhập với Thủ Đức

Thứ Hai, 21 Tháng Tám 20236:00 SA(Xem: 1458)
Vũng Tàu sáp nhập với Thủ Đức
rfa.org

Vũng Tàu sáp nhập với Thủ Đức

Bình luận của Binh Thiên

Cơn mưa lớn hôm 14/8 thật tài tình, kỳ diệu. Nó đem Vũng Tàu nhập cái pép vô Thủ Đức, khỏi cần xin phép, đề xuất, họp Quốc hội bấm nút giơ tay thông qua Nghị quyết lập thành phố trong thành phố, hay cơ chế mới làm gì.

Thủ Đức, thức đủ mà… tát nước

Giống như địa hình vùng đất này, Thủ Đức thật sự năm canh thức đủ. Hồi trước thức vì cái gì không biết, nhưng đặc biệt từ khi được lên đời thành thành phố tới nay thì thức để tát nước và hốt bùn ra khỏi nhà.

Cứ mỗi cơn mưa lớn trút xuống, Thủ Đức biến thành Venice. Xe máy ngập có một thước chớ mấy, ai đi đặng thì đi, không đặng thì tấp vô quán kêu ly trà đá (cho đỡ tốn tiền) ngồi chờ mấy tiếng nước rút rồi về nhà. Cũng không sao đâu mà, từ TP HCM chạy về nhà ở TP Thủ Đức nội trong ngày thế nào cũng tới nơi.

Thoạt kỳ thủy, Thủ Đức là một quận lớn, được chia ra từ tỉnh Gia Định vào năm 1911. Cùng đợt đó có ba quận nữa là Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn.

56 năm sau, vào 1967, chính quyền Sài Gòn cũ tách hai phường lập nên Quận 9. Diện tích quận lên đến 200 km. Như vậy từ 1967, Sài Gòn đã có quận Nhì, quận 9 và quận Thủ Đức.

Năm 1975, chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đổi quận Thủ Đức thành huyện.

Một năm sau, vào 1976, chính quyền cách mạng tiếp tục giải thể Quận 9. Hai phường của quận đổi thành hai xã, nhập vào huyện Thủ Đức. Nghĩa là sau 65 năm, chính quyền và chế độ thì thay đổi nhưng Thủ Đức thì đi trọn một vòng, trọn vẹn trở về điểm xuất phát với đúng tên, đúng diện tích và mô hình tổ chức.

Con tạo xoay vần. Đến năm 1997, huyện Thủ Đức lại bị giải thể, tách thành 3 quận mới. Quận 9 và quận Nhì (quận 2) được tái lập về tên gọi. Thêm một quận Thủ Đức.

24 năm sau, vào năm 2020, ba quận lại nhập một trở lại. Lần này được lên đời, chấm dứt đời quận huyện trở thành thành phố. Thành phố thuộc thành phố, một mô hình cũ xì ở nhiều nước nhưng lại được trầm trồ ở Việt Nam.

Cơ mà, sau ba năm, “khi thành lập thành phố Thủ Đức thì chúng ta nói tên là thành phố nhưng chỉ là đơn vị hành chính cấp quận, huyện thôi. Có người nói nó phải là trên cấp quận, dưới cấp thành phố. Vậy nó là loại gì trong hệ thống hành chính?” (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tại cuộc họp ngày 12/9/2022).

Loại gì là loại chi chi?

Thưa anh Huệ, thật không biết là loại gì.

Nhưng tinh thần chúng ta vốn:

Tiến lên kiên quyết tiến lên

Tiến lên kiên quyết tiến lên hàng đầu

Hàng đầu rồi tiến đi đâu?

Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi!

Thế cho nên là “Cùng với vấn đề nhân sự, cơ chế tài chính cũng là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển thành phố Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức hiện không có gói ngân sách được phân bổ từ Quốc hội mà nằm chung trong gói ngân sách của TP HCM. Do đó, chỉ tiêu ngân sách hàng năm sẽ do Hội đồng nhân dân TPHCM phân bổ" (ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, phát biểu trên báo Lao Động ngày 22/2/2022).

Nôm na, ông bố già bảo thằng con trưởng ra riêng, lập gia lập thất đi con, đủ lông đủ cánh rồi, con sẽ là một gia đình mới của dòng họ ta, bố kỳ vọng con làm ăn cực giàu, mình con gánh 30% tổng thu của gia đình, 7% của cả dòng họ nhà mình con nhé.

Nói xong, ông long trọng quàng dải sash lấp lánh lên ngực thằng con, vỗ tay chụp hình.

Nhưng đến bữa, thằng con lấp lánh vẫn phải xòe tay xin ông bố phát tiền ăn y như mấy chục thằng con “chưa mạnh mẽ” khác. Số tiền phát cũng y như cũ, chẳng thêm được xu mẻ nào.

-Bố ơi thế con lấy gì ra riêng? Thành gia lập thất, đầu tàu phát triển cực đông bằng niềm tin à bố hu hu?-Thằng con mếu máo.

-Tiền mẹ mày giữ, mẹ mày không cho thì bố chịu!-Ông bố buông thõng.

-Thế giờ không cho con tiền vốn cũng phải cho con quyền quản lý mấy cái cửa hàng, con bán buôn kiếm sống chứ bố?

-Cái đấy lại là của tao. Mày mới nứt mắt đã đòi chia quyền với bố hả thằng ranh?- Ông bố trừng mắt.

Ôi thôi!

“Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”!

000_9TV9HB.jpg
Tàu đi trên sông Sài Gòn. AFP

Tiền không, quyền không

Không tiền, không quyền. Cho nên ra riêng một cách hoành tráng hơn ba năm, nhưng hạ tầng Thủ Đức gần như chẳng có gì thay đổi.

Do phát triển tự phát, nên các khu vực của TP Thủ Đức không đồng đều. Những nơi gần quận 1, do hưởng được hệ thống hạ tầng và giao thông của TP HCM trước kia nên dân cư đông đúc, đường phố ngang dọc rộng rãi, tiện ích đầy đủ. Những nơi xa xôi nhất thì tuy hầu hết tuyến giao thông đường chính đã trải nhựa nhưng khung cảnh chung vẫn y chang cách đây mấy chục năm: trâu bò vừa đi vừa vắt đuôi ỉa toèn toẹt trên đường. Trường cấp ba xa nhà đến chục cây số, học sinh cấp 3 phải học bán trú vì đi về nhà và trở lại trường học buổi chiều quá tốn thời gian. Có những phường cách trung tâm gần 20 km nên người dân có việc đến UBND TP làm giấy tờ phải mất hẳn một buổi cho đến một ngày trời. Hơn nữa, vì từ 3 quận thu lại thành một nhưng vẫn theo thẩm quyền của cấp huyện nên nhân lực của tất cả các phòng ban đều giảm, vì thế thời gian làm giấy tờ hồ sơ, nhất là giấy tờ nhà đất của người dân bị kéo dài và trở ngại gấp ba lần. “Đổi mới” i này chỉ khiến dân cò có nhiều cơ hội làm ăn hơn và béo bở hơn.

Do chỉ thành thành phố về mặt hình thức nên mới có chuyện trên địa bàn Thủ Đức có hàng trăm dự án nhà ở đã triển khai hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Các dự án này hầu hết đều đã có dân về ở một phần nhưng đường sá, đèn, cống thoát nước… nhếch nhác, hư hỏng, bẩn thỉu hoặc đã bị lấy trộm hết từ lâu. Tuy nhiên, chẳng ai sửa chữa, vì chủ đầu tư sau khi bán được nhà thì đếch thèm hoàn thành một số hạng mục công cộng nữa.

Hai dự án to nhất là khu đô thị An Phú-An Khánh và khu đô thị An Phú, tổng diện tích trên 200 ha thì đường sá hư hỏng, đèn đứt cây gãy không được sửa chữa. Trục đường chính của dự án chỉ có một khúc, sau đó đứt đoạn và bị rào chắn lại, không nối được vào hệ thống giao thông hiện hữu của thành phố.

Các tuyến đường giao thông phía Đông, có những đoạn người ta cứ rào che hẳn nửa phần đường lại, mặc xe cộ nối nhau bò như rùa bên nửa đường nhỏ hẹp bên kia. Trách nhiệm đó của ai, dân cũng chịu chẳng biết, vì nó cứ sừng sững như thế cả mười mấy năm rồi.

Nổi tiếng nhất dĩ nhiên là khu Thủ Thiêm. Vị trí kim cương của nó khiến nó trở thành cục gân gà phơi khô chiên nóng, thơm ngon đến nỗi ai nhìn cũng nhỏ dãi, nhưng cũng không ai nuốt được. Hết đời lãnh đạo nọ đến đời lãnh đạo kia của TP HCM và sau này thêm lãnh đạo TP Thủ Đức đều đã đến tận nơi tạm cư của dân Thủ Thiêm và tặng quà úy lạo, rồi lặng lẽ… về hưu. Hai mươi mấy năm qua, các lá đơn kêu cứu chất dầy lên trong các trụ sở tiếp dân, đồng thời với việc trên mảnh đất Thủ Thiêm, cỏ cây hoang dại cũng mọc lên cao ngút.

Nhưng Thủ Đức bó tay chẳng làm được gì. Vì theo các hợp đồng trước đó, trách nhiệm pháp lý về việc (đốc thúc) hoàn tất các khu đô thị trên, các tuyến đường trên đều thuộc thẩm quyền của UBND TP HCM. Nên tuy dự án nằm trên địa bàn TP Thủ Đức nhưng lại thuộc thẩm quyền UBND TP HCM giải quyết.

TP HCM dĩ nhiên chẳng sở nào muốn cố nuốt mấy cục gân gà này. Vụ việc đã qua đến bốn đời Chủ tịch TP hay giám đốc các sở liên quan không ai xử lý nổi. Nói đâu cho xa, chỉ riêng có một tí đường nối khu An Phú, An Khánh vào trục đường của thành phố, các lãnh đạo TP (trước là TP HCM, sau này là TP Thủ Đức) từng đánh hết công văn nọ đến công văn kia năn nỉ doanh nghiệp chủ đầu tư đến họp bàn giải quyết.  Nhưng doanh nghiệp-có lẽ có cơ to- thậm chí chả thèm nhấc mắt lên, đừng nói là chịu dời gót ngọc.

Suốt 20 năm ròng, dân lỡ dại bỏ tiền ra mua nhà đất trong dự án cứ… ráng chịu. Lâu lâu được gặp đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri thì mừng húm, thi nhau tố khổ cho đã cái nư. Tố xong, đại biểu đứng lên chất vấn trong kỳ họp được mấy câu, lãnh đạo Ủy ban ngồi nghe, hứa sẽ cố gắng giải quyết nhanh nhất. Rồi mèo vẫn hoàn mèo. Con cháu đời sau của các cử tri được thừa kế ngôi nhà của ông cha, thừa kế luôn cả các câu hỏi chất vấn với đại diện của mình.

Đùn đẩy tích cực về trách nhiệm giải quyết các “đống rác” gậy phiền phức và thiệt hại cho người dân, đồng thời giữ thật chắc những kho vàng nằm trên địa bàn TP Thủ Đức. Đó là các Khu đại học quốc gia, Khu công nghệ cao, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm (khi được thành lập) mà TP HCM vẫn dùng dằng không phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức quản lý trực tiếp.

Hàng loạt con đường và các dự án nghe tên thật đáng sống được vẽ lên ở TP Thủ Đức. Đó là khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu liên hợp Thể dục-thể thao quốc gia Rạch Chiếc, khu Công nghệ cao, Khu đại học Quốc gia TP HCM, khu Linh Trung kết nối Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao, Khu Tam Đa-Long Phước-Trung tâm Công nghệ sinh thái, khu Trường Thọ, đô thị tương lai và Trung tâm Khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Nhưng ngoài khu Công nghệ cao và khu Đại học Quốc gia đã hình thành và hoạt động nhiều năm nay, chủ yếu do có các động lực khách quan (như Khu Đại học Quốc gia thì có số sinh viên cả nước về học, Khu Công nghệ cao thì do quỹ đất lớn cộng với chính sách thu hút các công ty công nghệ). Ngoài ra, tất cả vẫn còn là ước mơ trên giấy, dù đã được vẽ từ nhiều năm.

Ngay phần cuối của khu Công nghệ cao, cỏ dại mọc rậm rì bám đầy bụi che khuất cả tầm nhìn vào bên trong khu vực. Từ đó chạy về phía Đông, con đường chỗ rộng thênh thang, chỗ ngoằn ngoèo đầy đá dăm, hai bên đường thiếu dân cư mà đông nhất là các sạp hàng rau quả giá rẻ bán chợ chiều cho công nhân và sinh viên nghèo. Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc chỉ còn cái tên cũ. “Phú Mỹ Hưng thứ hai”-khu Tam Đa có ba mặt giáp sông và cù lao Long Phước giáp hai con sông Đồng Nai và sông Tắc thì nhiều năm nay vẫn là ốc đảo, chỉ có một con đường độc đạo ra vào (Long Phước), hoặc thưa thớt người ở (Tam Đa).   

Tiền không, quyền không thì dù đất có mênh mông ra đấy cũng vẫn là đất hoang, không thể biến thành tiền.

Sinh con rồi mới sinh cha

Khoảng nửa năm nay, vài con đường, cây cầu bị chậm đến năm bảy năm trên địa bàn Thủ Đức cũng được tái khởi công, nhưng chủ yếu cũng chỉ do sức ép phải giải ngân cuối năm của TP HCM.

Cuối cùng, sau tận ba năm sinh ra ông con ngồi hô phải trở thành Thánh Gióng, hò hét mãi, Thủ Đức mới xin được một số cơ chế gỡ dây trói như được chủ động lập quy hoạch, mời gọi đầu tư trong một số lĩnh vực và quy mô. Tuy nhiên kết quả ra sao thì phải thấy mới tin. Vì tất cả vẫn mới chỉ là thử nghiệm. Tận đến nay, vẫn chưa có một luật chính thức và chặt chẽ nào cho mô hình thành phố trong thành phố này cả.

“Thành quả” thứ hai là lập ba đơn vị hành chính mới thí điểm trong ba năm, gồm Trung tâm An sinh; Trung tâm Phát triển Thương mại và Đầu tư và Trung tâm Quản lý, khai thác hạ tầng. Tuy vậy, các trung tâm này chỉ là bình mới rượu cũ, về hoạt động không khác gì các phòng ban chuyên môn tương tự của các quận trước khi bị sáp nhập.

Cuối cùng, Thủ Đức chỉ thực sự nổi bật trên báo chí mỗi khi có mưa giông.

Anh em báo chí khỏi cần tìm đề tài. Cứ viết sẵn một bài “Mưa lớn, nước trên đường phố Thủ Đức chảy cuồn cuộn như thác”, chỉ cần dán ảnh mới vào thì đăng đi đăng lại mười mấy năm nay chưa cũ.

Đường cũ ngập. Đường mới ngập. Khu tiền tấn ngập. Khu nhà lá ngập. Dự án cải tạo giao thông, nâng cấp đường cũng ngập.

Theo trend xóa sổ quận này quận nọ, sáp nhập nơi này nơi kia, bà con vừa xắn quần đến mông lội nước về nhà, vừa khẩn cấp yêu cầu nhân tiện đang sáp nhập thì sáp nhập luôn Vũng Tàu với Thủ Đức, cuối tuần nhân dân bơi lội từ nơi nọ đến nơi kia nghỉ ngơi cho tiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn