Chứng cứ yếu không có nghĩa là buộc tội oan

Thứ Tư, 26 Tháng Bảy 20238:00 SA(Xem: 1348)
Chứng cứ yếu không có nghĩa là buộc tội oan

Chu Mộng Long

24-7-2023

Tôi từng tự điều tra chống tham nhũng gần chục năm, mười năm làm thanh tra, chưa phải là nhân viên điều tra nhưng cũng từng thanh tra nhiều vụ phức tạp, đến mức công an điều tra tỉnh cũng phải nể. Không phải khoe mà để nói rằng, tôi hiểu luật và biết phán xét theo luật chứ không phải cảm tính.

Trong vụ án “Chạy án trong vụ chuyến bay giải cứu”, theo một số người tự cho là hiểu biết luật, đã đặt vấn đề, rằng khi Viện Kiểm sát không đủ chứng cứ buộc tội điều tra viên Hoàng Văn Hưng (xin lỗi, tôi không dùng chữ “cựu”, vì khi phạm tội, anh ta là đang điều tra viên và lãnh đạo cơ quan điều tra) thì phải thực hiện “nguyên tắc suy đoán vô tội” một cách khách quan.

Bề ngoài, có vẻ lập luận này đúng khi Viện Kiểm sát không thể chứng minh rõ ràng trong cặp số có số tiền 450.000 USD. Kể cả như lời bị cáo Hưng, Viện Kiểm sát cũng không thể chứng minh rõ tiền mặt các lần nhận tiền khác trong số 800.000 USD mà Viện Kiểm sát đã kết tội. Theo nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”, rõ ràng là cơ quan công tố rơi vào thế yếu trước sự hàm hồ của bị can. Tuy nhiên, theo tôi, chứng cứ yếu không đồng nghĩa với kết tội oan sai cho bị can.

Các bạn có thể đọc hết bản luận tội của Viện Kiểm sát (phần cơ bản thông qua bài báo dưới đây), rõ ràng đúng như Viện Kiểm sát kết luận: “không có căn cứ áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội” cho bị can trong trường hợp này. Tóm tắt:

1) Lời khai của bị cáo Tuấn, Hằng, Sơn là độc lập (không có thông cung) nhưng thống nhất, trùng khớp với các dữ kiện: về cuộc gọi điện, cuộc gặp gỡ giữa Hưng với các bị cáo trên. Kể cả bằng chứng về hình ảnh từ camera an ninh. Tôi nói thêm, nếu ông Hưng chứng minh được 3 bị cáo Tuấn, Hằng, Sơn có sự thông cung theo chỉ đạo của ai đó cố tình làm hại mình thì Tòa mới có cơ sở suy xét để minh oan.

2) Trong quá trình thẩm cung, bị can Hưng luôn quanh co dối trá cho đến khi không thể chối cãi có nhận chiếc cặp số. Nói trong chiếc cặp số chỉ có 4 chai rượu vang, càng dối trá vì không ai chỉ tặng rượu làm quà mà phải bí mật trong chiếc cặp số có khóa mã. Trong lúc đang thi hành công vụ điều tra mà lén lút gặp riêng đối tượng, tiết lộ thông tin điều tra cho nghi phạm đã là tội lớn: tội tiết lộ bí mật điều tra, thông tin lệch lạc hồ sơ vụ án.

Tôi nói thêm, ông Hưng thách cơ quan tố tụng chứng minh trong cặp có 450.000 USD, mà quên rằng, để tạo điều kiện thực hiện “nguyên tắc suy đoán vô tội”, ông có thể tự chứng minh rằng chiếc cặp do chính ông giữ lấy không có tiền mà chỉ có 4 chai rượu vang. Đằng này, chính ông Hưng đã vứt chiếc cặp và nói khơi khơi rằng, 4 chai rượu vang đó đã chiêu đãi các bác sĩ chống dịch! Đây cũng là một tội: Tội phi tang chứng cứ, trong khi rõ ràng bằng chứng là ông có nhận chiếc cặp.

Các căn cứ phạm tội đều có đủ. Chỉ thiếu sự bắt quả tang tiền mặt (có thể đây là sơ suất khi đánh úp đối tượng). Đúng như Viện Kiểm sát nói: không có cửa để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Để đối tượng tâm phục khẩu phục, tôi đề nghị Tòa:

1) Tách vụ án đưa và nhận hối lộ để chạy án này ra khỏi vụ án chuyến bay giải cứu, vì tự thân vụ này dù có liên quan tới chuyến bay giải cứu nhưng độc lập với bản chất và tình tiết riêng.

2) Trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ: a) Bị cáo vứt chiếc cặp ở đâu? động cơ nào phải vứt chiếc cặp đắt tiền đó? b) Bốn chai rượu vang được dùng chiêu đãi bác sĩ nào, ở đâu, c) Kê biên tài sản bị can Hoàng Văn Hưng và làm rõ nguồn gốc tài sản mà ông Hưng đang sở hữu, vì không thể số tiền cả triệu đô mà ăn nhậu hết trong một thời gian ngắn.

3) Xác minh cho đủ số tiền 2.250.000 USD chạy án theo lời khai của người chạy án chứ không thể bỏ qua như Viện Kiểm sát nói, rằng số tiền còn lại có thể áp dụng “nguyên tắc suy đoán vô tội” vì chưa đủ chứng cứ. Không thể để lọt tội phạm, nói nôm na theo dân gian, là để chúng “ăn xong *a ra c*t” là hết chứng cứ buộc tội.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn