Kịch bản nào cho tương lai chế độ Putin ?

Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy 20236:00 SA(Xem: 1446)
Kịch bản nào cho tương lai chế độ Putin ?

Quyền lực không bị suy yếu vì trước mắt Vladimir Putin còn nhiều là chủ bài trong tay sau vụ binh biến bất thành của Wagner, nhưng mức độ "ổn định của chế độ" đang bị chiến tranh Ukraine "thách thức nghiêm trọng". Trong những năm sắp tới những yếu tố nào có thể làm lung lay chế độ Putin và kịch bản nào sẽ diễn ra sau đó ?

tuonglai1

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với các lãnh đạo an ninh tại Moskva, Nga, ngày 26/06/2023. via Reuters – Sputnik

Nhà ngoại giao và địa chính trị Michel Duclos, thuộc viện nghiên cứu Institut Montaigne- Paris, đã trả lời các câu hỏi này trong bài tham luận hôm 07/07/2023. Nguyên là đại sứ Pháp tại Syria, Thụy Sĩ và bên cạnh Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm, ông hiện là cố vấn đặc biệt về ngoại giao và địa chính trị của Viện Montaigne.

Công luận Nga chấp nhận chiến tranh 

Bài viết mang tựa đề "Những kịch bản về tương lai chế độ của Vladimir Putin" mở đầu với nhận xét : Cho đến cuộc nổi loạn của Wagner trong tay Yevgeny Prigozhin hôm 24/06/2023, dư luận Nga nhìn chung "chấp nhận" những hậu quả chiến tranh Ukraine vì ba lý do.

Thứ nhất là họ đã bị "nhồi sọ" từ nhiều năm nay. Khó có thể thẩm định chính xác các chiến dịch tuyên truyền đó tác động đến mức độ nào đến thái độ của phần lớn người dân Nga. Nhưng rõ ràng và đặc biệt là ở các thành phố lớn, dân chúng "chủ yếu lo kiếm sống qua ngày" khi mà họ bị giới hạn du lịch, hay đi công tác ra nước ngoài, khi mà một số mặt hàng tiêu dùng thường ngày trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn do lệnh trừng phạt Âu Mỹ ban hành từ khi Moskva xâm chiếm Ukraine.

Thủ pháp thứ nhì là chính quyền Putin "vừa đấm vừa xoa" : Bên cạnh các biện pháp đàn áp phe phản chiến, chính quyền cũng tránh dồn những "công dân bình thường" vào đường cùng. Huy động quân nhân ra chiến trường, thế nhưng chính quyền Nga cũng đã có nhiều biện pháp đền bù, trợ cấp cho gia đình của những người lính. Moskva cũng đã tránh tuyển quân trong hàng ngũ giới trung lưu. Ngoài ra, Michel Duclos nhìn nhận, trước những đòn rất mạnh tấn công vào cỗ máy kinh tế của nước Nga, Kremlin đã xử lý vấn đề này "khá tốt" : mãi lực của người dân, hệ thống tài chính và ngân hàng không bị "sụp đổ" và trước mắt, "có thể nghĩ rằng Moskva có khả năng tài trợ cỗ máy chiến tranh, ít ra là ở mức độ hiện tại".   

Điểm thứ ba là chính phủ một mặt hô hào "Phương Tây đang tấn công nước Nga", "đe dọa đến sự sống còn" của dân tộc Nga, mặt khác vẫn cố gắng tạo ảo tưởng là cuộc sống của người dân Nga không bị xáo trộn, mọi người vẫn được "sống một cách bình thường".

Ba yếu tố vừa nêu dẫn đến nhận xét như sau : Thoạt đầu, công luận Nga nghĩ rằng không cần thiết phải tham chiến, nhưng một khi chiến tranh đã khai mào,  số này hoàn toàn loại trừ kịch bản nước Nga bại trận.

Ba điểm có thể "đảo ngược tình huống"

Câu hỏi kế tiếp là tới khi nào, tổng thống Vladimir Putin sẽ mất đi điểm tựa quý giá của công luận trong nước ?

Một số điểm như sau cho phép trả lời phần nào câu hỏi này.

Một là tác động lâu dài từ các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước Nga : Đến khi nào các biện pháp trừng phạt "thực sự đè nặng" lên kinh tế Nga ? Một số nhà quan sát cho rằng phải mất từ "hai đến ba năm". Đây thường là quan điểm của một số các quan chức tại Moskva. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov tại diễn đàn kinh tế Saint Petersburg (14-17/7/2023) thừa nhận "đến một lúc nào đó chính phủ sẽ phải hoặc là tăng thuế, hoặc là cắt giảm các chương trình an sinh xã hội" để tài trợ cỗ máy chiến tranh. Thu nhập từ các nguồn tài nguyên bắt đầu "tăng chậm lại" trong lúc chi phí quân sự không ngừng gia tăng.

Nguy cơ thứ nhì là "tác động" đối với công luận trong trường hợp Nga thua trận tại Ukraine. Lịch sử nước Nga không thiếu những thí dụ cho thấy thất bại quân sự và sự sụp đổ của một chế độ "ít nhiều có liên quan đến nhau". Michel Duclos đơn cử ví dụ : "Thất bại tại Afghanistan đã dẫn đến ngày tàn của chế độ cộng sản Liên Xô". 

Tuy nhiên, yếu tố thứ ba có thể làm "đảo ngược" tình huống là "yếu tố Trung Quốc". Theo quan điểm của Michel Duclos, "cuộc trắc nghiệm thực thụ về tình bạn vô bờ bến" giữa Moskva và Bắc Kinh sẽ diễn ra khi mà "tình trạng tài chính của Nga xuống dốc đến nỗi Moskva phải đi vay tín dụng của Trung Quốc".

Vị trí của Putin trong dòng lịch sử

Vậy tổng thống Nga đang tính toán những gì ? Theo tác giả bài viết, điều ấy tùy thuộc vào "cách nhìn của Vladimir Putin về sự sống còn của chế độ trong tay ông, về vị trí của ông trong Lịch Sử", mà vị trí đó "được gắn chặt với chiến thắng quân sự" của Moskva.

Do vậy Michel Duclos không loại trừ khả năng điện Kremlin duy trì "một cuộc chiến triền miên" để biện minh cho tính chính đáng của chế độ. Kịch bản đó hàm ý "trước một kết cục thảm hại" cho hình ảnh của mình, Vladimir Putin có thể sẽ tính đến "giải pháp hạt nhân". Cuộc "khủng hoảng nguyên tử đó" không chỉ thu hẹp trên chiến trường, mà bao gồm luôn cả nhà máy điện hạt nhân ở Zaporijia. Đây là một "khả năng" nguy hiểm trong tay Moskva.

Trong trường hợp này, có hai rào cản cho "phương án hạt nhân" đó của Putin : một là công luận Nga và hai là tiếng nói của Trung Quốc. Có điều ông Michel Duclos không mấy lạc quan khi nhắc lại, tháng 9/2022 tổng thống Putin thông báo "sáp nhập" 4 tỉnh của Ukraine vào với nước Nga chỉ hai ngày sau thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan. Nhân thượng đỉnh này, lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ, "đã kêu gọi nguyên thủ Nga thận trọng".

Thời đại Putin bước vào "lúc hoàng hôn"

Ngoài giải pháp hạt nhân để tồn tại, Vladimir Putin cũng đánh cuộc vào việc phương Tây mệt mỏi vì chiến tranh Ukraine kéo dài, rồi Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11/2024. Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình mở "mặt trận Đài Loan" và đây sẽ là "mặt trận thứ nhì nhắm vào phương Tây".  

Có một thực tế không thể chối cãi : "Thời đại Putin đang bước vào lúc hoàng hôn". Cho đến nay nhân vật đầy quyền lực này luôn dung hòa được hai mục tiêu "duy trì ổn định ở trong nước và hung hăng trong đường lối đối ngoại". Có điều cựu đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc ghi nhận chiến tranh Ukraine là một bước ngoặt do chủ trương hung hăng về đối ngoại đó của tổng thống Vladimir Putin nay có nguy cơ "phá hỏng" ổn định ở trong nước, tiêu biểu hơn cả là vụ binh biến vừa qua của nhóm Wagner.

Điện Kremlin không còn nhiều thời gian : cột mốc bầu cử tháng 3/2024

Tương lai nào cho "chế độ" Putin ? Để trả lời câu hỏi này, chuyên gia Pháp cho rằng quân của Nga đông hơn Ukraine và tương quan lực lượng có vẻ bất lợi hơn cho Kiev. Nhưng tổng thống Putin phải chạy đua với thời gian trước khi "cỗ máy kinh tế" bị các biện pháp trừng phạt tác động mạnh và Moskva không còn khả năng tài trợ chiến tranh.

Về chính trị, bầu cử tổng thống Nga diễn ra vào tháng 3/2024 là một kỳ hạn quan trọng. Kết quả bầu cử dù đã được biết trước, nhưng điện Kremlin có tham vọng Vladimir Putin phải được ít nhất 75% cử tri ủng hộ. Điều tối kỵ đối với ông là lại trông thấy cảnh người dân xuống đường bày tỏ mất mãn. Nếu như cuộc tuyển cử này vì một lý do nào đõ phải "dời lại" thì đó sẽ là "dấu hiệu rõ ràng về không khí bất an" ở Nga.

Một quẻ bói cho Putin 

Trong phần cuối, Michel Duclos nêu bật năm kịch bản cho tương lai chính trị của ông Putin. Các kịch bản đó gồm "một sự tiếp nối", có nghĩa là Vladimir Putin vẫn làm chủ tình thế như là cho đến hiện nay. Khá hơn nữa là "hào quang của ông thêm sáng chói" nếu như Ukraine không giành lại được những phần lãnh thổ đã bị chiếm đóng.

Ở kịch bản thứ ba là một "cuộc khủng hoảng ngầm" để rồi một ngày nào đó phủ tổng thống thông báo vì lý do sức khỏe, ông Vladimir Putin tạm thời phải nghỉ dưỡng và tạm trao quyền điều hành đất nước lại cho thủ tướng Nga. Đương nhiên đây chỉ là một giả thiết được Michel Duclos nêu lên mà thôi.

Trong kịch bản thứ tư, tác giả nói đến một "cuộc đột biến" nào đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cuối cùng là nước Nga lâm vào cảnh hỗn loạn "ngoài tầm kiểm soát", do các thành phần thân cận với chế độ xâu xé lẫn nhau …

Dù vậy, trước mắt giả thuyết thực tế hơn cả là Vladimir Putin vẫn trụ được tại điện Kremlin do trên chính trường Nga không có một nhân vật nào sáng giá để thay thế ông và đủ sức tránh để nền kinh tế thứ 9 thế giới này lâm vào cảnh "tệ hại nhất".

Tuy nhiên, khả năng chế độ Putin phải lùi vào hậu trường không phải là không có và trong trường hợp này, cựu đại sứ Pháp tại Syria, Thụy Sĩ và bên cạnh Liên Hiệp Quốc Michel Duclos dự báo nước Nga sẽ bước vào giai đoạn bình mới rượu cũ mà ông gọi là chế độ "Putin 2" : Đó sẽ là một thời kỳ không mấy sáng sủa cho Liên Bang Nga.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn