Phù thủy Putin bị âm binh Wagner lăng nhục, nước Nga có nguy cơ tan rã

Thứ Bảy, 01 Tháng Bảy 20232:01 CH(Xem: 926)
Phù thủy Putin bị âm binh Wagner lăng nhục, nước Nga có nguy cơ tan rã
rfi.fr

Phù thủy Putin bị âm binh Wagner lăng nhục, nước Nga có nguy cơ tan rã

Thụy My

L'Obs nhận định lần đầu tiên Putin bị trực tiếp thách thức ngay trên lãnh địa của mình. Cuộc nổi dậy bất thành của Prigozhin đã phơi bày trước mắt mọi người một cường quốc bị chao đảo nặng nề vì cuộc xâm lăng Ukraina. The Economist coi đó là cả một sự sỉ nhục cho ông chủ điện Kremlin. Theo L’Express, thời kỳ hậu Putin chừng như đã bắt đầu. Le Point nói về khả năng tan rã của liên bang Nga, trong đó có nhiều nước cộng hòa cư dân không phải là người Slave.

Putin chiếm trang nhất tất cả các tuần báo

Sau vụ Wagner nổi loạn, hình ảnh tổng thống Nga chiếm trang bìa tất cả các tuần báo kỳ này. Trên trang nhất Le Point là hình ông Putin cùng với ảnh nhỏ của năm nhân vật khác, với dòng tựa « Hàng tỉ đô, quyền lực và phản bội : Cuộc chiến của các băng nhóm ». Courrier International vốn ưa thích dạng biếm họa, đưa hình vẽ Putin với vẻ hoảng loạn đang cỡi trên một con gấu có chiếc cổ nứt toang hoác, nhận định « Nga : Điều tệ hại còn ở phía trước ».

L'Express đăng chân dung Vladimir Putin trong chiếc khung mạ vàng đã bị che đi phân nửa, chạy tít lớn « Hậu Putin đã bắt đầu ».L'Obs chọn tấm hình Putin đầy đăm chiêu, đặt trên nền bìa màu đỏ với những đường rạch chéo màu đen, với tựa đề « Putin, quyền lực rạn vỡ ». The Economist đưa ảnh Putin buồn rầu với đầy vết rạn như một chiếc bình sắp vỡ, thẳng thừng nói về « Sự nhục nhã của Vladimir Putin ».

Không ai biết Putin ở đâu sau khi đọc diễn văn

Courrier International trích dịch Meduza, trang web Nga lưu vong vốn thạo tin cho biết ngay từ đêm 23/06 khi Yevgeny Prigozhin bắt đầu loan báo cuộc « hành quân vì công lý », quân đội, viên chức Kremlin, thành viên chính phủ đã cố gắng đối thoại với thủ lãnh Wagner. Ông ta đòi hỏi cách chức bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu, duy trì quyền quản lý Wagner và thêm tài trợ, nhưng không thỏa thuận được. Đến trưa thì Prigojine muốn nói chuyện trực tiếp với Putin nhưng không xong. Đôi bên cần một lối thoát, và thế là Alexandre Lukachenko được nhờ đến.

Một nguồn tin khác của tờ báo nói rằng : « Không ai biết Putin ở đâu sau khi đọc xong bài diễn văn. Ông ta là người đứng đầu quân đội, cần phải đưa ra quyết định đúng lúc ». Theo người này, lẽ ra không nên để Lukashenko chiếm một vị trí lớn như vậy, hay để cho các đại diện lực lượng an ninh thương lượng. Trang iStories dẫn dữ liệu của Flightradar cho biết chiếc phi cơ của Vladimir Putin được cho là đã rời Matxcơva trong buổi chiều 24/06, và biến mất khỏi sóng radar ở gần thành phố Tver.

Bảy máy bay bị Wagner bắn rơi, 29 lính dù thiệt mạng

The Economist giải thích « Chuyện gì đã xảy ra khi không quân Nga tấn công đội quân nổi dậy ? ».Thiệt hại lớn nhất của không quân là bị Wagner bắn rơi chiếc máy bay bốn động cơ Il-22M « Coot », được trang bị để các sĩ quan trên phi cơ có thể kiểm soát các hoạt động bên dưới. Phi hành đoàn 10 người dường như đều đã tử nạn. Ngoài ra còn bị mất trực thăng tấn công Kamov Ka-52 « Hokum-B », Mil Mi-35 « Hind-E », bốn phi cơ vận tải Mil Mi-8 « Hip ». Ba trong số Mi-8 là phiên bản hiếm hoi của phi cơ tác chiến điện tử, có thiết bị gây nhiễu.

Các trực thăng đều trang bị rốc-kết, hỏa tiễn chống tăng chính xác, đại bác. Đoàn quân Wagner đi trên các đại lộ chính lẽ ra là mục tiêu dễ dàng bị không kích, như trên 1.000 xe của Irak bị Mỹ tiêu diệt trên « xa lộ tử thần » năm 1991. Như bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lưu ý, Wagner sở hữu nhiều loại vũ khí như hỏa tiễn địa-không cơ động Sa-22 Pantsir, hỏa tiễn phòng không vác vai. Nhóm phân tích Jane’s ước tính 29 lính nhảy dù Nga đã thiệt mạng, tổn thất này quan trọng hơn nhiều về chính trị so với số máy bay bị bắn hạ.

Shoigu trung thành, Medvedev tham vọng

Theo Le Point, phía sau cuộc nổi dậy bất thành của Wagner, là những phe nhóm đang tranh giành quyền lực.Yevgeny Prigozhin gọi Sergei Shoigu là « tên khốn » và mong muốn ông ta « bị thiêu cháy ở hỏa ngục », nhưng thế mạnh của bộ trưởng quốc phòng là lòng trung thành với Vladimir Putin. Shoigu là nhân vật thân cận duy nhất của Boris Yelsin mà Putin đi nghỉ hè chung. Mỗi năm một lần, cả hai sang Cộng hòa Tuva gần Mông Cổ, quê nhà của Shoigu, để câu cá trên những dòng sông băng giá hay đi săn bắn.

Nicolai Petrov, chuyên gia của Chatham House nhấn mạnh khi bổ nhiệm một viên chức dân sự đứng đầu quân đội, Putin muốn kềm hãm ảnh hưởng của giới quân nhân, nhưng không ngờ rằng Sergei Shoigu bị mất uy tín hoàn toàn nơi quân đội. Hơn nữa, hai con trai của bộ trưởng quốc phòng lại trốn lính. Người con trưởng bay sang Dubai, con trai thứ vốn là con ngoài giá thú với một tiếp viên hàng không thì sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong số những người trung thành với Putin có cựu tổng thống Dimitri Medvedev, vốn mơ chiếc ghế tổng thống đã từng ngồi từ 2008 đến 2012 để giúp Putin quay lại sau đó. Nhân vật trước đây được cho là thuộc phe tự do nay trở thành diều hâu. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga thường xuyên đe dọa dùng vũ khí nguyên tử để « cứu vãn nước Nga vĩ đại ». Chuyên gia Abbas Gallyamov phân tích, Medvedev giành được ảnh hưởng và vì vậy gây căng thẳng với thủ tướng Mikhail Mishutin.

800 tỉ đô la rơi vào túi các băng nhóm và « ông trùm »

Một nhân vật đáng chú ý khác : Igor Setshin, cựu KGB trước đây là thư ký riêng của Putin ở tòa thị chính Saint-Pétersbourg. Được mệnh danh là « Dark Vador », Setshin nay đứng đầu tập đoàn Rosneft khổng lồ. Ông ta từng làm Mikhail Khodorkovski phải ngồi tù 10 năm và chia năm xẻ bảy công ty Yukos của nhà tài phiệt. Bộ trưởng kinh tế Alexei Uliukaiev bị 8 năm tù vì dám phản đối Setshin. Jean-Michel Cosnuau, một doanh nhân Pháp từng sống tại Nga 20 năm tiết lộ « Dark Vador » đã gặp Prigozhin hai lần trong một tháng qua. Setshin kiểm soát 1/3 phe nhóm trong FSB và muốn đẩy nhanh mọi việc để còn làm ăn.

Andrei Illiarionov, từng là cố vấn kinh tế của tổng thống, nay tị nạn ở Hoa Kỳ kể lại, có lần sau khi báo cáo món tiền thưởng 1,5 tỉ đô la cho các nhà quản lý tập đoàn Rosneft, Putin quay sang chất vấn khiến Setshin đỏ mặt lắp bắp. Theo cách hiểu của Cosnuau, Putin trách cứ « Dark Vador » đã không chừa phần cho mình. « Cả một băng nhóm mafia chỉ lo làm giàu ».

Tác giả Catherine Belton nhận định trên L’Express, « khi ưu tiên cho các đồng minh ở Saint-Pétersbourg vào các vị trí lãnh đạo, Putin đã tặng cho họ cả một bể tiền mặt ». Một số người ước lượng trong hai thập niên ngự trị của Vladimir Putin, 800 tỉ đô la đã bị biển thủ. Gia tài của tổng thống Nga được ước tính từ 40 đến 200 tỉ đô la, Yuri Kovalchuk 2,6 tỉ, Igor Setshin 800 triệu đô la, Medvedev sở hữu hàng trăm hecta vườn nho và nhiều tài sản khác trị giá 81 triệu euro…

Những nhân vật diều hâu hơn cả Putin

Một số thành viên tuy vậy cũng có lý tưởng. Chẳng hạn Yuri Kovalchuk, ông chủ ngân hàng Rossia và một đế chế truyền thông, người cho Putin hay các cô bồ của ông ta mượn tên để mua những du thuyền và cơ ngơi sang trọng. Kovalchuk đồng ý với Putin là Ukraina cần phải quay lại dưới trướng Matxcơva, dù phải dùng đến vũ lực.

Một nhà tư tưởng khác là Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh, đã kiến tạo tầm nhìn địa chính trị cho Putin và còn hung hăng hơn cả ông chủ điện Kremlin. Chính Patrushev phụ trách việc thanh toán « những kẻ phản bội » : vạch ra kế hoạch đầu độc điệp viên hai mang Sergei Skripal ở gần Luân Đôn bằng Novitchok, mưu toan ám sát nhà đối lập Alexei Navalny – bị rơi vào hôn mê sau khi mặc chiếc quần lót tẩm chất độc Novitchok.

Trong hàng ngũ « siloviki », một khuôn mặt đang âm thầm chờ thời cơ : Alexei Diumin, cựu vệ sĩ của Putin. Ông ta là người đã thành công trong việc giúp cựu tổng thống Ukraina Viktor Yanukovitch đào thoát sang Nga trong lúc cuộc cách mạng Maidan đang sôi sục. Từ đầu cuộc xâm lăng, Diumin vẫn duy trì quan hệ với Yevgeny Prigozhin.

Bị thách thức ngay trên lãnh địa, Sa hoàng bỗng trần trụi

L'Obs nhận định lần đầu tiên Putin bị trực tiếp thách thức ngay trên lãnh địa của mình. Cuộc nổi dậy bất thành của Prigojine đã bày ra trước mắt mọi người sự bất ổn của một cường quốc bị chao đảo nặng nề vì cuộc xâm lăng Ukraina. Chỉ cần 24 tiếng đồng hồ để làm rung chuyển quyền lực của con người được cho là một trong những nhân vật quyền uy nhất thế giới. Hai mươi bốn giờ sấm động, làm Kremlin lộ rõ những gì muốn giấu diếm từ khi gây chiến với Ukraina : sự yếu kém và mất dần kiểm soát. Dù Yevgeny Prigozhin không còn trên đất Nga và sự yên tĩnh dường như đã trở lại, vết cứa vào tên tuổi của Vladimir Putin là rất sâu. Thành trì Kremlin tưởng chừng vững chải, nay mang dáng vẻ một lâu đài bằng giấy.

Sự kiện Wagner chiếm dễ dàng căn cứ quân sự chiến lược Rostov trên sông Đông rồi tiến về Matxcơva, trong vài giờ chỉ còn cách thủ đô 200 kilomet, cho thấy chế độ mất đi quyền hành đối với quân đội - chẳng thể cản được Wagner. Bản thân việc Putin nói về nguy cơ « nội chiến » đã là sự thú nhận yếu kém, khác hẳn với hình ảnh một nhà lãnh đạo oai vệ có thể bóp nát từ trong trứng mọi mưu toan nổi dậy. Vị Sa hoàng đang trần trụi.

Phù thủy Putin rửa nhục cách nào sau khi âm binh nổi loạn ?

The Economist cho rằng một kẻ lưu manh vào tù ra khám như Yevgeny Prigozhin có thể thăng tiến là nhờ sự hoang tưởng và thô bạo của Putin. Không tin vào quân đội, ông chủ Kremlin cần một băng nhóm côn đồ trung thành. Nhờ Wagner, Putin chối bỏ những hoạt động đẫm máu ở nước ngoài, có thể gây tội ác chiến tranh ở ba châu lục và can thiệp vào bầu cử của nước khác. Và nay âm binh đã quay ngược, chống lại phù thủy.

Trong 24 tiếng đồng hồ nổi dậy, nước Nga vẫn im lặng không phản ứng, từ người dân bình thường cho đến giới tinh hoa chính trị và quân sự. Courrier International trích dịch phóng sự của The Sunday Times tại Matxcơva, cho thấy người dân đã dám phê phán to tiếng hơn. Một phụ nữ nói Nhà nước nay có nhiều việc khác để làm, những người làm loạn mới phải vào tù chứ không phải họ. Người khác hỏi lại : « Tại sao phải sợ lính Wagner ? Chính là nhà cầm quyền mới phải run sợ ».

Cho đến nay, chế độ đứng vững nhờ phân phối lợi ích từ tham nhũng cho tầng lớp trên, và khủng bố tầng lớp dưới. Nếu một trong hai cơ sở này sụp đổ, cả hệ thống bị đe dọa. Với cách nhìn này, Putin không thể an tâm khi lính đánh thuê Wagner rời Rostov trong những tràng pháo tay của cư dân. Lịch sử sẽ trả lời liệu đây có phải là khởi đầu cho hồi kết, như cuộc đảo chánh thất bại tháng 8/1991 chống Gorbatchev đã dẫn đến Liên Xô sụp đổ bốn tháng sau. Kremlin sẽ rửa nỗi nhục bên trong bằng cách hung hăng hơn với bên ngoài hay không ? Hơn bao giờ hết, tương lai châu Âu được đặt cược vào chiến trường Ukraina, và với sự kiện vừa qua, tương lai nước Nga cũng vậy.

Hai yếu tố bất lợi cho Putin và nguy cơ nước Nga tan rã

The Economist cho rằng, các nhà độc tài dù bị yếu đi vẫn có thể tồn tại lâu dài nếu không có ai thay thế, như Alexandre Lukachenko ở Belarus hay Bachar Al-Assad ở SyriaTuy nhiên có hai yếu tố bất lợi cho Vladimir Putin.

Trước hết là chiến tranh với Ukraina. Cuộc phản công của Kiev dù chậm chạp hơn dự kiến, vẫn giúp giành lại được một số lãnh thổ bị Nga xâm lấn, và ở một số nơi, còn tái chiếm cả những vùng đất bị chiếm đóng từ năm 2014. Chiến lược của Putin là chờ đợi phương Tây nản lòng. Nhưng châu Âu đã gia tăng chi tiêu quốc phòng và không còn lệ thuộc vào dầu khí của Nga như trước. Ngược lại, trên 100.000 người Nga đã chết hay bị thương, khiến các chuyên gia tuyên truyền đắc lực nhất của Matxcơva cũng khó ăn khó nói.

Thứ hai là kinh tế. Tuy tránh được khủng hoảng trong năm nay, nhưng Putin không còn nguồn lực để tiến hành một cuộc tấn công quy mô mới. Thu nhập từ khí đốt giảm mạnh sau khi cắt đứt với khách hàng sộp nhất, giá dầu thế giới xuống thấp, đồng rúp mất 40 % giá trị. Tuần báo cho rằng thế giới cần chuẩn bị trước viễn cảnh một đất nước có trên 4.000 đầu đạn nguyên tử sụp đổ. Putin đã chứng tỏ rằng một chế độ tập trung quyền lực trong tay một người và tham nhũng lan tràn không thể là cách lãnh đạo một siêu cường.

Le Point khi nói về « Khả năng tan rã », nhắc lại phương Tây lo sợ hỗn loạn sẽ xảy ra ở Nga. Chính nhờ nỗi sợ này mà một thời gian dài Vladimir Putin được làm ngơ sau khi tấn công Chechnya, đè bẹp đối lập, chiếm một phần lãnh thổ Gruzia…Nga là một liên bang gồm 89 nước cộng hòa và vùng lãnh thổ, trong số đó có 21 nước dân số không phải là người Slave. Cuộc xâm lăng Ukraina làm cạn dần nguồn tiền cho đến nay giúp Kremlin ru ngủ những giấc mơ độc lập. Nhiều vùng ở Xibêri đã phản ứng khi không còn nhận được thu nhập từ nguồn lợi dầu khí dưới lòng đất của họ. Căng thẳng xã hội cũng tăng lên ở những vùng đất của Nga nằm sát Trung Quốc.

Đồng hồ điện Kremlin bắt đầu đếm ngược 

Trên L’Express, nhà nghiên cứu Sergey Radchenko, một trong những chuyên gia giỏi nhất về các vụ đảo chánh ở Kremlin nhận định « Không chắc rằng Putin có khả năng tái lập uy quyền ». Theo ông, vị thế của Putin rõ ràng đã bị chao đảo nặng nề. Vấn đề là chế độ của ông ta liệu có xuống dốc dần và sụp đổ, hay Putin sẽ ra tay thanh trừng. Còn về Evgueni Prigojine, chuyên gia này cho rằng « hy vọng sống của ông ta rất thấp », nhất là nếu không còn nắm được Wagner. Nhà tài phiệt lưu vong Mikhail Khodorkovski dự báo « sẽ còn có những cuộc nổi dậy khác ».

L'Express đặt câu hỏi : Sau khi lộ rõ sự bất lực thảm hại, Putin còn duy trì quyền lực được bao lâu nữa ? Ông ta liệu có đủ phương tiện để nắm lại tình hình, trong khi giới tinh hoa thấy khả năng làm giàu và sự ổn định mà ông chủ điện Kremlin hứa hẹn ngày càng xa ? Có bao nhiêu người trong số họ mơ đến một Sa hoàng mới biết nối lại liên hệ với phương Tây, giúp họ trở lại cuộc sống phong lưu ? Những phe phái khác có thể đứng lên chống lại Sa hoàng, thời kỳ hậu Putin chừng như đã khởi sự : Đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược.

Học giả Trung Quốc : Nga phải học tập Mao !

Về phía Trung Quốc rút được bài học gì qua vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin? Theo các học giả Hoa lục được The Economist dẫn lời, thì Trung Quốc không cần học ai, mà chính Nga phải học tập gương tốt của Bắc Kinh. Họ dẫn lời Mao Trạch Đông : « Đảng lãnh đạo trên nòng súng ».

Đại tá về hưu Chu Ba (Zhou Bo) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh, đại học Thanh Hoa nhắc nhở, Mao đã áp đặt các chi bộ đảng và chính ủy lúc Hồng quân còn là một nhóm du kích bát nháo, ca ngợi việc duy trì truyền thống « tốt đẹp » này. Ông nhìn nhận Bắc Kinh cũng nhờ đến các công ty an ninh tư nhân để bảo vệ công dân làm việc ở nước ngoài, nhưng trong khuôn khổ chương trình « Nhất đới, nhất lộ ». Quân đội Trung Quốc không bao giờ tuyển mộ tù nhân như Wagner.

Alessandro Arduino của King's College ở Luân Đôn cho biết, tuy Trung Quốc dùng « dân quân biển » - lực lượng mang danh dân sự trên những chiếc tàu lớn vỏ sắt để hà hiếp láng giềng - nhưng khi hoạt động ở nước ngoài thì tương đối trật tự. Khoảng 20 công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ngoài việc bảo vệ doanh nghiệp người Hoa ở châu Phi và những nơi khác, nhiều khi còn là « đại sứ thương hiệu » cho công nghệ Trung Quốc, bán các camera nhận diện khuôn mặt, drone và công cụ giám sát. Nhiều vệ sĩ không vũ trang, họ tuyển người địa phương mang vũ khí khi cần.

Nếu chiến tranh Ukraina kéo dài và rốt cuộc phương Tây mệt mỏi, chia rẽ và yếu đi như Trung Quốc vẫn luôn hy vọng, thì Bắc Kinh có lẽ sẽ bỏ qua cho Matxcơva việc lao vào cuộc phiêu lưu đẫm máu này. Trong khi chờ đợi, những người chỉ huy quân đội Trung Quốc có thể được nghe những bài giảng mới về lòng trung thành tuyệt đối với Tập Cận Bình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn