Đôi điều về cuộc chiến

Chủ Nhật, 02 Tháng Bảy 20236:00 SA(Xem: 948)
Đôi điều về cuộc chiến

Kim Văn Chính

1-7-2023

1/ Hồi chiến tranh Việt Nam, cụ Lê Duẩn có lúc phải đích thân sang Trung Quốc, Liên Xô để đàm phán về vũ khí tiếp viện. Vũ khí Liên Xô là chính, là quyết định, nhưng lúc đó Liên Xô cũng không phải Việt Nam cần gì cho nấy, càng không phải họ luôn viện trợ vũ khí tối tân nhất mà họ có…

Họ sử dụng Việt Nam làm địa bàn thử vũ khí thì rõ như ban ngày rồi. Vũ khí gì của Mỹ mà Việt Nam “được” trải nghiệm, thu giữ được, thì họ tích cực nghiên cứu như vớ được vàng, thì cũng rõ rồi (rất nhiều bằng chứng ít công bố về các chuyện này…).

Nhưng họ chuyển cái gì cho Việt Nam? Nói ra thì ức anh ách… Không hiện đại và không nhiều bằng họ cấp cho Ai Cập. Vũ khí thì 80% phải đi qua Trung Quốc, sau có khác hơn. Mà chiến tranh giữa hai ông cộng sản Xô – Trung năm 1969 chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển vũ khí Liên Xô sang Việt Nam theo đường bộ…

Kể vậy để biết khó khăn của Việt Nam về tiếp viện vũ khí và lương thực. Lê Duẩn luôn được Mao Trạch Đông trực tiếp căn dặn: Các đồng chí đánh thì rất mừng, nhưng đánh cấp tiểu đoàn thôi để bảo toàn lực lượng, lấy ít đánh nhiều, lấy nông thôn bao vây thành thị v.v… (Ý đồ chiến lược này phục vụ cho mưu đồ Trung Quốc, trên bàn cờ rộng lớn hơn chơi với Mỹ và Liên Xô).

Lê Duẩn rất khôn khéo: Chúng tôi nhận vũ khí, quân trang, lương thực là để đánh cấp tiểu đoàn. Cam kết chỉ đánh cấp tiểu đoàn thôi. Trình độ và quy mô cũng chưa thể có cấp trung đoàn đâu, đồng chí yên tâm…

Trên thực tế, ngay từ năm 1968, Việt Nam đã đánh cấp sư đoàn với nhiều sư đoàn và quân khu, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, nướng quân nhiều không kể xiết. Vũ khí thì chả có gì ngoài mấy loại vũ khí bộ binh đơn giản, pháo chả có, máy bay chả có, tăng chả có, xe bọc thép cũng chả có, tên lửa vác vai cũng chả có, cao nhất là mấy khẩu B40 sau cải tiến thành B41, súng trung liên… Pháo thì có DKZ từ hồi Pháp, sau cồng kềnh và kém hiệu quả cũng phải bỏ…

Sau tổng tấn công năm 1968, thua đau về quân sự, vừa đánh vừa khôn khéo đàm phán, tăng cường tiếp viện, nhưng Lê Duẩn vẫn vững tin đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao và chính trị, tuyển, vét quân đưa vào miền Nam để tổ chức tấn công quân sự quy mô ngày càng lớn, năm 1972-1973 rồi 1974-1975 giành toàn thắng….

Hồi đó mà tư duy: Tấn công phải chờ đủ xe tăng đã, đánh B52 phải chờ SAM3? Thì thử hỏi cuộc chiến của Việt Nam có thành công như nó đã thành công không?

2/ Hồi Trung Quốc thời Mao Trạch Đông bắt tay với Mỹ (Nixon), qua mặt cả Liên Xô và Việt Nam lạc hậu với tình hình vẫn vang ca bài ca chiến thắng: Mỹ nhất định thua, ta nhất định thắng… Mao Trạch Đông dù lãnh đạo một Trung Quốc nghèo nàn, hoang tàn sau nhiều cuộc cách mạng công nghiệp hóa kiểu Liên Xô…, ông ta đã có tầm nhìn và đánh giá rất đáng chú ý.

Đại để ông nói với Nixon: Các ông sẽ thua với cái chế độ dân chủ chết tiệt của các ông. Chúng tôi không có dân chủ gì ráo trọi, và chúng tôi mạnh hơn các ông ở chỗ đó (Đại để, ý Mao là, dân chủ các ông không thể ra quyết định kiên quyết và độc lập với công chúng được, phải nghe theo ý dân, phải chiều các thế lực đối lập, phải chịu theo nhiệm kỳ bầu cử. Độc tài như Trung Quốc chỉ có một người quyết, nên rất dễ).

Nhận định của Mao Trạch Đông giờ vẫn có chỗ đứng. Nó là công cụ rất quan trọng mà Putin đơn độc dám cân não với cả Phương Tây. Putin rất tin vào khả năng thắng của ông ta đối với Phương Tây dân chủ, bởi ông ấy tin vào mệnh đề mà Mao đã đúc kết: Độc tài sẽ thắng dân chủ trong cuộc đọ sức lâu dài.

3/ ĐIỀU GÌ RÚT RA CHO UKRAINA, LÃNH ĐẠO UKRAINA VÀ CÁC FAN

Tôi thấy quá nhiều chuyện có thể rút ra từ các câu chuyện trên. Ví dụ, đánh dài hạn thì có lợi hay bất lợi cho bên kháng chiến? Tại sao hồi đang chiến tranh, Việt Nam không bao giờ công khai ý chê trách Liên Xô và Trung Quốc trong viện trợ? Nhiều vấn đề khác nữa… Nhưng thôi, để cho mọi người tự nêu ra và thảo luận.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn