Tiếng súng Cư Kuin ‘là thất bại đau đớn trong cuộc cai trị dân’

Thứ Bảy, 24 Tháng Sáu 20233:00 SA(Xem: 1101)
Tiếng súng Cư Kuin ‘là thất bại đau đớn trong cuộc cai trị dân’
"Sứ mệnh" của cảnh sát cơ động bây giờ là trấn áp người dân

Nhà quan sát nói, tiếng súng Cư Kuin, Đắk Lắk đêm 11/6 giết chết chín mạng người trong cuộc sống thời yên hàn là thất bại đau đớn trong công cuộc cai trị dân của chính quyền, là thất bại nặng nề trong trọng trách bảo đảm trật tự trị an, an toàn xã hội của bộ máy công an khổng lồ, được trang bị tối đa, được chăm bẵm tuyệt đối.

Đất nước thanh bình mà trong một đêm yên tĩnh rạng sáng 11/6, hàng chục người dân da đen cháy vì quanh năm trần lưng phát rẫy, làm nương, bỗng tập hợp thành hai nhóm, mang súng đạn cùng lúc lao vào tấn công trụ sở công an hai xã trong huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết chín người, gồm bốn sĩ quan công an, hai cán bộ xã và ba người dân, bắn bị thương hai sĩ quan công an khác, là sự việc vô cùng nghiêm trọng.

Nửa đêm khuya khoắt, ba người dân chết ở chỗ nổ súng tấn công chính quyền, chắc chắn không phải dân làm rẫy, chỉ có thể là nhân viên làm việc ở trụ sở công quyền bị tấn công. Nếu vậy, chín người chết đều là viên chức nhà nước.

Tấn công trụ sở công quyền nhà nước, thẳng tay bắn giết viên chức nhà nước, đương nhiên là tội ác hoang dại, không biết đến pháp luật, không biết đến đạo đức, không thể chấp nhận, phải bị truy tố và nhận án thỏa đáng. Nhưng tiếng súng đó cũng là tiếng nổ, là sức phá của mâu thuẫn xã hội, là tiếng chuông gióng giả vang lên, cảnh báo sự bất ổn trong xã hội và sự bất an trong lòng người dân đã lan rộng, lan xa đến tận buôn làng người dân tộc hồn nhiên, chân chất.

Cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, đặc nhiệm Quân khu 5 cùng tham gia bắt nghi can

Dù những người nổ súng tấn công cơ quan chính quyền, giết cán bộ nhà nước đều là người dân sắc tộc Tây Nguyên, nhưng vụ việc không đơn thuần chỉ là xung đột sắc tộc, mà còn là bộc lộ trong xã hội đã chứa chất mâu thuẫn tới mức đối kháng, một mất một còn.

Mâu thuẫn giữa một bộ phận người dân yếu thế với chính quyền luôn ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, ỷ vào lực lượng công an khổng lồ, được trang bị kĩ lưỡng, trang bị từ vũ khí tối tân đến trang bị tư duy nhận thức, không biết đến số phận con người, không biết ơn nghĩa nhân dân, không biết đến những giá trị nhân văn, chỉ biết còn đảng còn mình. Có công cụ trấn áp đầy sức mạnh, nhà nước ngạo nghễ áp đặt ý chí chủ quan của nhà nước chuyên chính vô sản với người dân, không quan tâm đến khát vọng, nhu cầu đơn giản, bình thường và chính đáng từ đời sống vật chất đến đời sống tâm linh của người dân.

Người dân các dân tộc ít người, nhỏ bé, lẻ loi ở Tây Nguyên có không gian sống riêng biệt và linh thiêng, không gian của Giàng, của thần linh, có tài sản riêng to lớn và quí giá không chỉ là đất đai núi rừng bát ngát, mà nền văn hoá riêng rất đặc sắc, độc đáo và cuộc sống tự do cũng là tài sản vô giá của những con người ngàn đời kiêu hãnh là con của Cha Núi, con của Mẹ Rừng nhưng lại là những tộc người dân số ít ỏi, cuộc sống nghèo khổ, phụ thuộc và gắn bó mật thiết với thiên nhiên, là nhóm người yếu thế, thân cô, thế cô nhất, bị coi thường, bị mất mát, bị dồn nén, ức chế lớn nhất.

Yếu thế, thân cô thế cô, người dân phải nhận từ mất mát, thua thiệt này đến mất mát, thua thiệt khác, đi từ dồn nén này đến dồn nén khác, thành quẫn trí, liều thân, chấp nhận thí cả mạng sống, thí cả cuộc đời vào mất mát cuối cùng cho một hành động, một tiếng nói phản kháng.

Tiền thuế dân được dùng để nuôi lực lượng quay lại trấn áp dân

Chiều 22/3/2023, giáo dân xã Đak Nông, huyện Ngọc Hồi, giáo xứ Kontum đang làm lễ Thánh hợp pháp như thường ngày thì nhóm người mặc đồ dân sự và sắc phục công an xộc vào nhà thờ, tự xưng là chính quyền, giải tán buổi lễ. Người nói tiếng Kinh, giọng miền Bắc xông lên bục linh mục đang làm lễ đòi linh mục dừng lễ, đến công an làm việc rồi cầm sách Kinh Thánh của linh mục, gấp lại, mang đi. Người ngắt cầu dao, cúp điện. Đức tin tôn giáo không còn là phần hồn của người Tây Nguyên cũng không còn!

Mỗi sắc tộc có mặt trong cuộc đời đều cần có không gian sinh tồn của sắc tộc. Có không gian sinh tồn, mới có sức mạnh trường tồn của sắc tộc, mới giữ được bản sắc riêng của sắc tộc và mới thực sự là mình. Không có không gian sinh tồn dù có những cá nhân của sắc tộc có mặt trong cuộc đời thì cá nhân đó đã bị văn hoá nơi sinh sống đồng hoá, còn sắc tộc đó đã bị hoà tan rồi.

Những sắc tộc Tây Nguyên đang trong quá trình không còn không gian sinh tồn, đang bị hoà tan. Những người chủ ngàn đời của mảnh đất Tây Nguyên, ngàn đời tự do phóng khoáng với cây rừng thân thiết, với đất rừng bao dung phải đau đớn, tuyệt vọng nhận ra một thực tế từ sau 1975 họ dần dần mất hết. Mất nguồn sống hàng ngày. Mất giá trị văn hoá. Mất cả đức tin. Đó là cội rễ sâu xa của tiếng súng Cư Kuin, Đak Lak đêm 11.6.2023.

Tiếng súng Cư Kuin, Đắk Lắk đêm 11/6 giết chết chín mạng người trong cuộc sống thời yên hàn là thất bại đau đớn trong công cuộc cai trị dân của chính quyền, là thất bại nặng nề trong trọng trách bảo đảm trật tự trị an, an toàn xã hội của bộ máy công an khổng lồ, được trang bị tối đa, được chăm bẵm tuyệt đối.

Một người nổ súng thì ý đồ và quá trình sự việc diễn ra âm thầm trong suy nghĩ, trong nội tâm, người ngoài khó phát hiện. Nhưng vài chục người cùng hành động là phải có quá trình dài, vận động, tập hợp, tổ chức, phân công, chuẩn bị với nhiều hoạt động dù lén lút nhưng phải diễn ra trong không gian rộng, cả không gian thực trên mặt đất, cả không gian mạng trên trời và diễn ra trong thời gian dài.

Hoạt động nổi cộm ráo riết như vậy mà lực lượng công an rải kín địa bàn, nắm địa bàn từng giây, từng phút không hay biết để ngăn chặn. Máu những sĩ quan công an đổ ra ngay trong phòng ngủ trụ sở công an là một thất bại, một trận thua trắng. Trong thất bại đó, bốn sĩ quan công an đương nhiệm bị giết hại có phần trách nhiệm không nhỏ.

Vậy mà những sĩ quan không hoàn thành nhiệm vụ lại được thăng quân hàm như đã lập chiến công xuất sắc!

Phạm Đình Trọng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn