Dừng ngay lại cuộc săn lùng mất kiểm soát ở Tây Nguyên

Thứ Ba, 13 Tháng Sáu 20232:07 CH(Xem: 1272)
Dừng ngay lại cuộc săn lùng mất kiểm soát ở Tây Nguyên

Nguyễn Trường Sơn

13-6-2023

3-9
Ảnh chụp màn hình

Lịch sử nhân loại cho thấy xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, và theo đuổi lý tưởng chính trị cực đoan là các nguyên do dẫn đến các cuộc diệt chủng tàn khốc nhất.

Như cuộc xung đột sắc tộc ở Rwanda năm 1994, cuộc xung đột tôn giáo giữa người Hồi và người Thiên Chúa giáo thời trung cổ, và việc theo đuổi lý tưởng chính trị cực đoan của Mao Trạch Đông và Hitler đã dẫn đến cái chết của mấy chục triệu người.

Mấy hôm nay, kể từ khi vụ tấn công hai đồn công an xã ở trên Tây Nguyên xảy ra thì đã xuất hiện vô số các video, quay lại cảnh người Kinh sinh sống ở địa phương cầm gậy gộc săn đuổi những người Thượng bản địa.

Trong nhiều video mà tôi xem qua thì người ta hầu hết không có bằng chứng gì, cứ thấy thanh niên người Thượng là hò hét đuổi theo, rồi khi bắt được thì đánh và trói lại, bất chấp sự có mặt của cảnh sát.

Rất nhiều người Thượng bản địa đã phải cầu cứu trên mạng xã hội vì người nhà của họ bị bắt trói rồi đem về đồn công an mà không hề hiểu chuyện gì đang xảy ra. Mặt mũi của họ bị lan truyền trên cõi internet như thể họ chính là kẻ khủng bố.

Anh-man-hinh-2023-06-13-luc-21.14.09
Ảnh chụp màn hình

Không khó để tưởng tượng ra cảm giác của người Thượng sinh sống ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur hiện tại. Sợ hãi, lo lắng, bất an. Chắc không ai dám ra khỏi nhà. Mà có ở nhà thì cũng phải chốt đóng then cài. Nơm nớp lo sợ.

Cuộc tấn công có tính chất khủng bố vào trụ sở uỷ ban ở hai xã trên đúng là hành vi vô pháp, và những kẻ thủ ác phải bị trừng trị. Nhưng, điều đó phải được thực hiện bởi lực lượng chấp pháp có thẩm quyền. Chứ không phải một cuộc săn lùng mất kiểm soát như đang diễn ra hiện tại.

Việc chính quyền địa phương cho phép điều này xảy ra sẽ dẫn đến hậu quả tai hại và kéo dài. Nó sẽ khoét sâu vào sự hiềm khích giữa người Kinh và người Thượng ở địa phương. Do đó, không bao giờ đạt được cái mà chính quyền vẫn luôn tuyên truyền là “đại đoàn kết dân tộc”.

Những người Thượng bản địa, vì bị đối xử một cách vô pháp và vô nhân đạo, hoặc vì chứng kiến cảnh đồng bào của họ bị đối xử như vậy. Sẽ nảy sinh tâm lý thù hận. Có thể bản thân họ trước đây phản đối việc tấn công cơ quan chính quyền, nhưng giờ đây khi bị ngược đãi như vậy, sẽ có thể bị cực đoan hóa, và trở nên bạo lực.

Bạo lực không bao giờ là giải pháp.

Chính quyền địa phương phải ngay lập tức chấm dứt cảnh người Kinh săn lùng người Thượng bản địa, và xin lỗi những người bị bắt nhầm. Đồng thời, tiếp xúc với cộng đồng người Thượng bản địa để đảm bảo họ không phải sống trong sợ hãi.

Tâm lý giết nhầm còn hơn bỏ sót chính là nguyên dân dẫn đến những hậu quả vô cùng thê lương. Một quốc gia có pháp luật và có trật tự, thì không thể cho phép tồn tại tâm lý đó.

Đối với những người hiện đã bị bắt vì thuộc diện tình nghi, nên nhớ, họ mới chỉ là nghi phạm. Tức là họ vẫn đang vô tội. Thì phải đảm bảo quyền lợi của họ như một công dân với đầy đủ tư cách.

Chỉ toà án mới có thể kết tội họ. Và cho đến khi họ bị toà tuyên án thì không ai được phép đối xử với họ như tội phạm. Tức không được tra tấn, bức cung, dùng nhục hình để khép họ vào những tội mà họ không làm.

Đây là phép thử để cho thấy mức độ văn minh của nhà nước, và cũng là thử thách đối với quan điểm mà người Việt bấy lâu nay vẫn hay nói về bản thân, rằng chúng ta là dân tộc hoà hiếu.

Cách để đòi công lý cho những người đã chết, chính là thực thi công lý. Tức là đưa những người thực sự phải chịu trách nhiệm cho hành vi giết người ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Còn nếu đánh đập, bắt bớ, bỏ tù sai người. Thì lại sinh ra bất công mới. Với hệ luỵ khó lường.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn