uật sư Ngô Ngọc Trai đã xuống Long An thăm gia đình tử tù Hồ Duy Hải và ghé thăm hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi

Nguồn hình ảnh, Ngô Ngọc Trai

Chụp lại hình ảnh,

Ảnh chụp tại hiện trường Bưu điện Cầu voi, cánh cổng sắt phía sau của bưu điện nơi cho rằng Hải đã trèo ra ngoài rồi vòng lên cổng trước lấy xe máy đi về, phía sau cổng sắt là cánh cửa mở vào nhà vệ sinh nơi thu giữ được dấu vân tay trên vòi khoá nước lavabo

  • Tác giả, Luật sư Ngô Ngọc Trai
  • Vai trò, Gửi cho BBC từ Hà Nội

Mới đây trong một chuyến công tác tại TP HCM tôi đã xuống Long An thăm gia đình tử tù Hồ Duy Hải và ghé thăm hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi.

Mặt tiền căn nhà nơi từng là bưu điện hướng ra đường Quốc lộ 1A, cung đường huyết mạch nối thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, phía trong cánh cổng sắt hoen rỉ là một cây trứng cá ở trong sân có cảnh ngả ra bốn phía vươn qua khỏi hàng rào.

Do không vào được bên trong nên tôi đi theo một lối đi nhỏ bên hông vòng ra phía sau bưu điện và dừng lại chụp vài bức ảnh ở cổng sau, nơi được cho là Hồ Duy Hải sau khi gây án đã trèo qua cổng để ra ngoài rồi đi vòng lên cổng chính lấy xe máy đi về.

Sau khi xem hiện trường về đối chiếu lại với những nội dung mô tả trong hồ sơ vụ án tôi thấy có vài điều phải suy nghĩ.

Mâu thuẫn trong lập luận

Trong Quyết định giám đốc thẩm, tại phần nhận định của tòa án, đối với nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát cho rằng Hải khai sau khi gây án thì trèo qua cổng sau của Bưu điện Cầu Voi đi ra ngoài, nhưng khi khám nghiệm hiện trường thì trên cánh cổng sau không có bất kỳ vết máu nào.

Làm rõ nội dung này tòa án cho rằng theo lời khai của Hải thì sau khi sát hại nạn nhân đã vào nhà vệ sinh rửa dao, rửa tay và gột quần áo, bởi vậy nên tòa án cho rằng hiện trường không có dấu vết máu để lại trên cổng sau là đúng thực tế với lời khai của Hải.

Như thế dựa vào chính nhận định của tòa án và dựa theo suy đoán hợp lý thì Hải sẽ phải để lại dấu vân tay ở nhà vệ sinh mà cụ thể là trên tay nắm mở vòi khóa nước ở lavabo.

Nhưng ở ngay nội dung tiếp theo trình bày quan điểm về dấu vân tay thu được trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo, tòa án cho rằng việc không trùng khớp với dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là tình tiết chứng minh yếu tố ngoại phạm của Hải.

Nguồn hình ảnh, Ngô Ngọc Trai

Chụp lại hình ảnh,

Luật sư Ngô Ngọc Trai đã xuống Long An thăm gia đình tử tù Hồ Duy Hải và ghé thăm hiện trường vụ án Bưu điện Cầu Voi

Quyết định giám đốc thẩm cho rằng mặc dù không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải nhưng căn cứ vào các lời khai nhận tội của Hải phù hợp với bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản giám định pháp y, kết quả thực nghiệm điều tra, lời khai của người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đủ căn cứ xác định Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.

Như thế tôi thấy là có sự mâu thuẫn trong nội dung lập luận, một mặt thì khẳng định Hải đã vào nhà vệ sinh rửa tay nên không để lại vết máu trên cánh cổng sau, mặt khác qua giám định cũng đã thừa nhận dấu vân tay trên vòi khóa nước lại không phải của Hải.

Và vẫn khẳng định Hải là thủ phạm dù vân tay không trùng khớp với dấu vân tay ở vòi khoá nước lavabo.

Bằng chứng vô tội

Cũng trong Quyết định giám đốc thẩm có nội dung cho biết trong quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra phát hiện thu giữ một số dấu vết đường vân ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo.

Cơ quan điều tra đã thu thập vân tay của khoảng 144 người nghi có liên quan để truy nguyên với các dấu vết đường vân thu tại hiện trường, nhưng không có kết quả trùng khớp.

Điều này khiến tôi băn khoăn suy nghĩ.

Thực tế không rõ là đã có 144 người được gọi đến cơ quan điều tra để hỏi han và lấy dấu vân tay, hay là chỉ có một số người được triệu tập đến làm việc như vậy, còn một số khác thì trong diện tình nghi và cơ quan điều tra đã trích xuất trong kho hồ sơ lưu trữ danh chỉ bản những người từng có tiền án tiền sự, lấy dấu vân tay của họ trong hồ sơ và đưa lên máy đối chiếu với dấu vân tay thu được ở hiện trường.

Nhưng dù là làm theo cách nào, việc thu thập dấu vân tay của 144 người và so sánh đối chiếu với dấu vân thu được ở hiện trường, đã cho thấy những nỗ lực cố gắng rất lớn của cơ quan điều tra trong xác minh truy tìm thủ phạm.

Hẳn là khi làm việc đó, diễn ra trong thời gian nhiều ngày, trong đầu mọi người đều đã suy nghĩ rằng người có dấu vân tay trùng khớp chính là kẻ đã gây án và trong lòng mọi người khi thực hiện công việc truy nguyên dấu vết hẳn đã mang hy vọng sẽ tìm ra được người đó.

Đây thật ra cũng chỉ là biện pháp điều tra căn bản nhưng trọng yếu của nghiệp vụ điều tra dựa vào dấu vết đường vân, đặc điểm sinh trắc học khác nhau của mỗi người, mà ngành điều tra tội phạm học của các nước trên thế giới họ đều đã làm từ hàng trăm năm qua trong những vụ án giết người không có nhân chứng.

Nguồn hình ảnh, Ngô Ngọc Trai

Chụp lại hình ảnh,

Ảnh chụp tại hiện trường Bưu điện Cầu voi, cánh cổng sắt phía sau của bưu điện nơi cho rằng Hải đã trèo ra ngoài rồi vòng lên cổng trước lấy xe máy đi về, phía sau cổng sắt là cánh cửa mở vào nhà vệ sinh nơi thu giữ được dấu vân tay trên vòi khoá nước lavabo

Gần đây qua các bài báo ‘Vụ án tử tù Hồ Duy Hải: Dấu vân tay ở hiện trường là của ai?’ Và bài ‘Từ vụ án bên Trung Quốc áp dụng công nghệ mới nghĩ về vụ án tử tù Hồ Duy Hải’ tôi đã dẫn chiếu hai vụ án ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy họ đều truy tìm đến cùng người để lại dấu vân ở hiện trường.

Trong vụ án ở nước Mỹ, cảnh sát sau khi đối chiếu dấu vân tay của hàng trăm người vẫn không tìm ra người trùng khớp, hồ sơ bị ách lại, cho đến nửa thế kỷ sau nhờ công nghệ hiện đại qua thiết lập, lưu trữ và sàng lọc dấu vân tay, họ mới tìm ra được thủ phạm trong một vụ án nửa thế kỷ trước có hai cảnh sát bị bắn chết.

Dẫn ra câu chuyện đó để cho thấy rằng các nước họ truy đến cùng người có dấu vân tay trùng khớp để xác định đó chính là thủ phạm.

Trong vụ án Hồ Duy Hải, sự nỗ lực trong việc so sánh đối chiếu dấu vân tay của 144 người đã cho thấy nhận thức ban đầu về xác định thủ phạm là người có dấu vân trùng khớp, vậy thì phải hiểu thế nào khi mà sau đó cơ quan điều tra lại kết luận Hồ Duy Hải là thủ phạm dù dấu vân không trùng khớp?

Rõ ràng là việc làm sau trái ngược hoàn toàn với nhận thức của việc làm trước, việc làm trước mà đã có sự đúng đắn với khoa học pháp lý và kinh nghiệm quốc tế.

Thử hỏi, nếu có thể kết tội người có dấu vân không trùng khớp, nếu người có dấu vân không trùng khớp vẫn có thể là thủ phạm, thì việc trùng khớp hay không trùng khớp nào còn có ý nghĩa gì, sao phải vất vả đối chiếu tới tận những 144 người?Đằng sau những câu hỏi là những nhận thức pháp lý trái ngược, dẫn đến những cách làm đúng và cách làm sai.

Thực tế chỉ có một cách hiểu đúng và làm đúng trong vụ án này, đó là thủ phạm sau khi gây án đã rửa tay và để lại dấu vân trên vòi khóa nước lavabo, bởi vậy cần phải truy tìm bằng được người có dấu vân trùng khớp và đó mới chính là thủ phạm.

Nếu không phải vậy thì toàn bộ kiến thức khoa học pháp lý về dấu vết đường vân sẽ cần phải bãi bỏ.

Bài thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai, Văn phòng Luật Công chính, Hà Đông, Hà Nội.