• Tác giả, George Wright
  • Vai trò, BBC News

Ước tính có ít hơn 800.000 trẻ em chào đời tại Nhật trong năm ngoái, giảm từ hơn 2 triệu mỗi năm vào những năm 1970

Nguồn hình ảnh, AFP VIA GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ước tính có ít hơn 800.000 trẻ em chào đời tại Nhật trong năm ngoái, giảm từ hơn 2 triệu mỗi năm vào những năm 1970

Thủ tướng Nhật Bản cho biết đất nước ông đang trên bờ vực không thể hoạt động như một xã hội vì tỷ lệ sinh giảm.

Nói về vấn đề này, ông Fumio Kishida phát biểu: “Bây giờ hoặc không bao giờ”.

Nhật Bản có dân số 125 triệu người, ước tính có ít hơn 800.000 trẻ em chào đời vào năm ngoái. Vào những năm 1970, con số này là hơn hai triệu.

Tỷ lệ sinh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc.

Nhưng vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản khi tuổi thọ trung bình ở nước này tăng lên trong những thập kỷ gần đây, đồng nghĩa với việc xã hội ngày càng có nhiều người già và số lượng lao động hỗ trợ họ ngày càng giảm.

Nhật Bản hiện có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao thứ hai thế giới - chiếm khoảng 28% - sau quốc gia nhỏ bé Monaco, theo số liệu của World Bank.

"Nhật Bản đang đứng trước bờ vực liệu chúng ta có thể tiếp tục hoạt động như một xã hội hay không", ông Kishida nói với các nhà lập pháp.

“Việc tập trung quan tâm đến các chính sách liên quan đến trẻ em và nuôi dạy trẻ em là vấn đề không thể chờ đợi, không thể trì hoãn”. 

Thủ tướng Nhật nói rằng ông muốn chính phủ tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em. Ông cho biết thêm, một cơ quan chính phủ mới sẽ được thành lập vào tháng 4 nhằm tập trung vào vấn đề này. 

Tuy nhiên, Nhật Bản trước đây đã cố gắng thúc đẩy các chiến lược tương tự nhưng không thành công.

Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu dự đoán dân số Nhật Bản sẽ giảm từ mức cao nhất là 128 triệu vào năm 2017 xuống dưới 53 triệu vào cuối thế kỷ này. Dân số hiện tại chỉ dưới 125 triệu người, theo dữ liệu chính thức. 

Nhật Bản đã tiếp tục duy trì chính sách nhập cư nghiêm ngặt mặc dù có một số nới lỏng, nhưng một số chuyên gia hiện đang nói rằng các quy tắc nên được nới lỏng hơn nữa để giúp giải quyết vấn đề xã hội bị già hóa.

Tỷ lệ sinh thấp là do nhiều yếu tố, bao gồm chi phí sinh hoạt tăng, nhiều phụ nữ được đi học và đi làm hơn, cũng như khả năng tiếp cận nhiều hơn với các biện pháp tránh thai, dẫn đến việc phụ nữ chọn sinh ít con hơn.

Tuần trước, Trung Quốc ghi nhận tình trạng sụt giảm dân số lần đầu tiên trong 60 năm.

‘Không lay động trong việc chống nhập cư'

Phân tích của Rupert Wingfield-Hayes, phóng viên thường trú tại Nhật Bản

Nhật Bản là nơi có dân số già thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Monaco nhỏ bé. Đất nước này đang ghi nhận số ca sinh nở ít hơn bao giờ hết. Đến năm 2050, nước Nhật có thể mất 1/5 dân số hiện tại.

Tuy nhiên, sự không thân thiện đối với chính sách nhập cư của họ đã không lay động. Chỉ có khoảng 3% dân số Nhật Bản là do người nước ngoài sinh ra, so với 15% ở Anh. Ở châu Âu và châu Mỹ, phe cánh hữu coi đó là tấm gương sáng về sự đồng nhất sắc tộc và sự hòa hợp xã hội. 

Nhưng Nhật Bản không đồng nhất về mặt sắc tộc như những người ngưỡng mộ có thể nghĩ. Có người Ainu ở Hokkaido, người Okinawa ở phía nam, nửa triệu người Triều Tiên và gần một triệu người Trung Quốc.

Bên cạnh đó, có những đứa trẻ Nhật Bản có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, bao gồm ba đứa con của tôi.

Những đứa trẻ lai này được gọi là "hafu" (nghĩa là một nửa) - một từ miệt thị được dùng bình thường ở đây. Trong số họ có những người nổi tiếng và thần tượng thể thao, chẳng hạn như ngôi sao quần vợt Naomi Osaka. Văn hóa đại chúng thần tượng họ là "xinh đẹp và tài năng hơn". Nhưng thần tượng là một chuyện và được chấp nhận lại là chuyện khác.

Nếu bạn muốn xem điều gì sẽ xảy ra với một quốc gia từ chối nhập cư như một giải pháp để giảm tỷ lệ sinh, Nhật Bản là một nơi điển hình.

Tiền lương thực tế đã không tăng ở đây trong 30 năm. Thu nhập ở Hàn Quốc và Đài Loan đã bắt kịp và thậm chí vượt qua Nhật Bản.

Nhưng việc thay đổi dường như là xa vời. Một phần là do hệ thống phân cấp cứng nhắc xác định ai là người nắm giữ các đòn bẩy quyền lực.