Văn hóa truyền thống Việt Nam, chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo, vốn đầy rẫy định kiến về vai trò của phụ nữ và nam giới. Trong nhiều thế hệ, nam giới ít tham gia vào chăm sóc con cái hay làm việc nhà - những công việc mặc nhiên được coi là của phụ nữ.

Nhưng trong xã hội hiện đại, quan niệm về vai trò của người chồng, người cha đã thay đổi nhiều. Hình ảnh những ông bố tận tâm chăm sóc con, cùng chia sẻ việc nhà với vợ trong khi vẫn duy trì tốt công việc ngoài xã hội ngày càng trở nên phổ biến.

BBC hỏi ba ông bố tâm huyết họ nghĩ gì về chia sẻ việc nhà, bình đẳng giới và vì sao họ lại tham gia một câu lạc bộ dành cho các ông bố.

'Làm việc nhà cũng như làm kinh tế'

Trong số những người tham gia làm việc nhà, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ một tuần, nam giới là 10,7 giờ.

Anh Nguyễn Tấn Trường, Nha Trang, thường xuyên đảm nhiệm công việc nấu ăn trong gia đình

Chụp lại hình ảnh,

Nấu ăn cho gia đình là niềm say mê của anh Nguyễn Tấn Trường ở Nha Trang

Nhưng ngày càng nhiều người đàn ông sẵn sàng dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.

Anh Nguyễn Tấn Trường ở Nha Trang chia sẻ với BBC anh lớn lên trong một môi trường mà ba anh thường xuyên hỗ trợ mẹ anh làm việc nhà, khiến anh thấy công việc nội trợ cũng quan trọng không kém việc làm kinh tế.

Được chứng kiến người ba không ngần ngại làm những công việc như dọn nhà, nấu nướng, thậm chí giặt đồ cho bà ngoại, lại được nghe mẹ anh kể lại với sự tự hào và hãnh diện khiến anh Trường cảm thấy rất vui khi làm việc nhà để "giúp người thân sống vui hơn, hạnh phúc hơn".

Anh Nguyễn Văn Long chăm sóc con và chơi với con hàng ngày

Chụp lại hình ảnh,

Anh Nguyễn Văn Long chăm sóc con và chơi với con hàng ngày

Anh Nguyễn Văn Long, một ông bố trẻ ở Hà Nội kể anh và vợ luôn có sự thống nhất về chia sẻ việc nhà, nhất là từ khi có con.

"Tất cả việc nhà, việc nào mình cũng có thể làm được," anh Long kể.

"Khi con mới có 10 ngày tuổi, mình chính là người tắm cho con. Khi vợ đi làm lại, nếu đi làm về sớm hơn, mình sẽ là người nấu cơm. Khi ăn xong thì vợ rửa bát còn mình tắm cho con."

Anh Nguyễn Công Định, cũng ở Hà Nội, thì cho rằng chia sẻ trách nhiệm giữa vợ chồng trong gia đình cần có sự linh hoạt để tránh mâu thuẫn.

Hai người có thể có quan điểm khác nhau về những việc rất nhỏ như bao lâu cần lau nhà một lần, nên cần có sự dung hòa cả hai bên. Anh chia sẻ một nguyên tắc của vợ chồng anh: "Việc đã giao cho ai thì người ấy làm và người kia không cần can thiệp nữa."

Bình đẳng giới trong cuộc sống hàng ngày

Dù đã có Luật Bình đẳng giới năm 2006, một trong những cản trở thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam là "Các khuôn mẫu giới nặng nề và sự phân biệt đối xử trực tiếp", theo Báo cáo rà soát 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới của Bộ Lao động, thương binh xã hội và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc UNFPA thực hiện.

Làm sao để vượt qua các khuôn mẫu giới này và thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống gia đình hàng ngày?

Chụp lại hình ảnh,

Anh Nguyễn Công Định thường xuyên đảm nhận việc đưa đón con đi học

Anh Nguyễn Tấn Trường chia sẻ với BBC bình đẳng giới đối với anh đơn giản là đôi khi tự đặt mình vào vị trí của người phụ nữ để thông cảm, thấu hiểu họ hơn.

Trải nghiệm vào phòng sinh cùng với vợ suốt 12 tiếng để lại dấu ấn khó quên với anh.

"Mình được trải qua cái diễn tiến rất là lâu và đầy đủ cái cảm giác của người mà mình yêu thương. Rồi tới lúc tưởng như vợ mình sắp chết đi. Em nghĩ "Trời, sao mà cực dữ vậy:"… Bình đẳng giới với em là khi mình dần dần đâu đó đứng về phía bên kia, và thông cảm cho nhau," anh Trường nói.

Nguồn hình ảnh, Nguyen Tan Truong

Chụp lại hình ảnh,

Từ nhỏ, anh Trường được thấy ba mình luôn hỗ trợ mẹ trong công việc gia đình hàng ngày

Còn với anh Nguyễn Văn Long, muốn có bình đẳng giới trong gia đình, những khuôn mẫu định kiến về giới cần được xem lại.

"Nam giới mọi người cứ nghĩ là phái mạnh, nhưng thực ra nam giới cũng có những vấn đề của nam giới, cũng có nhiều áp lực.

"Ví dụ trong gia đình, nam giới với tư cách là người cha, người chồng được cho rằng phải là trụ cột trong gia đình, áp lực về xã hội, về sự nghiệp rất lớn.

"Còn nữ giới phải chịu gánh nặng với khuôn mẫu là phải quán xuyến tất cả các công việc gia đình hay nữ công gia chánh giỏi.

"Đó là sự phân công không hài hòa và đồng đều cho cả hai giới," anh Long nói.

Anh Long cho rằng thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là khi "việc nhà cũng là của cả hai, việc kinh tế cũng là của cả hai".

Anh Nguyễn Công Định thì cho rằng bình đẳng giới là "tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người trong ứng xử cũng như pháp luật. Đừng để có điều gì người ta bị thiệt hại hoặc được lợi hơn chỉ nhờ giới tính của mình."

Anh lấy ví dụ các chủ công ty đôi khi có tâm lý ngại thuê các lao động nữ trẻ vì lo ngại họ sẽ có thời gian nghỉ sinh.

Nếu luật pháp cho phép cả phụ nữ và nam giới cùng được nghỉ sinh, thì chủ lao động nhận người nam hay người nữ cũng sẽ như nhau, anh Định bình luận.

Nguồn hình ảnh, CLB Lam cha la the

Chụp lại hình ảnh,

CLB Làm cha là thế là nơi các ông bố chia sẻ trải nghiệm làm cha và kinh nghiệm nuôi dạy, chăm sóc con cái trong bối cảnh xã hội hiện đại

Câu lạc bộ 'Làm cha là thế'

Với mong muốn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm cha, các anh cùng tham gia một câu lạc bộ dành cho các ông bố có con nhỏ hay sắp có con - CLB Làm cha là thế.

Chia sẻ việc nhà, bình đẳng giới và rất nhiều chủ đề khác như quan hệ mẹ chồng nàng dâu, kiềm chế cảm xúc, quỹ đen, tặng quà ngày 8/3, dạy con không đòn roi v.v được các bố thảo luận sôi nổi tại đây.

Xuất phát từ nhu cầu của các ông bố, mô hình CLB Làm cha là thế do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP xây dựng, triển khai tại Hà Nội bởi CCD và triển khai tại Quảng Ninh bởi CSAGA với sự hỗ trợ kĩ thuật và tài chính của UNFPA.

Tham gia CLB, dù online hay offline, đã mang đến những thay đổi tích cực cho cả ba ông mà BBC phỏng vấn.

Nguồn hình ảnh, CLB Lam cha la the

Chụp lại hình ảnh,

Hoạt động từ 2019, CLB 'Làm cha là thế' cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp các thành viên tiếp cận những phương pháp mới trong nuôi dạy con & cải thiện mối quan hệ gia đình

Với anh Định, thay đổi lớn nhất là khả năng kiểm soát nóng giận. Trước đây, khi có điều gì làm anh khó chịu, bực mình, anh thường nhịn và không để bộc phát ra ngoài.

Nhưng qua các trao đổi ở CLB Làm cha là thế, anh sự thấu hiểu sâu hơn với mọi người, con cái. Nỗi khó chịu cũng vì thế không còn và anh thấy thực sự thoải mái, không còn cần phải 'nhịn' hay 'kiềm chế'.

Anh Trường ở Nha Trang nói CLB là sân chơi khá thú vị cho các ông bố, là nơi họ có thể thoải mái chia sẻ bàn luận các vấn đề về làm chồng, làm cha mà không gặp rào cản.

Qua những góc nhìn trái chiều được được các thành viên CLB nêu lên, anh Trường nhận thấy "không có hình mẫu người cha nào là chuẩn" và mọi người đều cố gắng tự nhìn nhận khuyết điểm của nhau.

Trước những áp lực của công việc, trước đây anh Long thường bộc phát những nóng giận khi về nhà với gia đình, nhất là vợ.

Sau khi tham gia CLB, anh nhận ra rằng anh 'có đi làm, phấn đấu cũng là vì gia đình'.

"Nếu đổ mọi áp lực hay tức giận lên gia đình thì đó là mâu thuẫn. Và lúc đó mình có cái nhìn sáng suốt hơn."

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM

Chụp lại hình ảnh,

"Không thể mong đợi những thay đổi ở nam giới trong vai trò làm chồng, làm cha đến một cách tự nhiên vì những định kiến đã ăn sâu, bám rễ hàng nghìn năm," theo chị Hoàng Tú Anh, Phó giám đốc TT Sáng kiến Sức khỏe và Dân số

Còn quá ít các thông điệp hay hình mẫu về người chồng, người cha mới

Bình luận với BBC về nam giới trong xã hội Việt Nam hiện đại, chị Hoàng Tú Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, cho rằng họ chưa có nhiều thay đổi so với trước đây.

"Có quá ít các chương trình làm việc với nam giới về bình đẳng giới và dạy nam giới và trẻ em trai về làm chồng, làm cha," chị Tú Anh nói.

"Có quá ít các thông điệp hay hình mẫu về người chồng, người cha "mới".

"Những người nam giới như trong Câu lạc bộ Làm cha là thế cũng gặp áp lực khi họ đi ngược số đông. Họ thật sự rất dũng cảm và sẽ là những đốm lửa giúp lan toả các suy nghĩ và thực hành mới này, giúp các nam giới và phụ nữ thấy rằng đây là điều mà mỗi nam giới có thể làm được cho vợ, con và những người thân yêu khác của mình.

"Chúng ta không thể mong đợi những thay đổi ở nam giới trong vai trò làm chồng, làm cha đến một cách tự nhiên vì những định kiến đã ăn sâu, bám rễ hàng nghìn năm."

Hình ảnh tích cực của những người chồng, người cha đầy trách nhiệm hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều người đàn ông, và góp phần xây dựng một mô hình gia đình mới trong xã hội Việt Nam hiện đại.