Căng thẳng có thể khiến rụng tóc

Thứ Bảy, 10 Tháng Tư 20215:00 CH(Xem: 3262)
Căng thẳng có thể khiến rụng tóc

Nghiên cứu mới về ảnh hưởng của stress đến sự phát triển lông ở chuột có thể giúp giải quyết tình trạng rụng tóc ở người.

Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Nature hôm 31/3 cho thấy những con chuột bị căng thẳng sẽ sản sinh một loại hormone làm gián đoạn chu kỳ tăng trưởng lông. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học làm sáng tỏ lý do tại sao tình huống căng thẳng có thể dẫn đến rụng lông ở chuột. Phát hiện này được kỳ vọng sẽ mở đường cho một liệu pháp chữa bệnh rụng tóc trên người trong tương lai.

Sự phát triển của tóc tuân theo ba giai đoạn chính: chu kỳ tăng trưởng anagen, chu kỳ thoái hóa catagen và chu kỳ nghỉ ngơi của telogen. Một nang tóc phát triển liên tục trong giai đoạn anagen nhưng dừng lại trong giai đoạn catagen. Cuối cùng, tóc không hoạt động sẽ rụng trong giai đoạn telogen.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard, do Phó giáo sư Ya-Chieh Hsu dẫn đầu, đã đặt ra câu hỏi liệu hormone được tạo ra trong các tình huống căng thẳng có ảnh hưởng trực tiếp đến tóc hay không.

Những người bị căng thẳng sản xuất một loại hormone được gọi là cortisol, trong khi ở chuột, loại hormone tương đương là corticosterone, được sản xuất bởi tuyến thượng thận. Để kiểm tra vai trò của corticosterone, các nhà nghiên cứu đã loại bỏ tuyến thượng thận khỏi một nhóm chuột thử nghiệm và so sánh chu kỳ lông của chúng với chu kỳ lông của chuột bình thường.

Căng thẳng khiến chuột sản sinh hormone làm gián đoạn chy kỳ tăng trưởng lông. Ảnh: AFP.

Căng thẳng khiến chuột sản sinh hormone làm gián đoạn chu kỳ tăng trưởng lông. Ảnh: AFP.

Kết quả cho thấy những con bị cắt bỏ tuyến thượng thận - được gọi là chuột ADX - có chu kỳ nghỉ ngơi của telogen ngắn hơn đáng kể, và lông của chúng mọc nhiều hơn, dài hơn trong giai đoạn anagen. Những con chuột ADX cũng trải qua chu kỳ phát triển lông liên tục: 10 lần trong 16 tháng, so với chỉ ba lần ở những con chuột bình thường.

Sau đó, nhóm nghiên cứu xem xét tác động của nồng độ corticosterone tăng cao, bằng cách kiểm tra cả những con chuột được cho ăn loại hormone này và những con bị tác động bởi các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài. Trong cả hai nhóm, những con chuột đều trải qua chu kỳ nghỉ ngơi kéo dài, có nghĩa là chúng mất nhiều thời gian hơn để mọc lông mới.

Thông qua một loạt các thí nghiệm, Hsu cùng các cộng sự nhận thấy nồng độ corticosterone tăng cao đã ngăn chuột sản sinh Gas6, một loại protein kích thích sự phát triển của lông, dẫn đến làm chậm chu kỳ tăng trưởng. Bằng cách tiêm Gas6 vào da của những con chuột có corticosterone tăng cao, nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng có thể chống lại tác dụng đó.

"Khám phá của chúng tôi mới chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn nhiều việc phải làm để xác định xem phương pháp này có thể áp dụng được trên người hay không", Hsu nhấn mạnh.

Mặc dù corticosterone ở gặm nhấm được coi là tương đương với cortisol ở người, các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu cortisol có phát ra tín hiệu tương tự hay không. Bên cạnh đó, cần có các nghiên cứu bổ sung để xem xét bất kỳ tác dụng phụ nguy hiểm tiềm ẩn nào của việc sử dụng Gas6.

Tuy nhiên, phát hiện mới đã mở ra một con đường nghiên cứu đầy hứa hẹn. "Với tác dụng mạnh mẽ của Gas6 trong việc thúc đẩy hoạt động của tế bào gốc nang tóc, loại protein này một ngày nào đó có thể hữu ích cho việc thúc đẩy sự phát triển của tóc trong các tình huống căng thẳng", Rui Yi, Giáo sư bệnh lý và da liễu tại Đại học Northwestern, đánh giá cao vai trò của nghiên cứu.

Đoàn Dương (Theo AFP
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn