Bàn về từ thiện dân sự

Chủ Nhật, 25 Tháng Mười 20207:00 CH(Xem: 3773)
Bàn về từ thiện dân sự

Từ thiện dân sự nghĩa là từ thiện là việc của người dân. Từ tâm thì ai cũng có thể có, nhưng hoạt động từ thiện, thiện nguyện là hoạt động dân sự.

f70b22ac-2a97-4cb0-95e5-199ad4b2e723
               Hàng cứu trợ đưa vào cho người dân vùng lũ Lệ Thủy, tình Quảng Bình. Ảnh: Lao động

1. Cách đây hai mươi lăm năm, một người trưởng đại diện kiêm tổng giám đốc quốc gia của một công ty đa quốc gia rất nổi tiếng về an toàn và đạo đức kinh doanh cho biết công ty dành từ 15,000 – 20,000 đô-la Mỹ hỗ trợ xã hội mỗi năm. Đó là số tiền công ty đáp trả lại xã hội đã chấp nhận công ty được hoạt động kinh doanh trong lòng xã hội.

Số tiền đó được giao trực tiếp cho các cơ sở giáo dục hay nơi cần hỗ trợ. Trường Cao Thắng và trường đại học An Giang đã nhận được sự hỗ trợ này.

Năm ấy, đất nước có thiên tai. Ngoài số tiền trên, công ty cấp thêm một số tiền cứu trợ.

Kèm số tiền đó là các điều kiện như sau:

a) Tìm một cơ quan từ thiện chuyên nghiệp phi lợi nhuận (non-profit organisation), có uy tín mà trao số tiền với mục tiêu được mô tả rõ ràng.

b) Không trao tiền cho bất kỳ cơ quan hưởng ngân sách nào.

c) Không trao cho các hội... thiếu tính độc lập.

2. Lý do của các yêu cầu đó:

Các công ty trên quan niệm rất rõ ràng rằng về bản chất chính phủ không phải là một cơ quan từ thiện. Điều này được thấy từ mọi góc nhìn: mục tiêu, tổ chức, tính chất… của chính phủ.

Tính chất của chính phủ là tính chất quản lý, nghĩa là có sự bắt buộc và có ảnh hưởng trên từng người dân. Do đó, chính phủ không nên quyên góp vì không thể bảo đảm tính tự nguyện đóng góp của người dân. Chính phủ cũng không thể trực tiếp quản lý quỹ từ thiện vì sẽ dễ nảy sinh nguy cơ sự nhũng lạm, tham nhũng. Chính phủ nào cũng vậy, không phù hợp với công việc từ thiện.

Khi có thiên tai, chính phủ có nhiệm vụ trong việc cứu nạn, cứu trợ, nhưng đó là trách nhiệm phụng sự xã hội của chính phủ, không phải từ thiện. Chính phủ dùng ngân sách dự phòng cho những trường hợp này.

Việc từ thiện là việc của người dân. Từ tâm thì ai cũng có thể có, nhưng hoạt động từ thiện, thiện nguyện là hoạt động dân sự. Người dân khi đóng thuế đầy đủ là đã làm tròn trách nhiệm qui định trên văn bản. Khi làm từ thiện, họ không có trách nhiệm gì khác ngoài trách nhiệm với tấm lòng nhân đạo, tương trợ của chính mình… Việc từ thiện là việc tự nguyện, không ai có quyền bắt buộc ai! Bản chất của việc từ thiện là góp tiền giúp người nghèo khổ, yếu thế, sa cơ, bị tai nạn… Việc làm và mục tiêu của từ thiện là thiêng liêng, xã hội không thể ngăn cấm, chỉ có thể khuyến khích, xiển dương.

3. Vậy chính phủ có vai trò gì trong việc từ thiện của người dân?

Chính phủ cần khuyến khích, tưởng thưởng những tấm gương từ thiện.

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích từ thiện như miễn thuế thu nhập trên số tiền công ty góp cho từ thiện. Chính phủ cần có sự quản trị tốt để người làm từ thiện có thể tiến hành việc từ thiện dễ dàng, không bị cản trở hay gây khó dễ…

Chính phủ cần hỗ trợ công tác từ thiện bằng phương tiện, nguồn lực của mình, giúp nhà từ thiện giao số tiền từ thiện tới đúng địa chỉ mong muốn. Thí dụ chính phủ sẽ dùng xe, dùng tàu, ghe, thuyền đưa các nhà từ thiện cùng hàng cứu trợ tới người dân đang chịu thiên tai, đang cần cứu trợ.

Chính phủ và các hội đoàn trực thuộc không nên yêu cầu các nhà từ thiện chuyển tiền quyên góp cho mình. Về lý thuyết là không nên. Về thực tế thì kinh nghiệm đã qua cho thấy sự thất thoát không nhỏ. Còn việc yêu cầu buộc nhà từ thiện phi chính phủ giao tiền quyên góp được cho chính phủ hay hội đoàn trực thuộc quản lý không phải sự lựa chọn khôn ngoan. Việc đó nếu xảy ra, tôi e nó sẽ khiến các hoạt động từ thiện dân sự chững lại và thúc đẩy xã hội vô cảm trước nỗi đau của đồng bào!

4. Việt Nam hiện chưa có hệ thống những định chế phi lợi nhuận có nhiều kinh nghiệm, năng lực cùng độ bao phủ rộng rãi.

Việc những tấm lòng như tấm lòng cô Thủy Tiên quyên góp trên trăm tỉ là đáng quí. Nhiều người có kinh nghiệm lo sợ cho cô. Lo cho an ninh. Lo cho trách nhiệm quá lớn mà cô đang gánh trên vai. Lo cho khối lượng công việc quá nhiều khiến sai sót dễ xảy ra. Trong một xã hội như xã hội Việt Nam, tâm lý vụn vặt, nghi ngờ, quá khích cộng với sự thiếu hiểu biết khiến nhiều rất nhiều mối nguy rình rập…

Cô Thủy Tiên làm điều cô muốn làm. Nhưng để một cô gái gánh một gánh nặng như vậy, xông pha như vậy, tôi nghĩ xã hội nên tự thấy trách nhiệm của mình. Chính phủ nên có biện pháp bảo vệ an ninh cho Thủy Tiên, cho số tiền cô quyên góp được, nên giúp cô đạt được mục tiêu cứu trợ mà các nhà hảo tâm gửi gấm cho cô… Tôi biết qua vài lần khác, rằng trong xã hội với cách tổ chức như của ta, các cán bộ ấp, xã… tham gia rất cực khổ. Dù như nói trên, có sự ăn chặn, còn nhiều người trong bộ máy hành chánh công giúp đỡ hoạt động từ thiện hữu hiệu.

Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó không nên là nắm luôn quyền quản lý và quyết định cách dùng số tiền quyền quyên góp của nhà từ thiện. Và, về lâu dài, chính quyền cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng và hữu hiệu cho các hoạt động từ thiện dân sự phát triển.

Lê Học Lãnh Vân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn