Diễn văn: “Tôi là một người Berlin” – John F. Kennedy

Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Một 20191:00 CH(Xem: 3875)
Diễn văn: “Tôi là một người Berlin” – John F. Kennedy

“Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin) là một câu nói nổi tiếng, cũng là tên bài diễn văn nổi tiếng của tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Tây Berlin trước 450.000 người vào ngày 26/6/1963. Đây được cho là bài diễn văn được biết đến nhiều nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Diễn văn: Tôi là một người Berlin - John F. Kennedy

Trong bài diễn văn, tổng thống Kennedy đã nhấn mạnh việc Mỹ trợ giúp cho Tây Đức trong khi chính quyền Xô Viết trợ giúp cho Đông Đức, tạo nên bức tường Berlin không thể xóa nhòa trong lịch sử phương Tây. Một trong những câu nói cũng không kém phần nổi tiếng trong bài diễn văn là: “Lasst sie nach Berlin kommen” (Hãy để họ tới Berlin).

“Tôi là một người Berlin” cũng được cho là bài diễn văn đáng nhớ nhất của tổng thống Kennedy, nó đã trợ giúp tinh thần cho những người dân sống tại Tây Đức chống lại nỗi ám ảnh bị Đông Đức đánh chiếm. Trí Thức VN xin được giới thiệu tới độc giả diễn văn “Ich bin ein Berliner” của tổng thống John F. Kennedy.

Bản audio: Audio Player

Bản audio và bản tiếng Anh có thể được tham khảo tại đây nếu audio trên không hoạt động.

Bản video:

Bản dịch:

Tôi tự hào được đến thành phố này với tư cách là khách mời của ngài Thị trưởng tuyệt vời của các bạn, người đã cho toàn thế giới thấy tinh thần chiến đấu của Tây Berlin. Và tôi tự hào – tôi tự hào vì đã đến thăm Cộng hòa Liên bang Đức cùng với ngài Thủ tướng lỗi lạc của các bạn, người đã tận tụy đưa nước Đức đến dân chủ, tự do cũng như sự tiến bộ, và [tôi cũng tự hào vì] đồng hành cùng người bạn Mỹ của tôi, tướng quân Clay, người – người đã đóng quân tại thành phố này vào những thời khắc khủng hoảng to lớn và sẽ trở lại khi được cần đến.

Hai nghìn năm trước – Hai nghìn năm trước, câu nói đáng tự hào nhất là “civis Romanus sum” (Tôi là một người Rome)*. Ngày nay, trong thế giới tự do này, câu nói ấy trở thành “Ich bin ein Berliner” (Tôi là một người Berlin).

* Bấy giờ, Rome (thủ đô của nước Ý hiện tại) là trung tâm văn hóa, chính trị, tín ngưỡng của Đế quốc La Mã, một đế quốc có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại châu Âu mãi cho tới tận ngày nay.

Có rất nhiều người trên thế giới thực sự không hiểu được, hoặc nói là họ không hiểu, tại sao lại có một vấn đề lớn như vậy* giữa thế giới tự do và thế giới Cộng sản.

* Hàm ý cuộc Chiến tranh Lạnh

Hãy để họ đến Berlin!

Có vài người nói – Có vài người nói rằng chủ nghĩa Cộng sản là làn sóng của tương lai.

Hãy để họ đến Berlin!

Và có một vài người nói rằng, ở Châu Âu hoặc đâu đó, chúng ta có thể làm việc cùng Cộng sản.

Hãy để họ đến Berlin!

Và thậm chí có vài người còn nói rằng, đúng, chủ nghĩa cộng sản là một hệ thống tà ác, nhưng nó cho phép chúng ta có những tiến bộ về kinh tế.

Lass’ sie nach Berlin kommen!
(Tiếng Đức – Hãy để họ đến Berlin!)

Hãy để họ đến Berlin!

Tự do có rất nhiều khó khăn, cũng như dân chủ không phải là hoàn hảo. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ phải dựng một bức tường chỉ để giữ người ở lại – để ngăn chặn họ rời khỏi chúng ta. Tôi muốn đại diện cho đồng bào của mình, những người sống rất xa bên kia Đại Tây Dương, xa các bạn, những người đã phải trả những cái giá lớn nhất, tôi muốn đại diện cho họ để nói rằng họ có thể cảm thông chia sẻ với các bạn, kể cả khi xa cách, câu chuyện của 18 năm qua*. Tôi chưa từng chứng kiến thị trấn hay thành phố nào đã bị xiềng xích 18 năm mà vẫn sống với đầy sức sống và sức mạnh, và sự hy vọng, cùng sự kiện định như Tây Berlin.

* Thời gian kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, và thế giới bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh.

Trong khi bức tường Berlin là biểu hiện rõ ràng và trung thực nhất cho sự thất bại của hệ thống Cộng sản – để toàn thế giới thấy được – chúng ta không hài lòng với nó; và nó, như ngài Thị trưởng của các bạn đã nói, là một sự xúc phạm không chỉ với lịch sử, mà còn với nhân loại, với những gia đình ly tán, những người chồng, vợ, anh, chị cũng như tất cả mọi người bị chia lìa, những người đang khát khao được đoàn tụ.

Điều gì – Điều gì đúng với thành phố này cũng là đúng với nước Đức: Nền hòa bình thật sự và lâu bền của châu Âu sẽ không bao giờ được đảm bảo khi mà một phần tư người Đức vẫn bị từ chối những đòi hỏi cơ bản của người tự do, đó là được đưa ra những lựa chọn của riêng mình. Trong 18 năm của hòa bình và niềm tin, thế hệ người Đức hiện tại [ở Tây Berlin] đã có được quyền tự do, bao gồm cả quyền được đoàn tụ với gia đình và với quốc gia trong nền hòa bình lâu dài, cùng với dự định tốt đẹp cho tất cả mọi người.

Các bạn đang sống trong một hòn đảo tự do được bảo vệ, nhưng cuộc sống của các bạn là một phần trong toàn thể thế giới. Vì thế, hãy để tôi yêu cầu ở các bạn, trước khi tôi kết thúc bài phát biểu, hãy nâng mình vượt khỏi những hiểm nguy của ngày hôm nay, đến với những hy vọng của ngày mai, hãy vượt qua sự tự do đơn thuần ở thành phố Berlin, ở nước Đức của các bạn, để vươn tới một sự tự do tiến bộ khắp mọi nơi, vượt qua bức tường này để đến với hòa bình cùng công lý, vượt qua các bạn và chúng tôi để đến với toàn thể nhân loại.

Diễn văn: Tôi là một người Berlin - John F. Kennedy
Bức tường Berlin do phía Đông Đức dựng lên như một giới tuyến nhân tạo để ngăn chặn người đi lại giữa Đông và Tây Đức.
Diễn văn: Tôi là một người Berlin - John F. Kennedy
Người dân Berlin vui mừng trèo lên bức tường Berlin, một ngày trước khi nó bị đập bỏ vào năm 1989, tức 26 năm sau bài phát biểu của tổng thống John F. Kennedy.

Sự tự do là không thể bị chia cắt, và khi một người còn bị nô lệ, thì toàn thể sẽ không thể tự do. Khi tất cả được tự do, chúng ta nhìn – chúng ta có thể nhìn thẳng đến tương lai khi thành phố này được tái hợp lại thành một và đất nước này cũng như lục địa châu Âu rộng lớn này hòa vào một thế giới hòa bình và đầy hy vọng. Khi ngày đó tới, và nó sẽ tới, những công dân Tây Berlin sẽ cảm thấy mãn nguyện một cách điềm tĩnh, vì họ đã ở tiền tuyến gần 2 thập niên.

Và tất cả – tất cả những con người tự do, cho dù còn sống hay đã khuất, đều là người dân của Berlin.

Và, do đó, với tư cách là một người tự do, tôi tự hào về câu nói:

Ich bin ein Berliner”

(Tôi là một người Berlin [tự do])

Trong quá trình biên dịch, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch sát nghĩa và thể hiện được tinh thần của bài diễn văn trong khả năng tốt nhất của mình, tuy nhiên để mang được cái hồn của những áng văn tới độc giả là một điều không dễ. Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến giúp cho bản dịch hoàn chỉnh và hay hơn.

Thanh Huy

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn