Từ những chiếc bẫy tình báo của Putin đến ‘đồng chí Krasnov’

Thứ Ba, 25 Tháng Ba 20254:00 CH(Xem: 610)
Từ những chiếc bẫy tình báo của Putin đến ‘đồng chí Krasnov’

Từ những chiếc bẫy tình báo của Putin đến ‘đồng chí Krasnov’

Modified date:

Trúc Phương/Người Việt

Nguyên thủ Phương Tây duy nhất giờ đây vẫn đặt niềm tin vào Vladimir Putin dường như chỉ có “Đồng Chí Trump” (“Comrade Trump” như cách nói của Edward Lucas thuộc Trung Tâm Phân Tích Chính Sách Châu Âu, trong bài viết ngày 10 Tháng Ba, 2025 trên Foreign Policy). Tổng Thống Nga Vladimir Putin trong thực tế vẫn tỏ ra không bao giờ tin Mỹ và tiếp tục mở nhiều mặt trận tình báo nhằm vào Phương Tây…

Tình báo Nga có mặt “trên từng cây số”

Cuối Tháng Giêng, 2025, chỉ một tuần sau khi Donald Trump vào Tòa Bạch Ốc, James Appathurai, phó phụ tá tổng thư ký NATO, tường trình với các thành viên Nghị Viện Châu Âu rằng Nga đang tăng cường sử dụng chiến tranh hỗn hợp nhắm vào Phương Tây, được thực hiện với “các chiến dịch phá hoại diễn ra trên khắp các quốc gia NATO vài năm trở lại đây,” từ làm trật bánh xe các đoàn xe lửa, đốt phá cơ sở hạ tầng đến mưu sát các nhà công nghiệp hàng đầu.

Từ khi Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine năm 2022, các hoạt động phá hoại do tình báo Nga chủ mưu đã được ghi nhận ở 15 quốc gia (dẫn lại từ Foreign Affairs, ngày 20 Tháng Ba).

Trong khi đó, chính quyền Trump lại có nhiều hành động tái lập quan hệ với Nga và thậm chí xoa dịu Putin. Trump nói về một kỷ nguyên mới trong quan hệ Washington-Moscow. Với giới quan sát, ít ai nghĩ rằng Moscow thật sự tin Phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng.

Tháng Hai, Fyodor Lukyanov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Valdai Club (một tổ chức ủng hộ Kremlin), khẳng định rằng không có cơ hội nào cho một “Yalta thứ hai” – tức một thỏa thuận xác định lại vấn đề biên giới và phạm vi ảnh hưởng ở Châu Âu. Dmitry Suslov, một tiếng nói có sức ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại của Nga, cũng nói rằng bất kỳ sự tan băng nào trong quan hệ Mỹ-Nga cũng không kéo dài và khó có thể tồn tại qua cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2026 ở Mỹ.

Xuất thân từ tình báo, Putin dường như “nghiện” tổ chức phá hoại. Với Putin, việc làm suy yếu phương Tây bằng các hành vi phá rối là một chiến lược.

Trong bài báo gần đây, Wall Street Journal cho biết, cơ quan được Kremlin giao nhiệm vụ phá hoại Phương Tây là Cục Nhiệm Vụ Đặc Biệt (viết tắt theo tiếng Nga là SSD). Đây là đơn vị mới, được thành lập năm 2023, với mục đích phá rối bất kỳ quốc gia Phương Tây nào ủng hộ Ukraine.

Hoạt động trắng trợn nhất của SSD là ám sát Armin Papperger, người đứng đầu Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức. Điệp vụ được thực hiện vào đầu năm 2024 nhưng bất thành vì bị tình báo Đức và Mỹ phát hiện.

Phó Phụ Tá Tổng Thư Ký NATO James Appathurai cho biết thêm, Nga còn tuyển dụng “các băng đảng tội phạm” để thực hiện các hành động phá hoại lẻ tẻ nhưng thường xuyên, với mục đích gây hỗn loạn và tạo tâm lý sợ hãi. Tháng Ba, 2024, hai người đàn ông Anh đã bị bắt vì tội đốt một nhà kho (ở phía Đông London) có liên quan đến việc giúp đỡ Ukraine.

SSD quy tụ nhiều thành phần khác nhau của các cơ quan tình báo Nga. Theo giới chức tình báo phương Tây, SSD có ba nhiệm vụ trọng yếu: Thực hiện các điệp vụ giết người và phá hoại ở nước ngoài; xâm nhập các công ty và trường đại học phương Tây; và tuyển dụng cũng như đào tạo điệp viên nước ngoài.

Trung Tướng Andrey Vladimirovich Averyanov và Thiếu Tướng Ivan Sergeevich Kasianenko là những người giám sát SSD. Averyanov, một cựu binh trong cuộc chiến Chechnya, từng bị cảnh sát Czech truy nã vì bị tình nghi dính líu chiến dịch đánh bom một kho đạn năm 2014. Đương sự được Putin tặng danh hiệu cao quý nhất nước Nga “Huy Chương Anh Hùng” sau khi tham gia cuộc xâm lược Crimea.

SSD tập trung đặc biệt vào nước Đức vì Nga coi quốc gia này là mắt xích yếu trong NATO. Tháng Năm, 2024, điệp viên SSD đã đốt một nhà máy ở Berlin. Trước thềm cuộc bầu cử liên bang Đức vào Tháng Hai, loạt tấn công nhằm vào thường dân Đức đã xảy ra. Tháng Sáu, 2024, an ninh Pháp bắt một người mang hai quốc tịch Ukraine-Nga sau khi một quả bom tự chế phát nổ trong phòng khách sạn của đương sự. Theo an ninh Pháp, đương sự (bị buộc tội khủng bố) đã lên kế hoạch đánh bom một cửa hàng.

Trò phá hoại của Nga được thực hiện với muôn hình vạn trạng và không nhất thiết luôn có yếu tố bạo lực. Có nhiều bằng chứng cho thấy gián điệp Nga sử dụng mạng xã hội để tuyển thanh thiếu niên phun những khẩu hiệu thù hận lên tường các chung cư ở những khu phố đông dân nhập cư, đe dọa hoặc làm nhục người dân địa phương, kích động lòng căm thù nhằm vào những người tỵ nạn từ Ukraine hoặc Syria.

Lợi dụng sự thù ghét người nhập cư ở châu Âu nói chung, cùng với sự căng thẳng gia tăng về vấn đề nhập cư, tình báo Nga nhắm đến việc gây rối dư luận và tác động đến tình hình chính trị ở một châu Âu mà phong trào cực hữu đang dâng mạnh.

Bằng chứng rõ nhất cho việc tuyển dụng điệp viên nước ngoài của SSD là vụ điệp viên Bulgaria. Đầu Tháng Ba, 2025, một tòa án ở London đã xét xử và kết án một nhóm người Bulgaria bị buộc tội làm gián điệp cho Nga, từ việc rình mò căn cứ quân sự Mỹ tại Stuttgart (Đức); lên kế hoạch tấn công Tòa Đại sứ Kazakhstan ở London; đến việc tấn công hai nhà báo điều tra và một chính trị gia Kazakhstan lưu vong ở London. Công tố viên Anh cho biết đường dây gián điệp trên do nhà tài phiệt người Áo Jan Marsalek cầm đầu.

Nhân vật này đã trốn sang Moscow sau khi công ty Wirecard của ông ta sụp đổ năm 2020 trong một vụ lừa đảo trị giá $2 tỷ.

Jan Marsalek không chỉ chỉ huy nhóm điệp viên Bulgaria mà còn điều hành các hoạt động bí mật ở nhiều nơi, trong đó có Vienna, London, Montenegro, Stuttgart, Valencia… Nhóm Bulgaria (gồm một thợ trang trí, một võ sĩ và hai kỹ thuật viên phòng thí nghiệm) tự đặt cho họ những mật danh như Jean-Claude Van Damme, Jackie Chan (Thành Long), Mad Max… “Đồ nghề” của họ gồm các thiết bị gián điệp cao cấp, trong đó có một chai Coke có gắn camera và một món đồ chơi nhồi bông bên trong giấu camera.

“Đồng chí Krasnov”

Châu Âu đang tăng cường an ninh trước hoạt động không ngừng nghỉ của tình báo Nga. Một số nước đã thực hiện các biện pháp mới để bảo vệ cáp viễn thông, đường ống khí đốt và những cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực Baltic giáp Nga. Đầu Tháng Giêng, 2025, hệ thống phản ứng nhanh do Anh đứng đầu đã được thành lập để theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng đối với cơ sở hạ tầng dưới nước đồng thời giám sát hạm đội tàu ngầm của Nga.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn trong cộng đồng tình báo Mỹ với sự tái định hướng của Trump trong chính sách liên quan Nga đã khiến việc định hình một phản ứng toàn diện của Phương Tây trở nên khó khăn. Chính sách giảm nhân sự trong CIA đang được thực hiện đã được tình báo Nga hồ hởi đón nhận. Trong khi đó, chính quyền Trump lại đặt ra những ưu tiên mới cho tình báo Mỹ, chẳng hạn tập trung vào… các băng đảng ma túy ở Mexico. Đối với tình báo Nga, những hành động mới của Mỹ có thể được khai thác như một cơ hội để họ tăng cường hoạt động ở Phương Tây.

Cần nhắc lại, vào những năm 1990, sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Mỹ từng sai lầm khi buông lỏng giám sát Nga. Chính sự giảm thiểu hoạt động tình báo của Mỹ và Phương Tây đã góp phần vào việc đánh giá sai Putin trong những năm đầu nhân vật này mới lên nắm quyền, khi Putin đặt nền móng cho chế độ độc tài và chuẩn bị những động thái cho cuộc đối đầu châu Âu lẫn Mỹ.

Cần nói thêm, thời gian gần đây, mạng xã hội rộ lên nguồn tin rằng Trump từng được KGB tuyển mộ và làm tình báo cho Nga với mật danh “Krasnov.”

Hạ tuần Tháng Hai, 2025, cựu giám đốc cơ quan tình báo Kazakhstan, Alnur Mussayev, tung ra “quả bom tấn” khi nói rằng Donald Trump đã được KGB tuyển dụng vào năm 1987, khi ông trùm bất động sản 40 tuổi này lần đầu tiên đến Moscow. Alnur Mussayev không hề đưa ra bằng chứng tài liệu nào.

Tờ The Hill (ngày 26 Tháng Hai) cho biết thêm, Alnur Mussayev không là cựu sĩ quan KGB duy nhất đề cập chuyện này. Vài năm trước, Yuri Shvets, cựu thiếu tá KGB hiện cư ngụ tại Washington DC, cũng nói đến vụ trên. Yuri Shvets là một trong những nguồn tin chính cho cuốn “American Kompromat: How the KGB Cultivated Donald Trump, and Related Tales of Sex, Greed, Power, and Treachery” của tác giả Craig Unger.

Cũng theo nguồn The Hill, ngay sau khi Alnur Mussayev đề cập vụ “đồng chí Krasnov,” một cựu sĩ quan KGB hiện sống tại Pháp, Sergei Zhyrnov, đã xác nhận sự việc trong cuộc phỏng vấn với một nhà báo Ukraine.

Theo Sergei Zhyrnov, Trump đã bị các điệp viên KGB tiếp cận 24/7, khi họ cải trang thành tài xế taxi hoặc người dọn phòng khách sạn. Zhyrnov thuật rằng mọi hành động của Trump đều được ghi lại, rằng Trump có thể đã bị mắc vào bẫy mỹ nhân kế (“tất cả gái mại dâm nhận ngoại tệ đều là dân KGB – 100%,” Sergei Zhyrnov nói). Trump cũng có thể đã bị nắm thóp khi bị ghi lại cảnh hối lộ giới chức Moscow. Đó là thời điểm Trump ấp ủ dự án xây một khách sạn ở thủ đô Liên Xô.

Cho đến thời điểm này, chẳng ai có thể biết thực hư vụ “đồng chí Krasnov” ra sao. Cả ba cựu điệp viên KGB nói trên đều không đưa ra bất kỳ chứng cứ nào. Nhưng tại sao ba người, ở ba nơi khác nhau, lại cùng xác nhận một câu chuyện?

Vụ “Krasnov” cho đến nay vẫn tiếp tục lan rộng trên mạng xã hội, như một cách giải thích cho sự nhún nhường rất không bình thường của Trump trước Putin. Biết chừng đâu chính Putin là kẻ dựng nên cái bẫy “Krasnov” để làm tăng thêm sự hỗn loạn, trong bối cảnh rối ren mà Trump đang là trung tâm của mọi rối ren. [kn]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Giao Kèo
Web tham khảo