Nhật BảnCác nhà khoa học phát triển một loại khẩu trang mới sử dụng kháng thể từ đà điểu để phát hiện nCoV bằng cách phát sáng dưới tia cực tím, giúp xét nghiệm chi phí rẻ tại nhà.
Loại khẩu trang không dệt mới có lớp lọc phủ kháng thể đà điểu phát hiện nCoV, dựa trên kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy loài chim này có khả năng kháng bệnh mạnh. Những kháng thể này được lấy từ trứng đà điểm tiêm nCoV bất hoạt không gây nguy hiểm. Kháng thể truyền sang chim non thông qua lòng đỏ trứng. Kháng thể cũng hình thành nhanh hơn ở đà điểu, chỉ trong vòng 6 tuần so với 12 tuần ở gà.
Trong một nghiên cứu nhỏ của giáo sư Yasuhiro Tsukamoto và cộng sự ở Đại học Kyoto ở phía tây Nhật Bản, các tình nguyện viên đeo khẩu trang trong 8 giờ trước khi lớp lọc được lấy ra và phun hóa chất phát sáng dưới tia cực tím nếu có nCoV. Khẩu trang đeo bởi người nhiễm virus phát sáng quanh vùng mũi và miệng. Nhóm nghiên cứu cho biết đèn LED của điện thoại thông minh cũng có thể dùng để phát hiện virus, cho phép ứng dụng rộng rãi hơn loại khẩu trang này.
Các nhà khoa học hy vọng có thể phát triển loại khẩu trang mới để sản phẩm phát sáng tự động mà không cần đèn chiếu đặc biệt. Đây là dạng xét nghiệm ban đầu nhanh và trực tiếp hơn nhiều so với xét nghiệm PCR, theo Tsukamoto. Khẩu trang phát sáng cũng có thể phát hiện người mang virus không bộc lộ triệu chứng. Thí nghiệm của Tsukamoto và cộng sự kéo dài hơn 10 ngày với 32 bệnh nhân Covid-19.
"Kháng thể đà điểu đặt ở lớp lọc của khẩu trang sẽ giữ lại nCoV khi ho, hắt hơi và uống nước. Tiếp theo, kháng thể đà điểu nhuộm huỳnh quang phản ứng và virus lộ ra khi soi dưới ánh đèn. Chúng tôi cũng thành công trong việc hiển thị kháng nguyên virus trên lớp lọc chứa kháng thể đà điểu bằng đèn LED của điện thoại di động. Điều này khiến việc sử dụng khẩu trang ở nhà rất dễ dàng. Khẩu trang có thể xác nhận sự tồn tại của virus ở người mới nhiễm nCoV trong 8 giờ", nhóm nghiên cứu cho biết.
Tsukamoto đã nghiên cứu đà điểu suốt hai thập kỷ, tìm cách điều chỉnh khả năng miễn dịch của chúng để chống lại bệnh cúm gia cầm, dị ứng và nhiều bệnh khác. Trước đây, Tsukamoto từng tạo khẩu trang giúp phát hiện bệnh cúm lợn.
Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho mẫu khẩu trang đặc biệt. Họ đã lên kế hoạch thương mại hóa bộ kit kiểm tra, bán ở Nhật và nước ngoài trong năm sau. Tuy nhiên, Tsukamoto và cộng sự vẫn chưa tiến hành thử nghiệm bộ lọc khẩu trang trên quy mô lớn. Họ cũng không tiết lộ chi phí sản xuất khẩu trang.
An Khang (Theo Mail)