Phong cách sống trễ nải của người Croatia

Thứ Hai, 05 Tháng Ba 20189:00 CH(Xem: 6645)
Phong cách sống trễ nải của người Croatia
bbc.com
Kristin Vuković BBC Travel

Kathy Vukovic Bản quyền hình ảnh Kathy Vukovic

Vào một ngày tháng Bảy nóng nực, tôi ngồi tại quán nước ở Dubrovnik chờ người đến đưa chìa khóa căn hộ tôi thuê. Tôi ngồi đợi đến hơn một giờ đồng hồ.

“Xin lỗi, anh có thấy Pero không?” tôi hỏi người phục vụ bằng tiếng Croatia. “Tôi cần gặp anh ấy để lấy chìa khóa vào nhà.”

“Có lẽ anh ta đang nghỉ fjaka rồi,” nhân viên phục vụ nói và nhún vai.


Bực bội, tôi muốn giơ hai tay lên trời. Vốn là một người New York thiếu kiên nhẫn lúc nào cũng đeo đồng hồ, sự trễ hẹn của anh ta làm tôi như phát điên.

Khái niệm khó nắm bắt

Rõ ràng, có một làn sóng fjaka đang diễn ra ở khắp nơi do tiết trời nóng bức vào mùa hè. Cuối cùng thì Pero cũng xuất hiện với chìa khóa sau một tiếng rưỡi mà không có bất kỳ lời xin lỗi hay giải thích nào.

Cho đến lúc đó, sau một số chuyến đi đến Dalmatia, một vùng của Croatia nằm dọc theo biển Adriatic, tôi đã nghe nhiều về từ ‘fjaka’, nhưng tôi vẫn chưa hiểu được khái niệm này chứ nói gì đến chấp nhận nó. Nguồn gốc gia đình tôi là ở Karlovac, gần Zagreb, nơi ảnh hưởng Áo-Hung đã tạo ra một cách suy nghĩ hoàn toàn khác.

Một người dân địa phương giải thích với tôi, fjaka là một trạng thái tinh tế khi mà con người không đòi hỏi bất cứ điều gì. Fjaka là điều không thể học được.

Ở Dalmatia, nó được xem là món quà của Thượng Đế và chúng ta phải trải nghiệm nó thì mới hiểu được ý nghĩa của nó.

Nhiều người Dalmatian mà tôi hỏi chuyện trong một chục chuyến đi giải thích rằng fjaka là một khái niệm khó nắm bắt, cần phải được trải nghiệm bằng nhiều cách khác nhau.


Lần đầu tiên tôi đầu hàng fjaka là lúc tôi học tiếng Croatia ở Dubrovnik hồi tháng Tám 2004.

Lúc đó vẫn là khoảng thời gian yên ả trước khi du khách ồ ạt đổ tới, trước khi thành phố có tường bao từ thời Trung Cổ được lấy làm bối cảnh cho các phim Game of Thrones và Star Wars.

Uể oải, lờ đờ

Nó bắt đầu khi tôi nghe thấy tiếng dép lê loẹt quẹt trên con đường lát sỏi đã có từ hàng thế kỷ chậm lại. Tôi nhớ lại mình ngồi ở quán Café Festival ở Stradun, đầu mối giao thông chính ở Phố Cổ nơi mà các con đường tỏa ra.

Bản quyền hình ảnh Kallay Collection
Image caption Mato Celestin Medović, Bonaca,1908, tranh dầu

Dưới tấm vải bạt, vốn không che chắn được cho tôi bao nhiêu trước cái nắng gay gắt của vùng Địa Trung Hải, tôi nhấm nháp bijela kava (cà phê sữa) và đổ mồ hôi ướt áo, ngồi nhìn người qua lại và ghi chép vào sổ tay hàng giờ.

Cái nóng cháy da cháy thịt và cái nắng Địa Trung Hải như thiêu đốt chính là nguyên nhân gây ra tình trạng uể oải gắn liền với fjaka; tôi có cảm giác là nhiệt độ oi bức mùa hè đang dần dần quất ngã tôi.

Cuối cùng, tôi không còn có thể nhấc bút lên trang viết và suy nghĩ của tôi vút qua như chim én vụt bay trên bầu trời với đôi cánh như cái xén cỏ lao vào khoảng trời xanh ngắt không một gợn mây.

Fjaka nuốt lấy tôi vào cái nóng bỏng của nó giống như một câu nói mà tôi đã học được sau đó: “Ajme, judi, ufatila me fjaka!” (“Ôi Trời ơi, bạn bè tôi ơi, tôi bị trúng fjaka rồi!”). Năng lượng của tôi hao mòn. Tôi cảm thấy không thể nào làm việc nữa.


Nhà thơ Croatia Jakša Fiamengo nói rằng fjaka là một trạng thái của thể xác và tâm hồn.

“Nó giống như trạng thái bất tỉnh nhân sự,” ông viết, “một trạng thái vượt quá bản ngã hay nằm sâu bên trong bản ngã, một dạng bất động, buồn ngủ và cứng đờ nói chung, một sự uể oải và không thiết tha gì đến tất cả các nhu cầu quan trọng cũng như thứ yếu, một trạng thái lờ đờ như muốn lịm đi và sự thụ động nói chung trong quá trình đi tới hư vô.

Cảm giác về thời gian bị mất và sự trì trệ và sức ì của fjaka khiến cho ta có cảm giác thời gian trôi qua nhẹ nhàng. Chính xác hơn, nó vừa là ở đâu đó vừa là không ở đâu hết, luôn là đâu đó ở giữa hai thái cực.”

Lịch sử phức tạp

Bằng cách nào đó mà Croatia luôn luôn ‘ở giữa’. Nằm lọt thỏm giữa biển Adriatic, Montenegro, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Hungary và Slovenia, vùng đất nay là Croatia từ lâu đã là điểm xung đột giữa Đông và Tây.

Gần đây nhất, cuộc chiến tranh Nam Tư vào những năm 1990 đã làm tan rã một đất nước phức tạp được cấu thành từ những khu vực Slave giống nhau nhưng đặc trưng, một đất nước bị chia rẽ do sắc tộc, tôn giáo và địa lý.

Bản quyền hình ảnh Kristin Vuković
Image caption Dubrovnik là một trong nhũng thành phố lớn nhất của Dalmatia

Nằm ở miền trung bờ biển phía đông của biển Adriatic, Dalmatia có một bản sắc khu vực đặc trưng trong lòng Croatia và giữa một vùng Địa Trung Hải dễ dãi thoải mái.

Vào thời Trung Cổ, phần lõi của nhà nước Croatia ra đời ở khu vực lịch sử Liburnia và Dalmatia của vùng biển Adriatic.


Biên giới địa lý thường bị tranh chấp và thay đổi theo thời gian, phản ánh một khu vực hỗn loạn với những ảnh hưởng văn hóa riêng biệt.

Đa phần các thành phố ở Dalmatia (ngày nay, các thành phố lớn nhất ở Dalmatia là Zadar, Šibenik, Split và Dubrovnik) thuộc sở hữu lâu đời của nước Cộng hòa Venetia, một nhà nước có chủ quyền và một nước cộng hòa ven biển nằm về đông bắc nước Ý, vốn cai trị trên khắp vùng biển Adriatic trong suốt 400 năm.

Ảnh hưởng của nước Ý vẫn còn hiển hiện ở Dalmatia. Nhiều người dân Dalmatia vẫn chêm những từ gốc Ý vào ngôn ngữ Croatia vốn đã được điều chỉnh cho phù hợp với nguồn gốc Slave của khu vực.

Không có gì ngạc nhiên khi từ fjaka bắt nguồn từ một từ tiếng Ý – fiacca (có nghĩa là mệt mỏi) – nhưng fjaka không có từ tương đương trong ngôn ngữ khác để có thể chuyển tại đầy đủ ý. Từ fjaka trong ngôn ngữ Dalmatia cũng tương tự như câu nói cổ điển trong tiếng Ý dolce far niente (ăn không ngồi rồi là hay) nhưng chúng không có nghĩa như nhau.

Dolce far niente có ngụ ý tích cực trong khi fjaka không nhất thiết phải là tốt hay xấu. Như cách nói của Fiamengo, nó nằm đâu đó ở khoảng giữa.

Phần thiết yếu trong tính cách

Trong những chuyến đi của tôi đến Dalmatia, bắt đầu vào năm 2000, tôi quan sát thấy rằng trong khi du khách nằm tắm nắng dưới ánh nắng trưa chiếu liên tục, thì người dân Dalmatia thường rút vào trong nhà hay tìm những nơi có bóng râm để tìm điều tương tự như siesta – một thói quen ngủ trưa giúp tái tạo năng lượng và tiếp thêm sức lực cho cơ thể và tâm hồn.

Tôi cảm thấy thoải mái với buổi trưa không làm gì trong bóng râm, để cho fjaka thổi qua tôi như một cơn gió nhẹ vùng Địa Trung Hải.


Khi các cửa hàng đóng cửa, tôi đã chấp nhận câu trả lời như: “Ông ấy đang nghỉ fjaka”. Tôi bắt đầu cảm thấy thích nhịp sống chậm rãi của Dalmatia.

Igor Zidić, một nhà phê bình và nhà sử học nghệ thuật ở Split, nói rằng fjaka là một phần thiết yếu và đặc trưng trong tính cách của người Dalmatia.

“Cùng với những thứ khác, fjaka, là một cách để sinh tồn: nó không tồn tại ở bắc hay tây Âu và những hiện tượng liên quan của nó được ghi nhận trên khắp vùng Địa Trung Hải nơi nhiệt độ mùa hè có thể lên đến 40 độ C,” Zidić nói.

“Dĩ nhiên, đối với những ai dễ bị ảnh hưởng bởi fjaka, fjaka đã định hình hành vi và cách xử sự của họ, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ.”

“Có lẽ tôi là một trong những người được sinh ra trong fjaka, từ trong bụng mẹ. Fjaka là một phần trong tính cách của tôi,” ông Dino Ivančić, một hướng dẫn viên ở Split và là cựu giáo sư lịch sử, ngôn ngữ và văn học Ý, người có gốc gác dòng họ ở Split trải qua nhiều thế hệ, nói.

Khi Ivančić chụp ảnh một người trong trạng thái fjaka, anh ta nằm duỗi trên võng cạnh bờ biển dưới bóng cây với một chai rượu đầy trong tầm tay, và dây câu cá buộc vào ngón chân.

Kỷ niệm đáng nhớ

Fjaka còn được thể hiện trong bài hát Smoči svoj…(u more prst), có nghĩa là "Hãy nhúng ướt… (ngón tay của bạn xuống biển)” – của ca-nhạc sỹ đến từ Split có tên là Toma Bebić.

“Ông ấy viết như thế bởi vì khi vào fjaka, chúng tôi không muốn đi đâu cả mà chúng tôi đưa phần còn lại của thế giới đến vùng Split xinh đẹp của chúng tôi,” Ivančić nói.

“Khi anh đang trong fjaka, anh thậm chí còn không muốn đi đâu hết. Đó là lý do ông ấy hát hãy nhúng ướt ngón tay bị ướt và sau đó anh sẽ kết nối với phần còn lại của thế giới, vậy là đủ.”

Có những ngày hè ở Dalmatia ngay cả việc nhúng ngón tay vào nước biển dường như cũng là một thành tích lớn vì nó đòi hỏi sức lực dự trữ mà tôi dường như không có.

Tôi cảm thấy rõ ràng sự mệt mỏi, buồn ngủ và chậm chạp của fjaka, nhưng tôi hiểu rằng cuộc sống hoạt động theo cách mà thời tiết muốn.

Bản quyền hình ảnh Kathy Vukovic

Tôi muốn chia sẻ trạng thái này với người khi đó còn là bạn trai của tôi khi anh ấy đến thăm Dubrovnik lần đầu vào năm 2007. Tôi tin rằng Jaidev sẽ hiểu một cách trực giác.

Vốn là một người đến từ Punjab, nơi mà đến ăn tối trễ hơn một tiếng đồng hồ là điều bình thường, tôi nghĩ rằng anh sẽ chấp nhận quan niệm này mà không chống đối.

Chúng tôi thuê một con tàu và chạy ra biển, dừng lại để bơi và ăn trưa trong hai giờ với cá tươi trên một hòn đảo không người ở.

Anh đem lên tàu một chiếc cặp tài liệu mà tôi thấy buồn cười vì tôi biết rằng cả hai chúng tôi chắc chắn phải chịu fjaka với sự kết hợp của biển, nắng và một chai rượu prosecco.

Điều tôi không biết là trong chiếc vali đó có một chiếc nhẫn.

Anh đánh thức tôi khi tôi đang ngủ trưa trên boong tàu với lời cầu hôn. Anh nói: “Em có muốn dành cuộc đời còn lại sống với anh không?” Tôi trả lời có.

Mở cái hộp ra, anh nói: “Lấy anh nhé”. Chúng tôi đã kết hôn hai năm sau đó ở Dubrovnik.

Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Travel.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn