Tin thêm về Lan "Giao" và các chuyến bay giải cứu mùa Covid

Thứ Ba, 01 Tháng Hai 20225:25 CH(Xem: 3273)
Tin thêm về Lan "Giao" và các chuyến bay giải cứu mùa Covid
Ngày 27/01/2022, Bộ Ngoại giao đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự để phục vụ công tác điều tra. Bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.
AVvXsEhlmSL0gPIFbC0vHaETU1UG_0v94TBAGJziTt45uBofdaLH1GDS6Lsn5iFqnnM4UBC3-TuQtT-G6H1wie1d6z1Zb6PzLYkI1Fra1UtwR1iQuWRp1Q19B--_jpkNs-c97gZMa_DqPCp3bjvdUdxxTzlsMnU2W509_VXSUMCJanIDJUqZzjH4nlcLsrkm=w640-h630
Thông tin ban đầu ngày 28/1 nói đây là vụ án liên quan tố cáo nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước. Cùng tội danh, xảy ra việc khởi tố, tạm giam ba ông, Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Gần đây, chính phủ Việt Nam nói về hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/1 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.

Bà Lê Thị Thu Hằng phản hồi lại câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về thực trạng người Việt về nước theo các "chuyến bay giải cứu" phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn được truyền thông đưa tin và những đề xuất thanh tra điều tra có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

"Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

"Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

"Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

"Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Theo phản ánh của nhiều người dân và đã được báo chí trong nước loan tin, giá vé của các chuyến bay giải cứu thời gian qua cao gấp nhiều lần giá vé thông thường. Ví dụ như giá vé một chiều giải cứu người về từ Mỹ và Canada đã lên tới 52 - 58 triệu đồng một vé cao gấp đôi mức giá thông thường.

Ngoài các thủ tục giấy tờ rườm rà, người về nước dù đã tiêm đủ vắc-xin cũng phải cách ly. Theo phản ánh của người Việt tại Mỹ thì chi phí cách ly khoảng 500.000 đồng/ phòng/người chỉ có bữa ăn sáng đến 1,5 triệu đồng/phòng/người có ba bữa.

“Khúc ruột ngàn dặm” có ý nghĩa sâu xa như thế nào?
AVvXsEh4JMdrA9ubA50HspcPcBhfou-sZI0bXa3d0flCGDCjKVw7HBmbB5el4X8mouL1lV9TMBBIAGlc75s6VLl68suIKYwMy6uVoYCO66tlhXwtmTWGaUEwI4_imlggbrdUZJRpH1zsZpUKXkPB_QmzMyh_fqZ1fpCiPFQfREiCNdMUgCVskB9_SjDlJv-J=w478-h640
Trong tháng 7, rồi đến tháng 10 (2021), quốc lộ 1A chứng kiến cuộc hồi hương bất đắc dĩ đầy đau đớn của hàng trăm ngàn người ở miền Bắc, miền Trung, cao nguyên, miền Tây dắt díu nhau đi bộ, chạy xe máy vượt cả ngàn cây số từ Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… chạy dịch.

Họ không ngờ những đồng bào của họ, những người hầu hết khá giả hơn những công nhân, người lao động tự do, nhân viên bán hàng, thợ bậc thấp kia, vậy mà nếu muốn “hồi hương” cũng phải trải qua hành trình vạn dặm uất ức, tủi nhục không kém, cho dù nhàn thân và an toàn hơn.

Trên trang chủ chính thức, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam đưa ra thông tin về ba loại chuyến bay cho những người Việt ở nước ngoài đang muốn về nước trong thời gian này. Nó gồm những ba loại: chuyến bay hồi hương, chuyến bay charter và chuyến bay chuyên gia. (Bay charter có nghĩa là chuyến bay thuê, tạm gọi là chuyến bay thương mại để phân biệt với chuyến bay giải cứu. Còn tại sao Hàng không Quốc gia Việt Nam lại nửa Việt nửa tây cho nó hoạt activities thế thì xin đi hỏi Chi Pu).

Chuyến bay hồi hương ưu tiên cho người cao tuổi đi thăm thân ở Mỹ bị kẹt lại, người mất việc, hết hạn hợp đồng, hết hạn visa hay đã học xong không có việc làm… là tốt, có tính nhân đạo. Nhưng tại sao thủ tục đối với đồng bào lại rắc rối nhiêu khê và tốn kém đến thế?

Nhiều người quen biết của tôi bên Mỹ đang kêu trời vì mớ thủ tục sặc mùi cố tình vẽ ra này.

Đầu tiên, họ phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.

Ông anh họ tôi và chị dâu đều là Việt nước mắm trăm phần trăm, dân văn phòng, định cư mấy chục năm ở Mỹ nhưng hàng năm vẫn đi đi về về trốn lạnh. Anh quốc tịch Mỹ, còn chị không thích nên chỉ lấy thẻ xanh và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Theo quy định kể trên, vợ chồng anh tôi sẽ phải… chia lìa ở sân bay: chàng là “quả chuối”, trong vàng nhưng ngoài (ai bảo) trắng tinh, không còn quốc tịch Việt nên đành chịu phận làm khách. Chỉ có nàng được đất mẹ giang rộng vòng tay đón về. 
 
Nhưng mà nàng cũng chớ vênh mặt vội, vì bước tiếp theo là phải được người thân ở Việt Nam đồng ý bảo lãnh. Mà người thân này phải là (một trong) cha, mẹ, anh, chị, chú, bác, ông, bà cơ! Nhưng anh chị tôi tuổi đã 70 cả rồi, cha mẹ chú bác ông bác khuất núi đã lâu, cả nhà định cư hải ngoại, ở Việt Nam chỉ còn mỗi cái nhà và mớ cháu chắt. Thế nhưng cháu chắt đâu có được bảo lãnh?

Mà, giả sử cha mẹ của anh họ tôi còn sống thì phải làm cái đơn như mẫu dưới này, rồi đến UBND phường hoặc Công an phường xin xét duyệt.

Đọc mẫu đơn này tôi muốn thét lên vì cái thái độ khúm núm lạy lục được người ta thản nhiên ấn vào những người dân. Chẳng hiểu sao các ông bà lãnh đạo, soạn thủ tục giấy tờ cho đến giờ vẫn còn mê man say đắm những từ ngữ hạ nhục người dân và đã hết thời lắm rồi như “xin, cho, xét duyệt, kính mong xác nhận cho, kính mong giúp đỡ cho, xin cam kết”? Sự di chuyển của những người gốc Việt về Việt Nam được trả hoàn toàn bằng tiền túi của họ - không phải các chuyến bay nhân đạo giải cứu - vậy tại sao họ cứ phải xin xỏ hết ông nọ đến ông kia để được… chi tiền?

Thế rồi trong đơn bảo lãnh đã xác định quan hệ nhân thân rồi, vẫn chưa đủ, lại phải làm một giấy riêng xác nhận thân nhân nữa. Xong rồi thì là vác tất cả mớ giấy đấy, cộng với bản sao hộ khẩu (mặc dù hộ khẩu đã bỏ từ 01.7/2021) + căn cước, lại lếch thếch lên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID để được xét duyệt một lần nữa.

Ngoài việc chấp hành các thủ tục nhập cảnh và phòng dịch, mắc gì họ phải kê khai tứ đại nhà mình rồi … đi xin? Ông phường, ông xã, ông Ban chống dịch nào có cái quyền ghê gớm vượt đấng Tạo hóa, vượt cả ông bà cha mẹ của người dân đến nỗi được ngồi vểnh râu xét duyệt nhu cầu trở về tổ quốc của họ? Các ông ấy căn cứ vào cơ sở gì để xét duyệt người này hay không xét duyệt người nọ? Ông Ban chống dịch mắc cái gì không đi mua vắc-xin, đi theo dõi sức khỏe người dân, đi bảo vệ những tỉnh thành đang bùng dịch sau làn sóng người về từ Sài Gòn Bình Dương, mà ngồi tít trên thượng tầng ông cũng ráng thò tay xuống tận phường xã để ăn chia cái quyền … xét duyệt? Các ông biết cái (tự kiểm duyệt ) gì mà xét?

Hay, đấy chính là thứ nghệ thuật sống sượng trơ trẽn của việc chia lợi ích, chia cái túi tiền của những con mòng Việt kiều khốn khổ tự dưng lại giở giói muốn về nơi chôn rau cắt rốn?

“Một ngày lạ thói sai nha”

Tấn hài kịch chưa hết. Đi xin đã đời rồi, trước khi lên máy bay, người về Việt Nam còn phải chuẩn bị xác nhận của khách sạn cách ly, xác nhận của nhà xe sẽ đón tại sân bay về khách sạn cách ly (có số xe và số tài xế), xét nghiệm âm tính COVID-19 loại Real Time PCR được thực hiện 72 giờ trước giờ nhập cảnh Việt Nam, đơn cam kết thanh toán phí bảo hiểm, và… hình thẻ (chắc để dán lên hồ sơ!).

Mặc dù các thông tin nhân thân đều đã được thiết lập và cập nhật trên hệ thống, trên QRcode, nhưng mà cứ phải xài thật nhiều giấy, mỗi giấy lại phải có mộc đỏ như thế, cho các anh chúng em có việc làm và… có tí cháo!

Ấy chết tí nữa quên! Người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin ở Mỹ, ngoài QRcode ra còn phải đi in cái giấy xác nhận, rồi lại phải hợp pháp hóa lãnh sự cái giấy xác nhận ấy nữa quý vị nhé! QR code không tốn tiền nhưng giấy xác nhận thì 70 USD/em + 35 USD gửi thư nhanh + 50 USD tiền dịch vụ. Còn tiền hợp pháp hóa lãnh sự thì tôi không biết!

Thế còn tiền khi về đến Việt Nam thì sao?

“Rẻ” lắm.

Tiền khách sạn cách ly “có” khoảng 500.000 /phòng/người (chỉ có ăn sáng) đến trung bình 1,5 triệu/người (có ba bữa ăn) thôi!

Tiền xe chạy từ sân bay về (dù đi chung cả đoàn) cũng “có” dăm bảy trăm ngàn/người thôi!

Và trong 7-14 ngày ở đó, các vị buộc phải xét nghiệm PCR ba lần, mỗi lần 750.000 đ/em.

Kêu ca cái gì? Các vị là kiều, các vị bắt buộc phải ở khách sạn sang, cho xứng tầm nghe chửa? Chứ dân trong nước nhiễm bệnh thì cũng tự cách ly điều trị ở nhà. Gọi y tế đến thì họ cũng phát cho ít thuốc, dặn tự theo dõi, có gì gọi điện báo, thế thôi. Cơ mà các vị… ai bảo ở Mỹ về!

Rồi thì là, mặc dù người nào cũng đã tiêm chủng và âm tính trước khi lên máy bay, khả năng lây nhiễm trên máy bay rất thấp, khả năng trở nặng và tử vong càng thấp hơn. Mặc dù Thủ tướng của Việt Nam đã khẳng định phải sống chung với COVID chứ không thể có zero COVID. Mặc dù cũng những lãnh đạo ấy khăng khăng Việt Nam phải 4.0, số hóa, công nghệ hóa, do dân, vì dân!

Nhưng… Chính phủ thích nói gì cứ việc nói. Hàng không cứ cát cứ thế đấy! Y tế cứ cát cứ thế đấy! TPHCM cứ cát cứ thế đấy! Chúng ông cứ 0.4 thế đấy! Anh Chính giỏi thì tự đi mà lái máy bay đưa dân Việt Nam về!

Và... ngạc nhiên chưa?

Ngạc nhiên lắm. Ngã ngửa ra ấy chứ! Tự dưng ở dưới cái mớ hổ lốn thủ tục giấy tờ xoắn hết não ấy Hãng Hàng không Quốc gia nhà ta thỏ thẻ đưa ra… các gói dịch vụ. Chú ý nhé: gói dịch vụ cao nhất đảm bảo “hỗ trợ trọn gói các dịch vụ công văn (công văn bảo lãnh mà phải xét duyệt hai lần ấy) nhé!

Nghĩa là, thôi đến đây anh em hiểu nhau khỏi make it complicated Chi Pu nữa nhé! Toẹt ra là ở trên chúng em dọa các bác đấy, chả làm được đâu, ai người ta duyệt! Muốn nhanh về với vợ thì cứ xòe tiền ra, chúng em hị hị khoản xét duyệt ấy nói vô phép chứ của nhà trồng được bác ạ!

Khúc ruột ngàn dặm” có ý nghĩa sâu xa như thế nào?

Ruột ấy mà, người ta phải lộn trái nó ra. Bóp muối. Chà dấm. Xát gừng. Kỳ cho hết sạch mọi thứ trong lòng nó rồi luộc tới luộc lui, cắt khúc và chấm vào mắm tôm kèm với đủ thứ chua cay đắng chát. Nhai nát. Hoặc là nhồi lại vào lòng nó cũng đủ thứ chua cay mặn ngọt rồi thảy vào chảo dầu sôi sùng sục cho chín vàng ươm lên. Thế… mới thơm!
 
Nguồn: Trích từ một bài trên mạng.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn